TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 16/2017/DS-PT NGÀY 02/08/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
Ngày 02/8/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 11/2015/TLPT- DS ngày 03/6/2015 về việc "Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất".
Do bản án dân sự sơ thẩm số 23/2011/DS-ST ngày 24/8/2011 của Tòa án nhân dân huyện V bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2017/QĐ-PT ngày 24 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
- Bà Dương Thị T, sinh năm 1933.
Trú tại: Thôn N, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
- Ông Dương Công A, sinh năm 1955.
- Bà Dương Thị T và Ông Dương Công A ủy quyền cho bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1957.
Ông A và bà H đều trú tại: Thôn B, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
2. Bị đơn:
Bà Sái Thị C, sinh năm 1947.
Người được bà C ủy quyền: Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1976.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1954.
- Ông Dương Văn V, sinh năm 1927.
- Ông Dương Văn P, sinh năm 1947
Đều trú tại: Thôn N, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
- Ủy ban nhân dân huyện V: Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Duy Đ, sinh năm 1963 - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.
4. Người kháng cáo:
- Bà Sái Thị C, sinh năm 1947.
- Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1976.
- Ông Dương Văn P, sinh năm 1947
Đều trú tại: Thôn N, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và tại các lời khai, nguyên đơn bà T và ông A trình bày: Bố đẻ của ông bà là cụ Dương Văn Q lấy hai vợ, vợ cả là cụ Nguyễn Thị S, sinh được một người con gái là bà Dương Thị T, hai cụ có một căn nhà 5 gian trát vách lợp rạ trên diện tích đất 218m2 tại Thôn N, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên. Do không có con trai nên cụ Q lấy vợ hai là cụ Sái Thị X và sinh được một người con trai là ông Dương Công A (trước khi lấy cụ Q thì cụ X đã có một con riêng là bà Sái Thị C). Sau khi lấy cụ Q cụ X về ở chung cùng cụ Q và cụ S tại căn nhà nêu trên, được khoảng hơn một năm thì cụ Q bị bệnh, cụ X bỏ đi mang theo ông A. Năm 1959 cụ Q mất không để lại di chúc, cụ X biết tin có về. Đến năm 1963 cụ X lấy chồng là cụ Hoàng Văn Y ở thôn B, xã L và về cùng ở với cụ Y. Nhà và đất do cụ S, bà T và ông A ở. Sau đó bà T đi lấy chồng, ông A đi bộ đội, cụ S cho hợp tác xã mượn nhà làm nơi giữ trẻ, ngày cụ S lên trông nhà cho bà T, tối về ngủ. Năm 1973 cụ S mất không để lại di chúc, nhà đất để không. Năm 1975 bà C nói với bà T xin ở nhờ, bà T đồng ý và hai bên chỉ nói miệng, không có văn bản. Bà T xuống thấy ông P chồng bà C chở đất về lấp ao của hợp tác xã, bà T không đồng ý cho ông P đổ đất lấp ao vì làm như vậy sẽ liền thổ với đất của cha mẹ bà, ông P có nói: “cho em đổ, sau này ông A về em làm nhà ở phần đất này hai anh em cùng ở”. Năm 1990 vợ chồng bà C đã tự ý phá dỡ ngôi nhà cũ của cụ Q để xây nhà, xây công trình phụ bà cũng không biết. Hàng năm vào ngày giỗ tết bà T, ông A mang đồ cúng lễ sang thì bà C ông P không cho vào nên thường xuyên cãi vã nhau. Quá trình ở, vợ chồng bà C đã tự kê khai đăng ký đứng tên đất mà bà và ông A không biết. Nay bà T và ông A đề nghị Tòa án buộc ông P bà C trả lại diện tích đất ban đầu 218m2 và 03 gian còn lại đang làm bếp đun, còn 02 gian nhà bà C ông P phá dỡ đi để xây nhà thì bà và ông A không có yêu cầu gì.
Bà Nguyễn Thị H là vợ ông A và được ông A, bà T ủy quyền khai thống nhất như ý kiến của bà T. Ngoài ra bà H còn trình bày: Năm 1975 bà thấy vợ chồng ông P bà C sang ở nhờ trên đất của cụ Q, việc này do bà T quyết định, còn các bên có hỏi nhờ hay không thì bà không biết. Năm 1982 ông A đi bộ đội về, năm 1984, 1985 ông A có sang đòi lại đất để thờ cúng các cụ nhưng bà C không trả. Năm 1988 bà C có gọi gia đình bà sang trả nhà đất nhưng lại đòi bồi thường cao nên gia đình bà không có tiền để trả. Năm 1990, 1991 bà C phá hai gian nhà của cụ Q để làm nhà, bà C có nói với ông A và bà H: “làm nhà sau này cậu mợ về đây ở là của cậu mợ” nên vợ chồng bà có sang làm giúp. Trong quá trình bà C làm nhà gia đình bà bị phụ thuộc nên ông A tiếp tục đòi nhà đất nhưng bà C không trả. Năm 1998 do bà C có xảy ra xô sát, va chạm với gia đình bên chồng nên có gọi ông A bà H để trả đất và nhà nhưng ông P không trả mà đề nghị pháp luật giải quyết.
Bà C, ông P và chị M trình bày: Nguồn gốc đất gia đình đang ở giống như lời trành bày của nguyên đơn. Năm 1975 gia đình bà C ông P do diện tích đất chật nên xuống ở nhà và đất của cụ Q. Việc vợ chồng bà C xuống ở được sự đồng ý bằng miệng của cụ S, bà T và ông A. Quá trình ở gia đình bà C đã san lấp thêm khoảng 73m2 đất ao của hợp tác xã. Năm 1980 bà T và ông A đã ra Ủy ban nhân dân xã L chuyển quyền sử dụng đất cho bà C ông P, hai bên có lập giấy tờ chuyển nhượng nên vợ chồng bà C đã đứng tên đất và đóng thuế. Năm 1990 gia đình bà C phá 05 gian nhà của cụ Q để xây nhà mới, việc này bà C có hỏi ý kiến của bà T và ông A, được sự đồng ý bà mới làm, vợ chồng ông A cũng có xuống làm giúp bà xây nhà. Hàng năm bà T, ông A vẫn cúng giỗ cụ Q, cụ S; từ năm 2005 do đòi lại nhà đất nên xảy ra mâu thuẫn.
Hiện nay bà T ông A khởi kiện yêu cầu gia đình bà C trả lại đất, bà C, ông P, chị M không nhất trí vì đất đã được cụ X cho để ở thờ cúng các cụ, gia đình bà đã quản lý, sử dụng đất từ năm 1975 đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện và gia đình bà cũng không có diện tích đất ở nào khác. Chị M xác định tài sản trên đất của các cụ không còn gì, đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của bà T ông A.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông K, ông V xác định: Diện tích đất tranh chấp là của cụ Q, hai ông đều không có yêu cầu gì hưởng tài sản.
Xác minh tại Ủy ban nhân dân xã L cung cấp: Nguồn gốc đất đang tranh chấp là do các cụ để lại cho cụ Q có diện tích là 218 m2. Theo bản đồ 299 năm 2002-2005 đất được thể hiện tại thửa 238, tờ bản đồ số 11 mang tên ông P, do ông P bà C ở đã tự động kê khai. Theo bản đồ 202 diện tích đất tăng lên 281 m2 tại tờ bản đồ 30, thửa 415 mang tên bà C, việc chuyển tên từ ông P sang bà C do gia đình tự kê khai sang tên. Diện tích đất tăng là do gia đình bà C lấn chiếm. Tòa về đo đạc thực tế diện tích đất là 269,75 m2, lý do giảm là do kỹ thuật đo đạc.
Bản án số 03 ngày 12/3/2007 của Tòa án nhân dân huyện V đã áp dụng Điều 256, khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự, xử: Xác nhận diện tích 218m2 tại thửa 145 tờ bản đồ số 30 mang tên bà C và công trình xây dựng mà vợ chồng ông P bà C xây dựng là thuộc quyền sử dụng của cụ Q và cụ S, bà T, ông A là người được thừa kế theo pháp luật. Buộc bà C, ông P tháo dỡ nhà ở, công trình trả lại quyền sử dụng đất 218m2 cho bà T, ông A (có mốc cõi và sơ đồ kèm theo). Diện tích 73,47m2 đất do gia đình bà C lấn thêm giao cho ủy ban nhân dân xã giải quyết theo thẩm quyền. Chấp nhận sự tự nguyện bà T, ông A bồi thường công sức cho bà C, ông P 20.000.000đ.
Ngày 20/3/2007 bà C, ông P kháng cáo, đất đã đứng tên trong sổ địa chính từ năm 1982, sử dụng hơn 30 năm không đồng ý trả. Về nhà và các công trình xây dựng hết 150.000.000 đồng nay buộc tháo dỡ bà không nhất trí vì không có chỗ ở nào khác.
Bản án số 31 ngày 25/5/2007 của Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bà C, ông P khiếu nại. Quyết định kháng nghị số 336 ngày 24/5/2010 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị huỷ cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên.
Quyết định Giám đốc thẩm số 512 ngày 18/8/2010 của Tòa án nhân dân Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, huỷ Bản án số 03 ngày 12/3/2007 của Tòa án nhân dân huyện V và Bản án phúc thẩm số 31 ngày 25/5/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện V giải quyết lại vụ án.
Sau khi thụ lý lại, Toà án nhân dân huyện V đã giải quyết bằng bản án số 02/2011/DSST ngày 07/3/2011 và quyết định: áp dụng khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 256, khoản 1 Điều 676, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự; Điều 11 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24/8/1998 của ủy ban thường vụ Quốc hội.
Xử: Buộc bà Sái Thị C, ông Dương Văn P phải tháo dỡ nhà ở, các công trình trên phần đất 163,44m2 ở phía Nam của thửa đất số 415 tờ bản đồ số 30 năm 2002 tại Thôn N, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên trả quyền sử dụng đất cho bà Dương Thị T, ông Dương Công A. Phần đất còn lại ở phía Bắc của thửa 415 có diện tích 106,31m2 vợ chồng bà C ông P được quyền quản lý, sử dụng.
Bà C ông P được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ khi án có hiệu lực pháp luật.
Buộc bà T và ông A phải bồi thường tài sản trên đất cho bà C ông P là 41.800.000đ, chia theo phần mỗi người sẽ phải bồi thường là 20.900.000đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về lãi suất quá hạn, án phí, quyền thi hành án và quyền kháng cáo.
Ngày 17/3/2011 bị đơn bà Sái Thị C và người được bị đơn ủy quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Dương Khắc P kháng cáo với nội dung:
Việc xét xử của Tòa án nhân dân huyện V là không công bằng, thiên vị cho nguyên đơn, không đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của bản án giám đốc thẩm.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 23/2011/DSPT ngày 24/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị H có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự Giám đốc thẩm. Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 287 ngày 18/8/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối Cao đề nghị hủy bản án dân sự phúc thẩm.
Quyết định Giám đốc thẩm số 57 ngày 19/3/2015 của Tòa án nhân dân Tối Cao đã Chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối Cao, huỷ Bản án số 23 ngày 24/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên giải quyết lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: Các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Bà H đề nghị hủy bìa đỏ đã được cấp cho ông P bà C, đề nghị Tòa căn cứ pháp luật buộc bà C phải trả lại bà T ông A phần tài sản của các cụ mà ông bà được hưởng. Ông Dương Khắc P là chồng bà C đã chết. Diện tích đất qua thẩm định lại là 281 m2. Ủy ban nhân dân xã L xác định diện tích tăng lên so với lần đo đạc năm 2015 là do kỹ thuật đo đạc, đề nghị Tòa lấy diện tích 281 m2 làm căn cứ giải quyết vụ án. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện V xác định quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông P bà C là đúng trình tự thủ tục.
Tại phiên toà phúc thẩm: Các đương sự giữ nguyên ý kiến của mình. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:
- Về chấp hành pháp luật: Hội đồng xét xử, các đương sự tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Giao cho gia đình bà C phần diện tích đất tương ứng với phần tài sản của cụ X, phần đất gia đình bà C khai phá thêm và phần công sức gia đình bà C bảo quản, duy trì khối tài sản trên đó có ngôi nhà gia đình bà đã xây dựng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đựơc thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đánh giá toàn diện, khách quan đầy đủ, các chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, người đại diện theo uỷ quyền. Hội đồng xét xử thảo luận và nhận định:
[1]. Về tố tụng: Trong quá trình xét xử phúc thẩm ông Dương Văn P là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chết. Ông P có bà Sái Thị C là vợ cùng con của ông là người kế thừa quyền và nghĩa vụ. Vì vậy không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
[2] Về nguồn gốc đất: Diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là của Cụ Dương Văn Q. Cụ Q có hai vợ, vợ cả là cụ S, hai cụ tạo lập được 05 gian nhà tranh vách đất trên diện tích đất 218 m2. Sau đó cụ Q kết hôn với cụ X và về ở chung tại nhà đất trên. Do cụ Q kết hôn với cả hai vợ trước khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, vì vậy hôn nhân của các cụ là hợp pháp và tài sản trên là tài sản chung của các cụ trong thời kỳ hôn nhân.
Năm 1959, cụ Q mất không để lại di chúc, cụ X kết hôn với người khác và về gia đình nhà chồng ở, nhà đất do cụ S, bà T, ông A quản lý. Sau đó bà T đi lấy chồng, ông A đi bộ đội. Năm 1973, cụ S chết không để lại di chúc. Vợ chồng bà C quản lý nhà đất của cụ Q, cụ S. Nay bà T ông A khởi kiện đòi lại nhà đất mà vợ chồng bà C đang quản lý. Bà C, chị M là người được ủy quyền khai đã được cụ X cho đất, có lời khai được ông A bà T bán đất cho gia đình bà C từ năm 1980, nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh. Xác minh tại Ủy ban nhân dân xã L thể hiện gia đình bà C ở trên đất tự kê khai, tại ủy ban nhân dân xã chưa có văn bản nào xác nhận ông P bà C được cho, bán hay chuyển nhượng. Chính bà C khai năm 1990 làm nhà có hỏi ý kiến bà T ông A và được ông bà đồng ý mới làm, như vậy không thể có việc mua bán đất từ năm 1980. Vì vậy không có căn cứ chấp nhận nhà đất trên là của bà C.
[3]. Về xác định phần di sản của từng cụ: Nguồn gốc nhà đất là của cụ Q và cụ S. Khi cụ Q kết hôn với cụ X thì phần tài sản của cụ Q trong khối tài sản chung của cụ Q và cụ S là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của cụ Q và cụ X. Hiện nay các cụ đã chết từ lâu, đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, bà C đang quản lý tài sản không phải là người thừa kế của cụ Q và cụ S, vì vậy căn cứ vào điểm b, mục 2.4 phần I nghị quyết 02/2004 ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T ông A, buộc bà C trả lại phần tài sản của cụ Q cụ S là đúng quy định của pháp luật. Nhưng chưa xác định cụ thể phần di sản của cụ X là chưa đầy đủ và chính xác.
[4]. Xét diện tích đất đang tranh chấp: Đất thể hiện tại bản đồ 299 thửa 238 là 218 m2. Tại bản đồ năm 2002 diện tích đất là 281 m2 tờ bản đồ số 30, thửa 415. Diện tích đất tăng từ 218 lên 281 m2 theo ủy ban nhân dân xã cung cấp là do gia đình bà C lấn chiếm. Đo thực tế năm 2015 diện tích đất là 269,75 m2. Lý do đất giảm từ 281 m2 còn 269,75 m2 là do kỹ thuật đo đạc. Năm 2017 Tòa án đã về thẩm định lại diện tích đất là 281 m2. Ủy ban nhân dân xã L xác nhận diện tích 281 m2 là đúng so với số liệu đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị Tòa án căn cứ vào số liệu này để làm căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong số 281 m2 đất này có một phần do gia đình bà C lấn chiếm, vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét diện tích đất tăng lên do vợ chồng bà C lấn chiếm mà chỉ xem xét diện tích đất của các cụ để lại là 218 m2 để phân chia. Như vậy bà T ông A được quản lý phần đất của cụ S là 109 m2 và 54,5 m2 của cụ Q = 163,5 m2. Phần đất của cụ X là 54,5 m2 do hết thời hiệu thừa kế, hiện bà C đang quản lý nên giao cho bà C tiếp tục quản lý tài sản của cụ X. Trị giá 1m2 đất là 1.500.000 đ. Nếu giao cho bà T ông A 163.5 m2 đất sẽ lấn vào nhà ở của bà C. Việc phá bỏ nhà ở như cấp sơ thẩm đã tuyên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, chỗ ăn ở của cả gia đình bà C. Mặt khác bà T ông A cũng đã có chỗ ăn ở khác ổn định, chỉ có nhu cầu đòi đất để xây nhà thờ. Vì vậy Hội đồng xét xử sẽ giao cho bà T ông A 80 m2 đất, số còn lại buộc bà C phải thanh toán bằng tiền trả bà T ông A.
[5]. Về tài sản trên đất: Trên đất giao cho bà T ông A có công trình phụ của gia đình bà C gồm; Bếp: trị giá 7.647.000 đ, bể nước trị giá 766.000đ, sân gạch trị giá 7.030.000đ, giếng khoan trị giá 300.000đ. Khi giao cho bà T ông A cần buộc ông bà phải trả trị giá tài sản trên cho bà C. Tuy nhiên sân gạch có một phần nằm trên phần đất giao cho bà C, vì vậy buộc bà T ông A phải trả trị giá sân gạch cho bà C là 5.000.000đ. Đối với nhà tranh của các cụ để lại, gia đình bà C đã phá dỡ, các bên không yêu cầu đề nghị gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6]. Về công sức: Trước đây bà T, ông A đã tự nguyện trả tiền công sức cho vợ chồng bà C 20.000.000đ, nay lại thay đổi đề nghị tòa căn cứ pháp luật để giải quyết. Xét thấy: Vợ chồng bà C đã ở trên đất từ năm 1975 đến nay, đã có công sức bảo quản, duy trì tài sản, bà T ông A trước đây đã tự nguyện trả công sức cho bà C 20.000.000đ là phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử buộc bà T ông A trả bà C tiền công sức là 20.000.000đ.
[7]. Như vậy số tiền bà C phải trả chênh lệch về đất cho bà T ông A là: 163,5 m2- 80 m2 = 83,5 m2 x 1.500.000đ/ m2 = 125.250.000đ. Đối trừ số tiền công sức, trị giá bếp, bể, sân gạch, giếng khoan mà bà T ông A phải trả bà C tổng = 54.713.000đ. Bà C còn phải trả cho bà T ông A là 91.037.000đ.
[8]. Đối với diện tích đất gia đình bà C khai phá thêm từ trước 01/7/2004, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2012, vì vậy căn cứ vào khoản 2 điều 101 Luật đất đai 2013, điều 236 Bộ luật dân sự 2015, gia đình bà C được tiếp tục quản lý, sử dụng.
[9]. Năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện V đã căn cứ vào bản án dân sự phúc thẩm số 23/2011/DSPT ngày 24/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 836967 ngày 30/01/2012 cho gia đình bà C. Nhưng Tòa án nhân dân Tối Cao đã hủy bản án trên để xét xử lại theo trình tự phúc thẩm, đến nay do tòa sửa bản án, phân chia lại diện tích đất nên cần hủy giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất trên.
[10]. Về án phí:
Do bản án sơ thẩm bị sửa nên các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm. Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Pháp lệnh số 10/PL- UBTVQH12 về án phí, lệ phí Toà án.
Bởi các lẽ trên;
Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điều 91; điều 92; Điều 147; Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 50, 136 Luật đất đai năm 2003; Điều 101 Luật đất đai 2013; Điều 166, Điều 236, Điều 357, 623 Bộ luật dân sự; Pháp lệnh số 10/PL- UBTVQH12 án phí, lệ phí Toà án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Sái Thị C, người được ủy quyền chị Nguyễn Thị M, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 02/2011/DSST ngày 07/3/2011 của Tòa án nhân dân huyện V như sau:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị T và ông Dương Công A: Giao cho bà T ông A được quyền quản lý, sử dụng 80 m2 đất theo hình ABCGH, có chiều dài các cạnh như sau: Cạnh phía đông HG giáp ngõ đi dài 7,40 m. Phía tây giáp đường thôn có cạnh AB dài 2,7 m và BC dài 5,00 m. Phía nam giáp ngõ đi có cạnh AH dài 10,1 m. Phía bắc giáp đất của bà C có cạnh CG dài 10,60 m. Trên đất có 01 bếp, bể nước, giếng khoan, sân gạch.
- Buộc bà Sái Thị C phải trả tiền chênh lệch về tài sản cho bà Dương Thị T và ông Dương Công A là 91.537.000đ.
- Giao cho bà Sái Thị C được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng 201 m2 đất còn lại tương ứng với hình CDEFG.
(Có sơ đồ kèm theo)
Khi án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành khoản tiền bồi thường trên, nếu người phải thi hành không thì hành thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy đinh tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành.
- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 836967 ngày 30/01/2012 mang tên ông Dương Khắc P và bà Sái Thị C.
2. Về án phí sơ thẩm: Bà Sái Thị C phải chịu 12.262.000 đồng (mười hai triệu hai trăm sáu hai nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Trả lại bà Dương Thị T số tiền 1.000.000 đồng (một triệu đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số 03754 ngày 06/6/2005 của Thi hành án dân sự huyện V nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện V.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Trả chị Nguyễn Thị M số tiền 200.000đồng tiền tạm ứng án phí chị M đã nộp tại biên lai thu số 013540 ngày 17/3/2011 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện V. Trả lại bà Sái Thị C 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo giấy biên nhận ngày 23/3/2007 của Thi hành án dân sự huyện V nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện V.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự ; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 16/2017/DS-PT ngày 02/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất – Tòa án nhân dân Hưng Yên đang được cập nhật.
Bản án 16/2017/DS-PT ngày 02/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất – Tòa án nhân dân Hưng Yên
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Số hiệu | 16/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-02 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-02 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |