CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2016/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2016 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết, biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; số lượng Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp hoạt động của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; con dấu của Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; nguồn kinh phí; cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh; điều kiện thành lập Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; phân cấp quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ; hỗ trợ phương tiện, kinh phí đi lại cho dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công dân Việt Nam, cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Việt Nam.
2. Cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam liên quan đến dân quân tự vệ. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ và quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoặc Chỉ huy trưởng đơn vị tự vệ cơ quan, tổ chức nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ.
3. Mẫu quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
Điều 4. Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp tổ chức tự vệ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp;
b) Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Có số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên và hợp đồng lao động không thời hạn: Trong độ tuổi, đủ tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ tham gia tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ để tổ chức từ 01 tiểu đội tự vệ trở lên;
d) Phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kế hoạch tổ chức lực lượng dân quân tự vệ của địa phương.
2. Đối với doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ thì phải tổ chức cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở cơ sở:
a) Người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp danh sách người lao động trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ của doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên, hợp đồng lao động không thời hạn cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc hoạt động;
b) Người quản lý doanh nghiệp phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xét tuyển người lao động quy định tại Điểm a Khoản này vào lực lượng dân quân;
c) Người quản lý doanh nghiệp bảo đảm chế độ cho người lao động tham gia dân quân sinh hoạt, huấn luyện, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trình tự, thủ tục thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp
1. Hồ sơ
a) Văn bản đề nghị thành lập đơn vị tự vệ của người quản lý doanh nghiệp;
b) Kế hoạch xây dựng lực lượng tự vệ của doanh nghiệp;
c) Danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia tổ chức tự vệ của doanh nghiệp;
d) Văn bản của cơ quan chức năng thẩm định việc thành lập tự vệ của doanh nghiệp.
2. Trình tự, thời hạn thực hiện
a) Đối với các doanh nghiệp không thuộc Quân đội quản lý có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này gửi đến cơ quan chức năng của cấp có thẩm quyền thành lập đơn vị dân quân tự vệ quy định tại Điều 28 Luật Dân quân tự vệ. Cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp khảo sát, dự kiến kế hoạch tổ chức tự vệ và ban hành văn bản thẩm định về việc tổ chức tự vệ tại doanh nghiệp trình người có thẩm quyền quyết định.
Đối với doanh nghiệp thuộc Quân đội quản lý có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này trình người chỉ huy có thẩm quyền thành lập đơn vị tự vệ quy định tại Điều 6 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, tính từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan của cấp có thẩm quyền thành lập đơn vị dân quân tự vệ quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này phải có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
c) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng của cấp có thẩm quyền thành lập đơn vị dân quân tự vệ quy định tại Khoản 1 Điều 6 (đối với doanh nghiệp không thuộc Quân đội quản lý) hoặc cơ quan của cấp có thẩm quyền thành lập đơn vị dân quân tự vệ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này (đối với doanh nghiệp thuộc Quân đội quản lý) có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, tổng hợp, thẩm định hồ sơ theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này và trình người có thẩm quyền ra quyết định thành lập đơn vị tự vệ. Trường hợp người có thẩm quyền thành lập đơn vị tự vệ không đồng ý thì có văn bản thông báo cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan biết lý do.
Điều 6. Thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp
1. Đối với đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp không thuộc Quân đội quản lý: Thẩm quyền thành lập, giải thể theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 28 Luật Dân quân tự vệ.
2. Đối với đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp thuộc Quân đội quản lý:
a) Chủ nhiệm tổng cục, Tư lệnh quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, binh chủng, quân đoàn, binh đoàn quyết định thành lập tiểu đoàn, hải đoàn tự vệ ở doanh nghiệp thuộc quyền;
b) Giám đốc viện, học viện, Hiệu trưởng nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty quyết định thành lập: Đại đội tự vệ, hải đội tự vệ; trung đội tự vệ phòng không, pháo binh ở doanh nghiệp thuộc quyền;
c) Giám đốc công ty, Hiệu trưởng nhà trường thuộc tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn quyết định thành lập trung đội, tiểu đội, khẩu đội tự vệ ở doanh nghiệp thuộc quyền;
d) Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị tự vệ thi có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chỉ huy đơn vị tự vệ và giải thể đơn vị tự vệ.
Điều 7. Điều kiện thành lập Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở
Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở được thành lập khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
2. Có sự quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự.
3. Có tổ chức tự vệ, lực lượng dự bị động viên và nguồn sẵn sàng nhập ngũ.
Điều 8. Xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh
1. Cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh là cấp xã biên giới, hải đảo, ven biển, an toàn khu (ATK), cấp xã có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc cấp xã có tình hình an ninh, chính trị thường xuyên diễn biến phức tạp.
2. Việc xác định cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) đề nghị Tư lệnh quân khu, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
3. Hằng năm, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh cho phù hợp.
Điều 9. Số lượng Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã
1. Đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 theo quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh được bố trí 02 Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
2. Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 bố trí 01 Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương
1. Tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng, người đứng đầu Bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về công tác quốc phòng, quân sự từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và thẩm định các quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến quốc phòng, an ninh thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Chủ trì, phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, quân khu, cơ quan quân sự địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các nhiệm vụ:
a) Công tác dân quân tự vệ;
b) Giáo dục quốc phòng và an ninh;
c) Động viên quốc phòng, động viên quân đội, động viên công nghiệp, phòng thủ dân sự có liên quan;
d) Tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; phối hợp chỉ đạo việc xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu phòng thủ ở cấp xã, phòng thủ dân sự có liên quan;
đ) Công tác thi đua khen thưởng, chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
e) Tham mưu bảo đảm ngân sách, kinh phí, chế độ, chính sách cho công tác quốc phòng, quân sự;
g) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực Bộ, ngành quản lý phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 11. Cơ chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương
1. Đối với Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng, người đứng đầu bộ, ngành Trung ương: Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan.
2. Đối với Bộ Quốc phòng: Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan.
3. Đối với Bộ Tư lệnh các quân khu, cơ quan quân sự địa phương các cấp nơi Bộ, ngành có trụ sở chính: Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan.
4. Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh các quân chủng, binh chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cơ quan quân sự địa phương các cấp để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan của cơ quan, đơn vị thuộc quyền.
5. Đối với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc bộ, ngành quản lý: Chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan.
6. Đối với cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng: Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự liên quan.
Điều 12. Phân cấp quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị dân quân tự vệ
1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý:
a) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thành lập theo quyết định của Bộ trưởng và tương đương có trụ sở làm việc chính trên địa bàn;
b) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc doanh nghiệp có tiểu đoàn tự vệ;
c) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc Sở, Ban, ngành và tương đương ở cấp tỉnh, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trên địa bàn;
d) Đại đội pháo phòng không, pháo binh dân quân tự vệ, tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn tự vệ được giao, đại đội dân quân tự vệ công binh trong thời gian huấn luyện, hoạt động.
2. Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở không thuộc Điểm a, b, c Khoản 1 Điều này và quản lý các đơn vị dân quân tự vệ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này ngoài thời gian huấn luyện, hoạt động; quản lý đơn vị dân quân tự vệ do cấp huyện thành lập trong thời gian huấn luyện, hoạt động.
3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy trưởng đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở quản lý:
a) Đơn vị dân quân tự vệ thuộc thẩm quyền thành lập và đơn vị dân quân tự vệ được giao quản lý;
b) Đơn vị dân quân tự vệ do cấp trên thành lập ngoài thời gian huấn luyện, làm nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền điều động.
4. Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương phối hợp với Cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị quân đội liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc lĩnh vực Bộ, ngành phụ trách theo thẩm quyền.
5. Quân chủng Hải quân quản lý:
a) Hải đoàn, hải đội tự vệ trong doanh nghiệp nhà nước có phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển;
b) Hải đoàn, hải đội, đại đội, trung đội, tiểu đội tự vệ trong doanh nghiệp thuộc Quân chủng Hải quân.
Điều 13. Con dấu của Ban chỉ huy quân sự
1. Con dấu của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương được sử dụng vào các văn bản về quốc phòng, quân sự và các văn bản liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự theo thẩm quyền.
2. Mẫu con dấu, thủ tục khắc dấu, thẩm quyền giải quyết thủ tục, đăng ký, quản lý con dấu của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương thực hiện theo quy định của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương được tiếp tục sử dụng con dấu hiện có nếu không trái với quy định của Nghị định này.
Điều 14. Trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ
1. Kiểu dáng, màu sắc, mẫu, tiêu chuẩn, niên hạn sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu dân quân tự vệ quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
2. Tiêu chuẩn chất lượng trang phục, sao mũ, phù hiệu dân quân tự vệ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (TCVN/QS).
3. Việc cấp phát, quản lý, sử dụng trang phục, sao mũ, phù hiệu dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng và quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 15. Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã
1. Cấp xã nơi có điều kiện xây dựng trụ sở làm việc cho Ban chỉ huy quân sự, bảo đảm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của lực lượng dân quân, dự bị động viên khi được huy động thực hiện các nhiệm vụ; nơi chưa có điều kiện xây dựng trụ sở riêng thì bố trí phòng làm việc đủ diện tích cho hội họp, giao ban, luân phiên trực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân và bố trí bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, tủ sắt đựng súng, công cụ hỗ trợ, vật chất huấn luyện, trang phục dùng chung, máy điện thoại và một số vật chất khác.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục trang thiết bị chuyên ngành quân sự ở trụ sở hoặc phòng làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Điều 16. Phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị
Mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể như sau:
1. Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng: 0,10.
2. Trung đội trưởng, Thôn đội trưởng: 0,12.
3. Đại đội phó, Chính trị viên phó đại đội; Hải đội phó, Chính trị viên phó hải đội: 0,15.
4. Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động: 0,20.
5. Tiểu đoàn phó, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Hải đoàn phó, Chính trị viên phó hải đoàn: 0,21.
6. Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Chỉ huy phó, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở: 0,22.
7. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,24.
8. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,25.
9. Thời gian được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp trách nhiệm của tháng đó.
Điều 17. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn, công tác phí, trợ cấp của Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp của Thôn đội trưởng; hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại cho dân quân tự vệ
1. Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng:
a) Chế độ phụ cấp hằng tháng được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số 1,0;
b) Được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian giữ chức vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
c) Tiền ăn trong thời gian đào tạo, tập huấn, huấn luyện bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
d) Chế độ công tác phí được áp dụng như công chức cấp xã;
đ) Trường hợp có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên nếu nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ 01 năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng trừ trường hợp tự ý bỏ việc, kỷ luật buộc thôi việc, bị tước quyền công dân.
2. Thôn đội trưởng được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng 0,5 mức lương cơ sở và chi trả theo tháng.
3. Dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, dân quân biển, dân quân thường trực làm nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8, Điều 44 Luật Dân quân tự vệ được hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về như cán bộ, công chức cấp xã; đối với tự vệ như cán bộ, công chức.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức phụ cấp hằng tháng, tiền ăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp hằng tháng của Thôn đội trưởng; mức chi phí đi lại cho dân quân tự vệ.
Điều 18. Chế độ phụ cấp thâm niên
1. Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp như sau: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) công tác liên tục thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
2. Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã nếu có thời gian công tác liên tục ở các ngành được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp thì được cộng nối thời gian đó với thời gian làm cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Điều 19. Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự
1. Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Trung đội trưởng dân quân cơ động được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.
2. Mức phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự bằng 50% tổng phụ cấp hiện hưởng gồm: Phụ cấp hằng tháng, phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị, phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự của tháng đó.
Điều 20. Chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo
Dân quân tự vệ trong thời gian làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền được hưởng các chế độ, chính sách:
1. Đối với tự vệ được trả nguyên lương, các khoản phụ cấp hiện hưởng, phúc lợi theo chế độ hiện hành và được hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng Khoản 2 Điều này.
2. Đối với dân quân được trợ cấp ngày công lao động, mức trợ cấp bằng hệ số 0,25 mức lương cơ sở; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở. Đối với thuyền trưởng, máy trưởng được trợ cấp thêm một khoản phụ cấp trách nhiệm mỗi người mỗi ngày bằng 0,08 mức lương cơ sở.
Điều 21. Chế độ, chính sách đối với dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm, bị chết
1. Cán bộ, chiến sỹ dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ và quyết định điều động của cấp có thẩm quyền nếu bị ốm hoặc bị ốm dẫn đến chết thì được hưởng các chế độ, chính sách như sau:
a) Đối với trường hợp bị ốm: Được khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; trong thời gian điều trị được trợ cấp tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam;
b) Đối với trường hợp bị ốm dẫn đến chết: Thân nhân hoặc người lo mai táng được hỗ trợ tiền mai táng bằng 05 (năm) lần mức lương cơ sở tại tháng chết.
2. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị trợ cấp của dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân có ý kiến của Ban chỉ huy quân sự cấp xã và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện, giấy chứng tử đối với trường hợp ốm dẫn đến chết;
c) Văn bản thẩm định của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
3. Trình tự giải quyết
a) Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân đối với trường hợp ốm dẫn đến chết lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này nộp trực tiếp cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải hướng dẫn cho dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã gửi Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phải có văn bản thông báo lý do cho đối tượng biết; trường hợp hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm thẩm định, trình chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định trợ cấp cho dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định trợ cấp các cơ quan chức năng phải giải quyết chế độ ốm đau cho dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân.
4. Kinh phí bảo đảm theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 22. Chế độ, chính sách đối với dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn, bị chết
1. Cán bộ, chiến sỹ dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ và quyết định điều động của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ chính sách trong các trường hợp sau:
a) Trong thời gian và tại nơi làm nhiệm vụ quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền;
b) Ngoài nơi làm nhiệm vụ hoặc ngoài giờ làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Chế độ, chính sách được hưởng:
a) Đối với trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng như quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm: Suy giảm từ 5% đến 21% được hưởng trợ cấp một lần ít nhất bằng 12 lần mức lương cơ sở; bị suy giảm từ 22% đến 80%, cứ 1% suy giảm thêm thì được hưởng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở; bị suy giảm từ 81% trở lên thì được trợ cấp một lần ít nhất bằng 60 lần mức lương cơ sở;
b) Đối với trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở và người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng chết.
3. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị trợ cấp của dân quân hoặc thân nhân có ý kiến của Ban chỉ huy quân sự cấp xã và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Biên bản điều tra tai nạn của công an hoặc Ban chỉ huy quân sự cấp xã trở lên;
c) Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện, giấy chứng tử đối với trường hợp tai nạn dẫn đến chết;
d) Văn bản thẩm định của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
4. Trình tự giải quyết
a) Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân đối với trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết, lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều này, nộp trực tiếp cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải hướng dẫn cho dân quân hoặc nhân thân, người đại diện hợp pháp của dân quân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã gửi Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phải có văn bản thông báo rõ lý do cho người đề nghị biết. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra và có công văn kèm theo hồ sơ gửi cơ quan quân sự cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định trợ cấp cho dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân;
đ) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định trợ cấp, các cơ quan chức năng phải giải quyết chế độ cho dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân.
5. Kinh phí bảo đảm theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 23. Chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ bị chết, hy sinh, bị thương
Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Luật Dân quân tự vệ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền:
1. Cán bộ chiến sĩ dân quân tự vệ nếu bị chết, hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ được xem xét, xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Trường hợp bị chết nhưng không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này kể cả chết do vết thương trong khi làm nhiệm vụ tái phát thì người tổ chức mai táng được hỗ trợ tiền mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng chết.
3. Thủ tục, hồ sơ, chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật về thương binh, tử sỹ, liệt sỹ.
Điều 24. Chế độ báo, tạp chí
1. Hằng ngày, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở (trừ Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc doanh nghiệp), đơn vị dân quân thường trực được cấp 01 số báo Quân đội nhân dân, kinh phí do cấp tỉnh bảo đảm.
2. Hằng ngày, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc doanh nghiệp được cấp 01 số báo Quân đội nhân dân, kinh phí do Bộ, ngành, doanh nghiệp bảo đảm.
3. Hằng tháng, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương được cấp 01 số Tạp chí Dân quân tự vệ - Giáo dục quốc phòng do Bộ Quốc phòng bảo đảm.
Điều 25. Nguồn kinh phí chi cho dân quân tự vệ
1. Kinh phí, ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của dân quân tự vệ được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương.
2. Doanh nghiệp đã tổ chức đơn vị tự vệ có trách nhiệm bố trí kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
3. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2016 và thay thế Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.
Điều 27. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
CÁC LOẠI MẪU QUYẾT ĐỊNH, GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VŨ KHÍ, CCHT DÂN QUÂN TỰ VỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ)
1. Các loại mẫu quyết định
Mẫu 1a: Quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ
…………1 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-…….3 | ….., ngày tháng năm ……4 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ
………………………………….…5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;6
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ vào Nghị định số .... /..../NĐ-CP ngày.... tháng .... năm .... của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng BCHQS ………………………………….7
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đồng chí: ………………………………………….. Giới tính: ……………………………8
Ngày, tháng, năm sinh: ………………………………………………………………………………..9
Nguyên quán: ………………………………………………………………………………………. 10
Nơi thường trú, hoặc cơ quan, đơn vị công tác: …………………………………………………..11
Được kết nạp vào Dân quân tự vệ từ ngày ………. tháng ……. năm ………..12
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
………………………………..13 và ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| ……………17 |
Ghi chú:
1 Tên cơ quan, đơn vị chủ quản trực tiếp (trừ văn bản của Bộ Quốc phòng, các đơn vị kinh tế không có công ty mẹ, UBND các cấp).
2 Tên UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
3 Số văn bản và tên viết tắt của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
4 Địa danh hành chính và ngày, tháng, năm nơi cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
5 Ghi chức vụ của người ra quyết định.
6 Nêu các căn cứ trực tiếp và căn cứ pháp lý để ban hành quyết định.
7 BCHQS cấp xã hoặc BCHQS cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
8 Ghi đầy đủ: Họ, tên đệm, tên khai sinh; giới tính nam hoặc nữ.
9 Ghi ngày, tháng, năm sinh.
10 Ghi quê quán của bố đẻ (từ cấp xã).
11 Ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đối với công dân được kết nạp vào Dân quân; ghi cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công dân được kết nạp vào Tự vệ,
12 Ghi ngày, tháng, năm ký quyết định kết nạp công dân vào DQTV.
13 Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, hoặc Chỉ huy trưởng BCHQS cơ quan tổ chức ở cơ sở thuộc tỉnh, huyện hoặc chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có BCHQS).
14 Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, hoặc Chỉ huy trưởng BCHQS cơ quan tổ chức ở cơ sở thuộc tỉnh, huyện hoặc chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có BCHQS).
15 Văn phòng UBND cấp xã hoặc Văn phòng cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định.
16 Ký hiệu người đánh máy, nhân bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).
17 Chức vụ người ký.
Mẫu 1b: Quyết định công dân hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ
…………1 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-…….3 | ….., ngày tháng năm ……4 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
………………………………….…5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;6
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ vào Nghị định số …./…./NĐ-CP ngày.... tháng .... năm .... của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng BCHQS ……………………..7
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đồng chí: ………………………………………………………… Giới tính: ………………8
Sinh ngày: ………………………….; Kết nạp vào Dân quân tự vệ ngày: ……………………….9
Chức vụ: ………………………………..10 Đơn vị: …………………………………………………11
Nguyên quán: ………………………………………………………………………………………..12
Nơi thường trú, hoặc cơ quan, đơn vị công tác: ………………………………………………...13
Thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ: ……………………………………….14
Nay được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Điều 2. Đồng chí có tên tại Điều 1 phải đăng ký vào danh sách nguồn sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
………………………… 15 và ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| ……………19 |
Ghi chú
1 Tên cơ quan, đơn vị chủ quản trực tiếp (trừ văn bản của Bộ Quốc phòng, các đơn vị kinh tế không có công ty mẹ, UBND các cấp).
2 Tên UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
3 Số văn bản và tên viết tắt của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
4 Địa danh hành chính và ngày, tháng, năm nơi cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
5 Ghi chức vụ của người ra quyết định.
6 Nêu các căn cứ trực tiếp và căn cứ pháp lý để ban hành quyết định.
7 BCHQS cấp xã hoặc BCHQS cơ quan, tổ chức ban hành quyết định.
8 Ghi đầy đủ: Họ, tên đệm, tên khai sinh; giới tính nam hoặc nữ.
9 Ghi ngày, tháng, năm, sinh; ngày kết nạp vào dân quân tự vệ.
10 Chức vụ trước khi nhận quyết định hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV.
11 Tên đơn vị (ghi từ cấp tiểu đội).
12 Ghi quê quán của bố đẻ (từ cấp xã).
13 Ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đối với công dân được kết nạp vào Dân quân; ghi cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công dân được kết nạp vào Tự vệ.
14 Tính từ ngày kết nạp vào Dân quân tự vệ đến ngày nhận quyết định hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV.
15 Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, hoặc Chỉ huy trưởng BCHQS cơ quan tổ chức ở cơ sở thuộc tỉnh, huyện hoặc chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có BCHQS).
16 Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, hoặc Chỉ huy trưởng BCHQS cơ quan tổ chức ở cơ sở thuộc tỉnh, huyện hoặc chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có BCHQS).
17 Văn phòng UBND cấp xã hoặc Văn phòng cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định.
18 Ký hiệu người đánh máy, nhân bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).
19 Chức vụ người ký.
2. Mẫu giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ
Mặt trước |
| Mặt sau | |
BỘ CHQS TỈNH (TP)…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
QUY ĐỊNH SỬ DỤNG |
GIẤY PHÉP Họ và tên: ……………………………………………………………. Chức vụ: …………………………………………………………….. Đơn vị: …………………………………………………………….. CMND số: …………………… Cấp ngày: ……………………… Nơi cấp …………………………………………………………… Loại súng: …………………………. Số súng: ……………………. Loại CCHT: ………………….. Số hiệu: …………………………… Hạn sử dụng từ ngày …. tháng …. năm …. đến ngày….. tháng…. năm…. | 1. Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được cấp cho dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp có thẩm quyền kèm theo chứng minh nhân dân. 2. Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được quản lý, sử dụng như tài liệu mật, không được cho mượn, tẩy xóa, sửa chữa; khi bị thất lạc phải báo truy tìm ngay; không được dùng thay thế cho các giấy tờ tùy thân khác. 3. Hết thời hạn sử dụng hoặc chuyển công tác phải trả lại cho cơ quan cấp giấy phép. | ||
Ngày …. tháng….. năm….. CHỈ HUY TRƯỞNG | |||
Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ in trên giấy cứng có kích thước: 10 cm x 07 cm.
TRANG PHỤC DÂN QUÂN TỰ VỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ)
I. TRANG PHỤC
1. Trang phục cá nhân gồm:
TT | Tên trang phục | TT | Tên trang phục |
1 | Sao mũ cứng | 16 | Áo chiến sĩ nam |
2 | Sao mũ mềm | 17 | Quần chiến sĩ nam |
3 | Mũ cứng | 18 | Áo chiến sĩ nữ |
4 | Mũ mềm | 19 | Quần chiến sĩ nữ |
5 | Phù hiệu tay áo | 20 | Áo ấm nam |
6 | Áo đông mặc ngoài cán bộ nam | 21 | Áo ấm nữ |
7 | Áo đông mặc trong cán bộ nam | 22 | Cravat |
8 | Quần đông cán bộ nam | 23 | Dây lưng |
9 | Áo đông mặc ngoài cán bộ nữ | 24 | Bít tất |
10 | Áo đông mặc trong cán bộ nữ | 25 | Giày da đen cán bộ nam |
11 | Quần đông cán bộ nữ | 26 | Giày da đen cán bộ nữ |
12 | Áo hè cán bộ nam | 27 | Giày vải thấp cổ |
13 | Quần hè cán bộ nam | 28 | Giày vải cao cổ |
14 | Áo hè cán bộ nữ | 29 | Áo, quần đi mưa cán bộ |
15 | Quần hè cán bộ nữ | 30 | Áo mưa chiến sĩ |
2. Trang phục dùng chung gồm:
TT | Tên trang phục dùng chung |
1 | Màn đơn |
2 | Chiếu đơn |
3 | Chăn đơn |
4 | Áo ấm nam |
5 | Áo ấm nữ |
3. Kiểu dáng, màu sắc, mẫu trang phục cá nhân: Có mẫu kèm theo.
II. TIÊU CHUẨN CẤP PHÁT TRANG PHỤC DÂN QUÂN TỰ VỆ
1. Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Trung đội trưởng dân quân cơ động, được cấp phát năm đầu 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 bộ quần áo đông, 01 bộ quần áo hè, 01 caravat, 01 dây lưng, 02 đôi bít tất, 01 đôi giầy da đen, 01 đôi giầy vải thấp cổ, 01 bộ quần áo đi mưa. Niên hạn cấp phát như sau:
TT | Tên trang phục | Đơn vị tính | Số lượng | Niên hạn |
1 | Sao mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
2 | Sao mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
3 | Mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
4 | Mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
5 | Quần áo đông hoặc hè cán bộ nam, nữ (1) | Bộ | 01 | 1 năm |
6 | Cravat | Cái | 01 | 3 năm |
7 | Dây lưng | Cái | 01 | 2 năm |
8 | Bít tất | Đôi | 02 | 1 năm |
9 | Giày da đen cán bộ nam | Đôi | 01 | 1 năm |
10 | Giày da đen cán bộ nữ | Đôi | 01 | 1 năm |
11 | Giày vải thấp cổ | Đôi | 01 | 1 năm |
12 | Áo, quần đi mưa cán bộ | Bộ | 01 | 3 năm |
Ghi chú:
(1) Bộ quần áo đông cán bộ nam, nữ gồm: Áo đông mặc ngoài có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần đông, áo đông mặc trong.
Bộ quần áo hè cán bộ nam, nữ gồm: Áo hè có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần hè.
2. Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó, Ban CHQS Bộ, ngành Trung ương, Ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chính trị viên, Chính trị viên phó Ban CHQS cấp xã, Thôn đội trưởng, chỉ huy đơn vị DQTV từ Trung đội trưởng trở lên (trừ Trung đội trưởng trung đội Dân quân cơ động cấp xã) được cấp phát năm đầu 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 bộ quần áo đông, 01 bộ quần áo hè, 01 caravat, 01 dây lưng, 02 đôi bít tất, 01 đôi giầy da đen, 01 đôi giầy vải thấp cổ, 01 bộ quần áo đi mưa. Niên hạn cấp phát những năm tiếp theo như sau:
TT | Tên trang phục | Đơn vị tính | Số lượng | Niên hạn |
1 | Sao mũ cứng | Cái | 01 | 3 năm |
2 | Sao mũ mềm | Cái | 01 | 3 năm |
3 | Mũ cứng | Cái | 01 | 3 năm |
4 | Mũ mềm | Cái | 01 | 3 năm |
5 | Quần áo đông hoặc hè cán bộ nam, nữ (2) | Bộ | 01 | 2 năm |
6 | Cravat | Cái | 01 | 3 năm |
7 | Dây lưng | Cái | 01 | 3 năm |
8 | Bít tất | Đôi | 02 | 1 năm |
9 | Giày da đen cán bộ nam | Đôi | 01 | 2 năm |
10 | Giày da đen cán bộ nữ | Đôi | 01 | 2 năm |
11 | Giày vải thấp cổ | Đôi | 01 | 2 năm |
12 | Quần, áo đi mưa cán bộ | Bộ | 01 | 3 năm |
Ghi chú:
(2) Bộ quần áo đông cán bộ nam, nữ gồm: Áo đông mặc ngoài có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần đông, áo đông mặc trong.
Bộ quần áo hè cán bộ nam, nữ gồm: Áo hè có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần hè.
3. Tiểu đội trưởng và tương đương, chiến sỹ dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ biển được cấp phát năm đầu 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 bộ quần áo chiến sĩ, 01 dây lưng, 02 đôi bít tất, 01 đôi giày vải cao cổ, 01 áo đi mưa. Niên hạn cấp phát những năm tiếp theo như sau:
TT | Tên trang phục | Đơn vị tính | Số lượng | Niên hạn |
1 | Sao mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
2 | Sao mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
3 | Mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
4 | Mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
5 | Quần áo chiến sĩ (3) | Bộ | 01 | 1 năm |
6 | Dây lưng | Cái | 01 | 2 năm |
7 | Bít tất | Đôi | 01 | 1 năm |
8 | Giày vải cao cổ | Đôi | 01 | 1 năm |
9 | Áo đi mưa | Cái | 01 | 3 năm |
Ghi chú:
(3) Bộ quần áo đông chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo đông mặc ngoài có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần đông, áo đông mặc trong.
Bộ quần áo hè chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo hè có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần hè.
4. Tiểu đội trưởng và chiến sỹ dân quân thường trực được cấp phát năm đầu 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 bộ quần áo chiến sĩ, 01 dây lưng, 02 đôi bít tất, 02 đôi giầy vải cao cổ, 01 áo đi mưa. Niên hạn cấp phát những năm tiếp theo như sau:
TT | Tên trang phục | Đơn vị tính | Số lượng | Niên hạn |
1 | Sao mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
2 | Sao mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
3 | Mũ cứng | Cái | 01 | 2 năm |
4 | Mũ mềm | Cái | 01 | 2 năm |
5 | Quần áo chiến sĩ (4) | Bộ | 01 | 6 tháng |
6 | Dây lưng | Cái | 01 | 2 năm |
7 | Bít tất | Đôi | 01 | 6 tháng |
8 | Giày vải cao cổ | Đôi | 01 | 6 tháng |
9 | Áo đi mưa | Cái | 01 | 2 năm |
Ghi chú:
(4) Bộ quần áo đông chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo đông mặc ngoài có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần đông, áo đông mặc trong.
Bộ quần áo hè chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo hè có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần hè.
5. Tiểu đội trưởng và tương đương, chiến sỹ dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế được cấp phát năm đầu 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 bộ quần áo chiến sĩ, 01 dây lưng, 02 đôi bít tất, 01 đôi giầy vải cao cổ, 01 áo đi mưa. Niên hạn cấp phát những năm tiếp theo như sau:
TT | Tên trang phục | Đơn vị tính | Năm đầu | Niên hạn |
1 | Sao mũ cứng | Cái | 01 | 3 năm |
2 | Sao mũ mềm | Cái | 01 | 3 năm |
3 | Mũ cứng | Cái | 01 | 3 năm |
4 | Mũ mềm | Cái | 01 | 3 năm |
5 | Quần áo chiến sĩ (5) | Bộ | 01 | 2 năm |
6 | Dây lưng | Cái | 01 | 3 năm |
7 | Bít tất | Đôi | 01 | 2 năm |
8 | Giày vải cao cổ | Đôi | 01 | 2 năm |
9 | Áo mưa đi mưa. | Cái | 01 | 3 năm |
Ghi chú:
(5) Bộ quần áo đông chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo đông mặc ngoài có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần đông, áo đông mặc trong.
Bộ quần áo hè chiến sỹ nam, nữ gồm: Áo hè có gắn phù hiệu trên tay áo trái, quần hè.
III. MẪU TRANG PHỤC
NGUYÊN LIỆU
MÀU SẮC: Theo hệ thống bảng màu: Pantone professional color system - 4 th edition
CHẤT LIỆU: Theo tiêu chuẩn QN - TQSA 1031: 2003
+ Gabađin Pêcô 65/35 XR 3.96 (19 - 5217 TPX)
+ Pôpolin Pêvi 65/35 BE 1.284 (16 - 0713 TPX)
+ Dệt XC 3.51
SAO MŨ, PHÙ HIỆU DQTV
SAO MŨ
Sao mũ cứng | Sao mũ mềm |
PHÙ HIỆU TAY ÁO
Kích thước:
cao 9 cm - rộng 7 cm
QUẦN ÁO ĐÔNG CÁN BỘ DQTV NAM
QUẦN ÁO ĐÔNG CÁN BỘ DQTV NỮ
QUẦN ÁO HÈ CÁN BỘ DQTV NAM
QUẦN ÁO HÈ CÁN BỘ DQTV NỮ
QUẦN ÁO CHIẾN SỸ DQTV NAM
QUẦN ÁO CHIẾN SỸ DQTV NỮ
ÁO ẤM DQTV
MŨ CỨNG, MŨ MỀM, CRAVÁT, DÂY LƯNG NHỎ DQTV
Mũ cứng | Mũ mềm |
Cravát |
|
|
Dây lưng nhỏ
|
GIẦY CÁN BỘ NAM NỮ, GIÀY VẢI CHIẾN SỸ, BÍT TẤT DQTV
Giầy da cán bộ | Bít tất |
Giày nam
|
|
Giầy nữ
Giầy vải chiến sỹ
Cao cổ
Thấp cổ
QUẦN ÁO ĐI MƯA DQTV
File gốc của Nghị định 03/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ đang được cập nhật.
Nghị định 03/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 03/2016/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành | 2016-01-05 |
Ngày hiệu lực | 2016-02-20 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |