BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 368/XNC | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2004 |
HUỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG DÂN TRUNG QUỐC SỬ DỤNG GIẤY PHÉP NHẬP XUẤT CẢNH DO TRUNG QUỐC CẤP VÀO VIỆT NAM THAM QUAN DU LỊCH
Ngày 27/8/2004, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 849/2004/QĐ-BCA ban hành Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan du lịch (dưới đây gọi tắt là Quy chế). Căn cứ quy định tại Điểu 12 của Quy chế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hướng dẫn như sau:
I/- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG:
1/- Về đối tượng, điều kiện và phạm vi áp dụng của Quy chế:
a/- Công dân Trung Quốc quy định tại Điều 1 của Quy chế được phép vào Việt Nam tham quan du lịch (dưới đây gọi là khách) nếu đủ các điều kiện sau:
Có giấy phép nhập xuất cảnh do Trung Quốc cấp (Entry and Exit Permit-mẫu kèm theo) còn giá trị từ 60 ngày trở lên.
Giấy phép nhập xuất cảnh Trung Quốc cấp không có giá trị thay hộ chiếu, vì vậy khách phải xuất trình kèm theo giấy “Cư dân thân phận chứng” (mẫu kèm theo) để chứng minh khách đúng là công dân Trung Quốc đang thường trú tại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
- Được doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện nêu tại Điều 5, Điều 6 của Quy chế (dưới đây gọi là doanh nghiệp) bảo lãnh và tổ chức đi du lịch.
- Không thuộc diện chưa được phép nhập cảnh Việt Nam.
b/- Quy chế này không áp dụng với:
- Công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành biên giới, chứng minh thư biên giới để nhập cảnh;
- Công dân Trung Quốc đang thường trú ở nước khác sử dụng giấy tờ tuỳ thân do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc ở nước ngoài hoặc chính quyền HongKong, macau cấp;
- Công dân Trung Quốc nhập cảnh bằng Giấy phép nhập xuất cảnh đang tạm trú tại các tỉnh của Việt Nam có biên giới với Trung Quốc theo chứng nhận tạm trú cơ thời hạn 7 ngày do lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cấp (theo hướng dẫn số 325/P1 ngày 01/06/2001 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh) sau đó mới phát sinh nhu cầu vào các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam để tham quan du lịch.
2/- Doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Quy chế trước khi làm thủ tục đề nghị xét duyệt nhân sự cấp phép nhập cảnh cho khách phải gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân theo quy định tại điểm 2a mục 1 Thông tư liên tịch Công an - Ngoại giao số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 20/01/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/05/2001 của Chính phủ, kèm theo danh sách hướng dẫn viên du lịch (gồm các cột mục họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số, nơi và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số thẻ hướng dẫn viên), văn bản đăng ký nơi nhận thẻ du lịch và cam kết thực hiện đúng quy định của Quy chế, hợp đồng ký giữa doanh nghiệp với các Công ty du lịch Trung Quốc. Việc gửi hồ sơ chỉ thực hiện một lần. Khi có thay đổi nội dung hồ sơ, doanh nghiệp phải gửi công văn thông báo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm sao gửi hồ sơ nói trên cho đơn vị Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi là phòng QLXNC) nơi doanh nghiệp đăng ký nhận thẻ du lịch.
3/- Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc xét duyệt nhân sự cấp phép nhập cảnh đối với khách vào tham quan du lịch theo Quy chế này. Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh uỷ quyền cho Trưởng phòng QLXNC Công an các tỉnh có biên giới với Trung Quốc và các tỉnh, thành phó có cảng biển quốc tế cấp thẻ du lịch cho khách nhập cảnh qua cửa khẩu ở địa phương; Trưởng phòng QLXNC Công an TP Hà Nội cấp thẻ du lịch cho khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt do các doanh nghiệp có trụ sở đặt tại Hà Nội đón.
4/- Mẫu thẻ du lịch và các biểu mẫu liên quan do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành kèm theo hướng dẫn này thay thế các loại biểu mẫu trước đây dùng để đón khách Trung Quốc theo Quy chế 229/1998/TCDL ngày 02/07/1998 của Tổng Cục Du lịch.
II/- THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH:
1/- Khi có nhu cầu đón khách, doanh nghiệp gửi công văn đề nghị (mẫu N2A – kèm theo) và chương trình du lịch tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội. Công văn làm riêng từng đoàn khách.
Đối với các doanh nghiệp không có trụ sở tại Hà Nội, việc gửi công văn có thể qua đường Fax sau khi đã trao đổi thống nhất với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
2/- Trong thời gian không quá 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn đề nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có công văn trả lời cấp phép nhập cảnh (dưới đây gọi là phép nhập cảnh) hoặc không cấp phép nhập cảnh (mẫu N4D – kèm theo). Phép nhập cảnh được đồng gửi Phòng QLXNC nơi cấp thẻ du lịch.
Trường hợp công văn đề nghị gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh qua Fax cho doanh nghiệp và Phòng QLXNC nơi doanh nghiệp xin nhận thẻ du lịch.
3/- Phòng QLXNC được uỷ quyền thực hiện việc cấp và bàn giao thẻ du lịch cho doanh nghiệp trong thời gian không quá 1 ngày làm việc kẻ từ khi doanh nghiệp trao bản chính phép nhập cảnh. Trường hợp phép nhập cảnh nhận qua đường Fax, thì khi trao phép nhập cảnh, doanh nghiệp phải kèm theo bản chính công văn đề nghị cấp phép nhập cảnh đã Fax cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Nội dung ghi trong thẻ du lịch phải đúng với nội dung ghi trong phép nhập cảnh, thời hạn của thẻ du lịch không quá 30 ngày.
Trường hợp qua đối chiều phát hiện thẻ hướng dẫn viên không đúng như doanh nghiệp đã đăng ký hoặc bản chính công văn đề nghị của doanh nghiệp không đúng với bản Fax công văn trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thì Phòng QLXNC không cấp thẻ du lịch, lập biên bản thông báo ngay cho doanh nghiệp và báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Việc cấp thẻ du lịch thực hiện gọn theo từng đoàn, không cấp lẻ.
4/- Sau khi nhận thẻ du lịch, doanh nghiệp phải cử hướng dẫn viên lên cửa khẩu đón và đưa khách đến Phòng QLXNC (nơi có cửa khẩu) để đối chiếu thông tin trong thẻ du lịch với Giấy phép nhập xuất cảnh và giấy “Cư dân thân phận chứng” của khách; đối chiếu giữa người thực tế với ảnh trong các giấy nêu trên, kiểm tra thời hạn của giấy phép nhập xuất cảnh. Trường hợp phát hiện các thông tin về nhân sự không thống nhất hoặc thời hạn của Giấy phép nhập xuất cảnh dưới 60 ngày thì Phòng QLXNC thu lại thẻ và không giải quyết cho đi theo chương trình du lịch; lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp đưa khách ra cửa khẩu để xuất cảnh, thông báo cho lực lượng kiểm soát ở cửa khẩu biết để phối hợp và chuyển thẻ du lịch về nơi cấp; báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh biết.
Đối với đoàn khách đã đối chiếu, Phòng QLXNC xác nhận vào danh sách trong công văn cấp phép nhập cảnh (khách đủ, đúng theo danh sách thì lãnh đạo Phòng ký tên, đóng dấu; nếu có khách không nhập cảnh hoặc bị loại khỏi chương trình du lịch thì phải ghi rõ.
5/- Kết thúc chương trình tham quan du lịch, doanh nghiệp đưa đoàn khách trở lại cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh và thu lại thẻ du lịch.
6/- Về công tác kiểm soát và xử lý tại cửa khẩu:
- Khi khách nhập cảnh, lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu kiểm tra Giấy phép nhập xuất cảnh do Trung Quốc cấp, nếu hợp lệ thì đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh và cấp chứng nhận tạm trú thời hạn 7 ngày vào Giấy phép nhập xuất cảnh; nếu không hợp lệ thì không cho nhập cảnh.
- Khi khách xuất cảnh, lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu kiểm tra Giấy phép nhập xuất cảnh của Trung Quốc, thẻ du lịch, nếu hợp lệ thì đóng dấu kiểm chứng xuất cảnh vào Giấy phép nhập xuất cảnh và trả cho khách, đồng thời đóng dấu kiểm chứng xuất cảnh vào thẻ du lịch và chuyển thẻ cho hướng dẫn viên. Trường hợp khách ở Việt Nam quá thời hạn ghi trong thẻ du lịch (chưa thấy Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo đã xử lý) hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, lực lượng kiểm soát tại cửa khẩu lập biên bản bàn giao cho Phòng QLXNC xử phạt hành chính, sau đó mới cho khách xuất cảnh.
III/- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý:
1/- Khi doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc đón khách theo Quy chế phải có nội dung; khách vào Việt Nam phải mang theo giấy “Cư dân thân phận chứng” để xuất trình nhà chức trách Việt Nam khi có yêu cầu; thời hạn của Giấy phép nhập xuất cảnh phải còn giá trị ít nhất 60 ngày (tính từ ngày dự kiến nhập cảnh Việt Nam).
2/- Doanh nghiệp phải chỉ đạo hướng dẫn viên du lịch dẫn khách khai báo tạm trú tại khách sạn nơi nghỉ qua đêm. Trường hợp phát hiện khách có những hoạt động nghi vẫn, phức tạp liên quan an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khách bị lạc, bỏ trốn, mất thẻ và trường hợp khách phải ở lại quá thời hạn của thẻ vì lý do bất khả kháng như: tai nạn, ốm đau… hướng dẫn viên phải báo cáo ngay với Phòng QLXNC nơi đoàn đang du lịch và Giám đốc doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp phải kịp thời có công văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh nêu rõ sự việc, dự kiến kế hoạch hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết.
3/- Doanh nghiệp đón khách phải nộp lại thẻ du lịch cho Phòng QLXNC nơi cấp thẻ ngay sau khi khách xuất cảnh. Việc nộp lại thẻ thực hiện gọn theo từng đoàn.
4/- Phòng QLXNC trong phạm vi trách nhiệm của mình cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và khách du lịch Trung Quốc hoạt động theo Quy chế. Trường hợp phát hiện khách hoặc doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh, thì Phòng QLXNC lập biên bản xử lý theo quy định và báo cáo Cục Quản lý xuất cảnh cảnh. Lưu ý một số tình huống:
- Khách tạm trú và tham quan du lịch ở địa phương không thuộc tuyến điểm trong chương trình đã được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp phép: Phòng QLXNC ở địa phương đó yêu cầu hướng dẫn viên đưa khách đi đúng tuyến điểm, không cho khách tiếp tục ở địa phương.
- Khách tạm trú tại khách sạn không đúng quy định: Phòng QLXNC yêu cầu hướng dẫn viên đưa khách đến khách sạn theo đúng quy định.
- Khách ở quá hạn tạm trú không có lý do bất khả kháng: sau khi xử lý vi phạm, Phòng QLXNC yêu cầu hướng dẫn viên đưa khách xuất cảnh ngay (báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thông báo cho lực lượng kiểm soát xuất cảnh ở cửa khẩu biết). Nếu có lý do bất khả kháng thì Phòng QLXNC báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để có ý kiến chỉ đạo cách giải quyết và thông báo lực lượng kiểm soát xuất cảnh ở cửa khẩu biết.
- Khách bị lạc, bỏ trốn: Phòng QLXNC báo cáo Giám đốc Công an tỉnh tổ chức truy tìm tại địa phương, đồng thời báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thông báo Công an các tỉnh, thành phố truy tìm và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Khách có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật xuất nhập cảnh: Phòng QLXNC báo cáo Giám đốc Công an tỉnh để chỉ đạo biện pháp công tác tại địa phương, đồng thời báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh để báo cáo lãnh đạo Tổng cục An ninh, Bộ Công an và phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo xử lý phù hợp yêu cầu bảo vệ an ninh và yêu cầu đối ngoại.
5/- Phòng QLXNC được uỷ quyền cấp thẻ du lịch có trách nhiệm:
- Bố trí cán bộ, phương tiện cần thiết đảm bảo việc kiểm tra, đối chiếu và cấp, thu hồi thẻ du lịch đúng quy định, phục vụ kịp thời cho việc đón khách của các doanh nghiệp.
- Lập sổ theo dõi việc cấp, thu hồi thẻ du lịch; kịp thời nhập liệu và truyền theo đường máy tính thông tin về việc cấp và thu hồi thẻ (theo đoàn) về Cục Quản lý xuất nhập cảnh; định kỳ 3 tháng chuyển thẻ đã thu hồi về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
- Đối với doanh nghiệp không nộp đủ thẻ sau khi đoàn khách xuất cảnh, Phòng QLXNC nơi cấp thẻ yêu cầu doanh nghiệp có văn bản giải trình, sau đó báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ đạo biện pháp công tác.
6/- Về mẫu thẻ du lịch:
Để đảm bảo triển khai thực hiện Quy chế theo thời hạn quy định, trong khi chưa kịp in mẫu thẻ du lịch mới, Phòng QLXNC được tạm thời sử dụng mẫu thẻ du lịch ban hành theo Hướng dẫn số 540/A18 ngày 28/7/1998 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
7/- Về lệ phí cấp thẻ du lịch:
Mức lệ phí cấp thẻ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2003/TT-BTC ngày 24/4/2003 của Bộ Tài chính (10 USD/thẻ). Ngoài lệ phí này, doanh nghiệp không phải nộp thêm bất cứ khoản phí nào khác.
Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 540/A18 ngày 28/7/1998 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan phản ảnh về Cục Quản lý xuất nhập cảnh để có hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
| CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ XNC |
File gốc của Hướng dẫn 368/XNC năm 2004 về thực hiện quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhập xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan du lịch do Cục quản lý xuất nhập cảnh ban hành đang được cập nhật.
Hướng dẫn 368/XNC năm 2004 về thực hiện quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhập xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan du lịch do Cục quản lý xuất nhập cảnh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Cục quản lý xuất nhập cảnh |
Số hiệu | 368/XNC |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Người ký | Triệu Văn Thế |
Ngày ban hành | 2004-09-20 |
Ngày hiệu lực | 2004-09-20 |
Lĩnh vực | Quyền dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |