ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2001/CT-UB | Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND; Căn cứ tình hình thực tiễn về củng cố hoàn thiện và phát triển hệ thống các QTDND trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố chỉ thị cho các cấp chính quyền Huyện, xã và các Sở, Ban, ngành chức năng của Thành phố cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1/ Quán triệt nhận thức việc xây dựng và phát triển QTDND là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn; QTDND là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng và luật hợp tác, theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần hạn chế tối đa tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
2/ UBND Thành phố yêu cầu các huyện, các ngành hữu quan phân tích, đánh giá sâu sắc những mặt được và chưa được của quá trình thí điểm thành lập quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn mình, làm rõ những nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm để đề ra biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo cho các QTDND hoạt động an toàn và đúng quy định của pháp luật. Trước mắt:
- Đối với những QTDND đang hoạt động bình thường, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng tín dụng. Khắc phục khó khăn, yếu kém, đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
- Từng bước thu hẹp dần địa bàn hoạt động của các QTDND về trong một xã hoặc thị trấn đảm bảo phù hợp với trình độ quản lý của QTDND và khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
- Xử lý thu hồi giấy phép hoạt động của các QTDND hoạt động yếu kém thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán.
- Tổ chức thanh lý, giải thể các HTXTD cũ không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo luật HTX. Việc thu hồi giấy phép và thanh lý giải thể các QTDND, HTXTD phải đảm bảo yêu cầu ổn định chính trị, xã hội, không gây đổ vỡ ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.
3/ Giao Ngân hàng Nhà nước Thành phố phối hợp với các quận, huyện và các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện đề án thanh lý giải thể các HTXTD cũ và đề án củng cố, chấn chỉnh tổ chức, hoạt động QTDND mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
4/ Giao Sở Tài chính Vật giá, Cục thuế Hà Nội nghiên cứu hướng dẫn thực hiện các văn bản của Bộ Tài chính, xây dựng chính sách thuế ưu đãi lâu dài cho các QTDND, phù hợp với tính chất hoạt động vì mục tiêu tương trợ giữa các thành viên, tạo điều kiện để củng cố, phát triển hệ thống QTDND.
5/ Giao cho Liên minh các HTX Thành phố phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Thành phố và các trung tâm đào tạo của Thành phố mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức nghiệp vụ và thị trường cho cán bộ QTDND góp phần giúp QTDND hoạt động ngày càng vững mạnh hơn.
6/ Các cấp Uỷ Đảng, chính quyền các huyện, xã, thị trấn có nhiệm vụ phê duyệt đề án, giám sát, giúp đỡ các QTDND triển khai thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh hoạt động, đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về sự phát triển an toàn, hiệu quả của QTDND trên địa bàn.
Chỉ đạo nghiêm túc việc thanh lý giải thể các HTXTD cũ không đủ điều kiện để chuyển đổi theo luật HTX, luật các TCTD và các văn bản pháp quy có liên quan.
7/ Các ngành nội chính (Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp...) có nhiệm vụ giúp các QTDND đôn đốc thu nợ, tiến hành điều tra, xét xử và thi hành án nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người gửi tiền và của QTDND.
8/ Các Hội, đoàn thể quần chúng khác như UBMT Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... cần tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục và vận động hội viên là thành viên tham gia thực hiện và giám sát việc củng cố, chấn chỉnh QTDND ở địa phương mình, giúp các QTDND hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.
UBND Thành phố yêu cầu các ngành: Ngân hàng, Tài chính, Công an, Tư pháp, UBND các Huyện, xã, các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể quần chúng và đề nghị Viện kiểm sát, Toà án các cấp trong phạm vi chức trách của mình có những hướng dẫn cụ thể để chỉ đạo thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về UBND Thành phố ./.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
File gốc của Chỉ thị 25/2001/CT-UB về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 25/2001/CT-UB về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Số hiệu | 25/2001/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phan Văn Vượng |
Ngày ban hành | 2001-07-26 |
Ngày hiệu lực | 2001-07-26 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Còn hiệu lực |