BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 314-VH/VP | Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC XẾP HẠNG DI TÍCH, DANH THẮNG
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
Để thi hành nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 519-TTg ngày 29 tháng 10 năm 1957;
Xét báo cáo của Vụ Bảo tồn Bảo tàng về tình hình bảo vệ di tích danh thắng hiện nay;
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quản lý di sản văn hóa dân tộc đồng thời tránh mọi trở ngại cho các công trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc;
QUYẾT ĐỊNH:
MỤC I. TIÊU CHUẨN XẾP HẠNG
Điều 1. Những bất động sản nói trong Nghị định số 519-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 29/10/1957 có những tiêu chuẩn sau đây, trong khi chưa đủ điều kiện phân loại A, B,C, đều được xếp vào một hạng:
1. Di tích lịch sử: Những di tích liên quan đến những sự kiện lớn về lịch sử đấu tranh của dân tộc qua các thời kỳ, từ tiền sử đến ngày nay.
2. Di tích danh nhân: Di tích của những người đã chết có sự nghiệp lớn lao góp phần vào lịch sử đấu tranh hay lịch sử văn hóa của dân tộc và thế giới: anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà khoa học, văn hào, nghệ sĩ…
3. Di tích kiến trúc nghệ thuật: Những công trình kiến trúc điêu khắc có giá trị tiêu biểu đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc và thế giới.
4. Thắng cảnh: Những khu vực sông núi, hồ biển, những phong cảnh tươi đẹp nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài.
5. Di tích khác: Những di tích liên quan mật thiết đến sinh hoạt văn hóa của địa phương có tác dụng giáo dục tư tưởng, phổ biến văn hóa, khoa học cho nhân dân địa phương.
Những dấu vết xưa có giá trị cần giữ gìn làm phong phú cho đời sống văn hóa ở nông thôn hay thành thị.
Điều 2. Những động sản nói trong điều 5 của Nghị định số 519-TTg và được Ty, Sở văn hóa đăng ký, nếu xét có giá trị lịch sử nghệ thuật tiêu biểu cũng đều được xếp hạng.
MỤC II. THỦ TỤC XẾP HẠNG
Điều 3. Đối với bất động sản Ty, Sở Văn hóa sau khi hỏi ý kiến của Vụ Bảo tồn Bảo tàng làm dự kiến xếp hạng kèm theo hồ sơ quy định khu vực di tích, danh thắng để Bộ văn hóa duyệt và ra quyết định.
Điều 4. Công tác quy định khu vực di tích danh thắng do Ty, Sở Văn hóa và chính quyền địa phương có di tích làm dự kiến theo sự hướng dẫn của Vụ Bảo tồn Bảo tàng.
Điều 5. Phạm vi khu vực di tích, danh thắng gồm hai giới hạn:
1. Khu bảo vệ 1 là nơi về nguyên tắc không ai có quyền vi phạm (thể lệ sử dụng) làm hư hỏng hay giảm giá trị của di tích, danh thắng.
2. Khu bảo vệ 2 là khu vực thuộc phạm vi di tích, danh thắng, nếu ai muốn xây dựng, khai thác đào bới, làm ảnh hưởng đến di tích, danh thắng phải được Ty, Sở Văn hóa đề nghị và Bộ văn hóa cho phép.
Điều 6. Ngay khi có dự kiến xếp hạng, Ty, Sở Văn hóa phải báo cho người đang quản lý văn vật (tư nhân hay cơ quan, đoàn thể) biết để có kế hoạch bảo quản tốt.
MỤC III. HIỆU LỰC XẾP HẠNG
Điều 7. Để bảo đảm sự thực hiện những điều khoản về hiệu lực xếp hạng đã ghi trong điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 23, 24, 25 của Nghị định số 519-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên mỗi bất động sản xếp hạng đều phải niêm yết nội quy nêu những điều khoản nói trên.
Đối với những bất động sản xếp hạng phải có giấy cam đoan bảo quản của người sở hữu hay quản lý những bất động sản ấy, trước chính quyền và cơ quan văn hóa địa phương.
Điều 8. Trên những khu vực bất động sản đã được quy định khu vực, nếu có những cơ quan hay xí nghiệp đang tiến hành xây dựng hay hoạt động hoặc có nhà của nhân dân ở, những cơ quan, xí nghiệp hay tư nhân đó đều phải cam đoan thực hiện những điều khoản về hiệu lực xếp hạng nói trong quyết định này. Thể thức sử dụng và bảo quản phải quy định cụ thể giữa cơ quan văn hóa địa phương với đương sự.
MỤC IV. QUẢN LÝ
Điều 9. Tất cả những di tích, danh thắng được xếp hạng sẽ do cơ quan văn hóa địa phương (Ty, Sở Văn hóa) quản lý dưới sự hướng dẫn của Vụ Bảo tồn Bảo tàng.
Điều 10. Trách nhiệm giữ gìn những di tích, danh thắng là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, Ủy ban hành chính các cấp có nhiệm vụ giúp đỡ các Ty, Sở Văn hóa và các tổ chức bảo vệ di tích, đặt kế hoạch để quản lý tốt các di tích, danh thắng xếp hạng và những văn vật nói chung hiện có ở các địa phương.
Điều 11. Mọi công tác tu sửa, bảo quản cấp thiết, gìn giữ, tôn di tích… đều do quỹ của địa phương đài thọ, hoặc do nhân dân tự nguyện đóng góp. Đối với di tích xếp hạng, trong trường hợp đặc biệt, Bộ văn hóa có thể giúp đỡ một phần kinh phí.
MỤC V. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 12. Những cá nhân, cơ quan hay đoàn thể đã tích cực giúp đỡ cán bộ, chính quyền, cơ quan văn hóa làm công tác xếp hạng di tích, danh thắng và quản lý văn vật tốt đều được khen thưởng thích đáng.
Điều 13. Mọi sự vi phạm những điều khoản trong quyết định này như bản đồ thờ, hoành phi, câu đối, hủy hoại bia tượng, chuông khánh, cây cổ thụ, rỡ bán đình chùa trái phép… đều có thể bị truy tố trước pháp luật theo điều 29 trong Nghị định số 519-TTg ngày 29/10/1957 của Thủ tướng Chính phủ.
MỤC VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tất cả những điều khoản trong các thông tư, chỉ thị, trước đây với quyết định này đều coi như bãi bỏ.
Điều 15. Ông Chánh văn phòng Bộ văn hóa, Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Ủy ban hành chính các cấp, các Sở, Ty Văn hóa có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
File gốc của Quyết định 314-VH/VP năm 1962 về việc xếp hạng di tích, danh thắng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 314-VH/VP năm 1962 về việc xếp hạng di tích, danh thắng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá |
Số hiệu | 314-VH/VP |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Hoàng Minh Giám |
Ngày ban hành | 1962-04-28 |
Ngày hiệu lực | 1962-05-13 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Còn hiệu lực |