HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/NQ-HĐND | Bình Thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THƯỜNG LỆ GIỮA NĂM 2024 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 24
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 24 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 - HĐND tỉnh khóa XI của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2569/UBND-TH ngày 10/7/2024 và Công văn số 2659/UBND-TH ngày 16/7/2024. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung liên quan thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đã được xác định tại các văn bản nêu trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này.
Điều 2. Đối với các nội dung chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Về thực trạng một số học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình lớp học nhưng vẫn được đánh giá, xác nhận hoàn thành chương trình lớp học và được xét lên lớp
- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo thực chất, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi để xảy ra tình trạng học sinh không đáp ứng được yêu cầu chương trình lớp học nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học và vẫn được xét lên lớp. Trong trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức bằng hình thức phù hợp đối với số học sinh gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện, có nguy cơ không hoàn thành chương trình lớp học theo quy định.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lý giáo dục và giáo viên; trong đó chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả dạy, học ở từng lớp, của từng giáo viên. Kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm trong việc đánh giá, xếp loại, xác nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp học khi chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
- Rà soát, điều chỉnh các bất cập, hạn chế trong tiêu chí, phương pháp đánh giá, xếp loại chất lượng, xếp loại thi đua đối với giáo viên và cơ sở giáo dục, đào tạo theo thẩm quyền của tỉnh, của huyện; đồng thời, đề xuất cơ quan Trung ương điều chỉnh những nội dung vượt thẩm quyền của địa phương nhằm tránh tình trạng chạy theo thành tích và đánh giá không đúng thực chất.
- Tăng cường việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; nêu cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa và kiến thức cho học sinh. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Nội vụ trong công tác hợp đồng, tuyển dụng, bố trí, điều chuyển công tác viên chức quản lý giáo dục và giáo viên phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc hợp đồng tuyển dụng, bố trí, điều chuyển công tác viên chức quản lý giáo dục và giáo viên.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học; tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia.
2. Về thực trạng đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên được triển khai nghiên cứu bằng nguồn ngân sách Nhà nước nhưng sau khi nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận thì không triển khai ra thực tế được hoặc triển khai không hiệu quả
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sự phát triển của tỉnh Bình Thuận; phải xác định khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.
- Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tế địa phương, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành và địa phương; trong đó, phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Sở Khoa học và Công nghệ trong tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong việc tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia, phối hợp nghiên cứu, phản biện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính nhiệm vụ khoa học, công nghệ; xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp định hướng phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương để phát huy hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách đã đầu tư; không thông qua các nhiệm vụ khoa học, công nghệ thiếu tính khả thi.
- Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học; đầu tư ngân sách để phát triển khoa học, công nghệ và nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, kiến nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.
Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 24 thông qua ngày 18 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
File gốc của Nghị quyết 43/NQ-HĐND về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI đang được cập nhật.
Nghị quyết 43/NQ-HĐND về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Số hiệu | 43/NQ-HĐND |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Nguyễn Hoài Anh |
Ngày ban hành | 2024-07-18 |
Ngày hiệu lực | 2024-07-18 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |