TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 274/2017/DS-PT NGÀY 20/11/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 20 tháng 11 năm 2017 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 226/2017/TLPT-DS ngày 12 tháng 9 năm 2017 về tranh chấp về thừa kế tài sản. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 20/07/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 629/2017/QĐ-PTngày 26 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Phan Thị H, sinh năm 1942; cư trú tại: Hoa Kỳ (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn (theo văn bản ủy quyền ngày 17/11/2014): Ông Phan Ngọc H1, sinh năm 1945; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Hồ Thị N là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hồ N – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận (có mặt).
- Bị đơn: Anh Phan Ngọc H2, sinh năm 1982; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của bị đơn (theo văn bản ủy quyền ngày 04/12/2014): Ông Nguyễn Anh P, sinh năm 1978; cư trú tại: Phường M, thành phố N, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà Phan Thị D, sinh năm 1940; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
2/ Ông Phan Ngọc A, sinh năm 1944; cư trú tại: Xã K, huyện L, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
3/ Ông Phan Ngọc D, sinh năm 1949; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
4/ Bà Phan Thị Hoàng Đ, sinh năm 1952; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
5/ Ông Phan Ngọc P1, sinh năm 1953; cư trú tại: Thị trấn J, huyện L, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
6/ Bà Phan Thị A1, sinh năm 1959; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
7/ Bà Phan Thị N1, sinh 1950; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà D, ông A, ông D, bà Đ, ông P1, bà A1 và bà N1 (theo văn bản ủy quyền ngày 26/11/2014, ngày 04/12/2014 và ngày 14/12/2016): Ông Nguyễn Anh P, sinh năm 1978; cư trú tại: Phường M, thành phố N, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
8/ Ông Phan Ngọc H1, sinh năm 1945; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
9/ Ông Lê Văn H3, sinh năm 1967; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt, có đơn xin xử vắng mặt ngày 01 tháng 10 năm 2017).
10/ Bà Nhan Thị P2, sinh năm 1970; cư trú tại: Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt, có đơn xin xử vắng mặt ngày 01 tháng 10 năm 2017).
- Người kháng cáo: Bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, các lời khai của bà H và ông H1, nguyên đơn trình bày:
Cụ Phan X, sinh năm 1917, mất ngày 07/7/2008. Cụ Lê Thị T, sinh năm 1917, mất ngày 07/01/2004. Hai cụ sinh được 08 người con gồm: Bà Phan Thị D, sinh năm 1940; Bà Phan Thị H, sinh năm 1942; Ông Phan Ngọc A, sinh năm 1944; Ông Phan Ngọc H1, sinh năm 1945; Ông Phan Ngọc D, sinh năm 1949; Bà Phan Thị Hoàng Đ, sinh năm 1952; Ông Phan Ngọc P1, sinh năm 1959; Bà Phan Thị A1, sinh năm 1959.
Khi còn sống 02 cụ đã tạo lập được căn nhà 58,28m2 trên diện tích đất 546m2 tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận có tứ cận: phía Đông giáp nhà ông Năm K1, phía Tây giáp đường B, phía Nam giáp nhà ông Nguyễn K2, phía Bắc giáp hẻm 138 đường B.
Ngày 22/9/2003, cụ Phan X và cụ Lê Thị T đã lập di chúc cho các con là bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc H1, ông Phan Ngọc P1, bà Phan Thị A1 mỗi người diện tích đất 70m2 (ngang 5m, dài 14m). Ngày 27/12/2003, hai cụ tiếp tục lập di chúc bổ sung cho thêm những người trên mỗi người 01m ngang đất, riêng bà Phan Thị A1 03m ngang đất, những người được cho đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tranh chấp về di chúc này.
Ngày 14/01/2004, cụ Phan X lập di chúc, được Ủy ban nhân dân thị trấn R chứng thực, cho bà Phan Thị H được thừa hưởng di sản thừa kế lô đất có diện tích 75m2 đường B, Thị trấn R và toàn quyền định đoạt khi cần thiết (lô đất có tứ cận phía Đông giáp đất cụ Phan X, phía Tây giáp đường B, phía Nam giáp nhà ông Phan Ngọc D, phía Bắc giáp nhà ông Lê Văn H3).
Sau khi cụ X mất, ngày 13/6/2008, vợ chồng bà Phan Thị H, ông Nguyễn Đình N2 đã ủy quyền cho ông Phan Ngọc A, Phan Ngọc H1, Phan Ngọc D, Phan Ngọc P1 quản lý, trông coi thửa đất và những người này đã cho anh Phan Ngọc H2 là con ông Phan Ngọc D và bà Phan Thị N1 mượn đất cất nhà tạm để kinh doanh, sửa chữa điện tử. Tháng 02 năm 2014, bà H về Việt Nam đề nghị Phan Ngọc H2 trả lại đất nhưng Phan Ngọc H2 không đồng ý. Phần đất còn lại các đồng thừa kế đã thống nhất cho bà Phan Thị Hoàng Đ 01 phần để cất nhà và căn nhà thờ các đồng thừa kế đang quản lý để thờ cúng ông, bà và không tranh chấp tài sản này.
Phần đất tranh chấp bị lấn chiếm không gian bởi 01 tấm đan trên cửa lớn và 03 tấm đan trên 03 cửa sổ của bà Phan Thị N1 và 02 tấm đan trên 02 cửa sổ của vợ chồng ông Lê Văn H3, bà Nhan Thị P2.
Bà Phan Thị H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế diện tích đất nêu trên theo di chúc và theo pháp luật, yêu cầu anh Phan Ngọc H2 tháo dỡ căn nhà tạm để trả lại đất cho các đồng thừa kế của cụ X và cụ T, yêu cầu bà Phan Thị N1 tháo dỡ 03 tấm đan trên 03 cửa sổ, yêu cầu vợ chồng ông Lê Văn H3 và bà Nhan Thị P2 tháo dỡ 02 tấm đan đang lấn chiếm không gian phần đất tranh chấp.
Ngày 16/4/2013, bà H có văn bản từ chối nhận phần tài sản bà được thừa kế và giao lại toàn bộ cho em ruột là ông Phan Ngọc H1 toàn quyền sử dụng, định đoạt theo quy định. Ngày 17/11/2014, bà Phan Thị H tiếp tục ủy quyền cho ông Phan Ngọc H1 nhận số tài sản của bà được chia theo quyết định của Tòa án và ông H1 được quyền đứng tên chủ sử dụng đất phần tài sản của bà.
Bị đơn là anh Phan Ngọc H2 và người đại diện theo ủy quyền của anh H2 là ông Nguyễn Anh P trình bày:
Anh Phan Ngọc H2 là con ông Phan Ngọc D và bà Phan Thị N1. Năm 2008, được sự đồng ý cho mượn đất của các bác, cô, chú, anh đã xây dựng 01 căn nhà tạm khoảng 25m2 bằng vật liệu thô sơ đơn giản, mái lợp tôn (vách một phần xây, phần bằng cốt tre và tôn) trên diện tích đất tranh chấp để mở tiệm hớt tóc và sinh hoạt. Anh H2 đồng ý tháo dỡ căn nhà khi có yêu cầu và không có phản tố hay yêu cầu khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông Phan Ngọc H1 trình bày:
Thống nhất với nguyên đơn về hàng thừa kế, di sản thừa kế của cụ X và cụ T để lại. Sau khi cụ T chết, cụ X đã lập Bản di chúc có chứng thực chính quyền địa phương cho bà Phan Thị H diện tích đất 75m2 (đo đạc hiện trạng là 96,4m2). Các anh em trong gia đình đã được cha mẹ cho đất cất nhà ở và bán cho người khác. Thời gian bà H ở nước ngoài có nhờ các anh, em trong gia đình trông coi và các anh, em đã cho cháu Phan Ngọc H2 cất căn nhà tạm để sửa chữa điện tử. Ông xác định Bản di chúc do cụ Phan X lập có hiệu lực 01 phần đối với phần của cụ X, đề nghị chia di sản thừa kế của 02 cụ đối với diện tích đo đạc hiện trạng là 96,4m2 theo di chúc đối với phần di sản của cụ X và theo pháp luật đối với phần di sản của cụ T. Ông có nguyện vọng xin nhận bằng hiện vật đối với thửa đất và hoàn lại giá trị cho các đồng thừa kế và đồng ý nhận giá trị di sản được chia đối với phần được hưởng của bà H.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 trình bày:
Thống nhất về hàng thừa kế, di sản thừa kế của cụ Phan X và cụ Lê Thị T để lại, về tài sản đang tranh chấp là diện tích 75m2 đất (đo đạc hiện trạng là 96,4m2) như nguyên đơn trình bày. Các ông, bà xác định: Cụ T chết năm 2004 không để lại di chúc. Cụ X chết năm 2008 có để lại di chúc ngày 14/01/2004 cho bà Phan Thị H diện tích 75m2 đất.
Các ông, bà cho rằng Bản di chúc của cụ X không có hiệu lực vì các lý do: ngày 01/8/1998 cụ T và cụ X đã lập tờ ủy quyền cho ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc H1, ông Phan Ngọc D, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị D quản lý trông coi, giữ gìn bảo quản để thờ cúng ông, bà; cụ X lập di chúc cho đất bà H lúc cụ đã 87 tuổi, không có giấy khám sức khỏe để thể hiện tinh thần cụ minh mẫn, không có người làm chứng để chứng minh sự tự nguyện của cụ; tài sản lập di chúc là tài sản chung của cụ X và cụ T trong khi cụ T mất năm 2004 mà phần di sản của cụ T chưa chia; cụ X định đoạt tài sản này cho bà H là vượt quá phạm vi quyền sở hữu tài sản hợp pháp của mình, nên di chúc ngày 14/01/2004 chỉ có giá trị hiệu lực 01 phần nếu việc lập di chúc trên tuân theo đầy đủ các quy định pháp luật.
Bà D, ông A, ông D, bà Đ, ông P1 và bà A1 đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế là thửa đất có diện tích 75m2 đất (đo đạc hiện trạng là 96,4m2) tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận theo pháp luật, phần tài sản phân chia thống nhất giao cho bà D và bà D sẽ hoàn lại giá trị tài sản tương ứng cho các đồng thừa kế.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Phan Thị N1 trình bày:
Bà thừa nhận trên không gian đất tranh chấp có 03 tấm đan trên 03 cửa sổvà cam đoan sẽ tháo dỡ các tấm đan khi có quyết định của Tòa án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ông Lê Văn H3 và bà Nhan Thị P2 trình bày:
Trên phần không gian đất tranh chấp có gắn 02 máy lạnh và 02 tấm đan trên cửa sổ. Ông và bà đã gỡ 02 máy lạnh và cam đoan sẽ tháo dỡ 02 tấm đan khi có quyết định của Tòa án.
Diện tích thực tế của lô đất đang tranh chấp:
Diện tích 75 m2 đất tranh chấp tại Bản di chúc ngày 14/01/2004 do cụ X lập được Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đo đạc theo Mảnh chỉnh lý trích lục địa chính ngày 30/8/2016 được xác định từ điểm M1-M2-M3-M4-M5- M6 có hiện trạng diện tích 96,4m2.
Giá trị lô đất đang tranh chấp:
Tại Biên bản thỏa thuận về giá trị tài sản tranh chấp được lập ngày 11/02/2015, các bên đương sự thống nhất thửa đất tranh chấp có giá trị là 280.000.000 đồng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2017, Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã quyết định:
Áp dụng:
- Khoản 5 Điều 26, khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a,c khoản 1 Điều 39; Điều 92; khoản 2 Điều 147, Điều 205, khoản 2 Điều 228, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Điều 655, Điều 656, Điều 660, Điều 661, Điều 670 của Bộ luật dân sự năm1995;
- Điều 614, Điều 623, khoản 2 Điều 357, Điều 468, Điều 650, Điều 651, Điều 659, Điều 660 của Bộ luật dân sự 2015;
- Khoản 1 Điều 167, Điều 203 Luật đất đai;
- Điều 26 Luật thi hành án;
-Khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12 , khoản 1 Điều 14, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên Xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị H về việc chia di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.
Xác định diện tích 96,4 m2 đất đo đạc hiện trạng, tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận, giá trị là 280.000.000 đồng (Hai trăm tám chục triệu đồng) là di sản thừa kế của cụ Phan X và cụ Lê Thị T.
2. Chấp nhận sự tự nguyện của anh Phan Ngọc H2, bà Phan Thị N1 và ông Lê Văn H3, bà Nhan Thị P2, về việc: Anh H2 tháo dỡ căn nhà tạm với diện tích 16,89m2 (ngang 2,6m dài 6,4m); Bà N1 tháo dỡ 03 tấm đan trên 03 cửa sổ; vợ chồng ông Lê Văn H3, bà Nhan Thị P2 tháo dỡ 02 tấm đan trên 02 cửa sổ đang lấn chiếm không gian phần đất tranh chấp thuộc thửa đất số 511, tờ bản đồ số 34 có diện tích 96,4m2 tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận cho các đồng thừa kế của cụ Phan X, cụ Lê Thị T chia di sản thừa kế.
Vị trí, kích thước, mốc giới thửa đất được xác định từ điểm M1-M2-M3- M4-M5-M6 theo Mảnh chỉnh lý trích lục địa chính của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đo đạc ngày 30/8/2016 kèm theo.
3. Chia di sản thừa kế của cụ X và cụ T.
3.1. Chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản ½ diện tích 96,4m2 đất đo đạc hiện trạng là 48,2m2, tương ứng số tiền 140.000.000 đồng của cụ Lê Thị T theo kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế. Cụ thể: Ông Phan X; Ông Phan Ngọc H1; Bà Phan Thị H; Bà Phan Thị D; Ông Phan Ngọc A; Ông Phan Ngọc D; Bà Phan Thị Hoàng Đ; Ông Phan Ngọc P1; Bà Phan Thị A1, mỗi người được nhận giá trị kỷ phần thừa kế tương ứng với giá trị là 15.555.500 đồng.
3.2. Chia di sản thừa kế của cụ Phan X theo di chúc cho bà Phan Thị H. Bà Phan Thị H được nhận phần giá trị di sản của cụ X tương ứng với giá trị là 155.555.500 đồng (gồm giá trị ½ diện tích 96,4m2 đất đo đạc hiện trạng là 48,2m2, tương ứng giá trị 140.000.000 đồng và phần giá trị phần cụ X được chia thừa kế theo pháp luật của cụ Lê Thị T tương ứng với giá trị 15.555.500 đồng).
3.3. Phần giá trị di sản của bà Phan Thị H được nhận là 171.110.000 đồng (gồm phần giá trị được nhận của cụ X 155.555.000 đồng và phần giá trị bà H được chia thừa kế theo pháp luật của cụ Lê Thị T tương ứng với giá trị 15.555.500 đồng).
4. Chấp nhận sự tự nguyện về việc bà Phan Thị H giao phần giá trị di sản được nhận cho ông Phan Ngọc H1. Ông Phan Ngọc H1 được nhận phần giá trị di sản thừa kế của bà Phan Thị H tương ứng với giá trị là 171.110.000 đồng.
5. Chia bằng hiện vật: Giao cho ông Phan Ngọc H1 được quyền sử dụng thửa đất số 511, tờ bản đồ số 40, có diện tích 96,4m2 tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận. Vị trí, kích thước, mốc giới thửa đất được xác định từ điểm M1-M2-M3-M4-M5-M6 theo Mảnh chỉnh lý trích lục địa chính của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đo đạc ngày 30/8/2016 kèm theo.
Ông Phan Ngọc H1 có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
6. Về phần hoàn lại giá trị chênh lệch: Ông Phan Ngọc H1 có nghĩa vụ hoàn lại giá trị kỷ phần thừa kế cho bà Phan Thị D; ông Phan Ngọc A; ông Phan Ngọc D; bà Phan Thị Hoàng Đ; ông Phan Ngọc P1; bà Phan Thị A1, mỗi người là 15.555.500 đồng. Tổng cộng 06 người là 93.333.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thi hành xong các khoản tiền nêu trên thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất chậm trả theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/ năm; nếu không có thỏa thuận thì theo mức 10%/ năm tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, lệ phí và tuyên quyền kháng cáo, vấn đề thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ngày 01/8/2017, những người có quyền, nghĩa vụ liên quan là bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 kháng cáo yêu cầu sửa một phần Bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố Di chúc ngày 14/01/2004 của cụ Phan X là di chúc không hợp pháp toàn bộ, chia di sản thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế, ưu tiên cho bà Phan Thị D nhận đất và thanh toán giá trị cho các đồng thừa kế.
Tại phiên tòa phúc thẩm ông P đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các đương sự, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Di chúc lập ngày 14/01/2004 của cụ Phan X là di chúc không hợp pháp toàn bộ do có nội dung trái pháp luật, vi phạm thủ tục về chứng thực. Ông P đề nghị phân chia theo pháp luật đối với toàn bộ di sản thừa kết là 96,4m2 đất tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận cho các đồng thừa kế, ưu tiên cho bà Phan Thị D được nhận toàn bộ hiện trạng quyền sử dụng 96,4m2 đất và thanh toán lại giá trị cho các đồng thừa kế phần mà họ được hưởng.
Ông H1 và Luật sư N trình bày: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét các yêu cầu của họ. Di chúc của cụ X là hợp pháp vì có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, không vi phạm thủ tục xác nhận, cụ X minh mẫn, tự nguyện, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ điều kiện ký di chúc. Trong khi đó, các đương sự kháng cáo đã thực hiện di chúc trước, sau ngày cụ X mổ não nhưng gần hơn. Di chúc bị vô hiệu phần tài sản của cụ T không ảnh hưởng đến phần còn lại. Ông H1 nhận hiện vật vì phần của ông và bà H nhiều nhất, mục đích ông H1 nhận để bà H có nhà khi về Việt Nam và hồi hương lúc về già. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các đương sự, không giao hiện vật cho bà D vì bà D đã có nhà, đang xin cấp giấy theo xác nhận của chính quyền địa phương.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Di chúc của cụ X được lập hợp pháp là có căn cứ. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của cụ T và chia thừa kế theo di chúc của cụ X là đúng. Bà D bị mù do bệnh lý, không phải bị mù bẩm sinh nên không được hưởng phần thừa kế bắt buộc. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phan Thị H, anh Phan Ngọc H2, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1, bà Phan Thị A1, bà Phan Thị N1, ông Lê Văn H3 và bà Nhan Thị P2 vắng mặt. Tuy nhiên, bà H đã ủy quyền cho ông H1; anh H2, ông A, ông D, bà Đ, ông P1, bà A1, bà N1 đã ủy quyền cho ông Nguyễn Anh P; ông H3 và bà P2 có đơn xin xử vắng mặt. Ông H1, bà D, ông P và Luật sư N có mặt tại phiên tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Cụ Lê Thị T chết ngày 07/01/2004. Cụ Phan X chết ngày 07/7/2008. Ngày 24/7/2014, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc và pháp luật đối với tài sản là đất đai của cụ X và cụ T. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 688, khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì yêu cầu còn trong thời hiệu khởi kiện.
[3] Nguồn gốc thửa đất diện tích 75m2 tại Thị trấn R, huyện S đang tranh chấp (sau đây viết tắt là lô đất đang tranh chấp) được Ủy ban nhân dân huyện S xác định nằm giữa thửa đất 362 và thửa đất 364, tờ bản đồ số 34, là tài sản của vợ chồng cụ Phan X và cụ Lê Thị T, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Văn bản số 1368/UBND-NC ngày 07/7/2015 và Văn bản số 2190/UBND-NC ngày 29/10/2015). Theo Mảnh chỉnh lý, trích lục địa chính số 02-2016 do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận lập ngày 30/8/2016 thì diện tích đất tranh chấp được xác định tại thửa 511, tờ bản đồ số 40, đo đạc hiện trạng là 96,4m2. Như vậy, quyền sử dụng lô đất đang tranh chấp là tài sản chung của cụ X và cụ T.
[4] Anh Phan Ngọc H2 được những người con của cụ X và cụ T cho cất nhà tạm trên đất đang tranh chấp để mở tiệm sửa chữa điện tử nhưng chấp nhận sẽ tháo dỡ căn nhà tạm để trả đất khi chia thừa kế của cụ X và cụ T. Bà Phan Thị N1, ông Lê Văn H3 và bà Nhan Thị P2 thống nhất tháo dỡ các tấm đan trên cửa đang chiếm không gian trên phần đất đang tranh chấp. Việc trả lại hiện trạng đất của các đương sự là tự nguyện và hợp pháp nên Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.
[5] Cụ Phan X lập Di chúc để lại phần diện tích đất 75m2 cho con gái là bà Phan Thị H (định cư tại Hoa Kỳ) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn R chứng thực số 01 quyển số 01/2004/CC-SCT/DTTC ngày 14/01/2004. Ông Nguyễn Văn Thới - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn R là người trực tiếp chứng thực Di chúc xác nhận khi lập Di chúc ngày 14/01/2004, cụ X hoàn toàn minh mẫn, được người nhà chở đến Ủy ban lập Di chúc, được làm các thủ tục theo quy định và được kiểm tra đầy đủ. Văn bản chứng thực ghi nhận cụ X tự nguyện lập di chúc, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nội dung di chúc phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, cụ X đã đồng ý toàn bộ nội dung di chúc và ký tên vào tờ di chúc. Giấy chứng nhận thương tích và Giấy ra viện của Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận cụ X bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính bán cầu phải, được điều trị khoan sọ gặm sọ 3cm x 2,5cm, xẻ màng cứng, bơm rửa lấy máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, ở Bệnh viện 3 ngày (từ ngày 03/9/2002 đế ngày 06/9/2002). Ngoài ra, các đương sự trong vụ án không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh lúc lập Di chúc cụ X không còn minh mẫn. Như vậy có cơ sở xác định, cụ X đã được điều trị xong trước khi lập Di chúc ngày 14/01/2004 hơn một năm, tự nguyện lập Di chúc trong tình trạng hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc bị cưỡng ép.
[6] Di chúc ngày 14/01/2004 của cụ X là di chúc bằng văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 1995. Tại thời điểm lập di chúc, cụ X không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 661 Bộ luật Dân sự 1995 nên không cần phải có người làm chứng ký vào di chúc. Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về Công chứng, chứng thực (Sau đây viết tắt là Nghị định 75) có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2001 không quy định khi lập di chúc bắt buộc phải khám sức khỏe. Như vậy, không có căn cứ xác định Bản di chúc do cụ X lập ngày 14/01/2004 vi phạm trình tự, thủ tục về chứng thực. Hội đồng xét xử sơ thẩm công nhận tính hợp pháp của Di chúc cụ X lập là đúng với quy định tại các điều 655, 656, 660, 661 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Nghị định 75.
[7] Cụ T chết không để lại di chúc đối với phần tài sản chung với cụ X là lô đất đang tranh chấp nên di sản của cụ T có một nửa lô đất này. Cụ X lập Di chúc ngày 14/01/2004 cho bà H cả phần di sản của cụ T chưa chia nên Di chúc chỉ hợp pháp đối với phần di sản của cụ X. Phần di chúc mà cụ X định đoạt di sản của cụ T là không hợp pháp theo quy định tại Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 1995. Bà H đề nghị chia di sản thừa kế theo di chúc đối với phần của cụ X và chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần của cụ T là có căn cứ. Bà D, ông A, ông D, bà Đ, ông P1 và bà A1 kháng cáo yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ diện tích đất tranh chấp là không có cơ sở.
[8] Các đương sự thống nhất 96,4m2 đất tranh chấp, tọa lạc tại đường B, Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận có giá trị là 280.000.000 đồng nên di sản cụ X và cụ T được xác định mỗi người là ½ diện tích đất đo đạc hiện trạng, bằng 48,2m2 đất tương ứng với giá trị 140.000.000 đồng.
[9] Cụ T và cụ X có 08 người con, gồm bà D, bà H, ông A, ông H1, ông D, bà Đ, ông P1 và bà A1. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác đinh phần di sản của cụ T được chia thừa kế theo pháp luật cho 09 đồng thừa kế gồm cụ X, ông H1, bà H, bà D, ông A, ông D, bà Đ, ông P1, bà A1 mỗi người được hưởng 5,35555556m2 (được làm tròn thành 5,35m2) tương ứng số tiền 15.555.555,6 đồng (được làm tròn là 15.555.500 đồng) là có căn cứ.
[10] Như vậy, di sản của cụ X là quyền sử dụng phần đất có diện tích 53,55m2 tương ứng với 155.555.500 đồng (gồm phần tài sản của cụ X 48,2m2 đất và phần cụ X được hưởng thừa kế theo pháp luật của cụ T 5,35m2 đất).
[11] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà D và các đương sự xác định bà D bị mù hai mắt do bệnh lý, không phải do mù bẩm sinh. Mặt khác, tại Biên bản lấy lời khai ngày 13/01/2015 (Bút lục số 130), ông P1, bà D, bà A1, ông D và ông A xác nhận bà D đã được cha mẹ cho đất ở nơi khác. Như vậy, bà D không thuộc trường hợp được hưởng phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của cụ X. Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bà H là người được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của cụ X theo Bản di chúc ngày 14/01/2004 là có cơ sở. Vì vậy, phần di sản bà H được nhận từ cụ T và cụ X là quyền sử dụng diện tích 58,90m2 đất tương ứng với 171.111.000 đồng.
[12] Bà H có văn bản ngày 16/4/2013, văn bản ủy quyền ngày 17/11/2014 (Bút lục số 46) và bản tự khai ngày 21/01/2015 (Bút lục số 25) có nội dung: từ chối nhận phần tài sản được hưởng thừa kế từ cụ X và cụ T, giao cho ông H1 toàn quyền sử dụng, định đoạt, nhận và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà được chia theo quyết định của Tòa án. Ông H1 đồng ý nhận phần di sản thừa kế bà H được hưởng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông H1 được nhận quyền sử dụng diện tích 64,25m2 đất tương ứng với 186.66.500 đồng (bao gồm phần bà H được chia từ di sản của cụ X, cụ T và phần ông H1 được chia từ di sản của cụ T) là đúng.
[13] Bà D, ông A, ông D, bà Đ, ông P1 và bà A1 mỗi người được hưởng tài sản là quyền sử dụng 5,35m2 đất tương ứng số tiền 15.555.500 đồng, nếu chia bằng hiện vật cho từng người thì không đảm bảo được mục đích sử dụng đất. Ông H1 được nhận phần di sản thừa kế nhiều hơn các đồng thừa kế khác và đề nghị xin nhận bằng hiện vật. Căn cứ xác nhận ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thị trấn R và của những người tại địa phương, bà D hiện nay đã có nhà ở ổn định. Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận cho ông H1 nhận di sản thừa kế bằng hiện vật và trả lại giá trị cho những người thừa kế khác là đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc để bà D nhận di sản bằng hiện vật và trả lại giá trị cho những người thừa kế khác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận giao lô đất đang tranh chấp cho bà D trông coi, quản lý, sử dụng.
[14] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1, bà Phan Thị A1 và quan điểm của Luật sư Hồ Thị N.
[15] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nêu trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[16] Do không được chấp nhận kháng cáo nên bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 mỗi người phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này (Sau đây viết tắt là Nghị quyết số 326).
[17] Căn cứ Điều 2 Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày ngày 23 tháng 11 năm 2009, bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 là người cao tuổi nên thuộc trường hợp được miễn nộp án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326. Trong thời gian chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử không nhận được đề nghị miễn án phí của các đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326 nên không có căn cứ để xem xét vấn đề này.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1, bà Phan Thị A1.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Áp dụng:
- Điều 92, khoản 2 Điều 147, Điều 205, khoản 2 Điều 228, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Điều 655, Điều 656, Điều 660, Điều 661, Điều 670 của Bộ luật Dân sự năm 1995;
- Điều 614, Điều 623, khoản 2 Điều 357, Điều 468, Điều 650, Điều 651, Điều 659, Điều 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Khoản 1 Điều 167, Điều 203 Luật Đất đai;
- Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị H về việc chia di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.Xác định diện tích 96,4 m2 đất đo đạc hiện trạng, tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận, giá trị là 280.000.000 đồng (Hai trăm tám chục triệu đồng) là di sản thừa kế của cụ Phan X và cụ Lê Thị T.
2. Chấp nhận sự tự nguyện của anh Phan Ngọc H2, bà Phan Thị N1 và ông Lê Văn H3, bà Nhan Thị P2, về việc: Anh H2 tháo dỡ căn nhà tạm với diện tích 16,89m2 (ngang 2,6m dài 6,4m); bà N1 tháo dỡ 03 tấm đan trên 03 cửa sổ; vợ chồng ông Lê Văn H3 và bà Nhan Thị P2 tháo dỡ 02 tấm đan trên 02 cửa sổ đang lấn chiếm không gian phần đất tranh chấp thuộc thửa đất số 511, tờ bản đồ số 34 có diện tích 96,4m2 tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận cho các đồng thừa kế của cụ Phan X, cụ Lê Thị T chia di sản thừa kế. Vị trí, kích thước, mốc giới thửa đất được xác định từ điểm M1-M2-M3-M4-M5-M6 theo Mảnh chỉnh lý trích lục địa chính của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đo đạc ngày 30/8/2016.
3. Chia di sản thừa kế của cụ X và cụ T như sau:
- Chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản ½ diện tích 96,4m2 đất đo đạc hiện trạng là 48,2m2, tương ứng số tiền 140.000.000 đồng của cụ Lê Thị T theo kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế. Cụ thể: Cụ Phan X, ông Phan Ngọc H1, bà Phan Thị H, bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 mỗi người được nhận giá trị kỷ phần thừa kế tương ứng với giá trị là 15.555.500 đồng.
- Chia di sản thừa kế của cụ Phan X theo di chúc cho bà Phan Thị H. Bà Phan Thị H được nhận phần giá trị di sản của cụ X tương ứng với giá trị là 155.555.500 đồng (gồm giá trị ½ diện tích 96,4m2 đất đo đạc hiện trạng là 48,2m2 tương ứng giá trị 140.000.000 đồng và phần giá trị phần cụ X được chia thừa kế theo pháp luật của cụ Lê Thị T tương ứng với giá trị 15.555.500 đồng).
- Phần giá trị di sản của bà Phan Thị H được nhận là 171.110.000 đồng (gồm phần giá trị được nhận của cụ X 155.555.000 đồng và phần giá trị bà H được chia thừa kế theo pháp luật của cụ Lê Thị T tương ứng với giá trị 15.555.500 đồng).
4. Chấp nhận sự tự nguyện về việc bà Phan Thị H giao phần giá trị di sản được nhận cho ông Phan Ngọc H1. Ông Phan Ngọc H1 được nhận phần giá trị di sản thừa kế của bà Phan Thị H tương ứng với giá trị là 171.110.000 đồng.
5. Giao cho ông Phan Ngọc H1 được quyền sử dụng thửa đất số 511, tờ bản đồ số 40, có diện tích 96,4m2 tọa lạc tại Thị trấn R, huyện S, tỉnh Bình Thuận. Vị trí, kích thước, mốc giới thửa đất được xác định từ điểm M1-M2-M3- M4-M5-M6 theo Mảnh chỉnh lý trích lục địa chính của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đo đạc ngày 30/8/2016. Ông Phan Ngọc H1 có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
6. Ông Phan Ngọc H1 có nghĩa vụ hoàn lại giá trị kỷ phần thừa kế cho bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 mỗi người là 15.555.500 đồng (Tổng cộng 06 người là 93.333.000 đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thi hành xong các khoản tiền nêu trên thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất chậm trả theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/ năm; nếu không có thỏa thuận thì theo mức 10%/ năm tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bà Phan Thị D, ông Phan Ngọc A, ông Phan Ngọc D, bà Phan Thị Hoàng Đ, ông Phan Ngọc P1 và bà Phan Thị A1 mỗi người phải chịu 300.000 (ba trăm ngàn) đồng án phí dân sự phúc thẩm. Bà Phan Thị A1 được trừ án phí dân sự phúc thẩm 300.000 (ba trăm ngàn) đồng vào khoản tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2013/0017363 ngày 10/8/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 274/2017/DS-PT ngày 20/11/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân cấp cao đang được cập nhật.
Bản án 274/2017/DS-PT ngày 20/11/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản – Tòa án nhân dân cấp cao
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân cấp cao |
Số hiệu | 274/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-11-20 |
Ngày hiệu lực | 2017-11-20 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |