CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114/2008/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phá sản ngày 24 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về:
a) Danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác được áp dụng các quy định về phá sản của Nghị định này.
b) Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
Các vấn đề khác liên quan đến việc phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
a) Các doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và thuộc danh mục quy định tại Điều 2 Nghị định này.
b) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
1. Đối với lĩnh vực bảo hiểm: là các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), ngoại trừ các công ty môi giới bảo hiểm.
2. Đối với lĩnh vực chứng khoán: là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp chứng khoán).
3. Đối với lĩnh vực tài chính khác: là các công ty Xổ số kiến thiết hoạt động kinh doanh xổ số theo quy định của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xổ số.
Trường hợp phát sinh các mô hình doanh nghiệp mới được thành lập và hoạt động theo giấy phép, quyết định của Bộ Tài chính hoặc hoạt động dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để trực tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tài chính và việc phá sản doanh nghiệp đó có ảnh hưởng lớn tới công chúng, tác động trực tiếp tới sự phát triển an toàn, ổn định của hệ thống tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố bổ sung danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính khác được áp dụng theo Nghị định này (sau đây gọi chung là doanh nghiệp tài chính khác) sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
1. Trường hợp doanh nghiệp không được áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, thủ tục phá sản áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:
a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;
b) Phục hồi hoạt động kinh doanh;
c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ;
d) Tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã được áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, nhưng vẫn không khôi phục được, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chủ sở hữu của doanh nghiệp có quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, đồng thời không có đủ quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ 2/3 (hai phần ba) tổng số nợ không có bảo đảm trở lên đề nghị tổ chức Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán quyết định áp dụng ngay việc thanh lý tài sản, các khoản nợ theo quy định tại điểm c khoản 1 và tuyên bố doanh nghiệp phá sản mà không áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 4. Tổ quản lý, thanh lý tài sản
1. Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phụ trách việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
2. Thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có:
a) Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản làm Tổ trưởng;
b) Một cán bộ của Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
c) Một đại diện của chủ nợ là tổ chức, cá nhân có số nợ lớn nhất trong số các chủ nợ. Trường hợp hội nghị chủ nợ xét thấy phải thay người đại diện cho các chủ nợ trong thành phần tổ quản lý, thanh lý tài sản thì hội nghị bầu người thay thế;
d) Một đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản;
đ) Một đại diện của Bộ Tài chính khi tiến hành phá sản doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tài chính khác do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành phá sản doanh nghiệp chứng khoán hoặc Chủ sở hữu doanh nghiệp khi tiến hành phá sản các doanh nghiệp tài chính khác không do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động;
e) Đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) đối với doanh nghiệp có nợ lương hoặc các khoản nợ khác đối với người lao động.
3. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán.
4. Việc thành lập, thay đổi thành phần, giải thể, thành lập lại Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17, 18, và 19 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản
1. Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 10 và 11 của Luật phá sản.
2. Chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 20 và từ Điều 22 đến Điều 33 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
NỘP ĐƠN VÀ THỤ LÝ ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN
Điều 6. Đối tượng có quyền và nghĩa vụ trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Các đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác thực hiện theo quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật Phá sản.
2. Trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác lâm vào tình trạng phá sản, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có liên quan theo quy định tại Điều 20 Luật Phá sản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người nêu tại khoản 1 Điều này biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó.
3. Người người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 Điều này có các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Điều 19 của Luật Phá sản.
Điều 7. Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Trường hợp người nộp đơn là chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp thì trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án thông báo cho các cơ quan sau:
a) Bộ Tài chính trong trường hợp nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tài chính khác do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động.
b) Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong trường hợp nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp chứng khoán.
2. Trường hợp người nộp đơn không phải là chủ doanh nghiệp hoặc không phải là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án thông báo cho doanh nghiệp biết, đồng thời gửi cho cơ quan, tổ chức sau:
a) Bộ Tài chính trong trường hợp nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tài chính khác do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động.
b) Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong trường hợp nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp chứng khoán.
c) Chủ sở hữu doanh nghiệp trong trường hợp nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp tài chính khác không do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động.
1. Trường hợp nhận thấy nguy cơ mất khả năng thanh toán, trước khi quyết định việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác phải chủ động thực hiện các biện pháp tự khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời báo cáo ngay bằng văn bản cho các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người nộp đơn không phải là chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.
3 Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác, các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu nhận được thông báo của Tòa án nêu tại Điều 7 Nghị định này phải có văn bản về việc có hoặc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
1. Đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện khôi phục khả năng thanh toán, gồm các biện pháp sau:
a) Bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu;
b) Tái bảo hiểm; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động;
c) Củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp;
d) Yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm;
đ) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm bị đặt vào tình trạng kiểm soát khả năng thanh toán. Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 80 Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. Đối với trường hợp doanh nghiệp chứng khoán có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền sau:
a) Yêu cầu doanh nghiệp chứng khoán thực hiện việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với quỹ, nhà đầu tư ủy thác, các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khác thay thế. Việc lựa chọn đối tác để bàn giao quyền và nghĩa vụ do doanh nghiệp tự thỏa thuận và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Trường hợp doanh nghiệp không tự thỏa thuận và thống nhất được đối tác bàn giao thì việc lựa chọn doanh nghiệp cùng ngành nghề sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ định.
b) Yêu cầu doanh nghiệp chứng khoán thực hiện niêm phong tạm thời một phần hoặc toàn bộ các tài khoản tiền và tài khoản chứng khoán của khách hàng và tài khoản tự doanh của doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
c) Đặt doanh nghiệp chứng khoán vào tình trạng cảnh báo theo quy định tại Điều 74 Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
d) Các biện pháp theo quy định của pháp luật.
3. Đối với trường hợp doanh nghiệp tài chính khác có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Bộ Tài chính (đối với các doanh nghiệp do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động) hoặc Chủ sở hữu (đối với các doanh nghiệp không do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động) có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện khôi phục khả năng thanh toán, gồm các biện pháp sau:
a) Thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động;
b) Củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp;
c) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp chứng khoán và tài chính khác không được áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính hoặc Chủ sở hữu thông báo cho Tòa án về việc không áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp để thực hiện giải quyết theo thủ tục phá sản quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định này.
Điều 10. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác trong những trường hợp sau:
1. Người nộp đơn không nộp tiền tạm ứng phí phá sản trong thời hạn do Tòa án ấn định
2. Người nộp đơn không có quyền nộp đơn;
3. Có Tòa án khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản;
4. Có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là không khách quan, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc có sự gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản;
5. Doanh nghiệp chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản;
6. Doanh nghiệp được các Cơ quan quản lý nhà nước hoặc Chủ sở hữu quy định tại Điều 7 Nghị định này có thông báo về việc có áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
Điều 11. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
1. Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đầy đủ các điều kiện sau:
a) Các Cơ quan quản lý nhà nước hoặc Chủ sở hữu quy định tại Điều 7 Nghị định này đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biên pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
2. Quyết định mở thủ tục phá sản phải có các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Phá sản;
3. Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản khi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Việc khiếu nại quyết định không mở thủ tục phá sản được thực hiện theo Điều 32 của Luật Phá sản.
1. Mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản vẫn được tiến hành bình thường, nhưng phải chịu sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.
2. Trường hợp xét thấy người quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác không có khả năng điều hành hoặc nếu tiếp tục điều hành hoạt động sẽ không có lợi cho việc bảo toàn tài sản của doanh nghiệp thì theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán ra quyết định cử người quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;
b) Thanh toán nợ không có bảo đảm;
c) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
d) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
đ) Thanh toán nợ cho các chủ nợ đồng thời là bên nợ của doanh nghiệp;
e) Nhận mở tải khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng, thực hiện các hoạt động môi giới chứng khoán;
g) Thực hiện các hoạt động đầu tư và các hoạt động khác liên quan đến các tài khoản tiền gửi và tài khoản chứng khoán của khách hàng, của doanh nghiệp.
4. Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, các hoạt động sau đây của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện:
a) Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản;
b) Nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng;
c) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
d) Vay tiền;
đ) Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản;
e) Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp.
NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO TOÀN TÀI SẢN
Điều 13. Xác định nghĩa vụ về tài sản, xử lý các khoản nợ và hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước
Việc xác định nghĩa vụ về tài sản, xử lý các khoản nợ chưa đến hạn, các khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố, hoàn trả tài sản cho Nhà nước thực hiện theo quy định tại các Điều 33, 34, 35 và 36 của Luật Phá sản.
Điều 14. Thứ tự phân chia tài sản
Sau khi thực hiện các nghĩa vụ về tài sản theo quy định tại Điều 13 Nghị định này, giá trị tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác được phân chia theo thứ tự quy định tại Điều 37 của Luật Phá sản.
Điều 15. Các giao dịch bị coi là vô hiệu
1. Các giao dịch bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 43 của Luật Phá sản, trừ trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.
2. Nếu trong khoảng thời gian ba tháng trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác đang áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán thì việc thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn, thực hiện thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ, chi trả tiền gửi trên tài khoản chứng khoán của khách hàng, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán sẽ không áp dụng các quy định về giao dịch vô hiệu.
3. Chủ nợ không có bảo đảm, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 44 của Luật Phá sản.
1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 78 của Luật Phá sản, Thẩm phán quyết định việc triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng các biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh khi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc chủ sở hữu quy định tại Điều 7 Nghị định này đã có văn bản thông báo về việc không áp dụng hoặc chấm dứt các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
2. Các nội dung liên quan đến Hội nghị chủ nợ được thực hiện theo quy định từ Điều 61 đến Điều 77 của Luật Phá sản.
Điều 17. Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản
Tòa án, Thẩm phán thực hiện việc ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác theo quy định từ Điều 78 đến Điều 80 của Luật Phá sản
1. Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán, tài chính khác phá sản thực hiện theo phương thức và thứ tự ưu tiên như sau:
a) Bán đấu giá toàn bộ doanh nghiệp cho đối tượng hoạt động kinh doanh trong cùng ngành nghề lĩnh vực để tiếp tục kinh doanh;
b) Bán đấu giá toàn bộ doanh nghiệp cho các đối tượng khác trong trường hợp không có đối tượng hoạt động kinh doanh trong cùng ngành nghề lĩnh vực tham gia đấu giá mua doanh nghiệp để tiếp tục kinh doanh;
c) Bán theo phương thức trực tiếp toàn bộ doanh nghiệp cho đối tượng hoạt động kinh doanh trong cùng ngành nghề lĩnh vực để tiếp tục kinh doanh trong trường hợp chỉ có một đối tượng đăng ký mua;
d) Bán đấu giá từng tài sản riêng lẻ được thực hiện trong trường hợp không thực hiện được theo phương thức bán đấu giá toàn bộ doanh nghiệp;
đ) Bán từng tài sản riêng lẻ theo phương thức trực tiếp được thực hiện trong trường hợp không thực hiện được theo phương thức bán đấu giá từng tài sản hoặc giá trị tài sản dưới mức phải bán theo phương thức đấu giá theo quy định của pháp luật.
2. Việc bán toàn bộ doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, bán đấu giá công ty nhà nước và bán đấu giá tài sản thực hiện theo các quy định của pháp luật.
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 93 Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
File gốc của Nghị định 114/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác đang được cập nhật.
Nghị định 114/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 114/2008/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành | 2008-11-03 |
Ngày hiệu lực | 2008-11-29 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Hết hiệu lực |