TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 78/2017/DS-PT NGÀY 08/09/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Trong ngày 08 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 61/2017/TLPT-DS ngày 11/8/2017 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 17/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sô: 75/2017/QĐ-PT ngày 21 tháng 8 năm 2017 giưa:
Nguyên đơn: Ông Mai Quang H, sinh năm 1962, địa chỉ: Tổ 7, ấp H, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước.
Bị đơn: Ông Phạm Văn S, sinh năm 1981, địa chỉ: Tổ 7, khu phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- NQL1, sinh năm: 1958, địa chỉ: Tổ 7, ấp H, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước.
- NQL2, địa chỉ: ấp 2B, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Phạm Văn S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 23/02/2016, được sửa đổi, bổ sung ngày 04/10/2016, quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Mai Quang H trình bày:
Khoảng tháng 11/2015, ông Mai Quang H có thỏa thuận bán cho ông Phạm Văn S 600 cây tràm trồng ven bờ bao xung quanh cao su trên 02 thửa đất: thửa đất số 72, tờ bản đồ số 12, diện tích 22.882,6m2, đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên hộ NQL1 tại tổ 9, ấp 1, xã Nha Bích và thửa đất diện tích 27.113m2 tại tổ 9, ấp 1, xã Nha Bích, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên hộ NQL1. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng, không làm giấy tờ, giá bán tràm là 5.500.000 đồng (Năm triệu năm trăm ngàn đồng). Ông H có thỏa thuận miệng với ông S phải đảm bảo cắt tràm không làm hư hại cao su của ông H và ông S cũng đồng ý. Ông H có chứng kiến việc cưa tràm của ông S vài hôm đầu thì không thấy cao su bị cưa, bị gẫy đổ. Sau đó do bận công việc nên ông H không vào thăm rẫy, khi ông S cưa xong, chất củi thì ông H nhìn thấy cao su bị gãy, đỗ nhiều nên yêu cầu ông S bồi thường thì ông S nói để đếm cây rồi tính. Nhưng ông S đã cưa xong tràm và chất cây lên xe chở đi, từ đó đến nay không vào đất cùng ông H xác nhận số cây bị cưa, số cây bị gẫy, đổ nên ngày 12/01/2016 ông H nhờ ban ấp xuống thực tế lập biên bản ghi nhận số cây cao su bị ông S cưa tràm làm gãy, đổ. Mặc dù số cây cao su bị ông S làm hư hại nằm trong diện tích đất Nhà nước thu hồi thuộc dự án đập thủy lợi Phước Hòa và vợ chồng ông H đã nhận bồi thường về đất và cây trồng trên đất từ năm 2009 nhưng số cây cao su ông S làm hư hại là cây cao su vợ chồng ông H mới trồng lại từ năm 2012 đến nay. Sau khi bán tràm cho ông S, ông H không bán cho ai khác. Do vậy, ông H yêu cầu ông Phạm Văn S phải bồi thường giá trị 115 cây cao su, giá 01 cây cao su bị thiệt hại là 132.000 đồng/cây, tổng cộng thiệt hại là 15.180.000 đồng.
Bị đơn ông Phạm Văn S trình bày:
Ông Phạm Văn S thống nhất với trình bày của ông H về thời gian, số tiền mua cây tràm của ông H nhưng theo ông S do tràm ông H trồng làm ranh một mặt giáp sông đập Phước Hòa, một bên giáp cao su nên khi ông H bán cho ông S hai bên có thỏa thuận miệng khi cưa tràm sẽ gãy một số cao su và ông H có nói không sao, làm cẩn thận là được. Ông S cưa tràm trong vòng khoảng 15 ngày, có khi trực tiếp cưa, có khi thuê thợ làm, do thuê trả công nhật nên ông S không biết rõ họ tên, địa chỉ người cưa. Khi ông S cưa tràm, có vợ chồng ông H chứng kiến. Khi ông H thấy ông S làm gãy đổ cao su, ông H không có ý kiến chỉ nói ông S trực tiếp cưa đừng thuê người làm sẽ ẩu, gãy cao su ông H. Do ông S làm không kịp nên có thuê thêm 02 người, mỗi người làm 01 ngày. Ông S thừa nhận chỉ làm trầy, gãy một số cây cao su chứ không cưa cao su của ông H. Nhưng khi ông S thuê người làm thì có cưa nhầm một số cây cao su của ông H nhưng không nhiều. Nay, ông H yêu cầu ông S bồi thường thiệt hại đối với số cây bị cưa nhầm, gãy cao su của ông H 115 cây cao su, trị giá 15.180.000 đồng, ông S không đồng ý, ông S chỉ đồng ý bồi thường những cây cao su bị cưa gốc khoảng 10 cây, trị giá 1.000.000 đồng, còn sốcây cao su bị gãy, bị trầy, ông S không đồng ý bồi thường do hai bên đã thỏa thuận miệng với nhau trước khi cưa tràm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NQL1 trình bày:
Bà Phe là vợ ông Mai Quang H, bà Phe thống nhất với trình bày và yêu cầu của ông Mai Quang H. Ông Phạm Văn S cưa tràm làm hư hại cao su của vợ chồng bà Phe nên bà Phe cũng thống nhất yêu cầu ông Phạm Văn S phải bồi thường cho vợ chồng bà Phe, ông H giá trị 115 cây cao su bị thiệt hại là 15.180.000 đồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NQL2 trình bày: Từ công trình +44m trở xuống phía lòng hồ đã được đền bù toàn bộ (gồm đất và cây trồng trên đất), hộ NQL1 đã nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng từ năm 2009 để giao mặt bằng cho Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thi công xây dựng công trình. Từ công trình + 44m trở xuống mục đích chính là để tích nước phục vụ cho các nhu cầu nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên hệ thống, vùng bán ngập đang nghiên cứu trồng rừng bán ngập. Tuy nhiên, các hộ dân nói chung và hộ NQL1 nói riêng vẫn trồng cây trên diện tích đã nhận đền bù trong phạm vi lòng hồ thủy lợi Phước Hòa, khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đối với yêu cầu bồi thường giữa ông Mai Quang H với ông Phạm Văn S đề nghị Tòa án căn cứ theo quy định pháp luật để giải quyết. NQL2 xin được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa ánnhân dân huyện Chơn Thành đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Mai Quang H: Buộc ông Phạm Văn S có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông Mai Quang H, NQL1 số tiền 12.144.000 đồng là giá trị cây cao su bị hư hại do hành vi cưa tràm của ông Phạm Văn S gây ra.
Không chấp nhận yêu cầu của ông Mai Quang H về yêu cầu ông Phạm Văn S bồi thường giá trị của 23 cây cao su bị hư hại còn lại là 3.036.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.
Ngày 29/6/2017, bị đơn ông Phạm Văn S nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Mai Quang H.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu:
Về việc tuân theo pháp luật: Kể từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm xét xử phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mai Quang H.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, trên cơ sở xem xét đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được thẩm vấn công khai các đương sự tại phiên toà, kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên và của các đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét yêu cầu kháng cáo bị đơn ông Phạm Văn S Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
Nguyên đơn ông Mai Quang H và bị đơn ông Phạm Văn S đều thống nhất thừa nhận vào tháng 11/2015, ông H có bán cho ông S 600 cây tràm trồng ven bờ bao xung quanh cao su trên thửa đất số 72, tờ bản đồ số 12, diện tích 22.882,6 m2 và thửa đất số 39, tờ bản đồ số 12 diện tích 27.113m2 cả 02 thửa đất trên đều tọa lạc tại tổ 9, ấp 1, xã Nha Bích, huyện C, tỉnh Bình Phước. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng, giá bán tràm là 5.500.000 đồng. Mặc dù, việc thỏa thuận mua bán cây tràm giữa ông H và ông S không làm hợp đồng bằng văn bản nhưng được hai bên thừa nhận có hợp đồng bằng lời nói nên việc mua bán tràm giữa hai bên là sự thật.
[2] Theo Công văn số 422/2016/PTNMT ngày 01/12/2016 của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện C (Bút lục 110) và Công văn số 334/2016/BQL ngày 07/12/2016 của Ban quản lý các dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bút lục 113) thì diện tích 6.815m2 thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 12 và diện tích 27.113m2 thuộc thửa đất số 39, tờ bản đồ số 12 của hộ NQL1, ông Mai Quang H đã bị nhà nước thu hồi năm 2009 để làm dự án Thủy Lợi Phước Hòa hiện nay diện tích đất này do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa quản lý và hộ bà Phe, ông H đã nhận tiền bồi thường về đất và số cây trồng trên đất. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền bồi thường thì hộ bà Phe, ông H vẫn khai thác tận thu đất và năm 2012 ông H, bà Phe đã múc đất bồi thêm để trồng thêm cây cao su, cây tràm trên 02 thửa đất bị thu hồi là trái quy định của pháp luật. Như vậy, việc hộ ông H, bà Phe sử dụng đất đã được nhà nước thu hồi và bồi thường về đất, cây trồng trên đất từ năm 2009 là vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai. Hành vi trồng cây cao su trên diện tích đất thuộc công trình thủy lợi đập Phước Hòa của ông H, bà Phe là vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nếu ông H, bà Phe gây ra sự cố ảnh hưởng đến công trình thủy lợi thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại điều 34 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
[3] Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa phúc thẩm, ông H, bà Phe cũng thừa nhận ông, bà đã tự ý trồng cây trên diện tích đất bị thu hồi. Ông, bà còn cho rằng không chỉ mình ông, bà trồng mà các hộ dân khác cũng trồng tương tự.
[4] Cả ông H, bà Phe và ông S đều trình bày khi mua bán cây tràm, các bên chỉ thỏa thuận bằng miệng. Phía ông H khai giữa các bên có thỏa thuận bằng miệng nếu có gãy đổ cây cao su do cắt tràm thì phía ông S phải bồi thường, ông S thì ngược lại cho rằng ông có nói với ông H khi cưa cây có thể cây cao su bị gẫy đổ ông H nói không sao. Như vậy, phía ông H và ông S ngoài lời nói không được phía bên kia chấp nhận, các ông không có chứng cứ khác để chứng minh.
[5] Như vậy, có đủ căn cứ xác định việc bà Phe, ông H trồng cây cao su trên đất là không hợp pháp. Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 về nguyên tắc pháp luật chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi bị xâm hại. Vì vậy, số cây cao su của vợ chồng ông H, bà Phe bị ông S làm hư hại là tài sản không hợp pháp nên không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông S, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên ông H phải chịu án phí sơ thẩm: 15.180.000 đồng x 5% = 759.000 đồng được trừ khấu trừ số tiền 200.000 đồng ông Mai Quang H đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007990 ngày 21/03/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Do đó, ông Mai Quang H phải nộp 559.000 đồng.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên ông S không phải chịu.
Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Các phần khác của Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ nêu trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Căn cứ khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009.
Căn cứ Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005;
Căn cứ các Điều 156, Điều 157 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ Luật dân sự năm2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện C
[1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mai Quang H: Về việc yêu cầu ông Phạm Văn S bồi thường thiệt hại cho ông Mai Quang H, NQL1 số tiền15.180.000 đồng (Mười lăm triệu, một trăm tám mươi nghìn đồng) là giá trị cây cao su bị hư hại do hành vi cưa tràm của ông Phạm Văn S gây ra.
[2] Về án phí và các chi phí tố tụng khác.
- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Mai Quang H phải chịu 759.000 đồng được trừ khấu trừ số tiền 200.000 đồng ông Mai Quang H đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007990 ngày 21/03/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Do đó, ông Mai Quang H phải nộp 559.000 đồng.
- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Văn S không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C hoàn trả lại cho ông Phạm Văn S số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông Phạm Văn S đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0008771 ngày 29/6/2017.
- Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tại Tòa cấp sơ thẩm:
Ông Mai Quang H phải chịu 2.000.000 đồng được khấu trừ số tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá 2.000.000 đồng ông Mai Quang H đã nộp.
“Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày
có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi hành xong tất cả các khoản tiền,hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.”
Các phần khác của Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 78/2017/DS-PT ngày 08/09/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Tòa án nhân dân Bình Phước đang được cập nhật.
Bản án 78/2017/DS-PT ngày 08/09/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Tòa án nhân dân Bình Phước
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Số hiệu | 78/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-09-08 |
Ngày hiệu lực | 2017-09-08 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |