TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
BẢN ÁN 78/2017/DS-PT NGÀY 28/08/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 36/2017/DS-PT ngày 27/6/2017 về "Tranh chấp chia thừa kế tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 51/2017/QĐXX-PT ngày 18/7/2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
1.1. Bà Cao Thị L - sinh năm 1960
1.2. Bà Cao Thị T - sinh năm 1963
Đều có địa chỉ tại: Khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
1.3. Bà Cao Thị Đ - sinh năm 1967
Địa chỉ: Khu 4, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
2. Bị đơn: Bà Cao Thị H - sinh năm 1957
Địa chỉ: Khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn L - sinh năm 1954; Địa chỉ: Khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
4. Người kháng cáo: Bà Cao Thị H - Là bị đơn. Ông Nguyễn Văn L - Là người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan.
5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ
(Bà L, bà Tự, bà Đ, bà H, ông Lam có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn kiện và lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn là các bà Cao Thị L, Cao Thị T, Cao Thị Đ trình bày: Các bà là con của cụ Cao Văn Chi (Chết năm 1979) và cụ Nguyễn Thị Thưởng (chết năm 2013) đều không để lại di chúc. Cụ Chi, cụ Thưởng sinh được sáu người con gồm: Cao văn Đức - sinh năm 1948 (Chết năm 1967 - Liệt sỹ); Cao Thị Hạnh - sinh năm 1952 (Chết năm 1972); Cao Thị H - sinh năm 1957; Cao Thị L - sinh năm 1960; Cao Thị T - sinh năm 1963; Cao Thị Đ- sinh năm 1967. Các cụ không có con nuôi, khi chết không để lại nghĩa vụ về tài sản. Ông Đức, bà Hạnh khi chết đều chưa có vợ chồng con cái. Di sản của cụ Chi, cụ Thưởng để lại là 4.626,7m2 đất, thửa đất số 146, tờ bản đồ số 31, tại Khu 7, xã Thượng Nông (nay là thửa số 324, tờ bản đồ số 15) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên cụ Thưởng năm 1991. Hiện tài sản do bà H, ông L (ông L là chồng bà H) quản lý. Nay đề nghị chia: 627,7m2 đất để làm nhà từ đường thờ cúng bố mẹ vị trí sát với ngôi nhà của bà H, ông L hiện nay; Phần còn lại 4.000m2 chia đều cho bốn người là: H, L, T, Đ. Chia cho bà H ở vị trí đã có nhà đã xây dựng. Cây cối trên phần đất chia cho ai người đó được hưởng.
Bị đơn bà Cao Thị H trình bày: Bà thừa nhận lời khai của các nguyên đơn về hàng thừa kế và di sản của bố mẹ để lại, nhưng cho rằng: Vợ chồng bà đã được mẹ bà là cụ Thưởng cho đất nên mới xây dựng hai ngôi nhà trên đất này. Do vẫn ở chung khi mẹ bà còn sống nên không làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình. Việc mẹ bà cho đất được thể hiện trong Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 có chữ ký của những người tham gia. Bà không nhất trí chia di sản thừa kế, đề nghị giữ nguyên quan điểm như biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn L trình bày: Năm 1989 cụ Thưởng đã tổ chức họp gia đình vào đúng ngày giỗ cụ Chi, giao cho vợ chồng ông quản lý và sử dụng nhà và đất nói trên, sau đó vợ chồng đã dỡ bỏ ngôi nhà cũ, xây dựng hai ngôi nhà mới trên đất. Ông không nhất trí chia di sản bởi khi họp gia đình có sự đồng ý của cả bà L, bà Tự, bà Đ nên vợ chồng ông mới làm nhà trên đất.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 15/5/2017, Toà án nhân dân huyện Tam Nông đã quyết định: Áp dụng: Điều 623, Điều 650, Điều 651, Điều 660, Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí lệ phí toà án. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí lệ phí.
1.Xác nhận di sản thừa kế của cụ Cao Văn Chi và cụ Nguyễn Thị Thưởng là quyền sử dụng (Trước đây là thửa đất số 146, tờ bản đồ số 31, nay là thửa số 324, tờ bản đồ số 15) có tổng diện tích là 4.626,7m2 đất (trong đó có 4.320m2 đất ở, 306,7m2 đất vườn), tại Khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Có tổng giá trị là: 1.664.541.200đ theo biên bản định giá ngày 20/7/2016 của Hội đồng định giá tài sản.
2.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Cao Thị L, Cao Thị T, Cao Thị Đ. Xử:
- Giao cho bà Cao Thị H sử dụng và sở hữu tài sản, cây cối trên diện tích đất 2.502,6m2 trong đó có 2.195,9m2 đất ở nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 306,7m2 đất vườn không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Thưởng. Diện tích đất được thể hiện theo hiện trạng trong hồ sơ. Trong đó phần diện tích đất (có ký hiệu S2) có các cạnh: Cạnh 5-6 = 0,52m giáp đất bà Quy; Cạnh 6-7 = 16,45m giáp đất bà Quy; cạnh 7-8= 9,49m giáp đất ông Quang; cạnh 8-9= 3,55m giáp đất ông Quang; cạnh 9-28= 44m giáp đất giao cho bà Tự; cạnh 28-29= 5,31m giáp đường BT xóm; cạnh 29-30= 8,36m giáp đường BT xóm; cạnh 30-31= 18,59m giáp đường BT xóm; cạnh 31-32 = 3,29m giáp đường BT xóm; cạnh 32-5= 33,2m giáp phần đất giao cho bà L. Có diện tích là 1.221,1m2 trên đất có một ngôi nhà cấp bốn năm gian khép kín diện tích xây dựng 286m2. Và phần diện tích đất (có ký hiệu S5) có các cạnh: Cạnh 13-14=15,69m giáp đất ông Quang; cạnh 14-15= 14,41m giáp đất ông Quang; cạnh 15-16= 24,45m giáp đất ông Quang; cạnh 16-17= 2,42m giáp đất ông Quang; cạnh 17-18=3,51m giáp đất ông Quang; cạnh 18-19= 7,14m giáp đường BT xóm; cạnh 19-20 = 8,29m giáp đường BT xóm; cạnh 20-21= 6,97m giáp đường BT xóm; cạnh 21-22= 8,7m giáp đường BT xóm; cạnh 22-23= 7,77 giáp đường BT xóm; cạnh 23-24= 5,45m giáp đường BT xóm; cạnh 24-13= 48,5m giáp phần đất giao cho bà Đ. Có diện tích là 1.281,5m2 trên đất có một ngôi nhà cấp bốn, bếp và công trình phụ diện tích xây dựng 194,3m2. Có giá trị là 857.383.200đ (Có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
- Giao cho bà Cao Thị L sử dụng và sở hữu các cây cối trên diện tích đất 1.021,6m2 đất ở nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Thưởng. Diện tích đất (có ký hiệu S1) được thể hiện theo hiện trạng trong hồ sơ có các cạnh: Cạnh 1-2= 8,29m giáp đất chùa; Cạnh 2-3= 14,08 m giáp đất chùa; Cạnh 3-4= 12,05m giáp đất chùa; Cạnh 4-5= 24m giáp đất bà Quy; Cạnh 5-32= 33,2m giáp phần đất giao cho bà H; Cạnh 32-33= 17,03m giáp đường BT xóm; Cạnh 33-1= 18m giáp đường BT xóm. Có giá trị là 388.208.000đ (Có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
- Giao cho bà Cao Thị T sử dụng và sở hữu các cây cối trên diện tích đất 551,3m2 đất ở nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Thưởng. Diện tích đất (có ký hiệu S3) được thể hiện trong hồ sơ có các cạnh: Cạnh 9-10= 10,51m giáp đất ông Quang; Cạnh 10-11= 1,83m giáp đất ông Quang; Cạnh 11-26= 46m giáp phần đất giao cho bà Đ; Cạnh 26-27= 9,50m giáp đường BT xóm; Cạnh 27-28= 3,01m giáp đường BT xóm; Cạnh 28-9= 44m giáp đất giao cho bà H. Có giá trị là: 209.494.000đ.
Giao cho bà Cao Thị Đ sử dụng và sở hữu các cây cối trên diện tích đất 551,2m2 đất ở nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Thưởng. Diện tích đất (có ký hiệu S4) được thể hiện theo hiện trạng trong hồ sơ có các cạnh: Cạnh 11-12= 1,83m giáp đất ông Quang; Cạnh 12-13= 9,94m giáp đất ông Quang; Cạnh 13-24= 48,5m giáp phần đất giao cho bà H; Cạnh 24-15= 4,73m giáp đường BT xóm; Cạnh 25-26= 6,88m giáp đường BT xóm; Cạnh 26-11= 46m giáp đất giao cho bà Tự. Có giá trị là: 209.456.000đ (Có sơ đồ hiện trạngkèm theo).
Bà Cao Thị H phải thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho bà Cao Thị L 27.927.300đ; cho bà Cao Thị T 206.641.300đ; cho bà Cao Thị Đ 206.679.300đ.
Bản án còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo, quyền nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ngày 25/5/2017 Bà Cao Thị H và ông Nguyễn Văn L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do: Năm 1979 khi cụ Chi chết, cụ Thưởng sống một mình già yếu, ốm đau, khó khăn nên cụ Thưởng và các bà L, Tự, Đ có nguyện vọng yêu cầu vợ chồng bà về ở với cụ Thưởng. Vợ chồng có nghĩa vụ chăm mon, nuôi dưỡng cụ Thưởng hàng ngày, chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nội ngoại, hương khói theo phong tục khi cụ Thưởng còn sống cũng như khi cụ Thưởng đã chết. Nội dung này thể hiện tại Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 có đủ chữ ký của anh em họ tộc, các bà L, Tự, Đ và người làm chứng. Hiện những người ký vào biên bản còn sống tỉnh táo, trừ cụ Thưởng đã qua đời. Vì vậy vợ chồng bà mới bán tài sản, đất đai về đây ở. Trong quá trình sống tại đây vợ chồng bà đã thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cụ Thưởng, thờ cúng tổ tiên. Năm 2013 khi cụ Thưởng qua đời vợ chồng đã tổ chức tang lễ theo phong tục và thờ cúng đến nay. Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì tin vào các em, tin vào quyền hạn giao đất và tài sản của cụ Thưởng nên vợ chồng không có yêu cầu sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vẫn giữ tên của cụ Thưởng. Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 là hợp pháp, mặt khác từ đó đến nay đã gần 30 năm các em bà không hề có ý kiến đề nghị gì.
Ngày 13/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị bản án (Quyết định kháng nghị số 219/QĐ-KNPT). Nội dung:
Thứ nhất: Toà án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ không đầy đủ, dẫn đến giải quyết nội dung vụ án chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Các nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15. Bà H xuất trình chứng cứ là Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 có sự chứng kiến của đại diện nội tộc, ngoại tộc, bà Khiêm (chị gái cụ Chi) cùng các con gái, con rể của cụ Thưởng. Tại Biên bản hoà giải ngày 07/4/2017 bà H đã ghi lại ý kiến là sẽ cung cấp bản chính của văn bản này vào phiên toà gần nhất nhưng hồ sơ không thể hiện việc Toà án yêu cầu bà H cung cấp văn bản trên. Toà án không thu thập chứng cứ là lời trình bày của các nguyên đơn, các nhân chứng có mặt, những người ký xác nhận trong biên bản để xem lời trình bày của bà H, ông Lam có căn cứ hay không.
Toà án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ để giải quyết công sức tôn tạo di sản và khoản chi phí bảo quản di sản của vợ chồng bà H, ông Lam. Bà H đã phải thuê máy xúc để san ủi mặt bằng nên mảnh đất mới được bằng phẳng như hiện nay, nhưng toà án chưa thu thập chứng cứ và không giải quyết vấn đề này. Tuy bà H, ông Lam không nhất trí chia di sản nên không yêu cầu nhưng đây là khoản chi phí hợp pháp, thực tế nên cần được giải quyết khi tiến hành chia thừa kế.
Thứ hai: Toà án cấp sơ thẩm vi phạm trong việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Cụ thể không thể hiện được chứng cứ các đương sự giao nộp bao gồm những gì. Chứng cứ quan trọng của vụ án là Biên bản hợp gia đình ngày 14/8/1989 nhưng Toà án không hỏi quan điểm của đương sự về chứng cứ này. Toà án không công khai những chứng cứ mà Toà án thu thập như Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, kết quả định giá là không tuân theo quy định tại Điều 210, 211 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Thứ ba: Quá trình giải quyết vụ án hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện việc một hoặc các bên đương sự yêu cầu Toà án áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án. Tại buổi làm việc ngày 08/6/2017 với Viện kiểm sát nhân tỉnh bà H trình bày bà không được cấp sơ thẩm giải thích về việc áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án này. Như vậy, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã không giải thích rõ ràng để một hoặc các bên đề nghị áp dụng thời hiệu, nhưng trong bản án lại nhận định về thời hiệu là chưa tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 149 của Bộ luật dân sự.
Toà án cấp sơ thẩm xác định cụ Thưởng là người quản lý di sản của cụ Chi cho đến khi cụ Thưởng chết là chưa phù hợp thực tế, vì các đương sự đều thừa nhận vợ chồng bà H ở cùng cụ Thưởng từ năm 1989 đến nay.
Thứ tư: Toà án cấp sơ thẩm không giải quyết về khoản tiền chi phí định giá là vi phạm quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 5,6,7 Điều 42 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá trong tố tụng.
Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ, áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án, dẫn đến bản án sơ thẩm chưa giải quyết triệt để các nội dung vụ án. Đề nghị Huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Tam Nông xét xử lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà H, ông Lam giữ nguyên nội dung kháng cáo, nhưng trong quá trình tranh tụng tại phiên toà, bà H đồng ý chia đất phần của cụ Thưởng cho các bà L, Tự, Đ, không yêu cầu xác minh làm rõ về biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989, yêu cầu giải quyết công sức chăm sóc cụ Thưởng là mẹ liệt sỹ nhiều năm, công cải tạo, chi phí bảo quản di sản từ 1989 đến nay, sau bà H, ông Lam thay đổi không yêu cầu giải quyết phần chi phí bảo quản di sản, công chăm sóc cụ Thưởng. Các bà L, Tự, Đ thừa nhận chữ ký của mình tại Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989, nhưng cho rằng chỉ giao trách nhiệm bảo quản, sử dụng, tự nguyện chỉ nhận phần di sản như cấp sơ thẩm chia, không yêu cầu bà H phải thanh toán chênh lệch, xin tự chịu các chi phí tố tụng đã chi phí tại cấp sơ thẩm
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhận xét Hội đồng xét xử, các đương sự tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, rút nội dung kháng nghị đối với việc cấp sơ thẩm chưa quyết định về chi phí tố tụng. Đề nghị huỷ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh phú Thọ giải quyết lại vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Cụ Cao Văn Chi (Chết năm 1979) và cụ Nguyễn Thị Thưởng (Chết năm 2013) đều không để lại di chúc. Cụ Chi, cụ Thưởng có sáu người con gồm: Cao văn Đức - sinh năm 1948 (Chết năm 1967 - Liệt sỹ); Cao Thị Hạnh - sinh năm 1952 (Chết năm 1972); Cao Thị H - sinh năm 1957; Cao Thị L - sinh năm 1960; Cao Thị T - sinh năm 1963; Cao Thị Đ - sinh năm 1967. Cụ Chi, cụ Thưởng không có con nuôi, khi chết không để lại nghĩa vụ về tài sản. Ông Đức, bà Hạnh chết đều chưa có con. Tài sản của cụ Chi, cụ Thưởng để lại là 4.320m2 đất (đo thực tế là 4.626,7m2), thửa đất số 146, tờ bản đồ số 31, tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (Nay là thửa số 324, tờ bản đồ số 15 theo bản đồ Quy hoạch đo vẽ năm 2015), khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Năm 1991 UBND huyện Tam Thanh (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Thưởng. Sau khi có biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 giao cho vợ chồng ông bà H, Lam bảo quản, sử dụng toàn bộ đất đai, nhà cửa gồm: Nhà cấp bốn, nhà bếp, sân, giếng và một mẫu hai sào đất (theo số liệu ghi trong biên bản ngày 14/8/1989), bà H, ông Lam có trách nhiệm trông mon, chăm sóc cụ Thưởng khi còn sống và giỗ tết khi cụ Thưởng qua đời, bà H, ông Lam đã bán nhà cửa ở nơi khác chuyển gia đình về sinh sống cùng cụ Thưởng tại đây. Năm 2013 sau khi cụ Thưởng chết toàn bộ đất đai, tài sản vẫn do bà H, ông Lam quản lý, sử dụng cho đến nay. Từ những năm 1989 đến nay bà H, ông Lam đã dỡ ngôi nhà cấp bốn cũ xây nhà mới để ở, tiếp sau đó xây thêm một ngôi nhà thứ hai trên đất cho con trai ở khi có gia đình riêng. Các bà L, Tự, Đ khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật. Tại cấp sơ thẩm bà H không nhất trí vì lý do vợ chồng đã được bố mẹ cho đất nên mới xây dựng hai ngôi nhà trên đất này. Việc cho đất được thể hiện tại biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989 có chữ ký của mọi người tham gia, người làm chứng, nội ngoại tộc. Bà đề nghị giữ nguyên quan điểm như biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989.
[2] Về kháng cáo của bà H, ông Lam: Tại phiên toà bà H xuất trình bản chính biên bản họp ngày 14/8/1989. Nội dung của biên bản: “Theo yêu cầu của bà mẹ đưa ra ý kiến cho anh Lam và chị H vào ở với bà và được gia đình bàn bạc cụ thể để bảo đảm sự đoàn kết trong gia đình, anh em nội ngoại cùng toàn thể gia đình bàn bạc như sau: Tất cả cha chú nội ngoại và anh em đều nhất trí một lòng từ nay về sau anh chị có trách nhiệm trông nom bà khi khoẻ cũng như khi yếu đau và trường hợp bất Đ phải có trách nhiệm trước các em khi vắng như đêm hôm. Và phải còn có trách nhiệm lo lắng công việc của bà đối với gia đình họ nội, họ ngoại và có trách nhiệm từ rằm giỗ tết của gia đình khi bà khuất núi. Đối với anh em trong gia đình và nội ngoại trên dưới hoà nhã khi bà còn sống cũng như lúc mất. Sau khi họp bàn cả gia đình và nội tộc nhất trí anh Lam và chị H gánh vác nhiệm vụ của gia đình được bàn giao lại cho anh chị tài sản gồm: Đất: 1 m 2 sào; nhà: 01 nhà trên, nhà bếp, sân, giếng. Nói chung tất cả đất đai, cây cối, nhà cửa anh chị có trách nhiệm bảo quản và sử dụng để phụng dưỡng bà. Nếu khi có việc gì khó khăn đối với nhau anh em phải có trách nhiệm bàn bạc để tránh mất đoàn kết”. Bà H cũng xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc do UBND huyện Tam Thanh (Cũ) đã cấp cho cụ Thưởng năm 1991, giao nộp bản photocopy có chứng thực sao y bản chính. Tuy nhiên, tại phiên toà bà H đồng ý chia đất cho các các bà L, Tự, Đ phần của cụ Thưởng, không yêu cầu xác minh về biên bản họp gia đình trên, nhưng chưa thống nhất phần chia cụ thể. Các bà L, Tự, Đ đề nghị chỉ sử dụng phần đất được chia như cấp sơ thẩm, tự nguyện không nhận thêm phần chênh lệch. Vì vậy, cấp phúc thẩm sẽ giải quyết theo ý trí, nguyện vọng của các bên tại phiên toà, không xét cụ thể nội dung kháng cáo ban đầu.
[3] Về kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ. Xét thấy: Toà án chấp nhận phần kháng nghị đã rút. Những nội dung kháng nghị khác là có căn cứ. Tuy nhiên, tại phiên toà bà H nhất trí chia đất cho các nguyên đơn, không yêu cầu xem xét chi phí bảo quản di sản, công chăm sóc cụ Thưởng; các bà L, Tự, Đ thừa nhận chữ ký của mình tại biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989, tự nguyện không nhận thêm phần chênh lệch tài sản. Căn cứ những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự, tôn trọng sự tự định đoạt của các bên đương sự, xét thấy không cần phải huỷ án, nên cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án sơ thẩm. Toà án cấp sơ thẩm cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm về những thiếu sót như kháng nghị đã nêu.
[4] Về người thừa kế: Các bà H, L, Tự, Đ là người được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015. Về di sản thừa kế, chia thừa kế: Phần tài sản trước đây của cụ Chi, cụ Thưởng gồm có một nhà cấp bốn năm gian, nhà bếp, sân, giếng. Qua thời gian sử dụng đã có sự thay đổi, các bên đương sự đều xác định chỉ còn 4.320m2 đất thổ cư (Đo thực tế là 4.626,7m2, tăng 306,7m2), thửa đất số 146, tờ bản đồ số 31, tại xã Thượng Nông (Nay là thửa số 324, tờ bản đồ số 15, khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Đất đai cụ Chi, cụ Thưởng vẫn sử dụng từ trước những năm 1979, ranh giới ổn định không có tranh chấp, chính quyền xác nhận, nên phần diện tích đất tăng thêm vẫn là tài sản của cụ Chi, cụ Thưởng, cấp sơ thẩm xác định là đất vườn là phù hợp. Di sản của cụ Chi là ½ tài sản chung của cụ Chi, cụ Thưởng là quyền sử dụng 2.313,35m2 đất. Cụ Chi chết không để lại di chúc. Xét thấy, căn cứ quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế, căn cứ thực tế bà H là người đồng quản lý di sản này cùng cụ Thưởng từ năm 1989, sau khi cụ Thưởng chết thì bà H là người quản lý di sản, nên bà H được quyền sử dụng mà không chia là thấu tình, đạt lý. Phần còn lại trị giá thành tiền là 879.073.000đ, sẽ chia cho các thừa kế. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15/5/2017, Toà án cấp sơ thẩm đã chia cho bà H 2.502,6m2 (trong đó có 2.195,9m2 đất thổ cư, 306,7m2 đất vườn bao gồm hai phần diện tích: 1.221,2 m2 và 1.281,5m2 đất, theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15 có ký hiệu là S2 và S5), chia cho bà L 1.021,6m2 đất thổ cư (theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15 có ký hiệu S1), bà Tự 551,3m2 đất thổ cư (theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15 có ký hiệu S3), bà Đ 551,2m2 đất thổ cư (theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15 có ký hiệu S4). Căn cứ thực tế quá trình sử dụng từ những năm 1989, bà H đã dỡ bỏ ngôi nhà cấp bốn cũ xây ngôi nhà mới, tiếp theo lại xây thêm một ngôi nhà khác cho con trai ở khi có gia đình riêng, các thừa kế đều biết nhưng không có ý kiến phản đối. Căn cứ vị trí của hai ngôi nhà đã xây dựng trên đất, để tránh những thiệt hại khi phải tháo dỡ các công trình đã xây dựng. Xét thấy: Việc chia bằng hiện vật của cấp sơ thẩm cho các thừa kế có khác nhau, nhưng chia như vậy là hợp lý, phù hợp với hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy, giữ nguyên các phần chia như cấp sơ thẩm. Phần được hưởng của các thừa kế có khác nhau, lẽ ra bà L phải thanh toán lại cho các thừa kế khác. Tuy nhiên, bà Tự, bà Đ đều thoả mãn, không yêu cầu, bà H cũng đã được quyền sử dụng 2.502,6m2 đất. Các bên có nguyện vọng xây nhà từ đường thờ cúng bố mẹ. Các bên cần bàn bạc thống nhất giành một phần đất để là nhà từ đường thờ cúng bố mẹ trên phần đất chia cho bà L. Vì các lẽ trên nên không buộc L phải thanh toán chênh lệch cho các thừa kế khác.
[3] Về án phí:
Án phí sơ thẩm được xác định lại theo quy định của pháp luật. Các đương sự phải chịu án phí đối với phần di sản thực tế được hưởng.
Án phí phúc thẩm: Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên bà H không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên!
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
1/Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15/5/2017 của Toà án nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Áp dụng: Điều 623, Điều 650, Điều 651, Điều 660, Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 147, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 202, Điều 203 Luật đất đai 2013, khoản 7 Điều 27, Điều 30 Pháp lệnh án phí lệ phí Toà án. Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí lệ phí toà án.
Xác nhận di sản là quyền sử dụng 2.313,35m2 đất thổ cư, thửa đất số 146, tờ bản đồ số 31 (Nay là thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15), tại khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, trị giá: 879.073.000đ (Tám trăm bảy mươi chín triệu không trăm bảy mươi ba nghìn đồng). Xử:
- Chia cho bà Cao Thị L quyền sử dụng 1.021,6m2 đất trong 4.320m2 đất thổ cư theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 170299 do UBND huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 04/01/1991 cho người sử dụng đất là cụ Nguyễn Thị Thưởng và sở hữu toàn bộ cây cối có trên 1.021,6m2 đất này. Phần đất chia cho bà L (Ký hiệu S1, có vị trí, kích thước, mốc giới được xác định bởi các mốc:1,2,3,4,5,32,33,1 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15). Trị giá 388.200.000đ (Ba trăm tám mươi tám triệu hai trăm nghìn đồng).
- Chia cho bà Cao Thị T quyền sử dụng 551,3m2 đất trong 4.320m2 đất thổ cư theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 170299 do UBND huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 04/01/1991 cho người sử dụng đất là cụ Nguyễn Thị Thưởng và sở hữu toàn bộ cây cối có trên 551,3m2 đất này. Phần đất chia cho bà Tự (Ký hiệu S3, có vị trí, kích thước, mốc giới được xác định bởi các mốc: 9,10,11,26,27,28,9 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15). Trị giá: 209.494.000đ (Hai trăm linh chín triệu bốn trăm chín mươi tư nghìn đồng).
- Chia cho bà Cao Thị Đ quyền sử dụng 551,2m2 đất trong 4.320m2 đất thổ cư theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 170299 do UBND huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 04/01/1991 cho người sử dụng đất là cụ Nguyễn Thị Thưởng và sở hữu toàn bộ cây cối có trên 551,2m2 đất này. Phần đất chia cho bà Đ (Ký hiệu S4, có vị trí, kích thước, mốc giới được xác định bởi các mốc: 11,12,13,24,25,26,11 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15). Trị giá 209.456.000đ (Hai trăm linh chín triệu bốn trăm năm mươi sáu nghìn đồng).
- Bà Cao Thị H được quyền sử dụng phần di sản của cụ Chi để lại và phần đất được chia, tổng là 2.502,6m2 (gồm có 2.195,9m2 đất trong 4.320m2 đất thổ cư theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 170299 do UBND huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cấp ngày 04/01/1991 cho người sử dụng đất là cụ Nguyễn Thị Thưởng và 306,7m2 đất vườn tăng thêm không trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và sở hữu toàn bộ các tài sản, cây cối có trên 2.502,6m2 đất này. Phần đất bà H được quyền sử dụng gồm hai phần diện tích như sau: 1.221,2 m2 và 1.281,5m2 đất (Có ký hiệu S2 và S5 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15). Trong đó:
+ Phần đất (Ký hiệu S2) diện tích 1.221,2m2 (trên đất có một ngôi nhà cấp bốn năm gian khép kín diện tích xây dựng 286m2) có vị trí, kích thước, mốc giới được xác định bởi các mốc: 6,7,8,9,28,29,30,31,32,6 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15).
+ Phần đất (Ký hiệu S5) diện tích 1.281,5m2 (trên đất có một ngôi nhà cấp bốn, bếp và công trình phụ diện tích xây dựng 194,3m2) có vị trí, kích thước, mốc giới được xác định bởi các mốc:13,14,15,16,17,18,19,20,21,22,23,24,13 theo bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15). Trị giá phần được hưởng là 71.923.000đ (Bảy mươi mốt triệu chín trăm hai mươi ba nghìn đồng).
(Bản vẽ hiện trạng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 15 được kèm theo bản án)
Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Cao Thị L phải chịu 19.410.000đ, bà Cao Thị T phải chịu 10.474.000đ, bà Cao Thị Đ phải chịu 10.472.000đ, bà Cao Thị H phải chịu 3.596.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền bà L, bà Tự, bà Đ mỗi người đã nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí toà án các số 009489, 009490, 009491 ngày 22/3/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được trừ vào tiền án phí phải chịu. Bà L còn phải chịu 19.210.000đ (Mười chín triệu hai trăm mười nghìn đồng), bà Tự còn phải chịu 10.274.000đ ( Mười triệu hai trăm bảy mươi tư nghìn đồng), bà Đ còn phải chịu 10.272.000đ (Mười triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
2/Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Cao Thị H không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà H 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí toà án số 0003462 ngày 07/6/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Trường hợp bản án đươc thi hành theo quy đinh tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thi ngươi đươc thi hành án dân sư, ngươi phai thi hành án dân sư co quyên thoả thuận thi hành án , quyên yêu câu thi hành án, tư nguyên thi hành án hoăc bi cương chê thi hành án theo quy đinh tai cac Điêu 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thơi hiêu thi hành án đươc thưc hiên theo quy đinh tai Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
File gốc của Bản án 78/2017/DS-PT ngày 28/08/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Ninh Thuận đang được cập nhật.
Bản án 78/2017/DS-PT ngày 28/08/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Ninh Thuận |
Số hiệu | 78/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-28 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-28 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |