TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠNH HÓA, TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 02/2020/KDTM-ST NGÀY 03/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong ngày 03 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toa an nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2018/TLST-KDTM ngày 03/12/2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/QĐXXST-KDTM ngày 14 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T (viết tắt là Công ty T).
Địa chỉ trụ sở: Ấp 4, xã Bình Tâm, TP Tân An, tỉnh Long An.
Địa chỉ liên lạc: Ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Văn L - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Cao Thanh T, sinh năm 1980; Địa chỉ: Số 24 C, Phường 1, thành phố T, tỉnh Long An. (Có mặt)
* Bị đơn: Tổng công ty CP Bảo hiểm ngân hàng TMCP C (viết tắt là V) Địa chỉ: 10-11 Tòa nhà 126 C, quận B, TP Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê T D. Người đại diện theo ủy quyền:
- Bà Trần Thị HN, Giám đốc Ban pháp chế Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C.
- Bà Nguyễn Thị Minh T, Cán bộ Ban Pháp chế Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C.
- Ông Bùi Xuân Q, Cán bộ Phòng Tài sản kỹ thuật Ban Bồi thường Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C. (tất cả có mặt)
* Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty CP Giám định S (viết tắt là Công ty S), địa chỉ: Tầng 16, tòa nhà B3.7 Hacinco, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Dũng – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị. (Có văn bản yêu cầu giải quyết vắng mặt).
2. Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Bưu điện (viết tắt là PTI) Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà số 4A Láng Hạ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Xuân Thu – Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Minh Hiếu – Chức vụ: Trưởng phòng Giám định bồi thường Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tiền Giang (Có đơn xin giải quyết vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Yêu cầu khởi kiện của Công ty T do ông Cao Thanh Tiếp trình bày: Vào ngày 06/9/2016, Công ty T ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt số 005.KD2A.HD.TS12.16.01906 với Công ty TNHH MTV BH Ngân hàng TMCP C – Chi nhánh Sài Gòn, thời gian bảo hiểm là 01 năm kể từ 16 giờ ngày 10/9/2016 đến 16 giờ ngày 10/9/2017. Địa điểm: xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đồng thời cùng ngày hai bên có ký danh mục tài sản được bảo hiểm với tổng giá trị tài sản là 82.929.443.827 đồng.
Lúc 22 giờ 05 phút ngày 15/9/2016, tại địa điểm bảo hiểm xảy ra sự cố cháy nổ, nguyên nhân do chập điện.
Từ ngày 16/9/2016 đến ngày 22/3/2017, Công ty T và Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật RACO (do V chỉ định) cùng thực hiện giám định hiện trường. Trong thời gian này, Công ty T có thuê đơn vị thi công sửa chữa và dọn dẹp hiện trường, thanh lý hàng phế liệu.
Ngày 25/4/2017, Công ty T yêu cầu được tạm ứng số tiền bồi thường thiệt hại là 444.053.786 đồng. Ngày 28/4/2017,V Sài Gòn có chuyển cho Công ty T số tiền 444.053.786 đồng.
Ngày 10/7/2018,V Sài Gòn thông báo bồi thường với tổng số tiền là 1.340.339.113 đồng, trừ số tiền tạm ứng 444.053.786 đồng, số tiền V sẽ tiếp tục thanh toán cho Công ty T là 896.285.327 đồng. Công ty T không đồng ý Thông báo bồi thường của V và yêu cầu được bồi thường theo danh mục tài sản được bảo hiểm gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị và hàng hóa với mức thiệt hại là 3.815.447.182 đồng cụ thể:
Nhà xưởng giá trị là 1.544.170.000 đồng do Công ty Cổ phần tư vấn và quản lý xây dựng Thành Đô thực hiện khắc phục.
Hệ thống băng tải giá trị là 1.089.920.000 đồng do Công ty TNHH MTV Thanh Huyền thực hiện khắc phục.
Hệ thống điện giá trị là 234.680.000 đồng do Công ty TNHH MTV Thành Đạt thực hiện khắc phục.
Pallet giá trị là 158.700.000 đồng do Xưởng mộc xẻ gỗ Sáu Khang thực hiện khắc phục.
Van xả máy bóc vỏ lúa giá trị là 11.000.000 đồng do Công ty TNHH MTV Thành Đạt thực hiện khắc phục.
Hàng hóa bị thiệt hại là 1.042.230.000 đồng (99,26 tấn gạo x 10.500 đồng/ký).
Phí dọn dẹp hiện trường là 75.367.484 đồng.
Tổng mức thiệt hại là 4.156.067.484 đồng, khấu trừ mức miễn thường 204.035.000 đồng (5%) và giá trị thanh lý phế liệu 136.531.516 đồng, như vậy V Sài Gòn phải bồi thường cho Công ty T tổng số tiền 3.815.500.968 đồng,V Sài Gòn đã tạm ứng số tiền 444.053.786 đồng, còn lại 3.371.447.182 đồng.
Ngày 13/9/2018, Công ty T có văn bản yêu cầu bồi thường số tiền còn lại là 3.371.447.182 đồng nhưng kéo dài đến nay V Sài Gòn vẫn chưa giải quyết bồi thường.
Tại đơn khởi kiện Công ty T khởi kiện yêu cầu V – Chi nhánh Sài Gòn bồi thường với tổng số tiền là 3.371.447.182 đồng và lãi phát sinh 9%/năm đối với số tiền 3.371.447.182 đồng kể từ ngày Công ty T có công văn yêu cầu thanh toán 13/9/2018.
Bị đơn do bà Trần Thị HN đại diện trình bày:V thống nhất vào ngày 06/9/2016, Công ty T có ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt số 005.KD2A.HD.TS12.16.01906 với V Sài Gòn, thời gian bảo hiểm là 01 năm kể từ 16 giờ ngày 10/9/2016 đến 16 giờ ngày 10/9/2017. Địa điểm: xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Lúc 22 giờ 05 phút ngày 15/9/2016, tại địa điểm bảo hiểm xảy ra sự cố cháy nổ với nguyên nhân do chập điện.
VBI thống nhất có sự kiện bảo hiểm xảy ra và sự cố cháy nổ ngày 15/9/2016 thuộc trường hợp được chi trả bảo hiểm. Nguyên đơn yêu cầu V – Chi nhánh Sài Gòn bồi thường. Đây là trách nhiệm của Tổng công ty nên V đồng ý giải quyết tranh chấp hợp đồng do V Chi nhánh Sài Gòn trực tiếp ký kết với Công ty T. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại của Công ty T yêu cầu là chưa phù hợp.V thống nhất giá trị mà Công ty T thực tế bỏ ra để khắc phục hậu quả, nhưng số tiền trên là giá trị của tài sản mới. Theo nguyên tắc chi trả bảo hiểm,V chỉ chi trả bảo hiểm theo giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm bị thiệt hại, cụ thể như sau ( căn cứ báo cáo giám định ngày 16/3/2020 của Công ty Cổ phần giám định Smart):
Nhà xưởng giá trị mới là 1.519.000.000 đồng do Công ty Cổ phần tư vấn và quản lý xây dựng Thành Đô thực hiện khắc phục. Thời gian nhà xưởng đã sử dụng là 6,7 năm nên sau khi khấu hao thì giá trị nhà xưởng tại thời điểm thiệt hại là 1.026.132.695 đồng.(bao gồm cả hệ thống thoát nước mái công trình là 25.170.000 đồng phát sinh thêm).
Hệ thống băng tải giá trị là 1.047.150.000 đồng do Công ty TNHH MTV Tám Thu chào giá. Thời gian hệ thống băng tải đã sử dụng từ 0,04 năm đến 6,71 năm nên sau khi khấu hao thì giá trị hệ thống băng tải tại thời điểm thiệt hại là 464.520.063 đồng. Đối với hạng mục hệ thống băng tải thì Công ty T đã tham gia bảo hiểm dưới giá trị và phải tự chịu một phần tổn thất, sau khi tính toán tỉ lệ hai bên phải chịu thì V đồng ý bồi thường đối với hệ thống băng tải là 109.824.948 đồng.
Hệ thống điện giá trị mới là 194.791.500 đồng do Hộ kinh doanh Nguyễn Bền chào giá. Thời gian hệ thống điện đã sử dụng là 6,7 năm nên sau khi khấu hao thì giá trị hệ thống điện tại thời điểm thiệt hại là 64.094.409 đồng.
Pallet giá trị mới là 158.700.000 đồng do Xưởng mộc xẻ gỗ Sáu Khang thực hiện khắc phục. Thời gian Pallet đã sử dụng là 4,71 năm nên sau khi khấu hao thì giá trị Pallet tại thời điểm thiệt hại là 51.926.888 đồng. Đối với hạng mục Pallet thì Công ty T đã tham gia bảo hiểm dưới giá trị và phải tự chịu một phần tổn thất, sau khi tính toán tỉ lệ hai bên phải chịu thì V Sài Gòn đồng ý bồi thường đối với Pallet là 39.093.484 đồng.
Hàng hóa bị thiệt hại là 965.706.613 đồng. Vì Công ty T tham gia bảo hiểm hàng hóa (Gạo) có giá trị 30.000.000.000 đồng nhưng hàng hóa tại kho thời điểm tổn thất có giá trị 104.744.082.307 đồng. Do đó, công ty T tham gia bảo hiểm dưới giá trị đối với hàng hóa nên V chỉ đồng ý bồi thường theo tỷ lệ tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, công ty T còn tham gia bảo hiểm của Bảo hiểm Bưu điện Tiền Giang (PTI) đối với hàng hóa gạo nên sau khi chia tỉ lệ thì V đồng ý bồi thường 276.590.312 đồng, phần còn lại đề nghị Công ty T yêu cầu Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) chi trả (chi tiết tại trang 17 Báo cáo giám định của Công ty CP Giám định Smart).
VBI thống nhất Van xả máy bóc vỏ lúa giá trị là 11.000.000 đồng, phí dọn dẹp hiện trường là 75.367.484 đồng và giá trị thanh lý phế liệu là 125.544.618 đồng.
Công ty Cổ phần giám định Smart có văn bản yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt và có ý kiến trình bày: Các vấn đề liên quan đến tư vấn tính toán bồi thường của công ty đã được trình bày trong Báo cáo giám định ngày 16/3/2020.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện có đơn xin giải quyết vắng mặt và có ý kiến: Trong thời gian hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 0000079/0010-P.KD-05/PHH.TS.3.2/2015 do PTI Tiền Giang ký kết với Công ty T có hiệu lực (từ 27/11/2015 đến 27/11/2016 cho đến thời điểm hiện nay PTI và PTI Tiền Giang chưa nhận được bất kỳ thông tin báo tổn thất nào liên quan đến thiệt hại về tài sản).
Tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm số 005.KDA2.HD.TS12.16.01916 - Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Giấy ủy quyền số 11/2018 ngày 06/11/2018 - Công văn yêu cầu bồi thường số 001/CV/2018/TPC ngày 13/9/2018 - Hợp đồng thi công nhà xưởng giữa công ty T và Công ty Thành Đô.
- Hợp đồng thanh lý phế liệu, dọn dẹp hiện trường giữa Công ty T và Công ty Thành Đô.
- Phụ lục Hợp đồng thi công nhà xưởng giữa Công ty T và Công ty Thành Đô.
- Biên bản nghiệm thu gói thầu khắc phục sửa chữa nhà xưởng giữa Công ty T và Công ty Thành Đô.
- Hóa đơn ngày 17/5/2017 của Công ty Thành Đô.
- Hợp đồng ngày 01/12/2016 giữa Công ty T và công ty Thanh Huyền.
- Biên bản nghiệm thu và thanh lý Hợp đồng ngày 01/12/2016 giữa Công ty T và Công ty Thanh Huyền.
- Hóa đơn ngày 14/01/2017 của Công ty Thanh Huyền.
- 02 hóa đơn của Công ty Thành Đạt.
- Biên bản xác nhận vị trí tài sản thế chấp và bồi thường tai nạn hỏa hoạn số 020/CV/TPC.
* Bị đơn cung cấp:
- Giấy phép điều chỉnh số 21/GPĐC23/KDBH ngày 02/11/2017.
- Văn bản ủy quyền số 2340/GUQ-VBI10 ngày 17/12/2018 - Giấy ủy quyền số 16/UQ-VB110 ngày 10/01/2019.
- Văn bản ủy quyền 985/UQ-VB110 ngày 29/5/2020.
- Giấy ủy quyền số 270/UQ-VBI10 ngày 13/8/2020.
- Giấy ủy quyền số 301/UQ-VBI10 ngày 01/9/2020.
- Công văn số 264/CV-VB110 ngày 17/12/2018.
- Thông báo bồi thường ngày 10/7/2018.
- Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt.
- Biên bản giám định hiện trường ngày 16/9/2016 của công ty Raco lập tại Công ty T.
- Báo cáo cuối cùng về tổn thất cháy Công ty T do Công ty RACO lập.
- Hợp đồng bảo hiểm số 0000079/HD/0010-P.KD- 95/PHH.TS.3.2/2015 giữa công ty T và công ty bảo hiểm PTI Tiền Giang.
- Thông báo số 01/TP-2016 ngày 29/8/2016 của công ty T xác nhận sơ đồ hàng hóa bảo hiểm tại công ty Bảo hiểm Quân đội Long An.
*Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty cổ phần giám định Smart: Văn bản số 18/CV-Smart ngày 11/8/2020 2. Công ty Bảo hiểm PTI:
- Đơn xin vắng mặt.
- Giấy ủy quyền số 372/GUQ-PTI-PCKSNB ngày 28/7/2020.
- Văn bản số 3320/PTI- PCKSNB ngày 28/7/2020.
3. Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Raco: Không.
*Chứng cứ do tòa án thu thập:
- Báo cáo giám định ngày 16/3/2020 do Công ty cổ phần giám định Smart cung cấp.
Văn bản ngày 31/8/2020 Công ty cổ phần giám định Smart cung cấp. Các bên không yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ, không yêu cầu Tòa án thu thập thêm chứng cứ.
Nội dung các đương sự thống nhất: - Có sự kiện bồi thường xảy ra, Công ty Bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường.
- Số tiền công ty bảo hiểm đã tạm ứng cho công ty T: (444.053.786) đồng.
- Phí dọn dẹp hiện trường: 75.367.484 đồng.
Mức miễn thường 5%/vụ (Số tiền cụ thể tùy thuộc vào mức thiệt hại được Tòa án chấp nhận) Giá trị thanh lý phế liệu: (125.544.618) đồng. Nội dung không thống nhất:
Nguyên đơn, Công ty T yêu cầu bị đơn,V bồi thường tổng số tiền là 3.371.447.182 đồng và lãi phát sinh 9%/năm đối với số tiền 3.371.447.182 đồng kể từ ngày Công ty T có công văn yêu cầu thanh toán 13/9/2018.
Bị đơn chỉ đồng ý bồi thường theo giá trị giám định tổn thất do Công ty CP Giám định Smart thực hiện và không đồng ý trả bất kỳ khoản lãi nào.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chấp nhận một phần lãi đối với phần chênh lệch 69.000.000 đồng giữa giá trị tổn thất do Công ty Raco thực hiện và Công ty CP Giám định Smart thực hiện.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, vụ án đã được xem xét tại phiên toà và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết: Do nguyên đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, nơi thực hiện hợp đồng là Ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An nên nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa theo điểm g, khoản 1, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về người tham gia tố tụng: Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật Raco là đơn vị giám định tổn thất do Công ty Bảo hiểm V chỉ định. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty T không đồng ý kết quả giám định do Công ty Raco thực hiện, có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định lại giá trị tổn thất. Tòa án tiến hành trưng cầu Công ty CP giám định Smart giám định lại tổn thất nên kết quả được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án là kết quả do công ty Smart cung cấp. Do đó, Công ty Raco không được xác định là người liên quan trong vụ án là phù hợp.
[3] Về nội dung vụ án: Do các bên thống nhất với nhau có sự kiện bồi thường xảy ra và Công ty bảo hiểm V có trách nhiệm bồi thường nên không cần phải chứng minh. Hiện nay các bên tranh chấp về mức bồi thường, cụ thể như sau:
[4] Về giá trị nhà xưởng và máy móc: Nguyên đơn yêu cầu bồi thường nhà xưởng giá trị là 1.544.170.000 đồng; Hệ thống băng tải giá trị là 1.089.920.000 đồng; Hệ thống điện giá trị là 234.680.000 đồng; Pallet giá trị là 158.700.000 đồng. Tổng cộng 3.371.447.182 đồng.
[5] Bị đơn chấp nhận bồi thường nhà xưởng 1.026.132.695; Hệ thống băng tải: 109.824.948 đồng; Hệ thống điện: 64.094.409 đồng; Pallet:
39.093.484 đồng; Motor: 7.966.037 đồng; Van máy bóc vỏ lúa: 11.000.000 đồng (Theo kết quả giám định của Công ty Smart). Xét thấy, các bên đều thống nhất, sự kiện pháp lý cháy nổ xảy ra làm cho nhà xưởng số 5 của Công ty T là đối tượng bảo hiểm của Công ty bảo hiểm V bị hư hỏng, nhà xưởng bị cháy cong, võng, đổ sập. Như vậy, Công ty T phải sửa chữa lại toàn bộ nhà xưởng. Giá trị tài sản mà Công ty T yêu cầu bồi thường là giá trị tài sản được làm mới (vật liệu sử dụng để khắc phục là vật liệu mới).
Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 46 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm bảo hiểm, tại nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế. Do tài sản của Công ty T đã được đưa vào sử dụng nhiều năm (căn cứ đánh giá thẩm định của Công ty Smart dựa trên hồ sơ kế toán doT cung cấp). Do đó, tại thời điểm xảy ra tổn thất, tài sản của T không còn nguyên giá trị. Công ty Smart tính khấu hao tài sản dựa trên giá trị nguyên giá màT phải trả cho các đơn vị thi công khắc phục là phù hợp. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải bồi thường bằng với giá mua mới các tài sản thiệt hại là không có căn cứ chấp nhận. Ngoài ra, các bên thống nhất đối với hạng mục băng tải và Pallet, Công ty T mua bảo hiểm dưới giá trị nên phải chịu một phần tổn thất tương đương với tỷ lệ dưới giá trị. Như vậy, kết quả giám định tổn thất của Công ty Smart đủ căn cứ để xác định mức bồi thường mà Công ty Bảo hiểm V phải bồi thường cho Công ty T đối với phần nhà xưởng, máy móc thiết bị bị thiệt hại.
[6] Đối với phần hàng hóa: Nguyên đơn yêu cầu bồi thường giá trị hàng hóa (gạo) 1.042.230.000 đồng (99,26 tấn gạo x 10.500 đồng/ký). Bị đơn chỉ đồng ý bồi thường 276.590.312 đồng. Về giá trị thiệt hại, các bên thống nhất số lượng hàng hóa bị thiệt hại là 99,26 tấn gạo. Tuy nhiên, Công ty T yêu cầu tính giá 10.500 đồng/kg. Smart thẩm định giá là 9729 đồng/kg. Do các bên thống nhất kết quả thẩm định của Smart được áp dụng để giải quyết nên xác định giá gạo để tính giá trị tổn thất thực tế là 99,264 kg x 9.729 đồng = 965.706.613 đồng. Công ty Smart tính giá trị tài sản hàng hóa của công ty T tồn kho sổ sách đến thời điểm tổn thất 104.744.082.307 đồng, bao gồm (gạo 24.252.552.587 đồng, nếp là 80.491.529.720 đồng). Công ty Smart xác định khái niệm “Gạo” theo tiêu chuẩn TCVN 5643:1999 về “Gạo” thì “Nếp” cũng là một loại gạo. Do đó, Smart xác định T mua bảo hiểm dưới giá trị đối với phần hàng hóa. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng Công ty T không được V giải thích khái niệm “Gạo” theo tiêu chuẩn TCVN. Theo quan niệm địa phương thì “Gạo” và “Nếp” là hai loại sản phẩm khác nhau. Trên thực tế sổ sách kế toán của công ty T cũng thống kê hai loại hàng hóa này ở các mục khác nhau. Do đó, căn cứ vào điều 404 Bộ luật dân sự. “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng; khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng, cần áp dụng khái niệm địa phương trong trường hợp này, xác định gạo và nếp là hai sản phẩm khác nhau. Vì vậy, cần xác định Công ty T chỉ mua bảo hiểm cho hàng hóa “Gạo”, không mua bảo hiểm đối với “Nếp”. Theo hợp đồng, công ty T mua bảo hiểm 30.000.000 đồng đối với Gạo. Theo kết quả giám định thì gạo trong kho tại thời điểm tổn thất có giá trị 24.252.552.587 đồng. Vì vậy, căn cứ Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm, công ty T mua bảo hiểm trên giá trị đối với Gạo nên trong trường hợp này tỷ lệ tham gia bảo hiểm hàng hóa của T là 100%.
[7] Về bảo hiểm trùng, tại thời điểm xảy ra sự kiện bồi thường,T đồng thời tham gia bảo hiểm tại 3 công ty bảo hiểm: Bảo hiểm Ngân hàng Viettinbank, Bảo hiểm Ngân hàng quân đội và Bảo hiểm Ngân hàng Bưu điện. Đối với bảo hiểm Ngân hàng quân đội,T có văn bản thông báo cụ thể kho hàng tham gia bảo hiểm (Công văn số 01/TP-2016 ngày 29/8/2016 của công ty T gửi Công ty Bảo hiểm MIC). Riêng đối với V và PTI, Công ty T không thông báo kho hàng tham gia bảo hiểm nên được hiểu T tham gia bảo hiểm cho toàn bộ hàng hóa “Gạo” trong nhà máy. Do đó, Smart xác định T tham gia bảo hiểm trùng giữa V và PTI đối với phần hàng hóa là có cơ sở. Vì vậy, căn cứ Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm,V chỉ phải bồi thường theo tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại V trên tổng số tiền tham gia bảo hiểm của V và PTI.
[8] Từ những phân tích trên, có cơ sở xác định, tổn thất của Công ty T thuộc trách nhiệm bồi thường của VBI bao gồm (căn cứ công văn ngày 31/8/2020 của Công ty CP Smart):
Nhà xưởng: 1.026.132.665 đồng Máy móc thiết bị 231.978.877 đồng Hàng hóa 836.572.680 đồng Chi phí dọn dẹp hiện trường 75.367.484 đồng Tổng thiệt hại 2.170.051.737 đồng Trừ giá trị thanh lý thu hồi 125.544.618 đồng Giá trị tổn thất 2.044.507.118 đồng Trừ mức miễn thường 5%: 102.225.356 đồng.
Mức bồi thường V phải trả cho T là 1.942.281.762 đồng.
Do đã bồi thường 444.053.786 đồng nên còn phải bồi thường tiếp 1.498.227.976 đồng.
[9] Công ty T yêu cầu bồi thường số tiền 3.371.447.182 đồng. Số tiền bồi thường được chấp nhận là 1.498.227.976 đồng. Như vậy, số tiền không được chấp nhận là 1.873.219.206 đồng.
[10]Về yêu cầu tính lãi, nguyên đơn yêu cầu tính lãi theo lãi suất 9%/năm đối với khoản tiền chậm thanh toán 3.371.447.182 kể từ ngày 13/9/2018. Tính đến ngày xét xử là 1 năm 355 ngày.( 3.371.447.182 x 9% x 1 năm 355 ngày = 598.547.335 đồng). Theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên,V đã thông báo bồi thường tiếp cho công ty T số tiền 896.285.327 đồng nhưng Công ty T không xác nhận số tiền bồi thường còn lại nên V không thể chuyển tiền bồi thường cho T. Do đó, không có căn cứ xác định lỗi chậm trả của V đối với số tiền 896.285.32 đồng. Đối với số tiền 601.942.649 đồng là số tiền chênh lệch giữa mức bồi thường V có trách nhiệm trả và số tiền V tự nguyện trả thì V phải trả lãi theo quy định của pháp luật. Cụ thể: 601.942.649 x 9% x 1năm 355 ngày = 106.865.434 đồng.
Như vậy, Công ty T yêu cầu V trả 598.547.335 đồng tiền lãi nhưng chỉ được chấp nhận 106.865.434 đồng. Số tiền lãi không được chấp nhận là 491.681.901đồng.
Tổng cộng hai khoản V phải trả cho Công ty T là 1.605.093.410 đồng.
[11] Về chi phí giám định: Chi phí giám định trả cho Công ty CP Giám định Smart là 66.000.000 đồng.Theo quy định Điều 48 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện việc giám định thiệt hại và chi phí giám định do doanh nghiệp bảo hiểm trả. Tuy nhiên, công ty T không đồng ý với kết quả giám định của cơ quan giám định do V chỉ định là Công ty Raco thực hiện mà có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định. Do Luật Kinh doanh Bảo hiểm không quy định về trường hợp này nên căn cứ quy định Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự, Công ty T phải chịu chi phí giám định đối với phần không được chấp nhận (1.873.219.206 đồng/3.371.447.182 đồng – 55,6%) là 36.670.000 đồng. Công ty bảo hiểm V phải chịu chi phí giám định đối với phần phải bồi thường cho công ty T 1.498.227.976 đồng/3.371.447.182 đồng – 44,4%) là 29.330.000 đồng [12] Về án phí: Công ty Bảo hiểm V phải chịu án phí đối với phần nghĩa vụ phải trả cho Công ty T 1.605.093.410 đồng.
Công ty T phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận bao gồm tiền bồi thường tổn thất 1.873.219.206 đồng và tiền lãi 491.681.901đồng. Tổng số tiền Công ty T phải chịu án phí là 2.364.901.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các điều 30,36,40, 161 Bộ luật tố tụng dân sự:
Áp dụng các điều 29,42,43,44,45,46,48 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn bồi thường giá trị tổn thất theo Hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm số 005.KDA2.HD.TS12.16.01916 giữa Công ty Bảo hiểm V và Công ty T.
Buộc Tổng công ty CP Bảo hiểm ngân hàng TMCP C bồi thường cho công ty TNHHT số tiền 1.942.281.762 đồng. Khấu trừ số tiền đã tạm ứng 444.053.786 đồng,V còn phải tiếp tục bồi thường 1.498.227.976 đồng.
Buộc Công ty bảo hiểm V trả cho Công ty T số tiền lãi 106.865.434 đồng. Tổng cộng là 1.605.093.410 đồng (Một tỷ sáu trăm linh năm triệu không trăm chín mươi ba nghìn bốn trăm mười đồng).
Trong trường hợp người phải thi hành án chậm trả thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.
2.Về chi phí giám định: Công ty TNHHT phải chịu 36.670.000 đồng tiền chi phí giám định (đã nộp xong). Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C phải chịu 29.330.000 đồng. Do Công ty TNHHT đã tạm ứng tiền chi phí giám định nên Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP C phải hoàn trả cho Công ty TNHHT 29.330.000 đồng tiền chi phí giám định.
3. Về án phí: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tổng công ty CP Bảo hiểm ngân hàng TMCP C phải chịu 60.152.802 đồng án phí KDTM sơ thẩm sung công quỹ nhà nước. Công ty TNHHT phải chịu 79.298.022 đồng án phí KDTM nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 49.714.000 đồng tại lai thu số 0004336 ngày 03/12/2018 và 6.995.750 đồng tại lai thu số 0003930 ngày 15/8/2019 của Chi cục Thi hành án huyện Thạnh Hóa. Công ty TNHHT còn phải nộp 22.588.272 đồng án phí KDTM sơ thẩm sung công quỹ nhà nước.
4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận bản án hoặc bản án được niêm yết.
5. Về việc thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
File gốc của Bản án 02/2020/KDTM-ST ngày 03/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm – Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Hóa – Long An đang được cập nhật.
Bản án 02/2020/KDTM-ST ngày 03/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm – Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Hóa – Long An
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Hóa - Long An |
Số hiệu | 02/2020/KDTM-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-09-03 |
Ngày hiệu lực | 2020-09-03 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |