ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2002/QĐ-UB | Cần Thơ, ngày 04 tháng 1 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2002 - 2005"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 9/1/2001 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 65/2001/QĐ-UB ngày 19/11/2001 của UBND tỉnh về phê duyệt "Kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2001-2005;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1254/SLĐTBXH ngày 25/12/2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002-2005" với những nội dung chủ yếu sau đây :
1/- Tên Đề án: "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn" tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002-2005".
2/- Chủ Đề án: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
3/- Mục tiêu của Đề án :
Tổ chức triển khai thực hiện cụ thể Kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh trong giai đoạn 2001-2005 nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, trong đó tổ chức đa dạng hoá các loại hình dạy nghề cho đối tượng lao động nông thôn, gắn với các nông, lâm trường, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến để tạo điều kiện giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đồng thời giảm áp lực lao động di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo của tỉnh và các chương trình kinh tế xã hội khác, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn.
4/- Ngành nghề đào tạo:
Tập trung đào tạo một số ngành nghề bức xúc và phù hợp với lao động nông thôn, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống, các nghề phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghề phục vụ các công trình dân dụng.
Cụ thể: chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí (sửa chữa, hàn tiện,..), điện tử, điện nông thôn, giao thông, xây dựng các công trình dân dụng, may mặc, đan thêu, đan đác, mỹ nghệ, mộc, kỹ thuật viên nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản các loại),...
5/- Hình thức, địa điểm đào tạo:
- Hình thức đào tạo đa dạng, bao gồm: dài hạn, ngắn hạn, tập trung, không tập trung; liên kết với các trường, trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh; đào tạo nghề lưu động tại huyện, xã... tăng cường kỹ năng thực hành theo phương thức "cầm tay, chỉ việc".
- Địa điểm: đối với hình thức dài hạn, ngắn hạn (2 tháng trở lên), tập trung tại các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề của Nhà nước; đối với hình thức ngắn hạn (dưới 2 tháng), không tập trung được tổ chức đào tạo lưu động tại phường, xã, thị trấn.
6/- Biện pháp thực hiện:
- Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của đối tượng lao động nông thôn ở từng địa phương, trên cơ sở đó phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề cho phù hợp.
- Bổ sung thêm chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn đối với các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề của Nhà nước thuộc tỉnh quản lý. Nếu các trường, trung tâm của tỉnh chưa đủ cơ sở vật chất, giáo viên để trực tiếp giảng dạy thì đứng ra chịu trách nhiệm, liên kết với các trường, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện chỉ tiêu được giao.
- Tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng truyền đạt và thực hành cao, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích giáo viên giảng dạy các nghề lưu động ở xã, phường, thị trấn.
- Đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp với thực tế và dễ hiểu đối với nông dân.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề, đồng thời huy động các cơ sở vật chất trang thiết bị, nhà xưởng hiện có của các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, các nhà làm việc, hội trường của UBND các địa phương để tập trung phục vụ giảng dạy.
- Các trường, trung tâm dạy nghề thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục phối hợp với các địa phương, MTTQ, đoàn thể trong việc tuyển sinh và tổ chức giảng dạy theo kế hoạch được phân bổ.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, phối hợp với các Hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu đã được phân bổ và đánh giá hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
7/- Kinh phí thực hiện đề án:
Ước khoảng 7,5 tỷ từ các nguồn: nguồn ngân sách các cấp, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tự có của các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị), huy động đóng góp 1 phần của người học (đối với đào tạo dài hạn và một số ngành nghề đặc thù),...
Kinh phí ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án sẽ được cụ thể hoá và bố trí trong kinh phí đào tạo và chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng năm 2002 dự kiến khoảng 2 tỷ.
Điều 2. Giao cho các cơ quan sau đây quản lý và thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002-2005":
1/- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm là chủ Đề án; chủ trì xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm; phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm báo cáo TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Thường xuyên tăng cường quản lý Nhà nước;
2/- Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm xem xét cân đối bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án.
3/- Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các trường, trung tâm thuộc ngành quản lý, có khả năng đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4/- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm khuyến nông và đơn vị trực thuộc tham gia hướng dẫn, đào tạo nghề cho nông dân.
5/- Hội đồng Liên minh các hợp tác xã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng xã viên của các Hợp tác xã.
6/- Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương mình; xác định ngành nghề cần được đào tạo, phối hợp vận động chiêu sinh, chuẩn bị địa điểm và tạo mọi điều kiện cho đối tượng học nghề theo chỉ tiêu đã được phân bổ; báo cáo định kỳ với UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm.
7/- Đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh cùng tham gia thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2002-2005 trong phạm vi hoạt động của đoàn thể mình.
8/- Các Trường, Trung tâm, cơ sở có dạy nghề thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục đều phải có trách nhiệm tham gia thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, Hiệu trưởng các Trường, Giám đốc Trung tâm, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ |
File gốc của Quyết định 01/2002/QĐ-UB phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002 – 2005” đang được cập nhật.
Quyết định 01/2002/QĐ-UB phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2002 – 2005”
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cần Thơ |
Số hiệu | 01/2002/QĐ-UB |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành | 2002-01-04 |
Ngày hiệu lực | 2002-01-04 |
Lĩnh vực | Lao động |
Tình trạng | Hết hiệu lực |