NGÂN HÀNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1034/NHCS-TD | Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2008 |
NGHIỆP VỤ CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH ĐI LAO ĐỘNG CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
Nghiệp vụ cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài
- Căn cứ Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê chuẩn Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Căn cứ Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:
1. Người vay vốn tại NHCSXH:
- Trường hợp cho vay thông qua hộ gia đình: Chủ hộ là người đại diện hộ gia đình trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH, là cha hoặc mẹ hoặc người đại diện cho gia đình nhưng đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) được Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã sở tại xác nhận.
- Trường hợp người lao động là độc thân: thì người lao động trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH.
2. Bên tuyển dụng, gồm:
2.1. Các Doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và đại diện được Doanh nghiệp này uỷ quyền tuyển dụng lao động đi nước ngoài.
2.2. Người sử dụng lao động ở nước ngoài.
3. Người lao động: Người được tuyển dụng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
4. Hợp đồng lao động: Hợp đồng chính thức giữa Bên tuyển dụng và người lao động về việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
5. Đối tượng khách hàng được vay vốn:
Các đối tượng chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, gồm:
5.1. Vợ (chồng), con của liệt sỹ;
5.2. Thương binh (kể cả thương binh loại B được xác nhận từ 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động); người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động 21% trở lên (gọi chung là thương binh);
5.3. Vợ (chồng), con của thương binh;
5.4. Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được thưởng huân, huy chương kháng chiến; con của cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945;
5.5. Người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của Pháp luật.
6. Nơi cư trú hợp pháp của người vay vốn là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người vay vốn theo quy định thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống được UBND xã xác nhận trên Giấy đề nghị vay vốn.
7. Điều kiện vay vốn:
Người vay phải có đủ các điều kiện sau:
7.1. Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi NHCSXH cho vay.
7.2. Có xác nhận của UBND cấp xã nơi người vay cư trú về việc người vay thuộc đối tượng chính sách. Trường hợp, đối tượng chính sách không thuộc UBND cấp xã quản lý thì người vay có thể xuất trình giấy tờ để chứng minh (như thẻ thương binh, giấy chứng nhận,...) để UBND có cơ sở xác nhận.
7.3. Được Bên tuyển dụng chính thức tiếp nhận đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
8. Mức vốn cho vay:
Mức cho vay cụ thể đối với từng người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn của người vay để chi phí đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tuyển dụng, khả năng trả nợ của người vay và khả năng nguồn vốn của NHCSXH, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa do Hội đồng quản trị NHCSXH quy định từng thời kỳ.
(Hiện nay, Hội đồng quản trị NHCSXH quy định mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng/người đi lao động ở nước ngoài).
9. Thời hạn cho vay:
Việc xác định thời hạn cho vay được căn cứ vào: Thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo Hợp đồng tuyển dụng và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không qúa thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động.
10. Vốn vay được sử dụng vào việc:
Vốn vay được sử dụng vào việc: chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động đã ký giữa Bên tuyển dụng và người lao động, gồm:
- Phí đào tạo.
- Phí tư vấn hợp đồng.
- Phí đặt cọc.
- Vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước mà người lao động tới làm việc.
- Chi phí cần thiết khác tại Hợp đồng lao động.
11. Lãi suất cho vay:
11.1. Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ.
(Hiện nay, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo được Thủ tướng Chính phủ công bố là 0,65%/tháng).
11.2. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
12. Phương thức cho vay:
- Người vay (bao gồm cả cho vay thông qua hộ gia đình và cho vay trực tiếp người lao động là độc thân) không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn (xóm), ấp, bản, buôn (gọi chung là thôn) nơi hộ gia đình đang sinh sống, được Tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH gửi UBND cấp xã xác nhận.
- Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiện hành của NHCSXH.
II. THỦ TỤC, QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ CHO VAY:
1. Hồ sơ vay vốn, gồm: (các mẫu biểu cho vay được sử dụng chung mẫu biểu của chương trình cho vay hộ nghèo)
1.1. Giấy đề nghị vay vốn kiêm khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD).
1.2. Hợp đồng lao động đã ký giữa người lao động với bên tuyển dụng.
Trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động cá nhân do người lao động trực tiếp ký kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài thì Hợp đồng lao động cá nhân phải được chứng nhận đã đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú.
Trong khi chưa có Hợp đồng lao động, NHCSXH căn cứ vào thông báo hoặc giấy xác nhận của bên tuyển dụng về việc người lao động được tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để xem xét và làm các thủ tục cho vay. Tiền vay chỉ được phát ra khi NHCSXH nhận được bản gốc Hợp đồng lao động.
1.3. Biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD).
1.4. Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) có xác nhận của UBND cấp xã về việc người lao động thuộc đối tượng chính sách.
1.5. Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD).
2. Quy trình cho vay:
2.1. Người vay viết Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/TD), gửi Tổ TK&VV tại nơi sinh sống.
2.2. Tổ TK&VV nhận được hồ sơ xin vay của người vay, tiến hành họp Tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên Giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu với đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ. Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì Tổ TK&VV tại thôn đang hoạt động hiện nay tổ chức kết nạp thành viên bổ sung hoặc thành lập Tổ mới nếu đủ điều kiện. Nếu chỉ có từ 1 đến 4 người vay mới thì kết nạp bổ sung vào Tổ cũ kể cả Tổ đã có 50 thành viên. Sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) trình UBND cấp xã xác nhận.
2.3. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, Tổ TK&VV gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho NHCSXH để làm thủ tục phê duyệt cho vay.
2.4. NHCSXH nhận được hồ sơ do Tổ TK&VV gửi đến, cán bộ NHCSXH được Giám đốc phân công thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ vay vốn, trình Trưởng phòng tín dụng (Tổ trưởng tổ tín dụng) và Giám đốc phê duyệt cho vay. Sau khi phê duyệt, NHCSXH lập thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã.
2.5. UBND cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ thác cho vay) và Tổ TK&VV để thông báo cho người vay đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở NHCSXH nơi cho vay để thực hiện các thủ tục nhận tiền vay theo quy định.
3. Tổ chức giải ngân:
Tiền vay được chuyển trả thẳng cho Bên tuyển dụng. Khi nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay, người vay đến trụ sở NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục chuyển tiền vay trả thẳng cho Bên tuyển dụng theo Hợp đồng tuyển dụng.
Trường hợp bên tuyển dụng có đề nghị bằng văn bản, thì NHCSXH có thể phát tiền vay trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch quy định. Nếu người vay không trực tiếp đến nhận tiền vay được uỷ quyền cho thành viên trong hộ lĩnh tiền nhưng phải có giấy uỷ quyền có xác nhận của UBND cấp xã.
Mỗi lần giải ngân, cán bộ Ngân hàng ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký xác nhận tiền vay theo quy định.
4. Định kỳ hạn trả nợ, thu nợ, thu lãi tiền vay:
4.1. Định kỳ hạn trả nợ:
NHCSXH và người vay thoả thuận về việc định kỳ hạn trả gốc 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần và lãi tiền vay trả theo định kỳ hàng tháng hoặc quý được ghi vào khế ước nhận nợ. Trường hợp Doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài quản lý được thu nhập của người lao động do Bên nước ngoài trả thì NHCSXH, người lao động và Doanh nghiệp Việt Nam có thể thoả thuận việc Doanh nghiệp Việt Nam trả nợ trực tiếp cho NHCSXH từ thu nhập của người lao động.
4.2. Thu nợ gốc, thu lãi
a. Việc thu nợ gốc, thu lãi được thực hiện theo định kỳ trả nợ gốc, lãi đã thoả thuận trong Khế ước nhận nợ. Trường hợp người vay trả nợ vay bằng Đô la Mỹ thì NHCSXH chuyển đổi theo tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm trả nợ.
b. Trường hợp người vay có khó khăn chưa trả được nợ gốc theo đúng kỳ hạn trả nợ thì được theo dõi vào kỳ hạn trả nợ tiếp theo.
c. Đối với các khoản nợ quá hạn, thu nợ gốc đến đâu thì thu lãi đến đó; trường hợp người vay thực sự khó khăn có thể ưu tiên thu gốc trước, thu lãi sau.
5. Gia hạn nợ:
- Đến thời điểm trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ.
- Thủ tục gia hạn nợ: người vay viết Giấy đề nghị gia hạn nợ (theo mẫu số 09/TD) gửi NHCSXH nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ.
- Thời gian cho gia hạn nợ: người vay có thể được gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay nhưng thời gian gia hạn nợ đối với cho vay ngắn hạn tối đa bằng thời hạn đã cho vay, đối với cho vay trung hạn và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn đã cho vay.
6. Chuyển nợ quá hạn:
6.1. Việc chuyển nợ quá hạn được thực hiện trong các trường hợp sau:
a. Các trường hợp người vay sử dụng vốn vay sai mục đích, NHCSXH nơi cho vay thực hiện thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển sang nợ quá hạn toàn bộ số dư nợ gốc.
b. Đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, người vay không trả được nợ, NHCSXH không chấp thuận cho gia hạn nợ thì chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn.
6.2. Sau khi chuyển nợ quá hạn, ngân hàng nơi cho vay phối hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV có biện pháp tích cực thu hồi nợ. Trường hợp, người vay có khả năng trả nợ nhưng không trả thì xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để xử lý thu hồi vốn theo quy định của pháp luật.
7. Kiểm tra sử dụng vốn vay:
7.1. Tổ TK&VV
- Khi nhận hồ sơ vay vốn từ người vay, Tổ TK&VV có nhiệm vụ kiểm tra điều kiện vay vốn của người vay để xác định đúng đối tượng được vay.
- Thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đôn đốc người vay trong Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn cam kết; chứng kiến và giám sát các buổi giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi.
- Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội bàn bạc thống nhất ý kiến đề xuất xử lý các khoản nợ bị rủi ro trình UBND cấp xã xác nhận.
7.2. Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã
- Chỉ đạo và tham gia cùng Tổ TK&VV tổ chức họp Tổ để bình xét công khai người vay có nhu cầu xin vay vốn và đủ điều kiện vay đưa vào Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD).
- Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay theo hình thức đối chiếu công khai (mẫu số 06/TD) và thông báo kịp thời cho Ngân hàng nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, vay ké, bỏ trốn, chết, mất tích, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để có biện pháp xử lý kịp thời. Kết hợp với Tổ TK&VV và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn và hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan (nếu có).
- Chỉ đạo và giám sát Ban quản lý Tổ TK&VV trong việc thực hiện hợp đồng ủy nhiệm đã ký với NHCSXH.
7.3. NHCSXH
- Thực hiện kiểm tra đối chiếu danh sách đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) với danh sách thành viên Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD). Kiểm tra tính pháp lý của bộ hồ sơ xin vay theo quy định.
- Định kỳ hoặc đột xuất, Lãnh đạo NHCSXH mời các thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, của người vay và của tổ choc hội cấp dưới trong việc chấp hành chính sách tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay của người vay.
- Chủ động tổ chức giao ban định kỳ tại các điểm giao dịch tại xã để trao đổi về kết quả uỷ thác, tồn tại vướng mắc, bàn giải pháp và kiến nghị xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị rủi ro, nợ bị xâm tiêu (nếu có).
8. Xử lý nợ bị rủi ro:
8.1. Việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống NHCSXH. Hiện nay, việc xử lý nợ bị rủi ro được thực hiện theo Quyết định số 55/QĐ-HĐQT ngày 24/02/2006 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH.
8.2. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
9. Lưu giữ hồ sơ vay vốn:
Toàn bộ hồ sơ cho vay được lưu giữ tại bộ phận kế toán NHCSXH nơi cho vay.
1. Chế độ báo cáo thống kê:
1.1. Ngày 7 hàng tháng, chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh gửi báo cáo kết quả cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo mẫu biểu số 02.4A/BCTD đính kèm văn bản số 942/NHCS-TD ngày 31/5/2007 “Về việc bổ sung, sửa đổi chế độ thông tin báo cáo tín dụng” và theo văn bản hướng dẫn cập nhật chương trình thông tin báo cáo tín dụng hiện hành.
1.2. Mẫu biểu số 05A “Báo cáo phân loại dư nợ cho vay theo đơn vị ủy thác bổ sung thêm chỉ tiêu “cho vay các đối tượng chính sách đi lao động ở nước ngoài”: Cột (21, 22), trong đó cột 21 “Số tiền” và cột 22 “Trong đó nợ quá hạn”.
Để đảm bảo tính chính xác của các báo cáo tự động trên máy, yêu cầu ngân hàng nơi cho vay thực hiện điền đủ những thông tin: Mã Tổ trưởng và mã Đơn vị nhận ủy thác đối với những món vay mới. Những Khế ước (hoặc Hợp đồng tín dụng) hiện đang dư nợ, sau khi hoàn tất thủ tục gia nhập Tổ TK&VV cũng cần bổ sung những thông tin trên, Trung Tâm Công nghệ Thông tin có trách nhiệm bổ sung, sửa đổi chương trình thông tin báo cáo cho phù hợp.
2. Đối với số dư nợ cũ theo những Hợp đồng tín dụng, Khế ước nhận nợ đã ký giữa người vay với NHCSXH trước đây thực hiện theo phương thức cho vay và quản lý trực tiếp đến người vay, nay cũng được chuyển giao theo phương thức ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội quản lý và đôn đốc thu hồi nợ theo quy định hiện hành. Giám đốc NHCSXH nơi cho vay sao kê dư nợ cho vay xuất khẩu lao động theo thôn (xóm), bản, buôn, ấp thông báo cho các Hội đoàn thể cấp xã để làm cơ sở tiến hành sát nhập người vay vào Tổ TK&VV nơi họ đang sinh sống.
Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã vận động người vay gia nhập Tổ TK&VV đang hoạt động tại nơi sinh sống và thực thi quy ước hoạt động của Tổ đã đề ra. Tổ TK&VV kết nạp bổ sung thành viên đang có dư nợ thuộc Chương trình cho vay xuất khẩu lao động (Tổ không lập danh sách 03/TD đối với các trường hợp này).
3. Việc trả phí ủy thác cho tổ chức chính trị - xã hội và hoa hồng cho Tổ TK&VV được thực hiện theo quy định hiện hành. Để triển khai chương trình cho vay này được tốt, chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở và Ban quản lý Tổ TK&VV về quy chế nghiệp vụ cho vay đối với các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
4. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2008 và thay thế văn bản số 319/NHCS-KH ngày 02/5/2003 của Tổng giám đốc NHCSXH, các quy định có nội dung liên quan đến nghiệp vụ cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trái với văn bản này đều hết hiệu lực thi hành.
Việc bổ sung, sửa đổi văn bản này do Tổng giám đốc NHCSXH quyết định.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
(Do bên tuyển dụng lập)
CÔNG TY:…………………… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY XÁC NHẬN TUYỂN DỤNG NGƯỜI ĐI LAO ĐỘNG CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
Công ty: ………………………………………………………………………xác nhận
Ông (bà):…………………………………………………….............………………….
CMND số:…………………. Do CA…………………............… cấp ngày…/…/……
Hộ khẩu thường trú tại: ………………………………………………………………..
Đã được Công ty tuyển dụng đi lao động có thời hạn tại……..............………………..
Thời hạn:………….................................................................................……năm..........
Ông (Bà):……………………………………….………...….phải nộp các chi phí sau:
…………………………………………………………………….……………………
…………………………………………………………………….……………………
…………………………………………………………………………….……………
………………………………………………………………………………….………
……………………………………………………………………………….…………
………………………………………………………………………….………………
………………………………………………………………………….………………
………………………………………………………………………………….………
Công ty chúng tôi xác nhận để Ngân hàng ……………………………………….……
xem xét cho vay.
Ngày…....tháng.…....năm…..
Chữ ký của người lao động | GIÁM ĐỐC CÔNG TY |
File gốc của Hướng dẫn 1034/NHCS-TD năm 2008 về nghiệp vụ cho vay đối với đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành đang được cập nhật.
Hướng dẫn 1034/NHCS-TD năm 2008 về nghiệp vụ cho vay đối với đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Chính sách Xã hội |
Số hiệu | 1034/NHCS-TD |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Người ký | Nguyễn Văn Lý |
Ngày ban hành | 2008-04-21 |
Ngày hiệu lực | 2008-04-21 |
Lĩnh vực | Tài chính - Ngân hàng |
Tình trạng | Hết hiệu lực |