HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 91-CP | Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 1971 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải quản lý có hiệu quả lực lượng và bảo vệ vững chắc tài sản xã hội chủ nghĩa.
Gần đây, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Ban Bí thư trung ương Đảng cũng ra Chỉ thị số 185-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 1970 về tăng cường bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy hiệu lực của Pháp lệnh Nhà nước và thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ quyết định mở rộng cuộc vận động tăng cường quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa với mục đích, yêu cầu và nội dung như sau :
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG, PHƯƠNG CHÂM CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG
Mục đích của cuộc vận động là trong vòng vài ba năm tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, làm giảm hẳn các hiện tượng tham ô, trộm cắp trong các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, nhất là trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh; làm giảm hẳn các tệ nạn lưu manh, trộm cắp và làm ăn phi pháp ngoài xã hội, nhất là ở những thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung.
Yêu cầu của cuộc vận động là :
1. Nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với tài sản xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa của việc tăng cường quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như đối với việc bảo đảm đời sống và hạnh phúc trước mắt và lâu dài của mỗi người.
2. Gây thành một phong trào cách mạng của quần chúng có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, tích cực đấu tranh chống những hành vi tham ô, trộm cắp, làm tổn hại của công.
3. Đưa công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa vào nề nếp : các cơ quan, đơn vị nắm vững tài sản của mình, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước, thi hành thưởng phạt nghiêm minh.
Nội dung và phương châm tiến hành cuộc vận động :
Cuộc vận động phải được tiến hành ở tất cả các ngành, các địa phương, trong các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã và nhân dân, nhưng phải làm có trọng điểm, tập trung vào những cơ quan, xí nghiệp quản lý và sử dụng nhiều vật tư, hàng hoá, tiền vốn, lao động, vào những thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, đầu mối giao thông vận tải quan trọng.
Phải kết hợp những cuộc vận động hiện nay (vận động nâng cao chất lượng đảng viên, lao động sản xuất, tăng cường quản lý thị trường, phát huy dân chủ ở nông thôn) và các biện pháp cải tiến quản lý, nhất là về kinh tế tài chính, với cuộc vận động này.
Đối với đông đảo nhân dân, thì phải tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của Pháp lệnh, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đối với tài sản xã hội chủ nghĩa, và động viên mọi người tích cực tham gia bảo vệ của công.
Đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan, xí nghiệp thì phải phổ biến kỹ tinh thần và nội dung của pháp lệnh, làm cho mọi người nắm vững những nguyên tắc, biện pháp quản lý kỹ thuật và nghiệp vụ bảo vệ tài sản có liên quan đến trách nhiệm của mình, nhất là ở những cơ quan, xí nghiệp trọng điểm.
Cần tuỳ từng trưòng hợp mà động viên anh chị em thi đua xây dựng và thực hiện nội quy bảo vệ tài sản của đơn vị, ra sức tiếp tục học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật để thiết thực góp phần quản lý, bảo vệ tốt tài sản.
Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị đều phải căn cứ vào phương châm đã quy định (làm rộng nhưng có trọng điểm, kết hợp các cuộc vận động đã có và các biện pháp cải tiến quản lý với cuộc vận động này), và căn cứ vào tình hình, đặc điểm của ngành, địa phương, đơn vị mình mà đặt kế hoạch, biện pháp cụ thể để tiến hành cuộc vận động, đề ra những yêu cầu và việc làm thích hợp với từng nơi và từng loại đối tượng.
II. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Để chỉ đạo chung cuộc vận động này, Hội đồng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động tăng cường quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa (dưới đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo trung ương), thành phần gồm có :
Trưởng ban : Bộ trưởng Phó Thủ tướng
Phó ban : Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ
Uỷ viên : Đại diện cấp thứ trưởng của Văn phòng Phủ Thủ tướng (phụ trách thường trực), Bộ Công an và Bộ Tài chính, do các cơ quan trên cử.
Ban Chỉ đạo trung ương có một số cán bộ có năng lực giúp việc, do các cơ quan hữu quan cung cấp.
Ban Chỉ đạo trung ương có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu trình Chính phủ duyệt kế hoạch tiến hành cuộc vận động, chính sách xử lý các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chính sách ấy.
2. Trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động ở một số đơn vị thí điểm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chung tình hình tiến hành cuộc vận động, báo cáo kết quả lên Chính phủ và Trung ương Đảng.
Ban Chỉ đạo trung ương có quyền đề xuất với các ngành và Uỷ ban hành chính địa phương những vấn đề cần giải quyết; triệu tập đại diện các ngành có liên quan đến làm việc, tạm thời trưng dụng cán bộ của những cơ quan liên quan để làm những việc cần thiết.
Ban Chỉ đạo trung ương phải cùng với Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, và các Ban Tuyên huấn trung ương, Tổ chức trung ương, Kiểm tra trung ương và các đoàn thể nhân dân kết hợp công tác thật chặt chẽ, bảo đảm thực hiện tốt Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chỉ thị của Đảng và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ.
Thủ trưởng các ngành ở trung ương và địa phương, Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc vận động trong những cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách, phải có kế hoạch huy động bộ máy quản lý chuyên môn thuộc quyền phục vụ tốt cuộc vận động. Riêng ở cấp tỉnh và thành phố, theo sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương, Chủ tịch Uỷ ban hành chính có thể thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, thành phố để giúp mình tổ chức chỉ đạo cuộc vận động.
Để phục vụ tốt cuộc vận động:
a) Các Bộ Tài chính, Bộ Vật tư, Bộ Lao động, Tổng cục Thống kê, trong phạm vi phụ trách của mình, có nhiệm vụ:
- Tập hợp những chính sách, chế độ chủ yếu về quản lý tài sản, tài chính, vật tư, lao động để phổ biến cho các ngành, các cấp và tăng cường kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ ấy.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quyền phục vụ cuộc vận động, làm giám định chuyên môn, giúp các ngành, các cấp hiểu và vận dụng đúng các chính sách, chế độ thuộc ngành mình quản lý, góp phần kết luận đúng đắn các trường hợp vi phạm.
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương, theo dõi tình hình tiến hành cuộc vận động ở các ngành, các cấp để thông qua đó mà xem lại, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ quản lý kinh tế tài chính, quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
b) Các ngành công an, thanh tra và những ngành khác làm chức năng kiểm tra, giám sát của Nhà nước có nhiệm vụ tăng cường hoạt động nghiệp vụ của ngành để kịp thời phát hiện, tự mình điều tra, xác minh và xử lý theo pháp luật các trưòng hợp tham ô, trộm cắp, làm ăn phi pháp hoặc giúp các ngành, các cấp điều tra, xác minh và xử lý các trưòng hợp ấy.
Quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước và nhân dân ta. Thủ trưỏng các ngành và Uỷ ban hành chính các cấp cần nhận rõ trách nhiệm của mình, nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết này trong ngành và địa phương.
Hội đồng Chính phủ đề nghị Tổng công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tích cực phối hợp công tác với các cơ quan Nhà nước động viên quần chúng đoàn viên, hội viên hăng hái tham gia cuộc vận động.
Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động tăng cường quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm khẩn trương triển khai cuộc vận động này, phải làm việc một cách kiên trì, liên tục và báo cáo kết quả lên Hội đồng Chính phủ.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Nghị quyết số 91-CP về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa do Hội đồng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Nghị quyết số 91-CP về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa do Hội đồng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Số hiệu | 91-CP |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Phạm Văn Đông |
Ngày ban hành | 1971-05-12 |
Ngày hiệu lực | 1971-05-27 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Đã hủy |