Thông tư 133-BCNN/KH năm 1961 thể thức thi hành điều lệ tạm thời về lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành sản phẩm công nghiệp theo Nghị định 43-CP do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
Bộ quy định thể thức thi hành điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch, hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông của Hội đồng Chính phủ ban hành theo Nghị định số 43-CP ngày 16 tháng 09 năm 1960 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1961 để các xí nghiệp, công trường và các cơ quan thuộc Bộ triệt để thi hành:
...
PHẦN THỨ HAI NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH GIÁ THÀNH VÀ QUY TẮC THỐNG NHẤT VỀ PHÂN LOẠI CHI PHÍ
...
II. QUY TẮC THỐNG NHẤT VỀ PHÂN LOẠI CHI PHÍ ĐƯỢC TÍNH VÀO GIÁ THÀNH, KHÔNG ĐƯỢC TÍNH VÀO GIÁ THÀNH VÀ NHỮNG CHI PHÍ DO NGUỒN VỐN KHÁC CHI
...
B. Chi phí không được tính vào kế hoạch giá thành nhưng được tính vào
giá thành thực tế khi hạch toán và thống kê giá thành:
Những chi phí không được tính vào kế hoạch giá thành nhưng được tính vào giá thành thực tế khi hạch toán và thống kê giá thành gồm có 5 loại:
Loại 1. Chi phí trong quá trình áp dụng kỹ thuật không thích hợp.
Loại 2. Thiệt hại về sản phẩm hỏng.
Loại 3.Thiệt hại về đâm đổ và bồi thường của ngành vận tải của xí nghiệp.
Loại 4. Thiệt hại về ngừng sản xuất.
Loại 5. Các thiệt hại khác do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp gây nên.
Các loại chi phí kể trên thuộc vào loại chi phí sản xuất hầu hết là do việc quản lý kinh doanh của xí nghiệp còn thiếu sót cần khắc phục và xóa bỏ, nên trong kế hoạch giá thành và phí lưu thông không được ghi, nhưng trên thực tế vẫn còn vướng mắc những thiếu sót ấy thì vẫn được tính vào giá thành khi hạch toán thống kê.
Phân tích chi tiết các loại chi phí trên như sau:
Loại 1. Chi phí trong quá trình áp dụng kỹ thuật không thích hợp.
Loại 2. Thiệt hại về sản phẩm hỏng:
Sản phẩm hỏng hay phế phẩm là những thành phẩm, bán thành phẩm sản xuất ra không đúng quy cách, phẩm chất, tiêu chuẩn kỹ thuật và mẫu hàng đã quy định cho sản phẩm đó và không thể sử dụng được theo công dụng chính của nó. Có thể định nghĩa một cách giản đơn, sản phẩm hỏng là sản phẩm không đúng quy cách phẩm chất và không có giá trị sử dụng như một sản phẩm thương phẩm theo đúng công dụng chính của nó.
Những sản phẩm hỏng (phế phẩm) muốn sử dụng được thì phải mất thêm chi phí sửa chữa lại.
Thiệt hại về sản phẩm hỏng bao gồm:
1. Giá trị của tất cả sản phẩm hỏng do sản xuất loại ra.
2. Những phí tổn về sửa chữa sản phẩm hỏng kể trên.
Những sản phẩm hỏng phát hiện ra trong quá trình sản xuất chia ra 2 loại:
1. Sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được.
2. Sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được.
Giá trị thiệt hại về sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được và không thể sửa chữa được như sau:
1. Giá trị thiệt hại về sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được bao gồm:
- Giá trị vật liệu và bán thành phẩm.
- Tiền lương dùng vào việc sửa chữa những sản phẩm hỏng.
- Phân bổ một phần kinh phí phân xưởng thích hợp.
(nhưng phải trừ khoản bồi thường do người đã làm hỏng phải trả (nếu có)).
Còn giá thành của bản thân sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được thì không tính là phí tổn để sửa chữa phế phẩm.
Không phân bổ quản lý xí nghiệp vào sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được).
2. Giá trị thiệt hại sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được:
Tức là những sản phẩm hư hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa được hay “phế phẩm không thể sửa chữa được thì không được tính vào giá trị tổng sản lượng công nghiệp.
Đối với phế phẩm không thể sửa chữa được thì xí nghiệp phải thu nhặt và đánh giá vật phế phẩm đó xem như phế liệu. Giá trị còn lại của phế phẩm được xem như phế liệu thì phải hạch toán giảm thiệt hại về sản phẩm hỏng.
Giá trị thiệt hại bao gồm toàn bộ chi phí trong quá trình sản xuất trừ đi (-) giá trị thu hồi được.
Khi tính giá trị sản phẩm hỏng do cơ quan tiêu thụ bên ngoài phát hiện thì cũng chia ra 2 loại:
1. Đối với sản phẩm hỏng có thể sửa chữa được thì phần thiệt hại bao gồm chi phí về sửa chữa sản phẩm hỏng cho người tiêu thụ.
2. Đối với sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được, chi phí về sản phẩm hỏng bao gồm:
Giá thành công xưởng của sản phẩm, (a)
+ (Cộng với) Chi phí về đổi hàng mới, (b)
+ (Cộng với) Tiền chuyên chở đi về của sản phẩm, (c).
Muối xác định số thiệt hại về sản phẩm hỏng (TH) thì phải:
Lấy giá thành công xưởng (a) cộng với (+) chi phí về đổi hàng mới và tiền chuyên chở đi về (b + c)
Rồi trừ đi (-) số tiền thu thực tế do người có lỗi bồi thường, hoặc cơ quan cung cấp bồi thường (B) vì cung cấp nguyên nhiên vật liệu kém phẩm chất nên gây tình trạng sinh ra sản phẩm hỏng.
TH = {a + (b + c)} – B.
Nếu phát hiện trong thời kỳ báo cáo thì điều chỉnh ngay trong báo cáo.
Nếu phát hiện sau thời kỳ báo cáo thì chờ đến sáu tháng hay toàn năm sẽ điều chỉnh sau.
Trong trường hợp xí nghiệp sản xuất sản phẩm không đúng phẩm chất quy cách của kỹ thuật quy định thì không được ghi vào sản lượng hay giá trị tổng sản lượng, do đó không được tính là đơn vị sản phẩm để phân bổ vào giá thành (theo bản giải thích giá thành sản phẩm công nghiệp quốc doanh kèm theo công văn số 619-CTK/CN ngày 29-08-1960 của Cục Thống kê trung ương, điểm 4, trang 8).
Nói chung, khoản thiệt hại về sản phẩm hỏng và chi phí sửa chữa sản phẩm hỏng đó thì được tính vào giá thành thực tế ở khoản mục “Thiệt hại về sản phẩm hư hỏng trong sản xuất ”, nhưng tuyệt đối không được tính vào “Kế hoạch giá thành ”.
- Đối với những sản phẩm hỏng (phế phẩm) xảy ra trong sản xuất thì cần phải truy cứu trách nhiệm, hoặc do máy móc thiết bị không tốt, hoặc do công nhân làm hỏng, hoặc do người cung cấp nguyên vật liệu không đúng phẩm chất để gây ra hư hỏng. Tùy trường hợp cụ thể mà xét người có trách nhiệm phải đền bù một số phần thiệt hại, hoặc cải tiến máy móc để tránh thiệt hại.
- Đối với các ngành đúc, nhiệt điện, thủy tinh và một số xí nghiệp mới sản xuất thì những thiệt hại về sản phẩm hỏng trong quá trình sản xuất được tính vào kế hoạch giá thành một tỷ lệ nhất định do Ủy ban kế hoạch Nhà nước quy định để xí nghiệp có hướng phấn đấu để giảm dần tỉ lệ phế phẩm (sản phẩm hỏng). Bộ sẽ quy định tỉ lệ phế phẩm cho từng xí nghiệp có sản xuất cơ khí chế tạo dụng cụ, máy móc được phép tính vào giá thành thực tế nhằm mục đích hạn chế thiệt hại về phế phẩm. Trường hợp xí nghiệp nào vượt mức tỉ lệ phế phẩm của Bộ quy định thì phải báo cáo cho Bộ xét duyệt.
Thiệt hại về sản phẩm hỏng không được tính vào kế hoạch giá thành, nhưng được tính vào giá thành thực tế khi hạch toán và thống kê.
Những thiệt hại về sản phẩm hỏng hay phế phẩm sau khi đã được Ủy ban kế hoạch Nhà nước xét duyệt các tỉ lệ phế phẩm ghi vào kế hoạch giá thành và Bộ xét duyệt tỉ lệ phấn đấu giảm tỉ lệ phế phẩm nhằm hạ giá thành thực tế thì đều được ghi vào khoản mục “Thiệt hại về sản phẩm hỏng” trong giá thành công xưởng.
3. Nguyên tắc phân bổ thiệt hại về sản phẩm hỏng trong sản xuất như sau:
1. Căn cứ vào những nguyên nhân do phòng Kiểm tra kỹ thuật phát hiện, phòng Tài vụ kế toán của xí nghiệp phải tính toán thiệt hại về phế phẩm (sản phẩm hỏng) phân bổ cho từng phân xưởng, từng sản phẩm, từng khoản mục chi phí, hoặc phân bổ cho từng cá nhân gây ra sản phẩm hỏng và tính vào phân xưởng làm hỏng phải chịu.
2. Trường hợp vì không tìm ra nguyên nhân do phân xưởng nào làm hỏng thì ghi thiệt hại cho phân xưởng sản xuất chính phải chịu.
3. Trong khi hạch toán, thiệt hại về sản phẩm hỏng được ghi vào khoản mục “Thiệt hại về sản phẩm hỏng”, tức là không được tính lẫn lộn vào những khoản chi phí về vật liệu, tiền lương và các khoản mục khác,
4. Trong trường hợp xí nghiệp sản xuất ra sản phẩm mà chất lượng kém hơn chất lượng đã ghi trong kế hoạch và có thể bán ra được, nhưng số thu nhập về tiêu thụ sản phẩm đó sẽ ít hơn tổng số chi phí sản xuất của sản phẩm ấy thì không được tính vào sản lượng và giá trị tổng sản lượng của xí nghiệp. Những chi phí sản xuất của các sản phẩm đó cũng không được tính vào phí tổn sản xuất của xí nghiệp, mà được ghi vào kết quả thu chi tài vụ của xí nghiệp.
5. Những xí nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng thì được phép tính số thiệt hại về sản phẩm hỏng vào giá trị sản phẩm đang chế tạo dở dang tại xưởng (giá trị tại phế phẩm) nếu như số thiệt hại đó có tính vào một đơn đặt hàng nhất định mà chưa sản xuất xong.
6. Đối với sản phẩm của phân xưởng sản xuất chính nhưng do phân xưởng sản xuất phụ hoặc các phân xưởng khác của xí nghiệp làm hỏng thì vẫn ghi số thiệt hại về sản phẩm hỏng đó cho phân xưởng sản xuất chính.
7. Thiệt hại về sản phẩm hỏng phát hiện ra trong nội bộ xí nghiệp thì bất cứ là phát hiện ở đâu trong xí nghiệp cũng vẫn tính vào phân xưởng làm hỏng.
8. Những sản phẩm hỏng do người tiêu thụ bên ngoài phát hiện thì xí nghiệp sản xuất ra sản phẩm hỏng sẽ chịu trách nhiệm ghi vào phần chi của mình vào tháng mà xí nghiệp đó nhận được giấy phát hiện sản phẩm hỏng của người tiêu thụ (Thành phẩm đã bán cho người tiêu thụ nay phát hiện ra làm hàng hư hỏng hay sản phẩm hỏng tức là phế phẩm). Những thiệt hại về sản phẩm hỏng đó sẽ tính cho phân xưởng làm hỏng, sau khi tìm ra nguyên nhân.
Trường hợp không tìm ra nguyên nhân thì những thiệt hại về sản phẩm hỏng do người tiêu thụ phát hiện tính cho phân xưởng sản xuất chính phải chịu như đã nói ở nguyên tắc 2 đã nói ở trên.
Giá trị thiệt hại về sản phẩm hỏng không thể sửa chữa được cho người tiêu thụ phát hiện gồm có: giá thành công xưởng của sản phẩm hỏng + (cộng với) những phí tổn về đổi hàng mới và phí tổn chuyên chở vận tải của sản phẩm hỏng đó.
Nếu là sản phẩm có thể sửa chữa lại được thì thiệt hại gồm có: phí tổn về đổi hàng mới và chuyên chở vận tải + (cộng với) những phí tổn về sửa chữa sản phẩm hỏng đó cho người tiêu thụ.
9. Để xác định số thiệt hại về sản phẩm hỏng (phế phẩm) phát hiện ở trong nội bộ xí nghiệp cũng như phát hiện bên ngoài phân bổ vào giá thành của sản phẩm, cách tính giá trị thiệt hại sản phẩm hỏng đó như sau (TH):
Lấy số phí tổn về sửa chữa sản phẩm hỏng (P)
Cộng với (+) giá trị sản phẩm hỏng phát hiện trong xí nghiệp hay ngoài xí nghiệp (G)
Trừ đi (-) giá trị của sản phẩm có thể sử dụng được (S) và số tiền thực tế do người có lỗi phải đền (L) hoặc tổng số tiền thực tế do người cung cấp phải bồi thường (B) do cung cấp vật liệu hoặc bán phế phẩm kém phẩm chất, nên gây ra tình trạng sản phẩm hỏng:
TH = (P+G) – (S+L hoặc B).
- Trong trường hợp nguyên nhân thiệt hại về sản phẩm hỏng do người cung cấp vật liệu hoặc bán thành phẩm gây ra thì sau khi người cung cấp đã công nhận khuyết điểm hoặc cơ quan trọng tài đã chứng thực thì sẽ lấy tổng số tiền do người cung cấp bồi thường trừ đi (-) số tiền thiệt hại về sản phẩm hỏng của xí nghiệp.
- Việc trừ tiền của công nhân, cán bộ kỹ thuật và nhân viên gây ra sản phẩm hỏng (phế phẩm) để bù lại số thiệt hại đó sẽ do Nhà nước quy định.
10. Đối với số thiệt hại về sản phẩm sản xuất ra trong thời kỳ trước, nhưng bây giờ không còn sản xuất nữa, mà đến nay người tiêu thụ mới phát hiện là sản phẩm hỏng thì thiệt hại đó phải tính vào giá thành của loại sản phẩm tương tự đang sản xuất.
Nếu trong thời kỳ báo cáo hiện tại mà không sản xuất những loại sản phẩm tương tự như thế thì phân bổ cho toàn bộ sản phẩm thương phẩm chịu theo phương pháp phân bổ quản lý phí xí nghiệp.
11. Đối với những sản phẩm hoặc công việc đó có đảm bảo nếu như hỏng trước thời hạn đảm bảo đó thì những phí tổn về sửa chữa trong trường hợp này cũng tính như là thiệt hại về sản phẩm hỏng.
Loại 3. Thiệt hại về đâm đổ và bồi thường của ngành vận tải của xí nghiệp.
Không được tính vào kế hoạch giá thành, nhưng được ghi vào giá thành thực tế (ô-tô vận tải của xí nghiệp đâm vào tường làm đổ tường của bên ngoài phải bồi thường).
Loại 4. - Thiệt hại về ngừng sản xuất:
- Không được tính vào giá thành khi lập kế hoạch (trừ loại xí nghiệp sản xuất theo mùa thì được tính vào giá thành kế hoạch).
- Nhưng được tính vào giá thành thực tế khi hoạch toán và thống kê.
- Thiệt hại về ngừng sản xuất do 3 nguyên nhân:
1. Do nguyên nhân bên ngoài (do cơ quan khác gây nên).
2. Do nguyên nhân bên trong (do bản thân xí nghiệp gây nên).
3. Do hỏa hoạn thiên tai,
Cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân bên ngoài:
Những thiệt hại về ngừng sản xuất do nguyên nhân bên ngoài tức là do cơ quan khác gây nên thì:
- Không được tính vào giá thành của sản phẩm.
- Nhưng được ghi vào lỗ của xí nghiệp.
Thí dụ: các cơ quan bên ngoài không cung cấp đủ điện để chạy máy, hoặc không cung cấp đủ nguyên vật liệu để sản xuất, nhiên liệu để đốt lò, hoặc không cung cấp đúng thời hạn hợp đồng thì không được tính vào giá thành kế hoạch, nhưng được tính vào giá thành thực tế của sản phẩm và ghi riêng vào khoản mục “thiệt hại về ngừng sản xuất ” trong giá thành công xưởng.
2. Do nguyên nhân bên trong:
Những thiệt hại về ngừng sản xuất do nguyên nhân bên trong tức là do bản thân xí nghiệp gây nên không được ghi vào kế hoạch giá thành.
Những thiệt hại này do công tác quản lý của nội bộ xí nghiệp gây nên, do đó khi hạch toán, được ghi vào giá thành thực tế của sản phẩm sản xuất ra (ghi vào khoản mục thiệt hại về ngừng sản xuất trong giá thành công xưởng).
3. Do hỏa hoạn thiên tai:
Những thiệt hại về ngừng sản xuất do hỏa hoạn (cháy nhà) thiên tai (bão lụt, vv…) thì không được tính vào giá thành của sản phẩm (giá thành kế hoạch và giá thành thực tế đều không được tính vào), nhưng được ghi vào lỗ của xí nghiệp.
4. Tổng số thiệt hại vì ngừng sản xuất gồm có:
Một là: Tổng số tiền lương chính thực tế phải trả cho công nhân trong thời gian ngừng sản xuất.
Nguyên tắc trả lương trong những trường hợp ngừng sản xuất như sau:
Trường hợp thứ nhất: Ngừng sản xuất vì điều kiện thời tiết hoặc thiên tai:
Khi mưa bão, lụt lũ, hỏa hoạn, không thể tiếp tục sản xuất được thì cấp phụ trách sẽ điều động công nhân viên làm việc khác. Nếu không bố trí được công việc khác thì sẽ tuyên bố cho công nhân viên tạm nghỉ. Trong thời gian tạm nghỉ, công nhân viên được trả lương:
- 80% lương trong 7 ngày đầu.
- 70% lương từ ngày thứ 8 trở đi.
Trường hợp nếu cấp phụ trách chưa tuyên bố mà công nhân viên tự ý bỏ việc thì xem như nghỉ việc không có lý do chính đáng không có lương.
Trường hợp thứ hai: Ngừng sản xuất vì khuyết điểm của xí nghiệp.
Đều xem là do khuyết điểm của xí nghiệp những trường hợp phải tạm ngừng sản xuất như: vì mất điện, hỏng máy không sửa kịp, thiếu nguyên vật liệu, thừa nhân công, ứ đọng hàng hóa do kế hoạch không sát.
Những ngày ngừng sản xuất như vậy sẽ trả:
- 100% lương trong 3 ngày đầu.
- 80% lương từ ngày thứ 4 trở đi.
Trường hợp thứ ba: Ngừng sản xuất vì phạm kỷ luật.
Trường hợp một bộ phận hay cả xí nghiệp phải tạm ngừng sản xuất vì một hành động vi phạm kỷ luật của một vài cá nhân gây nên (ví dụ: máy đương chạy bỏ đi nơi khác để hỏng máy, đứt điện, hoặc làm những việc chưa được cấp phụ trách đồng ý) thì những người đã vi phạm kỷ luật không được trả lương trong thời gian ngừng sản xuất, ngoài ra còn phải đưa ra hội đồng kỷ luật.
Những người khác bắt buộc phải ngừng sản xuất và nghỉ việc thì được trả 100% lương trong 3 ngày đầu, 80% lương từ ngày thứ 4 trở đi.
Đối với những trường hợp ngừng sản xuất trên:
- Trong những ngày đầu cấp phụ trách nên cố gắng bố trí những công việc tạm thời cho công nhân viên làm. Nếu không có việc thì tổ chức cho học tập chính trị hay nghiệp vụ. Những ngày làm công việc tạm thời hay học tập đều được trả lương.
- Nếu xét thấy trong khoản 10 ngày chưa có thể trở lại sản xuất được thì cấp phụ trách đơn vị phải thỉnh thị ngay cấp trên để tìm ra biện pháp giải quyết. Trong trường hợp không giải quyết được mà phải tạm ngừng, sản xuất một thời gian dài thì có thể chuyển công nhân viên đến công tác ở một đơn vị khác hoặc phải nghỉ việc tạm thời. Trường hợp nghỉ việc như vậy thì không trả lương nữa mà sẽ ấn định một khoản trợ cấp đặc biệt nhằm giúp đỡ một phần cho công nhân viên.
(Thông tư 27/LĐ-TT ngày 15-10-1958 của Bộ Lao động hiện hành).
Hai là: Giá trị nhiên liệu và động lực sử dụng trong thời gian ngừng sản xuất.
Ba là: Một phần kinh phí phân xưởng và quản lý phí xí nghiệp phân bổ cho thiệt hại vì ngừng sản xuất phải chịu:
5. Tiền phạt do cơ quan cung cấp bên ngoài trả vì đã vi phạm hợp đồng thì không được trừ vào số thiệt hại vì thời gian chết do ngừng sản xuất, mà phải tính vào quản lý phí xí nghiệp.
6. Những thiệt hại vì ngừng sản xuất nếu không thể trực tiếp phân bổ vào giá thành của sản phẩm theo 2 phương pháp:
Một là: Nếu do nguyên nhân bên trong thì theo phương pháp phân bổ kinh phí phân xưởng như sau:
- Phân bổ theo từng khoản về bảo quản, sử dụng thiết bị, chi phí chung cho toàn phân xưởng (trong đó có phí tổn để bảo quản, sử dụng máy móc thiết bị).
- Hoặc là phân bổ theo tỉ lệ với số giờ chạy máy.
- Hoặc là phân bổ theo số ngày công của công nhân sản xuất, hoặc theo tiền lương chính của công nhân sản xuất.
Chú thích: đối với những phí tổn chung của toàn phân xưởng thì cần tính vào giá thành của phân xưởng nào đã trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đó.
Trường hợp nếu trong nội bộ phân xưởng sản xuất nhiều loại sản phẩm, hoặc nhiều ban, tổ sản xuất thì tùy theo tính chất sản xuất mà tiến hành phân bổ tỉ lệ với số giờ chạy máy hoặc với tiền lương chính của công nhân sản xuất.
Vì tính chất sản xuất của từng loại xí nghiệp công nghiệp khác nhau, vì đặc điểm khác nhau của từng ngành nên không thể áp dụng một phương pháp phân bổ thống nhất cho tất cả các xí nghiệp được mà mỗi ngành sản xuất có thể áp dụng một phương pháp phân bổ riêng, có chiếu cố đến đặc điểm và trình độ kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành của từng ngành sản xuất đó, nhưng phải được Bộ cho phép.
Trên đây là mấy phương pháp chủ yếu trong việc phân bổ kinh phí phân xưởng trong thời gian ngừng sản xuất.
Còn nhiều phương pháp khác để phân bổ kinh phí phân xưởng theo chế độ kế toán Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành có giải thích rõ ở trang 101.
Hai là: Nếu do nguyên nhân bên ngoài thì phân bổ những thiệt hại vì ngừng sản xuất theo phương pháp phân bổ quản lý xí nghiệp như sau:
Quản lý phí xí nghiệp phân bổ cho:
1. Phân xưởng sản xuất chính sản xuất ra thành phẩm, bán thành phẩm, kể cả phân xưởng chế biến sản phẩm phụ bằng phế liệu.
2. Phân xưởng sản xuất phụ đối với công việc làm cho bên ngoài cũng như để thỏa mãn nhu cầu kiến thiết cơ bản, sửa chữa lớn, công trình phục vụ công cộng, nhu cầu về văn hóa và sinh hoạt của xí nghiệp.
Chú ý: Trong quản lý phí xí nghiệp bao gồm chi phí sản xuất, chi phí sản xuất như là tiền phạt, tiền bồi thường mà xí nghiệp phải trả vì vi phạm hợp đồng vận tải, hoặc cung cấp nguyên vật liệu, thiệt hại, hư hỏng, mất vật liệu, mất sản phẩm, vv… Cho nên khi phân bổ chi phí sản xuất vào giá thành thực tế của sản phẩm thì cần phải trừ đi các khoản tiền phạt, tiền bồi thường vì vi phạm hợp đồng kinh tế mà xí nghiệp thu được của các cơ quan khác và số sản phẩm, vật liệu thừa ra sau khi kiểm kê ở các kho và phân xưởng.
Trường hợp xí nghiệp thu khoản tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng mà tỷ lệ nhiều hơn số tiền nộp phạt phải chi ra thì số tiền bội thu đó không được phân bổ để giảm những chi phí phi sản xuất, mà ghi vào lỗ của xí nghiệp.
7. Thiệt hại về ngừng sản xuất chia ra 2 loại:
Một là: Thiệt hại về ngừng sản xuất trong kế hoạch đối với các xí nghiệp sản xuất theo mùa như: rượu, nước đá, chè, thuốc lá, đường, ép dầu, vv… thì được tính vào kế hoạch giá thành khi lập kế hoạch, nhưng phải được Bộ chủ quản quy định.
Khi hạch toán thì được tính trước vào giá thành thực tế các tháng trong năm về những thiệt hại ngừng sản xuất dự toán trong kế hoạch.
Hai là: Thiệt hại về ngừng sản xuất ngoài kế hoạch thì không được tính vào kế hoạch giá thành khi lập kế hoạch, nhưng phải được ghi vào giá thành thực tế đã nói ở trên đối với các xí nghiệp sản xuất không phải theo mùa.
Về thời gian thì việc ngừng sản xuất có thể chia ra làm 3 trường hợp:
- Ngừng sản xuất dưới 1 tiếng đồng hồ.
- Ngừng từ 1 tiếng đồng hồ trở lên nhưng dưới 1 ca làm việc (dưới 8 tiếng đồng hồ),
- Ngừng từ 1 ca hay 8 tiếng đồng hồ trở lên.
Về không gian thì có thể ngừng sản xuất toàn xí nghiệp hay ở từng bộ phận của xí nghiệp (các phân xưởng, các tổ sản xuất, vv…).
Ngừng sản xuất là một hiện tượng không tốt trong sản xuất, cần tích cực đấu tranh chống hiện tượng đó, để có cơ sở đấu tranh chống hiện tượng không tốt đó thì phải biết được trong mỗi tháng, thời gian ngừng sản xuất toàn xí nghiệp và ngừng sản xuất từng bộ phận là bao lâu. Chẵng những thế mà còn phải tính ra bằng số tiền thiệt hại do ngừng sản xuất gây nên để đánh giá được mức độ của thiệt hại đó.
Đứng về phía thống kê thời gian ngừng sản xuất, thì bất luận thời gian ngừng sản xuất dài hay ngắn, ngừng toàn xí nghiệp hay từng bộ phận, đều phải ghi số giờ chết để thống kê.
Nhưng để đơn giản bớt công việc hạch toán, Bộ quyết định căn cứ vào thời gian chết mà sắp xếp ngừng sản xuất thành 2 loại:
- Ngừng sản xuất dưới 1 tiếng đồng hồ.
- Ngừng sản xuất từ 1 tiếng đồng hồ trở lên.
Một là: Ngừng sản xuất dưới 1 tiếng đồng hồ:
Nếu ngừng sản xuất dưới 1 tiếng đồng hồ thì dù là ngừng toàn xí nghiệp, hay từng bộ phận và do nguyên nhân bên trong hay bên ngoài đều không cần tính ra tiền của thiệt hại đó để ghi vào sổ kế toán. Nhưng nếu do nguyên nhân bên ngoài thì có giá trị thiệt hại đó. Trị giá như thế nhằm mục đích chiểu theo hợp đồng kinh tế đã ký kết mà đòi người có trách nhiệm phải bồi thường số thiệt hại đó.
Hai là: Ngừng sản xuất từ 1 tiếng đồng hồ trở lên:
Trường hợp ngừng sản xuất từ 1 tiếng đồng hồ trở lên thì tính vào giá thành thực tế của sản phẩm và ghi vào khoản mục “Thiệt hại vì ngừng sản xuất ” vô luận là ngừng sản xuất ở một bộ phận của phân xưởng, ở một phân xưởng hay ở nhiều phân xưởng và do bên ngoài hay bên trong gây ra.
Loại 5. Các thiệt hại khác do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp gây nên:
Các khoản thiệt hại khác do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp gây nên như là: Thiệt hại do bị phạt lưu kho, lưu bãi, vi phạm hợp đồng, nợ quá hạn và những thiệt hại do hao hụt quá mức quy định Nhà nước đều không được tính vào kế hoạch giá thành, nhưng được tính vào giá thành thực tế khi hạch toán và thống kê.
Cụ thể như sau:
1. Thiệt hại về tiền nộp phạt và tiền lãi do nợ quá hạn.
a) Tiền nộp phạt:
Các khoản tiền nộp phạt về lưu kho bãi, để toa xe và các phương tiện vận tải khác đỗ quá thời gian quy định, tiền bốc dỡ hàng chậm ở các bến tàu và ga, không thi hành đúng các hợp đồng đã ký kết với các nơi như: chậm giao hàng, chậm thanh toán, vv…
Tiền phạt, tiền bồi thường, vi phạm hợp đồng, phải trả hoặc nhận được do không hoàn thành hợp đồng cung cấp, tiêu thụ, do không thanh toán kịp thời, vv… tức là do không nghiêm chỉnh chấp hành các điều cam kết trong các điều khoản của hợp đồng đã ký kết đều không được tính vào kế hoạch giá thành, nhưng được tính vào giá thành thực tế khi hạch toán, ghi vào quản lý phí phi sản xuất (ngoài kế hoạch) trong quản lý phí xí nghiệp, giá thành công xưởng.
b)Lãi do nợ quá hạn:
Là tiền lợi tức trả ngân hàng do vay vốn ngân hàng quá kỳ hạn mà chưa thanh toán, kể cả vay ngân hàng trong định mức và ngoài định mức, cũng tính vào quản lý phí phi sản xuất như trên.
2. Thiệt hại do hao hụt quá mức quy định của Nhà nước.
Những thiệt hại do hao hụt quá mức quy định của Nhà nước như là:
a) Hao hụt và thiếu ở kho nguyên liệu vật liệu và thành phẩm, qua định mức (ngoài kế hoạch) hoặc không phát hiện được người gây nên khuyết điểm.
Hoặc do hao hụt tự nhiên vì lý do thời tiết như bốc hơi, vải co giản, bông ẩm, thuốc lá ẩm quá tỉ lệ hao hụt luật định (freinte légale).
Nếu thiếu do hao hụt thì ghi vào khoản mục:
Thiệt hại trong quản lý phí phi sản xuất như trên.
Nếu thiếu quá tỉ lệ hao hụt trên và do thủ kho gây nên khuyết điểm thì thủ kho phải bồi thường.
Nếu thiếu kho ngoài định mức mà không phát hiện được người gây ra thiếu hụt đó thì cũng tính vào quản lý phí xí nghiệp. Nếu thừa kho thì giảm bớt quản lý phí xí nghiệp (quản lý phí phi sản xuất).
Trường hợp thiếu dưới 50% của tỉ lệ quy định thì tính vào quản lý phí xí nghiệp. Thí dụ tỉ lệ quy định là 2% hao hụt tối đa (tỉ lệ hao hụt luật định) nghĩa là cứ 100kg thì được hao hụt nhiều nhất là 2kg chỉ còn 98 ki lô là hợp lý. Nhưng xí nghiệp hao hụt 2kg800 chỉ còn 97kg200 tức là đã hao hụt quá mức quy định 1ki lô hay dưới 50% (50% tỉ lệ của hao hụt).
Nếu hao hụt trên 50% thì dù hao đến 4 ki lô của tỉ lệ quy định không quá 2kg thì lập biên bản báo cáo lên Bộ để Bộ tùy trường hợp mà xét duyệt hoặc có những biện pháp giải quyết hợp lý.
Trong trường hợp này, nếu có lý do chính đáng và được Bộ cho phép sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính thì xí nghiệp được phép ghi vào lỗ và trừ vào lãi của xí nghiệp hoặc bằng cách giảm vốn lưu động, hoặc được Bộ Tài chính cấp vốn lưu động bổ sung.
- Nếu xét không có lý do chính đáng thì xí nghiệp sẽ phải bồi thường bằng cách trừ dần vào lương của cán bộ chịu trách nhiệm.
- Trường hợp thừa dưới 30% của tỉ lệ quy định thì sẽ giảm bớt quản lý phí xí nghiệp.
- Nếu thừa trên 30% của tỉ lệ quy định thì xí nghiệp cũng phải báo cáo lên Bộ để Bộ có thể hoặc cho vào lãi, hoặc tăng vốn lưu động của xí nghiệp, tùy theo khả năng mà tài chính của xí nghiệp và tình hình thực hiện kế hoạch tích lũy của Nhà nước mà Bộ cùng với Bộ Tài chính có thể quy định được.
b) Nguyên vật liệu và thành phẩm hư hỏng trong kho mà không tìm ra người khuyết điểm, trong trường hợp được cấp trên cho phép (Giám đốc chứng nhận).
c) Các chi phí khác về quản lý chi phí sản xuất như là tiền than phát không cho công nhân viên, điện phát không, vv…
C. Ngoại lệ: Những chi phí được tính vào giá thành khi lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành:
Có 3 loại chi phí dưới đây được tính vào giá thành kế hoạch và giá thành thực tế:
1. Hao hụt tự nhiên và hao hụt do tính chất của từng ngành:
Những hao hụt của một số nguyên vật liệu, thành phẩm và hao hụt do tính chất của từng ngành như: điện, đúc, thủy tinh, vv… được tính vào kế hoạch giá thành theo tỉ lệ nhất định do Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Bộ chủ quản quyết định tùy theo từng loại sản phẩm hoặc từng loại xí nghiệp.
2. Chi phí trong thời gian ngừng sản xuất của những xí nghiệp sản xuất theo mùa: Được tính vào giá thành khi lập kế hoạch, nhưng phải được Bộ chủ quản quy định.
3. Lương công nhân ốm đau nghỉ việc một thời gian ngắn (số ngày, Nhà nước quy định sau):
a) Trong thời hạn: - Tiền lương của công nhân ốm đau nghỉ việc trong thời gian Nhà nước quy định thì vẫn do quỹ tiền lương chi và được tính vào kế hoạch giá thành.
b) Quá thời hạn – Quá thời hạn quy định thì số tiền lương ấy do quỹ bảo hiểm lao động chi và được tính vào kế hoạch giá thành.