TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 107/2017/DS-PT NGÀY 08/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
Ngày 08 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 115/2017/TLPT-DS ngày 05 tháng 7 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 41/2017/DS-ST ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện TVT bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 145/2017/QĐ-PT ngày 17 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Tống Bích N, sinh năm 1984 (có mặt). Địa chỉ cư trú: Khóm B, thị trấn SĐ, huyện TVT, tỉnh Cà Mau.
- Bị đơn: Anh Nguyễn Bá C, sinh năm 1980 (có mặt). Địa chỉ cư trú: Khóm B, thị trấn SĐ, huyện TVT, tỉnh Cà Mau.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Phạm Bạch Đ, sinh năm 1993 (có mặt)
2. Anh Lê Văn Ch, sinh năm 1984
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của anh Lê văn Ch: Chị Tống Bích N , sinh năm 1984 (Theo văn bản ủy quyền ngày 07/8/2017)
3. Anh Phạm Vũ L, sinh năm 1994 (có mặt)
Cùng địa chỉ cư trú: Khóm B, thị trấn SĐ, huyện TVT, tỉnh Cà Mau
- Người kháng cáo: Chị Tống Bích N là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Anh Nguyễn Bá C là bên thu mua ghẹ, chị Tống Bích N là bên bán ghẹ. Chị N là chủ phương tiện ghe biển mang biển số CM 99692.
Theo nguyên đơn là chị Tống Bích N trình bày: Sáng ngày 14/11/2016 chị N có nói với anh C là ghe chị N có bán ghẹ cho anh C, anh C đừng trả tiền ngoài biển mà vô bờ trả cho chị N. Lúc này trên ghe chị N có Phạm Vũ L, Lê Văn Ch, Ý, Mẹo, Sang, Liệt, Trinh. Quá trình mua, bán anh L (ngư phủ đi ghe chị N) là người trực tiếp đứng ra bán ghẹ cho bên ghe anh C, sau đó anh C có viết cho 01 hóa đơn ngày 14/11/2016 có tên khách hàng “71 Chí” với số tiền 20.470.000 đồng (nhưng anh C không có đưa tiền cho anh L). Vào ngày 15/11/2016 chị N có điện thoại cho anh C nói lấy tiền bán ghẹ ngày 14/11/2016, thì anh C nói là “khi nào anh C vô bờ thì anh C liên hệ chị N qua lấy tiền”. Sau đó chị N tiếp tục gọi điện cho anh C yêu cầu trả tiền, thì anh C nói là ngày 14/11/2016 khi mua ghẹ với anh L thì đã trả tiền ngoài ghe rồi. Ngoài ra, chị N còn xác định ghe chị N thường mua bán với anh C, khi mua bán nếu trả tiền xong thì hóa đơn thể hiện có chữ “Rồi”, nếu như không trả tiền thì hóa đơn thể hiện có chữ “Thiếu lại”. Nay chị N yêu cầu anh C trả số tiền 20.470.000 đồng.
Bị đơn là anh Nguyễn Bá C trình bày: Vào ngày 14/11/2016 anh C có thu mua ghẹ của ghe chị N trên biển, vào ngày đó trên ghe chị N, anh C chỉ biết anh Ch làm tài công ghe chị N. Vào ngày 14/11/2016 khi mua bán ghẹ thì anh C giao cho anh Phạm Bạch Đ giao dịch mua bán với Tý (là Phạm Vũ L), mua bán với số lượng 155 kg (trừ ra 01 ký ghẹ chết) với số tiền 20.790.000 đồng sau đó có trừ ra tiền 01 thùng bia và 05 cây nước đá với giá 320.000 đồng, số tiền còn lại 20.470.000 đồng, anh C có viết 01 hóa đơn có tên khách hàng là “71 Chí” ngày 14/11/2016 đưa cho Tý (lúc này Phạm Bạch Đ là kế toán của anh C đã đưa tiền cho Tý rồi với số tiền 20.470.000 đồng, nên hóa đơn anh C có ký chữ “Rồi” vào hóa đơn). Ngoài ra anh C còn xác định các lần giao dịch trước với ghe chị N và các ghe biển khác nếu anh C có nợ tiền để vô bờ trả thì anh C ghi là “Thiếu lại” vào hóa đơn, còn nếu trả rồi thì anh C ghi chữ “Rồi” vào hóa đơn. Anh C xác định là hóa đơn mua bán với ghe chị N vào ngày 14/11/2016 là đã trả rồi. Nay anh C không đồng ý trước yêu cầu của chị N.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Phạm Bạch Đ trình bày: Anh Đ là ngư phủ làm thư ký cho anh C. Ghe của anh C có thường xuyên mua bán ghẹ với ghe chị N. Vào ngày 14/11/2016 ghe của anh C có thu mua ghẹ của ghe chị N, Phạm Vũ L (Tý) là ngư phủ đi ghe chị N là người bán ghẹ còn anh Đ là người trực tiếp cân ghẹ, việc mua bán chỉ có anh Đ và anh Tý đứng ra mua bán, số tiền mua ghẹ trên 20 triệu đồng, anh Đ là người trực tiếp đưa tiền, anh L là người nhận tiền, sau đó anh Đ có đưa cho anh L 01 hóa đơn có tên khách hàng là “71 Chí” ngày
14/11/2016 có ký chữ “Rồi” của anh C. Anh Đ xác định khi mua bán với nhau trả đủ tiền thì ghi chữ “Rồi” vào hóa đơn, còn thiếu lại thì ghi chữ “Thiếu lại” vào hóa đơn. Khi viết hóa đơn thì bên ghe anh C giữ lại hóa đơn phần gốc, còn phần hóa đơn “in kê” đưa cho ghe chị N.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Lê Văn Ch trình bày: Vào ngày 14/11/2016 anh C là người thu mua ghẹ có lên máy bộ đàm nói với anh Ch là “Chí ơi bữa nay bán ghẹ khỏi lấy tiền để vô nhà Út Ngân lấy”, khoảng 02 giờ chiều cùng ngày cặp ghe lại bán ghẹ, do lúc đó có sóng to gió lớn nên anh Ch kêu anh Phạm Vũ L (Tý) bán ghẹ, sau khi bán ghẹ xong anh L đưa phiếu (hóa đơn) cho anh Ch chứ không có đưa tiền cho anh Ch, do thời gian gấp nên anh Ch không có xem lại hóa đơn mà cất vào tủ luôn. Đến sáng ngày 15/11/2016 chị N gọi cho anh Ch hỏi “Sao không gởi tiền vô mà lấy chi vậy”, anh Ch trả lời “có lấy phiếu chứ không có lấy tiền”. Sau đó chị N nói là anh C nói “Phiếu ghi chữ “Rồi” là trả tiền rồi”, sau đó anh Ch hỏi anh L ngày hôm qua bán ghẹ có lấy tiền không, thì Linh trả lời là có lấy phiếu chứ không có lấy tiền. Đến ngày 29/11/2016 anh Ch đem phiếu ra kiểm tra thì thấy ngày 04/11/2016 trong đó có tiền nhưng ghi chữ “Thiếu lại”, còn phiếu ngày 14/11/2016 có ghi chữ “Rồi” nhưng thực tế không có tiền. Hiện nay các hóa đơn mua bán anh Ch đã đưa cho chị N rồi.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Phạm Vũ L trình bày: Vào ngày 14/11/2016, khoảng 02 giờ chiều, anh C có thu mua ghẹ của ghe chị N, anh L là người có qua ghe của anh C để bán ghẹ với số tiền bán được là 20.470.000 đồng, nhưng anh L chỉ lấy hóa đơn chứ không có nhận tiền, vì thời gian gấp quá với sóng to gió lớn nên anh L quay trở về ghe và nói với anh C là “tiền đem vô nhà chủ ghe ra lấy, ngoài ghe sóng gió lu bu quá à em không lấy đâu”, sau đó anh C trả lời “ừ”. Đến ngày 15/11/2016 anh Ch (là tài công ghe của chị N) hỏi anh L “hôm qua bán ghẹ có nhận tiền không”, anh L trả lời là “có lấy phiếu chứ không có lấy tiền, hồi hôm qua bán ghẹ xong có nói với anh C là đem tiền vô cho chủ ghe mà”.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 41/2017/DS-ST ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện TVT quyết định: Căn cứ vào các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị Tống Bích N về việc yêu cầu anh Nguyễn Bá C trả số tiền là 20.470.000 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 12/6/2017, chị Tống Bích N kháng cáo yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm 41/2017/DS-ST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện TVT.
Tại phiên tòa phúc thẩm chị N giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử là đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của chị N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm chị Tống Bích N đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc anh Nguyễn Bá C phải thanh toán cho chị N số tiền là 20.470.000 đồng. Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy rằng:
[1] Hiện chị N xác định anh C vẫn còn nợ tiền mua ghẹ của chị vào ngày 14/11/2016 là căn cứ vào sự kiện sáng ngày 14/11/2016 chị N đã điện thoại nói trước với anh C, đề nghị không được thanh toán tiền mua ghẹ ngoài biển mà phải về đất liền thanh toán cho chị và anh Phạm Vũ L người trực tiếp giao hàng cho anh C, cũng xác định chưa nhận tiền nên hiện chị N cho rằng mặc dù hóa đơn có ghi chữ “Rồi” nhưng chưa thanh toán tiền, đây chỉ là do sơ suất của anh L và anh Ch không kiểm tra hóa đơn. Căn cứ này của chị N là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ, bản thân chị N cũng thừa nhận quá trình mua bán ghẹ giữa nguyên đơn, bị đơn đã được được thực hiện nhiều lần, diễn ra khoảng 01 năm nay và trong thời gian mua bán các đương sự có thỏa thuận việc thanh toán có thể trực tiếp tại ghe trên biển, do tài công hoặc ngư phủ đi ghe của chị N thực hiện, hoặc sau đó sẽ về đất liền thanh toán cho chị N. Đối với việc thanh toán trực tiếp hay thiếu lại sẽ được thể hiện tại tờ hóa đơn nhận hàng của bên mua cung cấp, nếu đã thanh toán xong thì sẽ ghi chữ “Rồi” vào hóa đơn, chưa thanh toán thì ghi chữ “Thiếu lại”, quy định này của chị N, anh C cũng chính là thông lệ chung của các chủ ghe biển khác. Bản thân anh L tại phiên tòa cũng xác định anh đã hiểu rõ quy định này nhưng do sơ suất không kiểm tra là không có cơ sở chấp nhận. Trong khi đó anh C, anh Đ đã khẳng định chính anh Đ thanh toán trực tiếp cho anh L sau khi mua, bán, điều này được chứng minh tại hóa đơn anh L nhận đưa cho chị N có ghi chữ “Rồi”.
[2] Ngoài ra, anh C không thừa nhận sáng ngày 14/11/2016 chị N điện thoại nói với anh C là không trả tiền ngoài biển mà vô bờ trả cho trực tiếp cho chị N. Chị N không có chứng cứ gì khác để chứng minh rằng anh C chưa trả số tiền 20.470.000 đồng cho chị. Như vậy, chị N yêu cầu anh C thanh toán số tiền trên là
không có căn cứ.
[3] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Tống Bích N về việc yêu cầu anh Nguyễn Bá C trả số tiền 20.470.000 đồng là có cơ sở nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của chị N.
[4] Do không chấp nhận kháng cáo của chị N nên án phí dân sự phúc thẩm chị N phải chịu theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Tống Bích N.
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 41/2017/DS-ST ngày 30 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện TVT.
Tuyên xử:
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị Tống Bích N về việc yêu cầu anh Nguyễn Bá C trả số tiền là 20.470.000 đồng.
Án phí phúc thẩm: Chị Tống Bích N phải chịu 300.000 đồng, chị N đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai số 0007054 ngày 12/6/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện TVT được chuyển thu.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 107/2017/DS-PT ngày 08/08/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản – Tòa án nhân dân Cà Mau đang được cập nhật.
Bản án 107/2017/DS-PT ngày 08/08/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản – Tòa án nhân dân Cà Mau
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Số hiệu | 107/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-08 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-08 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |