TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
BẢN ÁN 02/2021/KDTM-PT NGÀY 10/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 10 tháng 9 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2021/TLPT- KDTM ngày 07/6/2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” do bản án sơ thẩm số 04/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2021/QĐPT- KDTM ngày 06/7/2021; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 39/2021/QĐ-PT ngày 26/7/2021; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 45/2021/QĐ-PT ngày 23/8/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G Địa chỉ: J03-L03 Shop Villa, đường A, khu đô thị D, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Đoàn Thị Thùy L - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Đoàn Thị Thùy L: Ông Mai Hồng Q - Chức vụ: Chuyên viên pháp chế - Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G. Địa chỉ: Số 08, ngõ 105/7, đường A, phường P, quận T, thành phố Hà Nội. (Văn bản ủy qyền ngày 08/01/2021). Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
2. Bị đơn: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ Địa chỉ: Số nhà 021, đường T, phường K, thành phố L, tỉnh Lào Cai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Tiến S - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Đinh Tiến S: Bà Nguyễn Thị D - Địa chỉ: Số nhà 356, đường H, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Có mặt tại phiên tòa.
3. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty Cổ phần đầu tư, kinh doanh GHBC là ông Mai Hồng Q trình bày:
Ngày 03/9/2020 Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G (Viết tắt: Công ty G) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ (Viết tắt: Công ty Đ) có giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/HĐMB/GHBC-VAD với nội dung: Công ty Đ bán cho Công ty G hàng hóa với những thông số và cam kết chi tiết như sau: Tên sản phẩm hàng hóa là: Găng tay Nitrile không bột; màu: Xanh; xuất xứ: Trung Quốc; số lượng: 35 Tấn; tiêu chuẩn: Mới 100%; tỷ lệ lỗi dưới 0.05%. Thời gian giao hàng: 07 ngày kể từ ngày nhận tiền đặt cọc. Đơn giá:
280.000.000VNĐ/tấn. Tổng giá trị của hợp đồng là: 9.100.000.000VNĐ (Chín tỷ một trăm triệu đồng chẵn).
Thực hiện cam kết, Công ty G đã chuyển cho Công ty Đ tổng số tiền đặt cọc mua hàng là 2.840.000.000VNĐ (Hai tỷ tám trăm bốn mươi triệu đồng), theo biên bản giao nhận tiền đặt cọc lập ngày 08/9/2020 và chứng từ chuyển tiền ngày 16/9/2020. Ngày 22/9/2020, Công ty Đ đã gửi hàng mẫu để Công ty G kiểm tra, thông qua đơn vị vận chuyển là Công ty TNHH B, tại trụ sở của Công ty G với số lượng hàng hóa là 51 bao nhỏ (Biên bản giao nhận hàng hóa ngày 22/9/2020). Khi giao hàng công ty TNHH B chỉ giao hàng hóa là sản phẩm găng tay y tế, không có hồ sơ giao hàng như quy định trong hợp đồng gồm: Hóa đơn mua bán hàng hóa; chứng nhận C/O về xuất xứ và chứng nhận C/Q về chất lượng hàng hóa. Hàng mẫu giao bị lẫn màu và không phải hàng mới 100%. Như vậy, hàng hóa do Công ty Đ gửi mẫu không đúng với nội dung đã cam kết trong hợp đồng. Công ty G đã thông báo để Công ty Đ khắc phục bằng việc gửi mẫu hàng khác trong thời hạn 07 ngày. Tuy nhiên, Công ty Đ đã không khắc phục và không thực hiện giao mẫu để Công ty G kiểm tra và tiến hành các bước tiếp theo cho việc nhập hàng. Công ty G đã nhiều lần trao đổi với Công ty Đ yêu cầu thực hiện hợp đồng, nhưng Công ty Đ không thực hiện. Đến nay Công ty Đ không có khả năng thực hiện được việc cung ứng hàng hóa theo cam kết trong nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, Công ty G khởi kiện Công ty Đ, yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Hủy bỏ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/2020-HĐMB/GHBC-VAD giao kết ngày 03/9/2020 giữa Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ.
- Buộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ phải hoàn trả Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G số tiền đã thanh toán đặt cọc theo cam kết tại hợp đồng là:
2.840.000.000VNĐ (Hai tỷ tám trăm bốn mươi triệu đồng).
Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ là bà Nguyễn Thị D trình bày:
Công ty Đ xác nhận ngày 03/9/2020 có ký hợp đồng kinh tế số: 308/2020- HĐMB/GHBC-VAD với Công ty G để mua, bán hàng hóa là Găng tay Nitrile không bột, nội dung thỏa thuận về quy cách hàng hóa cũng như đơn giá và giá trị hợp đồng như đại diện nguyên đơn Công ty G trình bày là đúng. Đại diện hợp pháp của bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu Công ty Đ phải hoàn trả số tiền đã đặt cọc mua hàng hóa là 2.840.000.000VNĐ với lý do như sau:
Số tiền 2.000.000.000VNĐ Công ty G đặt cọc cho Công ty Đ vào ngày 08/9/2020 để thực hợp đồng số: 308/2020-HĐMB/GHBC-VAD. Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty Đ đã ký hợp đồng mua bán găng tay y tế với đối tác phía Trung Quốc và chuyển tiền đặt cọc tương đương 2.800.000.000VNĐ cho đối tác phía Trung Quốc. Theo thỏa thuận của hợp đồng thì Công ty G phải chuyển tiền đủ số tiền mua hàng là 9.100.000.000VNĐ để lấy hàng theo thỏa thuận trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày thông báo. Do Công ty G vi phạm việc chuyển tiền, không chuyển đủ số tiền theo thỏa thuận, do đó Công ty Đ cũng không có tiền để chuyển cho phía đối tác Trung Quốc. Công ty Đ bị đối tác Trung Quốc phạt cọc số tiền là 2.800.000.000VNĐ. Vì vậy, số tiền đặt cọc 2.000.000.000VNĐ của Công ty G đã bị đối tác Trung Quốc phạt toàn bộ với Công ty Đ. Thiệt hại này Công ty G và Công ty Đ đều phải có trách nhiệm chịu số tiền phạt này.
Đối với số tiền 840.000.000VNĐ Công ty G đã chuyển cho Công ty Đ vào ngày 16/9/2020, đây là số tiền Công ty G chuyển cho Công ty Đ để lấy hàng lẻ. Công ty Đ đã chuyển cho Công ty G 4 tấn hàng hóa tại Đông Hưng - Trung Quốc, Công ty G đã kiểm tra và nhận đủ hàng, không có ý kiến gì và đã chấm dứt hợp đồng vào tháng 9/2020.
Nguyên đơn cho rằng, ngày 22/9/2020 đã nhận được hàng mẫu của Công ty Đ từ công ty TNHH B với số lượng theo biên bản giao hàng ngày 22/9/2020 là không chính xác, vì hàng mẫu Công ty Đ chỉ gửi qua xe vận tải Hà Sơn - Hải Vân, gửi số lượng hàng mẫu rất hạn chế khoảng 3-4 bao được đóng vào hộp. Công ty Đ chưa giao bất kỳ số lượng hàng hóa nào cho Công ty G theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán hàng hóa số: 308/2020-HĐMB/GHBC-VAD được giao kết vào ngày 03/9/2020.
Trong phiên hòa giải ngày 24/3/2020 tại Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai các bên đương sự có ý kiến như sau:
+ Công ty G và Công ty Đ thống nhất thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa số: 308/2020-HĐMB/GHBC-VAD giao kết vào ngày 03/9/2020 giữa Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ.
+ Đối với yêu cầu của Công ty G buộc Công ty Đ phải hoàn trả khoản tiền đặt cọc là: 2.840.000.000VNĐ (Hai tỷ, tám trăm, bốn mươi triệu đồng). Công ty Đ xác định số tiền 2.000.000.000VNĐ là tiền đặt cọc đã bị phạt cọc bởi đối tác Trung Quốc đối với Công ty Đ, nguyên nhân là do Công ty G vi phạm hợp đồng về đặt cọc. Công ty G và Công ty Đ đều phải có trách nhiệm chịu số tiền phạt cọc này, nên Công ty Đ chỉ hoàn trả số tiền 1.000.000.000VNĐ, Công ty G cùng chịu thiệt hại số tiền 1.000.000.000VNĐ.
+ Đối với số tiền 840.000.000VNĐ, Công ty Đ không nhất trí hoàn trả, vì số tiền này Công ty Đ nhận và đã chuyển cho Công ty G 4 tấn hàng hóa tại Đông Hưng - Trung Quốc.
Bản án số 04/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 1, Điều 147; khoản 1, Điều 227 và khoản 1, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 24; Điều 34 Điều 39; khoản 6, Điều 292; Điều 312; Điều 314 Luật Thương mại và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G:
Hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/2020-HĐMB/GHBC-VAD được giao kết vào ngày 03/9/2020 giữa Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ.
Buộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ phải hoàn trả cho Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G số tiền đặt cọc mua hàng hóa là: 2.840.000.000VNĐ (Hai tỷ tám trăm bốn mươi triệu đồng).
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu lãi suất chậm thi hành án, án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự.
Ngày 19/5/2020, bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 04/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai, yêu cầu TAND tỉnh Lào Cai xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, sửa án sơ thẩm theo hướng bác đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G.
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, của Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa đều đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố L; Tuyên án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ nộp trong hạn luật định, có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự là căn cứ để Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ: [2.1] Xét Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD giữa Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh G với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ ngày 03/9/2020:
Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020 giữa Công ty G với Công ty Đ được lập thành văn bản, nội dung là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập giao dịch mua bán hàng hóa “Găng tay cao su Nitrile không bột”, trong đó thỏa thuận cụ thể về đối tượng, giá trị hợp đồng; quy cách, chất lượng sản phẩm; thời hạn hợp đồng; phương thức bàn giao hàng hóa; chi phí vận chuyển; phương thức thanh toán; quyền và nghĩa vụ của các bên... Các bên tham gia xác lập hợp đồng là Công ty G và Công ty Đ đều là pháp nhân được thành lập hợp pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Xét thấy, chủ thể giao kết hợp đồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hợp đồng được thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện của các bên, có đầy đủ nội dung và phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức. Vì vậy, Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020 giữa Công ty G với Công ty Đ là hợp pháp, là căn cứ để xác lập, phát sinh quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên giao kết hợp đồng.
[2.2] Xét việc thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020:
Theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020, Công ty G thỏa thuận mua hàng hóa là “Găng tay cao su Nitrile không bột” của Công ty Đ với quy cách, chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói được quy định cụ thể tại Điều 2 của Hợp đồng. Về thời gian thực hiện hợp đồng được thỏa thuận bắt đầu kể từ khi bên B (Công ty Đ) nhận được tiền đặt cọc hợp đồng. Sau khi giao kết hợp đồng, ngày 08/9/2020 giữa Công ty G với Công ty Đ lập Biên bản giao nhận tiền đặt cọc trong đó xác nhận việc Công ty G giao cho Công ty Đ số tiền 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) để đặt cọc mua bán găng tay. Xét thấy, trong Biên bản giao nhận tiền đặt cọc ngày 08/9/2020 không ghi cụ thể việc giao nhận tiền đặt cọc thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020, tuy nhiên trong biên bản thể hiện căn cứ giao nhận tiền đặt cọc là Hợp đồng mua bán hàng hóa và số tiền giao nhận để đặt cọc mua bán hàng hóa là găng tay cao su Nitrile trong đó nêu cụ thể về số lượng, quy cách chủng loại hàng hóa phù hợp với thỏa thuận theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Công ty Đ cũng xác nhận về việc công ty đã nhận số tiền 2.000.000.000 đồng là tiền đặt cọc để thực hiện Hợp đồng số 308 ngày 03/9/2020. Như vậy Công ty G đã thực hiện việc thanh toán theo đúng tiến độ thỏa thuận với Công ty Đ quy định tại điểm 5.1 Điều 5 của Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020.
Tại điểm 4.1 Điều 4 của Hợp đồng về bàn giao hàng hóa các bên đã thỏa thuận về thời gian bàn giao hàng hóa như sau: “Giao hàng sau 7 ngày kể từ ngày đặt cọc, chia làm các lần giao hàng. Mỗi lần bên B giao cho bên A tối thiểu 10 - 20 tấn hoặc theo yêu cầu của bên A về tiến độ giao hàng...” Như vậy, bên B (Công ty Đ) có trách nhiệm giao hàng phát sinh sau 7 ngày kể từ ngày đặt cọc tức ngày 08/9/2020. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án bị đơn Công ty Đ không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc đã giao hàng cho Công ty G theo đúng thỏa thuận trong Hợp đồng.
Bị đơn Công ty Đ trình bày sau khi ký kết hợp đồng đã tiến hành ký hợp đồng mua bán găng tay y tế với đối tác Trung Quốc và chuyển tiền đặt cọc cho đối tác Trung Quốc số tiền 80 vận NYC tương đương khoảng 2.800.000.000 đồng và cho rằng có thỏa thuận với Công ty G về việc trong thời hạn 01 ngày Công ty G phải chuyển đủ cho Công ty Đ số tiền mua hàng là 9.100.000.000 đồng để lấy hàng theo thỏa thuận. Do Công ty G chỉ chuyển tiền đặt cọc 1 lần số tiền 2.000.000.000 đồng nên dẫn đến việc Công ty Đ không đủ tiền để thanh toán cho đối tác Trung Quốc và bị phạt cọc số tiền 2.800.000.000 đồng. Thời điểm đó Công ty G đã chấp nhận việc bị phạt cọc do có lỗi nên Công ty Đ không nhất trí trả lại cho Công ty G số tiền cọc 2.000.000.000 đồng. Xét thấy, tại điểm 5.1 Điều 5 Hợp đồng số 308 ngày 03/9/2020 giữa hai Công ty thỏa thuận về tiến độ thanh toán, cụ thể thanh toán đợt 1 như trên đã phân tích, thanh toán đợt 2: “Bên A thanh toán 100% giá lô hàng khi bên B giao hàng cho bên A”. Như vậy, việc thỏa thuận thanh toán toàn bộ giá lô hàng là thời điểm bên B (Công ty Đ) giao hàng cho bên A (Công ty G). Việc bị đơn Công ty Đ cho rằng có thỏa thuận với Công ty G về việc trong thời hạn 01 ngày phải chuyển đủ số tiền mua hàng là không có căn cứ chứng minh.
Đối với số tiền 840.000.000 đồng (Tám trăm bốn mươi triệu đồng) mà Công ty G cho rằng đã chuyển cho Công ty Đ để thực hiện việc đặt cọc mua bán hàng hóa cho Công ty Đ theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308 ngày 03/9/2020. Nguyên đơn Công ty G có cung cấp chứng cứ là Giấy nộp tiền ngày 16/9/2020 nội dung nộp số tiền 840.000.000đồng vào tài khoản của Công ty Đ mở tại Ngân hàng cổ phần Quân Đội - Chi nhánh L (MB Bank L), trong đó có nội dung: “Đoàn Thùy G chuyển tiền mua găng tay theo Hợp đồng số 308/2020/GHBC-VAD”. Bị đơn Công ty Đ cho rằng khoản tiền 840.000.000đồng là khoản tiền mà Công ty G chuyển để mua hàng lẻ cho khách. Sau khi nhận khoản tiền này thì Công ty Đ đã chuyển đủ 4 tấn hàng cho Công ty G tại Đông Hưng - Trung Quốc, phía Công ty G đã kiểm tra và nhận đủ hàng đồng thời làm các thủ tục thông quan đưa về Việt Nam. Công ty Đ có cung cấp chứng cứ là ảnh chụp màn hình có nội dung tin nhắn với một người được ghi là “E G Gang tay”. Xét thấy, chứng cứ mà bị đơn cung cấp là ảnh chụp màn hình điện thoại có nội dung về việc nhắn tin trao đổi mua bán găng tay, tuy nhiên tài liệu không thể hiện rõ về thời gian, nội dung các tin nhắn không cụ thể và không có căn cứ chứng minh những người nhắn tin với nhau là đại diện của Công ty G và Công ty Đ thỏa thuận, xác lập giao dịch mua bán hàng hóa, thanh toán tiền hay đã giao nhận hàng hóa với nhau. Trong các ảnh chụp tin nhắn do bị đơn cung cấp có đoạn với nội dung về việc người có nick tên “E G Găng tay” đã chuyển số tiền 840tr vào tài khoản MB và ảnh chụp Giấy nộp tiền. Tuy nhiên, ảnh chụp quá mờ nên không thể xác định được Giấy nộp tiền này có phải chứng cứ giao dịch liên quan đến khoản tiền 840.000.000 đồng không. Hơn nữa, đoạn hội thoại phía sau không thể hiện việc bên nhận đã được nhận hàng hóa từ bên giao theo đúng thỏa thuận. Ngoài ra, trong Giấy nộp tiền ngày 16/9/2020 mà phía nguyên đơn cung cấp cho Tòa án có ghi nội dung “Đoàn Thùy G chuyển tiền mua găng tay theo Hợp đồng số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD”. Trong trường hợp bị đơn cho rằng khoản tiền này là thỏa thuận giữa Công ty G với Công ty Đ để mua hàng lẻ, không liên quan đến Hợp đồng 308 thì khi nhận được ảnh chụp Giấy nộp tiền thông quan tin nhắn thì người nhận phải có ý kiến đối với người gửi về nội dung này. Vì vậy, bị đơn cho rằng các tin nhắn thể hiện việc xác lập giao dịch, hợp đồng mua bán hàng hóa lẻ giữa Công ty G với Công ty Đ và giao dịch này đã được hai bên thực hiện xong, mặc dù việc xác lập giao dịch qua tin nhắn điện thoại nhưng là một hình thức khác của giao dịch điện tử là không có căn cứ.
Xét thấy, việc Công ty G chuyển cho Công ty Đ số tiền 840.000.000 đồng ngày 16/9/2020 tuy không được các bên thỏa thuận trong Hợp đồng số 308 ngày 03/9/2020 nhưng việc chuyển tiền tại thời điểm Hợp đồng chưa chấm dứt (tại phiên họp hòa giải ngày 24/3/2020 tại TAND thành phố L giữa Công ty G với Công ty Đ mới thống nhất thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng), trong Giấy nộp tiền có ghi rõ nội dung chuyển tiền mua găng tay theo hợp đồng số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD. Vì vậy, có đủ căn cứ xác định khoản tiền 840.000.000 đồng là khoản tiền Công ty G đặt cọc để mua găng tay của Công ty Đ theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD.
[2.3] Từ những phân tích trên thấy rằng giữa Công ty G với Công ty Đ có thỏa thuận với nhau về việc mua bán hàng hóa và xác lập Hợp đồng số 308/2020/HĐMB/GHBC-VAD ngày 03/9/2020. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty G đã thực hiện đúng tiến độ thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng, tuy nhiên Công ty Đ đã không thực hiện cam kết giao hàng theo thỏa thuận. Tại cấp sơ thẩm, Công ty G và Công ty Đ đã thống nhất hủy bỏ hợp đồng, do đó Công ty Đ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà Công ty G đã đặt cọc để mua hàng. Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty G là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, bị đơn Công ty Đ không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh nội dung kháng cáo của mình là có căn cứ. Vì vậy kháng cáo của Công ty Đ không được chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai.
[4] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo Công ty Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai.
2. Về án phí phúc thẩm:
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Xác nhận Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án ký hiệu AC-21P, số 0000616 ngày 18/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố L, tỉnh Lào Cai. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đ còn phải nộp tiền án phí phúc thẩm là 1.700.000 đồng (Một triệu bảy trăm nghìn đồng).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
“Trường hợp bản án được thi hành theo quy định điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7,7 a, 9 Luật thi hành án Dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự”.
File gốc của Bản án 02/2021/KDTM-PT ngày 10/09/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Lào Cai đang được cập nhật.
Bản án 02/2021/KDTM-PT ngày 10/09/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Lào Cai
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Lào Cai |
Số hiệu | 02/2021/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2021-09-10 |
Ngày hiệu lực | 2021-09-10 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |