ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2003/CT-UB | Bến Tre, ngày 06 tháng 01 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Các nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn Bến Tre đã có từ lâu đời, đang tồn tại, phát triển và có xu hướng xuất hiện thêm nhiều nghề mới và làng nghề mới với qui mô, hình thức tổ chức khác nhau, đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Hệ thống các nghề, làng nghề đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là giải quyết việc làm, thu nhập và làm giảm các tệ nạn xã hội ở nông thôn.
Tuy nhiên trong những năm gần đây và cả hiện nay, hoạt động của một số nghề truyền thống, làng nghề của địa phương đang bị chững lại hoặc hoạt động không có hiệu quả, một số nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Nguyên nhân chủ yếu là do các nghề truyền thống, làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của nền kinh tế thị trường; một số chính sách của Nhà nước chưa thật sự tạo điều kiện cho các nghề truyền thống, các làng nghề phát triển.
Do vậy, để nhằm bảo tồn, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống và tạo điều kiện cho du nhập các nghề mới ở địa phương, coi đây là một vấn đề quan trọng và cấp bách, không chỉ có giá trị về mặt kinh tế – xã hội mà còn có giá trị về mặt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nói chung và văn hóa đặc trưng của Bến Tre nói riêng; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1600/QĐ-UB ngày 19-4-2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Phê duyệt Đề án điều tra khảo sát xây dựng mô hình phát triển làng nghề tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1) Các ngành, các cấp cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ công chức, nhân dân để quán triệt và nâng cao nhận thức hơn nữa về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh, từ đó động viên mọi cấp, mọi ngành, mọi người quan tâm thực hiện.
2) Giao trách nhiệm cho Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các xã, phường, thị trấn có làng nghề tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án khôi phục, phát triển các làng nghề và ngành nghề truyền thống của địa phương; phấn đấu đến năm 2010 tập trung củng cố, phát triển nhằm đạt 4 nội dung của tiêu chí làng nghề theo đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận danh hiệu cho các làng nghề như sau:
- Làng nghề thủ công mỹ nghệ Tân Thạch và An Hiệp (Châu Thành); sản xuất chiếu Thành Thới B (Mỏ Cày); đan giỏ tre xã Vĩnh Thành (Chợ Lách); sản xuất than gáo dừa, chỉ xơ dừa An Thạnh - Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày); sản xuất gạch ngói nung Phú Hưng (Thị xã); đúc lu Hòa Lợi (Thạnh Phú);
- Làng nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng – Mỹ Thạnh và bánh phồng Sơn Đốc – Hưng Nhượng (Giồng Trôm); bánh phồng mì Đa Phước Hội (Mỏ Cày); bánh phồng mì Mỹ Thạnh An và sản xuất kẹo dừa phường 7 (Thị xã); chế biến thủy sản An Thủy (Ba Tri) và Bình Thắng (Bình Đại); sản xuất mây tre đan và rượu Phú Lễ (Ba Tri); rượu Bình Phú (Thị xã); diêm nghiệp Bảo Thạnh, Bảo Thuận (Ba Tri);
- Làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Vĩnh Thành (Chợ Lách).
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển nếu có những làng nghề khác đạt tiêu chí quy định cần điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.
3) Sở Công nghiệp cùng với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan hoàn chỉnh đề án quy họach phát triển các ngành nghề nông thôn theo Quyết định 132/2000/QĐ-TTg ngày 24-11-2000 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện; tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở các cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung và các làng nghề phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2010, động viên mọi nguồn lực của nhân dân cùng Nhà nước để từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển các làng nghề, nghề truyền thống.
4) Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Thương mại – Du lịch nghiên cứu xây dựng mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với tuyến tham quan du lịch; đề xuất các chính sách, giải pháp thích hợp để phát triển mô hình này.
5) Sở Khoa học Công nghệ – Môi trường có kế hoạch nghiên cứu, giới thiệu và chuyển giao công nghệ mới cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, ngành nghề tập trung với các hình thức thích hợp như: tư vấn hỗ trợ; hướng dẫn và chứng nhận việc đăng ký bản quyền công nghiệp; thực hiện kết hợp giữa kỹ năng truyền thống với công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm mới.
6) Liên minh hợp tác xã tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp trong việc tổ chức, tuyên truyền vận động các đơn vị sản xuất truyền thống, các làng nghề hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác trong các làng nghề để đẩy nhanh việc khôi phục phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
7) Sở Thương mại – Du lịch và Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh có trách nhiệm giúp các làng nghề, các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp truyền thống giới thiệu, chào hàng sản phẩm; nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác, khách hàng để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; hướng dẫn, giúp đỡ về các thủ tục xuất khẩu hoặc làm đầu mối xuất khẩu ủy thác cho các cơ sở sản xuất có nhu cầu.
8) Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cùng với Sở Công nghiệp phối hợp với các Trường trung học chuyên nghiệp của tỉnh, các Trung tâm dịch vụ việc làm và các làng nghề nghiên cứu mô hình tổ chức đào tạo và truyền nghề đối với các ngành nghề truyền thống của địa phương, tập trung vào công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề, nâng cao tay nghề và khuyến khích tạo sản phẩm mới; tổ chức việc thi tay nghề cho người lao động và thi công nhận danh hiệu nghệ nhân, người có tay nghề giỏi trong các làng nghề; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý của các cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; nghiên cứu đề xuất về cơ chế, chính sách đối với các nghệ nhân, các hộ, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc khôi phục, phát triển làng nghề.
9) Chấn chỉnh và tăng cường bộ máy quản lý công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở tỉnh, các huyện, thị xã và cơ sở; tăng cường công tác thống kê đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp tập trung và các làng nghề. Gắn việc khôi phục, phát triển nghề, làng nghề với việc xây dựng nông thôn mới; xây dựng ấp - khu phố văn hóa; thực hiện tốt chính sách xã hội; phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường.
10) Cục thuế tỉnh nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể ưu đãi về thuế và các khoản thu khác nhằm tạo điều kiện phát triển các nghề truyền thống, các làng nghề của tỉnh.
11) Sở Kế hoạch – Đầu tư cùng với Sở Tài chính - Vật giá nghiên cứu đề xuất kinh phí hàng năm để hỗ trợ cho đào tạo chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng… cho ngành nghề truyền thống và làng nghề.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này; đồng thời phối hợp với Sở Công nghiệp báo cáo tiến độ thực hiện theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và những vướng mắc phát sinh để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
File gốc của Chỉ thị 01/2003/CT-UB về khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang được cập nhật.
Chỉ thị 01/2003/CT-UB về khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Số hiệu | 01/2003/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Cao Tân Khổng |
Ngày ban hành | 2003-01-06 |
Ngày hiệu lực | 2003-01-06 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |