BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC | Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2008 |
Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định 661/QĐ-TTg.
Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 - 2010 như sau:
I. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DỰ ÁN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI RỪNG
a) Chủ rừng là các Ban quản lý Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng bằng lực lượng chuyên trách của mình. Chỉ thực hiện khoán bảo vệ rừng ở những nơi không đủ lực lượng chuyên trách tính theo mức 500 ha/1biên chế kiểm lâm (Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Một số trường hợp đặc biệt, khu rừng đặc dụng có diện tích không lớn nhưng số dân sống trong rừng nhiều, có nguy cơ xâm hại cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xem xét chấp thuận đầu tư khoán bảo vệ rừng;
b) Sau khi rà soát lại quy hoạch các khu rừng đặc dụng, các phân khu chức năng trong rừng đặc dụng, diện tích chưa có rừng nếu cần phục hồi lại rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên là chính. Chỉ thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung ở phân khu phục hồi sinh thái và trong trường hợp đã có những kết quả nghiên cứu áp dụng thành công, được hội đồng khoa học chuyên ngành nghiệm thu;
c) Việc trồng mới rừng chỉ thực hiện đối với vườn sưu tập thực vật, rừng đặc dụng ven biển và những diện tích không có khả năng tự phục hồi rừng ở phân khu phục hồi sinh thái (nếu thật sự cần thiết);
d) Việc ổn định và sắp xếp dân cư trong các khu rừng đặc dụng thực hiện theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc đề án của UBND tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
a) Những khu rừng phòng hộ có diện tích nhỏ lẻ (dưới 500 ha), không liền khu liền khoảnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng rà soát để tách ra khỏi diện tích được giao quản lý và thiết lập ngay hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền để giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó ưu tiên cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình tại chỗ và các tổ chức ngoài quốc doanh đang nhận khoán trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên diện tích đó. Những diện tích này Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho bảo vệ rừng thông qua cơ chế khoán bảo vệ rừng như trước đây mà chủ yếu gắn việc bảo vệ rừng với hưởng lợi từ rừng;
b) Những diện tích rừng phòng hộ đã giao cho các cộng đồng dân cư thôn, các hộ gia đình, nhưng chưa có nguồn hưởng lợi từ rừng và tại những vùng rất nhạy cảm về bảo vệ rừng, UBND các tỉnh quyết định việc hỗ trợ bảo vệ rừng một phần từ kinh phí khoán bảo vệ rừng của tỉnh đã được Trung ương giao;
c) Chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ tự tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng phòng hộ. Nhà nước chỉ đầu tư khoán bảo vệ rừng đối với những khu rừng phòng hộ ở khu vực có nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, có nguy cơ xẩy ra mất rừng cao và chưa có các nguồn lợi thường xuyên từ rừng phòng hộ này.
Với những khu rừng phòng hộ đã có những nguồn lợi thu nhập thường xuyên theo quy định, nếu cần và nếu có nhu cầu của nhân dân địa phương thì các Ban quản lý rừng phòng hộ có thể khoán ổn định lâu dài cho các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức mà không có tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm của nhà nước;
d) Diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch là đất rừng phòng hộ nhưng có khả năng tự phục hồi rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Không thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung mới đối với rừng phòng hộ, chỉ tiếp tục thực hiện đối với những diện tích đã trồng bổ sung từ năm 2007 về trước;
f) Cơ cấu loài cây trồng và việc Điều chỉnh mật độ cây trồng đối với rừng trồng phòng hộ, bao gồm cả việc khai thác cây phù trợ và tỉa thưa cây trồng chính, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
g) Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiến hành quy hoạch chi tiết trên bản đồ và trên thực địa xác định những diện tích đất trống cần trồng rừng phòng hộ (đến từng lô đất rừng), trong đó có xác định những diện tích trồng rừng phòng hộ ưu tiên cho 3 năm tới.
a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có hoạt động trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán, khai thác và chế biến lâm sản được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;
b) Các Công ty lâm nghiệp, lâm trường, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia trồng rừng trong các dự án trồng rừng nguyên liệu được cấp có thẩm quyền phê duyệt được vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam.
4. Thực hiện việc đóng cọc mốc ranh giới các loại rừng theo nguyên tắc:
a) Các chủ rừng phải tự đóng cọc mốc để quản lý rừng, ngân sách nhà nước đầu tư cho các chủ rừng thuộc nhà nước để đóng cọc mốc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Đối với rừng sản xuất các chủ rừng tự bỏ kinh phí để đóng cọc mốc;
b) Chỉ đóng cọc mốc đối với ranh giới giữa đất lâm nghiệp với đất khác, hoặc ranh giới rừng đặc dụng với lộ giới kết hợp làm biển báo;
c) Đối với rừng phòng hộ đóng cọc mốc ở những nơi khó nhận biết ranh giới, nơi dễ xảy ra tranh chấp; không đóng tràn lan gây lãng phí;
d) Quy cách cọc mốc, số hiệu cọc mốc, xác định nơi đóng cọc mốc các loại rừng cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. NỘI DUNG ĐẦU TƯ, MỨC ĐẦU TƯ
1. Sử dụng 5% kinh phí của dự án cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vào các công việc sau:
a) Chi cho việc thiết lập hồ sơ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (hồ sơ hoàn thành bao gồm cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản. Mức chi bình quân 200.000đ/ha và mức cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định;
b) Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho mọi đối tượng. Mức chi theo chế độ chi sự nghiệp hành chính hiện hành;
c) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ rừng cho lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng, lực lượng dân quân tự vệ hoặc dân phòng tại thôn bản. Mức chi theo chế độ chi sự nghiệp hành chính hiện hành;
d) Phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ xã, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng trong vùng dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành;
e) Không nhất thiết phân đều theo tỷ lệ 5% kinh phí này cho các dự án cơ sở, mà tùy theo Điều kiện thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét phân bổ mức cụ thể cho các Ban quản lý dự án các cấp và các tổ chức kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ này.
Đối với dự án của các Bộ, ngành do Bộ, ngành phân bổ mức cụ thể cho các Ban quản lý dự án và tổ chức kiểm lâm trực thuộc Bộ, ngành đó.
a) Kinh phí khoán bảo vệ rừng được chi cho việc bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ xây dựng cơ bản nhưng vẫn cần bảo vệ; rừng nghiên cứu khoa học đã hết kinh phí đề tài nhưng cần tiếp tục theo dõi và rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước;
b) Việc khoán bảo vệ rừng được thực hiện thông qua hợp đồng khoán trung hạn (3 hoặc 5 năm). Nếu là hợp đồng khoán mới có thời hạn đến hết năm 2010, nếu là gia hạn hợp đồng tối đa đến hết năm 2010.
Bên giao khoán là các chủ rừng nhà nước bao gồm Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp được giao quản lý rừng. Đối với diện tích rừng do UBND xã trực tiếp quản lý thì bên giao khoán là Ban quản lý dự án thuộc Hạt kiểm lâm huyện nhưng trong hợp đồng phải có xác nhận của UBND xã. Những hợp đồng trước đây do Ban quản lý dự án cơ sở ký mà diện tích rừng đó thuộc các chủ rừng nhà nước thì phải ký lại hợp đồng theo đúng quy định này.
Bên nhận khoán là các hộ dân tại chỗ, hoặc là cộng đồng dân cư thôn hay nhóm hộ dân tại chỗ (trong trường hợp đồng bào dân tộc có nguyện vọng nhận khoán theo nhóm hộ), hoặc lực lượng vũ trang tại chỗ (trong trường hợp khu vực rừng biên giới xã không có dân), trong một số trường hợp được cấp trên trực tiếp của Bên giao khoán cho phép bằng văn bản thì Bên giao khoán có thể sử dụng số kinh phí khoán bảo vệ rừng để hợp đồng với cá nhân người dân địa phương hoặc cán bộ xã, thôn để tổ chức thành lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên.
Trường hợp khoán cho các tổ chức ngoài quốc doanh thì không có kinh phí khoán mà bên nhận khoán hưởng lợi trực tiếp từ rừng theo quy định, thời hạn khoán dài hạn.
Trách nhiệm của Bên giao khoán là hàng năm phải tiến hành nghiệm thu chất lượng rừng và đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chủ nhận khoán có xác nhận của cán bộ kiểm lâm địa bàn; nếu xảy ra mất rừng hoặc suy giảm chất lượng rừng phải xử lý theo pháp luật và thanh lý hợp đồng. Ngoài ra bên giao khoán phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc các bên liên quan ở địa phương để đảm bảo rừng không bị xâm hại;
c) Kết quả nghiệm thu hàng năm được hai bên giao khoán và bên nhận khoán xác nhận là căn cứ để Ban quản lý Dự án trồng rừng mới 5 triệu ha rừng cơ sở thanh quyết toán vốn;
d) Mức hỗ trợ từ Trung ương cho ngân sách địa phương để khoán bảo vệ rừng bình quân 100.000đ/ha/năm. Mức khoán cho từng địa bàn cụ thể do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế quyết định cho phù hợp (trừ những địa phương có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ), nhưng phải được công bố công khai tại UBND xã về số tiền, về diện tích khoán bảo vệ rừng theo từng hộ để cho dân biết;
e) Ngân sách hỗ trợ từ trung ương cho khoán bảo vệ rừng chỉ đảm bảo theo kế hoạch giao của dự án 5 triệu ha rừng, trường hợp diện tích rừng cần khoán bảo vệ của địa phương tăng hơn kế hoạch được giao, Uỷ ban nhân dân các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để bổ sung cho kinh phí khoán bảo vệ rừng.
3. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ và rừng đặc dụng:
a) Diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng thuộc đối tượng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trong kế hoạch hàng năm được phê duyệt có mức đầu tư bình quân 100.000đ/ha/năm. Mức đầu tư khoanh nuôi cho từng địa bàn cụ thể do cơ quan quyết định đầu tư căn cứ Điều kiện thực tế quyết định;
b) Mức đầu tư bình quân cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp là 2 triệu đồng/ha/6 năm. Chi tiết các biện pháp kỹ thuật và mức đầu tư cụ thể theo thiết kế dự toán được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt. Cơ quan quyết định đầu tư có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của mình phê duyệt;
c) Hết thời gian thực hiện khoanh nuôi, Ban quản lý dự án tỉnh và cơ sở phải tổ chức đánh giá kết quả và đưa diện tích đã thành rừng vào quản lý và bảo vệ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những diện tích thành rừng được đưa vào báo cáo thống kê rừng hàng năm theo quy định.
a) Đối với rừng đặc dụng:
- Cơ cấu cây trồng, mật độ và mức đầu tư thực hiện theo thiết kế và dự toán được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật lâm sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan quyết định đầu tư có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của mình phê duyệt.
Tư vấn thiết kế và thi công trồng rừng được thực hiện theo các quy định hiện hành về đấu thầu. Gói thầu trồng rừng thực hiện từ khâu trồng cho đến hết thời kỳ chăm sóc rừng;
- Trong trường hợp mức đầu tư trồng rừng mới được phê duyệt trong phạm vi 6 triệu đồng/ha (cho cả trồng và chăm sóc các năm tiếp theo), thì đơn vị chủ rừng tự thực hiện hoặc khoán thực hiện theo công đoạn hay khoán đến khi thành rừng (cây giống được phép tự sản xuất hoặc tự mua nhưng phải đảm bảo thủ tục về quản lý chất lượng giống). Mức đầu tư cho trồng và chăm sóc rừng năm đầu tiên khoảng 60-70% tổng mức đầu tư, còn lại 30-40% chia cho các năm sau. Mức cụ thể do cơ quan quyết định đầu tư quy định.
b) Đối với rừng phòng hộ:
- Những diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức ngoài quốc doanh nếu tự nguyện tham gia trồng rừng được hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho cả trồng và chăm sóc các năm tiếp theo và được hưởng lợi từ rừng theo các quy định hiện hành. Ban quản lý dự án cơ sở tự tổ chức thiết kế kỹ thuật và phê duyệt theo tiêu chuẩn kỹ thuật trồng rừng của Bộ Nông nghiệp và PTNT sau đó ký Hợp đồng hỗ trợ trồng rừng phòng hộ với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và tổ chức ngoài quốc doanh (theo mẫu kèm theo) để thực hiện;
- Đối với những diện tích đất trồng rừng phòng hộ tập trung lớn do các chủ rừng của nhà nước trực tiếp quản lý: Mức đầu tư trồng rừng mới được tính trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật lâm sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mức đầu tư, phương thức, phương pháp và thời gian trồng, chăm sóc cụ thể đối với từng khu vực thực hiện theo thiết kế dự toán được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt. Cơ quan quyết định đầu tư có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của mình phê duyệt. Tư vấn thiết kế và thi công trồng rừng đối với diện tích trồng rừng tập trung của các chủ rừng nhà nước nêu ở đây được thực hiện theo các quy định của Luật Đầu thầu. Gói thầu trồng rừng thực hiện từ khâu trồng cho đến hết thời kỳ chăm sóc rừng;
- Trong trường hợp mức đầu tư trồng rừng mới được phê duyệt trong phạm vi 6 triệu đồng/ha (cho cả trồng và chăm sóc các năm tiếp theo), thì đơn vị chủ rừng tự thực hiện hoặc khoán thực hiện theo công đoạn hay khoán đến khi thành rừng (cây giống được phép tự sản xuất hoặc tự mua nhưng phải đảm bảo thủ tục về quản lý chất lượng giống). Mức đầu tư cho trồng và chăm sóc rừng năm đầu tiên khoảng 60-70% tổng mức đầu tư, còn lại 30-40% chia cho các năm sau. Mức cụ thể do cơ quan quyết định đầu tư quy định.
5. Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng của Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ có thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm Điều phối, lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 134/2004/QĐ-TTg đúng đối tượng và mức chi.
6. Thực hiện cấp lương thực để trồng rừng thay thế nương rẫy:
Theo hướng dẫn của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài Chính.
7. Sử dụng 10% tổng số vốn ngân sách đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ. Mức đầu tư cụ thể cho từng dự án do Bộ, Ngành trung ương (đối với dự án do trung ương quản lý) và UBND cấp tỉnh (đối với dự án do địa phương quản lý) phê duyệt. Các hạng mục cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo thứ tự ưu tiên bao gồm:
a) Xây dựng và nâng cấp trạm bảo vệ rừng (bao gồm cả công trình phụ và nước sạch), các công trình phòng trừ sâu bệnh hại rừng, phòng chữa cháy rừng (đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, biển báo, kênh mương, bể chứa nước, giếng nước, hồ đập quy mô nhỏ để giữ nước chữa cháy rừng trong mùa khô, ...);
b) Xây dựng mới hoặc nâng cấp vườn ươm, vườn giống, rừng giống, rừng giống chuyển hóa: Các tỉnh chủ động xây dựng Đề án quy hoạch và đầu tư nguồn giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước khi Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đề án phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch hệ thống nguồn giống lâm nghiệp toàn quốc;
c) Xây dựng làm mới và nâng cấp hệ thống đường lâm nghiệp đã nằm trong quy hoạch của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đường trục chính trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng);
d) Các công trình xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ (dưới 100 triệu đồng/công trình) được thực hiện theo thiết kế mẫu, chủ đầu tư được tự triển khai trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và dự toán được cơ quan quyết định đầu tư hoặc đơn vị được cơ quan quyết định đầu tư ủy quyền phê duyệt;
e) Trong trường hợp do nhu cầu của địa phương, tổng mức đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn hơn 10% thì phần chênh lệch có thể bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và do UBND cấp tỉnh quyết định.
8. Sử dụng 2% kinh phí của dự án để tổ chức các hoạt động khuyến lâm như sau:
a) Chỉ phân bổ kinh phí khuyến lâm cho dự án có hạng mục trồng rừng mới. Trước hết phải bố trí kinh phí cho ban quản lý dự án cơ sở để hợp đồng đủ số cán bộ kỹ thuật hiện trường làm nhiệm vụ khuyến lâm viên cơ sở với định mức chi 100.000đ/ ha rừng trồng mới. Trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật hiện trường là hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng rừng và thực hiện nghiệm thu hiện trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian hợp đồng và mức lương hợp đồng do cơ quan quyết định đầu tư quy định;
b) Cơ quan quyết định đầu tư phân bổ kinh phí còn lại cho việc đào tạo tập huấn khuyến lâm; thông tin tuyên truyền về khuyến lâm, xây dựng các mô hình trồng rừng giống mới được công nhận và tổ chức tham quan các mô hình trồng rừng giống mới trong nước. Mức chi theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác khuyến nông, khuyến ngư hiện hành.
Riêng đối với khoản 0,7% ngân sách của Trung ương: Ngoài chi cho các nhiệm vụ nêu trên còn được chi vào việc xây dựng một số cơ chế, chính sách cấp thiết phục vụ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và một số nhiệm vụ do Ban Điều hành dự án Trung ương đề ra để thực hiện cho dự án. Chủ trương chi được thông qua Ban Điều hành Trung ương và mức chi theo phê duyệt của cơ quan quyết định đầu tư.
10. Kinh phí cho rà soát, quy hoạch 3 loại rừng và rà soát, xây dựng các dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ sở, cho đóng cọc mốc ranh giới rừng:
a) Sử dụng từ vốn kết dư của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1999-2005;
b) Đối với các tỉnh không đủ hoặc không có vốn kết dư được lấy từ nguồn phân bổ hàng năm của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cho các tỉnh.
Mức chi theo quy định hiện hành và dự toán được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
11. Thiết kế phí các hạng mục lâm sinh:
a) Thiết kế phí, lập hồ sơ cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên chỉ làm năm đầu tiên và được lấy từ kinh phí của các hạng mục đó năm đầu tiên. Mức bình quân là 30.000 đ/ha, mức chi cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định;
b) Thiết kế phí cho trồng rừng mới và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp được tính trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và sử dụng trong đơn giá (hoặc dự toán) trồng rừng.
12. Quy định về quản lý tài chính, hồ sơ thanh toán vốn:
Việc cấp phát vốn thực hiện qua hệ thống Kho bạc nhà nước theo chế độ quản lý ngân sách hiện hành. Chủ đầu tư được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước nơi thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thuận tiện cho giao dịch của chủ đầu tư.
Hồ sơ thanh toán vốn và tài liệu cơ sở của dự án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
13. Tạm ứng và thanh toán vốn:
a) Sau khi ký hợp đồng, các hạng mục của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được tạm ứng vốn tối thiểu 50% giá trị hợp đồng;
b) Vốn bố trí cho dự án theo kế hoạch 3 năm và được phân rõ cho từng năm. Kế hoạch của năm được cấp phát cho khối lượng hoàn thành đến ngày 31/12 của năm đó, thời gian nghiệm thu và thanh quyết toán của các chủ đầu tư được phép thực hiện đến hết ngày 31/3 và thời gian thanh toán vốn của Kho bạc Nhà nước được thực hiện đến hết ngày 30/4 của năm sau. Nguồn vốn còn lại được chuyển sang năm kế tiếp để thực hiện;
c) Việc thu hồi tạm ứng vốn, cấp phát thanh toán vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Các khoản kinh phí: 10 % quản lý phí, 10% xây dựng cơ bản, 2% khuyến lâm, 5% công tác quản lý bảo vệ rừng được tính trên tổng mức kế hoạch giao hàng năm cho từng địa phương và nếu không dùng hết được chuyển sang năm sau hoặc được phép chuyển sang làm hồ sơ giao đất, giao rừng theo quy định ở tiết a) mục 1, phần II của Thông tư này.
Việc quyết toán vốn đầu tư hàng năm và quyết toán vốn đầu tư hoàn thành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quyết toán vốn đầu tư.
III. NGHIỆM THU BÀN GIAO RỪNG, THỐNG KÊ BÁO CÁO
1. Nghiệm thu các hạng mục đầu tư lâm sinh thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc nghiệm thu các hạng mục đầu tư xây dựng khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Bàn giao rừng hết thời gian đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh: được tiến hành ngay trong kỳ nghiệm thu lần cuối, các hạng mục bàn giao được dựa trên chất lượng, số lượng rừng thực tế và đối chiếu với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và các tiêu chí thành rừng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Nếu đến kỳ nghiệm thu lần cuối, rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng nhưng có khả năng phát triển thành rừng sau này thì lập biên bản ghi nhận tình trạng rừng và sẽ tiến hành nghiệm thu thành rừng sau khi rừng trồng đã đủ tiêu chí thành rừng, trong thời gian chờ nghiệm thu thành rừng sau, các ban quản lý dự án cơ sở xem xét quyết định việc có tiếp tục bảo vệ hay không và báo cáo về Ban quản lý dự án cấp tỉnh và cấp Bộ, ngành quyết định.
3. Chế độ báo cáo:
a) Ngày 22 hàng tháng, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo nhanh các kết quả, chỉ tiêu khối lượng trong tháng và từ đầu năm; tiền vốn về ban quản lý dự án cấp tỉnh;
b) Cơ quan chủ quản (Ban Điều hành cấp tỉnh, Bộ ngành Trung ương) tổng hợp báo cáo hàng tháng gửi Thường trực Ban Điều hành dự án Trung ương chậm nhất là ngày 25 hàng tháng;
c) Ngày 28 hàng tháng, Thường trực Ban Điều hành Trung ương tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi cho các thành viên Ban Điều hành trung ương (bằng thư điện tử);
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm thông qua Ban Điều hành Trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và gửi cho các cơ quan tổng hợp của Chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính).
IV. XÂY DỰNG, TỔNG HỢP GIAO KẾ HOẠCH
1. Xây dựng kế hoạch 3 năm 2008 - 2010:
a) Căn cứ Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch trung hạn 2008-2010 bao gồm kế hoạch trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán bảo vệ rừng và các nội dung khác gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối kế hoạch, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch 3 năm còn lại của Dự án cho các Bộ ngành và địa phương thực hiện. Thời gian giao kế hoạch trong quý III năm 2008;
b) Sau khi được giao kế hoạch, các Bộ ngành và địa phương giao kế hoạch 3 năm cho từng dự án cơ sở trong đó phân rõ vốn và nhiệm vụ từng năm của các dự án trong vòng 30 ngày làm việc. Kết quả giao kế hoạch được gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giám sát theo dõi.
2. Nội dung lập kế hoạch của các tỉnh gồm:
a) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của 2 năm 2006-2007 (theo nội dung kế hoạch đã được giao, các hạng mục do các nguồn vốn khác đầu tư và các thành phần kinh tế tham gia);
b) Kế hoạch 2008-2010 bao gồm các nguồn vốn đầu tư, trong đó phân rõ nhiệm vụ và vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước của Dự án 5 triệu ha rừng:
+ Các chỉ tiêu bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trong đó diện tích có trồng bổ sung cây lâm nghiệp trong năm.
+ Trồng rừng mới gồm:
* Diện tích trồng rừng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, rừng đặc dụng (trong đó có hỗ trợ trồng rừng phòng hộ cho các chủ thể ngoài nhà nước);
* Diện tích trồng rừng sản xuất phân theo các loại: nguyên liệu cho công nghiệp (nguyên liệu giấy, dăm, ván nhân tạo,...), gỗ trụ mỏ, gỗ lớn, rừng đặc sản,...
+ Cơ cấu nguồn vốn;
+ Danh mục các dự án và nhiệm vụ cụ thể.
Cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương, Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, chấp hành chế độ quản lý tài chính của chủ đầu tư, phản ánh kịp thời tồn tại vướng mắc trong quản lý, cấp phát, thanh toán vốn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Điều hành dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trung ương để có biện pháp giải quyết.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tổng hợp kế hoạch, tình hình thực hiện dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội;
b) Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn Ban quản lý dự án các cấp;
c) Xây dựng hệ thống thông tin phần mềm quản lý dự án dùng chung cho cả nước, đảm bảo quản lý tới từng lô rừng trồng và chủ rừng của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
d) Quy hoạch hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp toàn quốc và công bố công khai vào năm 2008;
e) Hướng dẫn giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn bản;
f) Hướng dẫn các quy trình, quy phạm kỹ thuật để thực hiện trong Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
g) Hướng dẫn về đóng cọc mốc ranh giới các loại rừng;
h) Báo cáo quyết toán sử dụng vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành.
a) Hướng dẫn cơ chế xây dựng, giao và giám sát thực hiện kế hoạch 3 năm 2008-2010 của Dự án 5 triệu ha rừng;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ vốn ngân sách để thực hiện Dự án.
a) Hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007-2010;
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ kinh phí từ vốn ngân sách để thực hiện Dự án.
4. Các tỉnh và các Bộ Ngành tham gia dự án:
a) Chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Kế hoạch trồng rừng năm trước không thực hiện hết được chuyển sang năm sau, nhưng phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 3 năm;
b) Chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện các dự án thuộc phạm vi quản lý. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện kế hoạch được giao, tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng chế độ;
c) Phân khai kế hoạch vốn cho các dự án cơ sở theo tổng mức, cơ cấu vốn và danh mục dự án được nhà nước bố trí;
d) Báo cáo quyết toán sử dụng vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành.
5. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ đầu tư:
a) Triển khai thực hiện Dự án theo đúng nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng các quy định hiện hành;
b) Được phép tự Điều chỉnh các hạng mục lâm sinh trong kế hoạch năm với nhau để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhưng phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 3 năm. Cho phép Điều chỉnh khối lượng và vốn của các nhiệm vụ khác sang trồng rừng trong kế hoạch 3 năm được giao. Khi Điều chỉnh phải gửi báo cáo Điều chỉnh về cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan liên quan, trong vòng 30 ngày làm việc nếu không nhận được ý kiến trả lời thì chủ đầu tư có quyền thực hiện kế hoạch Điều chỉnh của mình;
c) Khi có khối lượng đã đủ Điều kiện theo hợp đồng, tiến hành nghiệm thu kịp thời, lập đầy đủ hồ sơ thanh toán và đề nghị thanh toán cho nhà thầu đúng thời hạn quy định;
d) Tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả;
e) Báo cáo và quyết toán vốn đầu tư theo chế độ quy định hiện hành.
a) Có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, cân đối các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo các mục tiêu Nhà nước giao;
b) Tham gia Hội đồng thẩm định, quyết toán dự án sau khi hoàn thành.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Thường trực ban Điều hành dự án tỉnh, có trách nhiệm tham mưu tổng hợp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, Điều hành Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện kế hoạch được Trung ương giao;
b) Phối hợp với Sở Tài chính và các thành viên trong Ban Điều hành Dự án thẩm tra báo cáo quyết toán hàng năm và quyết toán Dự án vốn hoàn thành trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định quyết toán các dự án do địa phương quản lý trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng, mất rừng và bàn giao rừng cho các chủ rừng khi kết thúc dự án hoặc khi rừng trồng đã thành rừng.
a) Căn cứ nguồn vốn được bố trí và chế độ quy định, thực hiện việc kiểm soát và tiến hành cấp phát vốn kịp thời cho các chủ đầu tư;
b) Thực hiện việc báo cáo và quyết toán vốn hàng năm theo chế độ quy định.
VI. TỔ CHỨC LẠI BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CƠ SỞ Ở CẤP HUYỆN
Các Ban quản lý dự án cơ sở không trực tiếp quản lý rừng (diện tích rừng này do Ủy ban nhân dân xã quản lý, trước đây do UBND huyện thành lập ban quản lý dự án phòng hộ huyện) phải được chuyển về Hạt kiểm lâm cấp huyện để thống nhất thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ và dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất.
Thông tư này thay thế Thông tư 28/1999/TT-LT ngày 3/2/1999 về hướng dẫn thực hiện quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần kịp thời có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, KHCN, TNMT, QP, CA,Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- VPCP, UB Dân tộc; Ngân hàng NNVN; Kho bạc NNTW, Hội ND VN, TW đoàn TN CS HCM;
- UBND các tỉnh,TP trực thuộc TW;
- Các Sở NN và PTNT, Chi cục LN, Chi cục KL (có dự án 661);
- Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc NN các tỉnh;
- Thành viên Ban Điều hành TW;
- Công báo và Website Chính phủ;
- Lưu: VT (BNN ), CLN (BNN).
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------
HỢP ĐỒNG HỖ TRỢ TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ
Số….../200…/HĐTR
Căn cứ Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2004;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-KH&ĐT-TC ngày 02 tháng 5 năm 2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 – 2010;
Căn cứ Quyết định số…../QĐ…… ngày……/……/200…… về việc phê duyệt thuyết minh thiết kế, dự toán trồng, chăm sóc rừng trồng,
Hôm nay, ngày… tháng… năm… tại………….., chúng tôi gồm:
1. Bên A (Ban Quản lý dự án….)
Trụ sở:............................................................................................................................
Điện thoại:.......................................................................................................................
Do (1) Ông/Bà:………………………… Chức vụ .........................................làm đại diện,
(2) Ông/Bà:…………………………….. Kế toán
(3) Ông/Bà:…………………………….. là cán bộ giám sát và khuyến lâm CMND số ……………. do công an …………….. cấp, ngày… tháng… năm…, địa chỉ thường trú …………….., điện thoại ............
2. Bên B (hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức ngoài QD)
Ông/Bà.............................................................................................................. là đại diện;
CMND số……………………. do Công an............................... cấp, ngày… tháng… năm…
Địa chỉ thường trú:............................................................................................................
Điện thoại:.........................................................................................................................
3. Đại diện UBND xã
Ông:……………………………………… Chức vụ..............................................................
4. Đại diện thôn, bản
Ông:……………………………………… Chức vụ..............................................................
Hai bên cùng nhau thống nhất thỏa thuận ký kết Hợp đồng hỗ trợ trồng, chăm sóc rừng trồng với các Điều, khoản như sau:
Điều 1. Nội dung Hợp đồng
1. Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bên B chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất):
a) Bên A chịu trách nhiệm hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên B (đối với diện tích đất trồng rừng được cơ quan có thẩm quyền cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), thời gian trong vòng một năm. Trong thời gian làm thủ tục, hợp đồng này là căn cứ để nhận mức hỗ trợ trồng rừng phòng hộ của Nhà nước;
b) Nếu diện tích đất trồng rừng của bên B thuộc đất đã cấp cho Công ty lâm nghiệp quốc doanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Bên A có trách nhiệm đo đạc, lên sơ đồ để khoán ổn định lâu dài (50 năm) cho bên B trồng rừng theo hợp đồng này;
c) Kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Mục 1, Phần II Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT ngày 02/5/2008 hướng dẫn thực hiện.
2. Hỗ trợ cho bên B trồng và chăm sóc rừng trồng phòng hộ
a) Nội dung hỗ trợ: cây giống, phân bón, công lao động, khuyến lâm (chi tiết theo thiết kế dự toán phê duyệt và mô tả dưới đây);
b) Thời gian hỗ trợ: một năm trồng và … năm chăm sóc tiếp theo, kể từ ngày ký kết Hợp đồng này;
c) Tiêu chuẩn cây giống và giá cây giống:
+ Loài cây trồng:.............................................................................................................. ;
+ Tiêu chuẩn cây giống: chiều cao cây ……cm, đường kính cổ rễ …….cm, cây giống đạt ……………. tháng tuổi, chất lượng cây giống tốt, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn đem trồng; Nếu là cây trồng lâm nghiệp chính phải có chứng chỉ công nhận nguồn gốc giống theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;
+ Giá cây giống là ………. đồng/cây (theo Quyết định số………../QĐ-UB ngày…… tháng ….. năm…… của Ủy ban nhân dân tỉnh................................................ ).
d) Mật độ trồng rừng: ………… cây/ha, có bản hướng dẫn chi tiết kỹ thuật kèm theo (quy cách hố, hàng, thời vụ trồng…);
đ) Cung cấp dịch vụ khuyến lâm: Bên A hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo vệ cho bên B trước khi trồng rừng ít nhất một tháng và trong suốt quá trình trồng, chăm sóc rừng;
e) Cung cấp cây giống: (bên B có thể tự túc cây giống, hoặc yêu cầu bên A cung cấp)
- Bên B tự túc cây giống theo tiêu chuẩn, chất lượng và giá cây giống ghi tại mục c khoản 2 Điều này (ghi rõ bên B tự túc hay không);
- Bên A cung cấp cây giống cho B theo tiêu chuẩn, chất lượng ghi tại mục c khoản 2 Điều này.
Điều 2. Quyền và nghĩa vụ
1. Quyền và nghĩa vụ của bên A
a) Quyền của bên A:
- Bên A có quyền theo dõi và giám sát quá trình thực hiện Hợp đồng của bên B;
- Có quyền yêu cầu Bên B thực hiện đúng các nội dung công việc và tiến độ theo quy định tại Hợp đồng, trong trường hợp Bên B vi phạm nội dung Hợp đồng mà đã được Bên A nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ 3, Bên A có quyền đề nghị thu hồi (hoặc thu hồi) toàn bộ giá trị đã hỗ trợ tại thời điểm vi phạm và tiến hành thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật nhưng phải thông báo cho Bên B biết trước ít nhất 30 ngày làm việc.
b) Nghĩa vụ của Bên A:
- Bên A có nghĩa vụ hoàn thành việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bên B theo quy định của pháp luật (trong trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc hồ sơ khoán đất lâm nghiệp theo nội dung tại khoản 1 Điều 1 của Hợp đồng;
- Bên A có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ khuyến lâm, cung cấp giống theo yêu cầu của Bên B với nội dung ghi tại khoản 2 Điều 1. Bên A có nghĩa vụ giám sát việc trồng rừng, phổ biến tuyên truyền kiến thức trồng và phát triển nghề rừng cho Bên B;
- Nếu được bên B yêu cầu tư vấn về chính sách, khuyến lâm bằng văn bản thì bên A phải trả lời bằng văn bản cho bên B.
2. Quyền và nghĩa vụ của Bên B
a) Quyền của Bên B:
- Được hưởng lợi từ rừng theo quy định hiện hành về chính sách hưởng lợi và sản phẩm được tự do lưu thông;
- Được hưởng các chính sách ưu đãi khác về miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Có quyền trao đổi thông tin qua điện thoại, Fax hoặc bằng văn bản để được tư vấn về chính sách, khuyến lâm từ bên A.
b) Nghĩa vụ của Bên B:
- Đảm bảo việc trồng và chăm sóc rừng trồng theo thuyết minh thiết kế đã được phê duyệt do bên A cung cấp;
- Khai thác các sản phẩm từ rừng theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Bên A;
- Có nghĩa vụ bảo vệ rừng trồng, không để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng, trâu bò phá hoại cây trồng…
- Bên B đã nhận hỗ trợ của Nhà nước để trồng rừng phòng hộ, nếu hết thời gian trồng và chăm sóc rừng trồng (theo quy định của thuyết minh thiết kế đã được phê duyệt) mà rừng không đạt yêu cầu theo quy định của Nhà nước thì Bên B phải tự bỏ kinh phí ra để trồng lại rừng, hoặc phải hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước bằng số tiền đã nhận đầu tư.
Điều 3. Thời hạn của Hợp đồng
Hợp đồng này có thời hạn trong vòng ……năm, tính từ ngày các Bên chính thức ký vào Bản Hợp đồng này.
Điều 4. Trường hợp bất khả kháng
Các Bên được miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp xảy ra thiệt hại hoặc vi phạm Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng. Các trường hợp bất khả kháng được xác định theo quy định hiện hành.
Điều 5. Giá trị Hợp đồng và phương thức thanh toán
1. Giá trị Hợp đồng: tổng số kinh phí mà bên A thanh toán cho bên B …… đồng (viết bằng chữ ……………………………………)
2. Phương thức thanh toán
Bên A thanh toán cho bên B làm .................................... lần (tùy theo đối tượng được hỗ trợ)
- Năm 1: nhận ………… đồng trong đó chi phí cây giống là ………… đồng, vật tư phân bón là ……… đ, công lao động là ………… đồng.
- Năm 2: nhận …………………… đồng vào tháng/năm.......................................................
- Năm 3: nhận …………………… đồng vào tháng/năm.......................................................
- Năm 4: nhận …………………… đồng vào tháng/năm.......................................................
- Năm 5: nhận …………………… đồng vào tháng/năm.......................................................
Điều 6. Giải quyết tranh chấp
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này, nếu xảy ra tranh chấp, các Bên sẽ cùng nhau tiến hành giải quyết qua thương lượng. Trong trường hợp không tự giải quyết được một trong hai Bên có quyền khởi kiện ra cơ quan Tòa án có thẩm quyền để giải quyết nhưng phải thông báo cho Bên kia biết trước ít nhất là 15 ngày. Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng các Bên có nghĩa vụ phải thi hành.
Điều 7. Điều khoản cuối cùng
1. Hai Bên thống nhất thông qua các nội dung trên của bản Hợp đồng.
2. Hợp đồng này được lập thành 08 bản tiếng Việt, mỗi bản có (...) trang. Bên A giữ 04 bản để lưu và gửi các cơ quan chức năng, Bên B giữ 01 bản, cán bộ giám sát và khuyến lâm giữ 01 bản, 01 bản lưu tại Ủy ban nhân dân xã, 01 bản lưu tại thôn (bản) để theo dõi, giám sát thực hiện./.
ĐẠI DIỆN BÊN B | ĐẠI DIỆN BÊN A |
| Xác nhận của UBND xã |
Từ khóa: Thông tư liên tịch 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC, Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC, Thông tư liên tịch 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch 58 2008 TTLT BNN BKH BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC
File gốc của Thông tư liên tịch 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC hướng dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 – 2010 do Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC hướng dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 – 2010 do Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính |
Số hiệu | 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Nguyễn Công Nghiệp, Hứa Đức Nhị, Cao Viết Sinh |
Ngày ban hành | 2008-05-02 |
Ngày hiệu lực | 2008-06-16 |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
Tình trạng | Hết hiệu lực |