TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 37/2018/KDTM-PT NGÀY 30/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 30 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 26/2018/TLPT-KDTM ngày 10/10/2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST ngày 11/05/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 26/2018/QÐ-PT ngày 16/10/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B; địa chỉ trụ sở: đường Đ, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông T - chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1977; địa chỉ: đường số S, khu dân cư H, tổ M, khu phố T, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương, theo văn bản ủy quyền ngày 28/11/2017 (có mặt).
- Bị đơn: Công ty Cổ phần Sơn Dầu Khí V; địa chỉ trụ sở: đường T, phường B, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Văn V – Chức vụ Tổng Giám đốc Công ty.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Nguyễn Thụy Hồng T, sinh năm 1974; địa chỉ số: đường B, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh, theo văn bản ủy quyền ngày 05/12/2017 (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thành L là Luật sư của Văn phòng Luật sư L - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Công ty Cổ phần Sơn H; địa chỉ: Lô D1, khu công nghiệp T, xã H, huyện A, thành phố Hải Phòng. Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị L, chức vụ Tổng giám đốc (có yêu cầu xét xử vắng mặt).
+ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng T; địa chỉ: đường V, Phường B, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Minh Q, chức vụ Giám đốc (có yêu cầu xét xử vắng mặt).
+ Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất cơ khí N; địa chỉ: khu phố H, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Duơng. Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Quang L – Chức vụ: Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc. Địa chỉ: đường K, Phường C, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt không lý do).
+ Công ty TNHH M; địa chỉ: đường N, Phường S, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Công Đ – Chức vụ: Giám đốc (vắng mặt không lý do).
+ Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại T; địa chỉ: đường H, phường T, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Thăng L – Chức vụ: Giám đốc (vắng mặt không lý do).
+ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển T; địa chỉ: phường V, quận H, Thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phùng Hải N – Chức vụ: Giám đốc (vắng mặt không lý do).
- Người kháng cáo: Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm:
* Theo đơn khởi kiện ngày 31/7/2013 và lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn trình bày:
Công trình nhà ở an sinh xã hội của tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH Một thành viên B1 là chủ đầu tư. Công trình này bao gồm 03 dự án:
- 01 khu nhà ở tại Khu công nghiệp Việt Nam Singapore I thuộc phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương;
- 01 khu nhà ở tại Khu công nghiệp M thuộc địa bàn thị trấn M, huyện B (nay là phường T, thị xã B), tỉnh Bình Dương;
- 01 khu nhà ở tại Khu dân cư xã H thuộc địa bàn huyện B (nay là phường H, thành phố T), tỉnh Bình Dương.
Công ty B ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B (gọi tắt Công ty B) thi công các công trình trên.
Ngày 27/8/2012, Công ty B có ký kết Hợp đồng số 27/2012/TDC-PV PAINT với Công ty Cổ phần Sơn Dầu Khí V để mua hàng hóa là sơn và bột trét để thi công cho các công trình nêu trên.
Theo hợp đồng hai bên thỏa thuận cụ thể về đối tượng hợp đồng, chủng loại sơn, bột trét, đơn giá còn số lượng hàng hóa thì cụ thể theo từng đơn đặt hàng. Địa điểm giao hàng hai bên thỏa thuận trong hợp đồng là theo chỉ định của Bên A (bên Công ty B) nhưng quá trình thực hiện hợp đồng là giao tại kho của Bên A hoặc tại công trình đang thi công.
Tại khoản 2, Điều 5 của Hợp đồng nêu trên có ghi rõ Bên B (Công ty Sơn Dầu Khí) phải cử cán bộ kỹ thuật đến tại công trình để hướng dẫn kỹ thuật cho Bên A. Nếu Bên A thi công sai hướng dẫn thì Bên A chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bên B yêu cầu bên A sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn trên bao bì và theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do Bên B cung cấp.
Trước khi sử dụng sản phẩm của Bên B thì hai bên đã tiến hành sử dụng thử nghiệm các mẫu sơn tại dự án nhà ở xã hội H. Đối với, sản phẩm sử dụng thử thì lô hàng này bao gồm: Bột bả (trét) (bột trét trong nhà nhãn hiệu Solux và bột trét ngoài nhà nhãn hiệu Solux do Công ty Cổ phần Sơn H sản xuất). Sơn lót nhãn hiệu SEMAX PRIMER 2 DK, sơn lót ngoài nhà VIMAX EX DK, sơn trong nhà VIMAX DK, sơn trần nhà VIMAX DK WHITE.
Khi thử nghiệm hai bên có lập biên bản về việc thử sơn, đánh giá chất lượng.
Mặc dù hai bên đã ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa từ ngày 27/8/2012 nhưng Công ty B yêu cầu Công ty Sơn Dầu Khí phải đưa mẫu cho Công ty B sử dụng thử, nếu đạt yêu cầu thì Công ty B mới nhận hàng. Sau khi sử dụng mẫu thử nghiệm đạt chất lượng thì Công ty B quyết định sử dụng bột trét và sơn nhãn hiệu nêu trên cho cả 03 dự án nhà ở an sinh xã hội.
Quá trình thực hiện hợp đồng từ ngày 13/9/2012 đến ngày 30/5/2013, Công ty B có mua của Công ty Sơn Dầu Khí, tổng cộng:
- Mua bột trét sơn ngoài Solux: Số lượng đã giao theo hóa đơn là 2.555 bao;
- Mua bột trét trong nhà Solux: Số lượng 6.541 bao;
- Mua tổng số sơn, lót sơn phủ trong và ngoài nhà: Số lượng 2.220 thùng. Có tổng 30 hóa đơn kèm theo với số tiền 1.859.916.590 đồng.
Khi bắt đầu tiến hành sử dụng sản phẩm sơn và bột trét trên các công trình thi công thì các phần thi công đều xảy ra hư hỏng, bong tróc. Cụ thể tại các công trình:
+ Công trình tại Khu Công nghiệp VSIP I gồm: Lô A1.1 có diện tích là 19.065m2; A1.2 có diện tích 19.065m2; A1.3 có diện tích là 8.734m2; A1.5 có diện tích là 8.734m2. Tổng cộng: 64.334m2.
+ Công trình tại khu công nghiệp M gồm: Lô A2 có diện tích là 27.159,030m2 (làm tròn 27.159m2); lô A5 có diện tích là 27,159.030m2 (làm tròn 27.159m2). Tổng cộng: 54,318m2.
+ Công trình tại H gồm: Lô N2 (A2-1) có diện tích là 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2); lô N2(A2-2) có diện tích là 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2), lô N2(A5-2) diện tích 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2); lô N3(A2-4) diện tích 8.728m2, (A2-5) diện tích 8.728m2, A2.6 diện tích 8.728m2, A5.3 diện tích 8.728m2. Tổng cộng là 175.804m2.
Khi thi công xong toàn bộ diện tích trên thì xảy ra nứt nẻ, bong tróc, phồng rộp. Ngày 04/3/2013 các bên gồm Chủ đầu tư là Công ty B1, Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí có gặp nhau để ghi nhận các hư hỏng và ý kiến chủ đầu tư Công ty B1 yêu cầu ngưng sử dụng các sản phẩm của Công ty Sơn Dầu Khí cho các công trình thi công tiếp theo. Tại cuộc họp nêu trên thì các bên ghi nhận các hư hỏng và thống nhất mang mẫu sản phẩm đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm định. Đến ngày 06/5/2013 thì có kết quả giám định xác định bột trét do Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp không đảm bảo tiêu chuẩn về thời gian đông kết.
- Sau đó, Công ty B đã phải ký phụ lục hợp đồng với các Công ty khác để khắc phục sự cố chi tiết như sau:
+ Công ty B ký 2 phụ lục hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng T để khắc phục sự cố đối với khu nhà ở tại khu công nghiệp VSIP I, diện tích phải sơn và trét bột lại là 50,247.12 m2; giá trị thi công là 111.522,96 đồng/m2. Tổng giá trị thị công bột trét, sơn lại và cạo bỏ phần lớp cũ là 5.603.707.352 đồng.
+ Công ty B ký phụ lục hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất cơ khí N để khắc phục sự cố đối với lô A2 của khu nhà ở tại Khu công nghiệp M, diện tích trét bột lại là 27.159m2, diện tích sơn lại là 1.382m2. Tổng giá trị thị công bột trét, sơn lại và cạo bỏ phần lớp cũ là 2.961.448.000 đồng.
+ Công ty B ký phụ lục hợp đồng với Công ty TNHH M để khắc phục đối với lô A5 của khu nhà ở tại Khu công nghiệp M, diện tích trét bột là 5.118m2. Tổng giá trị thi công lại bột trét, sơn lại và cạo bỏ phần lớp cũ là tổng giá trị hợp đồng là 602.697.136 đồng. Giá trị thanh toán thực tế là 602.697.136 đồng.
+ Công ty B ký phụ lục hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại T để khắc phục sự cố đối với dãy nhà N2 (A2.1; A2.2; A5.2); dãy nhà N3 (A2.4; A2.5; A2-6; A5.3), hành lang nối của khu nhà ở tại H, tổng diện tích cạo và trét bột lại là 45.687,203m2, diện tích sơn lại là 1.370,366m2. Tổng giá trị thị công bột trét, sơn lại và cạo bỏ phần lớp cũ là 5.013.869.000 đồng.
Tổng chi phí khắc phục sự cố là 14.181.721.488 đồng. Sau nhiều lần thương lượng thì giữa Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí không thỏa thuận được. Sau sự cố xảy ra Công ty B trả lại cho Công ty Sơn Dầu Khí:
+ Bột trét ngoài nhà Solux: 16 bao;
+ Bột trét trong nhà Solux: 04 bao;
+ Sơn lót, sơn phủ: 549 thùng.
Như vậy, thực tế sau khi trả lại hàng Công ty B có mua của Công ty Sơn Dầu Khí và đã sử dụng với giá trị thành tiền 1.859.916.589 đồng, số tiền Công ty B đã thanh toán là 858.574.500 đồng Công ty B còn thiếu Công ty Sơn Dầu Khí số tiền là 802.933.461 đồng
Nay, Công ty B khởi kiện buộc Công ty Sơn Dầu Khí bồi thường số tiền 14.181.721.488 đồng. Công ty B đồng ý trả cho Công ty Sơn Dầu Khí số tiền mua hàng hoá còn thiếu là 802.933.461 đồng.
* Theo đơn phản tố của bị đơn 14/02/2014 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Sơn Dầu Khí – bà Nguyễn Thụy Hồng Thảo trình bày:
Ngày 01/01/2012, Công ty Sơn Dầu Khí có ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng số 02 về việc cung cấp sơn cho công trình nhà ở an sinh xã hội. Ngày 30/5/2012, Công ty Sơn Dầu Khí chào hàng và gửi quy trình thi công sơn cho Công ty B. Ngày 01/8/2012, Công ty Sơn Dầu Khí tiếp tục gửi các bản công bố tiêu chuẩn chất lượng của các loại bột trét và các loại sơn cho Công ty B. Ngày 15 và 16/8/2012, Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí đã tiến hành sử dụng thử bột trét và sơn để kiểm tra chất lượng. Ngày 27/8/2012, Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí tiến hành ký kết Hợp đồng số 27/2012/TDC-PV PAINT để Công ty Sơn Dầu Khí bán sơn và bột trét cho Công ty B. Trong các ngày 20 và ngày 21/10/2012, Công ty B, Công ty thi công do Công ty B thuê và Công ty Sơn Dầu Khí đã tiến hành thử nghiệm các loại bột trét và sơn. Kết quả là các loại bột trét và sơn này đạt chất lượng yêu cầu. Ngày 05/11/2012, Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí có họp và đưa ra văn bản chấp thuận chất lượng bột trét, sơn và bảo hành sơn trong thời gian 02 năm.Từ ngày 13/9/2012 đến ngày 30/5/2013, Công ty Sơn Dầu Khí đã bán cho Công ty B sơn, bột trét có tổng giá trị 1.859.916.589 đồng. Công ty B trả cho Công ty Sơn Dầu Khí 858.574.500 đồng. Từ ngày 01/5/2013 đến 24/5/2013, Công ty B có trả cho Công ty Sơn Dầu Khí 03 hàng hoá tương ứng với hóa đơn với giá trị 198.408.628 đồng và còn nợ lại số tiền là 802.933.461 đồng.
Về nguyên tắc, do kết quả giám định chất lượng của Công ty B cung cấp là do Công ty B tự lấy mẫu đem đi giám định chất lượng là không đủ tin cậy. Tuy nhiên, Công ty Sơn Dầu khí vẫn đồng ý sử dụng kết quả này và chấp nhận là sản phẩm bột trét Solux do Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp cho Công ty B có “thời gian đông kết” không đạt chỉ tiêu “không muộn hơn 450 phút” theo tiêu chuẩn Việt nam – TCVN2003. Cụ thể, bột trét Solux ngoài trời đông kết ở phút 470 (chậm hơn 20 phút so với quy định) và bột trét Solux trong nhà đông kết ở phút 480 (chậm hơn 30 phút so với quy định).
Tuy nhiên, Công ty Sơn Dầu khí vẫn bảo lưu quan điểm không có bằng chứng chứng minh rằng thời gian đông kết muộn hơn từ 20 phút đến 30 phút so với TCVN của bột trét Solux mà dẫn đến tường bong tróc, hư hỏng.
Quá trình giải quyết vụ án phía nguyên đơn cho rằng đã sử dụng toàn bộ số sơn của Công ty Sơn Dầu Khí cho các công trình sau:
+ Công trình tại Khu Công nghiệp VSIP I gồm: Lô A1.1 có diện tích là 19.065m2; A1.2 có diện tích là 19.065m2; A1.3 có diện tích là 8.734m2; A1.5 có diện tích là 8.734m2. Tổng cộng là 64.334m2.
+ Công trình tại khu công nghiệp M gồm: Lô A2 có diện tích 27.159,030m2 (làm tròn 27.159m2); lô A5 có diện tích 27,159.030m2 (làm tròn 27.159m2). Tổng cộng là 54,318m2.
+ Công trình tại H gồm: Lô N2 (A2-1) có diện tích 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2); lô N2(A2-2) có diện tích là 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2), lô N2(A5-2) là 26.494,770m2 (làm tròn 26.495m2); lô N3(A2-4) là 8.728m2, (A2-5) là 8.728m2, A2.6 là 8.728m2, A5.3 là 8.728m2. Tổng cộng là 175.804m2.
Công ty Sơn Dầu Khí không xác định được Công ty B có sử dụng toàn bộ bột trét và sơn đã mua của Công ty Sơn Dầu Khí cho các Công ty trên hay không. Theo hướng dẫn “thi công bột bả và sơn ngày 13/9/2012” của Công ty Sơn Dầu Khí gửi Công ty B thì độ phủ trung bình 1kg là trong khoảng từ 06-1m2 (0,6- 1m2/kg). Nhưng thực tế khi thi công thế nào thì Công ty Sơn Dầu Khí không thể biết.
Nay, trước yêu cầu khởi kiện của Công ty B thì Công ty Sơn Dầu Khí không chấp nhận. Công ty Sơn Dầu Khí yêu cầu Công ty B trả hết số tiền còn thiếu là 802.933.461 đồng.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Sơn H trình bày: Các sản phẩm bột trét hiệu Solux mà Công ty Cổ phần Sơn H (sau đây gọi tắt là Công ty Sơn Hải Phòng) đã phân phối cho Công ty Sơn Dầu Khí để cung cấp cho dự án nhà ở xã hội BB được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển T.
Chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào quá trình sản xuất. Công ty Sơn Hải Phòng chỉ là bên mua sản phẩm bột trét từ Công ty T và phân phối lại cho Công ty Sơn Dầu Khí để cung cấp cho dự án nhà ở xã hội BB.
2. Theo văn bản trình bày ý kiến ngày 31/12/2014 và ngày 19/12/2017, người đại diện hợp pháp của Công ty Cồ phần Đầu tư và Xây dựng T trình bày: Ngày 25/4/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng T ký Hợp đồng thi công xây dựng số 03B1/HĐTCXD/2012 và ngày 07/5/2012 với Công ty B về việc thi công nhà ở xã hội tại Khu dân cư Việt – Sing. Công ty T đã tiến hành thi công theo đúng thoả thuận của hợp đồng, đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, hạng mục sơn nước do Công ty Sơn Dầu Khí giám sát. Quá trình thi công, Công ty T nhận thấy vật tư Sơn nước do Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp là sản phẩm kém chất lượng không bám dính. Phía chủ đầu tư đã yêu cầu tạm ngưng thi công và khảo sát thực tế. Kết quả kiểm tra là toàn bộ hạng mục liên quan đến Sơn nước đều bị bong tróc nên phía Công ty B đã có những cuộc họp phản ánh lại với Công ty Sơn Dầu Khí.
Ngày 04/3/2013, Công ty B và Công ty T ký phụ lục Hợp đồng số 03A1/PLHĐ/2013 và phụ lục Hợp đồng số 03A2/ PLHĐ/2013 để cạo bỏ và làm lại toàn bộ khối lượng công trình với nguồn sơn và bột trét do đơn vị khác cung cấp. Công ty T đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đúng hợp đồng. Công ty T không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ Công ty Sơn Dầu Khí và Công ty B về việc thi công không đúng kỹ thuật nói chung và thi công sơn, bột trét nói riêng. Công ty T không chịu trách nhiệm về những vấn đề tranh chấp giữa Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí.
3. Theo văn bản trình bày ý kiến ngày 16/10/2014 và ngày 19/12/2017, người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất cơ khí N (Sau đây gọi là Công ty N) trình bày: Ngày 15/3/2012, Công ty N ký Hợp đồng thi công xây dựng số 01D3/HĐTCXD/2012 với Công ty B về việc thi công nhà ở xã hội tại M. Sau khi ký kết hợp đồng và nhận bàn giao địa điểm công trình để thực hiện, Công ty N đã thực hiện theo đúng hợp đồng, đúng các tiêu chuẩn, kỹ thuật do Công ty B ban hành dưới sự giám sát của Công ty Sơn Dầu Khí. Hợp đồng đã được hoàn tất và thanh lý. Công ty N được biết Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp sản phẩm Sơn kém chất lượng, nên Công ty B đã họp với Công ty Sơn Dầu Khí về việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Tháng 05/2013, Công ty N đã nhận được yêu cầu của Công ty B về việc kiểm tra công tác sơn nước tại công trình mà mình đang thi công. Sau khi kiểm tra, toàn bộ công trình đã hoàn thành liên quan đến phần sơn nước đều bị bong tróc trầm trọng.
Ngày 05/5/2013, Công ty B và Công ty N ký phụ lục Hợp đồng số 06A/PLHĐ/2013 để cạo bỏ và làm lại toàn bộ khối lượng công trình với nguồn sơn và bột trét do đơn vị khác cung cấp. Sau khi hoàn tất việc thi công theo phụ lục hợp đồng, Công ty B đã thanh toán cho Công ty N số tiền là 2.961.448.000 đồng. Việc tranh chấp giữa Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí chỉ liên quan đến nội dung hợp đồng cung cấp sản phẩn sơn kém chất lượng. Công ty N đã hoàn thành nghĩa vụ với Công ty B.
Quá trình thi công, Công ty N không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ Công ty Sơn Dầu Khí và Công ty B về việc thi công không đúng kỹ thuật nói chung và thi công sơn, bột trét nói riêng nên Công ty N không có trách nhiệm về những vấn đề tranh chấp giữa Công ty B với Công ty Sơn Dầu Khí.
4. Theo văn bản trình bày ý kiến ngày 22/12/2014 và ngày 18/12/2017 người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH M trình bày: Ngày 23/5/2012, Công ty M có ký Hợp đồng thi công xây dựng số 003F/HĐTCXD/2012 với Công ty B về việc thi công nhà ở xã hội tại M. Sau khi ký kết hợp đồng và nhận bàn giao địa điểm công trình để thực hiện, Công ty M đã thực hiện theo đúng hợp đồng, đúng các tiêu chuẩn, kỹ thuật do Công ty B ban hành dưới sự giám sát của Công ty Sơn Dầu Khí. Hợp đồng đã được hoán tất và thanh lý.
Công ty M được biết Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp sản phẩm Sơn, bột bả kém chất lượng, nên Công ty B đã họp với Công ty Sơn Dầu Khí về việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.
Tháng 05/2013, Công ty M đã nhận được yêu cầu của Công ty B về việc kiểm tra công tác sơn nước tại công trình mà mình đang thi công. Sau khi kiểm tra, toàn bộ công trình đã hoàn thành liên quan đến phần sơn nước đều bị bong tróc trầm trọng. Ngày 12/5/2013, Công ty B và Công ty M đã ký phụ lục Hợp đồng số 07A/PLHĐ/2013 để cạo bỏ và làm lại toàn bộ khối lượng công trình với nguồn sơn và bột trét do đơn vị khác cung cấp. Sau khi hoàn tất việc thi công theo phụ lục hợp đồng, Công ty B đã thanh toán cho Công ty M số tiền là 602.697.136 đồng.
Việc tranh chấp giữa Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí chỉ liên quan đến nội dung hợp đồng cung cấp sản phẩn sơn kém chất lượng. Công ty M đã hoàn thành nghĩa vụ với Công ty B. Quá trình thi công, Công ty M không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ Công ty Sơn Dầu Khí và Công ty B về việc thi công không đúng kỹ thuật nói chung và thi công sơn, bột trét nói riêng nên Công ty M không có trách nhiệm về những vấn đế tranh chấp giữa Công ty B với Công ty Sơn Dầu Khí. Công ty M xin được vắng mặt trong suốt toàn bộ quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
Công ty N xin được vắng mặt trong suốt toàn bộ quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
5. Theo tờ trình ngày 29/12/2014 và văn bản trình bày ý kiến ngày 18/12/2017, người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại T trình bày:
Ngày 12/01/2012, Công ty T ký Hợp đồng thi công xây dựng số 01A1/HĐTCXD/2012 với Công ty B về việc thi công nhà ở xã hội tại Khu dân cư Hoà Lợi.
Sau khi ký kết hợp đồng và nhận bàn giao địa điểm, mặt bằng, Công ty T đã thực hiện theo đúng hợp đồng, đúng các tiêu chuẩn, kỹ thuật. Công ty T được biết Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp sản phẩm sơn và bột bả kém chất lượng, nên Công ty B đã họp với Công ty Sơn Dầu Khí về việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Công ty T đã nhận được yêu cầu của Công ty B về việc kiểm tra công tác sơn nước tại công trình mà mình đang thi công. Sau khi kiểm tra, toàn bộ công trình đã hoàn thành liên quan đến phần sơn nước đều bị bong tróc trầm trọng. Ngày 04/3/2013, Công ty B và Công ty T đã ký phụ lục hợp đồng số 03A3/PLHĐ/2013 để cạo bỏ và làm lại toàn bộ khối lượng công trình. Sau khi hoàn tất việc thi công theo phụ lục hợp đồng, Công ty B đã thanh toán cho Công ty T số tiền là 5.013.869.000 đồng.
Việc tranh chấp giữa Công ty B và Công ty Sơn Dầu Khí chỉ liên quan đến nội dung hợp đồng cung cấp sản phẩm sơn kém chất lượng. Công ty T đã hoàn thành nghĩa vụ với Công ty B. Công ty T không có trách nhiệm về những vấn đề tranh chấp giữa Công ty B với Công ty Sơn Dầu Khí.
6. Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển T đã được Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương triệu tâp hợp lệ nhiều lần để đến Tòa án làm việc nhưng luôn vắng mặt không có lý do cũng không có văn bản gửi cho Tòa án nên không thể ghi nhận ý kiến của Công ty T được.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST ngày 11/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bị đơn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B về việc buộc Công ty Cổ phần Sơn Dầu Khí V phải bồi thường thiệt hại số tiền là 14.181.721.488 đồng.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Sơn Dầu Khí V về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
2.1. Buộc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B phải trả cho Công ty Cổ phần Sơn Dầu Khí V số tiền 802.933.461 đồng.
2.2. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.
Ngày 22/5/2018, Tòa án cấp sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo của nguyên đơn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B kháng cáo toàn bộ Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST ngày 11/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ y bản án sơ thẩm.
Ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Một số thiệt hại trong quá trình thi công là có thật nhưng nguyên đơn không cung cấp đủ cơ sở để chứng minh những thiệt hại đó là do chất lượng sơn của bị đơn gây ra. Nguyên đơn không chứng minh được thời gian đông kết chậm là nguyên nhân dẫn đến những hư hỏng trên. Cơ quan giám định đã trả lời rõ thời gian đông kết lâu hơn không đồng nghĩa là sản phẩm sơn, bột trét không đảm bảo chất lượng. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ một số chứng cứ trong vụ án nhưng trách nhiệm chứng minh là của nguyên đơn. Nguyên đơn không cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo đúng quy định tại Điều 302 Luật Thương mại nên đề nghị bác kháng cáo, giữ y bản án sơ thẩm.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:
Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Về nội dung: Điều 2 của hợp đồng hai bên thỏa thuận chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Bột trét do Công ty T Hà Nội sản xuất đã được công bố chất lượng hàng hóa theo quy định. Theo Thông báo kết quả giám định kỹ thuật số 030 ngày 06/5/2013 cả hai mẫu bột trét trong và ngoài nhà Solux có thời gian đông kết không phù hợp yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên thời gian đông kết lâu hơn chưa khẳng định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc các bức tường bong tróc, nứt nẻ, phồng rộp, không đồng nghĩa là sản phẩm sơn, bột trét không đảm bảo chất lượng. Trước khi ký hợp đồng, nguyên đơn bị đơn đã tiến hành thử nghiệm sơn, bột trét đảm bảo chất lượng. Nguyên đơn không cung cấp đủ chứng cứ chứng minh bột trét do bị đơn cung cấp không đạt chất lượng.
Tại buổi làm việc ngày 04/3/2013, chủ đầu tư cho rằng bột trét không đạt chất lượng thì trong ngày nguyên đơn đã có Công văn số 31/2013/CV-KDPT gửi bị đơn với nội dung không tiếp tục sử dụng sơn, bột trét của bị đơn nữa và ngay trong ngày 04/3/2013 nguyên đơn ký phụ lục hợp đồng thuê chính các công ty đã sơn trước đây tiến hành sửa chữa, sơn lại công trình trong khi chưa đạt được thỏa thuận, chưa có ý kiến của bị đơn là không đúng thỏa thuận của hợp đồng và khoản 2, 3 Điều 297 Luật Thương mại.
Nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về việc vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Xét thấy, Tòa án đã triệu tập hợp lệ đối với người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất cơ khí N, Công ty TNHH M, Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại T và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển T nhưng họ vắng mặt không có lý do chính đáng. Đối với Công ty Cổ phần Sơn H (PP2) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng T đã có đơn yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nêu trên.
[2] Các bên đương sự thống nhất những nội dung: Về việc giao kết và thực hiện hợp đồng: Giữa Công ty B với Công ty Sơn Dầu Khí ký kết Hợp đồng kinh tế số 27/2012/TDC-PV PAINT ngày 27/8/2012, theo đó Công ty Sơn Dầu Khí thực hiện cung cấp hàng hóa cho Công ty B là sơn lót Semax Premer 2DK, sơn ngoài nhà Vimax EX DK, sơn trong nhà Vimax DK White, bột bả trong và ngoài nhà để thi công cho các công trình của Công ty B. Số lượng, giá trị theo từng đơn đặt hàng. Công ty Sơn Dầu Khí đã cung cấp cho Công ty B số lượng hàng hóa như sau:
- Bột trét ngoài Solux: Số lượng đã giao theo hóa đơn là 2.555 bao;
- Bột trét trong nhà Solux: Số lượng 6.541 bao;
- Mua tổng số sơn, lót sơn phủ trong và ngoài nhà: Số lượng 2.220 thùng.
Sau sự cố xảy ra Công ty B trả lại cho Công ty Sơn Dầu Khí: Bột trét ngoài nhà Solux: 16 bao; bột trét trong nhà Solux: 04 bao; sơn lót, sơn phủ: 549 thùng. Có tổng 30 hóa đơn bán hàng kèm theo với số tiền 1.859.916.590 đồng, Công ty B đã thanh toán cho Công ty Sơn Dầu Khí là 858.574.500 đồng và giá trị hàng hóa đã hoàn trả cho Công ty Sơn Dầu Khí là 198.408.629 đồng, Công ty B còn thiếu Công ty Sơn Dầu Khí giá trị hàng hóa số tiền là 802.933.461 đồng và đồng ý thanh toán cho Công ty Sơn Dầu Khí số tiền còn thiếu với yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Những nội dung các đương sự đã thống nhất là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Về nội dung vụ án: Nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là chi phí khắc phục hậu quả từ việc bị đơn cung cấp sản phẩm sơn, bột trét kém chất lượng với số tiền 14.181.721.488 đồng. Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng không vi phạm chất lượng hàng hóa mà do nhà thầu thi công không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến những thiệt hại chất lượng bột trét bị vỡ, bong tróc, bột mềm, độ bám dính của bột và sơn không đạt yêu cầu.
Xét Thông báo số 184/TB-TDC ngày 22/02/2013 do Công ty B gửi cho Công ty Sơn Dầu Khí với nội dung căn cứ thông báo qua kiểm tra tình hình thi công thực tế tại công trình nhà ở an sinh xã hội Becamex đối với các khu Việt Sing tại Block nhà A2-1, A2-2, A2-4, A2-5, A2-6, A5-2, A5-3; khu M tại Block nhà A1-1, A1-2, A2-1 A1-3, A1-4& A1-5 và khu H tại Block nhà A2 & A5 thì chất lượng bột trét: vỡ, bong tróc, bột mềm, độ bám dính của bột và sơn không đạt yêu cầu. Chất lượng sơn: Độ phủ màu không đạt yêu cầu, bị bong tróc, độ bám dính không đạt yêu cầu. Yêu cầu nhà cung cấp sơn và bột trét chịu toàn bộ chi phí khắc phục (nhân công và vật tư) cho toàn bộ khối lượng thi công không đạt yêu cầu ở 3 khu nhà nói trên. Ngày 27/2/2013, Công ty Sơn Dầu Khí có Công văn số 14/2013/CV/PVPAINT-KD ngày 27/2/2013 (bút lục 937 – 938) để phúc đáp lại Thông báo số 184/TB-TDC nêu trên với nội dung căn cứ vào tình hình thực tế tại các công trình, Công ty Sơn Dầu Khí kiến nghị, đề nghị như sau:
- Các block đã bả bột trét nhưng chưa sơn, tiến hành sơn lót cho cả phần tường ngoài nhà và trong nhà với lượng nước pha trộn thêm từ 20 đến 25% (do bột bả này đã thi công quá trời gian tối ưu (thời gian tối ưu là từ 1 đến 3 ngày) để thi công sơn lót nên đã bị chai/cứng) sau đó mới tiến hành sơn phủ 2 lớp.
- Các block đã sơn phủ hoàn thành, Công ty Sơn Dầu Khí sẽ thực hiện việc sửa chữa, bảo hành bằng chi phí của Công ty Sơn Dầu Khí sao cho đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ, kỷ thuật và không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
- Đề nghị sử dụng sơn lót cho cả phần tường trong nhà để tránh lớp bả bị mềm hóa sau một thời gian thi công và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực khác đến lớp sơn phủ;
- Tiếp tục cùng Công ty Sơn Dầu Khí tổ chức thêm các buổi semina phổ biến kỹ thuật thi công bột bả và sơn nước tại các công trường;
- Phối hợp với Công ty Sơn Dầu Khí quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác giám sát thi công;
- Sử dụng bột trét Semax Putty 1 và Semax Putty 2 có chất lượng tốt và ổn định hơn thay thế bột trét Solux đã sử dụng.
Vì vậy, qua các văn bản nêu trên có cơ sở xác định Công ty Sơn Dầu Khí có vi phạm hợp đồng về chất lượng bột trét và sơn nên có yêu cầu sửa chữa, bảo hành, thậm chí xin đổi sản phẩm bột trét khác tốt hơn bột trét Solux đã sử dụng. Đồng thời, cũng thể hiện Công ty Sơn Dầu Khí có kiến nghị về công tác thi công không đúng quy trình, không sơn lót. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không đối chất giữa các đương sự để làm rõ nội dung hai văn bản trên, không yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ chứng minh vị trí, số lượng tường bị hư hỏng mà bị đơn đã đề nghị sửa chữa bảo hành, làm rõ vì sao bị đơn có kiến nghị về công tác thi công không đúng quy trình mà cho rằng nguyên đơn không chứng minh được Công ty Sơn Dầu Khí vi phạm hợp đồng, không chứng minh được thiệt hại xảy ra là do lỗi của Công ty Sơn Dầu Khí từ đó không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thu thập chứng cứ không đầy đủ và đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Bản án phúc thẩm số 10/2017/KDTM-PT ngày 31/3/2017 đã yêu cầu phải làm rõ thời gian đông kết của sản phẩm bột trét tường có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sơn bong tróc hay do lỗi của đơn vị thi công không thực hiện đúng quy trình dẫn đến việc sơn bị bong tróc và phải xác định thiệt hại trên thực tế, cấp sơ thẩm vẫn chưa thực hiện được nhưng vẫn giải quyết không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp. Vì vậy, nguyên đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện các chứng cứ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích của nguyên đơn là có căn cứ.
[4] Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chủ đầu tư Tổng Công ty Đô thị và phát triển công nghiệp TNHH một thành viên (Công ty B1) và đơn vị giám sát thi công vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan để đối chất, thu thập chứng cứ làm rõ quá trình giám sát thi công thì việc sơn, bột trét được thực hiện đúng quy trình hay không, thu thập nhật ký công trình, nhật ký thi công để làm rõ việc giám sát nghiệm thu từng giai đoạn có xảy ra hiện tượng sơn bị bong tróc hay đạt yêu cầu, khi xảy ra hư hỏng thì Công ty B có phiếu yêu cầu sửa chữa những gì để xác định thiệt hại trên thực tế nếu có. Bởi lẽ, tại Điều 6, 7, 8 và 9 của các hợp đồng xây dựng ký kết giữa Công ty B và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B các bên có thỏa thuận Công ty B cử giám sát thi công thường xuyên có mặt tại hiện trường để giám sát chất lượng công trình, xác nhận khối lượng công tác thực hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh nếu có; tổ chức nghiệm thu từng giai đoạn, nghiệm thu chuyển bước kỹ thuật, việc nghiệm thu khối lượng căn cứ vào bản vẽ thiết kế được phê duyệt và thực tế thi công tại công trường có xác nhận của tư vấn giám sát. Công ty B có trách nhiệm lập sổ nhật ký công trình, nhật ký thi công ghi chép đầy đủ các diễn biến xảy ra trong quá trình thi công theo quy định và được xác nhận của tư vấn giám sát hàng ngày; lập Bảng tiến độ thi công chi tiết từng ngày có sự kiểm tra thực hiện của Công ty B. Vì vậy, cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng, không thu thập đầy đủ các chứng cứ nêu trên mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
[5] Theo Điều 5.2 của Hợp đồng mua bán số 27/2012/TDC-PV PAINT ngày 27/08/2012 nguyên đơn, bị đơn có thỏa thuận trách nhiệm của Công ty B sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm hoặc theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn sử dụng do Công ty Sơn Dầu Khí cung cấp. Công ty Sơn Dầu Khí cử cán bộ kỹ thuật đến công trường hướng dẫn kỹ thuật cho Công ty B. Nếu Công ty B sử dụng sai hướng dẫn của Công ty Sơn Dầu Khí thì Công ty B hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các Biên bản kiểm soát quy trình và dịch vụ kỹ thuật từ ngày 10/12/2012 đến ngày 02/01/2013 tại khu nhà ở an sinh xã hội M (bút lục 150-180) và Biên bản kiểm tra chất lượng sơn tại khu nhà ở an sinh xã hội H từ ngày 15/8/2012 đến ngày 21/10/2012 (bút lục 403-419) để chứng minh toàn bộ chất lượng sơn và bột trét do Công ty Sơn Dầu Khí xuất bán khi thi công thực tế đạt chất lượng. Xét chứng cứ này không phù hợp hoàn toàn với thời gian thực tế giao nhận hàng hóa được các bên thừa nhận là từ ngày 13/9/2012 đến ngày 4/3/2013. Các biên bản này không nêu rõ khối lượng sơn thực tế thi công đạt chất lượng, không rõ người ký tên giám sát bên chủ đầu tư và bên thi công là ai, vẫn còn thiếu những Biên bản kiểm soát quy trình dịch vụ kỹ thuật và Biên bản kiểm tra chất lượng sơn trong thời gian thi công còn lại và thiếu các Biên bản kiểm soát quy trình dịch vụ kỹ thuật đối với hai khu nhà ở an sinh xã hội H và khu Việt Sing. Vì vậy, cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa làm rõ chứng cứ thu thập được đối với những người ký người ký tên giám sát bên chủ đầu tư và bên thi công về quy trình sơn có đạt yêu cầu hay không và đối chất làm rõ mâu thuẫn giữa chứng cứ thu thập được với lời khai của các bên đương sự trong vụ án. Mặc khác, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm việc với cán bộ kỹ thuật do Công ty Sơn Dầu Khí cử đến hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và dịch vụ kỹ thuật để từ đó đối chất với tất cả các đương sự trong vụ án làm rõ số khối lượng công trình thực tế thi công, phần khối lượng công trình nào được chủ đầu tư xác nhận đạt hoặc hư hỏng, mức độ hư hỏng cụ thể nếu có để làm căn cứ giải quyết vụ án. Đồng thời, sau khi thu thập đầy đủ tất cả biên bản kiểm soát quy trình thì cũng cần giám định xem quy trình sơn như vậy có làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đã sơn hay không.
[6] Theo Văn bản số 0407/KT3-N6 ngày 26/01/2018 của Trung tâm 3 trả lời có nội dung: Ngoài yếu tố vật liệu sử dụng thi công, các yếu tố khác có khả năng gây ảnh hưởng đến nguyên nhân gây bong tróc, nứt nẻ của lớp sơn tường là chất lượng của công tác thi công sơn phủ và chất lượng của lớp vật liệu nền tại thời điểm thi công công trình (năm 2012-2013) và các yếu tố này cũng không đủ cơ sở để đánh giá tại thời điểm yêu cầu giám định. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa thu thập làm rõ chứng cứ về quy trình sơn trong đó có việc sơn phủ, chưa làm rõ làm rõ có hay không việc Công ty B yêu cầu bỏ qua công tác sơn lót (tức sơn phủ) theo như Biên bản cuộc họp ngày 17/10/2012 giữa lãnh đạo Công ty B với lãnh đạo Công ty Sơn Dầu Khí và khuyến cáo tại công văn số 105/2012/CV/PV PAINT ngày 25/10/2012 của Công ty Sơn Dầu Khí và chưa thu thập các biên bản nghiệm thu từng giai đoạn trong đó có nghiệm thu giai đoạn hoàn thiện tô tường, vệ sinh bề mặt tường, cột, dầm, trần được bàn giao thế nào để chuẩn bị cho giai đoạn sơn nhưng cấp sơ thẩm vẫn khẳng định không có cơ sở pháp lý cho việc giám định là không phù hợp.
[7] Tại các Biên bản tường trình của Công ty T, Công ty M, Công ty N và Công ty T đều trình bày nội dung tương tự nhau và yêu cầu vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án như sau: Các công ty này đã thực hiện đúng hợp đồng, thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của cán bộ giám sát do Công ty Sơn Dầu Khí cử ra. Hợp đồng đã thực hiện xong, nghiệm thu và thanh toán. Sau khi nhận được yêu cầu của Công ty B về việc khảo sát và kiểm tra lại công tác sơn nước công trình, có đo đạc thực tế và lập dự toán để hai bên ký phụ lục hợp đồng xử lý phần matic (bột trét tường) và sơn nước không đạt chất lượng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập các Biên bản đo đạc thực tế phần sơn nước bị hư hỏng do các công ty trên lập, xem biên bản này có sự xác nhận của đơn vị giám sát, chủ đầu tư, đơn vị cung cấp sơn hay không, mô tả cụ thể số lượng, vị trí sơn bị hư hỏng làm căn cứ để đối chiếu với các chứng cứ khác thu thập được trong vụ án để làm rõ thiệt hại thực tế nếu có. Do cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng của các công ty trên nên đã không đối chất làm rõ được sự mâu thuẫn giữa diện tích thi công bột bả khi sử dụng hết 9.076 bao bột trét (40kg/bao) tương đương 363.040 kg để thực hiện thi công theo hướng dẫn của Công ty Sơn Dầu Khí thì diện tích thi công được là từ 363.040m2 đến 605.066m2 trong khi diện tích tường nguyên đơn hợp đồng với các công ty sửa chữa là 294.453.m2 từ đó bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
Từ những cơ sở nhận định nêu trên, xét Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Do vậy, cần hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Ý kiến của đại diện nguyên đơn, đại diện bị đơn là không có cơ sở chấp nhận. Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là chưa phù hợp pháp luật vì theo Điều 96, 99, 100 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định trường hợp tài liệu chứng cứ đã được giao nộp chưa đảm bảo đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung, lấy lời khai người làm chứng, đối chất để làm rõ những mâu thuẩn trong vụ án. Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát là chưa phù hợp.
Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Khoản 2 Điều 92, khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST ngày 11/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.
Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân Thành phố T, tỉnh Bình Dương giải quyết lại vụ án.
2. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B không phải nộp, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Bình Dương hoàn trả cho Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển B 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0022116 ngày 31/5/2018.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 30/11/2018./.
File gốc của Bản án 37/2018/KDTM-PT ngày 30/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại – Tòa án nhân dân Bình Dương đang được cập nhật.
Bản án 37/2018/KDTM-PT ngày 30/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại – Tòa án nhân dân Bình Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Số hiệu | 37/2018/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-11-30 |
Ngày hiệu lực | 2018-11-30 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |