BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66-TT/LB | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1987 |
Thi hành Quyết định số 211-HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thu phí giao thông đường bộ, đường sông. Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thu và sử dụng phí giao thông đường bộ, đường sông như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG CHỊU PHÍ VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN PHÍ
A. ĐỐI TƯỢNG CHỊU PHÍ GIAO THÔNG:
1. Về đường bộ:
- Các loại phương tiện cơ giới đường bộ kinh doanh vận tải hoặc không kinh doanh vận tải, hoạt động trên các tuyến đường do ngành giao thông vận tải quản lý bao gồm: các loại xe ôtô vận tải hàng hoá, hành khách, xe đặc chủng, xe reo, xe lu bồi, xe bánh xích, xe công trình... xe cần cẩu, xe điện bánh lốp, xe ôtô con, xe lam, xe công nông, xích lô máy, xe máy v.v...
- Các loại phương tiện vận tải thô sơ đường bộ có đăng ký kinh doanh vận tải hoạt động trên các tuyến đường bộ do cơ quan giao thông vận tải quản lý bao gồm: xe xúc vật kéo, xe người kéo, xe xích lô, xe đạp lôi v.v...
2. Về đường sông:
- Các loại phương tiện cơ giới đường sông kinh doanh vận tải hoặc không kinh doanh vận tải, hoạt động trên các tuyến đường sông do ngành giao thông vận tải quản lý bao gồm: tàu, thuyền máy,ca nô, xà lan (tự hành hoặc không tự hành), các phương tiện vận tải Lash, tàu vận tải biển pha sông v.v...
- Các loại phương tiện vận tải thô sơ có đăng ký kinh doanh vận tải hoạt động trên các tuyến đường sông do cơ quan giao thông vận tải quản lý như: ghe, thuyền v.v...
B. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN PHÍ GIAO THÔNG:
1. Về đường bộ:
- Các loại xe, máy của các xí nghiệp, công, nông, lâm trường ... chuyên hoạt động trên các tuyến đường chuyên dùng (theo quy định tại điểm 6 Điều 2 của Nghị định số 10-HĐBT ngày 20/1/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân loại đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ).
- Các loại xe, máy chuyên dùng vào việc sửa chữa, xây dựng đường bộ như: máy ủi, máy xúc, xe lu, xe rải nhựa...
- Các loại xe chuyên dùng để chở bệnh nhân cấp cứu, chuyển viện;
- Các loại xe làm vệ sinh đường phố như : xe đổ rác, xe chở phân, xe tưới nước, xe hút bụi v.v...
- Các loại xe chuyên dùng vào việc chữa cháy (xe cứu hoả), xe chuyên dùng vào việc sửa chữa đường dây điện (thuộc mạng lưới điện công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn).
- Xe chở quan tài chuyên dùng vào việc đưa đám ma
- Xe chuyên dùng cho cá nhân thương binh và người tàn tật.
- Các xe, máy được Nhà nước huy động đi làm công tác đột xuất như hộ đê, chống lụt, chống dịch.
2. Về đường sông:
- Các phương tiện, thiết bị của các xí nghiệp quốc doanh chuyên dùng vào việc quản lý, sửa chữa hệ thống đường sông như: tàu cuốc, tàu hút bùn, tàu trục vớt, cứu hộ, xà lan chở bùn, tàu thuyền thả phao, đốt đèn, kiểm tra luồng;
- Các phương tiện, thiết bị nổi chỉ hoạt động trong phạm vi luồng chuyên dùng và trong phạm vi công trường;
- Các thuyền, phà chỉ hoạt động vận chuyển sang ngang sông;
- Các phương tiện, thiết bị nổi dùng trong công tác đo đạc, thuỷ văn, thăm dò dầu khí.
Các phương tiện thuộc diện được miễn phí giao thông quy định ở điểm 1 và 2 trên đây phải được cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận. Trường hợp thay đổi nhiệm vụ công tác, cần hoạt động trên đường công cộng do cơ quan giao thông vận tải quản lý, thì phải đăng ký với cơ quan tài chính địa phương để nộp phí giao thông.
II. ĐỐI TƯỢNG NỘP PHÍ GIAO THÔNG
Về đối tượng nộp phí giao thông thi hành theo đúng điểm C, điều 1 của Quyết định số 211-HĐBT ngày 9/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng.
III. CÁCH THU, MỨC THU VÀ HẠCH TOÁN PHÍ GIAO THÔNG
1. Trong vòng 10 ngày đầu tháng 1 hàng năm, các đối tượng nộp phí phải kê khai và đăng ký đối tượng chịu phí giao thông với phòng thuế công thương nghiệp quận, huyện, thị xã, nơi mình cư trú (đối với cá nhân) hoặc nơi đặt trụ sở làm việc (đối với các xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, hợp tác xã...) Nếu trong năm có sự tăng hoặc giảm đối tượng chịu phí, thì trong vòng 5 ngày, đối tượng nộp phí phải đăng ký bổ sung (tăng hoặc giảm). Riêng đối với đối tượng nộp phí là các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh vận tải đường bộ, đường sông phải kê khai nộp phí trên cơ sở doanh thu cước phí vận tải thực tế có xác nhận của cán bộ chuyên quản thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp.
Về mức thu: Ngoài mức thu quy định tại Điều 2 Quyết định số 211-HĐBT ngày 9/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng, Liên Bộ cụ thể hoá thêm mức thu cho một số đối tượng sau:
- Xe rơ moóc cũng là loại phương tiện thô sơ kinh doanh vận tải phải chịu phí giao thông bằng 80% mức phí của ôtô vận tải hàng hoá có cùng trọng tải.
- Xe trôlâybút (xe điện bánh lốp) là phương tiện vận tải không ray, nối với mạng điện chạy trên đường bộ cũng phải chịu phí tương đương với loại ôtô chở khách từ 30 ghế trở lên.
Chi tiết mức thu đối với các loại phương tiện ở phụ lục đính kèm.
4. Việc nộp phí giao thông được phản ánh và hạch toán trong sổ sách kế toán ở các cơ quan xí nghiệp như sau:
a. Đối với phần nộp theo doanh thu cước phí vận tải của các xí nghiệp chuyên kinh doanh vận tải đường sông và ôtô hạch toán.
Nợ tài khoản 22 Có tài khoản 50 hoặc 51 | Số phí giao thông đã nộp |
Ghi riêng thành một điều khoản trong chi phí trực tiếp của kinh doanh vận tải là "phí giao thông".
b. Đối với phần nộp phí giao thông theo phương tiện đăng ký lưu hành hạch toán:
Nợ tài khoản 26, 27, 44 Có tài khoản 50 hoặc 51 | Số phí giao thông đã nộp |
c. Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức không hạch toán kinh tế, phí giao thông được hạch toán:
Nợ TK 10 Có TK 24 hoặc 07 | Số phí giao thông đã nộp |
IV. XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠMCHẾ ĐỘ NỘP PHÍ GIAO THÔNG
1. Chủ phương tiện nào không chấp hành đúng chế độ nộp phí giao thông, vi phạm một trong những điều quy định dưới đây thì sẽ bị phạt:
- Không đăng ký, kê khai nộp phí theo chế độ quy định;
- Không kê khai đúng số lượng và chủng loại phương tiện phải nộp phí;
- Không nộp đúng kỳ hạn và không nộp đủ số phí giao thông phải nộp.
- Người điều khiển phương tiện không mang theo giấy chứng nhận hoặc biên lai đã nộp phí giao thông.
2. Mức phạt: Ngoài việc nộp đủ số phí còn thiếu thì người vi phạm phải chịu phạt như sau:
- Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phí phải nộp;
- Nếu tái phạm lần thứ hai sẽ bị phạt gấp 3 lần mức phí phải nộp;
- Nếu vi phạm lần thứ ba trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt gấp 5 lần mức phí phải nộp.
Nếu vi phạm nhiều lần hoặc có hành vi chống lại việc thu phí giao thông thì người phạm pháp có thể bị truy tố trước pháp luật.
3. Số tiền bị phạt không được hạch toán vào giá thành hoặc phí giao thông và không được lấy kinh phí cấp phát của ngân sách để chi.
4. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chức năng của mình, các cơ quan tài chính, giao thông vận tải, công an có quyền kiểm tra và phạt tiền đối với các trường hợp vi phạm chế độ nộp phí giao thông theo điều 3 của Quyết định số 211-HĐBT ngày 9/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng; đồng thời yêu cầu chủ phương tiện phải đến cơ quan tài chính (nơi thu phí) để nộp số phí giao thông còn thiếu.
Những người có công phát hiện việc khai man, trốn tránh nộp phí thì được hưởng 10% số tiền thu về tiền phạt.
V. TỔ CHỨC THU VÀ SỬ DỤNG PHÍ GIAO THÔNG
1. Tổ chức thu phí giao thông
Việc tổ chức thu phí giao thông do ngành thuế công thương nghiệp đảm nhận theo công văn số 861TC/TCTN ngày 4/12/1987 của Bộ Tài chính.
2. Sử dụng phí giao thông
Về nguyên tắc, toàn bộ nguồn thu phí giao thông được tập trung thành lập quỹ sửa chữa đường bộ, đường sông (bao gồm: duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, trung đại tu).
Để tạo quyền chủ động cho các địa phương đồng thời đảm bảo sự quản lý tập trung trong lĩnh vực sửa chữa đường bộ, đường sông, Liên Bộ quy định;
Hàng năm, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào việc phân cấp quản lý đường bộ, đường sông, tình trạng đường sá, lưu lượng, xe cộ, tầu thuyền đi lại trên từng tuyến đường của từng địa phương và căn cứ vào khả năng cân đối vật tư của Nhà nước, nguồn thu phí giao thông để giao nhiệm vụ thu phí giao thông và định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để chi cho công tác sửa chữa đường bộ, đường sông do địa phương quản lý.
Về trình tự, thủ tục lập kế hoạch, cấp phát, thanh toán và quản lý vốn sửa chữa đường bộ, đường sông đối với các đơn vị cơ sở vẫn theo thông tư số 236-TT/LB ngày 7/12/1983 và thông tư số 25 TT/LB ngày 9/9/1986 của liên Bộ Giao thông vận tải - Tài chính.
Các tỉnh, thành phố, đặc khu phải quyết toán hàng năm với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải về khoản thu và chi phí giao thông này.
3. Kế toán Ngân sách Nhà nước khoản thu phí giao thông như sau:
Số tiền thu về phí giao thông được ghi vào loại 14 -khoản 01 hạng 9 - mục 39 (mục lục Ngân sách Nhà nước). Thu từ đơn vị, tổ chức kinh tế nào, ghi theo đúng chương của đơn vị, tổ chức đó; đơn vị thuộc cấp nào quản lý (Trung ương,Tỉnh, huyện hoặc quận) thì ghi vào đúng chương của cấp đó.
- Đối với số thu từ khu vực tập thể ghi vào loại 14 - khoản 01 - hạng 9 - mục 31 - Chương 97;
- Đối với số thu từ khu vực tư nhân ghi vào loại 14- khoản01 - hạng 9 - mục 31 - Chương 98.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1988 theo đúng Quyết định 211-HĐBT ngày 9/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Tất cả các quy định của các địa phương trái với Quyết định 211-HĐBT và thông tư hướng dẫn này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở phản ánh kịp thời về liên Bộ để xem xét, giải quyết.
Lê Khả (Đã ký) | Trần Tiêu (Đã ký) |
File gốc của Thông tư liên bộ 66-TT/LB năm 1987 hướng dẫn Quyết định 211-HĐBT về việc thu và sử dụng phí giao thông đường bộ, đường sông do Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên bộ 66-TT/LB năm 1987 hướng dẫn Quyết định 211-HĐBT về việc thu và sử dụng phí giao thông đường bộ, đường sông do Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính |
Số hiệu | 66-TT/LB |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Lê Khả, Trần Tiêu |
Ngày ban hành | 1987-12-04 |
Ngày hiệu lực | 1988-01-01 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Hết hiệu lực |