TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
BẢN ÁN 22/2017/DS-PT NGÀY 07/04/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Các ngày 14/3/2017 và ngày 07/4/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân, tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 88/2016/DS-PT ngày 27/10/2016 về "Tranh chấp thừa kế tài sản".
Do bản án dân sự sơ thẩm số 100/2016/DS-ST ngày 29/07/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 91/2016/QĐXX-PT ngày 23/12/2016 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Phạm Thị N1 - sinh năm 1957
Trú tại: Tổ 53, khu Hợp PH, phường Minh PH, Việt Trì, Phú Thọ.
Tạm trú tại: Tổ 27b, phố Thành Công, Thọ Sơn, Việt Trì, Phú Thọ.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà N1: Ông Tạ Hồng Chúc – Văn Phòng luật sư Phú Thọ và cộng sự - Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ.
Bị đơn: Bà Phạm Thị N2 - sinh năm 1953
Trú tại: Tổ 36D, khu 17, phường Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà N2: Ông Nguyễn Phúc Tiến – Công ty luật TNHH Hùng Lĩnh – Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1, Ông Phạm Ngọc Đ – sinh năm 1945
Trú tại: Tổ 36D, khu 17, phường Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Đ: Ông Nguyễn Phúc Tiến – Công ty luật TNHH Hùng Lĩnh – Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ.
2, Chị Trần Thị H L – sinh năm 1977
Trú tại: Số nhà 102, K2, đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội.
3, Chị Trần Thị Lệ H – sinh năm 1976
Trú tại: Số nhà 102, K2, đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội.
Người kháng cáo: Bà Phạm Thị N2 - Bị đơn, ông Phạm Ngọc Đ - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
(Bà N1, bà N2, chị H, chị L, ông Đ, ông Tiến, ông Chúc đều có mặt tại phiên toà)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bà N1 khai: Bố mẹ đẻ bà là cụ Phạm văn Quán và cụ Vũ Thị Khuyên sinh được 05 người con là: Phạm Văn Thành bộ đội hy sinh năm 1969 chưa có vợ con; bà Phạm Thị Vỳ (chết năm 1989), có hai người con là chị Trần Thị Lệ H, Trần Thị H L; Bà Phạm Thị N2; Bà Phạm Thị N1; Ông Phạm Văn Phú (ông Phú chết năm 1964 khi còn nhỏ). Cụ Quán chết năm 1993, cụ Khuyên chết năm 2005 đều không để lại di chúc. Di sản của hai cụ để lại là thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28, diện tích 125,5m2 tại tổ 36D khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì. Nguồn gốc thửa đất cụ thể như sau: Năm 1990 cụ Quán, cụ Khuyên bán nhà ở Chân Mộng, Đoan Hùng được số tiền 3.000.000đ; sau khi bán nhà hai cụ đưa tiền cho vợ chồng ông Đ, bà N2 mua đất, ông Đ bà N2 đã mua cho hai cụ thửa đất số 24 băng 3, nay là thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28, diện tích 125,5m2 tại tổ 36D khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì. Bà N1 yêu cầu chia di sản thừa kế trên theo pháp luật, bà đề nghị được sử dụng tài sản được chia bằng hiện vật.
Bà N2 khai: Quan hệ gia đình như bà N1 khai là đúng. Bà N2 cho rằng năm 1989 cụ Quán, cụ Khuyên bán thửa đất ở quê tại Cầu Hai, Chân Mộng, Đoan Hùng được 3.200.000đ. Số tiền này do vợ chồng bà N1 ông Vượng nhận để gửi tiết kiệm cho hai cụ. Năm 1993 vợ chồng bà (Bà N2, ông Đ) đón hai cụ về ở cùng tại Việt Trì được khoảng 10 ngày thì cụ Quán chết. Năm 2005 cụ Khuyên chết, hai cụ không để lại di chúc và tài sản gì. Đối với tài sản bà N1 khởi kiện chia di sản thừa kế bà N2 cho rằng đó là tài sản riêng của vợ chồng bà; cụ thể: Vào năm 1989 khi Công ty vật tư Vĩnh Phú bán nhà thanh lý gia đình ông bà đã mua được một ô đất là ô số 16 theo tiêu chuẩn, nhưng do đất còn thừa cho nên vợ chồng quyết định mua thêm một ô nữa là ô số 24 băng 3 đứng tên ông Đ và được giao đất theo quyết định số 38 ngày 28/10/1992 của Công ty vật tư Vĩnh Phú; bà là người nộp thêm 400.000đ theo phiếu thu số 14 để được cắm ô đất này. Ông bà vẫn đóng thuế sử dụng đất hàng năm đầy đủ từ đó đến nay; thửa đất này ông bà đã xây nhà trọ cho thuê và nhiều lần đề nghị UBND phường Gia Cẩm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chấp nhận vì lý do theo quy định thì ông bà chỉ được cấp 01 thửa đất để ở. Chứng cứ ông Đ, bà N2 cung cấp là Quyết định số 38/CTY ngày 28/20/1992 của Công ty vật tư Vĩnh Phú; Phiếu thu số 331 ngày 17/4/1990; phiếu thu số 14 ngày 15/3/1992, các biên lai thu thuế sử dụng đất từ 2008 đến năm 2011.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 100/2016/DS-ST ngày 29/7/2016, TAND thành phố Việt Trì đã quyết định : Áp dụng điều 144, 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điêu 631, 632, 634, 635, 636, 637, 638, 645, 674, 675, 676, 677, 683, 685, 733, 734, 735 và khoản 2 điều 305 của Bộ luật dân sự; Xử:
Xác định thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 có diện tích 125,5m2 tại tổ 36D, khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ (theo quyết định số 38 ngày 28/10/1992 của Công ty vật tư Vĩnh Phú cũ đứng tên ông Phạm Ngọc Đ) là di sản thừa kế của cụ Vũ Thị Khuyên để lại trị giá là 803.200.000đ. Phần của bà Phạm Thị N2 được hưởng là 303.200.000đ. Phần của bà Phạm Thị N1 được hưởng là 250.000.000đ. Phần của chị Trần Thị Lệ H và chị Trần Thị H L được hưởng là 250.000.000đ.
Giao cho bà Phạm Thị N2 được hưởng di sản bằng hiện vật là quyền sử dụng thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 có diện tích 125,5m2 tại tổ 36D, khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ (theo quyết định số 38 ngày 28/10/1992 của Công ty vật tư Vĩnh Phú cũ đứng tên ông Phạm Ngọc Đ) trị giá 803.200.000đ. Buộc bà N2 có nghĩa vụ thanh toán giá trị về di sản cho bà N1 250.000.000đ; chị H và chị L 250.000.000đ.
Xác định căn nhà trọ 5 gian và công trình xây dựng khác trên diện tích đất nêu trên là tài sản riêng của ông Đ, bà N2.
Bà N2 còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi xuất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán kể từ ngày bà N1, chị L, chị H có đơn đề nghị thi hành án.
Bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.
Ngày 05/8/2016 ông Đ, bà N2 đều kháng cáo không đồng ý với bản án dân sự sơ thẩm. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định thửa đất trên là tài sản của ông bà, không phải là tài sản của cụ Quán, cụ Khuyên để lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bà N2, ông Đ giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày Quyết định cấp đất đứng tên ông Đ, phiếu thu tiền đứng tên bà N2, ông bà vẫn sử dụng đất từ đó đến nay, hồ sơ của phường Gia Cẩm ghi tên cụ Quán là do ông Vượng chồng bà N1 trước đây làm địa chính phường tự ý ghi vào sổ mục kê, ông bà không có văn bản nào chuyển N1 đất cho hai cụ đối với thửa đất trên. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà N2, ông Đ có quan điểm có căn cứ xác định đây là đất của ông Đ, không phải là của cụ Quán, cụ Khuyên, đề nghị sửa án sơ thẩm tuyên bố thửa đất trên là của ông Đ, bà N2.
Bà N1 xác định thửa đất là tài sản của cụ quán, cụ Khuyên để lại. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà N1 đề nghị Hội đồng xét xử xác định đủ căn cứ xác định đất là của cụ Quán, cụ khuyên, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ nhận xét phiên toà đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên toà phúc thẩm. Nội dung vụ án có quan điểm: Có căn xác định ông Đ, bà N2 đã mua thửa đất này cho cụ Quán, cụ Khuyên; thửa đất là di sản thừa kế nhưng là của cụ Quán, cụ Khuyên. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo, áp dụng điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm xác nhận di sản là của cụ Quán, cụ Khuyên và chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
1. Đối với nội dung kháng cáo của bà N2, ông Đ không đồng ý với quyết định chia thừa kế thửa đất trên vì thửa đất là của ông bà được cấp theo Quyết định số 38/CTY ngày 28/02/1992 của Công ty vật tư Vĩnh Phú về việc giao thửa đất số 24 băng 3 cho ông Phạm Ngọc Đ, lệ phí cấp đất được ông bà nộp tại các phiếu thu số 331 ngày 17/4/1990 và phiếu thu số 14 ngày 15/3/1992 không phải đất của cụ Quán, cụ Khuyên. Hội đồng xét xử xét thấy: Vợ chồng cụ Phạm Văn Quán, cụ Vũ Thị Khuyên sinh được 05 người con là các ông bà: Phạm Văn Thành bộ đội hy sinh năm 1969 chưa có vợ con; Phạm Thị Vỳ (chết năm 1989, chị Trần Thị Lệ H, Trần Thị H L là con của bà Vỳ); Phạm Thị N2; Phạm Thị N1; Phạm Văn Phú (chết năm 1964 khi còn nhỏ). Cụ Quán chết năm 1993, cụ Khuyên chết năm 2005; ông Phạm Ngọc Đ là chồng bà Phạm Thị N2. Di sản yêu cầu chia thừa kế là thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28, diện tích 125,5m2 tại tổ 36D, khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ. Đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hiện đang do bà N2, ông Đ quản lý sử dụng. Quá trình giải quyết vụ án bà N2, ông Đ và bà N1 đều thừa nhận năm 1989, 1990 cụ Quán, cụ Khuyên bán nhà ở quê tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng về ở với bà N1 một thời gian sau đó vào năm 1993 bà N2, ông Đ đón hai cụ về Việt Trì ở chung với ông Đ, bà N2 được khoảng 10 ngày thì cụ Quán chết, năm 2005 cụ Khuyên chết không để lại di chúc, bà N2, ông Đ có nhận tiền của cụ Quán, cụ Khuyên để mua đất cho hai cụ tại Việt Trì; bà N2, ông Đ có nói với cụ Khuyên là đã mua cho hai cụ thửa đất số 24, băng 3 của Công ty vật tư Vĩnh Phú. Nội dung này được ông Đ khẳng định tại bức thư gửi cho bà N1 (BL số 121,122,123,124). Tại Bút lục số 132 UBND phường Gia Cẩm cung cấp năm 1995,1996 hộ ông Quán, bà Khuyên đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trong quá trình làm thủ tục thì dừng lại lý do toàn bộ hồ sơ 58 hộ thuộc Công ty vật tư Vĩnh Phú (Trong đó có hộ ông Quán) có trục chặc, khúc mắc về phiếu thu sử dụng đất của các hộ cho nên UBND thành phố Việt Trì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân. Tại Bút lục số 45 UBND phường Gia Cẩm còn xác định Quyết định số 38 của Công ty vật tư Vĩnh Phú không có giá trị về mặt pháp lý trong việc giao đất cho hộ gia đình. Theo các tài liệu lưu trữ tại UBND phường Gia Cẩm thì không có tài liệu nào thể hiện thửa đất số 73 là của ông Phạm Ngọc Đ và vợ là Phạm Thị N2. Thời gian từ 1992 - 1995 hộ ông Đ, bà N2 đã được Công ty Vật tư Vĩnh Phú bán cho gian nhà thanh lý đã được UBND thành phố Việt Trì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ô đất có nhà thanh lý. Theo quy định của nhà nước thì hộ ông Đ, bà N2 chỉ được tiêu chuẩn cấp một ô đất duy nhất. Tại Sổ mục kê, Sổ địa chính lưu tại UBND Phường Gia Cẩm, Việt Trì ghi chủ sử dụng thửa đất số 73, tờ bản dồ số 28 là cụ Phạm Văn Quán, các biên lai thu thuế nhà đất các năm 2007, 2008 ghi người nộp tiền là cụ Khuyên, năm 2009, 2010 ghi tên người nộp là bà N2 nhưng có ghi chú nộp thay cụ Khuyên. Tại Văn bản số 50/CV-UBND ngày 10/3/2017 của UBND phường Gia cẩm xác định: Thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Cụ quán, cụ Khuyên đều đã chết do vậy tại thời điểm này không thể xét công nhận quyền sử dụng đất cho hai cụ. Việc xét công nhận cho ai là người đại diện đứng tên để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ vào xét phân chia thừa kế theo luật định hoặc thoả thuận của các hàng thừa kế được hưởng.
Như vậy có đủ căn cứ xác định, tuy Quyết định số 38 tên ông Đ, Phiếu thu số 14 tên bà N2 nhưng các biên lai thu thuế nhà đất các năm 2007, 2008 đều ghi người nộp tiền là cụ Khuyên, năm 2009, 2010 ghi tên người nộp là bà N2 và đều ghi chú là cụ Khuyên. Điều này cho thấy có sự việc bà N2, ông Đ mua hộ đất cho cụ Quán, cụ Khuyên cho nên thửa đất mới đứng tên cụ Quán trong sổ mục kê đất của UBND phường Gia Cẩm, Nội dung này phù hợp với những lời nói của ông Đ trong bức thư viết cho bà N1. Bà N2, ông Đ hoàn toàn biết thửa đất đứng tên cụ Quán, cụ Khuyên nhưng không có ý kiến gì mà còn nộp thuế sử dụng đất hàng năm thay cho cụ Khuyên. Hơn nữa vào những năm 1995,1996 bà N2, ông Đ, bà N1 còn thống nhất làm thủ tục để xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất này đứng tên cụ Khuyên như lời xác nhận trong bức thư của ông Đ đã viết. Mặt khác vào năm 2011 ông Đ đã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất này nhưng không được chấp nhận vì lý do một hộ được cấp 2 ô đất là trái quy định. Vì vậy Toà án nhân dân thành phố Việt Trì xác định thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 tại tổ 36D, khu 17, phường Gia Cẩm là tài sản của cụ Quán, cụ Khuyên để lại là có căn cứ. Lời trình bày của ông Đ cho rằng vợ ông là bà N2 chỉ cầm số tiền 300.000đ của hai cụ gọi là đi tìm mua nhà cho hai cụ ở Việt Trì để cho hai cụ yên lòng, yên tâm; lý do thửa đất đứng tên cụ Đ trong sổ mục kê là vì ông Vượng là chồng bà N1 (ông Vượng bị tai nạn giao thông chết năm 1999) khi đó làm địa chính phường Gia Cẩm đã tự ý ghi tên các cụ vào sổ mục kê là không có căn cứ chấp nhận.
Phiên toà ngày 14/3/2017 phải tạm ngừng vì ông Đ tố cáo có dấu hiệu Toà án nhân dân thành phố Việt Trì đã làm giả sổ địa chính vì phường Gia Cẩm không có sổ địa chính, việc xác minh của Toà án nhân dân thành phố Việt Trì tại Bút lục số 132 xác định tại UBND phường Gia Cẩm có 2 loại sổ mục kê, sổ địa chính là không đúng, cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Kết quả xác minh ngày 03/4/2017 cụ thể như sau: UBND phường Gia Cẩm thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn phường bằng 3 loại sổ sách và 02 loại bản đồ cụ thể: Sổ mục kê được lập năm 1996 để ghi các thửa đất, thông tin về thửa đất và tên chủ sử dụng thửa đất, sổ này được lập theo Quyết định số 499 ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính; Sổ địa chính sử dụng để đăng ký quyền sử dụng đất và làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ theo dõi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ghi những chủ hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai loại bản đồ đó là: Bản đồ giải thửa đo vẽ năm 1996 và bản đồ số hoá năm 2001 dùng làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 được thể hiện trong sổ mục kê tại trang số 161 cụ thể: số thửa 73, tờ bản đồ số 28, tên chủ sử dụng: Phạm văn Quán, diện tích 129,3m2. Năm 2001 thực hiện việc số hoá bản đồ địa chính để phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa đất đứng tên cụ Vũ Thị Khuyên là vợ của cụ Phạm Văn Quán được thể hiện tại hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Đối với hai biên bản xác minh của TAND thành phố Việt Trì có hai nội dung khác nhau là do sơ xuất không kiểm tra lại nội dung nên dẫn đến sự không chính xác của hai văn bản này. Thực tế thông tin về thửa đất đã được cung cấp tại nội dung trên.
Như vậy thông tin về thửa đất được thể hiện tại sổ mục kê đất là rõ ràng, việc lập biên bản xác minh của cấp sơ thẩm nội dung về sổ mục kê, sổ địa chính là chưa chính xác; đối với 02 bản phô tô một bản ghi là sổ mục kê, một bản ghi là sổ địa chính là tài liệu do người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cung cấp nhưng cấp sơ thẩm lại không kiểm tra, đối chiếu để có sự đánh giá, kết luận rõ ràng. Tuy những thiếu sót trên không làm thay đổi bản chất của vụ án nhưng cấp sơ thẩm cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Với những tài liệu nêu trên, căn cứ quy định tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần II của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Toà án nhân dân tối cao, điểm b khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho nên thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 tổ 36D, khu 17, phường Gia Cẩm được xác định là di sản thừa kế của cụ Quán, cụ Khuyên để lại, không phải là tài sản riêng của ông Đ, bà N2.
2. Đối với quyết định chia di sản thừa kế của Toà án nhân dân thành phố Việt Trì, Hội đồng xét xử xét thấy: Cấp sơ thẩm xác định những người được hưởng thừa kế là đúng; nhưng di sản thừa kế lại xác định chưa đúng, cụ thể: Cụ Quán, cụ Khuyên là vợ chồng, cụ Quán chết không để lại di chúc, tại thời điểm này thì di sản của cụ Quán để lại là ½ quyền sử dụng thửa đất số 73 và tính đến năm 2014 đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, do đó phần di sản của cụ Quán sẽ không được xem xét để chia thừa kế nhưng cấp sơ thẩm lại xác định phần di sản này đương nhiên là của cụ Khuyên và chia thừa kế là chưa đúng. Tuy nhiên tại thời điểm xét xử phúc thẩm thì Bộ luật dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điều 623 thì thời hiệu chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản cho nên phần di sản của cụ Quán vẫn còn thời hiệu; Xét thấy nếu tách ra thì theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 những người trong hàng thừa kế vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu chi thừa kế đối với di sản của cụ Quán để lại nhưng người được hưởng di sản vẫn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không có sự thay đổi. Xét về bản chất thì việc cấp sơ thẩm đã chia cả di sản của cụ Quán không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người được hưởng thừa kế, nên để tránh phát sinh vụ kiện khác không cần thiết cho nên chấp nhận việc chia thừa kế này của cấp sơ thẩm. Hiện trên đất có 5 gian nhà trọ là tài sản riêng của ông Đ, bà N2, diện tích đất là 125,5m2 không thể chia nhỏ nên cấp sơ thẩm giao cho bà N2 quản lý sử dụng toàn bộ và buộc bà N2 thanh toán lại bằng tiền phần di sản mà bà N1, chị L, chị H được hưởng là phù hợp quy định của pháp luật về thừa kế.
Vì vậy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà N2, ông Đ; Chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ tại phiên toà về việc xác nhận di sản là của cụ Quán, cụ Khuyên để lại.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
1/ Không chấp nhận kháng cáo của bà N2, ông Đ; Chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ tại phiên toà phúc thẩm, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 100/DS-ST ngày 29/7/2016 của TAND thành phô Viêt Tri, tỉnh Phú Thọ.
Áp dụng điều 144, 147, 148 của Bộ luật tố tụng dân sự;Điều 631, 632, 634, 635, 636, 637, 638, 645, 674, 675, 676, 677, 683, 685, 733, 734, 735 và khoản 2 điều 305 của Bộ luật dân sự; Điều 27, 30 Pháp lệnh án phí lệ phí Toà án. Xử:
Xác định thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 có diện tích 125,5m2 tại tổ 36D, khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ là di sản thừa kế của cụ Phạm Văn Quán và Vũ Thị Khuyên để lại trị giá là 803.200.000đ. Phần của bà Phạm Thị N2 được hưởng là 303.200.000đ (Ba trăm linh ba triệu hai trăm nghìn đồng). Phần của bà Phạm Thị N1 được hưởng là 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng). Phần của chị Trần Thị Lệ H và chị Trần Thị H L được hưởng là 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng).
Giao cho bà Phạm Thị N2 được hưởng di sản bằng hiện vật là quyền sử dụng thửa đất số 73, tờ bản đồ số 28 có diện tích 125,5m2 tại tổ 36D, khu 17, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ trị giá 803.200.000đ. Buộc bà N2 có nghĩa vụ thanh toán giá trị về di sản cho bà N1 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng); chị H và chị L 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng).
Xác định căn nhà trọ 5 gian và công trình xây dựng khác trên diện tích đất nêu trên là tài sản riêng của ông Đ, bà N2.
2/Án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên bà N2, ông Đ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí 200.000đ: ông Đ, bà N2 đã nộp theo các biên lai số 0001829; 0001830 cùng ngày 08/8/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Việt Trì được hoàn trả lại cho ông Đ, bà N2.
Các quyết định của bản án dân sự sơ thẩm về án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật bên có nghĩa vụ thanh toán chậm trả tiền thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng vơi thời gian chậm trả tai thơi điêm thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy đinh tai Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án , tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a,7b và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thơi hiêu thi hanh an đươc thưc hiên th eo quy đinh tai Điêu 30 của Luật thi hành án dân sư.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 22/2017/DS-PT ngày 07/04/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Phú Thọ đang được cập nhật.
Bản án 22/2017/DS-PT ngày 07/04/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Phú Thọ
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Phú Thọ |
Số hiệu | 22/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-04-07 |
Ngày hiệu lực | 2017-04-07 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |