BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59-TT/LB | Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 1994 |
Thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2950-KTTH ngày 28-5-1994 về việc thu phí sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài. Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu phí, quản lý và sử dụng tiền phí sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG THU, KHÔNG THU VÀ MIỄN GIẢM THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG THĂNG LONG - NỘI BÀI
1- Đối tượng thu:
Tất cả các loại xe cơ giới đi qua đường Thăng Long - Nội Bài đều phải mua phí sử dụng đường, trừ một số xe không thu, miễn hoặc giảm thu quy định tại điểm 2 và 3 dưới đây.
2- Đối tượng không thu phí:
- Xe chuyên dùng chở bệnh nhân đi cấp cứu.
- Xe lúc đưa tang (bao gồm xe chở quan tài, xe chở thân nhân).
- Xe của lực lượng vũ trang không làm kinh tế thường xuyên.
- Xe đưa đón khách nước ngoài có xe công an hộ tống.
- Xe cứu hoả đi làm nhiệm vụ chữa cháy.
- Xe chuyên dùng chở thương binh, người tàn tật.
- Xe đang đuổi bắt kẻ gian.
3- Đối tượng xét miễn, giảm:
a) Đối tượng xét miễn.
- Xe của cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế thường trú ở Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi ngoại giao (do Bộ Ngoại giao đã xác nhận tại Công văn số 1609-LT/HC ngày 9-9-1991).
- Các loại xe máy được các cơ quan có thẩm quyền huy động trong thời gian hộ đê, chống lũ bão, thiên tai, dịch hoạ.
b) Đối tượng xét giảm: Xe máy của cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên hàng ngày đi lại làm việc, học tập.
Các đối tượng được xét miễn, giảm thu phí phải mang các chứng cứ thể hiện là đối tượng miễn, giảm đến cơ quan tổ chức thu để xin cấp giấy miễn hoặc mua vé tháng được giảm thu.
II- MỨC THU, HÌNH THỨC THU VÀ TỔ CHỨC THU
1- Mức thu:
Để đảm bảo cho công tác tổ chức thu phí thuận tiện, tạo điều kiện cho xe qua lại cầu, đường nhanh chóng thuận tiện, liên Bộ quy định:
- Đối với các loại xe cơ giới đi qua cầu và đường chỉ mua 1 vé chung cho cả cầu và đường.
- Đối với các loại xe cơ giới chỉ qua cầu không qua đường thì mua vé qua cầu (quy định tại Thông tư số 81-TT/LB ngày 15-12-1992 của liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải).
- Trường hợp xe cơ giới đi đường Thăng Long - Nội Bài mà không qua cầu thì chỉ mua vé phí đường. Mức thu cụ thể cho từng đối tượng được quy định cụ thể tại phụ lục kèm theo Thông tư này.
2- Hình thức thu:
Phí sử dụng đường được thu dưới hình thức bán vé, vé có 2 loại: vé thông thường và vé tháng. Các loại vé đều do Cục thuế Hà Nội ấn hành và giao cho đơn vị tổ chức thu để bán.
- Vé thông thường bán cho các loại xe cơ giới đi ngay tại các trạm bán và kiểm soát vé.
Vé có thể bán trước tại cơ quan tổ chức thu phí cho các chủ phương tiện hàng ngày phải qua lại nhiều lần. Hình thức này được khuyến khích cho mỗi lần mua trước từ 50 vé trở lên được giảm 1% giá vé.
- Vé tháng chỉ bán cho đối tượng mua vé giảm thu quy định tại điểm 3, phần 1 trên đây.
Cơ quan tổ chức thu phí phải thống nhất với Cục thuế Hà Nội để in các loại vé, phù hiệu miễn thu. Quy chế quản lý, sử dụng vé theo các quy định tại Thông tư số 63-TC/TCT ngày 28-10-1992 của Bộ Tài chính.
Đơn vị tổ chức thu phải quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng vé, định kỳ báo cáo quyết toán việc sử dụng vé gửi Cục Thuế Hà Nội.
3- Tổ chức thu phí:
Đơn vị thu phí sử dụng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài trực thuộc Cục đường bộ Việt Nam quản lý. Biên chế thu gọn nhẹ, đảm bảo tổ chức thu phí đường, cầu tốt, văn minh lịch sự, không gây ùn tắc giao thông...
III- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ, HẠCH TOÁN VÀ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN
1- Quản lý, sử dụng tiền thu phí:
Căn cứ tình hình các loại phương tiện sử dụng đường và mức thu quy định, đơn vị tổ chức thu phải lập kế hoạch thu, chi phí tổ chức và phục vụ thu phí trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt sau khi có sự trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.
Hàng ngày, ngoài phần thu được để lại chi theo kế hoạch được duyệt, đơn vị tổ chức thu phí phải nộp toán bộ số tiền thu phí thu được của đường và cầu vào Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Kế hoạch chi bao gồm những nội dung sau đây:
Tiền lương và các khoản phụ cấp của bộ phận tổ chức thu phí, tiền in vé, in ấn các chứng từ, sổ sách, mẫu biểu để theo dõi, quản lý và hạch toán chi sửa chữa, nhà cửa, tài sản phục vụ công tác thu và các chi chí quản lý khác.
Mọi chi phí cho công tác duy tu bảo dưỡng và sửa chữa đường được bố trí trong kế hoạch chi ngân sách hàng năm và được cấp phát sử dụng theo chế độ hiện hành.
Riêng năm 1994 do chi phí sửa chữa thường xuyên đường chưa được bố trí trong kế hoạch sửa chữa đường. Đơn vị quản lý đường lập kế hoạch chi sửa chữa đường trình các cơ quan có thẩm quyền duyệt để bổ sung vào kế hoạch chi năm 1994.
2- Hạch toán và báo cáo quyết toán:
a) Công tác hạch toán:
Đơn vị tổ chức thu phải mở sổ chi tiết và tổng hợp phản ánh toàn bộ hoạt động thu chi phí sử dụng đường, cầu và thực hiện hạch toán đầy đủ thu, chi theo những quy định nêu trên.
Đối với đơn vị chủ phương tiện: Nếu là đơn vị sản xuất kinh doanh thì tiền mua vé được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông; nếu là đơn vị sự nghiệp thì tiền mua vé được hạch toán vào chi ngân sách.
b) Báo cáo quyết toán:
Hàng tháng đơn vị tổ chức thu phải lập báo cáo nhanh kết quả thu và tình hình sử dụng tiền thu phí (nộp ngân sách, để lại chi theo kế hoạch) gửi Cục thuế, Chi cục Kho bạc Hà Nội và gửi báo cáo cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để theo dõi quản lý.
Hàng quý, năm đơn vị thu phải lập và gửi báo cáo quyết toán kết quả thu, chi theo đúng chế độ báo cáo quyết toán hiện hành.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra thường xuyên tình hình thu và sử dụng tiền thu phí, xét duyệt quyết toán hàng năm cho đơn vị tổ chức thu.
- Các trường hợp vi phạm việc thu phí như sử dụng vé không đúng biểu giá quy định, không có vé khi qua đường v.v... thì ngoài việc phải mua vé theo biểu giá quy định, chủ phương tiện còn phải trả thêm tiền phạt gấp 4 lần giá vé quy định (số tiền không được hạch toán vào giá thành hoặc chi ngân sách). Nếu chủ phương tiện cố tình gây khó khăn, trở ngại gây ách tắc giao thông thì lực lượng kiểm soát sẽ xử lý các sai phạm theo pháp luật hiện hành.
- Để khuyến khích đơn vị tổ chức thu, liên Bộ quy định cho phép đơn vị tổ chức thu được trích 1,5% tổng số tiền thu phí sử dụng đường để lập quỹ khen thưởng và phúc lợi, trong đó quỹ khen thưởng tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản của cán bộ, công nhân viên. Mức phúc lợi tối đa bằng quỹ khen thưởng số còn thừa nộp Ngân sách Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1994.
Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi đơn vị tổ chức thu phí báo cáo về hai Bộ để giải quyết.
Lê Ngọc Hoàn (Đã ký) | Phan Văn Trọng (Đã ký)
|
QUY ĐỊNH MỨC THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG THĂNG LONG - NỘI BÀI VÀ MỨC THU PHÍ CHUNG CẢ CẦU VÀ ĐƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 59-TT/LB ngày 8-7-1994
của liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải)
File gốc của Thông tư liên tịch 59-TT/LB năm 1994 hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng tiền thu phí sử dụng đường Thăng Long – Nội Bài do Bộ Giao thông vận tải – Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 59-TT/LB năm 1994 hướng dẫn chế độ thu, quản lý và sử dụng tiền thu phí sử dụng đường Thăng Long – Nội Bài do Bộ Giao thông vận tải – Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính |
Số hiệu | 59-TT/LB |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Lê Ngọc Hoàn, Phan Văn Trọng |
Ngày ban hành | 1994-07-08 |
Ngày hiệu lực | 1994-07-01 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |