Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 108. Hồ sơ xét miễn thuế
1. Các trường hợp xét miễn nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 107, hồ sơ xét miễn gồm những chứng từ sau:
a) Công văn đề nghị xét miễn thuế của tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trừ điểm c.1 khoản này, trong đó nêu rõ trị giá, số tiền thuế, lý do xét miễn thuế, số tờ khai hải quan. trường hợp có nhiều tờ khai hải quan khác nhau thì phải liệt kê các tờ khai hải quan xét miễn thuế: nộp 01 bản chính.
b) Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có): 01 bản chụp.
c) Các chứng từ khác, tùy theo từng trường hợp cụ thể sau đây:
c.1) Công văn đề nghị xét miễn thuế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ủy quyền, phân cấp (trong đó nêu rõ: Hàng hóa nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương. Số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của từng mục thuộc Danh mục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt, đã được thống nhất với Bộ Tài chính. số tiền thuế, tờ khai hải quan. Trường hợp có nhiều tờ khai hải quan khác nhau thì phải liệt kê các tờ khai hải quan xét miễn thuế (trường hợp nhập khẩu nhiều lần thì phải kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi).
c.2) Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (đối với trường hợp uỷ thác nhập khẩu) hoặc giấy báo trúng thầu kèm theo hợp đồng cung cấp hàng hoá (đối với trường hợp nhập khẩu thông qua đấu thầu), trong đó nêu rõ giá thanh toán không bao gồm thuế nhập khẩu: nộp 01 bản chụp.
c.3) Quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học và Danh mục hàng hóa cần nhập khẩu để thực hiện đề tài do Bộ quản lý chuyên ngành cấp đối với hàng hoá nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ cho nghiên cứu khoa học: nộp 01 bản chụp quyết định phê duyệt, 01 bản chụp Danh mục hàng hoá cần nhập khẩu để thực hiện đề tài kèm theo bản chính để đối chiếu (trường hợp nhập khẩu nhiều lần thì phải kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi).
c.4) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị và Danh mục trang thiết bị thuộc dự án cần nhập khẩu do Bộ quản lý chuyên ngành cấp đối với hàng hoá nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ cho giáo dục, đào tạo: nộp 01 bản chụp (trường hợp nhập khẩu nhiều lần thì phải kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi).
c.5) Đối với hàng hoá là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu:
c.5.1) Thông báo hoặc quyết định hoặc thoả thuận biếu, tặng hàng hoá. thông báo hoặc thoả thuận gửi hàng mẫu: nộp 01 bản chụp.
c.5.2) Đối với hàng hóa có giấy phép khi không tái xuất hàng hóa tạm nhập để làm quà tặng, quà biếu cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam thì phải có giấy phép của cơ quan chức năng và nằm trong định mức theo quy định của Chính phủ.
c.5.3) Xác nhận của cơ quan chủ quản cấp trên về việc cho phép tiếp nhận để sử dụng hàng hoá miễn thuế đối với trường hợp hàng hoá là quà biếu, quà tặng cho cơ quan hành chính sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động bằng kinh phí Nhà nước cấp phát có trị giá vượt quá định mức xét miễn thuế.
2. Trường hợp nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại quy định tại khoản 5 Điều 107 Thông tư này, hồ sơ xét miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu gồm những chứng từ sau:
a) Công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng, trong đó nêu rõ nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, tỷ lệ tổn thất của nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, số tờ khai hải quan, số tiền thuế đề nghị được miễn và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo: 01 bản chính.
b) Biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại địa phương nơi xảy ra vụ cháy. văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi phát sinh thiên tai, tai nạn bất ngờ: nộp 01 bản chính.
Chứng từ trên được lập ngay sau khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
c) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá nhập khẩu, về tình trạng hàng hóa không còn giá trị sử dụng: 01 bản chụp.
d) Hợp đồng bảo hiểm, Thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có): 01 bản chụp.
đ) Xác nhận của cơ quan bảo hiểm về việc hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế: 01 bản chụp.
Trường hợp không mua bảo hiểm cho lô hàng bị thiệt hại thì người nộp thuế phải có cam kết về việc không mua bảo hiểm tại công văn đề nghị quy định tại điểm a khoản này.
3. Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, ngoài các chứng từ nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này, người nộp thuế nộp thêm tờ khai hải quan: 01 bản chụp.
Điều 109. Thủ tục, trình tự xét miễn thuế
1. Nộp và tiếp nhận hồ sơ xét miễn thuế
a) Người nộp thuế nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan nơi có thẩm quyền xét miễn thuế theo quy định tại Điều 110 Thông tư này. Trường hợp thẩm quyền xét miễn thuế là Bộ Tài chính, người nộp thuế xác định số tiền thuế được xét miễn và nộp hồ sơ đề nghị xét miễn thuế cho Tổng cục Hải quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng xét miễn thuế, thời hạn nộp hồ sơ xét miễn thuế chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng.
Đối với nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, thời hạn nộp hồ sơ xét miễn thuế chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền xác nhận về mức độ thiệt hại.
b) Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan hải quan, công chức hải quan tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.
c) Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp bằng đường bưu chính, công chức hải quan đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan hải quan.
d) Trường hợp hồ sơ xét miễn thuế được nộp bằng giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ xét miễn thuế do cơ quan hải quan thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
2. Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ xét miễn thuế do người nộp thuế khai và xử lý như sau:
a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ để hoàn chỉnh hồ sơ.
b) Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp giữa tờ khai hải quan trên Hệ thống với hồ sơ đề nghị xét miễn thuế.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, khi kiểm tra hồ sơ xét miễn thuế, cơ quan hải quan đối chiếu với Danh mục hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành theo quy định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
c) Ban hành quyết định miễn thuế theo quy định hoặc thông báo cho người nộp thuế biết lý do không thuộc đối tượng xét miễn thuế, số tiền thuế phải nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ và xử phạt theo quy định hiện hành (nếu có). trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ thì thời hạn này có thể kéo dài tối đa là 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người nộp thuế nộp đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra điều kiện xét miễn thuế và thực hiện miễn thuế trên cơ sở hồ sơ hải quan do người nộp thuế nộp trong thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.
d) Đối với trường hợp nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại, nếu hồ sơ đầy đủ thì kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ nhập kho, xuất kho liên quan đến lô hàng bị thiệt hại. đối chiếu các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế để xác định thực tế và mức độ thiệt hại của nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, nguyên nhân thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng, không tiêu thụ tại thị trường nội địa và không xuất khẩu.
Thời gian hoàn thành việc kiểm tra không quá 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người nộp thuế.
Kết quả kiểm tra nếu xác định nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu đủ điều kiện miễn, không thu thuế theo quy định thì Cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng tương ứng với hàng hóa bị thiệt hại để làm cơ sở xử lý hoàn trả tiền thuế nộp thừa (nếu có) theo quy định.
3. Trên cơ sở quyết định miễn thuế, cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thanh khoản số tiền thuế được miễn, ghi chú vào Hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan.