TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÂM HÀ, TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 20/2017/DS-ST NGÀY 24/08/2017 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GÂY RA
Ngày 24 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lâm Hà xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 96/2017/TLST - DS ngày 07 tháng 6 năm 2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 25/2017/QĐXX-ST ngày 04 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị L, sinh năm: 1972.
Địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc P, sinh năm: 1977. Địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.
Theo giấy ủy quyền lập ngày 02/6/2017; (Có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng; (có mặt).
2. Bị đơn: Vợ chồng ông Phạm Văn T, sinh năm: 1963.
Bà Chu Thị T, sinh năm: 1965.
Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Phạm Văn T ủy quyền cho bà Chu Thị T tham gia tố tụng theo văn bản ủy quyền ngày 16/6/2017; (bà T có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông Nguyễn Ngọc P trình bày: Ngày 21/9/2016 dương lịch vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T có thuê bà Trần Thị L (vợ ông P) cắt cành cà phê một ngày 200.000đồng. Bà L làm từ 07 giờ sáng đến 09 giờ sáng thì té xuống giếng sâu 15m trong vườn cà phê của ông T, bà T ường, do ông bà không che chắn, không có thành giếng mà chỉ có cành cà phê xum xê che lại. Khi tai nạn xảy ra thì ông T, bà T không lo cấp cứu kịp thời mà đợi đến khi ông P đến mới đưa bà L đi cấp cứu.
Hậu quả bà L bị gẫy cột sống chết từ lưng xuống, đôi chân không cử động được, không còn cảm giác, không tự chăm sóc bản thân được mà phải có người thường xuyên phục vụ, tàn phế hoàn toàn.
Vì vậy, bà L khởi kiện yêu cầu ông T, bà T phải bồi thường thiệt hại tổng cộng là 136.500.000đồng (Một trăm ba mươi sáu triệu năm trăm ngàn đồng), gồm các khoản như sau: Tiền xe đi cấp cứu 1.000.000đồng; Tiền xe taxi lên xuống 1.500.000đồng; Tiền công lao động người bệnh 280 ngày x 150.000đồng = 36.000.000đồng; Tiền công chăm sóc người bệnh 280 ngày x 150.000đồng = 36.000.000đồng; Tiền bồi thường tổn thất tinh thần 50.000.000đồng; Tiền thuốc men và tiền viện phí 12.000.000đồng. Ngoài ra ông P không yêu cầu gì khác.
2. Bị đơn vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T trình bày: Vợ chồng ông bà có diện tích khoảng 3.000m2 mua từ năm 1991, khi mua đất trong vườn đã có một cái giếng bỏ hoang sâu khoảng 15m đến 16m. Trong thời gian canh tác ông bà đã bỏ cỏ, vỏ cà phê xuống giếng nên chỉ còn sâu khoảng 08m đến 09m.
Ngày 21/8/2016 âm lịch ông T, bà T có thuê bà Trần Thị L và bà Nguyễn Thị U cắt cành cà phê, công một ngày 200.000đồng. Khi làm bà T đã nói với bà U về việc trong vườn có cái giếng và bà U, bà L đã làm trong vườn nhà ông bà nhiều ngày rồi, trước đây cũng nhiều người làm vườn nhưng vẫn không sao. Hai người làm được một ngày đến ngày 22/8/2016 khoảng 09 giờ thì bà U chạy lên báo bà L bị té xuống giếng, ông bà đã gọi người cứu giúp đưa bà L lên khỏi giếng, lúc đó ông P cũng đến đưa bà L đi cấp cứu. Từ khi bà L đi điều trị ông bà đã nhiều lần thăm hỏi và có đưa cho bà L bốn lần tiền tổng cộng 2.800.000đồng.
Nay bà L khởi kiện yêu cầu ông bà phải bồi thường thiệt hại tổng cộng là 136.500.000đồng (Một trăm ba mươi sáu triệu năm trăm ngàn đồng) thì ông bà không không đồng ý vì tai nạn xảy ra ông bà không mong muốn nên ông bà chỉ đồng ý bồi thường 14.500.000đồng gồm: Tiền xe đi cấp cứu 1.000.000đồng; tiền xe taxi lên xuống 1.500.000đồng; Tiền thuốc men và tiền viện phí 12.000.000đồng.
Các khoản khác ông bà không đồng ý bồi thường mà sau này khi xong việc ông bà sẽ thăm hỏi tùy tâm ông bà. Ngoài ra ông T, bà T không còn yêu cầu gì khác.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng cũng như phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án theo hướng đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị L, buộc vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T phải bồi thường thiệt hại do tài sản của ông bà gây ra, tổng cộng là 49.300.000đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận của đương sự cũng như ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về quan hệ tranh chấp: Vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T có thuê bà Trần Thị L và bà Nguyễn Thị U làm công cho ông bà, khi làm việc bà L bị té xuống giếng nhà ông T, bà T dẫn đến bà L bị gẫy cột sống. Xét thấy, ngày 07/6/2017, Tòa án thụ lý vụ án và xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” là chưa chính xác vì bản thân ông T, bà T không trực tiếp gây thiệt hại đến sức khỏe của bà L mà tài sản thuộc sở hữu của ông T, bà T gây ra thiệt hại cho bà L. Vì vậy, cần xác định lại quan hệ tranh chấp của vụ án này là “Tranh chấp về yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng khác gây ra” là phù hợp.
[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa, ông Nguyễn Ngọc P giữ nguyên yêu cầu ông T, bà T phải bồi thường thiệt hại tổng cộng là 136.500.000đồng. Nhưng bà T cho rằng ông bà không có lỗi gây ra thiệt hại cho bà L và việc bà L bị tai nạn là ngoài ý muốn của ông T, bà T nên ông bà chỉ đồng ý bồi thường 14.500.000đồng gồm tiền xe, tiền thuốc và viện phí.
Đối với việc bà T cho rằng ông bà thuê bà L làm việc nhưng không có hợp đồng lao động, ông bà không có lỗi gây ra thiệt hại cho bà L và việc bà L bị tai nạn là ngoài ý muốn của ông T, bà T thì Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động thì “Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”. Ông T, bà T thừa nhận có thuê bà Trần Thị L và bà Nguyễn Thị U cắt cành cà phê hai ngày, công một ngày 200.000đồng, bắt đầu làm từ ngày 21/9/2016 dương lịch, làm việc đến ngày 22/9/2017 thì bà L bị té xuống giếng trong vườn cà phê của ông T, bà T ường. Như vậy, ông T, bà T không thể cho rằng hai bên không có hợp đồng lao động. Đồng thời, theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Lao động thì ông T, bà T có thuê bà L làm việc nên ông T, bà T phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bà L biết trong vườn nhà mình có giếng hoang để đảm bảo an toàn lao động khi làm việc nhưng ông T bà T không thông báo cho bà L biết là chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Theo bà T giếng này lúc đầu sâu khoảng 15m do bỏ hoang không sử dụng nên ông bà đã bỏ cỏ, cành cà phê lấp xuống giếng nên còn sâu khoảng 08m đến 09m nhưng ông bà cũng không xây thành giếng, không che chắn hay dùng các vật dụng khác che đậy, cấm biển thông báo ... để tránh nguy hiểm là chưa hết trách nhiệm bảo quản tài sản của mình và chưa đảm bảo an toàn cho người khác dẫn tới bà L không may bị té xuống giếng. Hơn nữa Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không quy định có yếu tố “lỗi” thì mới phải bồi thường và “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đồng thời theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác...” . Vì vậy, ông T, bà T phải bồi thường thiệt hại do tài sản của mình gây ra theo quy định.
Đối với bà L là người đi làm thuê cho ông T, bà T bị té xuống giếng gẫy cột sống chết từ lưng xuống, đôi chân không cử động được, tàn phế hoàn toàn là mất mác lớn đối với gia đình và bản thân bà L. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cũng là sự không may từ bà L và gia đình ông T, bà T ường. Mặc dù ông T, bà T không thông báo cho bà L biết trong vườn có giếng hoang và không che chắn giếng đảm bảo an toàn cho người khác nhưng theo bà U là người đi làm cùng bà L thì ngày đầu tiên hai người làm việc đã biết có cái giếng này, đến ngày làm việc thứ hai không hiểu tại sao bà L té xuống giếng. Như vậy cũng có một phần lỗi bất cẩn của bà L. Vì vậy, khi xem xét bồi thường thiệt hại cũng phải xem xét trách nhiệm từ hai bên để chia sẽ bớt khó khăn cho gia đình bà L và cũng phải đảm bảo quyền lợi của ông T, bà T nên mỗi bên phải chịu ½ số tiền bồi thường được chấp nhận là phù hợp.
Đối với các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm: Tiền xe đi cấp cứu 1.000.000đồng; Tiền xe taxi lên xuống 1.500.000đồng; Tiền công lao động người bệnh 280 ngày x 150.000đồng = 36.000.000đồng; Tiền công chăm sóc người bệnh 280 ngày x 150.000đồng = 36.000.000đồng; Tiền bồi thường tổn thất tinh thần 50.000.000đồng; Tiền thuốc men và tiền viện phí 12.000.000đồng. Tổng cộng là 136.500.000đồng . Xét thấy, đối với tiền xe đi cấp cứu 1.000.000đồng; tiền xe taxi lên xuống 1.500.000đồng; tiền thuốc men và tiền viện phí 12.000.000đồng bà T đồng ý bồi thường nên cần chấp nhận.
Đối với tiền công lao động người bệnh 280 ngày x 150.000đồng/01 ngày = 36.000.000đồng và tiền công chăm sóc người bệnh 280 ngày x 150.000đồng/01 ngày = 36.000.000đồng. Xét thấy, do thương tích của bà L quá nặng, từ khi bị thiệt hại đến nay bà L hoàn toàn không làm được việc mà phải nằm một chỗ, không tự chăm sóc bản thân do cơ thể bị tàn phế hoàn toàn nên cần người chăm sóc. Vì vậy, cần chấp nhận khoản thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian nằm viện và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị theo giấy ra viện là 102 ngày x 150.000đồng/01ngày = 15.300.000đồng; Tiền công lao động phổ thông của người chăm sóc trong thời gian nằm viện là 102 ngày x 150.000đồng/01ngày = 15.300.000đồng.
Đối với tiền bồi thường tổn thất tinh thần, tại phiên tòa ông P yêu cầu bồi thường 40 tháng lương cơ sở x 1.300.000đồng = 52.000.000đồng. Xét thấy, thiệt hại bà L phải gánh chịu là quá lớn nên bà L được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là phù hợp nhưng thực tế ông T, bà T không trực tiếp gây ra thiệt hại cho bà L. Ngoài một số yếu tố bảo quản tài sản của chủ sở hữu thì cũng do sự xui rủi không may của cả hai bên nên chỉ chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần tương đường 25 tháng lương cơ sở x 1.300.000đồng/tháng = 32.500.000đồng.
Tổng cộng các khoản bồi thường là 77.600.000đồng. Như đã nhận định phân tích nêu trên mỗi bên chịu một ½ chi phí này 35.550.000đồng (77.600.000đồng: 2). Như vậy, cần buộc ông T, bà T phải bồi thường cho bà L tổng số tiền 38.800.000đồng.
[3] Về án phí: Buộc ông T, bà T phải chịu 1.940.000đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền ông bà phải bồi thường cho bà L.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 584, Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 16, khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động;
Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; Điều 147; Điều 227, Điều 228 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử :
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị L, về việc yêu cầu vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T phải bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng khác gây ra.
Buộc vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị L số tiền 38.800.000đồng(Ba mươi tám triệu, tám trăm ngàn đồng).
“Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015”
2. Về án phí: Buộc vợ chồng ông Phạm Văn T, bà Chu Thị T phải chịu 1.940.000đồng(Một triệu chín trăm bốn mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự”.
Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.
File gốc của Bản án 20/2017/DS-ST ngày 24/08/2017 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng khác gây ra – Tòa án nhân dân Huyện Lâm Hà – Lâm Đồng đang được cập nhật.
Bản án 20/2017/DS-ST ngày 24/08/2017 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng khác gây ra – Tòa án nhân dân Huyện Lâm Hà – Lâm Đồng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Lâm Hà - Lâm Đồng |
Số hiệu | 20/2017/DS-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-24 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-24 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |