BỘ THUỶ LỢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-TL/CT | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 1968 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC ĐỘI THỦY LỢI TRONG NĂM 1968
Năm 1967, công tác xây dựng đội thủy lợi phải tiến hành trong hoàn cảnh ở nhiều nơi có chiến tranh phá hoại ác liệt hơn, nhưng nói chung các tỉnh đều cố gắng về bổ sung người, trang bị công cụ sản xuất và chỉ đạo tăng năng suất lao động, nên phong trào ở nhiều nơi đã giữ được thế ổn định và về số lượng và chất lượng của đội cũng được tăng cường hơn trước. Về công cụ sản xuất được phát triển nhiều hơn và số đội được trang bị công cụ cải tiến cũng được tăng lên, do đó năng suất lao động trên một số ít công trường và một số đội vượt được định mức 726. Việc xây dựng đội thủy lợi nâng lên trình độ tập trung và chuyên môn hóa cũng đã có một số tỉnh bước đầu tập trung được một số đội viên. Trong phong trào đó có một số tỉnh đã cố gắng vươn lên như Thái bình, Lạng sơn, Tuyên quang, v.v... ; một số tỉnh vẫn giữ được phong trào như Hải Dương, Hòa Bình, Ninh Bình, vv…Song cũng còn một số tỉnh phong trào tiến độ chậm.
Bên cạnh những tiến bộ nói trên, trong phong trào vẫn còn một số khuyết điểm và nhược điểm như có nhiều tỉnh không đạt được chỉ tiêu của Bộ về công tác xây dựng đội thủy lợi trong năm 1967, ở đồng bằng còn khoảng 20% và ở miền núi còn 78% số hợp tác xã chưa có đội. Rất nhiều tỉnh không thực hiện được chỉ tiêu đưa 2/3 số đội đăng ký phấn đấu trở thành đội lao động tiên tiến, số đội có tổ đảng hoặc chi bộ mới đạt khoảng 15% và còn 1/3 số đội không có đảng viên làm nòng cốt. Về trang bị công cụ cải tiến còn 45% số đội chưa có, do đó nhiều đội lên công trường không đạt định mức 726. Việc chấp hành chế độ, chính sách và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm nòng cốt nên số đội kém ở các tỉnh đồng bằng còn chiếm 37%. Việc sử dụng và quản lý lực lượng đội, trên công trường chưa chặt, gây nên nhiều lãng phí, làm ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động và việc củng cố tổ chức đội. Việc xây dựng đội thủy lợi nâng lên trình độ tập trung và chuyên môn hóa ở nhiều tỉnh chưa làm, nên không nắm chắc được thực lực, ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực phục vụ cho đông xuân năm 1967-1968.
Nguyên nhân của những tồn tại trên, trước hết về lãnh đạo thì ở nhiều huyện và xã chưa nhận thức được sâu sắc về yêu cầu nhân lực của thời chiến, chưa quán triệt được quan điểm lao động của đảng, nên thiếu tích cực chăm lo đến công tác xây dựng đội thủy lợi. Về chấp hành chính sách, nhất là chính sách nghĩa vụ dân công, chính sách công điểm và chính sách lương thực ở nhiều tỉnh làm chưa tốt gây nên tình trạng suy tị, thắc mắc giữa nơi làm nhiều, nơi làm ít, nơi không làm. Về tổ chức bộ máy chuyên trách, từ tỉnh đến huyện và công trường, chưa được tăng cường, nhiệm vụ chức năng chưa rõ ràng, cán bộ thiếu và yếu. Việc quản lý cán bộ chỉ huy đội, nhất là đối với cán bộ đội trưởng, chưa có chế độ, nhiều nơi còn thay đổi luôn nên không ổn định tổ chức.
Năm 1968 là năm mở đầu của kế hoạch 3 năm 1968 -1970, có một vị trí rất quan trọng, khối lượng công tác thủy lợi cũng rất lớn, đòi hỏi phải huy động hàng 50 triệu ngày công của nhân dân với điều kiện phải nâng cao năng suất lao động hơn trước thì mới hoàn thành được. Về xây dựng thì phải thực hiện tốt phương châm xây dựng các công trình “dứt điểm, đồng bộ” để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất. Mặt khác, phải đẩy mạnh việc thi hành tốt các nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ về công tác quản lý lao động, nhằm nâng cao hơn nữa năng suất lao động, tiết kiệm nhân lực, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và chiến đấu thắng lợi. Để đáp ứng được những yêu cầu này, trong hoàn cảnh năm 1968 ở miền Bắc tình hình thiên tai và chiến tranh phá hoại có thể ác liệt hơn, chúng ta cần phải ra sức phát huy mọi thành quả và khắc phục những tồn tại về công tác đội thủy lợi năm 1967, tích cực thực hiện tốt những công tác dưới đây:
1. Nhiệm vụ chung của các tỉnh đồng bằng trong năm 1968 phải tổ chức được ở mỗi hợp tác xã có một đội thủy lợi, mỗi tỉnh phải tập trung quản lý được từ 1500 đến 2000 đội viên mỗi huyện phải tập trung được từ 500 đến 1000 đội viên, mỗi đội viên phải được trang bị tối thiểu một công cụ cải tiến, cán bộ đội phải được kiện toàn và huấn luyện hết để đạt năng suất lao động bình quân từ 150% trở lên so với định mức 726. Đối với miền núi, ở vùng thấp, mỗi hợp tác xã có điều kiện phải có một đội thủy lợi, ở vùng giữa phải có 50% số hợp tác xã có điều kiện có đội thủy lợi và tổ chức được một số đội ở các huyện vùng cao, để làm thủy lợi nhỏ của địa phương và phục vụ một phần cho các công trường của Nhà nước, số đội viên lên công trường phải được trang bị đầy đủ công cụ sản xuất và có ½ số công cụ cải tiến để đạt được năng suất lao động bình quân từ 120% trở lên.
2. Để thực hiện được nhiệm vụ nói trên, trong năm 1968 ngoài những biện pháp do Bộ đề ra trước đây, các tỉnh cần phải chú trọng làm tốt những công tác cụ thể sau đây:
a) Kết hợp với công tác 3 quản làm chuyển biến thêm một bứơc về nhận thức tư tưởng cho các cấp và các hợp tác xã, từ đó mà đẩy mạnh công tác củng cố và phát triển đội thủy lợi. Đặc biệt phải làm nhanh và gọn công tác tập trung lực lượng đội ở tỉnh và huyện. Mặt khác, phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho mỗi cán bộ, nhất là cán bộ công trường, quán triệt sâu sắc về quan điểm lao động của Đảng, thực hiện tốt khâu quan lý lao động, tiết kiệm sức dân, tạo mọi điều kiện cần thiết về xây dựng lực lượng tập trung và chuyên môn hóa ở tỉnh và huyện để nắm chắc được thực lực và nâng cao được năng suất lao động.
b) Tăng cường công tác quản lý và cải tiến tổ chức lao động ngày càng hợp lý ở trên tất cả các công trường của địa phương. Muốn vậy tỉnh và huyện phải có biện pháp cụ thể chỉ đạo các công trường về các mặt tổ chức và quản lý kế hoạch lao động, kế hoạch ngày công, giờ công, theo dõi bố trí hiện trường tạo mọi điều kiện cần thiết giúp cho các đội thủy lợi tăng năng suất lao động. Ở mỗi tỉnh cần chọn một công trường chỉ đạo riêng để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
Ở huyện có nhiều công trường cũng làm như tỉnh. Khen thưởng thích đáng đối với công trường nào làm tốt công tác quản lý lao động, đồng thời có thái độ xử lý kịp thời đối với những công trường nào do thiếu trách nhiệm mà gây nên lãng phí sức lao động.
c) Thực hiện tốt công tác chính sách, nhất là chính sách nghĩa vụ dân công, chính sách công điểm, chính sách lương thực và một số chính sách khác. Các tỉnh cần chấm dứt tình trạng thi hành chính sách nghĩa vụ dân công không công bằng gây nên suy tị giữa nơi làm nhiều, nơi làm ít hoặc có nơi không làm. Đối với chính sách công điểm thì cần thi hành đúng thông tư số 1 của Liên bộ Nông nghiệp- Thủy lợi, khắc phục tình trạng có nơi giải quyết quá cao, nơi giải quyết quá thấp, về chính sách lương thực, cần đảm bảo cho đội viên lên công trường có đủ mức ăn 21kg lương thực mỗi tháng, giải quyết đúng đắn các chính sách này và thực hiện tốt một số chính sách khác tức là tạo điều kiện cho đội thủy lợi tăng năng suất lao động. Vì vậy, các tỉnh và huyện cần đi sâu kiểm tra rút kinh nghiệp chỉ đạo chặt chẽ việc chấp hành chế độ và chính sách ở trên công trường cũng như ở hợp tác xã.
d) Đẩy mạnh việc trang bị và hướng dẫn sử dụng, bảo quản tốt công cụ sản xuất. Yêu cầu đến cuối năm 1968 bình quân 2 đội viên có 3 công cụ sản xuất, trong đó số công cụ cải tiến chiếm ½. hướng trang bị công cụ sản xuất là tỉnh và huyện có trách nhiệm trang bị cho lực lượng đội thủy lợi tập trung, thích hợp với từng hiện trường và luôn cải tiến công cụ thích nghi với sức khoẻ của đội viên, nhất là đối với chị em phụ nữ để tăng năng suất lao động. Các công trường phải làm tốt công tác hướng dẫn sử dụng và quản lý tốt các loại công cụ được trang bị.
Ngoài việc Nhà nước trang bị cần làm tốt công tác động viên phong trào quần chúng tự chế tự trang để phục vụ kịp thời cho yêu cầu sản xuất.
đ) Thực hiện tốt công tác huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chỉ huy đội và xây dựng chế độ quản lý cán bộ chỉ huy đội thủy lợi. Đào tạo đội ngũ cán bộ đội giỏi vể chuyên môn, khá về quản lý lao động, tức là tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng đội thủy lợi tăng năng suất lao động. Các tỉnh cần có biện pháp cụ thể để đến cuối năm 1968 huấn luyện xong chương trình sơ cấp cho toàn bộ cán bộ đội. Đi đôi với việc tổ chức huấn luyện bồi dưỡng cán bộ cần tranh thủ bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật nghiệp vụ cho đội viên bằng hình thức tọa đàm hoặc kèm cặp trong lao động. Tỉnh cần có chỉ thị quy định cụ thể về công tác quản lý cán bộ chỉ huy đội, nhất là cán bộ đội trưởng để bảo đảm ổn định tổ chức đưa phong trào xây dựng đội thủy lợi giỏi một việc, biết nhiều việc.
e) Đẩy mạnh phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước trong các đội thủy lợi với nội dung là tăng năng suất lao động không ngừng. Hiện nay, phong trào này đang được phát huy ngày càng sâu rộng trên các mặt đăng ký phấn đấu trở thành đội thủy lợi lao động xã hội chủ nghĩa, tự trang tự chế công cụ sản xuất, kết nghĩa giúp đỡ lẫn nhau giữa các đội khá và kém,v.. đã có tác dụng tốt đến việc xây dựng đội thủy lợi có năng suất lao động cao. Các tỉnh cần nắm lấy phong trào đó mà đẩy mạnh hoàn thành các chỉ tiêu của Bộ năm 1968. Trong chỉ đạo cần làm tốt công tác bồi dưỡng chiến sĩ thi đua và anh hùng lao động, tổ lao động xã hội chủ nghĩa và tiên tiến, nhằm phát huy mọi tinh hoa tốt đẹp của phong trào để kích thích tăng năng suất lao động.
g) Kiện toàn tổ chức chuyên trách đội thủy lợi của ty và huyện, xây dựng chế độ chức trách cho tổ chức đó. Hiện nay, trong một số tĩnh đã được bố trí tương đối có đủ cán bộ làm việc, ở những nơi này phong trào xây dựng đội thủy lợi có nhiều kết quả tốt. Năm 1968 ở những tỉnh số cán bộ còn quá ít và những huyện chưa có cán bộ chuyên trách cần được kiện toàn thành một bộ phận trong phòng lao động của ty. Đồng thời, phải chuyên môn hóa bộ máy công trường và ở các công trường cần có đủ cán bộ làm công tác lao động tiền lương, xác định rõ trách nhiệm giữa hợp tác xã và công trường đối với việc tổ chức và quản lý đội thủy lợi.
Nhận được chỉ thị này, Bộ yêu cầu các ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ty, sở thủy lợi kiểm điểm liên hệ vào địa phương mình, đề ra các biện pháp cụ thể chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện. Quá trình thực hiện cần thường xuyên làm cho mọi người nhất là đối với lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh thấy được tầm quan trọng và vị trí, yêu cầu của công tác nhân lực trong năm 1968, phát huy được nhiệt tình công tác và đề cao được tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác tổ chức quản lý động viên và bồi dưỡng lực lượng lao động nhiều nhất. Ty thủy lợi phải tổ chức hướng dẫn và chủ động phối hợp với các ngành có liên quan; đồng thời từng quý có sơ kết việc thực hiện, báo cáo kết quả về đội.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |
File gốc của Chỉ thị 01-TL/CT về công tác đội thủy lợi trong năm 1968 do Bộ Thuỷ Lợi ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 01-TL/CT về công tác đội thủy lợi trong năm 1968 do Bộ Thuỷ Lợi ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Thuỷ lợi |
Số hiệu | 01-TL/CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phan Mỹ |
Ngày ban hành | 1968-01-02 |
Ngày hiệu lực | 1968-01-02 |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
Tình trạng | Đã hủy |