TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ TÂN UYÊN, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 37/2017/DS-ST NGÀY 19/07/2017 VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 19 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 49/2016/TLST-DS ngày 20 tháng 4 năm 2016 về việc yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 104/QĐXXST ngày 27/12/2016 và Thông báo mở lại phiên tòa số 03/2017/TB-DSST ngày 10 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Ngô Thanh B, sinh năm 1975; địa chỉ: Tổ 4, khu phố B, phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
- Bị đơn: Công ty C; địa chỉ: Số 612, đại lộ D, phường T, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Lệ H, chức vụ: Tổng giám đốc, Quốc tịch: Việt Nam.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Thế T, sinh năm 1960, chức vụ: Trưởng Ban Quản lý thu phí đường ĐT 747 (theo Giấy ủy quyền số 18/GUQ ngày 06/7/2017); có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Hùng D, chức vụ: Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (theo Quyết định ủy quyền số 1898/QĐ-UBND ngày 22/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương); vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện đề ngày 05/4/2016, các lời khai trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Ngô Thanh B trình bày: Ông Ngô Thanh B được UBND thị xã Tân Uyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH04603 ngày 14/6/2014 diện tích đất 430m2 thuộc thửa đất số 300 tờ bản đồ số 47 tọa lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nguồn gốc đất ông Bình nhận tặng cho từ cha ruột là ông Ngô Văn Y từ tháng 4/2014. Trước khi ông B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Ngô Văn Y (đã chết) là người trực tiếp quản lý sử dụng đất. Năm 2013, Công ty C (sau đây viết tắt là Công ty) xây dựng mương thoát nước và mở rộng đường ĐT 747 lấn chiếm đất của ông B khoảng 400m2 gần hết diện tích đất của thửa số 300 nên thửa đất nêu trên không còn sử dụng được. Khi Công ty xây dựng mương nước ông Y đang là người quản lý sử dụng đất, ông Y nghe người dân nói lại việc Công ty lấn chiếm đất để xây dựng mương nước nhưng không khiếu nại, không có ý kiến vì nghĩ phần diện tích đất thuộc thửa số 300 Công ty xây dựng nằm trong diện tích hàng lang an toàn đường bộ. Năm 2014, ông Y làm thủ tục tặng cho con đất, ông B vẫn được UBND thị xã Tân Uyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 300. Theo ông B được biết đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc ông B là chủ sử dụng thửa đất nên có các quyền và nghĩa vụ đối với thửa đất theo quy định của pháp luật, việc Công ty xây dựng mương nước và mở rộng đường ĐT 747 trên thửa đất số 300 không có ý kiến đồng ý của ông Y và sau này là ý kiến của ông B là trái quy định pháp luật.
Ông B đồng ý bản vẽ đo đạc thực tế của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Tân Uyên ký xác lập ngày 29/7/2016, đồng ý kết quả định giá ngày 03/8/2016 của Hội đồng định giá thị xã Tân Uyên, không yêu cầu đo đạc, định giá lại.
Theo bản vẽ đo đạc thực tế, thửa đất số 300 tờ bản đồ số 47 của ông B bị Công ty xây dựng trái phép các công trình sau: Mương nước diện tích 43m2, đường nhựa diện tích 109m2, trạm thu phí diện tích 8,5m2.
Đối với diện tích 109m2 trên thực tế là đường nhựa và diện tích 8,5m2 trên thực tế là trạm thu phí ông B không tranh chấp, không yêu cầu giải quyết. Ông Ngô Thanh B yêu cầu Công ty phải tháo dỡ đường mương nước xây dựng trái pháp luật, không được sự đồng ý của ông B trên diện tích đất 43m2 thuộc thửa đất số 300 tờ bản đồ số 47 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để trả lại diện tích đất trên cho ông B sử dụng.
Đất tranh chấp đất thuộc vị trí 1, đường ĐT 747 trị giá 1.800.000 đồng/1m2 x 43m2 = 77.400.000 đồng (bảy mươi bảy triệu bốn trăm nghìn đồng).
Mương bê tông kết cấu kè đá hộc trị giá 760.000 đồng/m3 x 34,4m3 (cao 0,8m x ngang 01 m x dài 43 m) thành tiền 26.144.000 đồng (hai mươi sáu triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn đồng).
Tấm đan bê tông đặt trên mương thoát nước giá 3.080.000 đồng/m3 x 1,24 m3 (mỗi tấm đan ngang 0,5m x dài 0,8m x dày 0,05 m) x 62 tấm thành tiền 3.819.200 đồng (ba triệu tám trăm mười chín nghìn hai trăm đồng).
Ngày 22/01/2017 ông B nộp đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty phải đền bù thiệt hại số tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) do xây dựng đường mương nước trên diện tích 43m2 đất thuộc thửa số 300 tờ bản đồ số 47.
Trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa bị đơn Công ty C và người đại diện theo ủy quyền, ông Hà Thế T thống nhất trình bày:
Theo Quyết định số 4277/QĐ-UB ngày 13/12/2000 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 747 và tỉnh lộ 11 (đoạn từ cầu Bà Kiên đến cầu Rạch Tre) huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương quy định Công ty C được phép xây dựng hệ thống mương thoát nước tự nhiên bằng bê tông dọc theo hai bên tuyến đường.
Đoạn mương nước ông B đang tranh chấp trước đây thường xuyên xảy ra ngập nước, người dân phản ánh nhiều nên ngày 27/5/2013 UBND xã Khánh Bình (nay là phường Khánh Bình) đã họp các hộ dân thống nhất làm mương thoát nước đường ĐT 747, sau khi các hộ dân thống nhất đồng ý, Công ty xây dựng đường mương thoát nước đường ĐT 747 tại khu vực trạm thu phí số 3, thuộc địa bàn khu phố B, phường K. Diện tích mương thoát nước hoàn toàn nằm trong phần diện tích hành lang an toàn đường bộ, được xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2013. Trong thời gian xây mương nước đến đầu năm 2015 không có hộ dân nào khiếu nại hay có ý kiến gì về việc xây dựng của Công ty.
Năm 2015, ông B khiếu nại tại UBND phường Khánh Bình vì cho rằng Công ty lấn chiếm đất của ông B. Công ty xây dựng mương nước trước thời điểm ông B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mương thoát nước do UBND tỉnh Bình Dương đầu tư quản lý và giao cho Công ty xây dựng hệ thống mương thoát nước bê tông dọc theo tuyến đường. Công ty xây dựng và sử dụng đất đúng quy hoạch, thiết kế phê duyệt và nghiệm thu của UBND tỉnh Bình Dương. Phần mương nước công ty xây dựng trên diện tích đất 43 m2 nằm trong hành lang an toàn đường bộ, đây là tài sản của Nhà nước do UBND tỉnh Bình Dương quy hoạch, đầu tư, Công ty chỉ là người được giao quản lý nên không có quyền tháo dỡ mương nước theo yêu cầu của ông B.
Công ty đồng ý bản vẽ đo đạc thực tế của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Tân Uyên ký xác lập ngày 29/7/2016, đồng ý kết quả định giá ngày 03/8/2016 của Hội đồng định giá thị xã Tân Uyên, không yêu cầu đo đạc, định giá lại.
Giá trị quyền sử dụng đất tranh chấp 1.800.000 đồng/1m2 x 43m2 = 77.400.000 đồng (bảy mươi bảy triệu bốn trăm nghìn đồng).
Mương bê tông kết cấu kè đá hộc giá 760.000 đồng/m3 x 34,4 m3 (0,8 m cao x 01m ngang x 43 m dài) = 26.144.000 đồng.
Tấm đan bê tông đặt trên mương thoát nước giá 3.080.000 đồng/m3 x 1,24 m3 (mỗi tấm đan ngang 0,5m x dài 0,8m x dày 0,05 m) x 62 tấm thành tiền 3.819.200 đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã giao Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin cho Tòa án. Tại Công văn số 1246/STNMT- CCQLĐĐ ngày 07/4/2017 của Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết trước ngày 01/7/2004 chính sách bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung một số điều bởi Luật số 25/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ. Theo đó chính sách pháp luật tại thời điểm này không quy định việc bồi thường về đất đối với đất trong hành lang an toàn đường bộ.
Công văn số 2373/SGTVT-QLGT ngày 28/4/2017 của Sở Giao thông vận tải cung cấp thông tin: Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 747 đoạn từ cầu ông Tiếp ranh tỉnh Đồng Nai đến thị trấn Uyên Hưng dài 12,689 km được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án tại Quyết định số 4277/QĐ-UB ngày 13/12/2000. Theo đó mặt đường được đầu tư kết cấu bê tông nhựa nóng, mương thoát nước dọc hai bên đường dạng mương đất và mương bê tông cốt thép tại các khu vực đông dân cư. Theo hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao số 4164/HĐ.UB ngày 01/11/2011 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tỉnh Bình Dương và Công ty C, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao cho Công ty quản lý trong thời gian 30 năm kể từ ngày công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng (ngày 06/12/2002).
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Tân Uyên phát biểu quan điểm: Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Mương thoát nước đường ĐT 747 tại khu vực trạm thu phí số 3, thuộc địa bàn khu phố B, phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là công trình thuộc sở hữu của Nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy hoạch, đầu tư. Diện tích mương thoát nước tranh chấp hoàn toàn nằm trong phần diện tích hành lang an toàn đường bộ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Công ty chỉ là đơn vị được giao xây dựng, quản lý hệ thống mương thoát nước dọc theo tuyến đường, không có quyền tháo dỡ mương nước để trả đất. Ông B khởi kiện sai đối tượng sở hữu mương nước nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Diện tích đất, công trình xây dựng trên đất tranh chấp tọa lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
[2]. Về sự vắng mặt của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương: Tòa án đã triệu tập hợp lệ người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia tố tụng, ông Mai Hùng D vắng mặt nhưng có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin cho Tòa án. Căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
[3]. Về quan hệ pháp luật: Ông Ngô Thanh B khởi kiện yêu cầu Công ty C phải tháo dỡ đường mương nước xây dựng trái phép trên diện tích đất 43m2 thuộc thửa đất số 300 tờ bản đồ số 47 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để trả lại đất cho ông B sử dụng và xác định trong đơn khởi kiện quan hệ pháp luật là tranh chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên căn cứ vào yêu cầu của ông B trong quá trình tham gia tố tụng và lời trình bày của ông B tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật.
[4]. Đối tượng khởi kiện là phần đất đã xây dựng đoạn mương thoát mước diện tích 43m2 kết cấu đá hộc, xi măng và tấm đan bê tông được Công ty C xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2013.
Theo Công văn số 3272/SGTVT-QLGT ngày 28/4/2017 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương thì trong dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 747 và tỉnh lộ 11 huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 4277/QĐ-UB ngày 13/12/2000 có Hệ thống mương thoát nước dọc hai bên đường dạng mương đất và bê tông cốt thép tại khu vực đông dân cư. UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty C thi công lắp đặt, quản lý trong thời gian 30 năm kể từ ngày công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng (ngày 06/12/2002).
[5]. Theo bản vẽ đo đạc thực tế do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ký xác lập ngày 29/7/2016 vị trí mương thoát nước tranh chấp nằm sát mép đường và hoàn toàn thuộc hành lang bảo vệ đường bộ.
Công văn số ngày 07/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết trước ngày 01/7/2004 chính sách bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung một số điều bởi Luật số 25/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ. Theo đó, chính sách pháp luật tại thời điểm này không quy định việc bồi thường về đất đối với đất trong hành lang an toàn đường bộ.
[6]. Thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 có diện tích đất 430m2 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được cấp cho hộ ông Ngô Văn Y năm 1999. Theo Công văn số 4150/PTN&MT-ĐĐ ngày 09/12/2016 của UBND thị xã Tân Uyên: Thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không qua đo đạc thực tế. Như vậy từ khi ông Ngô Văn Y được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 trên thực tế đã là mặt đường ĐT 747 và có một phần nằm hoàn toàn trong diện tích đất hành lang an toàn đường bộ. Năm 2014 khi chuyển từ hộ ông Ngô Văn Y sang người sử dụng là ông Ngô Văn Y chỉ dựa trên thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không qua đo đạc thực tế. Trong quá trình tham gia tố tụng ông B thừa nhận khi xây dựng đường mương thoát nước, ông Y là người sử dụng quản lý đất biết nhưng không khiếu nại vì cho rằng vị trí hệ thống mương thoát nước thuộc hành lang bảo vệ đường bộ. Tháng 4 năm 2014 ông Y tặng cho đất ông B và ông B được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không qua đo đạc thực tế. Đây là lý do diện tích mương thoát nước nằm sát mép đường và hoàn toàn thuộc hành lang bảo vệ đường bộ nhưng lại được cấp trong thửa đất số 300 tờ bản đồ số 47 cho người sử dụng là ông Ngô Thanh B.
[7]. Mặc dù được Hội đồng xét xử giải thích quy định về chủ thể quản lý đường mương thoát nước và đối tượng khởi kiện nhưng ông Ngô Thanh B vẫn giữ nguyên ý chí yêu cầu Tòa án buộc Công ty C chấm dứt hành vi trái pháp luật bằng cách phải tháo dỡ đường mương nước xây dựng trên diện tích đất 43m2 thuộc thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để trả đất cho ông B.
Xét thấy hệ thống mương thoát nước dọc hai bên đường trong đó có đoạn mương diện tích 43 m2 ông B tranh chấp đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2013, đây là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là tài sản của Công ty C, Công ty chỉ là đơn vị được giao thi công lắp đặt và quản lý không phải là chủ sử dụng mương nước. Do đó ông Ngô Thanh B yêu cầu Tòa án buộc Công ty C phải chấm dứt hành vi trái pháp luật là tháo dỡ đoạn mương thoát nước diện tích 43m2 để trả lại diện tích đất 43m2 thuộc thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương không có căn cứ chấp nhận.
[8]. Các đương sự đồng ý kết quả đo đạc thực tế do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ký xác lập ngày 29/7/2016, đồng ý kết quả định giá ngày 03/8/2016 của Hội đồng định giá Tân Uyên, không yêu cầu đo đạc, định giá lại.
Theo kết quả đo đạc, định giá, đất tranh chấp trị giá 1.800.000 đồng/1m2 x 43m2 thành tiền 77.400.000 đồng (bảy mươi bảy triệu bốn trăm nghìn đồng). Mương bê tông kết cấu kè đá hộc giá 760.000 đồng/m3 x 34,4 m3 (0,8 m cao x 01m ngang x 43 m dài)= 26.144.000 đồng (hai mươi sáu triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn đồng). Tấm đan bê tông đặt trên mương thoát nước giá 3.080.000 đồng/m3 x 1,24 m3/tấm x 62 tấm thành tiền 3.819.200 đồng (ba triệu tám trăm mười chín nghìn hai trăm đồng)
[9]. Ngày 22/01/2017 ông B nộp đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện yêu cầu Công ty phải đền bù thiệt hại do xây dựng đường mương nước trên diện tích 43m2 số tiền 60.000.000 đồng. Ông B thay đổi yêu cầu khởi kiện khi Tòa án đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng ông B làm đơn yêu cầu hoãn phiên tòa. Nội dung thay đổi yêu cầu khởi kiện của ông B làm thay đổi quan hệ pháp luật, vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Căn cứ quy định tại Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 20015 Hội đồng xét xử không chấp nhận việc thay đổi bổ sung yêu cầu của ông B.
[10]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[11]. Về chi phí đo đạc, định giá: Nguyên đơn phải chịu theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ các Điều 26, 35, 147, 157, 227, 244, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 12 về án phí, lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Thanh B về việc yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật với bị đơn Công ty C đối với nội dung buộc tháo dỡ đoạn mương thoát nước nước kết cấu bê tông kè đá hộc diện tích 43m2 để trả diện tích đất 43m2 thuộc thửa đất 300 tờ bản đồ số 47 toạ lạc tại phường K, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (có bản vẽ kèm theo).
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Ngô Thanh B phải nộp 5.368.000 đồng (năm triệu ba trăm sáu mươi tám nghìn đồng) được khấu trừ tiền tạm ứng án phí theo biên lại số 0012147 ngày 15/4/2016 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Tân Uyên, ông Ngô Thanh B còn phải nộp 4.668.000 đồng (bốn triệu sáu trăm sáu mươi tám nghìn đồng).
3. Về chi phí đo đạc định giá: Ông Ngô Thanh B phải nộp 4.686.404 đồng (Bốn triệu sáu trăm tám mươi sáu nghìn bốn trăm bốn mươi bốn đồng đồng) theo bản kê chi phí ngày 01/9/2016 của Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên. Ông Ngô Thanh B đã thực hiện xong.
Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản án hoặc bản án được niêm yết công khai.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
File gốc của Bản án 37/2017/DS-ST ngày 19/07/2017 về yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật – Tòa án nhân dân – Bình Dương đang được cập nhật.
Bản án 37/2017/DS-ST ngày 19/07/2017 về yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật – Tòa án nhân dân – Bình Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân - Bình Dương |
Số hiệu | 37/2017/DS-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-07-19 |
Ngày hiệu lực | 2017-07-19 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |