BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2019/TT-BTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2019 |
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ NGÀNH TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về Chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính theo quy định của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2015 về chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
2. Số liệu thống kê trong hệ thống báo cáo thống kê quy định tại Thông tư này thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc lĩnh vực quản lý của mình bao gồm thông tin thống kê của các đơn vị trực thuộc và thông tin thống kê của các đơn vị thuộc quyền quản lý theo phân cấp và theo địa bàn.
3. Đối với các báo cáo khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, các đơn vị thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
2. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện báo cáo thống kê ngành Tài chính.
Điều 3. Nội dung chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính
1. Chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính quy định danh mục báo cáo, biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo nhằm thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân công cho Bộ Tài chính và Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài chính quy định tại Thông tư số 65/2018/TT-BTC ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính.
2. Đơn vị báo cáo và đơn vị nhận báo cáo
a) Đơn vị báo cáo là các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu báo cáo;
b) Đơn vị nhận báo cáo là Bộ Tài chính (Cục Tin học và Thống kê tài chính) được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu báo cáo, dưới dòng đơn vị báo cáo.
3. Biểu mẫu báo cáo thống kê
a) Danh mục báo cáo theo Phụ lục I - Danh mục báo cáo thống kê ngành Tài chính ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Biểu mẫu báo cáo thống kê (sau đây gọi tắt là biểu mẫu báo cáo) quy định cụ thể: Tên báo cáo, kỳ báo cáo, thời hạn báo cáo, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, nội dung báo cáo. Biểu mẫu báo cáo theo Phụ lục II - Hệ thống biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Ký hiệu biểu mẫu báo cáo gồm phần số và phần chữ. Phần số gồm 4 chữ số, 2 chữ số đầu tương ứng với lĩnh vực báo cáo thống kê, 2 chữ số sau là số thứ tự liên tục từ 01 đến 99 dùng để đánh số cho các biểu mẫu báo cáo thuộc từng lĩnh vực; phần chữ gồm 2 phần, chữ cái đầu là chữ in hoa viết tắt của kỳ báo cáo (năm - N, quý - Q, tháng - T, ngày - D, hỗn hợp - H), phần chữ tiếp theo là chữ in hoa viết tắt của đơn vị báo cáo. Đối với các báo cáo dùng để tổng hợp thành báo cáo thống kê quốc gia sẽ được bổ sung thêm ký tự “.QG” tại cuối ký hiệu biểu mẫu.
4. Kỳ báo cáo
Kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu báo cáo và được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:
a) Báo cáo thống kê ngày: Được xác định theo ngày làm việc;
b) Báo cáo thống kê tháng: Được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng cho đến hết ngày cuối cùng của tháng;
c) Báo cáo thống kê quý: Được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo thống kê đó;
d) Báo cáo thống kê 6 tháng: Được tính bắt đầu từ ngày 01 dầu tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ sáu của kỳ báo cáo thống kê đó;
đ) Báo cáo thống kê năm: Được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo thống kê đó;
e) Báo cáo thống kê khác: Báo thống kê có kỳ báo cáo và thời hạn báo cáo được ghi cụ thể trong từng biểu mẫu báo cáo;
g) Báo cáo thống kê đột xuất: Trường hợp cần báo cáo thống kê đột xuất nhằm thực hiện các yêu cầu về quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, cơ quan yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ thời gian, thời hạn và các tiêu chí báo cáo thống kê cụ thể.
5. Thời hạn báo cáo
Thời hạn báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu báo cáo, dưới dòng ký hiệu biểu mẫu. Nếu ngày quy định cuối cùng của thời hạn báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.
6. Phương thức báo cáo
Các đơn vị báo cáo thực hiện theo một trong các phương thức sau:
a) Thực hiện gửi, nhận báo cáo trực tiếp trên Hệ thống thông tin Thống kê tài chính và được xác thực bằng tài khoản được đăng ký bởi đại diện đơn vị báo cáo;
b) Các đơn vị báo cáo có hệ thống thông tin quản lý báo cáo thống kê điện tử thực hiện gửi báo cáo tự động tới Hệ thống thông tin Thống kê tài chính bằng các phương thức kết nối theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;
c) Trường hợp hệ thống mạng truyền dữ liệu, phần mềm Hệ thống thông tin Thống kê tài chính gặp sự cố, các đơn vị gửi báo cáo qua hệ thống thư điện tử hoặc qua vật mang tin theo hướng dẫn của Cục Tin học và Thống kê tài chính.
Điều 4. Số liệu báo cáo thống kê
1. Các số liệu báo cáo thống kê phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình hoạt động của lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước; sử dụng cho công tác đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách của ngành Tài chính; cung cấp thông tin, dữ liệu theo Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; đáp ứng yêu cầu trao đổi, cung cấp, phổ biến thông tin thống kê theo quy định của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.
2. Hệ thống bảng mã phân loại thống kê áp dụng trong công tác thống kê của ngành Tài chính để tổng hợp số liệu, báo cáo thống kê được thực hiện theo các bảng mã phân loại thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và Hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực Tài chính theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống Danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực Tài chính.
3. Khi có chỉnh sửa đối với số liệu đã báo cáo hoặc số liệu trong kỳ báo cáo có biến động khác thường thì đơn vị báo cáo phải gửi các thuyết minh báo cáo bằng điện tử hoặc văn bản cho đơn vị nhận báo cáo.
Điều 5. Khai thác dữ liệu, thông tin thống kê
1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, các Sở Tài chính và tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện báo cáo thống kê ngành Tài chính được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu, thông tin thống kê có liên quan.
2. Phương thức khai thác, sử dụng số liệu báo cáo thống kê được thực hiện trên Hệ thống thông tin Thống kê tài chính qua giao diện mạng (web).
3. Các đơn vị, cá nhân được phép khai thác dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng thông tin, số liệu thống kê, tuân thủ các quy định về sử dụng số liệu thống kê theo quy định của Luật Thống kê.
Điều 6. Ứng dụng công nghệ thông tin và bảo mật thông tin thống kê ngành Tài chính
1. Hệ thống thông tin Thống kê tài chính sử dụng để gửi, nhận, khai thác thông tin, số liệu thống kê theo chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính. Hệ thống được xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác sử dụng đảm bảo việc tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu được thông suốt, kịp thời và đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, an ninh thông tin theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy định của Bộ Tài chính.
2. Những số liệu báo cáo thống kê và các tài liệu liên quan thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật của ngành Tài chính phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Tài chính và quy định tại Điều 57 Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2015.
3. Các cá nhân được phân quyền khai thác số liệu báo cáo thống kê trên Hệ thống thông tin Thống kê tài chính có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý mật khẩu truy nhập hệ thống và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và Bộ Tài chính.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan
1. Trách nhiệm của Cục Tin học và Thống kê tài chính
a) Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị báo cáo thực hiện gửi báo cáo thống kê thực hiện Thông tư này; thực hiện tiếp nhận các kiến nghị bằng văn bản về thực hiện Thông tư này; tổ chức tiếp nhận và cập nhật đầy đủ, kịp thời các biểu mẫu báo cáo điện tử vào Hệ thống thông tin Thống kê tài chính; phản hồi kịp thời trên hệ thống về tình trạng gửi, nhận báo cáo điện tử cho đơn vị báo cáo; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện quy định báo cáo thống kê tại Thông tư này để báo cáo Lãnh đạo Bộ và gửi các đơn vị liên quan để thực hiện;
b) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ lập, quản lý, lưu trữ, cung cấp và công bố số liệu thống kê tổng hợp theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo thống kê thuộc chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính ký báo cáo và gửi Tổng cục Thống kê theo quy định tại Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
c) Xây dựng, nâng cấp và tổ chức quản lý Hệ thống thông tin Thống kê tài chính; ban hành quy chế quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống thông tin Thống kê tài chính, trong đó quy định chi tiết về tên, cấu trúc tệp tin dữ liệu của báo cáo điện tử và hướng dẫn các đơn vị lập, gửi biểu mẫu báo cáo điện tử để thực hiện Thông tư này;
d) Tổng hợp và cấp quyền khai thác biểu mẫu, số liệu báo cáo thống kê có liên quan cho các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng trên Hệ thống thông tin Thống kê tài chính. Trường hợp xảy ra sự cố đường truyền dữ liệu hoặc hệ thống gửi, nhận báo cáo điện tử, phải thực hiện ngay biện pháp để khắc phục sự cố;
đ) Xử lý vướng mắc liên quan đến việc gửi, nhận báo cáo thống kê, đảm bảo việc khai thác, sử dụng số liệu thống kê có liên quan cho các đơn vị, cá nhân; ghi và sao lưu nhật ký tiếp nhận các báo cáo do các đơn vị báo cáo gửi, nhật ký khai thác sử dụng biểu mẫu, số liệu thống kê của các đơn vị, cá nhân.
e) Đảm bảo quy định về bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Trách nhiệm của các đơn vị báo cáo
a) Các đơn vị báo cáo chấp hành đúng các quy định về báo cáo thống kê quy định tại Thông tư này, gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của số liệu báo cáo thống kê theo quy định tại Thông tư này; trường hợp phát hiện số liệu tại biểu mẫu báo cáo có sai sót cần thông báo cho đơn vị nhận báo cáo, đồng thời phải cập nhật kịp thời và gửi lại báo cáo theo quy định.
b) Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thu thập, tổng hợp, lưu trữ, khai thác dữ liệu, thông tin thống kê thuộc phạm vi quản lý của đơn vị; đảm bảo tính kết nối, liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu báo cáo thống kê của đơn vị với Hệ thống thông tin Thống kê tài chính.
c) Phối hợp với Cục Tin học và Thống kê tài chính tổ chức các đợt tập huấn về báo cáo thống kê, hướng dẫn và trả lời kịp thời cho các đơn vị về các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Thông tư này.
Điều 8. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2019.
2. Thông tư số 15/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn Hệ thống chỉ tiêu và Mẫu biểu báo cáo thống kê sử dụng tại các Sở Tài chính hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 02/2019/TT-BTC quy định về Chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 02/2019/TT-BTC quy định về Chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 02/2019/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Ngày ban hành | 2019-01-14 |
Ngày hiệu lực | 2019-03-01 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Còn hiệu lực |