ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1299/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 31 tháng 10 năm 2022 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ SẢN PHẨM ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 27/5/2019 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định về quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Căn cứ Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 25/8/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 259/TTr-SNN ngày 19/10/2022),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUẢN LÝ SẢN PHẨM ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1299/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Phú Yên)
Quy chế này nhằm triển khai thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP sau khi công nhận và thống nhất việc quản lý sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên. Đồng thời để quảng bá, giới thiệu, bảo vệ uy tín, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP trên thị trường.
Quy chế này quy định việc quản lý sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, còn thời hạn theo quy định trên địa bàn tỉnh Phú Yên. (gọi tắt là sản phẩm OCOP).
Quy chế này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được công nhận là sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, còn thời hạn theo quy định trên địa bàn tỉnh Phú Yên. (gọi tắt là Chủ thể OCOP); cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia Chương trình OCOP tỉnh Phú Yên.
Điều 4. Xây dựng và công bố quy trình sản xuất.
1. Các Chủ thể OCOP xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định hiện hành.
2. Quy trình sản xuất được xây dựng từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và xuất bán ra thị trường; từng công đoạn được mô tả chi tiết, cụ thể các nội dung, yêu cầu bắt buộc thực hiện để có kết quả đầu ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất; thiết lập hồ sơ ghi chép đầy đủ, chính xác từng lô hàng sản xuất và có phương án xử lý khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
3. Chủ thể OCOP phải niêm yết công khai quy trình sản xuất tại vị trí dễ quan sát ở cơ sở sản xuất để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thuận lợi kiểm tra, giám sát.
Điều 5. Quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất.
1. Nguyên liệu sản xuất đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quy định.
2. Chủ thể OCOP sản xuất sản phẩm OCOP có trách nhiệm quản lý nguyên liệu sản xuất đầu vào bằng việc thiết lập hệ thống sổ sách theo dõi, hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu (hợp đồng, hóa đơn, phiếu nhập kho, ...).
3. Theo dõi, đánh giá chất lượng nguyên liệu sản xuất sản phẩm, hàng hóa.
4. Phân loại và sơ chế nguyên liệu sản xuất đảm bảo nguyên liệu theo đúng quy trình sản xuất đã công bố đạt chất lượng cao nhất.
Điều 6. Kiểm soát quá trình sản xuất.
Chủ thể OCOP sản xuất sản phẩm OCOP thực hiện:
1. Kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Áp dụng và duy trì chính sách chất lượng mà Chủ thể OCOP đã công bố.
3. Tăng cường tự kiểm soát, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm.
4. Vận hành chương trình giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.
5. Quy trình quản lý đảm bảo thiết bị sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quy định, nhằm đảm bảo tối đa chất lượng sản phẩm OCOP.
6. Kiểm soát chất lượng nguyên liệu, chất lượng vật tư, chất lượng bao bì chứa đựng sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo và duy trì ổn định chất lượng sản phẩm.
7. Định kỳ theo kế hoạch kiểm soát chất lượng quy định tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP nội bộ theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
8. Vận hành công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải. Tự kiểm soát và giám sát chất lượng môi trường theo quy định.
Điều 7. Quản lý chất lượng sản phẩm.
1. Chủ thể OCOP có hệ thống kho bảo quản sản phẩm OCOP bảo quản nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên; có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
2. Sản phẩm OCOP trước khi đưa lưu thông trên thị trường phải phù hợp với chất lượng Chủ thể OCOP đã tự công bố hoặc tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định, được dán tem OCOP đúng quy định.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm OCOP theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định về quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên và các quy định hiện hành.
Điều 8. Thực hiện truy xuất nguồn gốc.
1. Khi xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng, Chủ thể OCOP, báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng về nguồn gốc lô sản phẩm đó, phối hợp xác định rõ nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời, đảm bảo tránh gây hậu quả nghiêm trọng, những tổn thất không đáng có về sức khỏe, tính mạng và những thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng.
2. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Tem sản phẩm OCOP và điều kiện sử dụng.
1. Tem OCOP là tem có gắn biểu trưng logo OCOP Việt Nam đúng tiêu chuẩn, có in số lượng sao được chứng nhận, có thể tích hợp QR-code tích hợp cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc để nhận diện được sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP.
2. Tem OCOP sử dụng cho sản phẩm được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 03 (ba) sao, 04 (bốn) sao hoặc được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đạt 5 sao theo quy định và trong thời hạn còn hiệu lực 36 tháng kể từ khi ban hành quyết định công nhận.
3. Tem OCOP được đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhìn, dễ đọc trên nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm OCOP.
4. Đảm bảo các sản phẩm OCOP được gắn tem OCOP đúng với sản phẩm theo hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá, công nhận (gồm các yêu cầu về logo, nhãn bao bì, trọng lượng tịnh hoặc thể tích thực, các tiêu chuẩn sản phẩm, chất lượng,...). Trường hợp có thay đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp bao bì, nâng cấp hình thức tổ chức sản xuất, thay đổi thông tin về sản phẩm,... Chủ thể OCOP thực hiện đăng ký bổ sung và được cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh chấp nhận bằng văn bản.
Điều 10. Quy trình cấp tem OCOP.
1. Sản phẩm sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ được phân bổ số lượng 1.000 tem/sản phẩm và được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp.
2. Hàng năm, căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh Chủ thể OCOP đăng ký số lượng tem để dán lên sản phẩm OCOP với UBND cấp huyện kiểm tra, tổng hợp gửi văn bản đề xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT. Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, kiểm tra (nếu cần thiết) để cấp tem cho Chủ thể OCOP.
Điều 11. Quản lý việc sử dụng tem OCOP.
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý việc quản lý, sử dụng tem chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện các Chủ thể OCOP, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị cấp thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ tối đa không quá 06 (sáu) tháng hoặc thu hồi quyền sử dụng tem OCOP theo quy định.
THU HỒI CHỨNG NHẬN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP.
Đối với các sản phẩm OCOP, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét và kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi chứng nhận khi vi phạm một trong các nội dung sau:
1. Không sử dụng đúng nguồn nguyên liệu tại địa phương, không thực hiện liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu và không thực hiện đúng Quy trình sản xuất đã công bố.
2. Sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Sản xuất, mua bán sản phẩm OCOP đã hết hạn sử dụng, đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm lưu thông.
4. Sản xuất, mua bán, trao đổi, tiếp thị sản phẩm OCOP không bảo đảm các tiêu chuẩn đã công bố hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP.
5. Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm OCOP, không xuất trình được hồ sơ lưu quá trình sản xuất khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
6. Sản phẩm cung cấp ra thị trường có dán tem OCOP nhưng không đúng với chất lượng của sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và công nhận.
7. Sử dụng tem OCOP không đúng quy định, cụ thể:
a) Sử dụng cho các sản phẩm không tham gia Chương trình OCOP hoặc sản phẩm chưa tham gia đánh giá, phân hạng.
b) Sử dụng cho các sản phẩm không tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.
c) Sử dụng cho các sản phẩm không đúng với loại sản phẩm, mẫu sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, trừ trường hợp cải tiến mẫu mã, nhãn mác đã có xác nhận phù hợp của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh.
Chủ thể sản phẩm OCOP vi phạm các quy định tại Quy chế này sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định hiện hành.
Sản phẩm OCOP ngoài xử lý vi phạm quy định tại Quy chế này, còn bị xử lý vi phạm quy định như các sản phẩm, hàng hóa thông thường khác.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan chức năng.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Là cơ quan thường trực, đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Quy chế này.
b) Hàng năm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức làm việc, kiểm tra các Chủ thể OCOP; kiểm tra công tác chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp huyện đối với cơ sở về thực hiện quy trình sản xuất (phát hiện những khó khăn, vướng mắc,…) kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy chế này tại các địa phương, cơ sở. Trường hợp các sở, ngành trong lĩnh vực được giao tiến hành kiểm tra phát hiện những sản phẩm OCOP thực hiện không đảm bảo quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, thu hồi giấy chứng nhận đạt chuẩn đối với Chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
d) Tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng các sản phẩm OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp quy định tại Điều 4 Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh Phú Yên và các quy định hiện hành.
e) Hướng dẫn các địa phương, chủ thể OCOP triển khai thực hiện các tiêu chí có liên quan về an toàn thực phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp. Hướng dẫn Chủ thể OCOP lập hồ sơ công bố chất lượng theo quy định đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp.
2. Sở Y tế:
a) Tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.
b) Hướng dẫn Chủ thể OCOP lập hồ sơ công bố chất lượng theo quy định.
c) Hướng dẫn các địa phương, các Chủ thể OCOP hoàn thiện hồ sơ phân hạng sản phẩm OCOP, triển khai thực hiện các tiêu chí có liên quan để phát triển sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền; nhóm mỹ phẩm; nhóm trang thiết bị, dụng cụ y tế; nhóm thảo dược khác; nhóm nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết.
d) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các Chủ thể OCOP, các tổ chức, cá nhân có liên quan và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm trên lĩnh vực được giao.
3. Sở Công Thương:
a) Tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 12/2020/QĐ- UBND ngày 03/6/2020 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.
b) Hướng dẫn các địa phương, các chủ thể OCOP triển khai thực hiện các tiêu chí có liên quan về an toàn thực phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương. Hướng dẫn Chủ thể OCOP lập hồ sơ công bố chất lượng theo quy định đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương.
c) Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, diễn đàn,… trong và ngoài tỉnh.
d) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các Chủ thể OCOP, các tổ chức, cá nhân có liên quan và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm trên lĩnh vực được giao.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản phẩm OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành đối với nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
b) Hướng dẫn các Chủ thể OCOP hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm, triển khai thực hiện các tiêu chí có liên quan để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
c) Phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các Chủ thể OCOP, các tổ chức, cá nhân có liên quan và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm trên lĩnh vực được giao.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Thực hiện định kỳ lấy mẫu hàng hóa lưu thông để khảo sát chất lượng các sản phẩm OCOP; tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo quy định, logo, nhãn mác hàng hóa sản phẩm OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành.
- Hướng dẫn các địa phương, các Chủ thể OCOP lập hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo quy định, logo, nhãn mác hàng hóa,... theo quy định.
- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các Chủ thể OCOP, các tổ chức, cá nhân có liên quan và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm trên lĩnh vực được giao.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý về bảo vệ môi trường cho các Chủ thể OCOP.
- Hướng dẫn các địa phương, các Chủ thể OCOP lập hồ sơ về tiêu chí môi trường theo quy định.
7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy chế này.
8. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các Chủ thể OCOP thực hiện nghiêm túc quy chế này.
- Kiểm tra việc thực hiện quy chế của các Chủ thể OCOP; báo cáo định kỳ (cuối năm) hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình quản lý sản phẩm OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Điều 15. Đối với Chủ thể sản phẩm OCOP.
1. Đảm bảo điều kiện cần thiết: Nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ sở sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và theo quy định.
2. Thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan kiểm tra, giám sát và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và biện pháp xử lý của các cơ quan kiểm tra, giám sát.
4. Thực hiện công bố lại khi có thay đổi về nhãn mác, định lượng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
5. Thực hiện các nội dung nêu tại Quy chế này và báo cáo cơ quan kiểm tra, giám sát khi được yêu cầu.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia Chương trình OCOP tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện những nội dung cần bổ sung, sửa đổi, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
File gốc của Quyết định 1299/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc Ban hành quy chế quản lý sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên đang được cập nhật.
Quyết định 1299/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc Ban hành quy chế quản lý sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Số hiệu | 1299/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Lê Tấn Hổ |
Ngày ban hành | 2022-10-31 |
Ngày hiệu lực | 2022-10-31 |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |