ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 6 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ BẢO VỆ TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA THÀNH PHỐ
Tình hình tài sản xã hội chủ nghĩa ở thành phố Hồ Chí Minh đang bị xâm phạm gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng. Ngày 10, 11 tháng 5 năm 1979 Ủy ban nhân dân thành phố đã triệu tập hội nghị cán bộ đã bàn về việc tăng cường công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã thống nhất nhận định đây là một trở ngại rất lớn cho sự nghiệp cải tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Thành phố, là vấn đề rất cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ cán bộ đảng viên giữ vững lòng tin của quần chúng, đảm bảo quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, củng cố chánh quyền cách mạng, tăng cường chuyên chính vô sản trước tình hình mới. Hội nghị đã nhất trí với những chủ trương biện pháp mà Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã đề ra, xác định bọn tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa gây thiệt hại nghiêm trọng là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội cần kiên quyết xử lý thích đáng và việc đấu tranh chống tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ công nhân viên chức, mỗi công dân ở Thành phố.
Do đó nhận được chỉ thị này các ban, ngành, sở, Tổng Công ty, Công ty, các Quận, Huyện cần phải gắn chặt với việc thực hiện nghị quyết 28, 29 của Thành ủy, có kế hoạch triển khai nghị quyết của hội nghị tới tận đơn vị cơ sở, cơ quan xí nghiệp, phường, xã nhằm yêu cầu như sau :
- Giáo dục phát động được mạnh mẽ phong trào quần chúng cán bộ công nhân viên chức thực hiện quyền làm chủ tập thể trong cơ quan xí nghiệp và làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về trách nhiệm, về ý thức tổ chức kỷ luật đối với việc chấp hành chế độ nguyên tắc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Kiểm điểm đánh giá đầy đủ cụ thể về tình hình tài sản xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm, rút ra ưu khuyết điểm, nguyên nhân, kinh nghiệm ở từng đơn vị. Trên cơ sở đó đề ra được kế hoạch chủ trương biện pháp tích cực thiết thực, phát huy những điển hình tốt những nhân tố tích cực, khắc phục tiêu cực và thiếu sót nhược điểm để đẩy lùi ngăn chặn được tệ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa nhất là ở những khâu quản lý then chốt đang có nhiều sơ hở lỏng lẻo, những mặt hàng về tài sản đang bị xâm phạm thiệt hại nhiều.
Mỗi Ban, Ngành, Sở, Tổng Công ty, Công ty, Quận, Huyện khi triển khai cần phải :
1/ Chuẩn bị chu đáo việc kiểm điểm tình hình và kế hoạch để phổ biến, thực hiện nghị quyế tcủa hội nghị, chỉ đạo cụ thể để việc triển khai được thực hiện tốt tới các đơn vị cơ sở, cơ quan xí nghiệp, phường xã.
Việc kiểm điểm phải được tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong lãnh đạo ra ngoài cán bộ quần chúng. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, của mỗi cán bộ đảng viên, công nhân viên chức đối với tài sản đã bị xâm phạm và sự thiệt hại đã gây ra. Rút ra được kinh nghiệm công tác, quy luật hoạt động tội phạm và biện pháp thiết thực tích cực để bổ khuyết.
Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số ngành và quận, huyện trọng điểm sau đây để tập trung chỉ đạo :
Ngành trọng điểm :
- Vật tư
- Thương nghiệp
- Giao thông vận tải (chú trọng Cảng Sài Gòn)
- Công nghiệp
- Nông nghiệp
- Xây dựng
- Lương thực
- Ngoại thương
- Ngân hàng
Địa phương trọng điểm :
- Quận 5
- Quận 1
- Huyện Thủ Đức
2/ Ngoài kế hoạch triển khai thực hiện chung của mỗi ban, ngành, sở, tổng công ty, công ty, quận huyện mỗi đơn vị cơ sở (cơ quan xí nghiệp, phường xã) từng ban, ngành, sở, tổng công ty cần chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa chuyên sâu theo từng khâu quản lý then chốt (kho quỹ, vận chuyển, giao nhận, gia công hợp đồng, phân phối…) đối với từng mặt hàng, từng loại tài sản quan trọng (xăng dầu, lương thực, vật tư kỹ thuật, vật tư nông nghiệp…).
3/ Các ngành chức năng trong khối nội chính (thanh tra, Viện kiểm sát, tòa án, công an…) có kế hoạch tăng cường giải quyết các đơn thư khiếu tố, thanh tra, điều tra xử lý các vụ việc nhất là các vụ án tổng hợp lớn, đề ra nội dung và các biện pháp để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phục vụ có hiệu quả cho việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và giúp cho Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo các ban, ngành sở, công ty, quận, huyện.
4/ Các ngành thông tin tuyên truyền và các đoàn thể có kế hoạch tuyên truyền phát động quần chúng tích cực tham gia cuộc vận động đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, phát huy những điển hình tốt, những nhân tố tích cực, kịp thời nêu gương người tốt việc tốt, lên án đấu tranh với những mặt tiêu cực, phổ biến các quy luật, thủ đoạn của bọn tội phạm để quần chúng cảnh giác phòng ngừa, phê phán những quan điểm nhận thức sai trái lệch lạc có hại.
Cần kết hợp chặt chẽ với hội nghị công nhân viên chức, thực hiện đìều lệ quản lý xí nghiệp, chế độ quy định về quyền làm chủ tập thể của cán bộ công nhân viên các cơ quan xí nghiệp để giáo dục phát động gây chuyển biến mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa ở các đơn vị cơ sở.
Tổ chức hội nghị tổng kết phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng củng cố lực lượng bảo vệ các cơ quan xí nghiệp (theo thông tư 59 của Thường vụ Thành ủy).
5/ Việc triển khai như trên đảm bảo đến hết tháng 6-1979 phải hoàn thành tới tận các đơn vị cơ sở (cơ quan, xí nghiệp, Phường, xã). Báo cáo kết quả triển khai gởi về văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và ban chỉ đạo nghị quyết 28, 29 Thành ủy. Đến tháng 9/1979 Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức hội nghị sơ kết.
6/ Toàn bộ công tác trên đây phải kết hợp với việc tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết 28, 29 của Thành ủy và thường xuyên đặt dưới sự chỉ đạo của ban chỉ đạo 28, 29.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 69/CT-UB năm 1979 triển khai nghị quyết hội nghị bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 69/CT-UB năm 1979 triển khai nghị quyết hội nghị bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 69/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Mai Chí Thọ |
Ngày ban hành | 1979-06-04 |
Ngày hiệu lực | 1979-06-04 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |