TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 170/2017/DSPT NGÀY 15/09/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 15 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 143/2017/TLPT-DS ngày 23 tháng 8 năm 2017 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 26/2017/DS-ST ngày 11 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân huyện HT, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 159/2017/QĐ-PT, ngày 29 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Trần Văn C, sinh năm 1967.
Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: số 151, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh.
Địa chỉ cư trú: Tổ 50, ấp S, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh – có mặt.
Bị đơn: Bà Nguyễn Thụy H (tên gọi khác: Nguyễn Thị Thúy H), sinh năm 1970. Địa chỉ cư trú: số 151, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh – có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Trần Văn C, sinh năm 1946; địa chỉ cư trú: số 05, tổ 10, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1950; địa chỉ cư trú: số 110, tổ 19, ấp L, xã L Trung, huyện HT, tỉnh Tây Ninh – có mặt.
Bà Trần Thị V, sinh năm 1952; địa chỉ cư trú: số 764, tổ 12, ấp T, xã Đ, huyện C, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Bà Trần Thị G, sinh năm 1961; địa chỉ cư trú: số 49, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh – có mặt.
Ông Trần Lê N, sinh năm 1962; địa chỉ cư trú: số: 25/4, ấp TL, xã TT, huyện HT, tỉnh Tây Ninh – có mặt.
Ông Trần Văn N, sinh năm 1953; địa chỉ cư trú: tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Anh Trần H V, sinh năm 1979; địa chỉ cư trú: số 1, tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Chị Trần Mỹ D, sinh năm 1975; địa chỉ cư trú: số nhà 952, tổ 21, ấp Bàu Dài, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Anh Trần Văn T, sinh năm 1982; địa chỉ cư trú: tổ 12, ấp Tân Định 1, xã S, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Chị Trần Thị Mỹ S, sinh năm 1984, địa chỉ: số 214, tổ 5, ấp P, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Anh Trần Văn N, sinh năm 1987; địa chỉ cư trú: ấp Phước Tân, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).
Anh Trần Văn P, sinh năm 1990; địa chỉ cư trú: số 1, tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Chị Trần Thị Mỹ L, sinh năm 1994; địa chỉ cư trú: số 125, ấp Tân Định 1, xã S, huyện D, tỉnh Tây Ninh – vắng mặt.
Anh Trần Quốc B, sinh năm 1992. Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: số 151, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh. Chỗ ở hiện nay: đường 36, khu phố 2, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương – có mặt.
Anh Trần Quốc H, sinh ngày 29/10/1999. Địa chỉ: số 151, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh.
Người đại diện hợp pháp của anh H: Bà Nguyễn Thụy H (tên gọi khác: Nguyễn Thị Thúy H) (mẹ ruột anh H), sinh năm 1970; địa chỉ cư trú: số 151, ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh.
Do có đơn kháng cáo của ông Trần Văn C là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 04 tháng 01 năm 2016 và lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Trần Văn C trình bày như sau:
Cha mẹ ruột của ông C là cụ ông Trần Văn C (chết năm 1982) và cụ bà Lê Thị K(chết năm 2013) có tất cả 08 người con gồm: ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị V, bà Trần Thị G (chết năm 2007), ông Trần Lê N, ôngTrần Văn C, ông Trần Văn Th (chết năm 2010) và bà Trần Thị G.
Bà G có chồng là ông Trần Văn N và 07 người con gồm: anh Trần H V, chị Trần Mỹ D, anh Trần Văn T, chị Trần Thị Mỹ S, anh Trần Văn N, anh Trần Văn P và chị Trần Thị Mỹ L.
Ông Th có vợ là bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H) và 02 người con là anh Trần Quốc B và anh Trần Quốc H.
Cụ C và cụ K chết không để lại di chúc. Di sản thừa kế của cụ C và cụ K chết để lại là 01 phần đất diện tích 12 m x 30 m tọa lại tại ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh và căn nhà trên đất, hiện nhà và đất này do bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H) và anh Trần Quốc H quản lý, sử dụng.
Nguồn gốc di sản thừa kế do cụ C và cụ K tạo lập từ năm 1951, phần đất có diện tích ban đầu là 24m x 30m. Năm 1982, cụ C chết, cụ K và người con trai út tên Trần Văn Th quản lý toàn bộ nhà đất trên. Đến năm 1991, ôngTh có vợ là Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), vợ chồng ôngTh sống chung với cụ K. Khoảng năm 2004, cụ K và các con cùng chuyển nhượng 01 phần đất diện tích 12m x 30 m cho người khác, cụ K sử dụng số tiền này để xây lại căn nhà trên phần diện tích còn lại là 12m x 30m, phần đất còn lại cụ K đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 02/4/2002. Năm 2010, vợ chồng ông Nguyễn Văn Th và bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H) có xây thêm nhà sau và làm hàng rào trên đất, sau đó ôngTh chết (cũng trong năm 2010). Sau khi ông Th chết thì bà H, anh B, anh H và cụ K tiếp tục quản lý sử dụng nhà và đất trên.
Năm 2013, cụ K chết, nhà và đất trên hiện do vợ của ôngTh là bà H và con ôngTh là anh H quản lý, sử dụng.
Ông C khởi kiện bà H yêu cầu chia di sản thừa kế do cụ C và cụ K để lại là nhà và đất diện tích ngang 12m x dài 30m cho các đồng thừa kế của cụ C và cụ K theo quy định của pháp luật.
Phần nhà sau và hàng rào do vợ chồng bà H xây thêm nên là tài sản của vợ chồng bà H, ông không tranh chấp.
Phần thừa kế của ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị G và một phần thừa kế của ông Trần Lê N, họ không có yêu cầu nhận và chuyển cho ông nên ông đồng ý nhận. Ông yêu cầu được nhận phần đất diện tích ngang 06 mét x dài hết đất cùng căn nhà trên đất để ông có điều kiện thờ cúng cha mẹ.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, bị đơn bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H) trình bày:
Bà H thống nhất với lời trình bày của ông Cvề thời điểm cụ C và cụ K chết, các con của hai cụ, thời điểm bà G chết, chồng và con của bà G; thời điểm ôngTh chết, vợ và các con ôngTh. Thống nhất về di sản và nguồn gốc di sản do hai cụ để lại và đồng ý chia di sản thừa kế theo yêu cầu của ông C.
Phần di sản của ông Trần Văn C, bà Trần Thị V và bà Trần Thị G được hưởng thì họ đã đồng ý cho lại mẹ con bà nên bà đồng ý nhận, phần ông Nchuyển lại cho hai con trai bà, bà cũng đồng ý. Phần của bà và các con bà được hưởng bà sẽ thay mặt các con quản lý, mẹ con bà chưa có yêu cầu chia trong vụ án này. Ngoài ra, bà còn yêu cầu tính công sức đóng góp cho bà theo quy định của pháp luật vì bà có công gìn giữ khối di sản trên. Bà yêu cầu được nhận đất và căn nhà trên đất vì đây là chỗ ở duy nhất của gia đình bà, bà sẽ thanh toán lại phần giá trị chênh lệch cho các thừa kế khác.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị G trình bày:
Ông Đ và bà G thống nhất lời trình bày của ông C, đồng ý chia di sản thừa kế do cụ C và cụ K để lại theo quy định của pháp luật. Phần của ông Đ và bà Gđược hưởng thì ông bà không có yêu cầu nhận, ông bà đồng ý chuyển sang cho ông Cđược trọn quyền quyết định.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Nh trình bày:
Ông Nthống nhất lời trình bày của ông C, đồng ý chia di sản thừa kế do cụ C và cụ K để lại theo quy định của pháp luật. Phần của ông Nđược hưởng thì ông không có yêu cầu nhận, ông đồng ý chuyển sang cho ông C1/3, chuyển sang cho anh H 1/3 và anh B 1/3.
Trong biên bản lấy lời khai ngày 30/11/2016, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn C và bà Trần Thị V trình bày:
Ông C và bà Vthống nhất lời trình bày của ông C, bà H. Trường hợp phải chia di sản thừa kế do cụ C và cụ K để lại thì ông C và bà Vkhông có yêu cầu nhận, ông bà đồng ý chuyển phần của ông bà sang cho bà H, anh B và anh H được trọn quyền quyết định.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Trần Quốc B và Trần Quốc H trình bày:
Anh B và anh H là con ruột của ông Trần Văn Th và bà H. Anh B và anh H thống nhất toàn bộ lời trình bày của bà H. Anh B và anh H đồng ý nhận phần di sản do ông C, bà V và ông N và bà G chuyển sang. Phần của hai anh được nhận thì hai anh chưa có nhu cầu nhận, hai anh yêu cầu giao cho bà H quản lý.
Trong các biên bản lấy lời khai ngày 13/4/2017 và 19/4/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: ông Trần Văn N, anh Trần H V, anh Trần Văn T, chị Trần Mỹ D, chị Trần Thị Mỹ S, anh Trần Văn N, anh Trần Văn P và chị Trần Thị Mỹ L trình bày:
Thống nhất toàn bộ lời trình bày của ông Cvà bà H, đồng ý yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ C và cụ K để lại theo quy định của pháp luật, phần của bà G được hưởng từ cụ C và cụ K thì chồng và các con của bà G không có yêu cầu nhận, tất cả đồng ý chuyển phần của bà G được hưởng sang cho bà H, anh B và anh H.
* Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2017/DS-ST ngày 11/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện HT, tỉnh Tây Ninh đã tuyên xử:
Áp dụng các Điều 635, 674, 675, 676, 677, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 27 Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn C đối với bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H).
Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Nguyễn Quốc Huy, anh Nguyễn Quốc Bảo được quyền quản lý, sử dụng:
Toàn bộ diện tích đất thuộc thửa 347, tờ bản đồ số 19, có diện tích thực tế 364 m2 và toàn bộ căn nhà trên đất, có tứ cận:
Phía Đông giáp giáp hẻm 04 mét dài 13,1 m; Phía Tây giáp lộ nhựa 10 m dài 12m; Phía Nam giáp thửa 616 dài dài 29m; Phía Bắc giáp lộ 10 m dài 29m.
Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Nguyễn Quốc Huy và anh Nguyễn Quốc Bảo cùng có nghĩa vụ thanh toán cho ôngTrần Văn C số tiền 295.833.743 đồng + 600.0000 đồng = 296.433.743 đồng, được làm tròn là 296.434.000 đồng (Hai trăm chín mươi sáu triệu, bốn trăm ba mươi bốn ngàn đồng). Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, quyền và nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 14/7/2017, ôngTrần Văn C là nguyên đơn có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cho ông được nhận đất vì ông cần đất để cất nhà thờ cúng ông bà cha mẹ ông.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa có ý kiến như sau:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thẩm phán và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng những quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ôngTrần Văn C. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 26/2017/DS-ST ngày 11/7/ 2017 của Tòa án nhân dân huyện HT, theo hướng tính lại án phí sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thời hiệu: Cụ Trần Thị C(chết năm 1982), cụ Lê Thị K(chết năm 2013). Ngày 04/10/2016, ôngTrần Văn C có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ K vẫn còn. Riêng thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ C đã hết thời hiệu nhưng các đương sự thống chia di sản của cụ C để lại theo quy định của pháp luật. Nên phần di sản của cụ C không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
[2]Về di sản thừa kế: Cụ C và cụ K chết để lại một phần đất có diện tích 372,8 m2 diện tích thực tế là 364 m2 thửa 347, tờ bản đồ số 19 đất tọa lạc tại ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh trị giá 627.536.000 đồng, trên đất có 01 căn nhà cấp 4 hình chữ L, trị giá 105.894.000 đồng. Như vậy, phần di sản thừa kế của cụ C và cụ K để lại có tổng giá trị là 733.430.000 đồng. Cụ C và cụ K chết không để lại di chúc nên các đương sự thống nhất chia di sản của cụ C, cụ K theo quy định của pháp luật.
[3] Về hàng thừa kế thứ nhất của cụ C và cụ K:
Cụ C và cụ K có 08 người con gồm: ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị V, bà Trần Thị G (chết năm 2007) (bà G có chồng là ông Ngọc và có con là anh V, chị D, anh T, chị S, anh N, anh P, chị L), ông Trần Văn Nh, ôngTrần Văn C, ông Trần Văn Th (chết 2010) (ôngTh có vợ là bà Nguyễn Thụy H và có con là Trần Quốc B, Trần Quốc H), bà Trần Thị G.
Bà G chết năm 2007, do bà G chết sau cụ C nên bà G được hưởng 01 phần di sản của cụ C, phần di sản được chuyển sang hàng thừa kế thứ nhất của bà G là chồng bà G là ông Ngọc các con bà G các con là anh Vũ, chị Dung, anh T, chị S, anh N, anh P, chị L mẹ bà G là cụ K. Bà G chết trước cụ K nên theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005, phần của bà G được hưởng từ cụ K chuyển sang cho thừa kế thế vị của bà G là phù hợp quy định của pháp luật.
Ông Th chết năm 2010, do ông Th chết sau cụ C nên ông Th được hưởng 01 phần di sản của cụ C. Phần di sản được chuyển sang hàng thừa kế thứ nhất của ôngTh là bà H, anh B, anh H và cụ K. ÔngTh chết trước cụ K nên phần ôngTh được hưởng của cụ K được chuyển sang cho thừa kế thế vị của ôngTh là anh B và anh H.
Đối với phần di sản của ông Đ, bà Gđược hưởng, ông bà không nhận và tự nguyện tặng cho ông Cđược hưởng. Phần của ông C, bà Vđược hưởng ông bà không nhận và ông bà tặng cho bà H, anh B, anh H được hưởng; phần ông Nđược hưởng ông không nhận và ông tặng cho ông C, anh B, anh H mỗi người được hưởng 1/3; phần của bà G chồng và các con bà G không nhận và tặng cho bà H, anh B, anh H được hưởng nên cấp sơ thẩm ghi nhận là có căn cứ.
Do bà H sống chung với cụ K từ năm 1991 cho đến nay nên cấp sơ thẩm xem xét công sức giữ gìn quản lý di sản của cụ C để lại cho bà H một phần là đúng quy định của pháp luật.
[4] Di sản của cụ C được chia:
Phần di sản của cụ C được chia cho 9 phần (cụ K, ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị V, bà Trần Thị G (chết năm 2007) (bà G có chồng là ông Ngọc các con là anh Vũ, chị Dung, anh T, chị S, anh N, anh P, chị L), ông Trần Văn Nh, ông Trần Văn C, ông Trần Văn Th (chết 2010) (có vợ Nguyễn Thụy H và hai con là Trần Quốc B, Trần Quốc H), bà Trần Thị G, và một phần công sức gìn giữ của bà H nên mỗi phần là 366.715.000 đồng : 10 phần = 36.671.500 đồng.
Ông C được hưởng phần của ông C, phần của ông Đ, phần bà Gvà 1/3 của ông N là: (36.671.500 đồng x 3 phần) + ( 1/3 x 36.671.500 đồng) = 122.238.333 đồng.
Bà H, anh B, anh H được hưởng phần công sức đóng góp của bà H, phần ông C, phần bà Vân, 2/3 phần của ông Nhâm, 8/9 chồng bà G ông Ngọc và các con bà G là anh Vũ, chị Dung, anh T, chị S, anh N, anh P, chị L được hưởng của bà G, ¾ phần của ôngTh là 194.562.679 đồng.
Phần cụ K được hưởng phần của cụ K và 1/9 phần của bà G và ¼ của ôngTh là 49.913.986 đồng.
[5] Di sản của cụ K được chia:
Phần di sản của cụ K gồm: 366.715.000 đồng + 49.913.986 đồng = 416.628.986 đồng chia cho 8 phần ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ, bà Trần Thị V, bà Trần Thị G(chết năm 2007) (có chồng là ông Ngọc các con là anh Vũ, chị Dung, anh T, chị S, anh N, anh P, chị L), ông Trần Văn Nh, ông Trần Văn C, ông Trần Văn Th (chết 2010) (có vợ Nguyễn Thụy H và con là Trần Quốc B, Trần Quốc H), bà Trần Thị G) mỗi phần được hưởng là 52.078.623 đồng.
Ông Cđược hưởng phần của ông C, phần ông Đ và bà Gvà 1/3 của ông Nlà: 173.595.410 đồng. Bà H, anh B, anh H được hưởng gồm: 243.033.574 đồng. Ông Cđược hưởng di sản của cụ C và cụ K là: 295.833.743 đồng. Bà H, anh B, anh H được hưởng di sản của cụ C và cụ K là: 437.596.255 đồng.
[6] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Cthì thấy rằng:
Di sản của cụ C và cụ K để lại phần đất diện tích 364m2 (tương đương ngang mặt tiền 12 m x 30m) trên đất có 01 căn nhà cấp 4, hình chữ L; phần nhà trên xây ngang 5,7m x 15,6 m và chữ L phía sau xây ngang 3,7m x 8,4m. Như vậy diện tích căn nhà trên và nhà dưới phần chữ L có chiều ngang là 9,4m nên đất trống còn lại là 12 mét ngang – 9,4mét ngang (phần có nhà trên đất) = 2,6m x 30 m không đủ diện tích để tách thửa theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 9, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 29/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Nếu chia cho ông C5 mét ngang thì phải cắt bỏ phần nhà dưới và phần chữ L chiều ngang là 2,4m x 8,4m thì sẽ làm ảnh hưởng kiến trúc và mỹ quan căn nhà, làm giảm giá trị sử dụng của căn nhà trên đất. Tại phiên tòa sơ thẩm ông C yêu cầu nhận đất nhưng nếu giao hết đất cho ông thì ông không có khả năng thanh toán lại giá trị chêch lệch cho bà H, anh B, anh H, nếu giao nhà đất cho bà mẹ con bà H thì bà H, anh B, anh H sẽ thanh toán giá trị chêch lệch cho ông C.
Trong quá trình làm việc cũng như phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều thừa nhận bà H , anh B, anh H chỉ có phần đất tranh chấp là chỗ ở duy nhất. Mặt khác, tại biên bản lấy lời khai ngày 28/8/2017, ông Ccho rằng từ trước đến nay ông không thờ phụng cha mẹ, vợ chồng bà H là người thờ cúng cụ C, sau khi chồng bà H (ông Th) chết thì bà H là người trực tiếp thờ cúng cụ C, cụ K. Hiện tại ông C cũng đã có nơi sinh sống ổn định, có nhà ở tại ấp S, xã L, huyện HT từ năm 2014 cho đến nay. Do đó, yêu cầu kháng cáo của ông C yêu cầu chia 5mét ngang đất để thờ cúng cha mẹ là không có căn cứ chấp nhận.
Để đảm bảo về chỗ ở của bà H, anh B, anh H cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Cần giao toàn bộ tài sản nhà và đất trên cho bà H, anh H, anh B tiếp tục quản lý, sử dụng. Bà H, anh H và anh B phải có nghĩa vụ thanh toán lại giá trị chênh lệch cho ông C là phù hợp với quy định của pháp luật.
[7] Tuy nhiên bản án sơ thẩm chia cho bà H, anh B, anh H được hưởng trị giá 437.596.255 đồng và buộc bà H, anh B, anh H chịu án phí sơ thẩm là 21.879.813 đồng là chưa đúng quy định về án phí và lệ phí. Do đó, cần sửa án phí sơ thẩm, theo hướng bà H, anh B, anh H phải chịu án phí là 21.503.850 đồng.
[8] Đối với số tiền ông C được hưởng là 295.833.743 đồng và tiền chi phí đo đạc định giá bà H, anh B, anh H có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông C là 600.000 đồng. Cấp sơ thẩm cộng chung lại là 296.433.743 buộc bà H, anh B, anh H trả cho ông Clà chưa rõ từng phần nên cấp phúc thẩm điều chỉnh lại.
Từ những phân tích có căn cứ để chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn .
[9] Về chi phí đo đạc, định giá:
Chi phí đo đạc định giá là 1.050.000 đồng; bà H, anh B, anh H phải chịu 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng). Ông C phải chịu 450.000 đồng. Ghi nhận ông C đã nộp xong. Bà H anh B, anh H có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông C600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng).
Án phí phúc thẩm: Do ôngTrần Văn C kháng cáo không được chấp nhận nên ông Cphải chịu án phí phúc thẩm dân sự.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Trần Văn C.
Sửa bản án sơ thẩm số 26/2017/DS-ST, ngày 11 tháng 7 năm 2017 của
Tòa án nhân dân huyện HT, tỉnh Tây Ninh về án phí:
Áp dụng các Điều 635, 674, 675, 676, 677, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghị quyết 326/2016/NQUBTVQH14 ngày 30/12/2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn C đối với bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H).
Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Nguyễn Quốc Huy, anh Nguyễn Quốc Bảo được quyền quản lý, sử dụng:
Phần đất có diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 372,8 m2 đo đạc thực tế 364 m2 thửa 347, tờ bản đồ số 19, đất tọa lạc tại ấp L, xã L, huyện HT, tỉnh Tây Ninh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00601 QSDĐ/(HL)ngày 02 tháng 4 năm 2002 do UBND huyện HT cấp cho bà Lê Thị
Kđứng tên quyền sử dụng đất. Đất có tứ cận:
Phía Đông giáp giáp hẻm 04 mét dài 13,1 m; Phía Tây giáp lộ nhựa 10 m dài 12m; Phía Nam giáp thửa 616 dài dài 29m; Phía Bắc giáp lộ 10 m dài 29m.
Trên đất có: 01( một) căn nhà tường cấp 4C, hình chữ L diện tích 120m2 trị giá 105.894.000 đồng và căn nhà phía sau do ôngTh, bà H xây dựng diện tích 34,04m2 , trị giá 10.103.072 đồng và hàng rào có diện tích 112,54 m2 trị giá 11.925.240 đồng.
Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Trần Quốc H và anh Trần Quốc B cùng có nghĩa vụ thanh toán cho ôngTrần Văn C số tiền 295.833.743 đồng (Hai trăm chín mươi lăm triệu, tám trăm ba mươi ba nghìn bảy trăm bốn mươi ba đồng).
Kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.
3 .Về chi phí đo đạc định giá: Chi phí đo đạc định giá là 1.050.000 đồng. Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Trần Quốc B và anh Trần Quốc H phải chịu 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng). Ông Cphải chịu 450.000 đồng. Ghi nhận ông C đã nộp xong. Bà H, anh B, anh H có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông C 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng).
4. Về án phí:
4.1 Án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Trần Văn C phải chịu 14.791.687 đồng, khấu trừ số tiền tạm ứng án phí ông C đã nộp là 6.250.000 đồng theo biên lai thu số 0003194 ngày 18/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện HT. Ông Trần Văn C còn phải nộp tiếp số tiền 8.541.687 đồng (Tám triệu năm trăm bốn mươi mốt nghìn sáu trăm tám mươi bảy đồng).
Bà Nguyễn Thụy H (Nguyễn Thị Thúy H), anh Trần Quốc B, Trần Quốc H phải cùng chịu 21.503.850 đồng (Hai mươi mốt triệu năm trăm lẻ ba nghìn tám trăm năm mươi đồng).
4.2 Án phí dân sự phúc thẩm:
ÔngTrần Văn C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng). Khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) ông C đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0004348 ngày 14/7/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện HT, Tây Ninh. Ghi nhận đã nộp xong.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
File gốc của Bản án 170/2017/DSPT ngày 15/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Tây Ninh đang được cập nhật.
Bản án 170/2017/DSPT ngày 15/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân Tây Ninh
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Số hiệu | 170/2017/DSPT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-09-15 |
Ngày hiệu lực | 2017-09-15 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |