ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1605/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 30 tháng 06 năm 2023 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Tờ trình số 902/SNN-TT&BVTV ngày 12/5/2023).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (có Chương trình kèm theo):
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1605/QĐ-UBND ngày 30/06/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai)
Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:
Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như Sâm Hoàng Liên (khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn), Bình Vôi, Tam Thất hoang, Chè dây, Giảo Cổ Lam, Thất diệp nhất chi hoa, Đỗ Trọng…
Những năm qua, xác định cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực, tỉnh Lào Cai đã ban hành các Quy hoạch, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; Nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù…) từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha (13 loại cây) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực. Việc sơ chế, chế biến bước đầu được trú trọng đầu tư, có 01 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty Trapaco Sa Pa và nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ;
Bên cạnh những kết quả đạt được việc phát triển cây dược liệu thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại như: (1) Hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; (2) khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; (3) sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động; (4) diện tích cây Sa nhân tím chiếm tỷ lệ lớn (60% tổng diện tích) nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định; (5) chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; (6) chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư cơ sở chế biến sâu (hiện chỉ có 01 cơ sở của Công ty Traphaco Sa Pa) nên giá trị sản phẩm còn thấp; (7) liên kết trong sản xuất cây dược liệu thực hiện chưa tốt, thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững…
1. Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
2. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc.
3. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển cây dược liệu phải đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái trên cơ sở khai thác tối đa và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường.
Phát triển vùng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tổ chức quản lý sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu; tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu (GACP - WHO) trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến, chiết xuất dược liệu.
Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu, tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao thuộc nhóm cây dược liệu ưu tiên đầu tư phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; đảm bảo ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng gây trồng cây dược liệu, phát huy ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2030
Bố trí diện tích phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh và trồng dược liệu theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, gắn với phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, phát triển các sản phẩm dược liệu có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên phát triển các loài dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh.
Duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó diện tích các loại dược liệu đầu vị để sản xuất hàng năm, sản phẩm phục vụ công nghiệp dược liệu đạt 1.600ha. Hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Phát triển tối thiểu đạt 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh. Xây dựng thương hiệu 02 - 03 sản phẩm dược liệu và có thêm 03 - 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
Hình thành tối thiểu đạt 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.
Thu hút đầu tư tối thiểu được 01 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên phát triển hoạt động chế biến vị thuốc và bào chế thuốc từ dược liệu địa phương trong cơ sở có khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Thành lập Trung tâm sản xuất, bào chế thuốc thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để thực hiện sơ chế, bào chế vị thuốc, sản phẩm dược liệu địa phương cung ứng cho các cơ sở y tế trong tỉnh và thị trường.
c) Đến năm 2045
Cùng với sự nâng cấp, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư, nâng cấp, phát triển thêm số nhà máy sản xuất thuốc; tăng diện tích vùng trồng dược liệu đạt 6.000 ha; khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. Ngành công nghiệp dược, sản xuất dược liệu đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Hình thành tối thiểu đạt 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Xây dựng thương hiệu tối thiểu đạt 04 sản phẩm dược liệu và có thêm ít nhất 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1.1. Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm
Trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố về trữ lượng dược liệu tự nhiên của tỉnh, quy hoạch phát triển từng loại dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm như Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà…để có kế hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn.
Tăng cường bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn. Xây dựng vườn giống các loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao…Vườn giống là nơi tập trung, bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen cây dược liệu tự nhiên, cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng, các loài cây dược liệu ưu thế đặc trưng của từng vùng sinh thái; là nơi cung cấp nguồn vật liệu đầu vào cho công tác chọn lọc giống dược liệu bản địa, đặc hữu, quý hiếm có chất lượng.
1.2. Phát triển sản xuất cây dược liệu hàng hóa
a) Phát triển nguồn giống cây dược liệu
Xây dựng các cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng CNC…) để đảm bảo nhân nhanh các giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
- Đối với các loại cây dược liệu sản xuất hạt giống và gieo thẳng từ hạt như: Atisô, đương quy, bạch chỉ, bạch truật, tục đoạn...tổ chức sản xuất hạt giống tập trung tại vùng sản xuất như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.
- Đối với các loại cây cần phải gieo, ươm hoặc giâm hom cây con trước khi trồng (Tam thất, hồi, chè dây, đỗ trọng, hoàng bá, hà thủ ô đỏ...) căn cứ nhu cầu hàng năm tổ chức ươm, giâm hom giống để cung ứng cây giống cho sản xuất đại trà.
- Đối với nhóm cây dược liệu quý, hiếm cần đầu tư xây dựng nhà công nghệ để sản xuất cây giống (nuôi cấy mô) cung ứng theo nhu cầu đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
- Tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, phân tích các hoạt chất có trong từng loại cây dược liệu để có cơ sở lựa chọn loại dược liệu, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
b) Xây dựng ổn định vùng nguyên liệu
Duy trì ổn định diện tích cây dược liệu dưới tán rừng hiện có, riêng đối với diện tích cây Sa nhân tím cần quản lý chặt chẽ, không phát triển mở rộng diện tích. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hàng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát....
Đến năm 2025, ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô trên 4.000 ha. Trong đó, đối với cây dược liệu lâu năm, dược liệu dưới tán rừng: Tập trung phát triển ổn định diện tích 2.500 ha với các chủng loại cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ như chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thất diệp nhất chi mai, hà thủ ô, đỗ trọng, hoàng bá, bình vôi…. Đối với cây dược liệu hàng năm phục vụ sản xuất hàng hóa: Tiếp tục duy trì, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích hiện có, tập trung mở rộng nâng tổng diện tích đạt 1.500 ha với một số chủng loại chính như atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người Dao đỏ, mạch môn, vân mộc hương, bạch truật, đan sâm, đẳng sâm….Vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai…
Đến năm 2030, tiếp tục duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp.
(Có phụ biểu 01, 02 kèm theo)
Lựa chọn các loài dược liệu nuôi trồng dựa trên các nghiên cứu và cơ sở thực tiễn, đầu tư phát triển các loài dược liệu theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến dược liệu và phát triển các sản phẩm dược liệu có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh dựa vào 4 tiêu chí sau:
- Phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Thuộc Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030 của Bộ Y tế (Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế);
- Các loài dược liệu phải phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh; Các loài dược liệu phát triển được theo chuỗi giá trị và liên kết bền vững;
- Phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn về việc khai thác, gây trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.
1.3. Thu hút nhà đầu tư chiến lược chế biến sâu và phát triển sản phẩm OCOP
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bảo quản, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn GMP tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô, …phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Xây dựng cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sâu dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư nâng cấp dây truyền chế biến, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm OCOP.
Thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược liệu tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.1. Giải pháp về thể chế, pháp luật
a) Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi hiện hành của trung ương, của tỉnh như: Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủIV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dược liệu, thuốc sản xuất từ dược liệu lưu hành trên địa bàn. Tăng cường năng lực, bảo đảm hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước về dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Xác định nhu cầu, chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để làm căn cứ phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng dược liệu địa phương trong khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu phát triển công tác sản xuất, bào chế thuốc từ dược liệu trong cơ sở y tế có khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.
Tham gia đoàn đánh giá GACP đối với cơ sở đặt tại địa phương. Tổ chức triển khai, kiểm tra thanh tra việc thực hiện Thông tư 19/2019/TT-BYT ngày 30/7/2019 về việc ban hành Quy định thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp tình hình thực tế, nhằm khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường.
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định; định kỳ trước ngày 30/12 hằng năm, 03 năm, 05 năm, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Bộ Y tế, UBND tỉnh hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
2. Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thu hút và phát triển các nhà máy sản xuất dược, dược liệu phục vụ sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc, dược liệu đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành, các đơn vị liên quan chỉ đạo phát triển vùng trồng cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1093/QĐ-UBND ngày 05/4/2021 của UBND tỉnh Phê duyệt Đề án Phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất đặt hàng theo quy định các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về nghiên cứu chiết xuất dược liệu công nghệ cao, bào chế, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ một số dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế. Nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế ở địa phương, nhập nội nguồn gen và giống cây dược liệu tiên tiến.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xác định nguồn vốn hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp dược liệu. Phối hợp, rà soát bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 lĩnh vực công nghiệp dược liệu.
Thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách hằng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí triển khai Kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
7. Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế thống nhất cơ chế thanh toán khi các cơ sở y tế ưu tiên sử dụng dược liệu địa phương trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
8. Các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai hoặc phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
9. UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chủ động sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động triển khai các nội dung tại Chương trình này; báo cáo định kỳ trước ngày 10/12 hằng năm, 03 năm, 05 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo gửi về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn, vướng mắc, báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Phụ biểu 01. Phát triển vùng sản xuất cây dược liệu hàng năm giai đoạn 2020-2030
STT | Huyện | Năm 2020 | Năm 2025 | Năm 2030 | ||||||
Tổng | Cây dược liệu lâu năm | Cây dược liệu hàng năm | Tổng | Cây dược liệu lâu năm | Cây dược liệu hàng năm | Tổng | Cây dược liệu lâu năm | Cây dược liệu hàng năm | ||
| Tổng | 3.000 | 2.520 | 480 | 4.000 | 2.500 | 1.500 | 5.000 | 3.400 | 1.600 |
1 | Bắc Hà | 300 | 200 | 100 | 550 | 200 | 350 | 700 | 300 | 400 |
2 | Sa Pa | 210 | 90 | 120 | 350 | 90 | 260 | 550 | 250 | 300 |
3 | Si Ma Cai | 210 | 200 | 10 | 360 | 110 | 250 | 600 | 300 | 300 |
4 | Bát Xát | 550 | 300 | 250 | 1.040 | 400 | 640 | 1.250 | 650 | 600 |
5 | Văn Bàn | 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 700 | 700 |
|
6 | Mường Khương | 1.230 | 1.230 |
| 1.200 | 1.200 |
| 1.200 | 1.200 |
|
Phụ biểu 02: Diện tích một số loại dược liệu chính đến năm 2025
STT | Tên cây dược liệu chính | Diện tích đến năm 2025 | Chia theo huyện | Ghi chú | |||
Bắc Hà | Sa Pa | Bát Xát | Si Ma Cai |
| |||
1 | Atiso | 50 | 10 | 40 |
|
|
|
2 | Đương quy | 150 | 60 | 10 | 50 | 50 |
|
3 | Xuyên khung | 150 | 0 | 20 | 200 |
|
|
4 | Cát cánh | 200 | 200 | 20 | 30 | 100 |
|
5 | Chùa dù | 200 |
| 150 | 100 |
|
|
6 | Đẳng sâm | 50 | 30 |
| 40 |
|
|
7 | Nhóm cây hàng năm khác (đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, vân mộc hương, nghệ, gừng, mạch môn…) | 200 | 50 | 20 | 220 | 100 |
|
Tổng | 1.500 | 350 | 260 | 640 | 250 |
|
Phụ biểu 3. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2030
STT | Danh mục Dự án | Thời gian, địa điểm thực hiện | Mục tiêu Dự án | Dự kiến kết quả đạt được |
| Tổng cộng |
|
|
|
1 | Dự án: Đầu tư hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý | Thị xã Sa Pa; giai đoạn 2022- 2025 | Xây dựng cơ sở sản xuất và lưu giữ giống có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển các sản phẩm dược liệu trọng điểm; Hỗ trợ cải tạo và xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng dược liệu Quốc gia. Tạo điều kiện hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất nguyên liệu và chế biến dược liệu; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn thị xã phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế - xã hội; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để đầu tư phát triển, bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết 4 nhà | Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu thị xã Sa Pa giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030; ) Xây dựng 02 Vườn giống và 01 nhà nuôi cấy mô đủ năng lực sản xuất các loại giống dược liệu trọng tâm của Sa Pa; Hình thành ít nhất 5 doanh nghiệp, HTX sản xuất và sơ chế dược liệu; nâng cấp mở rộng xưởng chế biến dược liệu ứng công nghệ chế biến cao, xưởng sơ chế đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP - WHO phục vụ sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và xuất khẩu nguyên liệu; Hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý các loài cây dược liệu và sản phẩm dược liệu của Sa Pa - Lào Cai… |
2 | Dự án: Chuỗi liên kết trồng - chế biến - thương mại các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu tỉnh Lào Cai | Thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát; thời gian: 2023-2025 | Xây dựng vườn bảo tồn và Trung tâm giống cây dược liệu công nghệ cao; Phát triển vùng trồng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến; Xây dựng khu chế xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP. | Xây dựng được 02 vườn bảo tồn và Trung tâm giống cây dược liệu công nghệ cao Séo Mý Tỷ và A Lù; Xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô 1000ha; Xây dựng khu chế sản xuất thuốc đông dược được bào chế từ dược liệu dưới dạng thuốc nước uống, viên hoàn cứng, viên hoàn mềm, thuốc bột, thuốc cốm, viên nang cứng, viên bao phim, viên bao đường, công suất dự kiến 1.000 tấn nguyên liệu/năm. |
3 | Dự án Nhà máy sản xuất dược liệu, tân dược và vật tư y tế | Huyện Bát Xát; giai đoạn 2023- 2025 | Đầu tư xây dựng kho GPS, nhà mát sản xuất thuốc, sơ chế và chế biến dược liệu chuyên sâu (sơ chế công suất nguyên liệu đạt trên 1000 tấn/năm; sơ chế gia công và đóng gói khoảng 300 tấn sản phẩm/năm; Đầu tư thí điểm khu vực nuôi cấy mô và ươm giống dược liệu phục vụ phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. | Xây dựng 01 xưởng sản xuất vị thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu với diện tích 4.500m2; Xây dựng tổng kho GPS1 với diện tích 1.400m2; Xây dựng xưởng sản xuất thiết bị y tế với diện tích trên 1.500m2; xây dựng xưởng sản xuất thuốc tân dược tiêu chuẩn EU-GMP với diện tích gần 4.000m2. |
File gốc của Quyết định 1605/QĐ-UBND năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được cập nhật.
Quyết định 1605/QĐ-UBND năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lào Cai |
Số hiệu | 1605/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Hoàng Quốc Khánh |
Ngày ban hành | 2023-06-30 |
Ngày hiệu lực | 2023-06-30 |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |