ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/TT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 9 năm 1978 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC TIẾP NHẬN VÀ PHÂN PHỐI HÀNG CỨU TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
Ngày 8-9-1978, Ủy ban Nhân dân thành phố đã triệu tập cuộc họp có các ban, ngành, sở có liên quan và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để bàn biện pháp tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ cho những người tị nạn nhằm đảm bảo quản lý được chặt chẽ và phân phối hàng nhanh chóng, đúng đối tượng. Trên cơ sở những kết luận của hội nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ban, ngành, sở và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thực hiện đúng những quy định sau đây:
1. Theo sự hướng dẫn của Phó Thủ tướng, đối tượng được nhận hàng cứu trợ bao gồm những người tị nạn từ Campuchia sang (bao gồm người Campuchia, người Việt và người Hoa) và những người bị ảnh hưởng chiến tranh biên giới về thành phố. Trong số này, ưu tiên cho người Campuchia và những người mà đời sống gặp nhiều khó khăn.
Những người tị nạn từ Campuchia sang, lấy mốc thời gian từ sau ngày giải phóng đến nay.
2. Các Sở Lương thực, Sở Thương nghiệp, Sở Y tế được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng từ trung ương giao cho thành phố và sẽ giao hàng trực tiếp cho các quận, huyện theo sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố:
Sở Lương thực tiếp nhận lương thực; Sở Thương nghiệp tiếp nhận các mặt hàng vải, chăn, mùng, sữa, thịt hộp, dầu ăn; Sở Y tế tiếp nhận thuốc và các mặt hàng y tế (nếu có).
3. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức nhận hàng, quản lý chặt chẽ và phân phối nhanh chóng và đúng đối tượng được cứu trợ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện:
Chỉ định thành lập Ban Cứu trợ do một đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng Ban, thành phần gồm có Ban Kinh tế mới, Thương binh xã hội, Công an, Lương thực, Thương nghiệp, Y tế và các đoàn thể. Tùy theo tình hình từng quận, huyện, cơ quan nào nắm vững được đối tượng được cứu trợ, giao nhiệm vụ thường trực cho đại diện cơ quan đó.
Ban Cứu trợ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân quận, huyện và chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và phân phối hàng đến tay người được cứu trợ. Hàng tháng, phải báo cáo cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện và cho Ủy ban Nhân dân thành phố.
Lên danh sách chính thức những đối tượng được nhận cứu trợ (tên họ, quốc tịch, địa chỉ) báo cáo lên Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 13-9-1978. Bản danh sách này là cơ sở để tiếp nhận và phân phối hàng nên cần phải làm cẩn thận, chính xác; nếu có điều chỉnh phải báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố.
Họp ngay Ban Cứu trợ để vạch kế hoạch tiếp nhận và phân phối hàng, chuẩn bị địa điểm để hàng cấp phát và sổ sách. Các tổ chức quốc tế cung cấp hàng viện trợ sẽ đến tham quan việc cấp phát và có thể yêu cầu cho xem sổ sách, nên sổ sách phải làm rành mạch và được bảo quản cẩn thận.
Ở những địa điểm có đông người tị nạn, nên tổ chức phát thẳng đến tay người được cứu trợ; những nơi người tị nản ở lẻ tẻ có thể giao cho phường, xã trực tiếp phát cho họ.
Cần sử dụng kinh phí và phương tiện vận chuyển sẵn có để vận chuyển hàng cứu trợ. Trường hợp gặp khó khăn, các quận, huyện dựa vào phương tiện của ngành giao thông vận tải và thanh toán với Sở Tài chánh theo thực thi.
4. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần quan tâm chỉ đạo công tác vận động, giáo dục những người tị nạn làm cho họ nhận rõ chính sách phản động của bọn Pôn Pốt – Iêng-sa-ry, tay sai của nhà cầm quyền Trung quốc, gây tai họa cho họ, đồng thời phải làm cho họ nhận rõ chính sách đoàn kết trước sau như một của ta với nhân dân Campuchia và nhân dân Trung quốc, thái độ quan tâm giúp đỡ, cứu trợ của chính quyền địa phương đối với họ, cần đề phòng khuynh hướng họ chỉ thấy các tổ chức quốc tế giúp đỡ họ mà không thấy sự quan tâm chăm sóc và giúp đỡ của chính quyền địa phương. Vận động họ dùng hàng viện trợ để chi dùng trong đời sống, không đem ra buôn bán làm rối thị trường.
Đối với nhân dân địa phương, cần chú ý giáo dục, giải thích để đồng bào thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn, đoàn kết, giúp đỡ họ, không so bì việc họ được nhận hàng cứu tế; đề phòng bọn xấu kích động gây khó khăn cho ta.
5. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Công an, Sở Thương binh xã hội, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và các ngành có liên quan tổ chức đón tiếp tốt các đoàn của các tổ chức quốc tế đến tham quan, chuẩn bị chu đáo các địa điểm tham quan, đảm bảo các yêu cầu chính trị và trật tự trị an.
6. Về tiêu chuẩn phân phối từng mặt hàng cho từng người được cứu trợ, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, trong tháng 9, phân phối ngay cho mỗi người 1 hộp thịt (450gr/hộp) và mỗi hộ 1 kg sữa bột; cần chú ý phân phối trước cho các địa điểm tập trung người tị nạn và những gia đình mà các tổ chức quốc tế sẽ đến thăm ngày 13-9-1978 theo sự hướng dẫn của Sở Ngoại vụ.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Thông tư 50/TT-UB-1978 về việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ của các tổ chức quốc tế do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 50/TT-UB-1978 về việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ của các tổ chức quốc tế do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 50/TT-UB |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Lê Quang Chánh |
Ngày ban hành | 1978-09-10 |
Ngày hiệu lực | 1978-09-10 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |