BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1/TTLT | Hà Nội , ngày 18 tháng 1 năm 1984 |
Thi hành Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn một số điểm cụ thể về việc quản lý và sử dụng tiền nuôi rừng như sau:
Các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, kinh tế tập thể và nhân dân được phép khai thác lâm sản, đặc sản rừng (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) đều phải nộp tiền nuôi rừng. Tiền nuôi rừng là một bộ phận thu chi của ngân sách Nhà nước, dùng vào việc bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Tiền nuôi rừng bao gồm tiền thu vào các loại lâm sản, đặc sản lấy từ rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng), tiền thu được do việc xử lý các vụ vi phạm về lâm nghiệp.
Tiền nuôi rừng thuộc tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) do Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý, sử dụng vào mục đích trồng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng và trợ cấp nhân dân trồng cây theo quy hoạch, kế hoạch và cơ cấu cây trồng đã được Nhà nước duyệt. Không sử dụng tiền nuôi rừng vào việc khác.
II. QUẢN LÝ THU, CHI TIỀN NUÔI RỪNG
A. THU TIỀN NUÔI RỪNG:
1. Kiểm lâm nhân dân là lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng; kiểm tra việc thực hiện quy trình kỹ thuật khai thác; kiểm tra sản phẩm đã khai thác của tất cả các đối tượng khai thác lâm sản, đặc sản rừng.
2. Lực lượng kiểm lâm nhân dân có nhiệm vụ trực tiếp thu tiền nuôi rừng của các tổ chức kinh tế quốc doanh (ngoài lâm trường quốc doanh), cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, kinh tế tập thể và nhân dân được phép khai thác lâm sản, đặc sản rừng.
3. Các lâm trường quốc doanh địa phương khai thác lâm sản, đặc sản rừng thuộc tỉnh nào, nộp tiền nuôi rừng cho tỉnh đó.
Các liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường quốc doanh Trung ương, các tổ chức lâm nghiệp địa phương thuộc vùng nguyên liệu giấy sợi và gỗ trụ mỏ (được ngân sách Trung ương đầu tư vốn) nộp tiền nuôi rừng vào ngân sách Trung ương. Ngân sách địa phương được hưởng tỷ lệ điều tiết bằng 10% (mười phần trăm) số thu thực tế tiền nuôi rừng.
4. Các tổ chức kinh tế quốc doanh (ngoài lâm trường quốc doanh), các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, kinh tế tập thể và nhân dân phải nộp tiền nuôi rừng ngay từ khi nhận giấy phép và thanh toán theo khối lượng lâm sản thực tế khai thác có sự kiểm tra xác nhận của cơ quan kiểm lâm nhân dân.
Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh thuộc ngành y tế, nội thương, ngoại thương được Nhà nước cho phép thu mua tại rừng các lâm sản, đặc sản rừng, phải nộp tiền nuôi rừng cho cơ quan kiểm lâm nhân dân tại địa phương có rừng trước khi vận chuyển lâm sản, đặc sản rừng ra khỏi nơi thu mua.
5. Mỗi loại lâm sản, đặc sản rừng chỉ nộp tiền nuôi rừng một lần. Khi thu tiền nuôi rừng, cơ quan kiểm lâm nhân dân phải cấp biên lai cho người nộp theo đúng chế độ quy định.
6. Các loại biên lai thu tiền nuôi rừng đều do cơ quan tài chính Nhà nước ấn hành và được quản lý theo nguyên tắc quản lý ấn chỉ thu thuế, quy định tại Thông tư số 15-ST/KT ngày 2-1-1958 của Sở thuế Trung ương. Các đơn vị nhận biên lai thu tiền nuôi rừng về dùng phải đăng ký với cơ quan tài chính cùng cấp. Hàng quý, năm các đơn vị này phải tổng hợp báo cáo quyết toán với cơ quan, cấp phát về số biên lai đã sử dụng và phải lưu trữ theo chế độ lưu trữ hiện hành.
7. Về thời gian và thủ tục nộp tiền nuôi rừng vào ngân sách Nhà nước:
a. Đối với tổ chức kiểm lâm nhân dân cứ mười (10) ngày một lần (ngày 1, ngày 11, ngày 31 trong tháng) phải:
- Lập bảng kê và nộp hết số tiền nuôi rừng đã thu được trong kỳ vào ngân sách địa phương tại Ngân hàng gần nhất.
- Mỗi tháng một lần vào ngày cuối tháng các hạt (trạm kiểm lâm nhân dân lập bảng kê tổng hợp số tiền nuôi rừng đã nộp trong tháng gửi cho Sở tài chính và Sở lâm nghiệp để báo cáo.
b. Đối với các Liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường quốc doanh mỗi tháng nộp tiền nuôi rừng hai (2) lần, lần đầu từ ngày 1 đến ngày 5 nộp từ 40 đến 50% nhiệm vụ kế hoạch tháng; lần hai từ ngày 15 đến ngày 20 trong tháng, nộp số phần trăm còn lại và được thanh toán theo thực tế vào 5 ngày đầu tháng sau.
8. Các cơ quan tài chính (Sở tài chính, chi cục hoặc phòng thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp Trung ương) và Sở lâm nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, giám đốc các liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường quốc doanh, các hạt (trạm) kiểm lâm nhân dân thu và nộp tiền nuôi rừng đúng, đủ, kịp thời theo chế độ quy định.
B. SỬ DỤNG TIỀN NUÔI RỪNG
Tiền nuôi rừng được sử dụng toàn bộ vào mục đích trồng cây gây rừng, tu bổ, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, cụ thể:
1. Đầu tư xây dựng cơ bản: Chi cho việc lập luận chứng kinh tế kỹ thuật các lâm trường, trồng rừng, chăm sóc, tỉa thưa rừng, tạo rừng giống, tu bổ rừng tự nhiên; xây dựng vườn ươm, làm đường, xây dựng kho tàng, nhà cửa... để phục vụ trực tiếp cho công tác lâm sinh; góp vốn và hỗ trợ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã được giao đất, giao rừng trong các vùng đã được quy hoạch trồng rừng tập trung nhằm cung cấp nguyên liệu cho Nhà nước; trồng rừng tại các vùng định canh định cư, các vùng kinh tế mới.
2. Chi sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng:
- Chi cho công tác điều chế rừng bao gồm công tác lâm sinh trước và sau khai thác.
- Chi quản lý rừng; Chi điều tra, quy hoạch lâm nghiệp; Chi thiết kế kinh doanh rừng, xây dựng tiểu khu rừng; Chi giao đất giao rừng, hướng dẫn nhân dân làm nương rẫy, khoanh nuôi rừng; quản lý rừng cấm, rừng thắng cảnh, vườn quốc gia, rừng phòng hộ.
- Chi phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh như làm đường ranh cản lửa, kênh cản lửa, chòi canh lửa, dự báo sâu bệnh; mua sắm dụng cụ và thuốc trừ sâu bệnh.
- Chi về thực nghiệm khoa học và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật lâm sinh.
- Chi tuyên truyền hướng dẫn nhân dân bảo vệ rừng.
- Chi duy trì lực lượng kiểm lâm nhân dân (lực lượng kiểm lâm nhân dân thuộc tỉnh quản lý thì chi bằng tiền nuôi rừng của ngân sách địa phương, lực lượng kiểm lâm nhân dân thuộc các lâm phận do Trung ương quản lý thì chi bằng tiền nuôi rừng thuộc ngân sách Trung ương) và chi phụ cấp cho người làm công tác chuyên trách quản lý rừng tại xã.
- Chi trợ cấp trồng cây nhân dân theo chế độ hiện hành.
3. Các nhu cầu chi phát triển sự nghiệp trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, xây dựng vốn rừng của các liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường quốc doanh, các đơn vị sự nghiệp lâm trường thuộc khu vực kinh tế Trung ương và các đơn vị địa phương làm nhiệm vụ trồng rừng thuộc vùng nguyên liệu giấy sợi và gỗ trụ mỏ trọng điểm (Trung ương quy định) do ngân sách Trung ương chi.
4. Việc quản lý cấp phát vốn, chi tiêu tiền nuôi rừng phải theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thông qua cơ quan tài chính và lâm nghiệp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường; các chi cục, hạt (trạm) kiểm lâm nhân dân, các đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp khác chi đúng chế độ, đúng mục đích.
C. LẬP KẾ HOẠCH THU CHI TIỀN NUÔI RỪNG VÀ KẾ HOẠCH LÂM SINH
- Từng thời kỳ kế hoạch, các liên hiệp lâm công nghiệp, các lâm trường quốc doanh, các chi cục, hạt (trạm) kiểm lâm nhân dân, các đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch về nhiệm vụ khai thác lâm sản, đặc sản rừng, nhiệm vụ trồng, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ, quản lý rừng và kế hoạch trồng cây nhân dân của đơn vị mình để lập kế hoạch thu chi tiền nuôi rừng và bảo vệ kế hoạch với Sở lâm nghiệp (nếu là đơn vị trực thuộc địa phương), bảo vệ kế hoạch với Bộ Lâm nghiệp (nếu là đơn vị trực thuộc Trung ương và các đơn vị địa phương thuộc vùng quy hoạch trồng rừng tập trung cung cấp nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ được ngân sách Trung ương đầu tư).
- Sở lâm nghiệp tổng hợp kế hoạch thu chi tiền nuôi rừng trong phạm vi địa phương, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Lâm nghiệp, đồng gửi cho Uỷ ban kế hoạch và Sở Tài chính.
- Bộ Lâm nghiệp tổng hợp kế hoạch thu chi tiền nuôi rừng toàn quốc cùng với kế hoạch kinh tế kỹ thuật trình Hội đồng Bộ trưởng và đồng gửi cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính.
- Số thu tiền nuôi rừng, chi xây dựng cơ bản trồng rừng và các nhu cầu chi tiêu khác phục vụ trực tiếp cho công tác lâm sinh nói trên được ghi thành chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước tương ứng với chỉ tiêu khối lượng và bảo đảm cân đối với kế hoạch lao động, vật tư, thiết bị.
- Trong quá trình cân đối thu chi tiền nuôi rừng, nếu địa phương nào có số thu tiền nuôi rừng ít hơn nhu cầu chi phát triển sự nghiệp trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng đã được kế hoạch Nhà nước giao, thì ngân sách Nhà nước đầu tư thêm cho đủ. Khi có nhu cầu chi theo thời vụ lớn hơn khả năng thu tiền nuôi rừng trong cùng thời kỳ thì được ngân sách ứng trước.
D. QUYẾT TOÁN THU CHI TIỀN NUÔI RỪNG
Mỗi khoản thu chi tiền nuôi rừng phải được quyết toán hàng quý, hàng năm theo chế độ báo cáo quyết toán hiện hành về kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thu nộp tiền nuôi rừng.
Hệ thống biểu báo và thời gian báo cáo do Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn sau khi được sự thoả thuận của Bộ Tài chính.
Các Sở lâm nghiệp xét duyệt và tổng hợp quyết toán của các đơn vị thuộc địa phương mình trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm kiểm tra báo cáo quyết toán của các đơn vị cơ sở, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt quyết toán tổng hợp thu, chi tiền nuôi rừng trước khi gửi liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Ngoài việc thưởng, phạt theo chế độ Nhà nước đã quy định cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp thì các đơn vị thực hiện thu chi tiền nuôi rừng nếu đem lại được hiệu quả thiết thực, tính được bằng giá trị cụ thể, thì được sử dụng một phần giá trị này để lập 3 quỹ.
1. Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh.
- Nếu hoàn thành kế hoạch trồng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm tỷ lệ cây sống theo quy định mà vẫn tiết kiệm được chi phí (so với định mức chi tiêu hoặc định mức kinh tế kỹ thuật) thì được trích 70% số tiền tiết kiệm để lập 3 quỹ.
- Những đơn vị bảo đảm được diện tích rừng khép tán đúng thời gian, có số lượng cây sống cao, bảo đảm độ đồng đều trên diện tích, tỷ lệ thành rừng vượt mức quy định và tính được bằng giá trị có xác nhận của cơ quan, nghiệm thu, được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận (nếu là đơn vị địa phương). Bộ Lâm nghiệp công nhận (nếu là đơn vị Trung ương) thì được trích từ 30% đến 50% giá trị tăng lên trên đây để lập 3 quỹ, nguồn chi cho khoản này lấy từ tiền nuôi rừng.
- Số tiền được trích thưởng trên đây được phân bổ vào 3 quỹ như sau: 60% cho quỹ khen thưởng, 20% cho quỹ phúc lợi, 20% cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất.
2. Đối với lực lượng kiểm lâm nhân dân.
Các đơn vị Kiểm lâm nhân dân có thành tích trong việc quản lý bảo vệ rừng, hoàn thành kế hoạch bảo vệ rừng và thu nộp tiền nuôi rừng (xét cả 2 chỉ tiêu bảo vệ và thu nộp tiền nuôi rừng, trong chỉ tiêu bảo vệ thì đặc biệt chú ý đến cháy rừng, chặt phá rừng) được xét khen thưởng, mức thưởng không vượt quá 3 tháng lương (lương cấp bậc bình quân và phụ cấp tạm thời theo Quyết định số 219-CP).
3. Đối với những người có công phát hiện và tham gia bắt các vụ phạm pháp về lâm nghiệp (kể cả Kiểm lâm nhân dân và chuyên quản tài chính) thì được xét thưởng theo Nghị định 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng.
Phạt các đơn vị kinh tế quốc doanh không hoàn thành kế hoạch nộp tiền nuôi rừng, hoặc nộp không đúng thời hạn... thì sẽ bị phạt giảm trừ khi trích 3 quỹ như Thông tư số 21-TC/CNA ngày 1-9-1982 của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11 tháng 1 năm 1984 thay thế cho các Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng quỹ nuôi rừng trước đây.
Để bảo đảm chuyển giao việc quản lý thu chi tiền nuôi rừng sang ngân sách được đầy đủ chính xác, các Sở lâm nghiệp và tài chính cần kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị có thu hoặc chi tiền nuôi rừng thanh quyết toán số thu chi tiền nuôi rừng của đơn vị mình năm 1983, xác định rõ số tiền nuôi rừng phải nộp, số đã nộp, số thiếu phải nộp tiếp, số thừa phải thoái trả; các khoản chi đã được cấp, số thiếu cần được cấp, đồng thời xử lý các trường hợp chiếm dụng quỹ nuôi rừng, chi tiêu bất hợp lý và báo cáo kết quả về liên bộ.
Các Sở tài chính, lâm nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh theo chức năng của mình giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện các cơ sở địa phương có vướng mắc gì phản ảnh kịp thời để liên bộ nghiên cứu giải quyết.
Hồ Ngọc Nhường (Đã ký) | Ngô Văn Bính (Đã ký) | Lê Bá Thuỷ (Đã ký) |
Từ khóa: Thông tư liên tịch 1/TTLT, Thông tư liên tịch số 1/TTLT, Thông tư liên tịch 1/TTLT của Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thông tư liên tịch số 1/TTLT của Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thông tư liên tịch 1 TTLT của Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, 1/TTLT
File gốc của Thông tư liên tich 1/TTLT năm 1984 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền nuôi rừng do Bộ Lâm nghiệp; Bộ Tài chính; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tich 1/TTLT năm 1984 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền nuôi rừng do Bộ Lâm nghiệp; Bộ Tài chính; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước |
Số hiệu | 1/TTLT |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Hồ Ngọc Nhường, Lê Bá Thuỷ, Ngô Văn Bính |
Ngày ban hành | 1984-01-18 |
Ngày hiệu lực | 1984-01-11 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |