TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỚN QUẢN, TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 24/2017/DSST NGÀY 06/07/2017 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN
Ngày 06 tháng 7 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 145/2016/TLST – DS ngày 13 tháng 12 năm 2016 về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 22/2017/TLST-DS ngày 08 tháng 6 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ngọc H, sinh năm 1976 (Có mặt) Địa chỉ: Tổ 7, ấp Q, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước.
- Bị đơn: Bà Tống Thị T, sinh năm 1968 (Vắng mặt) Ông Phạm Thành C, sinh năm 1968 (Vắng mặt)
Cùng địa chỉ: Tổ 5, ấp Q, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Trương Ngọc H, sinh năm 1972 (Có mặt)
Địa chỉ: Tổ 7, ấp Q, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 08/12/2016, bản tự khai, trong quá trình hòa giải và tại phiên toà nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ngọc H trình bày:
Năm 2003 bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H nhận sang nhượng 01 thửa đất từ ông Cao Xuân H, đến ngày 19/12/2008 ông bà được Ủy ban nhân dân huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 985240 đối với thửa đất số 37, tờ bản đồ số 21, có diện tích 12856,5m2. Cuối năm 2015, vợ chồng bà H làm hàng rào kẽm gai dài 31m, số kẽm gai này là của ba chồng bà cho, số kẽm gai trên một phần còn mới, một phần đã qua sử dụng trụ rào dựng bằng 06 nọc tiêu cũ và một số cây tràm tự mọc trên ranh đất. Đến ngày 19/8/2016, vợ chồng bà Tống Thị T và ông Phạm Thành C cho rằng phần đất mà vợ chồng bà H làm hàng rào là đất của gia đình bà T nên đã cắt đầu ngoài cùng của 05 sợi dây kẽm gai và làm đổ hàng rào của gia đình bà H. Hiện nay, tại vị trí hàng rào vẫn còn 05 sợi kẽm gai dài 31m đã bị cắt 01 đầu và 03 trụ rào; đã bị mất 03 trụ rào. Tuy nhiên, bà H không đồng ý sử dụng lại số kẽm trên để làm hàng rào mà yêu cầu bà T, ông C bồi thường trị giá dây kẽm và trụ rào mới, trong đó tiền dây kẽm gai là 2.000.000đ, tiền trụ rào là 1.000.000đ, công thuê người làm lại hàng rào là 500.000đ, tổng số tiền 3.500.000đ.
Trong biên bản ghi lời khai ngày 22/12/2016 và trong quá trình hòa giải, bị đơn ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T trình bày:
Năm 1995 ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T khai phá 01 thửa đất tại Tổ 5, ấp Q, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước. Do phần đất này thuộc đất quốc phòng nên không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vào năm 2002, đại diện chính quyền địa phương đến gặp gia đình bà T đề nghị hiến đất để làm đường nông thôn và bà T đồng ý. Sau khi làm đường, đất của bà T còn khoảng 2m, dài 13m nằm giữa đường đi và đất của gia đình bà H, trên đất có 05 gốc xà cừ và 01 bụi tầm vông. Trong thời gian bà T đi làm công nhân ở Bình Dương thì ông C - Chồng bà T- cho bà H làm nhờ hàng rào trên phần đất trên của gia đình mà không hỏi ý kiến bà T. Sau khi biết được sự việc thì bà T yêu cầu bà H dỡ hàng rào ra khỏi đất của bà T nhưng bà H cho rằng đó là đất của nhà bà H nên không đồng ý tháo dỡ. Do vậy, bà T, ông C đã tự phá dỡ hàng rào mà vợ chồng bà H đã làm. Sau khi tháo dỡ, bà T, ông C để toàn bộ dây kẽm gai, trụ rào trên đất. Bà T, ông C không đồng ý bồi thường số tiền 3.500.000đ vì ông bà chỉ dỡ hàng kẽm gai của bà H chứ không làm hư hỏng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Ngọc H: Thống nhất với ý kiến của bà H, không thay đổi hay bổ sung gì thêm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản tham gia phiên tòa phát biểu:
Về tố tụng: Thẩm phán đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử mở phiên toà. Tại phiên toà hôm nay, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Kiến nghị: Việc ghi biên bản định giá tài sản cần đầy đủ hơn, thể hiện rõ căn cứ pháp lý của văn bản.
Về nội dung vụ án: Trong vụ án này, bị đơn tự ý tháo dỡ hàng rào do nguyên đơn làm là không đúng pháp luật. Do vậy, kiến nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về chi phí khắc phục làm lại hàng rào.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng:
Đây là vụ án Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ngọc H khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Tống Thị T và ông Phạm Thành C bồi thường số tiền 3.500.000đ. Bà Tống Thị T và ông Phạm Thành C có nơi cư trú tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Căn cứ khoản 06 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Bị đơn Tống Thị T, Phạm Thành C vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2 dù đã được triệu tập hợp lệ nên Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bị đơn.
Về nội dung vụ án: Trên cơ sở kết quả đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Quá trình giải quyết vụ án, bà Tống Thị T và ông Phạm Thành C trình bày và đồng thời giao nộp 01 đơn xin xác nhận đất làm vườn ghi ngày 18/01/2017 để xác định vị trí đất bà H làm hàng rào là đất do bà T khai phá. Để đảm bảo quyền lợi cho bà T, ông C, Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản đã có thông báo số 01 ngày 26/4/2017 cho bà T, ông C nộp đơn phản tố nếu có yêu cầu tranh chấp quyền sử dụng đất, nhưng bà T, ông C không nộp đơn yêu cầu nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xem xét. Do vậy, đối với vấn đề tranh chấp quyền sử dụng đất bà T ông C có thể khởi kiện thành vụ án khác nếu có yêu cầu.
Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H làm hàng rào để bảo vệ đất và tài sản của gia đình mình nhưng bà T, ông C cố ý tháo dỡ là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H, ông H. Do vậy, việc bà H khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản là có căn cứ.
Qua xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản đã xác định được phần hàng rào có tranh chấp thuộc hành lang lộ giới của thửa đất số 37, tờ bản đồ số 21, đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 985240 ngày 19/12/2008 với diện tích 12856,5m2 cho bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H. Điều 43, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ”. Như vậy, việc ông H, bà H làm hàng rào trên phần đất trên không gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ nên không trái pháp luật.
Tại phiên tòa, bà H, ông H giữ nguyên yêu cầu vợ chồng bà T bồi thường tiền dây kẽm gai là 2.000.000đ, tiền trụ rào là 1.000.000đ, công thuê người làm lại hàng rào là 500.000đ, tổng cộng là 3.500.000đ. Hội đồng xét xử nhận thấy: thiệt hại của gia đình bà H là có nhưng sau khi bà T, ông C tháo dỡ hàng rào thì vẫn còn 05 sợi kẽm gai dài 31m, 03 trụ gỗ. Số kẽm gai trên chỉ bị cắt một đầu ngoài cùng và 03 trụ gỗ vẫn có thể tái sử dụng khi khôi phục hàng rào. Theo trình bày của nguyên đơn, số kẽm gai làm hàng rào của bà H khi bị tháo dỡ đều đã qua sử dụng, vì hàng rào trên được làm từ năm 2015, nên việc bà H và ông H yêu cầu bồi thường toàn bộ giá trị hàng rào với dây kẽm gai mới hoàn toàn là không có căn cứ. Ngoài ra, Bà H, ông H yêu cầu bồi thường dây kẽm gai mới vì dây kẽm gai và trụ gỗ cũ đã bị vợ chồng bà T tháo dỡ nên "xui", ông bà không muốn dùng lại, tuy nhiên, yêu cầu trên không có cơ sở pháp lý.
Theo lời khai của bà H, ông H thì hàng rào của ông bà có phần chính là 05 sợi kẽm gai dài 31m, 06 trụ gỗ, ngoài ra, ông bà còn tận dụng một số cây tràm, xà cừ tự mọc để làm trụ rào. Như vậy, bà H bị mất 03 trụ rào. Bà T, ông C tuy vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình giải quyết vụ án cả hai ông bà đều thừa nhận chính ông bà tháo dỡ hàng rào của gia đình bà H. Do vậy, Bà T, ông C có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về tài sản xảy ra và chi phí để khôi phục lại hàng rào cho gia đình bà H. Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc bà T, ông C bồi thường cho bà H, ông C tổng cộng các chi phí sau: Theo Biên bản định giá tài sản thì trụ gỗ để làm hàng rào có giá 70.000đ/01 trụ, như vậy 03 trụ rào bị mất trị giá 210.000đ, phí vận chuyển 03 trụ rào trên về nhà là 40.000đ; Chi phí mua vật liệu cần thiết phục vụ cho việc sửa chữa hàng rào là 100.000đ; tiền công để làm lại hàng rào 03 công là 450.000đ. Tổng cộng 800.000đ (tám trăm ngàn đồng). Yêu cầu của bà H, ông H đối với số tiền còn lại 2.700.000đ không được chấp nhận.
Về các chi phí tố tụng khác:
Bà Nguyễn Thị Ngọc H đã nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản là 3.000.000đ. Do yêu cầu của bà H được chấp nhận nên cần buộc bà T, ông C trả lại cho bà H các chi phí tố tụng trên.
Về án phí:
Do yêu cầu của bà Nguyễn Thị Ngọc H được chấp nhận một phần nên nguyên đơn phải chịu án phí cho phần yêu cầu không được chấp nhận là 200.000đ. Bị đơn Tống Thị T và Phạm Thành C phải chịu án phí là 200.000đ.
Từ các lẽ nêu trên:
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng các Điều 26, Điều 33, Điều 147, Điều 184, Điều 203, Điều 266, Điều 228 và Điều 232 của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Áp dụng các điều 604, 608 Bộ Luật dân sự 2005
- Pháp lệnh 10/2009 về án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ngọc H.
Buộc ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T bồi thường cho bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H trị giá 03 trụ rào bị mất 210.000đ, phí vận chuyển 40.000đ; Chi phí mua vật liệu cần thiết phục vụ cho việc sửa chữa hàng rào là 100.000đ; tiền công để làm lại hàng rào 450.000đ. Tổng cộng 800.000đ (tám trăm ngàn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Bác một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Ngọc H về việc đòi ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T trả số tiền 2.700.000đ.
2. Về các chi phí tố tụng khác:
Buộc ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T trả cho cho bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 3.000.000đ.
3. Án phí:
Về án phí: Ông Phạm Thành C và bà Tống Thị T phải chịu 200.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H 200.000đ án phí dân sự sơ thẩm, được khầu trừ vào 100.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0011871 ngày 12/12/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hớn Quản. Bà Nguyễn Thị Ngọc H và ông Trương Ngọc H còn phải nộp thêm 100.000đ.
Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
File gốc của Bản án 24/2017/DSST ngày 06/07/2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản – Tòa án nhân dân Huyện Hớn Quản – Bình Phước đang được cập nhật.
Bản án 24/2017/DSST ngày 06/07/2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản – Tòa án nhân dân Huyện Hớn Quản – Bình Phước
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Hớn Quản - Bình Phước |
Số hiệu | 24/2017/DSST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-07-06 |
Ngày hiệu lực | 2017-07-06 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |