BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1999/TT-BTM | Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1999 |
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 15/1999/TT-BTM NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN KINH DOANH KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
Thi hành Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ quy định về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện; hàng hoá dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Bộ Thương mại hướng dẫn các điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng (L.P.G) trên thị trường Việt Nam, như sau:
1- Khí đốt hoá lỏng quy định trong Thông tư này là hỗn hợp khí đốt chủ yếu gồm : Propan (C3 H8) và Butan (C4 H10) đã được hoá lỏng và đóng chai bằng kim loại chịu áp lực, có dung tích chứa tới 150 lít theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6292 : 1997, để sử dụng làm chất đốt trong công nghiệp và dân dụng.
2- Kinh doanh khí đốt hoá lỏng quy định trong Thông tư này bao gồm các hoạt động:
2.1- Mua bán (kể cả đại lý, uỷ thác mua bán) khí đốt hoá lỏng tại các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bán lẻ xăng dầu (dưới đây gọi chung là cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng).
2.2 - Dịch vụ kho bảo quản chai (bình) chứa khí đốt hoá lỏng.
Các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, tiếp nhận, kho bể chứa khí đốt hoá lỏng chưa đóng chai, chiết nạp chai khí đốt hoá lỏng và kinh doanh dịch vụ vận tải khí đốt hoá lỏng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
3- Thương nhân, kể cả thương nhân nước ngoài đang hoạt động thương mại hợp pháp tại Việt Nam, chỉ được hoạt động kinh doanh khí đốt hoá lỏng khi đã đăng ký kinh doanh và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Thông tư này cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng ; trong quá trình hoạt động kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này.
II - ĐIỀU KIỆN KINH DOANH KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
1- Điều kiện đối với các cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng :
1.1- Điều kiện về chủ thể kinh doanh:
Là thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký kinh doanh mặt hàng khí đốt hoá lỏng.
1.2 - Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị :
* Cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải có thiết kế xây dựng theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 2622: 1995.
* Việc xây dựng cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải thực hiện các quy định về diện tích mặt bằng, yêu cầu kết cấu xây dựng, nơi bán hàng, kho chứa hàng, khu phụ cửa hàng và cung cấp điện tại Mục 5, Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6223 : 1996 ( Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này ).
1.3 - Điều kiện về trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên :
Cán bộ quản lý, nhân viên cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải được học tập kiến thức về khí đốt hoá lỏng, huấn luyện về phòng độc, phòng cháy chữa cháy và được Công an tỉnh, thành phố kiểm tra, cấp chứng chỉ về phòng cháy chữa cháy.
1.4- Điều kiện về sức khoẻ:
* Cán bộ, nhân viên làm việc tại các cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải có đủ sức khoẻ để đảm nhiệm công việc kinh doanh, được cơ quan Y tế cấp quận, huyện, thị xã hoặc tương đương trở lên kiểm tra và xác nhận.
1.5- Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ :
* Cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải có đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Mục 6 Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6223 : 1996 ( Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này ) và được cơ quan Công an phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy .
2 - Điều kiện kinh doanh dịch vụ kho bảo quản chai chứa khí đốt hoá lỏng:
Các điều kiện kinh doanh dịch kho bảo quản chai chứa khí đốt hoá lỏng thực hiện theo các quy định tại Khoản 1 trên đây. Riêng điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị phải đảm bảo các quy định tại Khoản 5.6 Mục 5 Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6223: 1996 (Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này).
III- THẨM QUYỀN, THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
1- Sở Thương mại tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng.
2- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng ( kể cả kinh doanh dịch vụ kho bảo quản chai (bình) chứa khí đốt hoá lỏng), gồm có:
2.1- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng ( theo mẫu đính kèm).
2.2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ( bản sao hợp lệ ).
2.3- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy do Công an tỉnh, thành phố cấp.
Nếu thương nhân có nhiều cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng (hoặc có nhiều kho bảo quản) phải lập đủ hồ sơ như trên cho từng cửa hàng, từng kho.
3- Sở Thương mại tỉnh, thành phố có trách nhiệm:
3.1- Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ các nội dung: các điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng, hồ sơ, trình tự, thời hạn cấp Giấy chứng nhận, mức lệ phí.
3.2- Kiểm tra tính hợp lệ và tiếp nhận hồ sơ của thương nhân.
3.3- Thẩm tra thực tế các điều kiện kinh doanh theo quy định và lập biên bản để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
3.4- Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng cho những cửa hàng, kho đủ các điều kiện quy định tại Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn cấp hoặc từ chối cấp tối đa là 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
4- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng theo mẫu tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này, có thời hạn hiệu lực phù hợp với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân.
5- Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
IV- CÁC QUY ĐỊNH PHẢI THỰC HIỆN KHI KINH DOANH KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
1- Thương nhân kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải thường xuyên đảm bảo các điều kiện quy định tại Mục II của Thông tư này và phải thực hiện các quy định sau :
1.1- Việc xếp dỡ, tồn chứa và bày bán chai chứa khí đốt hoá lỏng tại cửa hàng phải tuân thủ các quy định tại Mục 7 Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6223: 1996 (Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này).
2.2- Việc tự vận chuyển khí đốt hoá lỏng từ cơ sở sản xuất, chiết nạp về cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng và từ cửa hàng đến các hộ tiêu thụ phải tuân thủ các quy định tại Mục 8 Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 6223: 1996 (Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này).
2-3- Phải niêm yết Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng, giá bán lẻ của từng chủng loại chai khí đốt hoá lỏng đang có bán.
2.4- Có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc cung cấp bản hướng dẫn cho khách hàng sử dụng an toàn chai khí đốt hoá lỏng, kể cả khi sử dụng bếp gas.
2.5- Không được kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, dễ nổ, các mặt hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm tại cửa hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng.
1- Thương nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định cuả pháp luật.
2- Cán bộ, công chức Nhà nước nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng các quy định của Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01- 8 - 1999 ; bãi bỏ các quy định trước đây về kinh doanh khí đốt hoá lỏng.
2- Sở Thương mại tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này ; sắp xếp, quy hoạch, hướng dẫn thương nhân các thành phần kinh tế kinh doanh khí đốt hoá lỏng ; kiểm tra, xử lý các vi phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và văn minh thương nghiệp.
Báo cáo tình hình tổ chức thực hiện theo quy định về Bộ Thương mại và phản ảnh kịp thời các khó khăn, vướng mắc để Bộ xem xét bổ sung, sửa đổi .
| Lê Danh Vĩnh (Đã ký) |
YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁYĐỐI VỚI CỬA HÀNG KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
(Trích mục 6 - TCVN 6223 : 1996)
1. Nhân viên cửa hàng phải được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng chỉ về PCCC.
2. Cửa hàng phải có biển "cấm lửa", "cấm hút thuốc", tiêu lệch, nội quy PCCC dễ thấy, dễ đọc.
3. Cửa hàng chuyên doanh khí đốt hoá lỏng và cửa hàng khí đốt hoá lòng tại các cửa hàng bán xăng dâù ít nhất phải có các thiết bị chữa cháy sau:
- 01 bình chữa cháy CO2, loại 5kg
- 02 bình chữa cháy bằng bột loại 8 kg;
- 02 bao tải gai hoặc chăn chiên;
- 01 thùng nước 20 lít;
- 01 chậu nước xà phòng 2 lít;
4. Cửa hàng không chuyên kinh doanh khí đốt hoá lỏng ít nhất phải có các thiết bị sau :
- 02 bình chữa cháy bằng bột loại 4 kg;
- 02 bao tải gai hoặc chăn chiên;
- 01 thùng nước 20 lít;
- 01 chậu xà phòng 2 lít;
5.Tất cả thiết bị chữa cháy phải để ở nơi thuận tiện gần cửa ra vào hoặc tại vị trí an toàn trên các đường giữa các chồng chai chứa khí đốt hoá lỏng để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
6. Có cầu dao để ngắt toàn bộ hệ thống điện của cửa hàng khi ra về.
7. Phát hiện và xử lý chai khí đốt hoá lỏng bị rò rỉ :
- Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện rò rỉ. Khi phát hiện mùi Gas hoặc thiết bị báo động có tín hiệu, phải nhanh chóng phát hiện nơi rò rỉ. Dùng nước xã phòng bôi lên những nơi nghi rò rỉ để xác định có rò rỉ hay không. Tuyệt đối không được dùng ngọn lửa để tìm chỗ rò rỉ.
- Đánh dấu chai bị rò rỉ và chỗ bị rò rỉ;
- Phải loại trừ ngay bất kỳ nguồn gây cháy nào gần khu vực chứa chai khí đốt hoá lỏng;
- Bịt chặt chỗ rò rỉ lại và kịp thời di chuyển chai bị rò rỉ ra ngoài, đặt xa nguồn lửa và nơi đồng người;
- Phải thông báo tiếp cấm hút thuốc và các nguồn gây cháy;
- Không được tháo bỏ hoặc sửa chữa van chai đã bị hư hỏng, mà chuyển cho cơ quan nạp xử lý;
- Khoanh vùng xếp đặt các chai rò rỉ, có treo biển cấm người qua lại và thông báo ngày sự cố cho người cung cấp hàng.
8. Cấm tiến hành việc sửa chưũa báo quản chai khí đốt hoá lỏng tại cửa hàng.
9 Cấm mọi hình thức nạp bình khí đốt tại các cửa hàng.
YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT KẾ, XÂY DỰNG CỬA HÀNG KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
(Trích mục 5-TCVN 6223 : 1996)
5.1. Nguyên tắc chung:
5.1.1. Việc thiết kế, xây dựng cửa hàng khí đốt hoá lỏng phải tuân theo các qui định của TCVN 2622: 1995.
5.1.2. Cửa hàng khí đốt hoá lỏng tại điểm bán xăng dầu phải cách nguồn gây cháy ít nhất 20 mét.
5.1.3. Cửa hàng chuyên doanh và không chuyên doanh khí đốt hoá lỏng phải cách nguồn gây cháy ít nhất :
- 03 mét về phía không có tường chịu lửa.
- 0 mét về phía có tường chịu lửa.
5.2. Diện tích mặt bằng :
5.2.1. Đối với cửa hàng chuyên doanh khí đốt hoá lỏng.
- Tổng diện tích : Tối thiểu 12m2
- Diện tích kho chứa hàng (nếu có) : tối thiếu 10m2
- Diện tích khu phụ (nếu có) : tối thiếu 3m2
5.2.2. Đối với cửa hàng tại các điểm bán xăng dầu :
- Diện tích toàn cửa hàng không nhỏ hơn diện tích tối thiểu của cửa hàng chuyên doanh khí đốt hoá lỏng;
- Có phần dành riêng bán khí đốt hoá lỏng hợp lý, phù hợp với qui mô cửa hàng.
- Tại kho chứa hàng, phải xếp riêng các chai chứa khí đốt hoá lỏng với các chai chứa khí hoá lỏng rỗng, không được để lẫn với các mặt hàng kinh doanh khác.
5.2.3. Đối với các cửa hàng không chuyên doanh khí đốt hoá lỏng phải tuân theo các qui định đối với các cưả hàng tại các điểm bán xăng dầu.
5.3. Yêu cầu kết cấu xây dựng chung :
5.3.1. Khu vực nhà thuộc cửa hàng chỉ được xây bằng gạch hoặc bê tông có bậc chịu lửa II.
5.3.2. Nền nhà bằng phẳng, không gồ ghề, lồi lõm... đảm bảo an toàn khi mua bán và di chuyển hàng hoá; cao hơn mặt bằng xung quanh, không được bố trí đường ống, cống thoát nước tại nền nhà hoặc nếu có thì phải được trát nín mạc; Mọi hầm hố phải nằm cách khu vực cửa hàng ít nhất 2 mét. Nếu có rãnh nước hoặc mương máng không thể tránh khỏi nằm trong khoảng cách 2m theo qui định trên thì phải có tấm che, chụp để hơi khí đốt hoá lỏng không thể tích tụ hoặc kop thể đi vào hệ thống cống được.
5.3.3. Tường nhà :
- Mặt tường bằng phẳng, nhẵn, không có khe hở, vết lồi lõm;
- Sơn hoặc quét vôi máu sáng;
5.3.4. Mái và trần nhà :
- Chống được mưa, bão, có kết cấu mái chống nóng;
- Kết cấu mái nhà phải được thông gió tự nhiên
- Trần nhà phải nhẵn, phẳng và quét vôi màu sáng
5.3.5- Cửa nhà và cửa thông gió phải đảm bảo các yêu cầu sau :
- Bố trí cửa ra vào tại bức tường ngoài, cửa có chiều cao ít nhất 2,2m và chiều rộng cửa ít nhất 1,2m;
- Cửa ra vào phải được làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, đảm bảo đi lại và di chuyển hàng hoá dễ dàng, tránh chen chúc;
- Ngoài cửa chính, phải có ít nhất 01 lối thoát dự phòng, có cửa mở ra phía ngoài để người ở trong dễ thoát ra ngoài khi có sự cố;
- Cửa thông gió trên tường, mái hoặc ví trí thấp ngang sàn nhà và các cửa này phải được làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút.
5.3.6- Đường bãi, lồng xe ra vào phải được lót bê tổng với độ dày và khả năng chịu tải phù hợp với các phương tiện chuyên chở hàng hoá.
5.4- Biển hiệu cửa hàng
5.4.1- Vật liệu, màu sắc, kích cỡ, cách trình bày theo quy định của đơn vị quản lý kinh doanh
5.4.2- Lắp đặt theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
5.5- Thiết kế phòng bán hàng phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
a) Thuận tiện cho việc mua bán, giao nhận và di chuyển hàng hoá;
b) Bố trí cân đối, hợp lý, mỹ quan, vệ sinh và an toàn lao động;
c) Có ít nhất 01 cửa ra vào và 01 cửa phụ để di chuyển hàng ra ngoài dễ dàng phòng khi có sự cố;
d) ánh sáng :
- Phải sử dụng thiết bị chiếu sáng bảo đảm về an toàn cháy, nổ;
- Tận dụng tới mức tối đa ánh sáng tự nhiên trong suốt thời gian bán hàng bằng hệ thống cửa kính, hoặc ánh sáng nhân tạo;
- Không được dùng ánh đèn màu để tránh cho người mua không bị nhầm lẫn khi chọn lựa và kiểm tra hàng hoá;
- Phải có hệ thống chiếu sáng dự phòng sự cố;
5.6- Yêu cầu thiết kế kho chứa hàng :
5.6.1- Không được bố trí kho trong phòng kín, hầm kín, hang sâu.
5.6.2- Được phép bố trí kho gần phòng bán hàng hoặc cạnh phòng bán hàng (tuỳ theo diện tích và quy mô toàn bộ cửa hàng).
5.6.3- Nền kho :
- Làm bằng gạch hoặc bê tông và không có cống rãnh, đường nước thải trên sàn kho;
- Tạo các khe hở và lỗ thông hơi trên tường, sàn kho đảm bảo thông thoáng. Vị trí đáy các khe hở và lỗ thông hơi không được cao hơn sàn nhà 150mm.
5.6.4- Tường, trần, mái phải được thiết kế gọn, nhẹ và làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút.
5.6.5- Tường hoặc mái phải có lỗ thông hơi, diện tích lỗ không ít hơn 2,5% tổng diện tích tường và mái, nhưng không ít hơn 12,5% tổng diện tích tường.
Trường hợp kho không đảm bảo thông gió tự nhiên thì phải thiết kế thông gió cưỡng bức (nhân tạo). Hệ thống thông gió phải đảm bảo khí thải ra môi trường thấp hơn nồng độ an toàn cho phép. Hệ thống thông gió phải làm bằng vật liệu không cháy, các thiết bị phải phù hợp với mức độ an toàn cháy nổ.
5.6.6- Kho chứa chai khí đốt hoá lỏng phải có ít nhất 01 cửa chính và 01 cửa phụ, các cánh cửa phải làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút.
5.6.7- Đường di chuyển từ kho ra quầy phải ngắn nhất và thông suốt.
5.6.8- Diện tích xếp đặt, tồn chứa chai khí đốt hoá lỏng phải thông thoáng, đảm bảo bất kỳ rò rỉ khí đốt hoá lỏng nào cũng không có khả năng gây cháy.
5.7- Yêu cầu thiết kế khu phụ cửa hàng :
5.7.1- Toàn bộ diện tích trong khu phụ phải đảm bảo thoáng mát, vệ sinh, đủ ánh sáng, có hệ thống cấp thoát nước ...
5.7.2- Khu phụ phải có cửa ra vào riêng biệt, không được đi chung với khách hàng.
Các đường đi lại trong khu phụ phải nối leìen với phòng bán hàng.
5.7.3- Tuyệt đối không được tồn chứa hàng trong khu phụ.
5.7.4- Hệ thống cấp, thoát nước phải :
- Đảm bảo cung cấp đủ nước chữa cháy;
- Đầu ra của hệ thống nước thải phải đi qua cơ cấu chắn thuỷ lực;
- Vật liệu dùng trong hệ thống thoát nước phải là vật liệu không cháy.
5.8- Cung cấp điện :
5.8.1- Việc lắp đặt hệ thống điện và các thiết bị dùng điện phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật hiện hành.
5.8.2- Toàn bộ thiết bị điện trong trạm phải được khống chế chung bằng một thiết bị đóng ngắt điện (áp tô mát hoặc cầu dao kiêm cầu chì có hộp kín).
5.8.3- Hệ thống điện phải là hệ thống phòng nổ; dây dẫn đi trong ống kín; đèn và công tắc là loại phòng nổ;
5.8.4- Các dây dẫn không được nối đầu nối giữa chừng trên đây, chỉ được đấu nối tại các hộp phòng nổ.
5.8.5- Tất cả các thiết bị điện trong cửa hàng phải lắp đặt cách lớp chai khí đốt hoá lỏng tối thiểu 1,5m.
7. YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI VIỆC XẾP DỠ, TỒN CHỨA VÀ BÀY BÁN CHAI KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG TẠI CỬA HÀNG
(Trích mục 7 TCVN-6223 : 1996)
7.1- Xếp dỡ chai chứa khí đốt hoá lỏng phải được tiến hành thứ tự theo từng lô, từng dãy.
7.2- Các chai chứa khí đốt hoá lỏng có thể được xếp chồng lên nhau ở tư thế thẳng đứng, vững chắc. Độ cao tối đa mỗi chồng là 1,5m. Khi xếp chồng chai chưa khí đốt hoá lỏng có các loại kích thước khác nhau thì xếp theo nguyên tắc lớp chai nhỏ xếp chồng lên lớp chai lớn hơn. Khoảng cách giữa các dẫy không nhỏ hơn 1,5m.
7.3- Lượng khí đốt hoá lỏng trong tất cả các chai được phép tồn chứa tại cửa hàng là 500 kg đối với diện tích tối thiểu là 12m2 theo quy định ở 5.2.1 và được phép chứa thêm 60 kg cho mỗi mét vuông diện tích tăng thêm của khu vực tồn kho chứa hoặc cửa hàng nói chung, không của khu phụ.
7.4- Các chai chứa khí đốt hoá lỏng, khi bán cho khách hàng phải còn nguyên niêm phong, tuyệt đối kín, bảo đảm chất lượng, khối lượng và nhãn mác đăng ký.
7.5- Chi cho phép trưng bày lâu dài trên quầy hoặc trên giá quảng cáo những chai khí đốt hoá lỏng rỗng hoặc chai khí đốt hoá lỏng giả.
7.6- Khi tồn chứa cũng như khi bày bán, van chai luôn vặn chặt.
7.7- Không được cất giữ chai khí đốt hoá lỏng ở khu vực cửa ra vào, ở nơi hay có người qua lại.
7.8- Chỉ cho phép tồn chứa chai khí đốt hoá lỏng rỗng ở ngoài trời với điều kiện trong nhà không còn diện tích. Nghiêm cấm tồn chứa chai khí đốt hoá lỏng rỗng trên mái nhà.
7.9- Nghiêm cấm tồn chứa, sử dụng, kinh doanh khí oxy trong các cửa hàng chứa khí đốt hoá lỏng.
8. YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI VIỆC VẬN CHUYỂN CHAI CHỨA KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
(Trích mục 8 TCVN - 6223 : 1996)
8.1- Xe vận chuyển chai chứa khí đốt hoá lỏng phải có sàn bằng vật liệu không bắt lửa và không phát luửa do ma sát hoặc được lót bằng vật liệu trên. Xe phải được trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy bột khô loại 5 kg.
8.2- Xe phải có thùng chắc chắn, có thể có mui hoặc bạt che mà vẫn đảm bảo thông thoáng tốt.
8.3- Chai khí đốt hoá lỏng có dung tích chứa trên 100 lít chỉ được chất đứng một lớp. Chai có dung tích chứa đến 100 lít có thể chồng đứng 2-4 lớp, nhưng không vượt quá chiều cao thùng xe và chiều cao quy định trong giao thông, phải được neo buộc chắc chắn, và cứ giữa 02 lớp phải có 01 lớp ván lót.
8.4- Cho phép xe lam chở chai khí dốt hoá lỏng nhưng không quá 05 chai có dung tích chứa đến 100 lít.
8.5- Các loại xe thô sơ chỉ được phép chở các loại chai khí đốt hoá lỏng có dung tích chứa đến 100 lít, với số lượng tối đa là :
- 01 chai dung tích chứa đến 50 lít đối với xe hai bánh và được neo buộc chắc chắn;
- 02 chai đối với xe xích lô và phải được neo buộc chắc chắn;
- 04 chai đối với xe ba gác.
8.6- Nghiêm cấm chuyên chở chai khí đốt hoá lỏng bằng xe súc vật kéo.
8.7- Lái xe cơ giới phải có chứng chỉ đã qua huấn luyện PCCC.
8.8- Khi có phương tiện vận chuyển của khách hàng đến nhận hàng tại các cửa hàng bán khí đốt hoá lỏng, nhân viên bán hàng phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật xe, an toàn về hàng hoá trước khi cấp hàng. Không cấp quá số chai theo quy định ở điều 8.4, 8.5.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
(Dùng cho thương nhân kinh doanh khí đốt hoá lỏng theo qui định tại Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại)
Kính gửi: Sở Thương mại tỉnh (TP).........................................
Họ và tên người làm đơn:..........................................................................
Ngày tháng năm sinh: ......................................Nam, Nữ:..........................
Chức danh (Giám đốc/Chủ DN): ...............................................................
Địa chỉ thường trú (hoặc tạm trú): .............................................................
Tên doanh nghiệp hoặc cơ sở KD: ............................................................
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: .................................................
do .............................................. Cấp ngày ......................................
Nơi đặt trụ sở chính/Địa điểm kinh doanh khí đốt hoá lỏng .......................
.........................................................................................................
Đề nghị Sở Thương mại xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng theo qui định tại Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại .
Ngày tháng năm
Người làm đơn ký tên
(Đóng dấu nếu là CTy, DN)
Hồ sơ kèm theo :
1. Bản sao Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh
2. Tài liệu việc thực hiện các điều
kiện kinh doanh theo qui định
3. Các giấy tờ liên quan khác.
XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ, PHƯỜNG
Về địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của người làm đơn
(Chỉ yêu cầu đối với cá nhân, hộ kinh doanh)
UỶ BAN NHÂN DÂN Tỉnh (TP)...... | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG
(Cấp cho thương nhân kinh doanh khí đốt hoá lỏng theo qui định tại Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại)
SỞ THƯƠNG MẠI TỈNH (TP)........................
Cấp cho Doanh nghiệp/ Hộ kinh doanh :....................................................
Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số : .............................................
do................................................ Cấp ngày ........................................
Nơi đặt trụ sở chính/Địa điểm kinh doanh .................................................
......................................................................................................................
......................................................................................................................
........................................................................................................................
Doanh nghiệp/ Hộ kinh doanh được phép kinh doanh mặt hàng khí đốt hoá lỏng theo qui định tại Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại .
SỞ THƯƠNG MẠI
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)
File gốc của Thông tư 15/1999/TT-BTM hướng dẫn kinh doanh khí đốt hoá lỏng do Bộ Thương mại ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 15/1999/TT-BTM hướng dẫn kinh doanh khí đốt hoá lỏng do Bộ Thương mại ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Thương mại |
Số hiệu | 15/1999/TT-BTM |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Lê Danh Vĩnh |
Ngày ban hành | 1999-05-19 |
Ngày hiệu lực | 1999-08-01 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Đã hủy |