TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
BẢN ÁN 69/2017/DS-PT NGÀY 31/07/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 31 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 33/2017/DS-PT ngày 19/6/2017 về "Tranh thừa kế tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2017/DS-ST ngày 13/04/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 54/2017/QĐXX-PT ngày 18/7/2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
1.1. Bà Bùi Thanh D - Sinh năm 1965
Địa chỉ: Số nhà 406/1B, Khu phố Đông Thành, phường Tân Đông Hiệp, TX Dỹ An, tỉnh Bình Dương.
Hiện cư trú tại: Khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ
1.2. Bà Bùi Thị H - Sinh năm 1958
Địa chỉ: Khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.
Người đại diện theo uỷ quyền của bà Hà: Bà Bùi Thị Duyên (Văn bản uỷ quyền ngày 09/6/2016).
2. Bị đơn: Ông Bùi Thượng H - sinh năm 1953
Địa chỉ: Số nhà 118, tổ dân phố 2, đường Chu Văn An, phường Nghĩa Thành, TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông (Ông Hải uỷ quyền cho anh Bùi Hải D).
3.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Chị Bùi Thị Huyền T - sinh năm 1989
3.2. Anh Bùi Hải D - sinh năm 1985
3.3. Bà Trần Thị M - sinh năm 1962
Đều có địa chỉ tại: Tổ 1, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
(Bà D, bà M có mặt tại phiên toà. Anh D, chị T uỷ quyền cho bà M tham gia phiên toà, các đương sự khác không triệu tập)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn kiện và lời khai trong quá trình tố tụng các nguyên đơn là các bà Bùi Thanh D, Bùi Thị H trình bày: Các bà là con của cụ Bùi Quang Diễn (chết năm 1996) và cụ Đinh Thị Hảo (chết năm 2009) đều không để lại di chúc. Cụ Diễn và cụ Hảo có bốn người con là: Bùi Thượng H, Bùi Thị H, Bùi Hải Đường, Bùi Thanh D. Ông Bùi Hải Đường (chết năm 1989) có vợ là bà Trần Thị M và hai con là: Bùi Hải D, Bùi Thị Huyền T. Tài sản hai cụ để lại là một nhà cấp 4, một nhà bếp và thửa đất số 06, diện tích 880m2 tại khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ. Sau khi cụ Hảo chết thì bà Hà là người quản lý di sản. Bà Duyên, bà Hà yêu cầu chia di sản của hai cụ để lại theo pháp luật. Bà Duyên xin được sở hữu sử dụng toàn bộ di sản, thanh toán phần di sản được hưởng cho các thừa kế khác bằng tiền. Bà Hà tự nguyện cho bà Duyên phần thừa kế được hưởng. Do diện tích đất thực tế thiếu so với giấy chứng nhận nên bà Duyên, bà Hà đề nghị chia theo diện tích đất thực tế hiện có.
Tại bản tự khai gửi cho Toà án bị đơn ông Bùi Thượng H trình bày (Bl số 55): Mẹ ông là cụ Đinh Thị Hảo chết năm 2009. Khi còn sống mẹ ông có bàn bạc thống nhất trong gia đình có mọi người cùng ký tên gồm người đại diện làm chứng, có trưởng chi của họ Bùi là Bùi Thanh Bạch xác nhận và trưởng thôn xác nhận. Trong giấy di chúc mẹ ông chia đất cho các con như sau:
1. Chia cho Bùi Thượng H có nhà ở do ông và vợ ông xây năm 2005.
2. Chia cho cháu Bùi Hải D là cháu nội của mẹ ông, vì bố cháu đã chết.
3. Tiếp theo, chia cho Bùi Thanh D.
Tổng số chia đều cho ba người có tên nêu trên. Riêng Bùi Thị H trong bản di chúc không được chia. Hiện giấy di chúc cháu Dương đang giữ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố ông là Bùi Quang Diễn chủ hộ nay đã mất, hiện giờ cô Bùi Thanh D đang giữ. Nguyện vọng của ông là Toà án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ông xin được vắng mặt vì sức khẻ yếu.
Tại bản tự khai gửi cho Toà án anh Bùi Hải D trình bày (BL 119): Bà D, bà Hà khởi kiện bác anh là Bùi Thượng H chia thừa kế nhưng thực tế là đang kiện anh vì anh là người được vợ chồng bác anh giao lại toàn bộ phần đất và ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất 880m2 mà sau khi ông bà nội anh qua đời để lại từ tháng 01/2011. Anh đề nghị Toà án tôn trọng di chúc của bà nội anh. Kèm theo bản tự khai anh Dương gửi cho Toà án một bản di chúc photocopy (BL 127,128), một giấy giao lại đất thổ cư nhà ở (BL129), một biên bản họp gia đình về việc phân chia di sản thừa kế (BL121,122) đều là bản photocopy. Anh D có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tại bản tự khai gửi cho Toà án chị Bùi Thị Huyền T trình bày (BL 116): Theo di chúc của bà nội chị là cụ Hảo thì chị là cháu gái nên không có tên trong bản di chúc được chia di sản thừa kế, nên chị không có quyền được chia. Nên chị tự nguyện được rút lui không ở trong danh sách được thừa kế. Nhưng quan điểm của chị là: Năm 2014 khi làm mộ cho bà nội chị, trong cuộc họp gia đình ý kiến của các bậc cha mẹ, bác bá, cô chú chị tất cả tán thành là chia theo di chúc của bà nội chị. Mặc dù mảnh đất đó là do bố mẹ chị chuộc lại từ năm 1985 cho ông bà nội chị. Chị đề nghị Toà án chia theo di chúc của bà nội chị để lại. Chị Thương có đơn xin vắng mặt.
Tại đơn đề nghị (BL131,132) gửi cho Toà án bà Trần Thị M trình bày: Năm 1985 bà kết hôn với ông Bùi Hải Đường. Cụ Diễn, cụ Hảo có nhà, có đất tại khu 9, xã Đồng Luận. Sau khi bà và ông Đường kết hôn, hai Cụ đã bán toàn bộ nhà cửa đất đai cho vợ chồng ông bà Cúc Thà với giá 50.000đ chuyển vào Đắk Nông sinh sống cùng ông Hải. Khoảng 6 tháng sau không hiểu vì sao hai Cụ quay về Đồng Luận để ở. Do vào ĐăkNông phải mua đất cho ông Hải hết 65.000đ nên hai Cụ không có tiền để chuộc lại đất, vợ chồng bà đã vay mượn bạn bè, ngân hàng để chuộc lại đất cho cho hai Cụ. Sau khi chuộc lại đất vợ chồng không làm thủ tục sang tên đổi chủ vì là bố con. Năm 2007 cụ Hảo viết di chúc để lại cho ông Hải và cháu Dương thửa đất này. Ông Hải đã già yếu nên giao lại toàn bộ di chúc cho con bà là cháu Dương cất giữ từ năm 2011. Đề nghị Toà án giải quyết thấu tình đạt lý, đem lại quyền lợi cho các con bà.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 13/4/2017, Toà án nhân dân huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ đã quyết định: Áp dụng: Điều 609, Điều 631, Điều 632, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 658, Điều 660, khoản 1 Điều 357 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dùi Thanh Duyên và bà Bùi Thị H về yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là nhà và quyền sử dụng đất.
Giao cho bà Bùi Thanh D sở hữu, sử dụng một nhà cấp 4 trị giá 43.075.000đ, một nhà bếp trị giá 34.148.000đ, thửa đất số 06 với diện tích 877,1m2 trị giá 333.298.000đ (nhà cấp bốn, nhà bếp trên đất) tại khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ (Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A518447 do UBND huyện Tam Thanh cấp ngày 02/5/1991 đứng tên cụ Bùi Quang Diễn). Tổng giá trị tài sản là 410.521.000đ. Bà Duyên có quyền liên hệ với cơ quan chuyên môn để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Khi bà Duyên có nhu cầu sử dụng đất bà Hà có trách nhiệm tháo dỡ chuồng trại chăn nuôi và chặt toàn bộ cây trên đất để trả lại mặt bằng cho bà Duyên sử dụng.
Bà Bùi Thanh D có trách nhiệm thanh toán trị giá phần di sản thừa kế cho những người được hưởng như sau:
1. Ông Bùi Thượng H: 67.630.000đ
2. Anh Bùi Hải D: 33.815.000d.
3. Chị Bùi Thị Huyền T: 33.815.000đ.
Bà Duyên không phải thanh toán cho bà Hà phần di sản bà Hà được hưởng thừa kế vì bà Hà không yêu cầu.
Bản án còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo, quyền nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ngày 11/5/2017 bà Trần Thị M kháng cáo đề nghị huỷ bản án sơ thẩm, lý do: Bản di chúc có hiệu lực pháp luật, n hưng Toà án lại bác bỏ cho rằng di chúc bị sửa chữa và mẹ bà là cụ Hảo không biết chữ. Bà Duyên đã có nhà ở tỉnh Bình Dương, ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng Toà án lại giao toàn bộ di sản cho bà Duyên là không đúng. Bà Minh đề nghị: Để tên bìa đỏ là Bùi Quang Diễn
Nếu chia theo di chúc thì nên xem xét thực tế là nhu cầu sử dụng đất của từng người, phần của ông Hải đã cho con trai của bà là Bùi Hải D, Bùi Thị Huyền T vì hai cháu vẫn đang phải đi ở thuê nhà trọ.
Đề nghị cho con bà được ngôi nhà cấp 4 và bếp gắn liền với diện tích đất đó, thanh toán lại cho bà Duyên, bà Hà mỗi người là 67.630.000đ như toà đã tuyên. Sau khi giao lại toàn bộ tài sản cho con bà thì bà sẽ về quê trông coi di sản như vậy mới chính đáng, phù hợp với phong tục tập quán vì hiện nay bà đã nghỉ hưu.
Ngày 15/5/2017 chị Bùi Thị Huyền T kháng cáo không đồng ý việc chia tài sản như bản án đã tuyên. Lý do: Bản di chúc là hợp pháp mà Toà lại bác bỏ là sai. Toà án nêu anh Dương và chị không có nhu cầu sử dụng đất là sai, vì hiện nay mẹ của chị, chị vẫn phải đi ở thuê, an h Dương phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ. Chị không đồng ý giao toàn bộ tài sản cho bà Duyên sử dụng. Bản di chúc gốc chưa được giao nộp tại Toà án mà Toà đã bác bỏ là không đúng. Đề nghị huỷ án sơ thẩm.
Ngày 10/5/2017 anh Dương kháng cáo không nhất trí bản án sơ thẩm. Lý do Toà án nói ông bà nội anh không để lại di chúc và bà nội anh không biết chữ là không đúng vì thực tế di chúc này có sự chứng kiến từ 3 người cũng không biết chữ hay sao. Bản di chúc là hoàn toàn có căn cứ. Tại sao lại cho bà Duyên sử dụng toàn bộ nhà đất trong khi bà Duyên đã có nhà và đất tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh; trong khi anh và mẹ anh, em anh vẫn không có nhà ở phải đi ở thuê mà Toà án lại cho rằng anh không có nhu cầu sử dụng đất. Anh sẽ nộp bản di chúc gốc tại phiên toà phúc thẩm. Đề nghị huỷ án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bà Minh giữ nguyên kháng cáo của bà, anh Dương và chị Thương. Bà Minh đại diện cho anh Dương, chị Thương yêu cầu không chia thừa kế theo di chúc của cụ Hảo mà chia thừa kế theo pháp luật, yêu cầu được hưởng di sản bằng hiện vật, thanh toán lại bằng tiền cho các thừa kế khác. Bà Minh xác nhận sau khi ông Đường chết đã tái hôn và đã có thêm con với người người chồng khác, gia đình bà lên Sơn La từ năm 1996, đi theo cơ quan. Anh Dương, chị Thương đã lớn đều có việc làm tại Sơn La. Hiện bà và con gái là chị Thương vẫn thuê nhà ở với nhau. Bà đề nghị chia di sản bằng hiện vật cho anh Dương và sẽ về trông coi di sản, hương khói cho cụ Diễn, cụ Hảo.
Bà Duyên trình bày ông Hải thì từ bỏ họ tộc giỗ tết không về; hai cháu Dương và Thương đều không có trách nhiệm với giỗ tết, hiện bà phải một mình chăm lo cho phần mộ của bố mẹ và cả ông Đường bố của hai cháu. Gia đình nội tộc cũng đã đồng ý cho cháu Dương toàn bộ di sản nhưng cháu Dương nói ra miệng rằng sẽ bán toàn bộ tài sản, di sản nên buộc lòng bà phải yêu cầu chia di sản để giữ lại nơi thờ bố mẹ, tổ tiên. Bà Minh đã đi lấy chồng sau khi ông Đường chết và đã có con riêng, việc bà Minh nói sẽ về để trông coi phần mộ của bố mẹ bà là không thực tâm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu quan điểm: Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng về quá trình giải quyết vụ án, về phiên toà phúc thẩm. Về nội dung: Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận di chúc, chia thừa kế theo pháp luật là đúng. Anh Dương, chị Thương không thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình. Cấp sơ thẩm đã tiến hành đầy đủ các biện pháp tố tụng đối với anh Dương, chị Thương theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của anh Dương, chị Thương và bà Minh. Yêu cầu của bà Minh về việc chia di sản bằng hiện vật cho anh Dương để bà về trông coi, hương khói cho cụ Diễn, cụ Hảo là thiếu thực tế. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về nội dung kháng cáo của bà Trần Thị M: Toà án cấp sơ thẩm xác định bà Minh có liên quan vì theo lời trình bày của bà Minh thì năm 1985 cụ Diễn, cụ Hảo đã chuyển nhượng toàn bộ đất đai, nhà cửa cho vợ chồng ông Thà, bà Cúc để vào ĐăkNông sinh sống cùng với ông Hải. Sáu tháng sau cụ Diễn, cụ Hảo quay ra, vợ chồng bà Minh đã chuộc toàn bộ nhà, đất để cho cụ Diễn, cụ Hảo quay trở về sống tại Đồng Luận. Toà án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh, kết quả ông Thà, bà Cúc xác nhận cụ Diễn, cụ Hảo không chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng ông Thà, bà Cúc như lời trình bày của bà Minh. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ tài sản gồm ngôi nhà cấp 4, nhà bếp và 877,1m2 đất tại khu 9, đồng Luận là di sản của cụ Diễn, cụ Hảo là đúng. Đối với việc chia thừa kế thì bà Minh không liên quan nên không có quyền kháng cáo. Vì vậy, kháng cáo của bà Minh không được chấp nhận.
[2] Về kháng cáo của anh Bùi Hải D, chị Bùi Thị Huyền T:
* Đối với nội dung kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận di chúc của cụ Hảo mà chia thừa kế theo pháp luật là không đúng. Xét thấy: Về bản di chúc anh Dương gửi cho Toà án có tiêu đề là “Giấy di chúc thừa kế đất đai cho con và cháu” là bản photocopy. Theo quy định tại Điều 650 của Bộ luật dân sự 2005, Điều 628 của Bộ luật Dân sự 2015 thì văn bản trên là một trong bốn loại di chúc bằng văn bản. Cụ thể là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Toà án cấp sơ thẩm đã yêu cầu anh Dương cung cấp bản di chúc gốc nhưng anh Dương không cung cấp. Tuy là bản photocopy nhưng Toà án vẫn tiến hành xác minh, kết quả xác minh cho thấy ông Bùi Quang Bạch, ông Nguyễn Trung Tín, bà Bùi Thị Yến đều xác nhận không ký vào bản di chúc này (BL số 150,151,152). Vì vậy, văn bản này không đủ điều kiện để được coi là di chúc bằng văn bản có người làm chứng theo quy định tại Điều 656 của Bộ luật dân sự 2005, Điều 634 của Bộ luật Dân sự 2015. Tại phiên toà phúc thẩm bà Minh vẫn không cung cấp văn bản gốc mà cho rằng hiện bà Duyên giữ cùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, di chúc là bản photocoppy lại không có công chứng, chứng thực, nên không được coi là chứng cứ theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận bản di chúc và chia thừa kế theo pháp luật là đúng.
* Đối với nội dung kháng cáo căn cứ vào đâu mà Toà án cấp sơ thẩm lại cho rằng anh Dương và chị Thương đều không có nhu cầu được hưởng di sản bằng hiện vật để giao toàn bộ di sản cho bà Duyên trong khi bà Duyên đã có nhà ở tỉnh Bình Dương, ở thành phố Hồ Chí Minh rồi. Xét thấy: Toà án cấp sơ thẩm đã nhiều lần triệu tập hợp lệ anh Dương, chị Thương đến Toà án làm việc thông qua UBND phường Chiềng La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La tống đạt giấy triệu tập, nhưng anh Dương, chị Thương đều vắng mặt. Toà án cấp sơ thẩm đã hai lần quyết định uỷ thác thu thập chứng cứ cho Toà án nhân dân thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La (BL số 38,39, 45,46) về nhiều nội dung cụ thể trong đó có nội dung anh Dương, chị Thương có đề nghị được hưởng di sản bằng hiện vật hay không, nhưng đều không có kết quả. Anh Dương có gửi cho Toà án bản tự khai (BL119) và đơn xin xét xử vắng mặt, chị Thương có gửi bản tự khai (BL116) và đơn xin xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, tại bản tự khai của anh Dương, chị Thương chỉ đề cập đến di chúc của cụ Hảo và đề nghị giải quyết theo pháp luật, không thể hiện rõ quan điểm của mình về nội dung có yêu cầu được hưởng di sản bằng hiện vật hay không. Anh Dương, chị Thương vắng mặt tại các phiên họp kiểm tra việc giao nhận, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải mặc dù đã được triệu tập hợp lệ. Như vậy, anh Dương, chị Thương đã không thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại các Điều 70, 73 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Anh Dương, chị Thương cũng không thực hiện nghĩa vụ chứng minh, giao nộp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại các Điều 91, 96 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ mà đương sự giao nộp và Toà án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 và các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà để giải quyết vụ án là đúng pháp luật. Đương sự phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Vì vậy, nội dung kháng cáo này không được chấp nhận.
[3] Yêu cầu của bà Minh tại phiên toà với tư cách đại diện theo uỷ quyền của anh Dương, chị Thương đề nghị chia di sản cho anh Dương, chị Thương bằng hiện vật, giao toàn bộ di sản cho anh Dương vì ông Hải cũng đã cho anh Dương, bà sẽ về trông nom di sản, hương khói cho cụ Diễn, cụ Hảo vì bà đã nghỉ hưu. Xét thấy: Đề nghị được chia bằng hiện vật là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên toà bà Minh xác nhận gia đình bà lên Sơn La định cư từ năm 1996, các con bà đều đã có việc làm. Như vậy, anh Dương, chị Thương đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định tại Sơn La. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm xác định anh Dương, chị Thương không có nhu cầu hưởng di sản bằng hiện vật là có cơ sở. Mặt khác, bà Minh thừa nhận sau khi ông Đường chết bà đã tái hôn, có thêm con với người chồng khác thì việc bà về để trông coi di sản, hương khói cho bố mẹ của người chồng cũ là không thực tế.
Từ những nhận định tại các Mục [1], [2], [3] trên nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Minh, anh Dương, chị Thương.
[4] Về án phí phúc thẩm: Anh Dương, chị Thương, bà Minh phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên!
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
1/ Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị M, anh Bùi Hải D, chị Bùi Thị Huyền T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 05/DS-ST ngày 13/4/2017 của Toà án nhân dân huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Áp dụng: Điều 609, Điều 631, Điều 632, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 658, Điều 660, khoản 1 Điều 357 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 147, 148, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí lệ phí Toà án.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thanh D và bà Bùi Thị H về yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là nhà và quyền sử dụng đất.
Giao cho bà Bùi Thanh D sở hữu, sử dụng một nhà cấp 4 trị giá 43.075.000đ, một nhà bếp trị giá 34.148.000đ, thửa đất số 06 với diện tích 877,1m2 trị giá 333.298.000đ (nhà cấp bốn, nhà bếp trên đất) tại khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ (Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A518447 do UBND huyện Tam Thanh cấp ngày 02/5/1991 đứng tên cụ Bùi Quang Diễn). Tổng giá trị di sản là 410.521.000đ (Bốn trăm mười triệu năm trăm hai mươi mốt nghìn đồng). Bà Duyên có quyền liên hệ với cơ quan chuyên môn để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Khi bà Duyên có nhu cầu sử dụng đất bà Hà có trách nhiệm tháo dỡ chuồng trại chăn nuôi và chặt toàn bộ cây trên đất để trả lại mặt bằng cho bà Duyên sử dụng.
Bà Bùi Thanh D có trách nhiệm thanh toán trị giá phần di sản thừa kế cho những người được hưởng như sau:
1. Ông Bùi Thượng H: 67.630.000đ (Sáu mươi bảy triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng).
2. Anh Bùi Hải D: 33.815.000đ (Ba mươi ba triệu tám trăm mười lăm nghìn đồng).
3. Chị Bùi Thị Huyền T: 33.815.000đ (Ba mươi ba triệu tám trăm mười lăm nghìn đồng).
Bà Duyên không phải thanh toán cho bà Hà phần di sản bà Hà được thừa kế vì bà Hà không yêu cầu.
2/Án phí dân sự phúc thẩm: Anh Dương, chị Thương, bà Minh mỗi người phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) các đương sự đã nộp theo các biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí Toà án số 0002860, 0002861 và 0002862 cùng ngày 30/5/2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Bà Minh, anh Dương, chị Thương đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (Đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.
Trương hơp ban an đươc thi hanh theo quy đinh tai Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án , quyền yêu cầu thi hành án , tư nguyên thi hành án hoăc bi cương chê thi hanh an theo quy đinh tai các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thơi hiêu thi hành án đươc thưc hiên theo quy đinh tai Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
File gốc của Bản án 69/2017/DS-PT ngày 31/07/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Phú Thọ đang được cập nhật.
Bản án 69/2017/DS-PT ngày 31/07/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Phú Thọ
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Phú Thọ |
Số hiệu | 69/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 1901-01-01 |
Ngày hiệu lực | 1901-01-01 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |