BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 1999 |
Căn cứ:
* Hiệp định vay vốn số 1564 VIE (SF) ngày 23/1/1998 ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho Dự án Ngành cơ sở Hạ tầng Nông thôn;
* Thoả ước mở tín dụng số CVN 1029 01 G ngày 02/10/1998 ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp.
* Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
* Nghị định số 87/CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ ban hành Qui chế quản lý vay và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý Đầu tư và Xây dựng, Nghị định 92/CP ngày 23/8/1997 bổ sung sửa đổi một số điểm của Nghị định số 42/CP;
* Thông tư liên tịch số 81/1998/TTLT/BTC-NHNN của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ngày 17/6/1998 hướng dẫn quy trình thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
* Quyết định số 1860a/1998/QĐ-BTC ngày 16/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình thủ tục rút vốn ODA.
* Quyết định số 691/TTg ngày 27/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn;
* Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 28/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung một số nội dung của Quyết định số 691/TTg ngày 27/8/1997 về việc phê duyệt dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính cho dự án Ngành Cơ sở Hạ tầng Nông thôn vay vốn ADB và AFD như sau:
1. Giải thích từ ngữ:
Các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong thông tư này có cùng ý nghĩa như trong Hiệp định vay vốn và được hiểu như sau:
* Các Tổ chức Tài chính Quốc tế tài trợ cho Dự án là Ngân hàng Phát triển Châu Á (viết tắt là ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (viết tắt là AFD).
* Dự án là Dự án Ngành Cơ sở Hạ tầng Nông thôn vay vốn của ADB và AFD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 691/TTg ngày 27/8/1997 và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 28/4/1999.
* Chủ Dự án là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chịu trách nhiệm điều hành và quản lý toàn bộ dự án.
* Chủ Tiểu dự án là UBND các tỉnh tham gia Dự án.
* Ban Quản lý Dự án Trung ương (Viết tắt là BQLDATƯ) là đơn vị được thành lập theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổ chức điều hành và thực hiện Dự án.
* Ban Quản lý Dự án Tỉnh (viết tắt là BQLDA Tỉnh) là đơn vị được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh có dự án để tổ chức thực hiện các tiểu dự án trong phạm vi ở địa phương.
* Ngân hàng phục vụ Dự án là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
2. Nguyên tắc quản lý.
2.1. Nguồn vốn vay của ADB và AFD đầu tư cho Dự án là nguồn thu vay nợ của Chính phủ phải được phản ánh vào Ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm thống nhất quản lý, theo dõi việc thực hiện khoản vay và trả nợ cho ADB và AFD khi đến hạn.
2.2. Dự án Ngành Cơ sở Hạ tầng Nông thôn là một dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Việc quản lý và sử dụng vốn cho Dự án phải tuân theo những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
2.3. Chủ dự án có trách nhiệm chỉ đạo sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích và nội dung Dự án đã được duyệt, phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong các Hiệp định vay vốn ký với ADB và AFD và các quy định hiện hành của Việt Nam.
2.4. BQLDATƯ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý việc lập và trình duyệt kế hoạch đầu tư, kế hoạch rút vốn vay, sử dụng vốn vay chi tiêu cho toàn Dự án.
2.5. Các BQLDA Tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, chi tiêu thanh toán cho các hoạt động của các tiểu dự án thuộc tỉnh mình từ nguồn vốn vay do Ban Quản lý Dự án Trung ương chuyển về cũng như nguồn vốn đối ứng do ngân sách địa phương cấp và nguồn vốn do người hưởng lợi đóng góp. Các QBLDA Tỉnh phải cung cấp đầy đủ và kịp thời, chính xác và hợp lệ các tài liệu, chứng từ liên quan tới các khoản chi do mình quản lý cho BQLDATƯ để BQLDATƯ làm thủ tục rút vốn và tổng hợp chi tiêu chung cho toàn Dự án.
2.6. Đối với các tiểu dự án có khả năng hoàn vốn, sau khi Bộ Tài chính thống nhất với chủ dự án sẽ ban hành cơ chế thu hồi lại vốn sau.
2.7. Hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện các thủ tục rút vốn từ ADB và tiếp nhận vốn từ AFD, thanh toán theo yêu cầu của BQLDATƯ và BQLDA Tỉnh theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 81/1998/TTLT/BTC-NHNN ngày 17/6/1997, và Quyết định số 1860a/QĐ/BTC ngày 16/12/1998.
Trong quá trình thực hiện, Hệ thống Ngân hàng Dầu tư và Phát triển Việt Nam được hưởng phí dịch vụ theo từng nghiệp vụ phát sinh theo biểu phí của Hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Khoản phí trên được hạch toán vào tổng mức đầu tư của Dự án. Ban Quản lý Dự án các cấp được phép trích khoản lãi phát sinh trên Tài khoản Tạm ứng thuộc cấp mình để thanh toán các khỏan phí dịch vụ ngân hàng, phần lãi còn lại phải hoàn trả ngân sách nhà nước. Trường hợp khoản lãi không đủ, BQLDA các cấp tổng hợp phần thiếu hụt vào kế hoạch vốn đối ứng và thanh toán từ nguồn vốn đối ứng của Ban.
2.8. Hệ thống Tổng cục Đầu tư và Phát triển có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn (vốn vay ADB, vay AFD; vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cấp cho Dự án; và vốn do người hưởng lợi đóng góp) và xác nhận khối lượng công việc đủ điều kiện thanh toán theo các quy định hiện hành.
II. LẬP KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CHO DỰ ÁN
1. Hàng năm theo chế độ lập, trình và xét duyệt dự toán ngân sách nhà nước, các BQLDA Tỉnh lập kế hoạch vốn đầu tư, gồm cả vốn vay và vốn đối ứng, cho các tiểu dự án tại tỉnh mình và chi tiêu của BQLDA Tỉnh. Kế hoạch này được trình cho cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phê duyệt và cân đối phần vốn đối ứng vào ngân sách chung của tỉnh và gửi cho BQLDATƯ chậm nhất vào cuối tháng 7 hàng năm trước năm kế hoạch.
BQLDATƯ có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư chung cho năm kế hoạch cho Dự án, bao gồm vốn ADB, vốn AFD và phần vốn đối ứng thuộc ngân sách Trung ương cấp phát trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp vào dự toán ngân sách chung của Bộ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
2. Sau khi được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân bổ kế hoạch vốn đầu tư giao cho Dự án, bao gồm phần vốn đối ứng cho BQLDATƯ, phần vốn vay chi tiết theo nguồn vốn (vốn vay ADB, vốn vay AFD) và theo đơn vị thực hiện (BQLDATW, BQLDA Tỉnh) và theo các hạng mục chi tiêu. Quyết định phân bổ dự toán ngân sách cho Dự án phải được đồng gửi cho Bộ kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại, Tổng cục Đầu tư Phát triển).
Uỷ ban nhân dân các tỉnh phân bổ kế hoạch vốn phần vốn đối ứng cho các tiểu dự án và hoạt động của BQLDA Tỉnh tại tỉnh mình. Quyết định phân bổ kế hoạch vốn phần vốn đối ứng của các tỉnh phải được gửi cho BQLDATW.
3. Căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư đã được giao, BQLDATW lập kế hoạch rút vốn chi tiết theo quý, theo nguồn vốn (vốn ADB, vốn AFD, vốn đối ứng do ngân sách trung ương cấp) cho toàn Dự án; và kế hoạch chi tiêu từ các Tài khoản Tạm ứng theo quý, gửi Tổng cục Đầu tư Phát triển để phê duyệt.
Kế hoạch chi tiêu từ Tài khoản tạm ứng theo quý đã được TCĐTPT phê duyệt là căn cứ để Ngân hàng Đầu tư phát triển thực hiện thanh toán từng lần cho Dự án. Kế hoạch chi tiêu từ tài khoản tạm ứng theo quý có thể được điều chỉnh theo tiến độ thực hiện Dự án. Đề nghị điều chỉnh kế hoạch quý cần gửi cho Tổng cục Đầu tư Phát triển để phê duyệt ít nhất là 15 ngày trước khi kết thúc quý.
1. BQLDATW mở các tài khoản sau:
* Hai tài khoản Tạm ứng tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam để tiếp nhận vốn tạm ứng từ nguồn vốn vay của ADB và AFD (sau đây gọi chung là Tài khoản Tạm ứng) để chi tiêu cho các hoạt động của Dự án.
* Tài khoản cấp phát vốn tại Tổng cục Đầu tư Phát triển để theo dõi việc sử dụng vốn vay ADB, vốn vay AFD cho toàn Dự án và cấp phát vốn đối ứng phần ngân sách trung ương cấp cho Dự án.
Các tài khoản trên đều có các tiểu khoản để theo dõi số rút vốn về cấp phát cho từng tỉnh.
2. BQLDA Tỉnh mở các tài khoản sau:
* Hai tài khoản tạm ứng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh để tiếp nhận nguồn vốn tạm ứng của ADB và AFD do BQLDATW chuyển xuống.
* Tài khoản cấp phát vốn tại Cục Đầu tư Phát triển tỉnh để tiếp nhận vốn đối ứng của ngân sách địa phương cấp và theo dõi việc sử dụng vốn ADB và AFD tại tỉnh.
* Một tài khoản khác tại Cục Đầu tư và Phát triển tỉnh để tiếp nhận và quản lý việc chi tiêu nguồn vốn đóng góp bằng tiền của người hưởng lợi (nếu có).
IV. RÚT VỐN, CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ CHO DỰ ÁN
1. Quản lý và cấp phát, thanh toán vốn đối ứng
Căn cứ vào dự toán ngân sách vốn đối ứng đã được tỉnh phê duyệt và phân bổ qua ngân sách tỉnh, Sở Tài chính tỉnh sẽ chuyển vốn sang Cục Đầu tư và Phát triển tỉnh theo danh mục từng tiểu dự án và chi cho hoạt động của BQLDA tỉnh để Cục đầu tư và phát triển cấp phát vốn đối ứng theo quy định về quản lý cấp phát vốn XDCB trong nước hiện hành.
Căn cứ vào dự toán ngân sách vốn đối ứng hàng năm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và phân bổ, Tổng cục Đầu tư và Phát triển cấp phát vốn đối ứng cho BQLDATW.
Vốn đối ứng được cấp phát theo đúng tỷ lệ tài trợ cho từng hạng mục chi tiêu của Dự án như trong các hiệp định vay vốn ký với ADB và AFD và các tài liệu pháp lý của Dự án.
2. Rút vốn, thanh toán từ vốn vay ADB, AFD và bổ sung tài khoản tạm ứng
Rút vốn
Việc rút vốn từ các nguồn vốn vay ADB và AFD cho các hoạt động của Dự án theo các hình thức thanh toán trực tiếp, hình thức như cam kết, thủ tục hoàn vốn và tài khoản tạm ứng cho BQLDATW thực hiện, theo đúng các quy định của Thông tư Liên tịch Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 81/1998/TTLT/BTC-NHNN ngày 17/6/1998 hướng dẫn quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và Quyết định số 1860a/1998/QĐ-BTC ngày 16/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình thủ tục rút vốn ODA.
Trong trường hợp rút vốn thanh toán theo hình thức thanh toán trực tiếp, hình thức thư cam kết, thủ tục hoàn vốn theo đề nghị của các BQLDA tỉnh, BQLDA tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu, chứng từ liên quan đến chi tiêu của Dự án thuộc phạm vi tỉnh mình để BQLDATW làm thủ tục rút vốn thanh toán.
Hồ sơ đề nghị rút vốn của BQLDA Tỉnh gửi BQLDATW bao gồm:
+ Công văn đề nghị rút vốn
+ Hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
+ Ngoài ra nếu:
* Thanh toán cho người cung cấp hàng hóa/dịch vụ thì có thêm hoá đơn của người cung cấp hàng hoá/dịch vụ.
* Thanh toán cho nhà thầu xây lắp thì có thêm biên bản nghiệm thu, phiếu giá thanh toán đã được Cục Đầu tư và Phát triển tỉnh thẩm tra xác nhận đủ điều kiện thanh toán.
* Thanh toán theo phương thức hoàn vốn cần có thêm chứng từ chứng minh việc thanh toán đã được thực hiện và chỉ rõ nguồn vốn đã dùng để thanh toán (như vốn ngân sách tạm ứng; vỗn tự huy động, hay vốn vay v.v...)
Thanh toán
* Thanh toán từ nguồn vốn vay ADB và AFD phải đúng theo tỷ lệ tài trợ cho từng hạng mục công việc của Dự án như quy định trong các hiệp định vay vốn ký với ADB và AFD và các tài liệu pháp lý của Dự án
* Thanh toán chi tiêu từ tài khoản tạm ứng được thực hiện như sau:
Thanh toán theo đề nghị của BQKDATW
Căn cứ vào kế hoạch chi tiêu theo quý từ tài khoản tạm ứng của BQLDATW đã được Bộ Tài chính (Tổng Cục Đầu tư và Phát triển) duyệt, theo đề nghi thanh toán của nhà thầu/người cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoặc dự toán chi tiêu thường xuyên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, BQLDATW đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thanh toán từ Tài khoản Tạm ứng cho các hạng mục chi của Dự án theo đúng tỷ lệ tài trợ như quy định trong các hiệp định vay vốn ký với ADB và ÂFD và các tài liệu pháp lý của Dự án.
Đối với các khoản chi cho hoạt động đào tạo, hội thảo: BQLDATW lập dự toán chi tiết trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn duyệt theo định mức hiện hành trường hợp các khoản chi chưa có định mức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính quy định cụ thể.
Hồ sơ các khoản chi tiêu từ tài khoản Tạm ứng của BQLDATW phải được gửi tới Tổng cục Đầu tư Phát triển để thực hiện thủ tục kiểm tra sau theo quy định hiện hành. Riêng các khoản thanh toán lần cuối của các hợp đồng hoặc trong trường hợp hợp đồng được thanh toán một lần thì cần có xác nhận trước của Tổng cục Đầu tư Phát triển.
Thanh toán theo đề nghị của Ban Quản lý Dự án tỉnh
Tài koản Tạm ứng cấp tỉnh:
BQLDATW trích từ tài khoản tạm ứng của Dự án tại ngân Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tạm ứng) xuống cho mỗi BQLDA Tỉnh qua hai Tài khoản tạm ứng của BQLDA Tỉnh mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tỉnh số tiền:
* Cho Tài khoản Tạm ứng nguồn ADB: 900.000.000 VND
* Cho Tài khoản Tạm ứng nguồn AFD: 100.000.000 VND
Điều kiện để được cấp tạm ứng lần đầu đối với các BQLDA Tỉnh là: (i) Các Tiểu dự án đã có Dự án khả thi được phê duyệt; (ii) Được thông báo kế hoạch vốn gồm vốn ngoài nước và vốn đối ứng do tỉnh bố trí; (iii) BQLDA Tỉnh có công văn xin cấp tạm ứng.
Thanh toán từ tài khoản tạm ứng cấp tỉnh
Chế độ kiểm soát đối với chi tiêu theo đề nghị của BQLDA Tỉnh là chế độ kiểm soát trước, cụ thể như sau: Khi có nhu cầu chi tiêu từ Tài khoản Tạm ứng cấp tỉnh để thanh toán cho hoạt động thường xuyên của BQLDA Tỉnh, hay trả cho nhà thầu, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ, BQLDA Tỉnh gửi các chứng từ liên quan tới Cục Đầu tư và Phát triển Tỉnh, bao gồm:
* Công văn đề nghị thanh toán từ tài khoản tạm ứng.
* Dự toán chi tiêu thường xuyên cho hoạt động của BQLDA đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
* Hợp đồng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu thanh toán cho nhà thầu).
* Các tài liệu, chứng từ cần thiết khác theo quy định hiện hành trong nước về thanh toán cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, Cục Đầu tư Phát triển Tỉnh có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra chứng từ, khối lượng thực hiện và xác nhận khối lượng công việc đủ điều kiện cấp phát vốn thanh toán theo các quy định hiện hành, thanh toán phần vốn đối ứng và có văn bản chấp thuận đề nghị thanh toán gửi cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tỉnh thanh toán phần vốn ngoài nước. Xác nhận của Cục Đầu tư Phát triển tỉnh trên phiếu giá thanh toán phải ghi rõ tổng giá trị được thanh toán, trong đó bao nhiêu bằng vốn vay, bao nhiêu bằng vốn đối ứng.
Bổ sung tài khoản tạm ứng
Bổ sung tài khoản tạm ứng cấp tỉnh: Hàng tháng hoặc khi tài khoản tạm ứng cấp tỉnh đã chi quá 50% mức trần, BQLDA Tỉnh lập hồ sơ bổ xung Tài khoản tạm ứng gửi BQLDATW. Hồ sơ bao gồm:
+ Công văn gửi BQLDATW để nghị được bổ sung tài khoản tạm ứng cấp tỉnh.
+ Sao kê các khoản chi tiêu từ tài khoản tạm ứng và bản sao các chứng từ thanh toán đã có xác nhận của Cục Đầu tư Phát triển Tỉnh.
+ Sao kê tài khoản tạm ứng tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển tỉnh.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, BQLDATW phải kiểm tra và làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tạm ứng Trung ương của Dự án bổ sung tài khoản tạm ứng cấp tỉnh cho BQLDA Tỉnh.
Bổ sung tài khoản tạm ứng Trung ương: Hàng tháng hoặc khi tài khoản tạm ứng Trung ương đã chi ra quá 20% mức trần quy định, BQLDATW tiến hành bổ sung tài khoản tạm ứng Trung ương. BQLDATW gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) bộ hồ sơ xin bổ sung tài khoản tạm ứng bao gồm:
+ Công văn đề nghị rút vốn
+ Đơn rút vốn theo mẫu của ADB đối với trường hợp rút vốn nguồn ADB
+ Sao kê tài khoản tạm ứng tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển
+ Các chứng từ kèm theo chứng minh các khoản chi hợp lệ có xác nhận của Tổng Cục Đầu tư Phát triển hoặc Cục Đầu tư Phát triển Tỉnh.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, lập và ký đơn rút vốn đối với nguồn vốn AFD hoặc có công văn chấp nhận đề nghị rút vốn của BQLDATW gửi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đối với nguồn vốn ADB. Trong vòng 2 ngày làm việc sau khi nhận được công văn chấp nhận từ Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam ký đơn rút vốn từ nguồn vốn ADB.
3. Huy động và sử dụng vốn do người hưởng lợi đóng góp
BQLDA tỉnh đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh về cơ chế huy động đủ phần vốn đối ứng do người hưởng lợi đóng góp cho các tiểu dự án thuộc địa bàn tỉnh. Trường hợp người hưởng lợi đóng góp bằng tiền, BQLDA Tỉnh chịu trách nhiệm thu và chuyển vào tài khoản của Ban Quản lý Dự án Tỉnh mở tại Cục Đầu tư Phát triển để Cục Đầu tư Phát triển Tỉnh cấp phát, thanh toán theo đúng tỷ lệ quy định.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN
1. Báo cáo, quyết toán
* BQLDATW có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ chi tiêu của Dự án báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư Phát triển, Vụ Tài chính Đối ngoại) tình hình thực hiện Dự án, đặc biệt là tình hình rút vốn, sử dụng vốn ADB, vốn AFD và vốn đối ứng hàng quý, báo cáo kế toán năm và báo cáo quyết toán hoàn thành Dự án.
* Việc thẩm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành các Tiểu dự án được thực hiện theo quy định phân cấp tại Quyết định số 691 -TTg ngày 27/8/1997 và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 28/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
* Để thực hiện tổng hợp báo cáo và quyết toán dự án, BQLDATW có trách nhiệm hướng dẫn các BQLDA Tỉnh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 66/ĐTPT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
* BQLDA Tỉnh lập sổ sách kế toán toàn bộ chi tiêu của các tiểu dự án tại địa phương, báo cáo quý, báo cáo năm tình hình thực hiện các tiểu dự án, đặc biệt tình hình sử dụng vốn ADB và vốn AFD, vốn đối ứng và làm báo cáo kết toán năm, báo cáo quyết toán hoàn thành tiểu dự án gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, BQLDATW.
2. Kiểm tra
* Định kỳ và đột xuất, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra tình hình thực hiện Dự án và việc sử dụng vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Tài khoản Tạm ứng. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng vốn không đúng quy định, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ chuyển vốn và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
3. Kiểm toán
* Hàng năm các Tài khoản Tạm ứng, tài khoản của BQLDA Tỉnh, sổ sách, chứng từ kế toán của Dự án phải được một công ty kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính và nhà tài trợ chấp thuận kiểm toán phù hợp với quy định của Việt Nam và ADB.
* Việc lựa chọn Công ty kiểm toán được thực hiện theo phương thức đấu thầu lựa chọn dịch vụ tư vấn theo quy định hiện hành. Kết quả lựa chọn phải được Bộ Tài chính và nhà tài trợ chấp thuận.
* Báo cáo kiểm toán phải được gửi tới Bộ Tài chính (tổng cục Đầu tư Phát triển, Vụ Tài chính Đối ngoại), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quan hệ Quốc tế).
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan cần phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
| Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 88/1999/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính cho dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 88/1999/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính cho dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 88/1999/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Lê Thị Băng Tâm |
Ngày ban hành | 1999-07-12 |
Ngày hiệu lực | 1999-07-27 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Còn hiệu lực |