TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 28/2017/DS-PT NGÀY 22/08/2017 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI QSDĐ VÀ TÀI SẢN GẮN LIÊN VỚI ĐẤT
Ngày 22 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 53/2016/TLPT-DS ngày 09 tháng 8 năm 2016 về việc “Tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2016/DS-ST ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Toà án nhân dân huyện L bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 100/2016/QĐ - PT ngày 01 tháng 9 năm 2016 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1- Ông Nguyễn Thiệu V, sinh năm 1952; cư trú tại: Tổ dân phố S, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).
2 - Ông Nguyễn Thiệu H1, sinh năm 1959 (có mặt);
3 - Bà Nguyễn Thị S1, sinh năm 1962 (vắng mặt);
4 - Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1964 (vắng mặt);
Đều cư trú tại: Thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người đại diện theo ủy quyền của ông H, bà S1 và đại diện theo pháp luật của bà L1: Ông Nguyễn Thiệu V, sinh năm 1952; cư trú tại: Tổ dân phố S, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (là anh trai của ông H, bà S1 và bà L1, văn bản ủy quyền ngày 18/10/2013, có mặt).
- Bị đơn:
1 - Ông Nguyễn Thiệu M, sinh năm 1947; cư trú tại: Khu 6, xã H, thị xã P1, tỉnh Phú Thọ (vắng mặt);
2 - Bà Trần Thị M1, sinh năm 1948; cư trú tại: Thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông M và bà M1: Anh Nguyễn Thiệu A, sinh năm 1976; cư trú tại: Thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (là con của ông M, bà M1, văn bản ủy quyền ngày 26/9/2016, có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Hoàng Ngọc Thanh B và ông Nguyễn Ngọc H2, Luật sư, Văn phòng Luật sư K, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1- Ủy ban nhân dân huyện L, do ông Nguyễn Thế H3 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện L: Ông Hà Văn Q - Phó Chủ tịch UBND huyện L (văn bản ủy quyền số 1045/GUQ-UBND ngày 22/12/2016, vắng mặt).
2- Ủy ban nhân dân xã X, do ông Đỗ Hữu Đ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X là người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân xã X: Ông Nguyễn Thiệu N - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X (văn bản ủy quyền ngày 09/9/2015, vắng mặt);
3 - Bà Dương Thị T, sinh năm 1954; trú tại: Tổ dân phố S, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);
4 - Bà Đỗ Thị T1, sinh năm 1963 (vắng mặt);
5 - Ông Nguyễn Xuân M2, sinh năm 1975 (vắng mặt);
6 - Anh Nguyễn Thiệu A, sinh năm 1976 (có mặt);
7 - Chị Khổng Thị Hoài A1, sinh năm 1984 (có mặt);
Đều cư trú tại: Thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Người kháng cáo:
1- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thiệu V;
2- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Anh Nguyễn Thiệu A.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 18/10/2013 và quá trình tố tụng đồng nguyên đơn là ông Nguyễn Thiệu V, ông Nguyễn Thiệu H1, bà Nguyễn Thị S1 và bà Nguyễn Thị L1 trình bày: Bố, mẹ của các ông, bà là cụ Nguyễn Thiệu Y và cụ Vũ Thị C có thửa đất diện tích 917m2 thuộc thửa số 367, tờ bản đồ số 17a tại thôn P, xã X. Nguồn gốc thửa đất này là đất trồng rừng của ông cha để lại từ xưa. Cụ của các ông, bà là Nguyễn Thiệu Q chia cho các con quản lý, sử dụng từ năm 1946, gồm có cụ Nguyễn Thiệu B1, cụ Nguyễn Thiệu C1 và cụ Nguyễn Thiệu Y. Sau khi được chia đất, cụ Y đi bộ đội từ năm 1947 đến năm 1968 thì hy sinh. Cụ C ở nhà quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất được chia nêu trên và khai thác các tài sản, cây cối lâm lộc trên đất. Trước đây cụ C đóng thuế đầy đủ, sau này có chính sách miễn thuế cho gia đình liệt sỹ thì không phải đóng thuế nữa.
Khoảng năm 1975 cụ Nguyễn Thiệu B1 là anh ruột của cụ Y có hỏi cụ C cho mượn khoảng 120m2 đất để làm nhà cho con là ông Nguyễn Thiệu M sinh sống. Khi đó ông M đã xây dựng gia đình với bà Trần Thị M1. Sau khi cụ B1 mượn đất thì có làm 01 ngôi nhà 03 gian lợp lá, tường đắp đất. Khi mượn đất, gia đình anh em ông M đều biết. Ông M, bà M1 sinh sống ở đó được khoảng 3 đến 4 năm thì làm 01 ngôi nhà gỗ và sinh sống đến năm 2004 - 2005 thì bắt đầu chặt cây cối, làm sân bãi,... Khi đó cụ C có nói ông M, bà M1 thì gia đình ông M, bà M1 đến xin lỗi. Nhưng sau đó gia đình ông M, bà M1 vẫn tiếp tục chặt cây cối nên đến năm 2006, cụ C có đơn đề nghị chính quyền xã giải quyết.
Đến năm 2009, cụ C phát hiện gia đình ông M, bà M1 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Trần Thị M1). Năm 2011 cụ C chết không để lại di chúc gì. Nay các ông, bà yêu cầu ông M và bà M1 phải trả lại thửa đất nêu trên cùng các cây cối, lâm lộc trên đất và bồi thường giá trị cây cối, lâm lộc đã bị chặt phá.
Bị đơn là ông Nguyễn Thiệu M vắng mặt tại phiên tòa nhưng trong biên bản lấy lời khai ngày 23/10/2015, ông M trình bày: Thửa đất mà vợ, con ông đang ở hiện nay tại số thửa 367, tờ bản đồ số 17a diện tích 917m2 thuộc thôn P, xã X có nguồn gốc trước đây là một phần thuộc đất rừng của ông nội ông. Khi đó ông nội ông chia cho 03 người con là các cụ B1, cụ C1, cụ Y. Thời điểm chia đất trước khi ông được sinh ra nên ông không biết cụ thể diện tích được chia của từng cụ. Từ khi chia đất cho đến năm 1966 thì vẫn để trồng rừng. Năm 1968 cụ Y đi bộ đội và hy sinh thì phần đất cụ Y được chia do cụ Vũ Thị C (vợ của cụ Y) quản lý, sử dụng, khai thác lâm lộc. Năm 1973, ông đi bộ đội về địa phương là thương, bệnh binh nên được nghỉ an dưỡng, điều trị. Năm 1974 ông kết hôn với bà Trần Thị M1. Thời điểm đó bố ông là cụ B1 có nói với cụ C là Nhà nước có chủ trương thu hồi đất mà cụ C lại thừa đất nên xin cụ C cho ông thửa đất rừng để làm nhà, cụ C đồng ý. Đến năm 1975 thì cụ C tuyên bố trước tổ đội sản xuất là cho ông đất làm nhà là 01 sào 10 thước. Việc cho đất không làm thủ tục gì, không biết có lập biên bản hay không, chỉ thấy cụ C công bố là cho ông đất, còn cây cối thì để gia đình cụ C khai thác.
Quá trình sử dụng đất, ông vẫn sinh sống trên thửa đất đó đến năm 1990 thì lên an dưỡng ở khu điều dưỡng thương binh 5 (hiện nay thuộc xã H, thị xã P1, tỉnh Phú Thọ). Trên thửa đất đó gia đình ông đã nhiều lần làm nhà ở. Trong thời gian đó gia đình cụ C vẫn khai thác cây cối, lâm lộc cho đến khi phát sinh tranh chấp từ năm 2006 đến nay. Quá trình sử dụng đất không có biến động, trao đổi, chuyển nhượng gì. Năm 1999, Nhà nước có chủ trương làm bìa đỏ thì gia đình ông đã kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Trần Thị M1. Đến năm 2006 thì phát sinh tranh chấp, cụ thể thế nào thì ông không biết vì khi đó ông vẫn ở trên thị xã P1, thỉnh thoảng mới về nhà.
Năm 2010, UBND xã X có mời ông về để giải quyết tranh chấp thì giữa ông và ông V (được cụ C khi đó còn sống ủy quyền) có thỏa thuận gia đình ông V nhượng cho gia đình ông 360m2 đất. Nhưng thực tế thì khi đó ông không tỉnh táo do tâm thần không ổn định nên đã ký vào biên bản, sau đó đem về bắt bà M1 ký vào. Đến ngày hôm sau, bà M1 và con ông là A đã rút biên bản thỏa thuận đó và báo cáo chính quyền địa phương không chấp nhận thỏa thuận đó.
Nay gia đình ông V khởi kiện yêu cầu bà M1 trả lại thửa đất nêu trên và bồi thường giá trị cây cối, lâm lộc mà gia đình ông đã khai thác thì ông không nhất trí vì gia đình ông đã sinh sống trên thửa đất đó từ năm 1975 đến nay.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Nguyễn Thiệu A (anh A còn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trình bày: Nguồn gốc thửa đất mà gia đình ông V đang tranh chấp với bố, mẹ anh cụ thể thế nào thì anh không nắm được. Anh chỉ biết bố mẹ anh là ông M, bà M1 và gia đình anh ở trên thửa đất đó gần 40 năm mà không có tranh chấp với ai. Thửa đất này bố mẹ anh đã giao anh quản lý toàn bộ, bao gồm cả đất. Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1999 đến nay, đứng tên bà Trần Thị M1. Bố mẹ anh nói cho anh biết là mẹ anh đi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng mấy năm nay ông V và các anh, em đến đòi đất của gia đình anh. Nay ông V khởi kiện yêu cầu bố mẹ anh trả đất và bồi thường giá trị cây cối, lâm lộc bị chặt phá, anh không nhất trí vì thửa đất đó thuộc quyền sử dụng của gia đình anh, còn cây cối lâm lộc ở trên đất của gia đình anh thì anh được khai thác và sử dụng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm:
- Đại diện UBND huyện L, do ông Phạm Văn H4 - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường trình bày: Thực hiện Luật đất đai năm 1993 và chủ trương chung của Nhà nước về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại các xã, thị trấn. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là UBND huyện trên cơ sở hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân được Hội đồng đăng ký đất tại các xã, thị trấn xét duyệt và Tờ trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND xã, thị trấn. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC của Tổng cục địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) quy định rõ: Trách nhiệm trong việc xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân là do Hội đồng đăng ký đất cấp xã, thị trấn xét duyệt. UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm xác nhận vào đơn xin cấp giấy của từng chủ sử dụng trên cơ sở kết quả xét duyệt của Hội đồng đăng ký đất đai và công bố công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở UBND xã, thị trấn. Hồ sơ UBND xã, thị trấn trình gồm: Trích Nghị quyết (hoặc Biên bản) Hội đồng đăng ký đất đai xét duyệt cho các hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tờ trình, kèm danh sách đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND xã, thị trấn; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã viết sẵn cho các hộ, thể hiện thông tin về chủ sử dụng đất (họ tên, địa chỉ) và thông tin về các thửa đất được cấp (tổng diện tích, số tờ bản đồ, số thửa đất, diện tích thửa đất, loại đất, thời gian sử dụng). Cơ quan chuyên môn cấp trên là Phòng Địa chính (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) huyện có trách nhiệm kiểm tra hình thức, mức độ đầy đủ, kỹ thuật của hồ sơ, tài liệu do UBND xã, thị trấn trình. Nếu thấy đầy đủ, hợp lệ thì trình UBND huyện phê duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện do UBND xã X trình trên cơ sở kết quả xét duyệt của Hội đồng đăng ký đất đai xã X đã xét duyệt và UBND xã X chịu trách nhiệm hoàn toàn về đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích, ranh giới thửa đất của người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra: Về nội dung, thành phần hồ sơ đầy đủ, rõ ràng hợp lệ theo quy định tại Thông tư 346/1998/TT-TCĐC. Việc UBND huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại xã X cũng như hộ bà Trần Thị M1 trên cơ sở Hội đồng đăng ký đất đai xã X xét duyệt, UBND xã X xác nhận vào đơn xin cấp giấy của các hộ gia đình, cá nhân là đúng trình tự, thủ tục quy định. Nếu Tòa án cần thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thì UBND huyện L sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện
- Đại diện UBND xã X trình bày: Hiện tại hồ sơ lưu trữ tại UBND xã X gồm: Sổ mục kê quyển số 04, trang 20 thửa đất số 367, diện tích 917m2 đứng tên bà Trần Thị M1. Năm 1999 hộ bà Trần Thị M1 thôn P có làm đơn kê khai đăng ký quyền sử đụng đất đối với diện tích thửa đất trên. Căn cứ danh sách các chủ sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà M1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt 1 năm 1999. Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được công khai hay không thì không được rõ. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Bà Dương Thị T trình bày: Bà là vợ của ông V, nay bà nhất trí với quan điểm của ông V, ông H, bà S1 và bà L1. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
- Bà Đỗ Thị T1 trình bày: Bà là vợ của ông H, nay bà nhất trí với quan điểm của ông V, ông H, bà S1 và bà L1. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
- Ông Nguyễn Xuân M2 trình bày: Ông là chồng của bà S1, nay ông nhất trí với quan điểm của ông V, ông H, bà S1 và bà L1. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
- Chị Khổng Thị Hoài A1 trình bày: Chị là vợ của anh A, nay chị nhất trí với quan điểm của anh A. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Với nội dung vụ án như đã nêu trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2016/DS-ST ngày 21/3/2016, Toà án nhân dân huyện L đã quyết định: Căn cứ vào các Điều 170; Điều 256; Điều 688, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự và Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án, xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nguyễn Thiệu V, ông Nguyễn Thiệu H1, bà Nguyễn Thị S1 và bà Nguyễn Thị L1; buộc ông Nguyễn Thiệu M và bà Trần Thị M1 phải trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 522m2 đất (gồm 100m2 đất ở và 422m2 đất vườn) thuộc thửa số 367, tờ bản đồ số 17a tại thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, trị giá 109.540.000đ. Đất có các chiều gồm: Phía Đông Nam giáp thửa đất số 1034 gồm 03 đoạn có tổng chiều dài là 26,89m; phía Tây Nam giáp đường dân sinh gồm 02 đoạn có tổng chiều dài là 17,32m; phía Tây Bắc giáp đường ngõ xóm và thửa đất số 366 gồm 03 đoạn có tổng chiều dài là 24,14m; phía Đông Bắc giáp phần đất giao cho ông M và bà M1 sử dụng dài 21,70m. Giao cho ông M và bà M1 sử dụng 372,5m2 đất (gồm 100m2 đất ở và 272,5m2 đất vườn) thuộc thửa số 367, tờ bản đồ số 17a tại thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, trị giá 99.075.000đ. Đất có các chiều như sau: Phía Đông Nam giáp thửa đất số 1034 gồm 02 đoạn có tổng chiều dài là 14,21m; phía Tây Nam giáp phần đất trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 dài 21,70m; phía Tây Bắc giáp đường ngõ xóm và thửa đất số 366 dài 10,90m; phía Đông Bắc giáp đường ngõ xóm là 01 đoạn cong hình vòng cung có chiều dài 32m. Buộc ông M, bà M1, anh A và chị A1 phải tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng trên phần đất phải trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 gồm: 01 gian chứa đồ, 01 chuồng trại chăn nuôi và 01 phần sân gạch (có sơ đồ thửa đất kèm theo). Buộc ông M và bà M1 phải thanh toán giá trị phần đất chênh lệch cho ông V, ông H, bà S1, bà L1 là 12,5m2 (372,5m2 - 360m2) trị giá 875.000đ. Giao cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 quản lý, khai thác, sử dụng toàn bộ các cây cối, lâm lộc trên phần đất được trả lại 522m2 gồm: 06 cây xoan đường kính trung bình 20cm trị giá 300.000đ; 02 cây dại lâu năm trị giá 150.000đ (01 cây đường kính 40cm trị giá 100.000đ + 01 cây đường kính 20cm trị giá 50.000đ); 40 búi chuối trị giá 1.000.000đ; 08 cây ăn quả đường kính trung bình 10cm trị giá 640.000đ; 04 cây Si trị giá 100.000đ. Ông V, ông H, bà S1 và bà L1 phải liên đới thanh toán giá trị cây cối, lâm lộc cho ông M và bà M1 2.190.000đ. Giao cho ông M, bà M1 quản lý, sử dụng toàn bộ các công trình xây dựng trên phần đất 372,5m2 và các cây cối, lâm lộc gồm: 01 cây Gù hương đường kính 65cm trị giá 25.000.000đ, 01 cây Rùa đường kính 50cm trị giá 7.000.000đ, 02 cây Nanh mỗi cây đường kính 15cm trị giá 1.100.000đ. Ông M và bà M1 phải liên đới thanh toán giá trị cây cối, lâm lộc cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 là 33.100.000đ. Buộc ông M và bà M1 phải bồi thường cho ông V, ông H, bà S1, bà L1 giá trị cây cối, lâm lộc đã bị chặt phá là 14.300.000đ. Ngoài ra còn tính án phí và tuyên quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án theo qui định của pháp luật.
Cùng ngày 04/4/2016, ông Nguyễn Thiệu V, ông Nguyễn Thiệu H1, ông Nguyễn Thiệu M và bà Trần Thị M1 có đơn kháng cáo không đồng ý với Bản án sơ thẩm.
Trước khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành xác minh bổ sung và thu thập thêm chứng cứ gồm: Biên bản xác minh tại UBND xã X; Biên bản xác minh và đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị M1 và ông Nguyễn Thiệu M.
Tại phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Ông Nguyễn Thiệu V đề nghị: Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết trả cho ông M, bà M1 120 m2 đất, còn lại trả cho anh em nhà ông; về các cây cối lâm lộc các cụ trồng từ ngày xưa trả cho anh em ông vì là kỷ niệm của các cụ để lại.
- Anh Nguyễn Thiệu A đề nghị: Đất bố mẹ anh ở ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của bố mẹ anh, đề nghị Tòa bác đơn của nguyên đơn.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có quan điểm:
1- Luật sư Nguyễn Ngọc H2 cho rằng: Ông V không trình bày được căn cứ nguồn gốc đất tranh chấp; ông V thừa nhận cụ C đã cho ông M đất; gia đình ông M đã được cấp chứng nhận Quyền sử dụng đất, việc cấp chứng nhận Quyền sử dụng đất đã được công khai theo quy định không ai thắc mắc; nguyên đơn không chứng minh được cây cối lâm lộc ai trồng. Đề nghị Tòa phúc thẩm bác đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
2 - Luật sư Hoàng Ngọc Thanh B: Không đưa các con của ông M, bà M1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là thiếu sót; trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho bà M1 là đúng pháp luật. Đề nghị bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phiên tòa sau khi phân tích về chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kiến nghị khắc phục những thiếu sót trong việc chậm giao Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng cho Viện kiểm sát, vi phạm về thời hạn hoãn phiên tòa. Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thiệu V, anh Nguyễn Thiệu A làm trong hạn luật định, đơn hợp lệ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận để xem xét giải quyết.
[2] Về nội dung: Nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp số 367 tờ bản đồ 17a tại thôn P, xã X được các bên thừa nhận là của cụ Vũ Thị C. Quá trình sử dụng: Các bên đều xác nhận khoảng năm 1975, ông M và bà M1 đến làm nhà ở trên phần đất của cụ C. Việc này nguyên đơn cho rằng cụ C cho ở nhờ 120m2, còn bị đơn cho rằng được cụ C tặng cho. Tuy nhiên, thực tế các bên không làm thủ tục tặng cho, mua bán hoặc chuyển nhượng gì, hiện tại bị đơn không có chứng cứ để chứng minh việc chuyển quyền sử dụng đất là hợp pháp. Mặc dù gia đình ông M, bà M1 sinh sống ở trên đất nhưng cây cối lâm lộc trên đất thì gia đình cụ C vẫn khai thác để sử dụng.
[3] Từ năm 2004 các bên phát sinh tranh chấp, sau đó đến ngày 21/10/2010 các bên đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, trong đó ông M và bà M1 được sử dụng 360m2 trên tổng diện tích đất 917m2 thuộc thửa số 367, tờ bản đồ 17a và các tài sản có trên đất; phần đất còn lại và các cây cối lâm lộc thuộc quyền sử dụng của gia đình cụ C. Tuy nhiên sau đó gia đình ông M đã làm đơn xin rút ý kiến đã thỏa thuận, trong đó ông M nêu rằng bị bệnh tâm thần thể kích động, còn bà M1 cho rằng phải ký theo ý của ông M.
Như vậy, mặc dù ông M, bà M1 đã sử dụng thửa đất tranh chấp nhiều năm và đã được UBND huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nguồn gốc đất là của cụ C, cụ C chỉ cho làm nhà ở 1 phần trên đất còn cây cối lâm lộc cụ vẫn thu hoạch, các chứng cứ để chứng minh việc chuyển quyền sử dụng đất từ cụ C sang ông M, bà M1 phía bị đơn không cung cấp được, Tòa án đã tiến hành xác minh nhưng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà M1, ông M là căn cứ vào sự kê khai của người đang sử dụng đất. Sau khi tranh chấp các bên đã thỏa thuận được với nhau về việc giao cho ông M, bà M1 được quyền sử dụng 1 phần đất (360m2), phần đất còn lại và các cây cối lâm lộc giao trả cụ C thỏa thuận này ông M, bà M1 ký vào văn bản. Ông V cho rằng khi thỏa thuận có mặt bà M1 chứ không phải bà M1 ký là do ông M bắt bà ký, nhưng sau đó gia đình ông M thay đổi nên thỏa thuận này không thực hiện được. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn để buộc bị đơn phải trả lại một phần đất là có căn cứ.
[4] Thực tế, gia đình bà M1 đã xây dựng nhà cửa và công trình sinh hoạt ở ổn định trên một phần đất và không có thửa đất nào khác tại xã X, huyện L. Khi cụ C còn sống cũng đã nhất trí nhượng lại cho ông M, bà M1 diện tích đất 360m2. Do vậy, để đảm bảo quyền về chỗ ở của gia đình bà M1, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ theo nội dung mà các bên đã thỏa thuận từ năm 2010 là bà M1, ông M được sử dụng 360m2 và căn cứ vào công năng, giá trị sử dụng của các công trình kiên cố mà gia đình ông M, bà M1 đã xây dựng để giao cho ông M, bà M1 được quyền sử dụng diện tích đất 372,5m2 và các cây cối lâu năm có trên đất, đồng thời buộc thanh toán giá trị cây cối lâm lộc, kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các bên là có căn cứ, đúng pháp luật. Yêu cầu kháng cáo của các bên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí phúc thẩm theo qui định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2016/DS-ST ngày 21/3/2016 của Toà án nhân dân huyện L.
Áp dụng các Điều 170; 256; 688; khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự và Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án,
Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nguyễn Thiệu V, ông Nguyễn Thiệu H1, bà Nguyễn Thị S1 và bà Nguyễn Thị L1; buộc ông Nguyễn Thiệu M và bà Trần Thị M1 phải trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 522m2 đất (gồm 100m2 đất ở và 422m2 đất vườn) thuộc thửa số 367, tờ bản đồ số 17a tại thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, trị giá 109.540.000đ. Đất có các chiều như sau: Phía Đông Nam giáp thửa đất số 1034 gồm 03 đoạn có tổng chiều dài là 26,89m; phía Tây Nam giáp đường dân sinh gồm 02 đoạn có tổng chiều dài là 17,32m; phía Tây Bắc giáp đường ngõ xóm và thửa đất số 366 gồm 03 đoạn có tổng chiều dài là 24,14m; phía Đông Bắc giáp phần đất giao cho ông M và bà M1 sử dụng dài 21,70m.
Giao cho ông M và bà M1 sử dụng 372,5m2 đất (gồm 100m2 đất ở và 272,5m2 đất vườn) thuộc thửa số 367, tờ bản đồ số 17a tại thôn P, xã X, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, trị giá 99.075.000đ. Đất có các chiều như sau: Phía Đông Nam giáp thửa đất số 1034 gồm 02 đoạn có tổng chiều dài là 14,21m; phía Tây Nam giáp phần đất trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 dài 21,70m; phía Tây Bắc giáp đường ngõ xóm và thửa đất số 366 dài 10,90m; phía Đông Bắc giáp đường ngõ xóm là 01 đoạn cong hình vòng cung có chiều dài 32m.
Buộc ông M, bà M1, anh A và chị A1 phải tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng trên phần đất phải trả lại cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 gồm: 01 gian chứa đồ, 01 chuồng trại chăn nuôi và 01 phần sân gạch.
(Có sơ đồ thửa đất kèm theo).
Buộc ông M và bà M1 phải thanh toán giá trị phần đất chênh lệch cho ông V, ông H, bà S1, bà L1 12,5m2 có trị giá 875.000đ.
Giao cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 quản lý, khai thác, sử dụng toàn bộ các cây cối, lâm lộc trên phần đất được trả lại 522m2 gồm: 06 cây xoan đường kính trung bình 20cm trị giá 300.000đ; 02 cây dại lâu năm trị giá 150.000đ (01 cây đường kính 40cm trị giá 100.000đ + 01 cây đường kính 20cm trị giá 50.000đ); 40 búi chuối trị giá 1.000.000đ; 08 cây ăn quả đường kính trung bình 10cm trị giá 640.000đ; 04 cây Si trị giá 100.000đ. Ông V, ông H, bà S1 và bà L1 phải liên đới thanh toán giá trị cây cối, lâm lộc cho ông M và bà M1 2.190.000đ.
Giao cho ông M, bà M1 quản lý, sử dụng toàn bộ các công trình xây dựng trên phần đất 372,5m2 và các cây cối, lâm lộc gồm: 01 cây Gù hương đường kính 65cm trị giá 25.000.000đ, 01 cây Rùa đường kính 50cm trị giá 7.000.000đ, 02 cây Nanh mỗi cây đường kính 15cm trị giá 1.100.000đ. Ông M và bà M1 phải liên đới thanh toán giá trị cây cối, lâm lộc cho ông V, ông H, bà S1 và bà L1 là 33.100.000đ.
Buộc ông M và bà M1 phải bồi thường cho ông V, ông H, bà S1, bà L1 giá trị cây cối, lâm lộc đã bị chặt phá là 14.300.000đ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án, nếu người phải thi hành án không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền trên thì hàng tháng phải chịu tiền lãi với khoản tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Về án phí:
Ông V, ông H, bà S1, bà L1 phải chịu 400.000đ án phí dân sự sơ thẩm và 200.000đ án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.000.000đ theo biên lai số 00875 ngày 22/10/2013 và 200.000đồng tại biên lai thu số 0002686 ngày 04/4/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện L. Trả lại cho ông V, ông H, bà S1, bà L1 600.000đ. Ông M và bà M1 phải chịu 2.613.750đ án phí dân sự sơ thẩm và 200.000đ án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp là 200.000đ theo biên lai số 000 2687 ngày 04/4/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện L. Ông M, bà M1 còn phải nộp 2.613.750 đồng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 28/2017/DS-PT ngày 22/08/2017 về tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất – Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc đang được cập nhật.
Bản án 28/2017/DS-PT ngày 22/08/2017 về tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất – Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Số hiệu | 28/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-22 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-22 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |