TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP, TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 06/2017/DS-ST NGÀY 27/09/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG, YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại Hội trường xét xử - Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 12/2013/TLST-DS ngày 26/3/2013 về “Tranh chấp chia tài sản chung, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử 08/2017/QĐXXST- DS ngày 29/8/2017, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà A, sinh năm: 1966 (Có mặt)
2. Bị đơn: Ông B – sinh năm:1977 (Có mặt) Cùng địa chỉ : Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước
Người đại diện theo ủy quyền: Ông D – Trưởng phòng TN&MT huyện C (Theo văn bản ủy quyên đề ngày 21/6/2017) (Có mặt)
- Anh E, sinh năm 1993 (Có mặt)
- Anh F, sinh năm 1996 (Có mặt)
Điểu Tài ủy quyền cho Hoàng Văn Long (văn bản đề ngày 08/12/2015)
- Bà G, sinh năm 1968 (Có mặt) Cùng địa chỉ : Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước.
- Bà H, sinh năm 1979 (Có đơn xin vắng mặt) Địa chỉ: Ấp O, xã Ô, huyện K, tỉnh Trà Vinh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
+ Trong đơn khởi kiện, cùng các bản khai và tại phiên tòa bà A trình bày: Bà A và ông B chung sống với nhau từ năm 2003, năm 2008 mâu thuẫn dẫn đến xin ly hôn được
Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp giải quyết không công nhận vợ chồng theo Bản án số: 03/2008/DS-ST ngày 22/5/2008.
Bà A cho rằng trong quá trình chung sống với ông B, bà và ông B tạo lập được tài sản chung là ba thửa đất có diện tích 10.599m2, 7.609,6m2 và 5.727m2, tọa lạc tại ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước; nguồn gốc đất là do hai người cùng phai phá trong thời kỳ chung sống. Từ năm 2009 đến nay bà đang quản lý sử dụng diện tích đất 10.599m2, ông B đang quản lý sử dụng diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2.
Nay bà yêu cầu Tòa án chia tài sản chung như sau: Chia cho bà được sử dụng diện tích đất 10.599m2, giao cho ông B được sử dụng diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2. Ai được sử dụng diện tích đất nào thì được quyền đối với các tài sản gắn liền trên đất đó.
+ Trong Bản tự khai cùng các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, bị đơn B trình bày vềyêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn; cũng như có yêu cầu phản tố như sau:
Ông B cho rằng toàn bộ tài sản gồm ba diện tích đất 10.599m2, 7.609,6m2 và 5.727m2 mà bà A yêu cầu Tòa án chia, cùng với diện tích đất 11.317,5m2 và 2.436m2, tọa lạc tại ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước là tài sản riêng của ông B, được ông tạo dựng trước khi chung sống với bà A.
Ông yêu cầu Tòa án xác định các diện tích đất này là tài sản riêng của ông và buộc bàA và các con bà A trả ông các diện tích 10.599m2 và 2.436m2. Đối với diện tích đất 11.317,5m2 ông xác định là tài sản của bà A không tranh chấp nên đã rút đơn, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi giải quyết vụ án ông B được biết diện tích đất 2.436m2; tọa lạc tại ấp M, xã N,huyện L, tỉnh Bình Phước đã được UBND huyện Bù Đốp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ cấp giấy: CH 00226, ngày 29/5/2014, cấp khi đang có tranh chấp nên ông có yêu cầu phản tố, đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này, công nhận quyền sử dụng đất này của ông B.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh E và anh F trình bày yêu cầu độc lập như sau: Thửa đất có diện tích có 2.436m2 là tài sản chung của anh E và F, có được do tự khai phá. Khi trong thời gian bà A chung sống ông B, ông B hay gây sự, đánh đập E, F vì là con riêng của bà A. Khi Nhà nước ủi đường hình thành một gò đất bằng, nhỏ ở vùng trũng giáp suối nên anh em đã tự ra diện tích đất này dọp dẹp, dựng nhà tạm lên ở với sự giúp sức của mẹ. Ông B cho rằng diện tích đất này của mình là không đúng. Anh E, anh F yêu cầu Tòa án xác định diện tích đất của mình và yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này vì đất có tranh chấp mà được cấp cho hộ bà A, công nhận quyền sử dụng đất này cho anh E, F. Tại phiên tòa anh E, anh F đề nghị giữ nguyên giấy chứng nhận đã cấp cho hộ bà A vì cho rằng tài sản này có được do công của hai anh là chính nhưng có sự giúp đỡ của mẹ, đất cấp cho hộ và các anh đều là thành viên của hộ nên vẫn đảm bảo quyền của mình.
+ Nguyên đơn A trình bày về yêu cầu phản tố của ông B, cũng như yêu cầu độc lập của E, F như sau:
Ông B cho rằng tất cả các diện tích đất này là tài sản riêng là không đúng, đó là tài sản do hai người cùng khai phá. Riêng diện tích 2.436m2 là của E và F khai phá, khi đó hai con còn nhỏ nên khi Nhà nước làm sổ bà đã đại diện chủ hộ làm sổ cho con. Nay các con có ý kiến như vậy thì bà đồng ý.
+ Đại diện Ủy ban nhân dân huyện L trình bày về yêu cầu hủy sổ đã cấp cho hộ bà A như sau:
Việc cấp sổ cho hộ bà A là đúng quy định của pháp luật, khi cấp bà A là chủ hộ và được quyền đi kê khai để được cấp đất, khi cấp đất ông B không có trong hộ bà A và việc có tranh chấp tại tòa Ủy ban không được thông báo. Tại phiên tòa hôm nay phía Ủy ban nhân dân huyện L đồng tình với ý kiến của anh E, anh F và bà A đề nghị Tòa án giữ nguyên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ bà A.
+ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà G, bà H trình bày: Nay bà A và ông B tranh chấp các diện tích đất này, các bà không có ý kiến gì; nếu có tranh chấp sẽ khởi kiện bằng vụ án khác.
+ Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án: Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án chỉ vi phạm về thời hạn đưa vụ án ra xét xử, ngoài ra không còn vi phạm nào.
- Về nội dung vụ án: Sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày tại phiên tòa có căn cứ xác định tài sản gồm ba diện tích đất 10.599m2, 7.609,6m2 và 5.727m2 là tài sản chung của bà A và ông B, đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A. Đình chỉ yêu cầu của ông B về diện tích đất 11.317,5m2 vì ông B đã rút yêu cầu, bác yêu cầu của ông B về diện tích đất 2.436m2 vì cho rằng là tài sản của mình, xác định tài sản là diện tích đất 2.436m2 của E, F và bà A. Ghi nhận việc giữ nguyên sổ do UBND huyện L đã cấp cho bà A do các bên cùng thống nhất, các vấn đề khác Tòa án giải quyết theo luật định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đây là vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp theo quy định tại các điều 26, 34 và 35 của Bộ luật tố tụng năm 2015. Bà H có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án xét xử vắng mặt theo các điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về nội dung vụ án:
Bà A cho rằng trong quá tình chung sống như vợ chồng với ông B đã tạo lập được tài sản chung gồm ba thửa đất có diện tích 10.599m2, 7.609,6m2 và 5.727m2. Ông B cho rằng ba diện tích đất mà bà A yêu cầu chia là tài sản riêng của ông và có yêu cầu phản tố cho rằng cả diện tích 11.317,5m2 và 2.436m2 là tài sản riêng của mình và yêu cầu bà A và các con phải trả lại; đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất đã cấp. Đối với diện tích đất 11.317,5m2, ông B đã xác định là tài sản của bà A nên đã rút đơn yêu cầu.
Đối với yêu cầu khởi kiện chia ba diện tích đất 10.599m2, 7.609,6m2 và 5.727m2; Hội đồng xét xử nhận định: Các diện tích đất này có nguồn gốc là do vào năm 2000 và 2001 ông B tự nhận là của mình (khi đó là đất rừng) và chỉ phát dọn được một phần (Bút lục số: 259, 260), năm 2004 bà A và ông B về chung sống với nhau, cùng nhau phát dọn và trồng cây (Bút lục số: 235, 236) nên đã tạo lập được các các diện tích đất này. Tới năm 2008 hai vợ chồng mâu thuẫn, xin ly hôn được Tòa án giải quyết, không công nhận là vợ chồng vì không có đăng ký kết hôn, tài sản các bên tự chia. Từ đó bà A quản lý, sử dụng diện tích và trồng cây trên diện tích đất 10.599m2 đến nay, Ông B quản lý, sử dụng các diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2.
Như vậy, khi tự nhận phần đất này là của mình, ông B không rõ diện tích đất là bao nhiêu. Từ năm 2004 khi bà A về chung sống với ông B mới phát dọn, cho đến khi không chung sống với nhau (năm 2008) mới hình thành được các diện tích đất này nên có thể xác định các diện tích đất này là tài sản chung do hai người tạo lập được. Ông B cho rằng đó là tài sản riêng, không chia cho bà A là không có căn cứ, không có cơ sở để chấp nhận; việc bà A yêu cầu chia ba diện tích đất này là có căn cứ, được chấp nhận. Tuy nhiên khi chia cần xem xét công sức của các bên trong việc hình thành tài sản để chia nhằm bảo đảm quyền của các bên, cụ thể:
Để có các diện tích đất này ông B có công lớn hơn bà A trong việc bao chiếm (nhận, xí) đất rừng, bà A có công rất lớn trong việc cùng ông B phát dọn, cải tạo đất rừng thành đất sản xuất nên khi chia ông B sẽ được chia phần nhiều hơn. Từ năm 2008 đến nay bà A đang quản lý, sử dụng diện tích và trồng cây trên diện tích đất 10.599m2, ông B quản lý, sử dụng các diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2, xét về giá trị và diện tích đất thì đất ông B đang sử dụng có giá trị (167.398.000đ + 125.994.000đ = 293.392.000đ) lớn hơn giá trị diện tích đất bà A đang sử dụng (233.178.000đ) và diện tích lớn hơn (7.609,6m2 + 5.727m2 = 13.417,6 m2) so với 10.599m2 đất của bà A đang sử dụng. Do đất trước đây của Lâm trường, đã được giao về cho địa phương quản lý và các diện tích đất này đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSD đất (Bút lục số; 238). Nhằm ổn định cuộc sống, nhất là đối với phụ nữ nuôi con nhỏ, cũng là người dân tộc thiểu số nên cần giao diện tích đất và tài sản gắn liền với diện tích đất 10.599m2 cho bà A sủ dụng; giao diện tích đất và tài sản gắn liền với diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2 cho ông B sử dụng là phù hợp với sự đóng góp của các bên, phù hợp với luật định.
[3] Về yêu cầu phản tố của bị đơn cho rằng diện tích cả 11.317,5m2 và 2.436m2 là tài sản riêng của mình và yêu cầu bà A và các con phải trả lại; đồng thời yêu cầu hủy giấychứng nhận QSD đất đã cấp. E, F có yêu cầu độc lập yêu cầu xác định diện tích đất 2.436m2 là của mình và yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất đứng tên hộ bà A để mình đứng tên. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Diện tích đất 2.436m2 được hình thành do E, F tự khai phá vào năm 2006 vì không ở được với ông B, bị ông B đánh chửi không cho ở chung khi đó nhà nước ủi đường nên E, F đã ra diện tích đất này dọn dẹp làm chòi ở với sự giúp sức của bà A, diện tích này không có giáp ranh với các thửa đất của bà A, ông B khai phá. Nên có thể khẳng định ông B không có công sức đóng góp gì trong việc hình thành nên diện tích đất này, ông B đã từng rút yêu cầu chia diện tích 2.436m2 (Bút lục số; 266) nên yêu cầu cho rằng đây là tài sản riêng của ông B là không có căn cứ. Công lớn để hình thành nên diện tích đất là của E, F là phần lớn, có sự giúp sức của bà A. Do khi dọn dẹp, xí đất E, F còn nhỏ sống với bà A, bà A là chủ hộ (Bút lục số: 357) là người giám hộ và là người cùng tạo lập. Vào năm 2009 có chính sách làm sổ cho người dân tộc và hộ bà A được cấp vào năm 2014 như phía UBND huyện L trình bày là đúng quy định. Hộ bà A có E, F là thành viên nên diện tích đất này thuộc về bà A, E, F. Giấy chứng nhận đã cấp trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án (đang có tranh chấp) nhưng đã cấp đúng cho hộ bà A đảm bảo quyền và lợi ích của E, F. Tại phiên tòa các đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Giấy chứng nhận đã cấp đề nghị không hủy và Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải hủy mà giữ nguyên Giấy chứng nhận đã cấp để bảo đảm sự ổn định cho hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho hộ bà A của ông B không được Tòa án chấp nhận.
[4] Đối với diện tích đất 11.317,5m2, ông B đã xác định là tài sản của bà A không yêu cầu chia, đã có đơn xin rút yêu cầu vào ngày 07/4/2017 nên cần đình chỉ yêu cầu này theo luật định.
[5] Bà H và bà G cho rằng có mua diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2 của ông B, biết ông B và bà A tranh chấp diện tích đất này nhưng không có yêu cầu giải quyết trong vụ án
(Bút lục số: 242, 243 và 301) nên Tòa án không xem xét giải quyết, nếu các bên có tranh chấp sẽ được giải quyết trong vụ án dân sự khác.
[6] Về chi phí tố tụng: Chi phí xem xét thẩm định và định giá: Bà A đã nộp 12.000.000 (mười hai triệu) đồng, ông B đã nộp 5.500.000 (năm triệu năm trăm nghìn) đồng. Các đương sự tự nguyện chịu phần chi phí mà mình đã nộp nên Tòa án không xem xét.
[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Các bên phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị tài sản ông B được nhận là 293.392.000đ, nên phải chịu án phí (167.398.000đ + 125.994.000đ ) x 5% = 14.669.600đồng và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chấp nhận nên phải chịu án phí 300.000 đồng. Tuy nhiên
Bản án 05/2012/DS-ST ngày 25/6/2012 xác định ông B có hoàn cảnh khó khăn, khôngcó thu nhập được UBND xã xác nhận nên cần miễn giảm cho ông Nam 50% án phí thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước đối với người có hoàn cảnh khó khăn. Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông B phải nộp là 7.484.800đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 200.000đồng đã nộp theo biên lai số 019379 ngày 11/11/2009 và 300.000đồng đã nộp theo biên lai số 0015992 ngày 07/11/2017 của chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đốp, ông B còn phải nộp tiếp số tiền 6.984.800 (Sáu triệu chín trăm tám mươi bốn nghìn tám trăm) đồng.
Bà A được chia phần tài sản có giá trị 233.178.000đồng, nên án phí đáng lẽ phải chịu là 233.178.000đồng x 5%= 11.658.900đồng nhưng do bà A thuộc diện hộ nghèo nên cần miễn toàn bộ án phí đáng lý phải chịu, thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước đối với người nghèo là dân tộc thiểu số. Số tiền tạm ứng án phí đã nộp 200.000đồng theo biên lai số 010735 ngày 13/7/2009 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đốp được trả lại cho bà A. E, F thuộc diện hộ nghèo nên cần miễn toàn bộ án phí đáng lý phải chịu, thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước đối với người nghèo là dân tộc thiểu số. Số tiền tạm ứng án phí đã nộp 600.000đồng đã nộp theo biên lai số 0015976 ngày 27/3/2017 được trả lại cho F. Bà H, bà G và Ủy ban nhân dân huyện L không phải chịu án phí.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: Các điều 26, 34, 35, 157, 165 và 246 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các điều 214, 217, 219 của Bộ luật dân sự năm 2005; các điều 212, 213 của Bộ luật dân sự năm 2015; các điều 27, 95 Luật hôn nhân & gia đình năm 2000; các điều 14, 16, 33,59, 62 Luật hôn nhân & gia đình năm 2014.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà A.
- Bà A được quyền sử dụng diện tích đất 10.599m2 và sở hữu các tài sản gắn liền với diện tích đất thuộc thửa đất số 22, tờ bản đồ số 03; đất tọa lạc tại: Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước; đất có tứ cận:
Phía Bắc giáp thửa đất số 16 có các cạnh dài 46,74m + 47,59m + 59m.
Phía Nam giáp thửa đất số 25 có các cạnh dài 43,39m + 28,95m + 15,02m + 11,11m; giáp thửa đất số 26 có các cạnh dài 16,92m + 25, 48m.
Phía Đông giáp thửa đất số 16 có các cạnh dài 58,53m + 21,90m.
Phía Tây giáp đường đất rộng 06m.
- Ông B được quyền sử dụng diện tích đất 7.609,6m2 và 5.727m2 và sở hữu các tài sản gắn liền với diện tích đất thuộc thửa đất số 18, 24, tờ bản đồ số 03; đất tọa lạc tại: Ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.
* Diện tích đất 7.609,6m2 có tứ cận:
Phía Bắc giáp thửa đất số 17 có các cạnh dài 34,01m + 42,42m + 94,25m.
Phía Đông, Nam giáp đường + 11,11m; giáp thửa đất số 26 có các cạnh dài đất rộng 06m.
Phía Tây giáp thửa đất số 16 có các cạnh dài 38,73m + 50,27m.
* Diện tích đất 5.727m2 có tứ cận:
Phía Bắc giáp thửa đất số 20 có các cạnh dài 34,23m + 70,38m.
Phía Nam giáp thửa đất số 27 có các cạnh dài 47,67m + 23,49m + 30,53m. Phía Đông giáp đường đất rộng 06m.
Phía Tây là điểm nhọn.
Bà A và ông B được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà mình được sử dụng theo đúng luật định. (Các diện tích đất có sơ đồ bản vẽ kèm theo)
2. Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông B về diện tích đất 11.317,5m2; đất tọa lạc tại: Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước. Do ông B rút đơn yêu cầu đề ngày 07/4/2017 và được Tòa án chấp nhận.
3. Bác yêu cầu phản tố của ông B về diện tích đất 2.436m2 tọa lạc tại: Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước mà ông B cho rằng là tài sản riêng và bác yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện L đã cấp cho hộ bà A, số vào sổ cấp giấy: CH 00226, ngày 29/5/2014.
4. Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của E, F về xác định diện tích đất 2.436m2 là của mình.
Xác định diện tích đất 2.436m2 tọa lạc tại: Ấp M, xã N, huyện L, tỉnh Bình Phước và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của bà A, anh E và anh F.
5. Ghi nhận sự thỏa thuận của anh E, anh F, bà A và Ủy ban nhân dân huyện L về việc tiếp tục giữ nguyên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện L đã cấp cho hộ bà A, số vào sổ cấp giấy: CH 00226, ngày 29/5/2014. Bà A và anh E, anh F có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ bà A sang cho cả ba người đứng tên theo luật định nếu có yêu cầu.
6. Về chi phí tố tụng: Chi phí xem xét thẩm định và định giá: Bà A đã nộp 12.000.000 (mười hai triệu) đồng, ông B đã nộp 5.500.000 (năm triệu năm trăm nghìn) đồng. Các đương sự tự nguyện chịu phần chi phí mà mình đã nộp nên Tòa án không xem xét.
7. Về án phí dân sự: Áp dụng Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Ông B phải chịu 14.969.600đồng, được miễn giảm 50% án phí nên phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông B phải chịu là 7.484.800đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 200.000đồng đã nộp theo biên lai số 019379 ngày 11/11/2009 và 300.000đồng đã nộp theo biên lai số 0015992 ngày 07/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đốp, ông B còn phải nộp tiếp số tiền 6.984.800 (Sáu triệu chín trăm tám mươi bốn nghìn tám trăm) đồng.
Bà A, E, F được miễn toàn bộ án phí. Số tiền tạm ứng án phí đã nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng theo biên lai số 010735 ngày 13/7/2009 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đốp được trả lại cho bà A. Số tiền tạm ứng án phí đã nộp 600.000 (Sáu trăm nghìn) đồng đã nộp theo biên lai số 0015976 ngày 27/3/2017 được trả lại cho F. Bà H, bà G và Ủy ban nhân dân huyện L không phải chịu án phí.
8. Về nghĩa vụ chậm thi hành án:
Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
9. Về hướng dẫn thi hành án dân sự:
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
10. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
File gốc của Bản án 06/2017/DS-ST ngày 27/09/2017 về tranh chấp chia tài sản chung, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – Tòa án nhân dân Huyện Bù Đốp – Bình Phước đang được cập nhật.
Bản án 06/2017/DS-ST ngày 27/09/2017 về tranh chấp chia tài sản chung, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – Tòa án nhân dân Huyện Bù Đốp – Bình Phước
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Bù Đốp - Bình Phước |
Số hiệu | 06/2017/DS-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-09-27 |
Ngày hiệu lực | 2017-09-27 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |