TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỸ TÚ, TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 38/2017/DS-ST NGÀY 21/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC
Ngày 21 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 82/2017/TLST-DS ngày 06 tháng 7 năm 2017, về tranh chấp hợp đồng đặt cọc, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 79/2017/QĐXXST-DS ngày 02 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Phan Văn L; địa chỉ cư trú: Ấp P, xã L, huyện T, tỉnh Vĩnh Long. (có mặt)
- Bị đơn: Ông Mã Hòa K; địa chỉ cư trú: Ấp T, xã L, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
- Người làm chứng: Ông Trần Văn Đ; địa chỉ cư trú: Ấp T, xã Đ, TX. B, tỉnh Vĩnh Long. (có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 04 tháng 7 năm 2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng nhƣ tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Phan Văn L trình bày:
Vào ngày 23 tháng 01 năm 2017 âm lịch, ông và ông Mã Hòa K có giao kết hợp đồng mua lúa 5451, với số lượng 120 công, bằng 100 tấn lúa. Ông có đặt tiền cọc cho ông K là 30.000.000 đồng. Hẹn đến ngày 10 - 11 tháng 02 năm 2017 âm lịch, ông K giao lúa cho ông. Tuy nhiên, khi đến hẹn, ông K không có lúa giao cho ông, do trước đó ông K đã giao cho người khác. Ông K đã nhiều lần hứa hẹn trả lại tiền cọc cho ông nhưng cho đến nay vẫn chưa trả. Nay ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông K trả lại tiền đặt cọc cho ông là 30.000.000 đồng.
Theo biên bản lấy lởi khai ngày 28 tháng 7 năm 2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng nhƣ tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông Mã Hòa K trình bày:
Ông không đồng ý với yêu cầu của ông L. Ông thừa nhận vào ngày 23 tháng 01 năm 2017 âm lịch, ông với ông L có giao kết hợp đồng mua lúa 5451 với số lượng như ông L trình bày. Ông đã nhận tiền cọc của ông L là 30.000.000 đồng. Hẹn đến ngày 10 - 11 tháng 02 năm 2017 âm lịch, ông giao lúa cho ông L. Sau đó, đến ngày 24 tháng 01 năm 2017, ông ký hợp đồng mua lúa của ông Phan Văn T, ở TX. L, tỉnh Hậu Giang. Ông T có nghĩa vụ giao lúa cho ông L. Ông đã giao số tiền cọc mà ông đã nhận trước đó của ông L cho ông T. Tuy nhiên, khi đến hẹn, ông T không có lúa để giao cho ông L và cũng không trả lại tiền cọc cho ông L. Vì vậy, ông T mới là người có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho ông L chứ không phải ông.
Theo biên bản lấy lời khai ngày 02 tháng 8 năm 2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, ngƣời làm chứng ông Trần Văn Đ trình bày:
Ông là chủ ghe mua lúa, ông L là người giới thiệu cho ông mua lúa, còn ông K cũng là anh em mua lúa nên quen biết nhau. Vào ngày 23 tháng 01 năm 2017 âm lịch, ông có trực tiếp chứng kiến ông L và ông K thỏa thuận mua bán lúa 5451, với số lượng 120 công, bằng 100 tấn lúa như hai bên trình bày. Ông L có đưa tiền cọc cho ông K là 30.000.000 đồng. Đến hẹn thu mua lúa, ông và ông L đến ông K để lấy lúa thì ông K không có lúa giao. Sau đó, ông K nhiều lần hứa trả lại tiền cọc cho ông L, nhưng đến nay vẫn chưa trả.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
Trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự, cũng như những người tham gia tố tụng khác đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đối với yêu cầu khởi kiện của L là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Hội đồng xét xử nhận thấy, theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông L thì ông L có đặc cọc 30.000.000 đồng cho bị đơn là ông K để mua 100 tấn lúa loại 5451, nhưng sau đó ông K không thực hiện đúng như giao kết nên ông L đòi lại số tiền đặc cọc. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng đặt cọc.
[2] Về thẩm quyền giải quyết: Tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về hợp đồng đặt cọc theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự và các bị đơn là ông K có địa chỉ cư trú ở ấp T, xã L, huyện M, tỉnh Sóc Trăng nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.
[3] Xét yêu cầu khởi kiện của ông L, về việc yêu cầu ông K trả lại tiền đặt cọc 30.000.000 đồng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án, ông K đều thừa nhận có nhận tiền cọc của ông L là 30.000.000 đồng. Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Do đó, Hội đồng xét xử xác định ông K nhận tiền cọc của ông L 30.000.0000 đồng là có thật.
[4] Tuy nhiên, ông K cho rằng, sau khi nhận tiền cọc của ông L, ông ký hợp đồng mua lúa của ông T, ông T có nghĩa vụ giao lúa cho ông L, ông đã giao số tiền cọc đã nhận của ông L cho ông T, nhưng ông T không giao lúa cho ông L nên ông T mới là người có phải trả lại tiền cọc cho ông L chứ không phải ông. Hội đồng xét xử nhận thấy, lời trình bày này không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ, ông K là người trực tiếp nhận tiền cọc của ông L chứ không phải ông T, còn ông T nhận tiền cọc của ông K là một quan hệ dân sự khác, không liên quan đến ông L.
[5] Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
[6] Như vậy, theo quy định này, đáng lẽ ra ngoài việc phải trả cho ông L (bên đặt cọc) tài sản đặt cọc thì ông K (bên nhận đặt cọc) còn phải trả một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Tuy nhiên, ông L chỉ yêu cầu ông K trả lại tài sản đặt cọc là số tiền 30.000.000 đồng nên Hội đồng xét xử tôn trọng quyền định đoạt của ông L, chấp nhận yêu cầu của ông L, buộc ông K trả lại cho ông L số tiền đặt cọc là 30.000.000 đồng.
[7] Như vậy, tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L là có căn cứ.
[8] Về án phí : Do yêu cầu khởi kiện của ông L được chấp nhận nên theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, ông K phải chịu án ph dân sự sơ thẩm là 30.000.000 đồng x 5% = 1.500.000 đồng, còn ông L không phải chịu án ph dân sự sơ thẩm và được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
[9] Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án là ông L cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án là ông K còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 328, khoản 2 Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của y ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ ph Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu của ông Phan Văn L. Buộc ông Mã Hòa K trả cho ông Phan Văn L số tiền đặt cọc là 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng).
2. Án phí :
- Ông Mã Hòa K phải chịu tiền án phí sơ thẩm là 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng).
- Ông Phan Văn L được nhận lại số tiền tạm ứng án ph đã nộp 750.000 đồng (Bảy trăm năm mươi nghìn đồng), theo biên lai thu số 0004396 ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
3. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
File gốc của Bản án 38/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc – Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Tú – Sóc Trăng đang được cập nhật.
Bản án 38/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc – Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Tú – Sóc Trăng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng |
Số hiệu | 38/2017/DS-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-21 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-21 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |