TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 80/2020/KDTM-PT NGÀY 19/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH
Trong các ngày 17 và 19 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 96/2020/TLPT-KDTM ngày 18/3/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 21/2019/KDTM-ST ngày 12/11/2019 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 165/2020/QĐ-PT ngày 12/5/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 250/2020/QĐ-PT ngày 03/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty cổ phần thương mại H Địa chỉ: Số X ngõ H, phường T, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông H.V.D – Giám đốc; có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông L.V.C và ông L.D.H, Luật sư của Văn phòng Luật sư L, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; ông C và ông H có mặt
- Bị đơn: Công ty TNHH Q Địa chỉ cũ: V X Làng Y, phường Y, quận T, thành phố Hà Nội.
Địa chỉ mới: Z V, phường X, quận T, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Bà P.B – Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông L.H, Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn H.H. Địa chỉ: Số X V, phường L, quận Đ, thành phố Hà Nội; có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai, nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Công ty cổ phần thương mại H (gọi tắt: Công ty H) có chức năng kinh doanh, khai thác về các món ăn Âu, Á. Qua giới thiệu của bạn bè, làm ăn, Công ty H gặp bà B. Theo bà B giới thiệu thì Công ty TNHH Q (gọi tắt: Công ty Q) do bà làm giám đốc có mặt bằng kinh doanh thuê của BQL Khu đô thị C, nhưng chưa khai thác hết không gian và chưa có sản phẩm đồ ăn các món ăn Âu, Á. Vì vậy, hai công ty đã gặp nhau bàn bạc và đi đến thống nhất cùng nhau khai thác mặt bằng. Phía Công ty H chịu trách nhiệm về các sản phẩm đồ ăn món Âu, Á, phía Công ty Q chịu trách nhiệm về mặt bằng kinh doanh và các công cụ, đồ dùng trong khu bếp để đảm bảo cho nguyên đơn vận hành.
Ngày 08/6/2018 lãnh đạo hai công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, kèm theo 05 phụ lục hợp đồng. Sau đó chừng khoảng hơn chục ngày nguyên đơn 2 lần chuyển tiền đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng cho phía bị đơn với tổng số tiền là 562.500.000 đồng. Do phía bị đơn chậm trễ trong việc tạo mặt bằng và cơ sở mọi mặt tại khu bếp, nên mãi đến ngày 04/8/2018 phía nguyên đơn mới triển khai được con người, vật tư tại khu bếp theo nội dung, tiến độ và kế hoạch các bên đã thống nhất. Như vậy, so với dự kiến thì việc triển khai hợp tác kinh doanh đã bị chậm trễ hơn 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì phía bị đơn vẫn chưa tạo được mặt bằng để kinh doanh. Cụ thể là chưa có quầy Bar, chưa xong các hạng mục trong khu bếp.
Căn cứ xác định vi phạm của Công ty Q gồm: Vi phạm Khoản 2 Điều 4 của Hợp đồng ngày 08/6/2018; Bị đơn tự ý đóng cửa không kinh doanh vào các ngày 01,06,21/10/2018 mà không thông báo cho nguyên đơn.
Bắt đầu từ 04/8/2018 nguyên đơn triển khai việc cung cấp các món ăn theo thực đơn mà bị đơn yêu cầu và hai bên thống nhất.
Quá trình triển khai công việc, mặc dù trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh xác định rõ Công ty H được quyền khai thác trong khu bếp, nhưng phía Công ty Q liên tục can thiệp vào công việc chuyên môn và nhân sự, ngoài ra còn có nhiều hành vi khác như xúc phạm, đe doạ nhân viên. Từ đó gây cho nguyên đơn rất nhiều bức xúc. Hai bên liên tục phải họp tuần, trao đổi thư điện tử để có biện pháp cải thiện tình hình với mục tiêu cùng nhau khai thác mặt bằng và kinh doanh tốt. Tuy nhiên, trên thực tế giữa Công ty Q và Công ty H không tìm được tiếng nói chung. Nhận thấy triển vọng hợp tác đầu tư cùng nhau phát triển kinh doanh giữa hai bên là không còn, nên đến ngày 01.11.2018 Công ty H có văn bản gửi Công ty Q đề nghị dừng hợp đồng theo đúng tinh thần được xác lập tại điểm d khoản 3.1 Điều 3 của Hợp đồng hai bên ký ngày 08/6/2018. Nội dung văn bản này Công ty H đề nghị hai bên gặp nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thời gian 3 tháng.
Đến tối ngày 03/11/2018 phía Công ty Q đuổi nhân viên của Công ty H ra khỏi khu bếp và sáng ngày 04/11/2018 khi nhân viên của Công ty H đến làm việc thì thấy khu bếp đã bị niêm phong, nhân viên không được phép vào làm việc tại khu bếp theo hợp đồng đã ký. Kể từ đó nguyên đơn không thể tiếp cận khu bếp được nữa. Trong đó có các tài sản của Công ty H. Khoảng chừng hơn 1 tuần sau khi bị niêm phong Công ty H lên kiểm tra thì thấy khu bếp được Công ty Q dỡ bỏ niêm phong và triển khai hoạt động ở khu bếp bình thường.
Tại biên bản họp ngày 06/9/2018 các bên thoả thuận nguyên đơn nấu và cung cấp suất ăn trưa cho tất cả các nhân viên hoạt động tại Mặt bằng Dự án T – S, khu đô thị C. Như vậy, tính từ ngày 06/9/2018 đến ngày 03/11/2018 nguyên đơn đã cung cấp các suất ăn trưa cho nhân viên của cả hai công ty. Tổng số tiền ăn trưa khoảng hơn 25 triệu đồng.
Đến nay, Công ty H yêu cầu Công ty Q phải trả lại cho nguyên đơn số tiền đặt cọc là 562.500.000 đồng và thanh toán tiền ăn trưa cho Công ty H đồng thời bồi thường thiệt hại số tiền là 294.458.146 đồng, gồm các khoản: Tiền ăn trưa cho nhân viên là 32.925.000 đồng, lương của nhân viên trong thời gian làm việc tại Mặt bằng Dự án T – S là 47.532.236 đồng, tài sản của nguyên đơn là các dụng cụ để thực hiện việc nấu, chế biến thức ăn là 42.935.000 đồng và các loại chi phí hàng tồn kho của Công ty H là 9.156.300 đồng . Tổng số tiền là 562.500.000 đồng + 294.458.146 đồng.
Bị đơn và người đại diện của bị đơn trình bày:
Công ty Q phản đối hoàn toàn yêu cầu khởi kiện của Công ty H. Công ty Q giữ nguyên yêu cầu phản tố đối với Công ty H như trong đơn phản tố đã nêu. Chúng tôi xin trình bày cụ thể như sau:
Ngày 08/6/2018 Công ty Q và Công ty H cùng nhau ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác Mặt bằng Dự án T – S, khu đô thị C. Theo đó, Công ty H khai thác, vận hành khu bếp, làm các món ăn theo thực đơn do hai bên thống nhất. Ngoài ra hai bên có ký 5 phụ lục hợp đồng. Căn cứ để chúng tôi ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh là Công ty Q ký Hợp đồng với BQL Khu đô thị C, được quyền khai thác mặt bằng tại Mặt bằng Dự án T – S, khu đô thị C thuộc phường X, quận B, thành phố Hà Nội.
Sau khi ký hợp đồng Công ty H có 2 lần chuyển tiền cho Công ty Q.
Khoản tiền 112.500.000 đồng là phí cơ hội kinh doanh quy định tại khoản 3.1 Điều 3 Mục 2A của Hợp đồng ngày 08/6/2018. Số tiền 450.000.000 đồng Công ty H chuyển cho Công ty Q là tiền đặt cọc để đảm bảo tài sản (cơ sở vật chất) của Công ty Q khi hai bên đi vào hợp tác kinh doanh. Như vậy, toàn bộ số tiền 562.500.000 đồng mà Công ty H chuyển cho Công ty Q không phải là tiền đặt cọc hoàn toàn.
Khoảng hơn tháng sau khi ký hợp đồng và chuyển tiền, Công ty H bắt đầu triển khai hoạt động tại khu bếp.
Quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh Mặt bằng Dự án T – S, khu đô thị C, Công ty H có nhiều vi phạm dẫn đến không khai thác được đồ ăn. Ví dụ: Các chứng chỉ về vệ sinh, an toàn thực phẩm bên nguyên đơn chưa đáp ứng được; chưa chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về các đồ ăn theo Menu; vi phạm tiến độ công việc và nhân lực để thực hiện các món ăn tại khu bếp. Đến hết ngày 23/9/2018 thì Công ty H mới chốt xong menu và gửi cho Công ty Q. Bắt đầu ngày 01/10/2018 mới triển khai thực hiện theo menu này. Quá trình thực hiện công việc tại khu bếp, phía Công ty H có vi phạm nội quy hoạt động như vệ sinh, trang phục, an toàn thực phẩm... Công ty Q phát hiện và nhắc nhở nhiều lần nhưng Công ty H không khắc phục. Do không đáp ứng được công việc theo hợp đồng ký 08/6/2018, nên ngày 01/11/2018 Công ty H có văn bản chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh hai bên đã ký. Cũng trong ngày 01/11/2018 phía Công ty H đã dừng hoạt động tại khu bếp. Đến đêm 03/11/2018 nhận thấy khu bếp có dấu hiện mất an toàn, ảnh hưởng đến an toàn và an ninh của mặt bằng khu T, Công ty Q đã phải mời đại diện BQL Khu đô thị C chứng kiến việc niêm phong tài sản trong khu bếp.
Đến nay, Công ty Q xác định không có lỗi gì trong việc chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký ngày 08/6/2018. Đương nhiên Công ty Q không phải trả lại tiền cho nguyên đơn đúng theo tinh thần hợp đồng đã ký.
Việc hợp đồng không được tiếp tục thực hiện là do lỗi của bên Công ty H. Công ty Q sẵn sàng thanh toán số tiền ăn trưa nếu xuất trình đủ các chứng từ, thanh toán tiền thực phẩm còn lại trong khu bếp cho nguyên đơn; Công ty Q sẽ trả lại tài sản trong khu bếp do nguyên đơn mang đến.
- Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo yêu cầu phản tố:
Do nguyên đơn vi phạm và đơn phương chấm dứt hợp đồng không báo trước nên gây thiệt hai cho Công ty Q với số tiền là 311.881.853 đồng trong 3 tháng bị mất thu nhập do nguyên đơn dừng hoạt động. Nay Công ty Q đề nghị Toà án buộc Công ty H có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho bị đơn. Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký thì doanh thu trung bình của 1 tháng là 148.515.168 đồng x 3 tháng = 311.881.505 đồng. Số tiền này được đối trừ vào tiền thực phẩm khi bị đơn niêm phong bếp và thanh toán các suất ăn trưa do nguyên đơn cung cấp.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm 21/2019/KDTM-ST ngày 12/11/2019 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội đã xử:
I. Tuyên bố hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 08/6/2018 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Q ký kết với Công ty cổ phần thương mại H là vô hiệu.
II. Áp dụng các Điều 117, 122, 385,407,131, 466 và Điều 468 của Bộ luật dân sự; Các điều 292,302,303 và Điều 317 của Luật thương mại; Khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điểm g Khoản 1 Điều 40, Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 26, 27 Nghị quyết số 326/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về án phí Toà án.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần thương mại H đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Q.
2. Buộc Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Q có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đặt cọc đã nhận và tiền bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 929.048.536 đồng.
3. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty cổ phần thương mại H, nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Q không thi hành khoản tiền nêu trên thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Q phải trả khoản tiền lãi theo mức lãi là 10% năm cho đến khi trả hết các khoản tiền.
Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
4. Về án phí:
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Q phải chịu số tiền 39.871.456 đồng án phí đối với khoản tiền 929.048.536 đồng phải trả cho Công ty cổ phần thương mại H.
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Q phải chịu số tiền 15.594.093 án phí cho yêu cầu phản tố không được Toà án chấp nhận.
Tổng cộng buộc Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Q phải chịu án phí số tiền là 55.465.549 đồng. Được trừ số tiền 7.797.000 đồng tạm ứng án phí phản tố Công ty trách nhiệm hữu hạn Q đã nộp theo Biên lai thu tiền số: 0003117 ngày 04/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội. Công ty trách nhiệm hữu hạn Q còn phải nộp số tiền án phí là 47.668.549 đồng.
Hoàn trả Công ty cổ phần thương mại H số tiền tạm ứng án phí là 18.800.000 đồng, theo biên lai thu tiền số: 0002952 ngày 19/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội.
Án xử công khai, sơ thẩm, các đương sự có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Toà tuyên án.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, Công ty Q kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa hôm nay: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm và bác toàn bộ kháng cáo của bị đơn. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận xét và đề nghị:
- Vế tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng đúng pháp luật. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
- Về nội dung:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh không vô hiệu, nên bị đơn không phải trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc. Về các yêu cầu thanh toán tiền lương nhân viên của Công ty H, tiền thuê luật sư, tiền vay ngân hàng, tiền lãi đối với số tiền chiếm giữ không có căn cứ, nên không buộc bị đơn phải trả.
Bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền ăn trưa, tiền thực phẩm. Đối với các công cụ, thiết bị nấu ăn đang ở trong khu bếp đề nghị bị đơn trả lại cho nguyên đơn. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] - Về tố tụng:
- Đơn kháng cáo của Công ty Q được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.
- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:
Tranh chấp giữa Công ty H với Công ty Q phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nơi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh là mặt bằng dự án T-S, khu đô thị C thuộc phường X, quận B, thành phố Hà Nội. Nguyên đơn đã nộp đơn đề nghị giải quyết tại Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội, bị đơn không có ý kiến gì, nên Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm là đúng thẩm quyền.
[2] – Về nội dung:
Xét toàn bộ nội dung kháng cáo của Công ty Q, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:
Ngày 08/6/2018 Công ty H với Công ty Q cùng nhau ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung: Công ty H chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm là đồ ăn theo thực đơn còn Công ty Q chịu trách nhiệm kinh doanh tại mặt bằng dự án T-S khu đô thị C, phường X, quận B, thành phố Hà Nội. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ Công ty Q được 65%, còn Công ty H được hưởng 35%. Thời hạn của hợp đồng là 1 năm.
Theo hợp đồng trên nguyên đơn tự đầu tư chi phí cần thiết cho hoạt động phục vụ các món ăn Âu-Á bao gồm các chi phí nhập nguyên liệu, mua vật tư để vận hành khu bếp S, và tại khoản 2 Điều 3 của Hợp đồng các bên đã thỏa thuận: Công ty H sẽ đặt cọc cho Công ty Q 2 khoản tiền. Một là số tiền 112.500.000 đồng (tương đương 5000 USD) là chi phí cơ hội kinh doanh để đảm bảo lợi ích của Công ty H khi tham gia dự án. Hai là số tiền 450.000.000 đồng để làm chi phí bảo đảm cho cơ sở vật chất. Số tiền đặt cọc này sẽ được trừ vào chi phí hỏng hóc của các công cụ, dụng cụ mà bên Công ty Q bàn giao cho Công ty H trong suốt quá trình làm việc. Sau khi ký hợp đồng, Công ty H đã chuyển 2 khoản tiền trên cho Công ty Q và đến ngày 04/8/2018 Công ty H đã triển khai nhân sự, vật tư, thiết bị và các công cụ, phương tiện hoạt động tại khu bếp theo nội dung và kế hoạch mà các bên đã thống nhất trong hợp đồng.
Xét hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 08/6/2018 được ký kết giữa các bên trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận, chủ thể tham gia ký kết đều có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, nên có hiệu lực pháp luật buộc các bên phải thực hiện.
Án sơ thẩm xác định tại thời điểm ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty Q chưa ký được hợp đồng thuê mặt bằng với Ban quản lý C nên đối tượng của hợp đồng không thực hiện được theo Điều 408 của Bộ luật Dân sự là không có căn cứ bởi lẽ: Mặc dù tại thời điểm ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty Q chưa ký được hợp đồng thuê mặt bằng với Ciputra để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nhưng đến ngày 23/7/2018 Công ty Q đã ký hợp đồng với C và đến ngày 04/8/2018 Công ty H đã triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh và không có ý kiến gì. Như vậy, đối tượng của hợp đồng đã được thực hiện nên không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 408 của Bộ luật Dân sự.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 01/11/2018 Công ty H gửi Công ty Q thông báo số 82/TB-CDHD xác nhận: “Trong quá trình hợp tác, chúng tôi nhận thấy cả hai bên vẫn còn nhiều tồn đọng, đặc biệt là sự phối hợp trong vận hành, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý sản phẩm và vận hành sản phẩm đều có nhiều điểm không thống nhất. Đặc biệt là công ty chúng tôi chưa nhận thấy rõ triển vọng qua việc hợp tác này... chúng tôi xin dừng hợp tác kể từ ngày 01/11/2018”.
Căn cứ vào điểm d khoản 3.1 Điều 3 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 08/6/2018 quy định: “Nếu Bên B (Công ty H) muốn kết thúc hợp đồng hợp tác trước thời hạn, Bên B phải thông báo bằng văn bản cho Bên A (Công ty Q) trước 3 tháng. Bên A sẽ hoàn trả lại số tiền đặt cọc này (sau khi trừ các chi phí hỏng hóc nếu có) sau khi Bên A tìm được đối tác thay thế cho Bên B. Nếu Bên B vi phạm thời gian báo trước, Bên A sẽ không hoàn lại số tiền đặt cọc trên”.
Như vậy Công ty H đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thông báo trước cho Công ty Q trước 3 tháng nên đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng.
Án sơ thẩm buộc Công ty Q phải trả cho Công ty H 562.500.000 đồng tiền đặt cọc trong hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 08/6/2018; tiền lương nhân viên do Công ty H chi trả 47.532.236 đồng; tiền thuê luật sư 188.000.000 đồng; 65.000.000 đồng tiền lãi suất đối với số tiền Công ty Q chiếm giữ là không có căn cứ.
Xét nội dung kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu buộc Công ty H phải bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất trong 3 tháng (148.515.168 đồng x 3 tháng) là 311.881.505 đồng nhưng chưa xuất trình được những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại trên. Mặt khác, sau khi Công ty H thông báo dừng hoạt động từ ngày 01/11/2018 thì Công ty Q vẫn tiến hành hoạt động các ngày sau đó, nên án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ.
Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn xác nhận số tiền 14.425.000 đồng ăn trưa của nhân viên chưa thanh toán và 9.156.300 đồng tiền thực phẩm của Công ty H để lại nên Công ty Q phải thanh toán số tiền trên cho Công ty H.
Đối với công cụ, dụng cụ chế biến thực phẩm của Công ty H hiện để lại trong khu bếp do Công ty Q quản lý, tại phiên tòa hôm nay Công ty H đã thống kê các vật dụng trên nên chấp nhận yêu cầu của Công ty H buộc Công ty Q phải trả số tiền 42.935.000 đồng cho Công ty H tương ứng với giá trị của các công cụ, dụng cụ chế biến và Công ty Q được sở hữu các công cụ, dụng cụ chế biến đó.
Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm, nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Từ những nhận định trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Áp dụng Điều 30; Điều 37; Điều 38; Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự Áp dụng Điều 117; Điều 357; Điều 385; Điều 401; Điều 422; Điều 428; Điều 468 của Bộ luật Dân sự Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của Công ty TNHH Q. Sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 21/2019/KDTM-ST ngày 12/11/2019 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội.
1.Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần thương mại H.
Buộc Công ty TNHH Q phải thanh toán cho Công ty cổ phần thương mại H 14.425.000 đồng tiền ăn trưa của nhân viên Công ty TNHH Q; 9.156.300 đồng tiền thực phẩm tồn kho; 42.935.000 đồng tiền công cụ, dụng cụ chế biến thực phẩm. Tổng cộng là 66.516.300 đồng.
Công ty TNHH Q được sở hữu toàn bộ công cụ, dụng cụ chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần thương mại H đã để lại trong khu bếp.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần thương mại H về việc buộc Công ty TNHH Q phải trả 562.500.000 đồng tiền đặt cọc trong hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 08/6/2018; tiền lương nhân viên do Công ty cổ phần thương mại H chi trả 47.532.236 đồng; tiền thuê luật sư 188.000.000 đồng; 65.000.000 đồng tiền lãi suất đối với số tiền Công ty TNHH Q chiếm giữ. Tổng cộng là 863.032.236 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Q đề nghị Công ty cổ phần thương mại H phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng số tiền 311.881.505 đồng.
4. Về án phí sơ thẩm:
Công ty cổ phần thương mại H phải chịu 37.890.967 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; đối trừ vào 18.800.000 đồng tiền tạm ứng án phí (đã nộp) theo biên lai số 2952 ngày 19/7/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội; nên còn phải nộp 19.090.967 đồng.
Công ty TNHH Q phải chịu 3.325.815 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận và 15.594.075 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận. Tổng cộng là 18.919.890 đồng; đối trừ vào 7.797.000 đồng tiền tạm ứng án phí (đã nộp) theo biên lai số 3117 ngày 04/10/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội; nên còn phải nộp 11.122.890 đồng.
5. Về án phí phúc thẩm:
Trả lại Công ty TNHH Q số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm (đã nộp) theo biên lai số 3263 ngày 09/12/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 80/2020/KDTM-PT ngày 19/06/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh – Tòa án nhân dân Hà Nội đang được cập nhật.
Bản án 80/2020/KDTM-PT ngày 19/06/2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh – Tòa án nhân dân Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Số hiệu | 80/2020/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-06-19 |
Ngày hiệu lực | 2020-06-19 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |