UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1060/THKH | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1991 |
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã được các Đại hội VI và VII đề ra, Nghị quyết 26 -NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) về khoa học và công nghệ trong quá trình đổi mới và Quyết định 246-CT ngày 8 tháng 8 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt danh mục các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995, Uỷ ban Khoa học Nhà nước hướng dẫn những nguyên tắc chủ yếu trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995 (sau đây gọi tắt là Chương trình) như sau:
1.1. Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước là hệ thống đồng bộ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và các biện pháp thực hiện để giải quyết những mục tiêu và nội dung khoa học và công nghệ quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và xã hội, đối với việc nâng cao trình độ công nghệ của những ngành sản xuất và sản phẩm quan trọng nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế quốc dân trên cơ sở áp dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ của chương trình tạo ra.
Thành phần của một chương trình bao gồm những đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là đề tài) hướng vào thực hiện mục tiêu của chương trình, và các dự án sản xuất thử - thử nghiệm (sau đây gọi tắt là dự án) để áp dụng thử trong thực tế những kết quả của chương trình tạo ra.
Nội dung, kết cấu các đề tài và các dự án trong một chương trình phụ thuộc vào tính chất của từng loại chương trình.
Thí dụ:
- Chương trình về khoa học xã hội, về điều tra tài nguyên và điều kiện thiên nhiên... chủ yếu gồm các đề tài nghiên cứu khoa học;
- Chương trình về các lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ , nông nghiệp, y dược...: gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các dự án sản xuất thử - thử nghiệm.
Đề tài nghiên cứu khoa học hoặc đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể, bao gồm công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu luận cứ khoa học và đề xuất chính sách trong từng lĩnh vực cụ thể, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, soạn thảo tài liệu thiết kế và qui trình công nghệ, chế tạo và thử nghiệm để tạo ra một hoặc một số nhất định sản phẩm khoa học và công nghệ thuộc một lĩnh vực cụ thể.
Dự án sản xuất thử - thử nghiệm là nhiệm vụ triển khai áp dụng thử kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tế sản xuất và đời sống, bao gồm công tác hoàn thiện công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích nghi với điều kiện tài nguyên, lao động, môi trường và điều kiện sản xuất cụ thể để sản xuất thử một khối lượng sản phẩm hoặc thử nghiệm áp dụng một phương pháp hoặc một giải pháp kỹ thuật từ kết quả nghiên cứu của đề tài với qui mô nhỏ hoặc trung bình, nhằm tham gia đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội trong khoảng thời gian xác định. Điều kiện quan trọng để dự án được thực hiện là phải có thị trường và tiêu thụ được sản phẩm của dự án tạo ra. Mục tiêu và nội dung của dự án cũng có thể hướng vào chuyển giao công nghệ để tạo ra công nghệ mới và sản xuất thử một khối lượng nhất định sản phẩm mới. Dự án sản xuất thử - thử nghiệm có chức năng làm cầu nối giữa nghiên cứu - phát triển và sản xuất, đời sống xã hội.
1.2. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nói trên, cần huy động tối đa các cán bộ khoa học và kỹ thuật, các cấp, các ngành, các tổ chức, các thành phần kinh tế, các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có nhằm nhanh chóng tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ mới, áp dụng kết quả vào thực tế và nâng cao hiệu quả thực hiện.
1.3. Trong việc quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, phải vận dụng các chế độ kế hoạch hoá khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, thực hiện phương thức ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là hợp đồng) với các chủ nhiệm chương trình, đề tài, dự án và các cơ quan chủ trì tương ứng. Cần chú ý tới các biện pháp đảm bảo hiệu quả kinh tế, khuyến khích tinh thần và vật chất.
1.4. Khi xác định các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án trong chương trình, cần áp dụng nguyên tắc công bố công khai và tuyển chọn dân chủ (nếu có từ 2 đơn vị trở lên đăng ký xin thực hiện). Danh mục các đề tài, dự án trong chương trình phải được Uỷ ban Khoa học Nhà nước phê duyệt; hàng năm sẽ xem xét và điều chỉnh việc thực hiện các đề tài, dự án đang thực hiện, loại bỏ các đề tài và dự án không có điều kiện thực hiện hoặc không có hiệu quả thiết thực, bổ sung các đề tài và dự án mới nếu thấy cần thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu khoa học và công nghệ đề ra.
1.5. Sau khi kết thúc thực hiện công trình, từng đề tài và dự án phải được đánh giá, nghiệm thu trước Hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cấp Nhà nước và thanh lý hợp đồng. Từng chương trình phải được tổng kết, đánh giá, nghiệm thu, thanh lý và báo cáo với Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Chủ nhiệm chương trình, đề tài, dự án có trách nhiệm mở sổ sách theo qui định, đăng ký các đề tài, đăng ký kết quả của các đề tài, dự án và báo cáo thống kê định kỳ đầy đủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ theo qui định hiện hành. Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và kiến nghị áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.
1.6. Mỗi chương trình có một ban chủ nhiệm chương trình phụ trách và có tài khoản riêng. Chủ nhiệm chương trình là cán bộ khoa học và kỹ thuật, có trình độ chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực chuyên môn của chương trình, có uy tín trong hoạt động khoa học và công nghệ, có năng lực tổ chức và quản lý, có điều kiện tham gia và giành ít nhất 30% quĩ thời gian theo chế độ lao động của mình cho hoạt động chỉ đạo và quản lý chương trình.
Ban chủ nhiệm chương trình có từ 3 đến 5 cán bộ khoa học kỹ thuật và có cơ cấu như sau: 1 chủ nhiệm, 1 uỷ viên thư ký và 2 đến 3 uỷ viên khác. Trong trường hợp cần thiết, có thể cử thêm phó chủ nhiệm trong số các uỷ viên này. Ngoài ra, còn có 1 cán bộ phụ trách công tác kế toán của chương trình (không là thành viên của ban chủ nhiệm chương trình).
II. XÂY DỰNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NHÀ NƯỚC.
2.1. Khi xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cần chú ý tới các tiêu chuẩn lựa chọn những đề tài, dự án như sau:
1. Có ảnh hưởng quyết định hoặc có tác động lớn đối với việc giải quyết những nhiệm vụ kinh tế quốc dân bằng những chính sách kinh tế, xã hội và các thành tựu khoa học và công nghệ;
2. Có tính chất liên ngành rộng lớn;
3. Giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất và sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chiều sâu, phát triển tiềm lực sản xuất; tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; nhanh chóng phát triển và mở rộng áp dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại; đổi mới phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh; xây dựng luận cứ khoa học và đề xuất các chủ trương, chính sách quan trọng;
4. Giải quyết những vấn đề quan trọng nhất cần đi trước một bước để tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao theo các hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta.
2.2. Chương trình phải được soạn thảo cho thời gian kế hoạch 5 năm để đạt được mục tiêu và nội dung chủ yếu của chương trình đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Tuy nhiên, mỗi đề tài, dự án trong chương trình nói chung chỉ nên thực hiện trong thời gian không quá 2 đến 3 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt đòi hỏi phải có đủ thời gian quan trắc, thử nghiệm...), thậm chí có thể rút xuống tới 1 - 1,5 năm đối với một số đề tài nhằm nhanh chóng tạo ra những biện pháp, cơ chế mới trong các lĩnh vực quản lý hoặc nhanh chóng tạo ra những công nghệ mới cần thiết cho phát triển kinh tế quốc dân.
2.3. Để đảm bảo việc thực hiện, mỗi chương trình phải có một thuyết minh tổng quát. Trong thuyết minh tổng quát cần nêu rõ:
- Mục tiêu của chương trình.
- Danh mục, nội dung và biện pháp thực hiện các đề tài, dự án.
- Danh mục các sản phẩm khoa học và công nghệ sẽ tạo ra, dự kiến về yêu cầu khoa học, chỉ tiêu chất lượng cần đạt, nhu cầu kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường.
- Dự kiến kinh phí thực hiện các đề tài, dự án trong chương trình.
Cần chú ý không đưa vào chương trình những đề tài mang tính chất thăm dò, không có các sản phẩm khoa học và công nghệ cụ thể hoặc không gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội cần ưu tiên. Các dự án sản xuất thử - thử nghiệm cần xuất phát từ kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu - phát triển, chuyển giao công nghệ hoặc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nằm trong hướng phát triển của chương trình, phải có thị trường và tiêu thụ được sản phẩm của dự án tạo ra.
2.4. Nội dung các thuyết minh đề tài, dự án cần được soạn thảo đầy đủ theo các biểu mẫu 01-KHCN (biểu R), 02-KHCN (biểu R-D), 03-KHCN (biểu P) của Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành.
3.1. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn tới, Uỷ ban Khoa học Nhà nước xây dựng danh mục các chương trình khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995 trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, trong đó chọn ra một số chương trình quan trọng nhất tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách và hướng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trọng điểm, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên, các kỹ thuật mũi nhọn và công nghệ cao. Những chương trình này do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp quản lý. Những chương trình khác, Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý thông qua các bộ, ngành.
3.2. Việc quản lý và thực hiện toàn bộ các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước được tiến hành theo nguyên tắc sau:
3.2.1. Căn cứ vào danh mục, mục tiêu và nội dung các chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991 - 1995 đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước tổ chức tuyển chọn, bổ nhiệm chủ nhiệm chương trình, các thành viên khác trong ban chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình.
3.2.2. Uỷ ban Khoa học Nhà nước quyết định danh mục các đề tài, dự án và các yêu cầu khoa học, chỉ tiêu chất lượng, sản phẩm khoa học và công nghệ... của đề tài và dự án thuộc từng chương trình; thông báo các thông tin này cho các nhà khoa học và cơ quan khoa học, các trường đại học, các xí nghiệp... thuộc các lĩnh vực có liên quan biết để đăng ký xin được thực hiện. Đơn đăng ký xin thực hiện cần gửi đến Uỷ ban Khoa học Nhà nước và chủ nhiệm chương trình trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thông báo. Trên cơ sở đó, chủ nhiệm chương trình tổ chức tuyển chọn chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
3.2.3. Để việc tuyển chọn được nghiêm túc và chính xác, theo đề nghị của chủ nhiệm chương trình, Uỷ ban Khoa học Nhà nước sẽ thành lập các Hội đồng Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) cho từng chương trình để tư vấn cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước và chủ nhiệm chương trình lựa chọn chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài. Hội đồng này sẽ tự giải thể sau khi làm xong nhiệm vụ.
3.2.4. Người (cơ quan) đăng ký thực hiện đề tài phải trình bày và bảo vệ trước Hội đồng thuyết minh đề tài và các dự định tổ chức thực hiện đề tài của mình để Hội đồng xem xét và đánh giá.
3.2.5. Trên cơ sở kết quả tuyển chọn và đề nghị của chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước sẽ quyết định chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài.
3.2.6. Căn cứ vào mục tiêu và nội dung của chương trình, chủ nhiệm chương trình xây dựng chính thức thuyết minh tổng quát của chương trình, các chủ nhiệm đề tài xây dựng chính thức thuyết minh đề tài. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước xem xét và phê duyệt thuyết minh tổng quát của chương trình và các thuyết minh đề tài.
3.2.7. Để thực hiện chương trình, đề tài và dự án, sẽ áp dụng phương thức ký kết hợp đồng:
a) Uỷ ban Khoa học Nhà nước ký kết hợp đồng với chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình để thực hiện chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý trực tiếp.
b) Uỷ ban Khoa học Nhà nước cùng với bộ chủ quản của cơ quan chủ trì chương trình ký kết hợp đồng với chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình để thực hiện chương trình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quản lý thông qua các bộ, ngành.
c) Chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình ký kết hợp đồng với các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học (R) hoặc đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D).
d) Uỷ ban Khoa học Nhà nước ký kết hợp đồng với cơ quan chủ trì dự án sản xuất thử - thử nghiệm để thực hiện dự án (P).
Việc quản lý và thực hiện hợp đồng được tiến hành theo qui định của Uỷ ban Khoa học Nhà nước về phương thức ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đối với các dự án sản xuất thử - thử nghiệm, phải tuân thủ các qui định của Uỷ ban Khoa học Nhà nước về phương thức thực hiện dự án sản xuất thử - thử nghiệm.
3.2.8. Uỷ ban Khoa học Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế và đào tạo trên đại học cho các cơ quan, các cán bộ khoa học và kỹ thuật thực hiện các đề tài trong Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước.
3.2.9. Theo định kỳ 3 tháng một lần và hàng năm, Chủ nhiệm chương trình phải báo cáo bằng văn bản cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước (qua Vụ Quản lý chuyên ngành và Vụ Tổng hợp Kế hoạch) và bộ chủ quản của cơ quan chủ trì chương trình (qua Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật) tình hình và kết quả thực hiện chương trình so với hợp đồng đã ký kết. Theo định kỳ 6 tháng một lần và hàng năm, Uỷ ban Khoa học Nhà nước cùng với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra việc thực hiện chương trình và đề tài so với hợp đồng đã ký kết và so với kế hoạch.
Hàng năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện các chương trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Khi kết thúc, sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu chương trình cũng như đề tài và dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước ra quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước để đánh giá, nghiệm thu chương trình, đề tài, dự án.
3.2.10. Trong mọi trường hợp xem xét, tuyển chọn, ký kết hợp đồng, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu... đều phải có sự tham gia hoặc chứng kiến của Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật thuộc bộ chủ quản của cơ quan chủ trì chương trình, đề tài và dự án (sau đây gọi tắt là bộ chủ quản).
3.2.11. Hàng năm, Uỷ ban Khoa học Nhà nước cùng với bộ chủ quản xem xét đề nghị của chủ nhiệm chương trình về việc áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống những thành tự khoa học và công nghệ của chương trình tạo ra. Việc áp dụng này sẽ được thực hiện bằng dự án sản xuất thử - thử nghiệm nếu cần phải qua giai đoạn sản xuất thử, hoặc sẽ kiến nghị đưa vào sản xuất chính thức nếu đã ổn định về công nghệ sản xuất.
3.3. Chủ nhiệm chương trình có trách nhiệm và quyền hạn:
- Phân công, tổ chức lề lối làm việc, nội dung sinh hoạt, hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình.
- Tổ chức tuyển chọn chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì đề tài theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học Nhà nước và đề nghị Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước quyết định cử chương trình đề tài và cơ quan chủ trì đề tài đã được tuyển chọn.
- Tổ chức xây dựng thuyết minh tổng quát chính thức của chương trình, các thuyết minh đề tài thuộc chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình và tổ chức thực hiện. Đề xuất các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc đình chỉ, huỷ bỏ đề tài, dự án và kế hoạch thực hiện khi cần thiết.
- Thực hiện những qui định và chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học Nhà nước về quản lý chương trình; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức tuyển chọn, xây dựng các thuyết minh đề tài, dự án, kế hoạch thực hiện, ký kết hợp đồng với các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài; quản lý tài chính của chương trình; kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài trong chương trình, tổng kết, đánh giá và nghiệm thu chương trình.
- Tuỳ theo yêu cầu cụ thể của từng nhiệm vụ trong chương trình, có thể thành lập Hội đồng khoa học và Công nghệ của chương trình với chức năng tư vấn lâu dài hoặc ngắn hạn cho chủ nhiệm chương trình. Thành phần Hội đồng có thể gồm 10 - 15 người, chủ yếu là các nhà khoa học có chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực cần tư vấn. Danh sách Hội đồng do Chủ nhiệm chương trình đề nghị và Uỷ ban Khoa học Nhà nước ra quyết định thành lập.
- Tổ chức các hội thảo khoa học hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ quan trọng của chương trình, vào việc xác định phương hướng chiến lược phát triển ngành chuyên môn cụ thể hoặc đề xuất các nhiện vụ khoa học và công nghệ mới. Kiến nghị các dự án sản xuất thử - thử nghiệm.
- Đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài, đối với các thành viên của ban chủ nhiệm chương trình và cơ quan chủ trì chương trình.
- Lập báo cáo theo chế độ qui định, thanh quyết toán các hợp đồng, thanh lý các đề tài trong chương trình và thanh lý chương trình khi kết thúc.
3.4. Chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm và quyền hạn:
- Tổ chức xây dựng thuyết minh chính thức của đề tài, dự án và kế hoạch thực hiện.
- Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung và tiến độ trong thuyết minh, kế hoạch thực hiện đề tài và các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, được quyền bố trí sử dụng kinh phí cấp cho đề tài, dự án để thực hiện các nội dung đã được phê duyệt và có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đó; đảm bảo đạt trình độ khoa học và công nghệ tốt nhất của các kết quả tạo ra, xúc tiến tiếp thị và nhanh chóng áp dụng các kết quả đạt được vào thực tế.
- Thực hiện đầy đủ chế độ đăng ký đề tài, đăng ký kết quả đạt được của các công trình (tại Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia). báo cáo thống kê định kỳ tình hình thực hiện, các kết quả đạt được và tình hình sử dụng kinh phí cho chủ nhiệm chương trình, bộ chủ quản (qua Vụ Quản lý Khoa học và Kỹ thuật) và Uỷ ban Khoa học Nhà nước (qua Vụ Quản lý Chuyên ngành và Vụ Tổng hợp Kế hoạch).
3.5. Bộ chủ quản của cơ quan chủ trì chương trình, đề tài, dự án có trách nhiệm và quyền hạn:
- Chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ của chương trình, đề tài hoặc dự án được giao. Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Khoa học Nhà nước trong việc tổ chức quản lý, ký kết hợp đồng và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, đề tài và dự án.
- Đưa các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan trong chương trình vào kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của bộ.
- Tạo điều kiện thuận lợi về hành chính và tổ chức, huy động các phương tiện vật chất kỹ thuật, tài chính cần thiết để phối hợp thực hiện các đề tài, dự án trong chương trình; đặc biệt cần nhanh chóng tổ chức áp dụng các kết quả được vào sản xuất và đời sống để góp phần nâng cao các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và trình độ công nghệ của sản xuất và sản phẩm, phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội.
3.6. Cơ quan chủ trì chương trình, đề tài hoặc dự án có thể là cơ quan nghiên cứu - phát triển, quản lý, đào tạo hoặc sản xuất (viện nghiên cứu - phát triển, trường đại học, xí nghiệp...). Cơ quan chủ trì có trách nhiệm và quyền hạn:
- Tạo các điều kiện thuận lợi về hành chính, tổ chức phương tiện vật chất kỹ thuật để hỗ trợ việc thực hiện chương trình, đề tài, dự án.
- Được sử dụng các kết quả tạo ra của chương trình, đề tài, dự án có liên quan và một phần phương tiện vật chất kỹ thuật dùng cho việc thực hiện chương trình, đề tài, dự án sau khi đã kết thúc theo qui định của Nhà nước và quyết định của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
4.1. Kinh phí thực hiện các chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước đều nhận từ Uỷ ban Khoa học Nhà nước thông qua cơ chế ký kết hợp đồng và được cấp phát như sau:
- Uỷ ban Khoa học Nhà nước cấp kinh phí của chương trình (không kể dự án sản xuất thử - thử nghiệm) cho chủ nhiệm chương trình/cơ quan chủ trì chương trình theo hợp đồng đã ký kết. Chủ nhiệm chương trình cấp kinh phí của đề tài cho chủ nhiệm đề tài/cơ quan chủ trì đề tài theo hợp đồng đã ký kết.
Uỷ ban Khoa học Nhà nước cấp kinh phí của dự án sản xuất thử - thử nghiệm cho chủ nhiệm dự án/cơ quan chủ trì dự án theo hợp đồng đã ký kết.
4.2. Chi phí về hợp tác quốc tế liên quan tới việc thực hiện chương trình và đề tài được tính trong chi phí chung thực hiện chương trình và đề tài, chi phí đó có thể được xem xét điều chỉnh và bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
4.3. Trong quá trình thực hiện chương trình, đề tài dự án, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chủ trì cần huy động tối đa các nguồn vốn của mình để tạo điều kiện cần thiết thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ này.
4.4. Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho chương trình, đề tài, dự án và qui định cụ thể các khoản chi phí liên quan tới việc quản lý, kiểm tra, thử nghiệm và đánh giá, nghiệm thu chương trình, đề tài, dự án và kinh phí cho việc khuyến khích vật chất.
V. MÃ SỐ CỦA CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐỀ TÀI
Mã số của một chương trình được biểu thị bằng 2 chữ cái và 1 con số gồm 2 chữ số.
Các chữ cái biểu thị lĩnh vực khoa học và công nghệ, được ký hiệu như sau:
- KX - Khoa học xã hội;
- KT - Khoa học tự nhiện, điều tra cơ bản, môi trường;
- KN - Nông, lâm, ngư nghiệp;
- KC - Kỹ thuật - công nghệ (công nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng...);
- KY - Khoa học y dược.
Con số biểu thị số thứ tự của chương trình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tương ứng.
Mã số của một đề tài được biểu thị bằng mã số của chương trình có đề tài đó và viết thêm 1 con số gồm 2 chữ số biểu thị số thứ tự của đề tài trong danh mục các đề tài được Uỷ ban Khoa học Nhà nước phê duyệt thuộc chương trình đó.
Giữa các phần chữ cái và các con số được ngăn cách nhau bởi 1 dấu chấm.
| Đặng Hữu (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 1060/THKH năm 1991 hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991-1995 do Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 1060/THKH năm 1991 hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1991-1995 do Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Ủy ban Khoa học Nhà nước |
Số hiệu | 1060/THKH |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Đặng Hữu |
Ngày ban hành | 1991-10-01 |
Ngày hiệu lực | 1991-10-16 |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
Tình trạng | Hết hiệu lực |