TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 243/2021/KDTM-PT NGÀY 18/03/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong ngày 18 tháng 3 năm 2021, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 205/2020/TLPT-KDTM ngày 01 tháng 12 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 707/2020/KDTM-ST ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 474/2021/QĐ-PT ngày 09 tháng 02 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 1393/2021/QĐ-PT ngày 05 tháng 3 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH HP;
Địa chỉ trụ sở: 75C, phường T, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Quốc; CMND số 173568350 do Công an tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 26/02/2007. Chức vụ: Giám đốc;
Người đại diện theo ủy quyền:
1/. Bà Lê Uyên; CMND số 225033419 do Công an tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 30/5/2009; địa chỉ: 89 phường T, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;
2/. Ông Nguyễn Mạnh; CMND số 017183482 do Công an Thành phố Hà Nội cấp ngày 07/5/2010; địa chỉ: 31 phường L, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
(Theo Giấy ủy quyền số 22/HP-UQ-2012 ngày 20/3/2012 và Hợp đồng ủy quyền số 1001/HĐUQ ngày 10/01/2021).
Bị đơn: Tổng công ty TC;
Địa chỉ trụ sở: Tầng 16, số 201-203, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan T; Căn cước công dân số 079070008668 do Cục Cảnh sát cấp ngày 18/06/2018;
Người đại diện theo ủy quyền:
1/. Ông Phạm Phước K; Căn cước công dân số 046083000425 do Cục Cảnh sát cấp ngày 29/6/2020; địa chỉ: 42/69B phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh;
2/.Ông Nguyễn Đức T; Căn cước công dân số 079071001483 do Cục Cảnh sát cấp ngày 22/4/2016; địa chỉ: 4.19, Phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo Giấy ủy quyền số 002/2021/UQ-GIC-PC ngày 04/01/2021 và Giấy ủy quyền số 059/2021/UQ-GIC-PC ngày 10/3/2021).
Người kháng cáo: Tổng công ty TC. (Các đương sự có mặt tại phiên tòa) Theo bản án sơ thẩm:
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn trình bày:
I/. Về năm đóng tàu, năm hoán cải tàu Hưng Phú 16:
Vào năm 2010, Công ty HP (sau đây gọi tắt nguyên đơn) có mua sà lan có tên đăng ký là SLTH của Hợp tác xã vận Thủy Bộ Phong Tranh (sau đây gọi tắt Hợp tác xã). Và Hợp tác xã đã giao cho Công ty HP:
1/. 01 sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa do Chi cục đăng kiểm 8 - Cần Thơ cấp (bản chính) thể hiện:
Năm, nơi thiết kế: 2008-Cty TVTK A&E. Năm, nơi đóng/hoán cải: 2008-Cần Thơ.
2/. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cấp thể hiện: Năm và nơi đóng là 1986 - Long An.
3/. Sau khi mua xong, Công ty HP đã cải tạo sà lan thành tàu và đổi tên thành tàu Hưng Phú 16 và Công ty HP đã rút toàn bộ hồ sơ gốc của sà lan từ Chi cục đăng kiểm 8 chuyển về Chi cục đăng kiểm 5. Sau khi cải tạo xong, Chi cục đăng kiểm 5 cấp cho Công ty HP:
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa và sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa thể hiện: Năm, nơi đóng/Hoán cải: 2008 Cần Thơ/2010 Nha Trang.
II/. Về giá mua bán sà lan:
Hai bên thỏa thuận giá mua bán sà lan là 1.470.000.000 đồng. Nhưng do Hợp tác xã đề nghị chỉ xuất hóa đơn thuế với giá 605.000.000 đồng nên Công ty HP đã ký lại hợp đồng mua bán sà lan với với giá mua bán là 605.000.000 đồng, thực tế thì thanh toán là 1.470.000.000 đồng.
III/. Về việc ký hợp đồng bảo hiểm:
Khi sà lan còn đang cải tạo, Công ty HP liên hệ với Công ty TC (sau đây gọi tắt bị đơn) để mua bảo hiểm và Công ty HP cung cấp cho Công ty TC gồm:
1/. 01 sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa do Chi cục đăng kiểm 8- Cần Thơ cấp (bản chính) thể hiện:
Năm, nơi thiết kế: 2008-Cty TVTK A&E. Năm, nơi đóng/hoán cải: 2008 - Cần Thơ.
2/. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cấp thể hiện: Năm và nơi đóng tàu là 1986-Long An.
Công ty Bảo hiểm đã gửi Công ty HP bảng chào phí bảo hiểm tàu số 20/2010/CP-GIC/KH ngày 30/06/2010 với nội dung: “Đối tượng bảo hiểm: sà lan tự hành, công suất 225CV, trọng tải 215 tấn, vùng hoạt động SI, sản xuất năm 1986, hoán cải năm 2010. Số tiền bảo hiểm: 01 tỷ đồng. Phí bảo hiểm là 15.000.000 đồng”. Tuy nhiên hai bên chưa ký hợp đồng mua bảo hiểm vì lúc này sà lan còn đang cải tạo.
Đến tháng 7/2010, sà lan đã cải tạo xong và được Chi cục đăng kiểm 5 cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa và sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa thể hiện: Năm, nơi đóng/Hoán cải: 2008 Cần Thơ/2010 Nha Trang. Công ty HP liên hệ lại Công ty TC đề nghị mua bảo hiểm cho tàu Hưng Phú 16 và gửi cho Công ty TC toàn bộ hồ sơ sà lan do Chi cục đăng kiểm 5 cấp. Lúc này, Công ty TC gửi bảng chào giá số 0038/CV-GIC/KH: “Đối tượng bảo hiểm: Tàu Hưng Phú 16. Công suất 250.0/9.5CV, vật liệu: Thép. Năm, nơi đóng/Hoán cải: 2008 Cần Thơ/2010 Nha Trang. Tỷ lệ phí: 1,5%”.
Sau đó, giữa hai bên đã ký Hợp đồng bảo hiểm số GT0234/10N10058 ngày 25/8/2010 có nội dung như sau:
- Đối tượng bảo hiểm:
+ Loại tàu: tàu đặt cần cẩu.
+ Năm đóng tàu: 2008.
+ Giá trị thân tàu: 1.500.000.000 đồng.
- Bảo hiểm thân tàu:
+ Điều kiện bảo hiểm: theo quy tắc bảo hiểm thân tàu sông của Toàn Cầu.
+ Thời hạn bảo hiểm: 01 năm.
Và kèm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số GT0234/10N10058 ngày 25/8/2010.
IV/. Về nộp phí bảo hiểm: Công ty HP nộp phí đầy đủ theo thỏa thuận.
V/. Về tai nạn của tàu Hưng Phú 16:
Ngày 30/10/2010, tàu Hưng Phú 16 bị tai nạn và mắc cạn tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa do thời tiết xấu.
Công ty HP đã nhiều lần yêu cầu Công ty TC (bị đơn) bồi thường nhưng Công ty TC không bồi thường vì cho rằng Công ty HP khai báo không trung thực về giá trị tàu, năm đóng tàu.
VI/. Về chi phí trục vớt, thanh lý xác tàu Hưng Phú 16:
Do giữa hai bên chưa thống nhất được phương án bồi thường và theo yêu cầu của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang nên Công ty HP phải bắt buộc thuê đơn vị khác để trục vớt, vận chuyển tàu Hưng Phú 16 về kho nhằm đảm bảo an toàn hàng hải.
Các chi phí được liệt kê như sau:
- Chi phí trục vớt tàu: 319.454.800 đồng.
- Chi phí vận chuyển tàu đến kho sau trục vớt: 30.800.000 đồng.
- Chi phí bán thanh lý tàu: 204.182.550 đồng.
VII/. Công ty HP yêu cầu Công ty TC thanh toán như sau:
- Bồi thường giá trị thân tàu: 1.500.000.000 đồng.
- Chi phí trục vớt tàu: 319.454.800 đồng.
- Chi phí vận chuyển tàu đến kho sau trục vớt: 30.800.000 đồng.
- Tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm: (1.500.000.000 đồng + 319.454.800 đồng + 30.800.000 đồng) x 09%/năm x 07 năm = 1.498.706.388 đồng.
Tổng cộng: 3.348.961.188 đồng. Yêu cầu thực hiện trả tiền ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp được bồi thường bảo hiểm thì Công ty HP đồng ý thanh toán cho Công ty TC tiền bán thanh lý xác tàu là 204.182.550 đồng. Và Công ty HP tự nguyện rút yêu cầu Công ty TC thanh toán chi phí đi lại.
- Bị đơn trình bày:
Bị đơn xác nhận có ký hợp đồng bảo hiểm và có cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho nguyên đơn như người đại diện của nguyên đơn đã trình bày.
Bị đơn không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn vì nguyên đơn khai báo không trung thực về giá trị tàu, năm đóng tàu Hưng Phú 16.
Theo quy định của bảo hiểm, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có giá trị pháp lý và phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm thì bị đơn mới có nghĩa vụ thanh toán chi phí trục vớt, vận chuyển tàu theo giá trị thực tế và sau khi đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm thì Công ty TC được quyền nhận lại xác tàu.
Bị đơn không có ý kiến gì về chi phí trục vớt, chi phí vận chuyển tàu đến kho và trị giá bán thanh lý xác tàu Hưng Phú 16 như người đại diện của nguyên đơn đã trình bày. Trong trường hợp Tòa án xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn chấp nhận với nguyên đơn về việc thanh toán cho bị đơn tiền bán thanh lý xác tàu là 204.182.550 đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm:
1/. Nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện như sau:
- Yêu cầu bị đơn bồi thường:
+ Trị giá thân tàu là 1.500.000.000 đồng.
+ Chi phí trục vớt tàu: 308.000.000 đồng.
+ Chi phí vận chuyển tàu đến kho sau trục vớt: 30.800.000 đồng.
+ Tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm (tạm tính từ ngày 11/3/2011 đến ngày 01/09/2020): (1.500.000.000 đồng + 308.000.000 đồng + 30.800.000 đồng) x 09%/năm x 9,5 năm = 1.572.174.000 đồng. Tổng cộng: 3.410.974.000 đồng.
- Và nguyên đơn chấp nhận thanh toán cho bị đơn tiền bán thanh lý xác tàu Hưng Phú 16 là 204.182.550 đồng.
- Nguyên đơn tự nguyện rút yêu cầu bị đơn thanh toán chi phí đi lại.
2/. Bị đơn và Luật sư Hoàng Văn M xác định hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu do nguyên đơn đã lừa dối về năm đóng tàu Hưng Phú 16, trị giá tàu Hưng Phú 16 và đề nghị Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bị đơn không có nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 707/2020/KDTM-ST ngày 01 tháng 9 năm 2020, Tòa án nhân dân Quận C, tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty HP:
1. Buộc Công ty TC bồi thường bảo hiểm cho Công ty HP về sự cố tàu Hưng Phú 16 bị tai nạn gồm các khoản sau:
- Trị giá thân tàu: 1.500.000.000 đồng.
- Chi phí trục vớt tàu: 308.000.000 đồng.
- Chi phí vận chuyển tàu đến kho sau trục vớt: 30.800.000 đồng.
- Tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm (tạm tính từ ngày 11/3/2011 đến ngày 01/09/2020): 1.572.174.000 đồng.
Tổng cộng: 3.410.974.000 đồng.
2. Buộc Công ty HP thanh toán cho Công ty TC số tiền bán thanh lý xác tàu Hưng Phú 16 là 204.182.550 đồng.
3. Các đương sự thực hiện thanh toán tiền ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Công ty TC còn tiếp tục chịu tiền lãi đối với số tiền phải thanh toán theo mức lãi suất thỏa thuận là 0,75%/tháng kể từ ngày 02/9/2020 cho đến khi thanh toán hết nợ cho Công ty HP.
Kể từ ngày Công ty TC có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi Công ty HP thi hành án xong, trường hợp Công ty HP chậm thực hiện trả nợ thì Công ty HP còn phải chịu tiền lãi theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại.
4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Công ty HP buộc Công ty TC thanh toán chi phí đi lại.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí; quyền kháng cáo và việc thi hành án của các đương sự theo quy định pháp luật.
Ngày 09/9/2020 bị đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Lý do: Nguyên đơn có hành vi giả mạo, cung cấp thông tin, hồ sơ chứng từ liên quan đến tàu bảo hiểm; xác định giá tàu không chính xác. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Đại diện nguyên đơn: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Đại diện bị đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Trần Thị Thúy Ái - Kiểm sát viên, phát biểu có nội dung chính như sau: Nhận thấy Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuân thủ đúng thủ tục tố tụng, các đương sự thực hiện được quyền và nghĩa vụ tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa và phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thừa nhận nội dung trình bày của các đương sự được ghi nhận trong bản án sơ thẩm là đúng; trong giai đoạn phúc thẩm các đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ giải trình về hồ sơ pháp lý của bị đơn và quá trình thực hiện hợp đồng. Xét, Tòa án nhân dân Quận C, thụ lý giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, giữa nguyên đơn với bị đơn là đúng trình tự, thủ tục thẩm quyền. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên đơn kháng cáo hợp lệ.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:
- Về tố tụng: Bản án sơ thẩm xác định bị đơn là Công ty TC là chưa chính xác; theo hồ sơ đương sự nộp bổ sung và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự trình bày thống nhất Công ty TC đã đổi tên thành Tổng công ty TC từ giai đoạn sơ thẩm. Xét, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tên bị đơn không chính xác là vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, việc vi phạm này không phải là vi phạm nghiêm trọng vì không làm thay đổi bản chất của sự việc (bị đơn vẫn là bị đơn) và quyền tố tụng của bị đơn vẫn được đảm bảo thực hiện. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm khắc phục, sửa phần này, bổ sung tên đầy đủ bị đơn là Tổng công ty TC.
- Về nội dung: Xét kháng cáo của bị đơn không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn vì nguyên đơn khai báo không trung thực về trị giá tàu, năm đóng tàu Hưng Phú 16. Hội đồng xét xử xét thấy:
Tại Công văn số 259/CC8 ngày 06/12/2019 của Chi cục đăng kiểm 8 và Công văn số 105/CC5 ngày 26/11/2019 của Chi cục đăng kiểm 5 đều xác định: Tàu Hưng Phú 16 được đóng năm 1986, hoán cải năm 2008, 2010. Việc ghi năm đóng/năm hoán cải trong sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa của các Chi cục có sai sót, thiếu năm đóng phương tiện. Như vậy, sai sót ghi thiếu năm đóng tàu tại các sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu Hưng Phú 16 thuộc về các Chi cục đăng kiểm.
Xét, khi ký hợp đồng bảo hiểm, nguyên đơn đã giao đủ toàn bộ hồ sơ pháp lý của tàu Hưng Phú 16 trong đó bao gồm cả Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cấp, thể hiện năm đóng tàu là 1986 cho bị đơn; việc này cho thấy nguyên đơn không khai báo gian dối về năm đóng tàu. Khi nhận đủ hồ sơ, bị đơn phải có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin pháp lý theo quy định tại Điều 3.2 của Hợp đồng bảo hiểm ngày 25/8/2010: “Khi nhận được giấy yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu liên quan nêu ở Điều 3.1, người bảo hiểm sẽ xem xét và tiến hành kiểm tra tình trạng thực tế của tàu. Nếu tàu thực sự đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật, người bảo hiểm sẽ chấp nhận và cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho tàu” nhưng bị đơn không thực hiện kiểm tra mà lại ký Hợp đồng bảo hiểm ngày 25/8/2010 và cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho nguyên đơn. Vì vậy, có cơ sở xác định nguyên đơn không khai báo gian dối về năm đóng tàu Hưng Phú 16 như bị đơn trình bày, mà lỗi thuộc về bị đơn không kiểm tra tình trạng tàu Hưng Phú 16 như nội dung tại Công văn số 208/CV-PC46 ngày 01/8/2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã nêu:“…Phòng kinh doanh không tiến hành kiểm tra tình trạng tàu nhưng vẫn chấp nhận và ký hợp đồng bảo hiểm thân tàu là không đúng quy định…”.
+ Về xác định trị giá thân tàu Hưng Phú 16:
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã kết luận giá mua bán sà lan (trước khi được cải tạo thành tàu Hưng Phú 16) là 605.000.000 đồng theo Hợp đồng kinh tế số 106/HP-PT ngày 28/5/2010.
Căn cứ Hợp đồng dịch vụ số 35/NTS/KD-2010 giữa Công ty HP và Công ty Nha Trang thì sà lan đã được cải tạo thành tàu Hưng Phú 16 với số tiền là 667.076.031 đồng.
Như vậy, đủ cơ sở xác định trị giá tàu Hưng Phú 16 là: (605.000.000 đồng + 667.076.031 đồng) = 1.272.076.031 đồng; đây là giá trị tàu Hưng Phú 16 được thể hiện trên sổ sách, chứng từ mua bán chứ không phải là giá thị trường của tàu Hưng Phú 16 tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Về nguyên tắc, để xác định được giá thị trường của tàu Hưng Phú 16 thì bị đơn/Tổng công ty TC phải tự xác định giá trị tài sản và tự chịu trách nhiệm hoặc trưng cầu đơn vị chuyên môn để thẩm định giá tài sản. Tuy nhiên, bị đơn không thực hiện thẩm định giá đối với tàu Hưng Phú 16 trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm là vi phạm nghĩa vụ “cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm, dẫn đến có điều khoản tại hợp đồng bảo hiểm không rõ ràng về việc xác định trị giá tàu Hưng Phú 16 và mức bồi thường bảo hiểm.
Tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.
Như vậy, trong trường hợp này lỗi được xác định thuộc về bị đơn/Tổng công ty TC nên việc xác định trị giá tàu Hưng Phú 16 phải theo hướng có lợi cho nguyên đơn/ Công ty HP theo điều luật đã viện dẫn. Thực tế, tàu Hưng Phú 16 đã bị tai nạn và hiện tại không còn nên không thể thực hiện được thẩm định giá tài sản. Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định trị giá tàu Hưng Phú 16 theo thỏa thuận của hai bên đã ký tại Hợp đồng bảo hiểm với số tiền 1.500.000.000 đồng là có căn cứ; đúng quy định pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.
Xét, quyết định của bản án sơ thẩm tuyên về lãi suất bị đơn phải chịu đối với nguyên đơn nếu chậm thực hiện trong giai đoạn thi hành án là không chính xác; vì vậy cấp phúc thẩm sửa lại phần này cho đúng với quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Do sửa bản án sơ thẩm, nên người kháng cáo là bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm; hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho bị đơn.
Xét, việc sửa một phần bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không có lỗi vì trong giai đoạn phúc thẩm các đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ giải trình về hồ sơ pháp lý của bị đơn và quá trình thực hiện hợp đồng nên được xem là có tình tiết mới tại cấp phúc thẩm. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Khoản 2 Điều 308; Khoản 2 Điều 148; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 306 Luật Thương mại; Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Tổng công ty TC. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 707/2020/KDTM-ST ngày 01/9/2020 của Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty HP:
1. Buộc Tổng công ty TC bồi thường bảo hiểm cho Công ty HP về sự cố tàu Hưng Phú 16 bị tai nạn, gồm các khoản sau:
- Trị giá thân tàu: 1.500.000.000 đồng.
- Chi phí trục vớt tàu: 308.000.000 đồng.
- Chi phí vận chuyển tàu đến kho sau trục vớt: 30.800.000 đồng.
- Tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm (tính từ ngày 11/3/2011 đến ngày 01/09/2020): 1.572.174.000 đồng.
Tổng cộng: 3.410.974.000 (Ba tỷ, bốn trăm mười triệu, chín trăm bảy mươi bốn ngàn) đồng.
2. Buộc Công ty HP thanh toán cho Tổng công ty TC số tiền bán thanh lý xác tàu Hưng Phú 16 là 204.182.550 (Hai trăm lẽ bốn triệu, một trăm tám mươi hai ngàn, năm trăm năm mươi) đồng.
3. Các đương sự thực hiện thanh toán tiền ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ ngày bên được thi hành án (nguyên đơn hoặc bị đơn) có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong nếu bên phải thi hành án (nguyên đơn hoặc bị đơn) không thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả thêm số tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại Điều 306 Luật Thương mại tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.
4. Án phí sơ thẩm:
- Tổng công ty TC phải chịu 100.219.480 (Một trăm triệu, hai trăm mười chín ngàn, bốn trăm tám mươi) đồng; nộp tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
- Công ty HP phải chịu 10.209.127 (Mười triệu, hai trăm lẽ chín ngàn, một trăm hai mươi bảy) đồng; nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 38.477.510 (Ba mươi tám triệu, bốn trăm bảy mươi bảy ngàn, năm trăm mười) đồng; theo Biên lai thu số AB/2010/03523 ngày 04/02/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn trả lại cho Công ty HP số tiền chênh lệch là 28.268.382 (Hai mươi tám triệu, hai trăm sáu mươi tám ngàn, ba trăm tám mươi hai) đồng.
5. Án phí phúc thẩm:
Tổng công ty TC không phải chịu án phí phúc thẩm nên được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà Công ty TC đã nộp 2.000.000 (Hai triệu) đồng theo các Biên lai thu số AA/2019/0007933 ngày 12/10/2020 (số tiền 300.000 đồng) và Biên lai thu số AA/2019/0032600 ngày 10/11/2020 (số tiền 1.700.000 đồng) của Chi cục Thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (18/3/2021).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 243/2021/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 243/2021/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 243/2021/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2021-03-18 |
Ngày hiệu lực | 2021-03-18 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |