THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 726/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Quan điểm phát triển
a) Bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển công nghiệp để xây dựng ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
b) Chuyển dịch cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm; khai thác các lợi thế và cơ hội quốc tế, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và thế giới.
c) Nhận thức đầy đủ, tôn trọng, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với các điều kiện phát triển của đất nước, phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát huy nội lực, xây dựng năng lực tự chủ của ngành; kết hợp với tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài, cả về thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, mô hình tổ chức hoạt động.
d) Kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; ứng dụng chuyển đổi số, kỹ thuật số để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.
đ) Các định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất phải được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; gắn với các ưu tiên chiến lược, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương để tập trung nguồn lực đảm bảo tổ chức triển khai một cách thực chất, hiệu quả; gắn liền với trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đạt mục tiêu đề ra.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030:
- Xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...
- Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.
- Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.
Đến năm 2040:
Công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.
b) Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 - 5%.
Trong đó:
Nhóm sản phẩm hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản đạt 10 - 12%/năm giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 8 - 11%/năm.
Nhóm sản phẩm phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm nguồn điện hóa học, sản phẩm chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sản phẩm săm lốp và sơn - mực in đạt 3 - 5%/năm giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 4 - 6%/năm.
- Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%.
Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%.
- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.
Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2030 - 2040; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
3. Định hướng phát triển
a) Định hướng chung
Phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.
Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường,...
Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả. Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chủ chốt căn bản như hạ tầng của khu công nghiệp hóa chất, hạ tầng của khu kinh doanh hóa chất, những phân ngành hóa chất ưu tiên, vốn đầu tư lớn hoặc những phân ngành gắn với quốc phòng, an ninh. Khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hóa chất, tận dụng tối đa nội lực của đầu tư xã hội, phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp hóa chất. Chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistic về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác. Từng bước di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, không để các cơ sở hóa chất nguy hiểm không bảo đảm khoảng cách an toàn, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, nơi tập trung đông người.
b) Định hướng theo từng phân ngành
- Hóa chất cơ bản
+ Giai đoạn đến năm 2030:
Đầu tư mới, mở rộng, hiện đại hóa, nâng công suất sản xuất xút, axit sunfuric thương phẩm của các cơ sở sản xuất hiện có. Đầu tư dự án sản xuất xút vảy và sản phẩm gốc clo đáp ứng nhu cầu xút-clo cho các dự án lọc - hóa dầu, các dự án khai thác, chế biến alumin...
Đầu tư nghiên cứu công nghệ tuyển quặng apatit loại II và loại IV. Cải tiến công nghệ của các cơ sở sản xuất phốt pho vàng, đảm bảo nâng cao hiệu suất và an toàn trong sản xuất.
Đầu tư sản xuất axit photphoric nhiệt và các dẫn xuất, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ phốt pho; đầu tư sản xuất amoniac đáp ứng nhu cầu cho sản xuất DAP và các hộ tiêu thụ khác; sản xuất muối nitrat, sản phẩm hóa chất hữu cơ cơ bản, dung môi...
Duy trì ổn định sản xuất amoni nitrat, đầu tư sản xuất một số loại tiền chất thuốc nổ khác là các hóa chất lưỡng dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp khác và phân bón. Nghiên cứu đầu tư sản xuất thuốc nổ và phụ kiện nổ phục vụ ngành dầu khí. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, nhũ tương bao gói, thay thế hoàn toàn các loại thuốc nổ có chứa TNT.
Phát triển các sản phẩm thuốc nổ công nghiệp theo hướng tăng sức công phá, giảm khói, khí bụi, tăng thời gian chịu nước, an toàn cao, phát triển sản phẩm có kích thước phi tiêu chuẩn; các sản phẩm phụ kiện nổ công nghiệp đáp ứng yêu cầu đặc biệt như nhiều số vi sai, độ bền kéo, va đập, độ tin cậy khi các hầm lò khai thác ngày càng sâu, địa hình phức tạp.
+ Giai đoạn đến năm 2040:
Đầu tư các dự án sản xuất hóa chất hữu cơ cơ bản như các dung môi hữu cơ, các hóa chất sử dụng trong sản xuất các sản phẩm hóa dầu, hóa chất có thể trở thành nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác...
Đầu tư các dự án sản xuất hóa chất vô cơ phục vụ cho nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp như bột giặt, kính thủy tinh, giấy... như: sản xuất muối sunphat, sô đa, hydro peroxit...
Phát triển các sản phẩm thuốc nổ nhũ tương tạo biên dùng cho lộ thiên và mỏ hầm lò, công trình ngầm không có khí nổ; thuốc nổ nhũ tương rời, kíp nổ điện tử, kíp vi sai phi điện, dây nổ năng lượng cao dùng cho mỏ hầm lò, công trình ngầm không có khí nổ; kíp vi sai phi điện nổ chậm...
- Hóa dầu
+ Giai đoạn đến năm 2030:
Đầu tư sản xuất amonia, methanol, ethylen, propylen, benzen, xylen, toluen... và một số chế phẩm, dẫn xuất từ các hóa chất này, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ các nhà máy và tổ hợp hóa dầu/hóa khí (từ khí thiên nhiên) hiện hữu nhằm nâng cao giá trị gia tăng nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa sản phẩm góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đầu tư sản xuất các loại hạt nhựa nguyên sinh, keo dán, nguyên liệu cao su tổng hợp: nhựa polyethylen (PE), polypropylen (PP), polyvinyl chlorid (PVC), polystyren (PS), acrylbutadien styren (ABS), axit terephthalic (PTA), mono etylen glycol (MEG), urea formaldehyde (UF), melamin formaldehyde (MF), polyamide 6... và một số hóa chất khác, các phụ gia, bán thành phẩm... phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước, ngành công nghiệp công nghệ cao.
Ưu tiên hình thành các tổ hợp công nghiệp hóa dầu gắn liền với các nhà máy lọc dầu, nhà máy chế biến dầu khí trong nước.
+ Giai đoạn đến năm 2040:
Duy trì vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các dự án đã đi vào hoạt động; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm hóa dầu, nghiên cứu đầu tư sản xuất các sản phẩm từ aromatics (NB, LAB, PTA, PET...).
Nghiên cứu đầu tư các dự án hóa dầu từ nguồn nguyên liệu thay thế như biomas, hydro xanh, hydro lam,... không từ nguồn nguyên liệu hóa thạch truyền thống.
- Cao su kỹ thuật
+ Giai đoạn đến năm 2030:
Chú trọng phát triển nhóm sản phẩm cao su kỹ thuật như băng tải, dây cua-roa, gioăng, phớt và các phụ kiện cao su kỹ thuật phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật theo 2 phương án: xây dựng mới hoặc bổ sung dây chuyền sản xuất trong 1 nhà máy sản xuất săm lốp hiện có nhằm tận dụng trang thiết bị sẵn có của nhà máy, sản phẩm chủ lực là gioăng, phớt, vòng đệm, chi tiết, phụ tùng lắp ráp mới và thay thế cho công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy.
Khuyến khích đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu, phụ gia cho sản xuất sản phẩm cao su như than đen, silica...
+ Giai đoạn đến năm 2040:
Nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cao su kỹ thuật đặc chủng với công nghệ và thiết bị tiên tiến; sản xuất cao su tổng hợp.
- Hóa dược
+ Giai đoạn đến năm 2030:
Xây dựng vùng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam, đầu tư nhà máy chế biến, chiết tách, tinh chế để sản xuất sản phẩm hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên từ các loại động, thực vật nhiệt đới, sinh vật biển và bán tổng hợp.
Tập trung đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm kháng sinh và nguyên liệu để sản xuất thuốc thiết yếu có lợi thế về tài nguyên, như các sản phẩm tách chiết từ dược liệu và bán tổng hợp từ hợp chất thiên nhiên; nhà máy sản xuất hóa dược vô cơ và tá dược thông thường; nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2, 3 và 4; nhà máy sản xuất sorbitol để sản xuất vitamin C; nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược để sản xuất một số thuốc thiết yếu khác (gồm các sản phẩm như: Thuốc giảm sốt, giảm đau chống viêm, thuốc kháng khuẩn).
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức sản xuất ngoài quốc doanh tham gia phát triển trồng và chế biến các loại dược liệu, chú trọng phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất và chế biến các sản phẩm hóa dược. Nhà nước chủ động đầu tư sản xuất các loại hoạt chất, tá dược cần công nghệ cao và nhu cầu lớn, thiết yếu cho an toàn sức khỏe cộng đồng, như các loại vắc xin, kháng sinh thế hệ mới; đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực quan trọng này. Khuyến khích chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược.
+ Giai đoạn đến năm 2040:
Đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới và đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Phân bón:
Cân đối tỷ lệ ammoniac/urê thương thẩm của các nhà máy phân đạm urê phù hợp nhu cầu của thị trường; chuyển dần các cơ sở sản xuất phân supe lân đơn sang sản xuất supe lân giàu; khuyến khích sản xuất phân bón phức hợp, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất phân hỗn hợp hiện có theo hướng tập trung, quy mô, duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất phân bón có công nghệ tiên tiến, từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém...
Nghiên cứu đầu tư các nhà máy sản xuất sunfat amon, phân bón kali, phân bón canxi amoni nitrat nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về phân bón các loại cho sản xuất nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu.
Đầu tư nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân bón hiện có làm tăng giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cao đối với các phân đơn, phân hỗn hợp đa lượng, trung lượng, vi lượng; các loại phân bón chứa các chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng, phân bón có tác dụng cải tạo đất, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và các đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau.
- Đối với các lĩnh vực khác
+ Hóa chất bảo vệ thực vật:
Đầu tư sản xuất một số hoạt chất có hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thân thiện với môi trường như hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin.
Đầu tư chiều sâu các cơ sở sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ tiên tiến, thay thế các hóa chất, dung môi hữu cơ độc hại; phát triển hoạt chất mới từ vi sinh vật và các hoạt chất được chiết tách từ thực vật, tạo ra những sản phẩm dễ sử dụng, có khả năng phân hủy, thân thiện với môi trường; phát triển sản phẩm dạng gia công mới, phân bố hợp lý ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm và phù hợp với đặc điểm cây trồng, khí hậu, thổ nhưỡng.
+ Sơn - mực in:
Tập trung đầu tư mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở sơn - mực in hiện có, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, loại bỏ dần các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu; mở rộng, nâng công suất các nhà máy sản xuất nguyên liệu (nhựa alkyd, nhựa acrylic, bột màu...) cho ngành sơn - mực in; xây dựng một số dự án về sản xuất nguyên liệu cho ngành sơn - mực in trong đó chú trọng nguyên liệu mảng nhựa, bột độn, dung môi như acrylic, epoxy, polyurethane, các loại bột độn có đặc tính chuyên dụng, cao cấp như cao lanh, CaCO3, SiO2...
Đầu tư sản xuất các loại sơn có giá trị sử dụng cao như: sơn UV/EB, sơn nano, sơn gốc nước, sơn bột, sơn có hàm lượng rắn cao, sơn thông minh; sản xuất các chủng loại mực in có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường như các sản phẩm đi từ gốc nước, thay thế hoặc loại bỏ thành phần dung môi toluene, MEK bằng alcohol...
+ Chất tẩy rửa:
Hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ hiện có nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm đối với thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển các sản phẩm chất tẩy rửa mới và các sản phẩm mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu, các hoạt chất có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường, an toàn cho người sử dụng và có giá trị kinh tế cao.
Thu hút vốn đầu tư để sản xuất các sản phẩm cao cấp, cần công nghệ cao và vốn đầu tư lớn, kể cả sản xuất các loại nguyên liệu.
Xây dựng chính sách đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, xâm nhập thị trường bằng chính thương hiệu của mình.
+ Khí công nghiệp:
Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại, an toàn để chế biến đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các loại khí công nghiệp thông thường; đầu tư sản xuất khí hiếm có giá trị cao như Xe, Kr,..., khí đặc biệt (khí tinh khiết cao, khí bán dẫn, khí chuẩn và khí trộn), giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Sản xuất khí hydro từ nguồn năng lượng tái tạo.
+ Nguồn điện hóa học:
Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng ắc quy, pin thông dụng.
Đầu tư sản xuất một số loại ắc quy, pin chuyên dụng cao cấp như: Ắc quy kín khí, pin nhiên liệu rắn, pin niken hydro kim loại hoặc pin Ion- Li, pin sạc thế hệ mới dùng trong các thiết bị điện tử cao cấp.
4. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
a) Nhóm giải pháp đột phá
- Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic:
+ Nghiên cứu, khuyến khích đầu tư hình thành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác; tại các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông; có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững.
+ Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này.
+ Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.
- Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất
+ Đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...
+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh.
+ Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.
+ Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất.
b) Các giải pháp chung
- Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển
+ Rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.
+ Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các dự án chuyển giao công nghệ đồng thời đề xuất chính sách và lộ trình loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu; đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu; chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung; chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển ngành hóa chất; chính sách hỗ trợ di dời các nhà máy sản xuất hóa chất trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hóa chất.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp
+ Thực hiện chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chỉ khởi công các công trình, dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện như mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực để triển khai; kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đặc biệt là những ngành ứng dụng công nghệ cao.
+ Củng cố và nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ; tăng cường tổ chức việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác cùng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
+ Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; triển khai có hiệu quả các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, tổ chức sắp xếp doanh nghiệp, nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp cho các doanh nghiệp. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, cân đối, phân bổ vốn.
+ Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành hóa chất.
- Giải pháp về hợp tác liên kết
+ Tăng cường và đa dạng hóa các mối liên kết trong sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý.
+ Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp hóa chất.
+ Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp hóa chất có quy mô lớn mang tính liên Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các Vùng khác.
- Chính sách thương mại và phát triển thị trường
+ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu và bán thành phẩm mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng tốt, giá thành hợp lý; hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trung gian, các sản phẩm mà Việt Nam đủ năng lực sản xuất. Có cơ chế để giảm giá đầu vào đối với một số sản phẩm quan trọng, liên quan đến an ninh lương thực, an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng.
+ Đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm sản phẩm trên thị trường.
+ Có chính sách kết nối các ngành sản xuất khác với ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, tiết giảm chi phí.
+ Mở rộng nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống, đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển.
+ Sản xuất các sản phẩm của công nghiệp hóa chất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường quốc tế; nghiên cứu mẫu mã, nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.
+ Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử và kinh tế số trong khâu phát triển sản phẩm, sản xuất và marketing...
+ Tăng cường quản lý hoạt động thương mại và hệ thống phân phối chống tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
- Phát triển nguồn nhân lực
+ Xác định nhu cầu nhân lực của các phân ngành thuộc ngành hóa chất để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn theo các cấp trình độ đáp ứng nhu cầu từng phân ngành trong từng thời kỳ, nhất là nhân lực chất lượng cao. Xây dựng cơ chế thu hút các nhà khoa học giỏi đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và các điều kiện liên quan bảo đảm làm việc.
+ Tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có theo hướng tái sắp xếp, bố trí nhân sự một cách hiệu quả nhất. Hình thành quy hoạch nhân sự mới có chiều sâu đảm bảo tính kế thừa, phù hợp để phát huy tối đa tính sáng tạo trong môi trường kinh doanh mới.
+ Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp hóa chất (các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp và các cơ sở giáo dục đào tạo khác), đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Mở rộng loại hình hợp tác lao động với nước ngoài và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp yêu cầu về lao động, nhất là liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, tập trung ngành học phục vụ phát triển kinh tế tri thức, nhất là khoa học, công nghệ, dịch vụ.
- Phát triển khoa học công nghệ
+ Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ theo huớng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đào tạo của các viện nghiên cứu hóa chất để tạo nên các sản phẩm chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn, thiết kế chuyên ngành hóa chất.
+ Cải tạo, bổ sung trang thiết bị, chống xuống cấp và nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa chất với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.
+ Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, cân đối hài hòa giữa hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển (R&D), từng bước chủ động nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ.
+ Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; tìm kiếm, tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành hóa chất.
- Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật
+ Hoàn thiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp hóa chất đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng chung của cả nước, đặc biệt tập trung phát triển hệ thống logistic, kho chứa hóa chất.
+ Phát triển mạnh dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp hóa chất...
- Giải pháp và chính sách tài chính
+ Điều chỉnh chính sách thuế kịp thời, hợp lý trong từng bối cảnh.
+ Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư bao gồm: vốn ngân sách, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, vốn vay ODA, vay thương mại trong và ngoài nước, vốn FDI, vốn huy động thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp...
+ Tập trung, tích tụ nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm. Hỗ trợ về vốn, quản lý tài chính để các dự án này sau khi hoàn thành đầu tư nhanh chóng phát huy hiệu quả sau đầu tư, khấu hao và trả nợ đúng quy định.
- Giải pháp về môi trường
+ Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Không cấp phép đầu tư các dự án hóa chất với công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, mức tiêu thụ tài nguyên cao.
+ Khuyến khích và có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án công nghiệp hóa chất ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
+ Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường kết hợp với xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
c) Một số giải pháp cụ thể theo các phân ngành
- Hóa chất cơ bản
+ Huy động vốn liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, chế biến sâu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ưu tiên cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả vay vốn để đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
+ Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nâng thuế nhập khẩu trong phạm vi cho phép đối với các loại thành phẩm và sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được.
+ Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu đất hiếm phục vụ sản xuất hóa chất cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sản xuất muối công nghiệp trong nước; đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất muối công nghiệp đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hóa chất như xút, sô đa,....
+ Đầu tư các xe sản xuất, nạp thuốc nổ di động nhằm tăng khả năng cơ giới hóa, đồng bộ hóa trong lĩnh vực khai thác mỏ; ưu tiên sử dụng và sản xuất kíp nổ điện tử tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, khí hậu, địa chất và số hóa khai thác; đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước về an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên cơ sở kiểm soát phương tiện kích nổ thông qua mã nhận dạng ID riêng biệt và quản lý bằng mã xử lý nhanh QR code.
- Hóa dầu
+ Sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên, khí đồng hành cho phát triển ngành hóa dầu để đẩy mạnh phát triển các hóa chất hữu cơ cơ bản thông qua các dự án hóa dầu;
+ Xây dựng và áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn khí cho các dự án hóa dầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nguồn nguyên liệu này và có cơ chế ưu đãi khuyến khích các dự án hóa dầu từ nguồn nguyên liệu thay thế như biomas, hydro xanh, hydro lam,... không từ nguồn nguyên liệu hóa thạch truyền thống.
- Các sản phẩm cao su
+ Tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển các sản phẩm cao su, đặc biệt là đầu tư nước ngoài có lợi thế về vốn và công nghệ tham gia vào sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao như săm ô tô, săm xe máy bằng cao su tổng hợp (cao su butyl), cao su thiên nhiên và các loại sản phẩm cao su kỹ thuật khác; nâng tỷ lệ sử dụng cao su tự nhiên trong các sản phẩm cao su.
+ Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế theo hướng cân đối giữa các nhóm sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước và xuất khẩu.
+ Áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu săm, lốp qua đường tiểu ngạch, kiểm soát việc kê khai giá nhập khẩu, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào thị trường Việt Nam.
- Hóa dược
+ Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh và nguyên liệu hóa dược để sản xuất một số thuốc thiết yếu, các dự án phát triển sản xuất sản phẩm hóa dược từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên quý trong nước; đề xuất cơ chế thông thoáng hơn trong việc đưa các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa dược làm nguyên liệu cho bào chế thuốc chữa bệnh.
+ Khuyến khích chuyển giao công nghệ và hình thức liên doanh liên kết của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược.
- Phân bón
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón vô cơ, phân hạng các loại phân supe lân và NPK.
+ Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế ưu đãi cho các dự án chuyển đổi từ phân supe lân đơn sang supe lân giàu; dự án sản xuất phân kali, phân SA và các dự án chuyển đổi thay thế nguồn nguyên liệu sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên.
+ Nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ, quy trình để xử lý bã gyps của các nhà máy sản xuất DAP đảm bảo yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp.
- Hóa chất bảo vệ thực vật
+ Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được như: Hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin,...; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với máy móc trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu để phục vụ sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật.
+ Ưu tiên phát triển các dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường như: Các hoạt chất mới từ vi sinh vật và các hoạt chất được chiết tách từ thực vật.
+ Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu cho sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật như hoạt chất, dung môi, chất hoạt động bề mặt (chất nhũ hóa, chất phân tán, chất thẩm nước, chất tạo bọt...).
- Sơn - mực in
+ Ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư chủng loại sản phẩm như các sản phẩm sơn đặc chủng có giá trị gia tăng cao theo công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, có chính sách ưu đãi phát triển ngành sơn bột tĩnh điện, ngành sơn gỗ gốc nước hoặc sơn gỗ với hàm lượng hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay hơi nhanh (VOC) dưới 50%.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm.
+ Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tái sử dụng các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
- Chất tẩy rửa
+ Xây dựng, thực hiện các đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm chất tẩy rửa mới, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện môi trường.
+ Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất sản phẩm chất tẩy rửa và một số nguyên liệu.
- Khí công nghiệp
+ Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu.
+ Ưu tiên phát triển sản xuất các khí hiếm Xe, Kr,... khí đặc biệt, khí hiệu chuẩn phục vụ các ngành kinh tế kỹ thuật cao; sản xuất khí hydro từ nguồn năng lượng tái tạo.
- Nguồn điện hóa học
+ Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, đặc biệt là các loại ắc quy phục vụ cho chương trình nội địa hóa ôtô, xe máy, ắc quy cho các trạm nguồn của viễn thông, cho các loại ôtô đặc chủng.
+ Tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển các thương hiệu hiện có, gia tăng và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
+ Đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án sản xuất các sản phẩm pin-ắc quy công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
1. Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng Đề án xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua để triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất.
2. Các bộ, ngành liên quan:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xây dựng các chính sách nhằm tăng cường khả năng thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hóa chất; cân đối vốn đầu tư ngắn hạn và dài hạn cho phát triển công nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về đầu tư theo hướng bổ sung các phân ngành hóa chất ưu tiên vào đối tượng dự án ưu đãi đầu tư; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp chuyên sâu.
- Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách tài chính để khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp hóa chất ưu tiên phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm hóa chất của Việt Nam; xây dựng chính sách đổi mới và ứng dụng công nghệ; đánh giá trình độ công nghệ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất hóa chất phù hợp với điều kiện Việt Nam để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với lĩnh vực hóa chất.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước được giao, chủ trì lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp hóa chất theo từng thời kỳ.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, trong từng thời kỳ, nhất là nhân lực chất lượng cao.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sản xuất công nghiệp hóa chất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và trên thế giới; xây dựng và triển khai Chương trình hành động chiến lược về chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp hóa chất.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất. Theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các địa phương nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế phù hợp với nguồn lực, tiềm năng và định hướng phát triển công nghiệp hóa chất.
- Bộ Xây dựng: Theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các địa phương nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế phù hợp với nguồn lực, tiềm năng và định hướng phát triển công nghiệp.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và công nghiệp hóa chất nói riêng.
- Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan trong chiến lược.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Căn cứ điều kiện phát triển, tiềm năng, lợi thế của địa phương, tổ chức thực hiện Chiến lược và thực hiện tích hợp các nội dung triển khai của Chiến lược vào Quy hoạch địa phương; chủ động nghiên cứu, bố trí quỹ đất tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic về hóa chất.
- Lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành trong quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hóa chất:
- Căn cứ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 để xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm.
- Các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh triển khai đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG |
File gốc của Quyết định 726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đang được cập nhật.
Quyết định 726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 726/QĐ-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành | 2022-06-16 |
Ngày hiệu lực | 2022-06-16 |
Lĩnh vực | Công nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |