TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 15/2021/KDTM-PT NGÀY 09/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH, TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ CHẤM DỨT HÀNH VI SỬ DỤNG TÀI SẢN TRÁI PHÁP LUẬT VÀ ĐÒI TIỀN THEO HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN
Ngày 09 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 87/2020/TLPT- KDTM ngày 18 tháng 12 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng liên doanh; tranh chấp bồi thường thiệt hại và chấm dứt hành vi sử dụng tài sản trái pháp luật và đòi tiền theo Hợp đồng thuê tài sản”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2020/KDTM-ST ngày 30/09/2020 của Toà án nhân dân Thành phố Cần Thơ bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 116/2021/QĐ-PT ngày 27 tháng 01 năm 2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T.
Địa chỉ: 649A, Quốc lộ 9X, khu vực Q, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Thái B - Tổng giám đốc (có đơn xin vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Thái B: Ông Trần Văn V, sinh năm 1955 (có mặt).
Địa chỉ: Số 9 H, Phường 1X, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị đơn:
1/ Công ty Poma M 1 2/ Công ty Poma B Cùng địa chỉ: L Strasse 13.018xx Duerrochrsdorf, Germany.
Người đại diện theo pháp luật: Ông R Loth.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Ngọc D, sinh năm 1991 (có mặt) và ông Tô Đình H, sinh năm 1983 (có mặt).
Địa chỉ: 441/15B, Đ, Phường 2X, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ mới: A 1x- 1x Center T số 3x M, phường A, quận X, thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Bà Lê Thị T (có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Số 2A1, V, phường A, quận N, thành phố Cần Thơ.
Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Phong P (theo văn bản ủy quyền ngày 19/6/2019) (có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Căn hộ C1x – 1x Chung cư H, số 3x, đường T, phường P A, Quận X, thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty Cổ phần Lương thực H Địa chỉ: Số 14, đường B, phường M, thành phố H, tỉnh Hưng Yên (vắng mặt).
2. Ông Phạm Thái B, sinh năm 1955 (có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: 649A, Quốc lộ 9x, khu vực Q, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ.
Người đại diện theo ủy quyền: ông Ông Trần Văn V, sinh năm 1955 (có mặt).
Địa chỉ: Số 9, H, Phường 1x, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Thái B (có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: 649A, Quốc lộ 9x, khu vực Q, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ.
Ủy quyền cho Ông Lê Hoàng V, sinh năm 1992 (Văn bản ủy quyền ngày 14/01/2020) (có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Hẻm 3xx đường H, quận x, thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T; ông Tô Đình H là đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty POMA M và Công ty POMA B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đại diện nguyên đơn trình bày:
Ngày 20/6/2009, Công ty TNHH T (nay đã đổi thành tên Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T) (gọi tắt là công ty T); Công ty cổ phần lương thực H với Công ty Poma M và Công ty Poma B (gọi tắt 2 công ty Poma), ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V (gọi tắt là VIGERICE). Nội dung liên doanh là sản xuất, chế biến kinh doanh và xuất gạo với vốn pháp định 700.000USD, vốn điều lệ 12.000.000USD. Trong đó: Công ty T góp 4.953.000USD tương ứng 88.163.400.000đ (39% vốn liên doanh), góp bằng toàn bộ nhà máy xây xát lau bóng gạo có diện tích 6.300m2, hệ thống máy móc với công suất 24 tấn gạo lức/giờ và tiền mặt. Công ty H góp 1.270.000USD tương ứng 22.606.000.000đ (10%), góp bằng tiền mặt. Công ty Poma M góp 4.572.000 USD tương ứng 81.381.600.000đ (36%), góp bằng toàn bộ nhà máy phát điện đốt bằng trấu có công suất 2MW và tiền mặt. Công ty Poma B góp 1.905.000 USD tương ứng 33.909.000.000đ (15%), góp bằng toàn bộ nhà máy sấy lúa đốt bằng trấu có công suất tối thiểu 400 tấn lúa/ngày và tiền mặt. Vốn điều lệ của từng thành viên nếu là tài sản khi đưa vào công ty liên doanh phải có bảng báo giá, hóa đơn và được Hội đồng thành viên thống nhất. Thời hạn cuối góp vốn là 31/10/2010.
Ngày 07/8/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh V. Trong quá trình thực hiện các bên đã góp vốn như sau: Bên Việt Nam góp 11.111.679.000 đồng, đạt 4,9% và góp bằng tài sản chiếm 23,6%. Bên Đức góp 6.128.964.117 đồng đạt 2,6% và góp bằng tài sản chiếm 3,3%. Số vốn góp này của bên Việt Nam được ghi vào Sổ đăng ký thành viên và cấp giấy chứng nhận góp vốn nhưng chưa cấp cho bên Đức vì họ chưa chứng minh được nguồn tiền ở đâu họ có. Công ty Việt Nam đề phòng bị đơn rửa tiền. Quá trình góp vốn thực tế, hai công ty Poma đã không thực hiện đúng hợp đồng và đã không tiếp tục góp vốn nên 2 Công ty Việt Nam có đơn khởi kiện như sau:
1/ Hủy hợp đồng liên doanh ký ngày 20/6/2009 giữa Công ty T, Công ty H, 2 Công ty Poma.
Phần tiền góp vốn của Công ty H đã chuyển nhượng hết cho Công ty T. Số tiền mặt Công ty T góp là 11.111.679.000 đồng. Phía 2 Công ty Poma góp số tiền 6.128.964.117 đồng. Trong đó, có số tiền 3.980.250.000 đồng là tiền của Công ty T cho 2 Công ty Poma mượn. Như vậy, tổng tiền góp liên doanh: 17.240.643.117 đồng. Trong số tiền này thì VIGERICE đã bỏ ra chi phí xây dựng, đầu tư hệ thống băng tải cầu tàu, nền móng máy sấy lúa, máy phát điện, chi phí khác là hơn 18.336.471.665 đồng. Trong quá trình liên doanh thì Công ty T có kinh doanh sinh lợi. Số tiền dôi ra là 1.095.828.548 đồng. Hiện nay, số tiền mà VIGERICE còn 120.000.000 đồng đang gửi 70 triệu tại Ngân hàng Eximbank, 50 triệu đồng tại Techcombank và lãi phát sinh.
2/ Hiện tại, Công ty T yêu cầu 02 Công ty Poma bồi thường và tính lãi suất 9%/năm đối với số tiền 11.111.679.000 đồng kể từ ngày khởi kiện 12/12/2012 đến khi xét xử. Tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại thì công ty T chấp nhận giữ lại một số công trình trị giá cụ thể: 1/ Bờ kè cầu cảng trị giá 2.840.000.000 đồng; 2/ Hệ thống điện trị giá 3.678.404.518 đồng; 3/ Kho chứa trấu trị giá 2.335.128.000 đồng; 4/ Bổ sung hệ thống băng tải 421.257.000 đồng. Tổng cộng 9.274.789.518 đồng. Công ty T yêu cầu 02 Công ty Poma bồi thường thiệt hại còn lại 11.111.679.000 đồng - 9.274.789.518đồng = 1.836.889.482 đồng.
3/ Yêu cầu 2 Công ty Poma hoàn trả cho nguyên đơn số tiền mượn góp vốn là 3.980.250.000 đồng theo ủy nhiệm chi của Công ty T nộp cho 2 công ty Poma.
Bản án có hiệu lực không liên quan đến yêu cầu khởi kiện bổ sung của Công ty T.
4/ Yêu cầu 2 Công ty Poma tháo dỡ, di dời tất cả các thiết bị, máy móc của hai bị đơn tạm nhập vào Việt Nam để góp vốn, đang lắp dở dang tại công trình ra khỏi diện tích của vợ chồng bà Lê Thị T. Đồng thời yêu cầu 2 Công ty Poma phải chịu tiền thuê đất còn nợ của bà Lê Thị T. Lý do, thiệt hại này do Poma gây ra.
Ngoài ra, ông còn cho rằng: Công ty T không sử dụng tài sản của liên doanh; Công ty T có xây dựng nhà máy xay xát để góp vốn nhưng 2 Công ty Poma không đến họp để định giá để đưa vào tài sản liên doanh. Sau khi liên doanh trả đất cho bà Lê Thị T thì bà Lê Thị T cho Công ty T thuê lại diện tích đất đã có sẵn nhà máy trên đó. Đối với mái che là của Công ty T làm sau khi ký hợp đồng thuê đất của bà Lê Thị T. Ông Phạm Thái B không có hành vi cản trở các thành viên liên doanh.
Đại diện các Bị đơn trình bày và yêu cầu cụ thể như sau:
- Đối với yêu cầu hủy hợp đồng liên doanh: các bị đơn đã có văn bản gửi Tòa án liên quan đến thẩm định tại chỗ. Riêng vấn đề định giá đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Đại diện 2 công ty Poma không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì đến nay các bên đều chưa góp đủ vốn như cam kết. Lỗi là do ông Phạm Thái B không thực hiện và ngăn cản Công ty Poma đầu tư. Ông L hiện nay vẫn có thiện chí tiếp tục thực hiện dự án. Nếu ông Phạm Thái B không đồng ý tiếp tục dự án thì đề nghị Công ty T chuyển nhượng vốn hoặc họp hội đồng thành viên để Poma chuyển nhượng vốn cho những nhà đầu tư khác. Trong trường hợp không tham gia thì Công ty T và phía Công ty Poma hòa giải ngoài tòa về phương án giải quyết hợp đồng. Đối với việc Công ty H đã chuyển nhượng vốn hết cho Công ty T nên Công ty T cho rằng có toàn quyền quyết định khởi kiện là không đúng theo luật doanh nghiệp. Do đó, Công ty Poma cho rằng, Công ty T không có quyền đại diện phần góp vốn của Công ty H.
Đối với yêu cầu của Công ty T yêu cầu Công ty Poma hoàn trả số tiền 3.980.250.000 đồng là yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn. Tuy nhiên, số tiền góp vốn của 2 công ty Poma đã được giải quyết bằng Bản án số 55/2014 ngày 09/9/2014 nên Công ty T không có quyền khởi kiện yêu cầu số tiền này.
Đối với các thiết bị trên mặt đất vẫn tiếp tục sử dụng, không đồng ý di dời, không chấp nhận yêu cầu bồi thường đối với phần vốn góp và tiền lãi phát sinh.
- Đối với công ty T: Chấm dứt hành vi sử dụng tài sản, hạng mục đầu tư từ vốn góp của Poma bao gồm: cầu tàu, nền móng máy sấy lúa, nền móng máy phát điện, đường dây trung áp ngầm. Tháo dỡ những thiết bị, máy móc của Công ty T trên các hạng mục, tài sản của Vigerice và Poma, khôi phục và trả lại nguyên trạng trước khi Công ty T sử dụng. Công ty T phải tháo dỡ các máy móc, thiết bị gồm: (Mái nhà ở giữa nhà máy xay xát và cầu cảng; Bờ kè cầu cảng và băng tải trong nhà máy xay xát; Dàn máy sấy lúa).
- Đối với ông Phạm Thái B: Chấm dứt ngay hành vi cho phép Công ty T sử dụng tài sản được đầu tư từ vốn góp của Công ty Poma và thực hiện biện pháp bắt buộc Công ty T chấm dứt việc sử dụng tài sản này; Yêu cầu ông Phạm Thái B chấm dứt hành vi không cho thành viên liên doanh vào khu đất và nhà máy. Yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên để giải quyết các vấn đề của Công ty V.
- Vẫn giữ nguyên như yêu cầu cụ thể liên quan đến yêu cầu bồi thường thì thời điểm năm 2016 Công ty Poma khởi kiện buộc bị đơn bồi thường cho 2 công Poma là 4.801.972.000 đồng. Nay yêu cầu tính đến tháng 01/01/2020 thì yêu cầu bồi thường số tiền là 8.745.834.853 đồng. Yêu cầu thanh toán một lần đầy đủ thiệt hại mà 2 công ty Poma phải gánh chịu từ hành vi của ông Phạm Thái B. Yêu cầu tính lãi do việc sử dụng vốn pháp định: 6.128.964.000 đồng tính từ ngày 01/01/2010 đến ngày Tòa xét xử với mức lãi suất 9%/năm.
Đối với yêu cầu độc lập của bà Lê Thị T liên quan đến hợp đồng thuê đất.
Yêu cầu phía bà Lê Thị T cung cấp Hợp đồng thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thuê đúng quy định pháp luật (bản gốc hoặc bản sao y); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người liên quan cung cấp ghi là “hộ bà Lê Thị T”. Đề nghị Tòa án xác định bà Lê Thị T không có khởi kiện trong vụ án vì không có quyền khởi kiện.
Theo đại diện bà Lê Thị T có yêu cầu độc lập đối với Công ty V:
Vào ngày 5/9/2009, ông Phạm Thái B và bà Lê Thị T có ký Hợp đồng với Công ty liên doanh V cho thuê đất đối với 18.000m2 đất với giá thuê là 2.274.430.600 đồng/năm. Đại diện liên doanh là ông Vũ Xuân H và ông Rainer L cùng ký để sử dụng nhằm xây dựng nhà xưởng, trụ sở của Công ty liên doanh và 5.000m2 là lối đi. Thời gian thuê là 15 năm (Tính từ ngày Sở kế hoạch đầu tư cấp phép ngày 7/8/2009). Với giá thuê quy đổi tương đương 2.274.430.600 đồng/năm, tức là 189.535.800 đồng/tháng. Bên cho thuê đã giao mặt bằng và công ty đã sử dụng lối đi, diện tích mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các thiết bị máy móc. Công ty V đã trả được 2.950.000.000 đồng và từ đó đến nay không thanh toán thêm bất cứ khoản tiền nào dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Để giảm bớt thiệt hại cho cả hai bên, ngày 15/9/2017: đại diện Công ty V có thỏa thuận với đại diện chủ đất và xác nhận số tiền còn thiếu là 4.126.000.000 đồng. Cùng ngày, trả lại cho bà Lê Thị T 5.500m2, tiếp tục Hợp đồng thuê với giá tiền giảm xuống còn lại là 131.622.000 đồng/năm. Tiền thuê đất phát sinh từ 15/9/2012 đến 15/9/2017 là 7.897.320.000 đồng. Nay tổng cộng yêu cầu Công ty V phải trả là 12.023.320.000 đồng. Từ ngày 15/9/2017 trở về sau, bà Lê Thị T đồng ý cho để nhờ các thiết bị máy móc, nhà xưởng, khi nào tranh chấp nội bộ giải quyết xong và thanh toán đủ tiền thuê đất thì cho tháo dỡ, di dời đi. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Lê Thị T là do thủ tục của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, bà Lê Thị T là người có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất cho thuê. Các thành viên gia đình thống nhất với quyết định của bà Lê Thị T. Đối với bản chính hợp đồng thuê đất đã bị thất lạc. Đề nghị Tòa án hỗ trợ trích lục hợp đồng thuê đất này tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Cần Thơ.
Đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Phạm Thái B trình bày: Việc Công ty Poma đã yêu cầu ông Phạm Thái B chấm dứt ngay hành vi cho phép Công ty T sử dụng tài sản được đầu tư từ vốn góp của công ty Poma và thực hiện biện pháp bắt buộc Công ty T chấm dứt việc sử dụng tài sản này là không có căn cứ, đồng thời Công ty T không sử dụng tài sản của liên doanh và Poma; Công ty T có xây dựng nhà máy xay xát để góp vốn nhưng Poma không đến họp để định giá để đưa vào tài sản liên doanh. Sau khi liên doanh trả đất cho bà Lê Thị T thì bà Lê Thị T cho Công ty T thuê lại diện tích đất đã có sẵn nhà máy trên đó. Đối với mái che là của Công ty T làm sau khi ký hợp đồng thuê đất của bà Lê Thị T. Ông Phạm Thái B không có hành vi cản trở các thành viên liên doanh. Phía ông Phạm Thái B đã nhiều lần gửi thư triệu tập họp thành viên để giải quyết các vấn đề liên quan đến liên doanh nhưng đại diện 2 công ty Poma không đến dự chứ không phải lỗi của ông Phạm Thái B. Còn việc cho rằng không cho các thành viên liên doanh vào khu đất nhà máy, thì ông Phạm Thái B lúc nào cũng sẵn sàng cho vào nên không chấp nhận việc kiện này của 2 công ty Poma.
Đại diện Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V: Quá trình thuê đất là đã có ký hợp đồng vào ngày 05/9/2009, ông Phạm Thái B và bà Lê Thị T có ký Hợp đồng với Công ty liên doanh V cho thuê đất đối với 18.000m2 đất với tổng số tiền là 2.274.430.600 đồng/năm. Đại diện liên doanh là ông Vũ Xuân H và ông Rainer L cùng ký để sử dụng nhằm xây dựng nhà xưởng, trụ sở và 5.000m2 là lối đi. Thời gian thuê là 15 năm (tính từ ngày Sở kế hoạch đầu tư cấp phép ngày 7/8/2009). Với giá thuê quy đổi tương đương 2.274.430.600 đồng/năm, tức là 189.535.800 đồng/tháng. Bên cho thuê đã giao mặt bằng và công ty đã sử dụng lối đi, diện tích mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các thiết bị máy móc. Công ty Vigerice đã trả được 2.950.000.000 đồng và từ đó đến nay do phát sinh tranh chấp nên không thực hiện việc thanh toán vì cần chờ phán quyết của Tòa án.
Trong tổng tiền góp liên doanh 17.240.643.000 đồng, thì Công ty V đã bỏ ra chi phí xây dựng, đầu tư hệ thống băng tải cầu tàu, nền móng máy sấy lúa, máy phát điện, chi phí khác là hơn 18.336.471.665 đồng. Trong quá trình liên doanh thì Công ty T có kinh doanh sinh lợi. Số tiền dôi ra là 1.095.828.548 đồng, đã chi trả cho hoạt động của liên doanh. Hiện nay, số tiền mà Công ty V còn khoảng 120.000.000 đồng đang gửi 70 triệu tại Ngân hàng Eximbank, 50 triệu đồng tại Techcombank và lãi phát sinh. Nay, công ty đã cung cấp tất cả hồ sơ liên quan đến công ty V để các thành viên liên doanh xem xét, kiểm tra, sao chụp hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp và phán quyết.
Tại bản án kinh doanh thương mại số 02/2020/KDTM-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân Thành phố Cần Thơ đã quyết định:
Căn cứ:
Khoản 1 Điều 30; Điểm a, Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 3 Điều 507; khoản 1 Điều 688; Điều 584, 585, Bộ luật dân sự năm 2015 Điểm g, h Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T về việc yêu cầu Hủy hợp đồng liên doanh ngày 20/6/2009 giữa phía Việt Nam: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T và Công ty cổ phần lương thực H với phía Cộng hòa Liên bang Đức: Công ty POMA M và Công Ty POMA B về việc thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V (VIGERICE).
Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nêu trên. Số tiền còn lại của Vigerice là 120.000.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất phát sinh theo 02 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Techcombank và Eximbank được dành cho việc thanh toán cho các khoản thanh theo thứ tự ưu tiên và giải quyết tại giai đoạn thi hành án.
Giao cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T 04 hạng mục công trình trên đất tọa lạc tại phần đất số 6xxA Quốc lộ 9x Khu vực Q 1, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ (tính trị giá theo Chứng thư thẩm định), cụ thể gồm:
1/ Bờ kè cầu cảng trị giá 2.840.000.000 đồng;
2/ Hệ thống điện trị giá 3.678.404.000 đồng;
3/ Kho chứa trấu trị giá 2.335.128.000 đồng;
4/ Bổ sung hệ thống băng tải trị giá 421.257.000 đồng.
2. Buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B tháo dỡ di dời toàn bộ thiết bị máy móc bao gồm tất cả hạng mục đã lắp đặt tại công trình của VIGERICE gồm Nhà máy sấy lúa bằng trấu (theo danh mục do Cục Hải quan Cần Thơ cung cấp), 02 dàn băng tải dài, 04 cotainer còn khóa (không kiểm tra bên trong); 01 xe Milo ra khỏi phần đất số 6xxA Quốc lộ 9x Khu vực Q 1, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ.
3. Buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T) số tiền là 9.637.288.000 đồng (Chín tỷ, sáu trăm ba mươi bảy triệu, hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).
4. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B hoàn trả số tiền 3.980.250.000 đồng đã mượn theo chứng từ ủy nhiệm chi do không có cơ sở.
5. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B đối với công ty T: Về việc yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng tài sản, hạng mục đầu tư từ vốn góp của Poma bao gồm: cầu tàu, nền móng máy sấy lúa, nền móng máy phát điện, đường dây trung áp ngầm.
6. Không chấp nhận yêu cầu buộc tháo dỡ những thiết bị, máy móc của Công ty T trên các hạng mục, tài sản của Vigerice và Poma, khôi phục và trả lại nguyên trạng trước khi Công ty T sử dụng. Công ty T phải tháo dỡ các máy móc, thiết bị gồm: Mái nhà ở giữa nhà máy xay xát và cầu cảng; Bờ kè cầu cảng và băng tải trong nhà máy xay xát; Dàn máy sấy lúa.
7. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B đối với ông Phạm Thái B: Về việc yêu cầu chấm dứt hành vi cho phép Trung An sử dụng tài sản được đầu tư từ vốn góp của Poma và thực hiện biện pháp bắt buộc Trung An chấm dứt việc sử dụng tài sản này.
8. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu ông Phạm Thái B chấm dứt hành vi không cho thành viên liên doanh vào khu đất và nhà máy, yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên để giải quyết các vấn đề của Vigerice.
9. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu bồi thường tính lãi của các bị đơn về việc đòi mức lãi suất 9%/năm tính từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/8/2020 đối với tiền góp vốn.
10. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu bồi thường các chi phí tổng số tiền 9.539.466.669 đồng.
11. Chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn T (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T) với Công ty POMA M và Công ty POMA B mỗi bên phải trả cho bà Lê Thị T số tiền thuê là 6.011.660.000 đồng (Sáu tỷ, không trăm mười một triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về chi phí định giá, án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
Ngày 08/10/2020, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T kháng cáo đề nghị Tòa án phúc thẩm buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B hoàn trả số tiền đã mượn của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T là 3.980.250.000 đồng. Đồng thời buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền thuê đất 12.023.320.000 đồng còn nợ của ông Phạm Thái B và bà Lê Thị T theo quy định của pháp luật.
Ngày 09/10/2020, ông Tô Đình H là đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty POMA M và Công ty POMA B kháng cáo đề nghị sửa bản án, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bị đơn và đình chỉ yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại đơn kháng cáo và trước phiên tòa phúc thẩm hôm nay Nguyên đơn Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T có ông Trần Văn Vđại diện theo ủy quyền đề nghị Hội dồng xét xử phúc thẩm buộc hai Công ty POMA phải có trách nhiệm trả lại cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T số tiền đã mượn 3.980.250.000 đồng; tổng số tiền thuê đất là 12.023.320.000 đồng là thiệt hại do hai Công ty POMA gây ra nên yêu cầu hai Công ty POMA phải chịu trách nhiệm thanh toán, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty T cùng chịu trách nhiệm là chưa hợp lý.
Ông Tô Đình H là đại diện theo ủy quyền của Công ty POMA M và Công ty POMA B là bị đơn trong vụ án đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do có nhiều vi phạm về tố tụng dân sự và đánh giá chứng cứ không đầy đủ. Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1]. Ngày 20/6/2009 Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T và Công ty cổ phần lương thực H và Công ty POMA M và Công ty POMA B ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V (gọi tắt là VIGERICE) với vốn pháp định 700.000 USD, vốn điều lệ 12.000.000 USD, trong đó Công ty T góp 4.953.000 USD (39% vốn liên doanh) bằng toàn bộ nhà máy xay xát lau bóng gạo có diện tích 6.300m2, hệ thống máy móc có công xuất 24 tấn gạo lức/giờ và tiền mặt; Công ty H góp 1.270.000 USD (10%) bằng tiền mặt; Công ty Poma B góp 1.905.000 USD (15%) bằng toàn bộ nhà máy sấy lúa đốt bằng trấu có công suất tối thiểu 400 tấn lửa/ngày và tiền mặt; Công ty Porna M góp 4.572.000 USD (36%) bằng toàn bộ nhà máy phát điện bằng trấu có công suất 2MW và tiền mặt. Ngày 07/8/2009 sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh V. Các bên đã góp vốn như sau: Bên Việt Nam đã góp 11.111.679.000 đồng đạt 4,9% và góp bằng tài sản chiếm 23,6%; bên Đức góp 6.128.964.117 đồng đạt 2,6% và góp bằng tài sản chiếm 3,3%. Qua đối chiếu cả hai bên đều chưa góp vốn đầy đủ như đã cam kết trong hợp đồng liên doanh cũng như quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng phía Việt Nam là Công ty T đã đầu tư xây dựng xong phần cơ sở hạ tầng để phục vụ việc lắp đặt nhà máy sấy lúa và máy phát điện chạy bằng trấu do phía hai Công ty Poma cung cấp và thực hiện việc góp vốn bằng tài sản là nhà máy xay xát như đã nêu trên. Phía hai Công ty Poma đã mang sang Việt Nam các thiết bị để lắp đặt nhà máy sấy lúa, nhưng các thiết bị này chưa đồng bộ, còn máy phát điện bằng trấu thì phía Đức chưa mang qua.
[1.1] Từ khi Công ty V được thành lập cho đến nay vẫn chưa bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên với lý do ông Rainer Loth (đại diện cho hai công ty Poma) không tham gia họp Hội đồng thành viên, mặc dù đã được ông Phạm Thái B với tư cách là Tổng giám đốc công ty và là thành viên sáng lập đã gửi thư triệu tập nhiều lần, mặc dù ông Rainer Loth thường xuyên có mặt tại Việt Nam nhưng không đến dự họp.
[1.2] Tại các biên bản kiểm tra Vigerice do Sở Kế hoạch và Đầu tư lập thì đều nêu ra nguyên nhân chậm thực hiện dự án là do có một phần thuộc đối tác nước ngoài. Tại biên bản họp ngày 11/10/2012 cũng có nêu về tiến độ thực hiện dự án là do phía bên Đức chậm thực hiện. Mặt khác phía bị đơn thừa nhận chỉ mới đưa thiết bị của nhà máy sấy lúa đạt 80%. Căn cứ vào Điều 8 của Hợp đồng liên doanh và Giấy chứng nhận đầu tư thì giai đoạn 1 phải hoàn thành sau 06 tháng kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đầu tư và giai đoạn 2 phải hoàn thành sau 16 tháng kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư phải hoàn thành nhà máy phát điện bằng trấu. Công ty TNHH V đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 07/8/2009 nhưng cho đến nay chỉ có nhà máy xay xát chế biến gạo là hoàn thành. Dự án chậm tiến độ quá lâu, hiện tại không có khả năng thực hiện, do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng liên doanh và chấm dứt hoạt động đầu tư là có căn cứ.
[2]. Về bồi thường thiệt hại:
Do phía Đức đã vi phạm Điều 8 của Hợp đồng liên doanh nên nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn phải bồi thường thiệt hại là có cơ sở, song do hai bên không hoàn thành nghĩa vụ theo đúng cam kết trong hợp đồng liên doanh nên việc bồi thường phải theo tỷ lệ tương ứng với mức độ nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện như Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ đúng pháp luật. Do đó, nguyên đơn kháng cáo không đồng ý bồi thường thiệt hại là không có cơ sở.
[3]. Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc buộc 2 Công ty Poma trả 3.980.250.000 đồng tiền ứng góp vốn cho liên doanh, xét thấy:
Tờ Ủy nhiệm chi có nội dung: Công ty T nộp cho 02 công ty Poma. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm ngày 09/9/2014 về việc “Tranh chấp hợp đồng liên doanh” giữa nguyên đơn là Công ty Poma và bị đơn là ông Phạm Thái B đã xác định: Theo kết quả kiểm toán của Công ty Grant Thornton (Việt Nam) Ltd thì từ ngày 29/9/2009 đến 07/01/2010 hai Công ty Poma đã góp tiền vốn pháp định để thành lập Công ty TNHH V là 6.128.964.000 đồng, trong đó ngày góp cuối cùng là ngày 07/01/2010. Cũng theo kết quả kiểm toán nêu trên thì số tiền 6.128.964.000 đồng tương đương 357.000 USD, bằng số tiền vốn pháp định mà hai Công ty Poma có nghĩa vụ góp vào Công ty TNHH V. Kết quả kiểm toán nêu trên phù hợp với văn bản số 1814 ngày 16/7/2014 của sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ xác định phần vốn góp của hai Công ty Poma tính đến tháng 02/2011 là 6.128.000.000 đồng và từ thời điểm đó đến nay không góp gì thêm vốn pháp định. Bản án nêu trên đã có hiệu lực pháp luật và các bên đã thi hành xong các quyết định của bản án. Ngoài ra phía nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ gì mới để buộc bị đơn phải trả lại số tiền 3.980.250.000 đồng góp vốn vào liên doanh. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ. Tại đơn kháng cáo và trước phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn kháng cáo nhưng không xuất trình được chứng cứ gì mới nên không có cơ sở chấp nhận.
[4]. Xét kháng cáo của bị đơn về yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị T về việc đòi tiền thuê đất, xét thấy:
Ngày 05/8/2009 ông Phạm Thái B và bà Lê Thị T lập hợp đồng cho Công ty V thuê lô đất có diện tích 23.000m2, thời hạn thuê 15 năm, tiền thuê đất 1.916.666 USD. Sau 15 năm hợp đồng sẽ tự gia hạn và giá thuê sẽ được thỏa thuận lại. Tiền thuê đất sẽ trả theo từng năm, mỗi năm là 127.777 USD. Hợp đồng này được ký bởi ông Vũ Xuân H (Công ty H) và ông Rainer L (Công ty Poma) tại Văn phòng luật sư Á Châu.
Công ty TNHH V đã thanh toán cho bà Lê Thị T 2.950.000.000 đồng. Tính đến ngày 15/9/2012 Công ty V còn nợ tiền thuê đất 4.126.000.000 đồng. Từ ngày 15/9/2012 Công ty V đã trả cho bà Lê Thị T 5.500m2. Tiền thuê đất phát sinh từ ngày 15/9/2012 - 15/9/2017 là 7.897.320.000 đồng. Tổng hai khoản Công ty V phải trả là 12.023.320.000 đồng.
Ngày 16/9/2012 bà Lê Thị T và ông Phạm Thái B ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với công ty T do ông Phạm Thái B làm đại diện. Có nội dung cho Công ty thuê 5.500m2 đất tại 6xxA, QL9x, phường T, quận T để xây dựng, lắp đặt máy sấy lúa và các thiết bị phục vụ xuất nhập khẩu lúa gạo, với giá 5.000.000 đồng/tháng, thời hạn là 15 năm. Phía Công ty Poma đề nghị bà cung cấp hợp đồng cho thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên và không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Thái B bà Lê Thị T. Bà Lê Thị T không cung cấp được bản chính của hợp đồng thuê đất nhưng sự kiện ký Hợp đồng thuê và được giao diện tích đất thuê để liên doanh đưa vào sử dụng là có thật và được các bên thừa nhận. Do đó, bên thuê đất phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền thuê đất theo Hợp đồng đã ký. Toàn bộ trách nhiệm thanh toán sẽ thuộc về Công ty liên doanh trả trước và các bên phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền này là 12.023.320.000 đồng. Mỗi bên phải chịu trách nhiệm thanh toán 50% là 6.011.660.000 đồng như Tòa án cấp sơ thẩm đã xử là có căn cứ đúng pháp luật.
Từ các căn cứ phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không chấp nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại và các yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng trái pháp luật của 2 công ty Poma là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại đơn kháng cáo và trước phiên tòa phúc thẩm các bên kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì mới nên không có cơ sở chấp nhận nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5]. Các quyết định khác của Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T và của bị đơn Công ty POMA M và Công ty POMA B, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ Điều 507; khoản 1 Điều 688; Điều 584; 585 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T về việc yêu cầu Hủy hợp đồng liên doanh ngày 20/6/2009 giữa phía Việt Nam: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T và Công ty cổ phần lương thực H với phía Cộng hòa liên bang Đức: Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo V (VIGERICE).
Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nêu trên, số tiền còn lại của Vigerice là 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng) và lãi suất phát sinh theo 02 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Techcombank và Eximbank được dành cho việc thanh toán cho các khoản thanh toán theo thứ tự ưu tiên và giải quyết tại giai đoạn thi hành án.
Giao cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T 04 hạng mục công trình trên đất tọa lạc tại phần đất số 4xxA Quốc lộ 9x, Khu vực Q, phuờng T, quận T, thành phố cần Thơ (tính trị giá theo Chứng thư thẩm định) cụ thể:
1/ Bờ kè cầu cảng trị giá 2.840.000.000 đồng.
2/ Hệ thống điện trị giá 3.678.404.000 đồng.
3/ Kho chứa trấu trị giá 2.335.128.000 đồng.
4/ Bổ sung hệ thống băng tải trị giá 421.257.000 đồng.
2. Buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B tháo dỡ di dời toàn bộ thiết bị máy móc bao gồm tất cả hạng mục đã lắp đặt tại công trình của VIGERICE gồm Nhà máy sấy lúa bằng trấu (theo danh mục do Cục Hải quan cần Thơ cung cấp), 02 dàn băng tải dài, 04 Container còn khóa (không kiểm tra bên trong), 01 xe Milo ra khỏi phần đất số 6xxA, Quốc lộ 9x khu vực Q 1, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ.
3. Buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T) số tiền 9.637.288.000 đồng (chín tỷ, sáu trăm ba mươi bảy triệu, hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).
4. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty POMA M và Công ty POMA B hoàn trả số tiền 3.980.250.000 đồng đã mượn theo chứng từ ủy nhiệm chi do không có cơ sở.
5. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B đối với Công ty T về việc yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng tài sản, hạng mục đầu tư từ vốn góp của Poma bao gồm: cầu tàu, nền móng máy sấy lúa, nền móng máy phát điện, đường dây trung áp ngầm.
6. Không chấp nhận buộc tháo dỡ những thiết bị máy móc của Công ty T trên các hạng mục, tài sản của Vigerice và Poma, khôi phục và trả lại nguyên trạng trước khi Công ty T sử dụng. Công ty T phải tháo dỡ các máy móc thiết bị gồm: Mái nhà ở giữa nhà máy xay xát và cầu cảng; Bờ kè cầu cảng và băng tải trong nhà máy xay xát; Dàn máy sấy lúa.
7. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B đối với ông Phạm Thái B về việc chấm dứt hành vi cho phép Trung An sử dụng tài sản được đầu tư từ vốn góp của Poma và thực hiện biện pháp bắt buộc Trung An chấm dứt sử sụng tài sản này.
8. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu ông Phạm Thái B chấm dứt mọi hành vi không cho thành viên liên doanh vào khu đất và nhà máy, yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên để giải quyết các vấn đề của Vigerice.
9. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu bồi thường tính lãi của các bị đơn về mức lãi suất 9%/năm tính từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/8/2020 đối với tiền góp vốn.
10. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty POMA M và Công ty POMA B về việc yêu cầu bồi thường các chi phí tổng số tiền 9.539.466.669 đồng.
11. Chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Buộc Công ty TNHH T (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T) với Công ty POMA M và Công ty POMA B mỗi bên phải trả cho bà Lê Thị T số tiền thuê là 6.011.660.000 đồng (sáu tỷ, mười một triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).
12. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
13. Án phí phúc thẩm:
Nguyên đơn Nguyên đơn Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao T phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng, được khấu trừ vào số tiền do ông Võ Thế V đã nộp theo biên lai thu số AA/2019/000095 ngày 14/10/2020 của Cục thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ.
Bị đơn Công ty POMA M và Công ty POMA B mỗi công ty phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng được khấu trừ vào số tiền do ông Tô Đình H đã nộp theo các biên lai thu số AA/2019/000110, AA/2019/000109 cùng ngày 02/11/2020 của Cục thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ.
14. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
File gốc của Bản án 15/2021/KDTM-PT ngày 09/03/2021 về tranh chấp hợp đồng liên doanh, tranh chấp bồi thường thiệt hại và chấm dứt hành vi sử dụng tài sản trái pháp luật và đòi tiền theo hợp đồng thuê tài sản – Tòa án nhân dân cấp cao đang được cập nhật.
Bản án 15/2021/KDTM-PT ngày 09/03/2021 về tranh chấp hợp đồng liên doanh, tranh chấp bồi thường thiệt hại và chấm dứt hành vi sử dụng tài sản trái pháp luật và đòi tiền theo hợp đồng thuê tài sản – Tòa án nhân dân cấp cao
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân cấp cao |
Số hiệu | 15/2021/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2021-03-09 |
Ngày hiệu lực | 2021-03-09 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |