CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/2004/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2004 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) và doanh nghiệp nhà nước.
Điều 2. Chức năng của tổ chức pháp chế
1. Tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thực hiện những công tác khác được giao.
2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước có chức năng giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý và những vấn đề khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Trong công tác xây dựng pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật;
b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
c) Thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề nghị tổ chức, cơ quan góp ý kiến, đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.
2. Trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
b) Trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
3. Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;
b) Báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
4. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong ngành, lĩnh vực được giao; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực;
c) Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành.
5. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế ở Tổng cục, Cục và doanh nghiệp nhà nước mà Bộ, cơ quan ngang Bộ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các cơ quan thuộc Chính phủ
1. Trong công tác xây dựng pháp luật:
a) Tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực có trách nhiệm:
Dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của cơ quan trình Thủ trưởng cơ quan;
Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan;
Thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi Thủ trưởng cơ quan đề nghị tổ chức, cơ quan khác góp ý kiến, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ trì hoặc tham gia với các đơn vị liên quan trong việc giúp Thủ trưởng cơ quan góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.
b) Tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp có trách nhiệm chủ trì, tham gia với các đơn vị liên quan trong việc giúp Thủ trưởng cơ quan góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.
2. Trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, hoạt động của cơ quan;
b) Trình Thủ trưởng cơ quan phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
3. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Phối hợp với Thanh tra cơ quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại cơ quan; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực;
c) Tham gia ý kiến về xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành.
4. Giúp Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước mà cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ bannhân dân cấp tỉnh
1. Trong công tác xây dựng pháp luật:
a) Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc đề xuất, kiến nghị với Uỷ bannhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương;
b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan;
c) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan;
d) Giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn chuẩn bị văn bản góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến;
đ) Giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn chuẩn bị các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành ở địa phương.
3. Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:
a) Giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;
b) Chuẩn bị báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để Thủ trưởng cơ quan chuyên môn báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và gửi Giám đốc Sở Tư pháp.
4. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:
a) Chủ trì hoặc tham gia với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Phối hợp với Thanh tra cơ quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan;
c) Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan chuyên môn giao.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước
1. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
2. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho cán bộ, người lao động; phối hợp với phòng, ban và tổ chức đoàn thể kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm.
4. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chuẩn bị ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước gửi xin ý kiến; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
5. Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo hợp đồng kinh tế, văn bản do các đơn vị khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao.
Điều 7. Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế. Việc thành lập, giải thể Vụ Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Trong trường hợp cần thiết, đối với một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có đặc thù riêng, mô hình tổ chức pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Vụ Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
3. Các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có thể có tổ chức pháp chế chuyên trách. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của pháp chế ở Tổng cục, Cục do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định.
Điều 8. Tổ chức pháp chế các cơ quan thuộc Chính phủ
1. Các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực có Vụ Pháp chế.
Trong trường hợp cần thiết, đối với một số cơ quan thuộc Chính phủ có đặc thù riêng, mô hình tổ chức pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế của mình, các cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp thành lập Phòng Pháp chế hoặc có hình thức tổ chức pháp chế khác phù hợp.
3. Việc thành lập, giải thể tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
Điều 9. Tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
1. Cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu công tác pháp chế của cơ quan có Phòng Pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách.
2. Việc thành lập Phòng Pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn.
3. Phòng Pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp.
Điều 10. Tổ chức pháp chế doanh nghiệp nhà nước
Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc thuê cố vấn pháp lý.
Điều 11. Chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức pháp chế
1. Công chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải là công chức từ ngạch chuyên viên trở lên, có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành, có kiến thức pháp lý, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2. Người đứng đầu tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được bổ nhiệm sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm làm công tác pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước.
2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác pháp chế;
b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác pháp chế;
c) Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế;
d) Phối hợp với các Bộ, ngành sơ kết, tổng kết công tác pháp chế và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác pháp chế;
đ) Phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:
a) Xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
ưb) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
c) Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức pháp chế; bố trí công chức pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn;
d) Bảo đảm biên chế và kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế;
đ) Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Uỷ bannhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn;
b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn;
c) Bảo đảm biên chế và kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn;
d) Sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm:
a) Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp;
b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở doanh nghiệp;
c) Bố trí cán bộ và bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp;
d) Sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở doanh nghiệp và báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
File gốc của Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước đang được cập nhật.
Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 122/2004/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Người ký | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành | 2004-05-18 |
Ngày hiệu lực | 2004-06-10 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |