TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 07/2019/KDTM-PT NGÀY 20/02/2019 VỀ TRANH CHẤP GIAO DỊCH TIỀN GỬI
Ngày 20/02/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 133/2018/TLPT-KDTM ngày 29/12/2018, về việc “Tranh chấp giao dịch tiền gửi”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 24/10/2018 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 21/2018/QĐXXPT-KDTM ngày 21/01/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 30/2019/QĐ-PT ngày 29/01/2019, giữa:
Nguyên đơn: Công ty TNHH Chế tạo Cơ khí H
Địa chỉ: Đường 80B, xã P, huyện T, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quang D - Giám đốc Công ty
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Đức T
- Văn phòng Luật sư T, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Bị đơn: Ngân hàng TMCP Q
Địa chỉ: Tầng 1, 6, 7 Tòa nhà C, số 16 phố P, phường P, quận H, Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị H1 sinh 1979, ông Nguyễn Duy B sinh 1984, bà Nguyễn Thị Bích N sinh 1988- Cán bộ Ngân hàng (Giấy ủy quyền số 3.1209.18 ngày 29/5/2018).
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1968; ông Trần Văn D, sinh năm 1967
Cùng trú tại: Thôn 5 xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Bà H2, ông D ủy quyền cho ông Nguyễn Mạnh T sinh 1976
Địa chỉ: Số 23, LK 13B, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
(Các đương sự và luật sư có mặt tại phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Công ty TNHH Chế tạo Cơ khí H (Gọi tắt là Công ty H) có mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Q (Gọi tắt là Ngân hàng Q) Chi nhánh T, phòng giao dịch TT. Tại bảng chi tiết tài khoản khách hàng thể hiện thời điểm trước khi bà Nguyễn Thị H2 (Nhân viên kế toán của Công ty H) gửi tiền tiết kiệm, tài khoản của Công ty H có số tiền là 3.651.363.613 đồng. Theo lời thừa nhận của bà H và bà Nguyễn Thị Phương T (Nhân viên Ngân hàng Q) và cũng là người trực tiếp thực hiện giao dịch rút tiền và gửi tiền với bà Nguyễn Thị H2 thì ngày 16/4/2018, khi bà H2 tới Ngân hàng nộp tiền mua xe ô tô trả góp cho Công ty H, bà T đã tư vấn cho bà H2 nên rút tiền từ tài khoản chuyển sang tiền tiết kiệm để hưởng lãi cao. Bà H2 thông báo sẽ về báo cáo lãnh đạo Công ty rồi quyết định. Sau khi được sự nhất trí từ lãnh đạo, Công ty H đã phát hành phiếu chi số tiền 3.000.000.000đ cho bà H2 để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm cho Công ty. Cùng ngày, bà H2 đã thực hiện giao dịch rút séc bằng tiền mặt số tiền 3.000.000.000đ và sau khi thực hiện giao dịch tiền gửi tại ngân hàng, bà H2 đã không kiểm tra sổ và cũng không quan tâm tới việc sổ tiết kiệm ghi tên chủ sở hữu là ai và đã giao lại cho Công ty H đủ 03 quyển sổ tiết kiệm.
Đến ngày 23/4/2018, Ngân hàng Q thực hiện lệnh phong tỏa 03 sổ tiết kiệm 3.000.000.000đ do bà H2 đứng tên với lý do hiện cá nhân bà H2 và ông D (chồng bà H2) còn nợ Ngân hàng một khoản tiền vay từ hợp đồng tín dụng trước đây. Mặc dù Công ty H đã nhiều lần có văn bản yêu cầu xóa bỏ lệnh phong tỏa với lý do đây là tiền của Công ty, không phải tiền gửi của cá nhân bà H2 nhưng Ngân hàng Q không xóa bỏ. Vì vậy, Công ty H đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng Q phải:
- Tuyên bố xóa bỏ việc phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Q đối với tài khoản 03 quyển sổ tiết kiệm số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3.000.000.000đ mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018 tại Ngân hàng TMCP Q chi nhánh T, phòng giao dịch TT.
-Tuyên hủy giao dịch dân sự tiền gửi tiết kiệm gồm 03 quyển sổ tiết kiệm sốQT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3.000.000.000đ mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018.
- Buộc Ngân hàng Q trả số tiền tiết kiệm gửi gốc 3.000.000.000đ cho Công ty H. Bà Nguyễn Thị H2 và ông Trần Văn D cũng có đơn yêu cầu độc lập đề nghị tuyên hủy giao dịch dân sự tiền gửi tiết kiệm gồm 03 quyển sổ tiết kiệm số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3.000.000.000đ mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018 tại Ngân hàng TMCP Q và trả lại cho Công ty H. Ngân hàng Q cho rằng trong 03 giao dịch tiền gửi của 3 sổ tiết kiệm do bà Nguyễn Thị H2 gửi tại Ngân hàng không có giao dịch nào liên quan đến Công ty H nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa Ngân hàng Q với Công ty H. Do vậy, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Bà Nguyễn Thị H2 và ông Trần Văn D là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập xác định số tiền 3.000.000.000đ trong 03 sổ tiết kiệm đứng tên bà H2 gửi tại Ngân hàng Q là tiền của Công ty H và nằm trong tài khoản của Công ty, do có sự tư vấn của bà T (Nhân viên Ngân hàng Q) nên chuyển sang tiền gửi lấy lãi suất cao hơn, bà H2 đã về báo cáo lãnh đạo Công ty và được nhất trí
giao cho đi gửi tiền tiết kiệm, bà H2 được bà Thúy làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản Công ty sang sổ tiết kiệm nhưng không kiểm tra việc bà T phát hành 03 sổ tiết kiệm mang tên cá nhân bà H2 mà vẫn mang sổ về nộp lại cho Công ty. Sau này Ngân hàng thông báo yêu cầu ông D, bà H2 đến giải quyết số nợ cá nhân của ông bà và phong tỏa 03 sổ tiết kiệm của Công ty H ông bà đã phản đối nhưng Ngân hàng vẫn không thực hiện việc xóa bỏ lệnh phong tỏa này. Ông D, bà H2 đề nghị Tòa án tuyên hủy giao dịch tiền gửi ngày 16/4/2018 giữa bà H2 với Ngân hàng Q để trả lại 3.000.000.000đ tiền gửi cho Công ty H.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 24/10/2018, TAND quận Hoàn Kiếm quyết định:
“1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H và yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị H2, ông Trần Văn D đối với Ngân hàng TMCP Q.
1.1.Tuyên bố xóa bỏ việc phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Q đối với tài khoản 03 quyển sổ tiết kiệm số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3 tỷ đồng mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018.
1.2 Tuyên hủy giao dịch dân sự tiền gửi tiết kiệm gồm 03 quyển sổ tiết kiệm số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3 tỷ đồng mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018.
1.3.Buộc Ngân hàng TMCP Q trả số tiền tiết kiệm gửi gốc 03 tỷ đồng trên 03 cuốn sổ tiết kiệm gồm QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018 cho Công ty H”
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm ngày 30/10/2018, Ngân hàng Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị hủy án với lý do phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm mang tính quy chụp, suy diễn, hoàn toàn dựa vào lời khai, quan điểm một phía từ nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà không xem xét khách quan các chứng cứ giao dịch và các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh đối với từng giao dịch.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn vẫn giữ yêu cầu kháng cáo. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu độc lập.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn trình bày luận cứ có nội dung: Bản chất số tiền 3.000.000.000đ trong 03 sổ tiết kiệm mang tên bà Nguyễn Thị H2 là tiền của Công ty H được Công ty giao cho bà H2 chuyển sang thành tiền gửi tiết kiệm theo tư vấn của nhân viên Ngân hàng nên bà H2 không phải là chủ sở hữu của số tiền này, Ngân hàng không có quyền phong tỏa 03 sổ tiết kiệm này để trừ vào số nợ của cá nhân bà H2 và chồng bà còn nợ Ngân hàng. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án có nội dung:
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền. Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán: Từ khi thụ lý đơn và trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán được phân công đã chấp hành đúng qui định của pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án đã chuyển hồ sơ và quyết định xét xử cho Viện kiểm sát đúng thời hạn. Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX đã thực hiện đúng qui định và yêu cầu chung của phiên tòa phúc thẩm: Thành phần HĐXX phúc thẩm; phạm vi xét xử phúc thẩm đúng qui định. Thư ký phiên tòa đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định tại Điều 51 Bộ luật tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án tại cấp phúc thẩm cũng như tại phiên tòa hôm nay, các đương sự đã chấp hành đúng theo qui định tại Điều 70, Điều 71 và Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung kháng cáo: Không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của
Bị đơn. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
XÉT THẤY
Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Ngân hàng Q làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận.
Xét về nội dung kháng cáo: HĐXX thấy rằng: Theo đơn khởi kiện của Nguyên đơn và tài liệu trong hồ sơ thể hiện việc Nguyên đơn đề nghị Tòa án xem xét buộc Ngân hàng Q xóa bỏ phong tỏa số tiền trong 03 sổ tiết kiệm số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 mang tên bà Nguyễn Thị H tại Ngân hàng Q - Chi nhánh T, phòng giao dịch TT, trả lại cho Công ty H số tiền 3.000.000.000 đồng.
Ngày 16/4/2018, tại Ngân hàng Q - Chi nhánh T phòng giao dịch TT đã diễn ra giao dịch rút séc bằng tiền mặt và gửi tiền vào sổ tiết kiệm giữa Ngân hàng và bà Nguyễn Thị H2. Hiện Ngân hàng Q đã phong tỏa số tiền trong 03 sổ tiết kiệm với lý do thu hồi nợ đối với khoản vay của bà Nguyễn Thị H2. Tức là các bên đang có tranh chấp đối với khoản tiền trong 03 sổ tiết kiệm nêu trên, Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp giao dịch tiền gửi” là đúng theo qui định.
Tài khoản của Công ty H mở tại Ngân hàng Q thể hiện ở bảng chi tiết thể hiện rõ trước thời điểm bà Nguyễn Thị H2 (Nhân viên kế toán của Công ty H) gửi tiền tiết kiệm thì tài khoản của Công ty H có số tiền là 3.651.363.613 đồng.
Bản thân bà Nguyễn Thị Phương T (Nhân viên Ngân hàng Q) người trực tiếp thực hiện giao dịch rút tiền và gửi tiền với bà Nguyễn Thị H2 thì ngày 16/4/2018 có lời khai trong Biên bản làm việc do Ngân hàng Q lập và khi cung cấp cho Tòa án đều xác định khi bà H2 tới Ngân hàng nộp tiền mua xe ô tô trả góp cho Công ty H, chính bà T là người tư vấn và thuyết phục bà H2 nên rút tiền từ tài khoản Công ty để chuyển sang mở sổ tiết kiệm để được hưởng lãi cao.
Bà T còn khai rằng: “Về mặt nghiệp vụ của giao dịch viên: tôi khẳng định tôi tư vấn cho khách hàng là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi. Tôi có nắm được việc nếu doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi trong tài khoản thì gửi tiết kiệm sẽ có lãi suất.
Lãi suất của doanh nghiệp gửi tiết kiệm khi gửi tiết kiệm, thủ tục phải do chủ doanh nghiệp ra ngân hàng gửi, ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng”. Như vậy, bà T hoàn toàn nắm được quy định của pháp luật về thủ tục gửi tiền tiết kiệm của cá nhân và của tổ chức là khác nhau. Thủ tục gửi tiết kiệm của cá nhân do cá nhân thực hiện.
Bà T còn trình bày: Giao dịch viên Ngân hàng có thể xác định được nguồn gốc của số tiền 3.000.000.000 đồng. Bà T khai rằng trong ngày 16/4/2018, bà Nguyễn Thị H2 đã xuất trình séc chi tiền mặt của Công ty H và chứng minh nhân dân, bà T đã thực hiện thủ tục rút tiền từ tài khoản của Công ty H và làm 03 sổ tiết kiệm mang tên bà Nguyễn Thị H2. Như vậy, số tiền trong 03 quyển sổ tiết kiệm mang tên bà Nguyễn Thị H2 có nguồn gốc là tiền của Công ty H, không phải là tiền của cá nhân bà H2 gửi tiết kiệm do đó ngân hàng không có quyền phong toả khoản tiền này để đối trừ khoản nợ của bà Nguyễn Thị H2 và ông Trần Văn D.
Tiếp theo, tại biên bản làm việc ngày 03/5/2018 giữa đại diện Ngân hàng Q, đại diện cơ quan an ninh và đại diện Văn phòng luật sư T đã thể hiện rõ nội dung: “Số tiền của Công ty H chưa sử dụng đến thì có thể gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn và khách hàng chưa thực hiện ngay và cũng chưa đồng ý gửi tiết kiệm mà ra về...”. Như vậy giao dịch viên của Ngân hàng Q cũng thừa nhận nguồn tiền gửi là của Công ty H. Bà T đã biết rõ thủ tục nghiệp vụ đối với giao dịch gửi tiền tiết kiệm nhưng khi tư vấn cho khách hàng đã không tư vấn đầy đủ, không giải thích rõ ràng, gây sự nhầm lẫn về chủ thể gửi tiền. Đây là lỗi của phía Ngân hàng trong quá trình diễn ra giao dịch gửi tiền. Tuy nhiên khi bà H đi giao dịch tại ngân hàng và nhận 03 sổ tiết kiệm về giao cho Công ty H, Công ty đã không kiểm tra lại sổ để có khiếu nại kịp thời đối với Ngân hàng để khắc phục sai sót là cũng có một phần lỗi. Do các bên cùng có lỗi dẫn đến sự nhầm lẫn trong giao dịch dân sự nên giao dịch tiền gửi bị vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập (Theo Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) . Vì vậy các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tòa án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn.
Từ những nhận định trên
Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
QUYẾT ĐỊNH
Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-STngày 24/10/2018 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Xử:
1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Chế tạo Cơ khí H và yêucầu độc lập của bà Nguyễn Thị H2, ông Trần Văn D đối với Ngân hàng TMCP Q.
1.1.Tuyên bố xóa bỏ việc phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Q đối với tài khoản tiết kiệm gồm 03 sổ tiết kiệm mang các số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3.000.000.000đ mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018.
1.2.Tuyên hủy giao dịch dân sự tiền gửi tiết kiệm gồm 03 sổ tiết kiệm mang các số QT 14419584, QT 14419585 và QT 14419586 có giá trị tiền gửi gốc là 3.000.000.000đ mang tên bà Nguyễn Thị H2 gửi ngày 16/4/2018.
1.3.Buộc Ngân hàng Q trả số tiền tiết kiệm gửi gốc 3.000.000.000đ trên 03 sổ tiết kiệm mang các số QT 14419584, QT 14419585 và số 14419586 đứng tên người gửi bà Nguyễn Thị H2, ngày gửi 16/4/2018 cho Công ty TNHH Chế tạo Cơ khí H.
2. Về án phí: Ngân hàng TMCP Q phải chịu 92.000.000đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000đ tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Ngân hàng đã nộp 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số 02674 ngày 02/11/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm.
Hoàn trả Công ty TNHH Chế tạo Cơ khí H 36.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm theo biên lai số 02299 ngày 15/5/2018. Hoàn trả bà Nguyễn Thị H2 + ông Trần Văn D 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 02432 ngày 03/7/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 07/2019/KDTM-PT ngày 20/02/2019 về tranh chấp giao dịch tiền gửi – Tòa án nhân dân Hà Nội đang được cập nhật.
Bản án 07/2019/KDTM-PT ngày 20/02/2019 về tranh chấp giao dịch tiền gửi – Tòa án nhân dân Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Số hiệu | 07/2019/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2019-02-20 |
Ngày hiệu lực | 2019-02-20 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |