SỞ GIAO DỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 618/QĐ-SGDVN | Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2022 |
TỔNG GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;
Căn cứ Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán;
Căn cứ Quyết định số 757/QĐ-BTC ngày 01/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-SGDVN ngày 20/01/2022 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành Quy chế thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-HĐTV ngày 26/8/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc thông qua nội dung Quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam;
Theo đề nghị của Trưởng ban Quản lý thành viên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Trưởng Ban Tổng hợp Hành chính, Trưởng ban Quản lý thành viên, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các bên liên quan tham gia hòa giải tranh chấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
HÒA GIẢI TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN GIỮA CÁC THÀNH VIÊN CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 618/QĐ-SGDVN ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc hòa giải tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Những tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán do thành viên đề nghị nhưng đang được một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận thì không thuộc phạm vi giải quyết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
2. Quy định này áp dụng đối với các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, các đơn vị thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội khi tham gia vào quá trình hòa giải.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ, viết tắt
1. Sở GDCK Việt Nam: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
2. Sở GDCK Hà Nội: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
3. Sở GDCK TP. HCM: Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Thành viên: Thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
5. Thành viên yêu cầu hòa giải: là thành viên có đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
6. Thành viên được yêu cầu hòa giải: là thành viên liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán với thành viên yêu cầu hòa giải và được thành viên yêu cầu hòa giải đề cập trong đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp.
Việc hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở GDCK Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc sau:
1. Khách quan, công bằng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, lợi ích chung và tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Việc hòa giải là tự nguyện và bất cứ thành viên nào cũng có thể rút khỏi quá trình hòa giải vào bất kỳ thời điểm nào trước khi ký biên bản hòa giải bằng cách thông báo bằng văn bản cho Sở GDCK Việt Nam và các thành viên tham gia hòa giải.
3. Sở GDCK Việt Nam thành lập Hội đồng hòa giải để làm trung gian hòa giải. Hội đồng hòa giải có vai trò trung lập, thúc đẩy quá trình hòa giải và không có thẩm quyền ra quyết định về vấn đề hòa giải.
4. Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình thực hiện hòa giải là tiếng Việt, nếu có phát sinh yêu cầu ngôn ngữ khác thì các thành viên tự thu xếp phiên dịch. Ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt hoặc tiếng Việt được chuyển dịch hoặc thông qua phiên dịch chỉ có tính tham khảo, cung cấp thông tin.
HỘI ĐỒNG HÒA GIẢI VÀ CÁC THÀNH VIÊN THAM GIA HÒA GIẢI
Điều 4. Thành lập Hội đồng hòa giải
1. Hội đồng hòa giải do Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam quyết định thành lập khi phát sinh vụ việc hòa giải. Hội đồng hòa giải tự động giải thể sau khi chấm dứt hòa giải.
2. Trình tự thành lập Hội đồng hòa giải được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy định này.
3. Hội đồng hòa giải có tối thiểu 05 thành viên gồm:
- Chủ tịch: Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam;
- Phó Chủ tịch: Trưởng Ban Quản lý thành viên hoặc Trưởng Ban chuyên môn liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán có tranh chấp;
- Thành viên: Các cán bộ của các ban có liên quan của Sở GDCK Việt Nam; cán bộ của Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội có liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán có tranh chấp;
- Thư ký: Chuyên viên Ban Quản lý thành viên .
Điều 5. Trách nhiệm Hội đồng hòa giải và Chủ tịch Hội đồng hòa giải
1. Hội đồng hòa giải có trách nhiệm:
a) Đại diện Sở GDCK Việt Nam thực hiện hòa giải tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở GDCK Việt Nam;
b) Chuẩn bị và tổ chức hòa giải theo quy trình tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy định này.
2. Chủ tịch Hội đồng hòa giải có trách nhiệm:
a) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng hòa giải;
b) Quyết định việc tổ chức, hoãn, chấm dứt hòa giải theo quy định tại Điều 11, 12, 13 Quy định này;
c) Báo cáo Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam về kết quả hòa giải sau khi chấm dứt hòa giải.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng hòa giải
1. Trao đổi, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải.
2. Tôn trọng thỏa thuận của các thành viên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
3. Hội đồng Hòa giải không được có quyền lợi hay lợi ích liên quan tới các thành viên tranh chấp.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của thành viên tham gia hòa giải
1. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu hoãn hoặc chấm dứt hòa giải.
2. Trực tiếp hoặc cử người đại diện hợp pháp tham gia phiên hòa giải.
3. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.
4. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ việc; cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan.
5. Tôn trọng Hội đồng hòa giải, quyền của các bên có liên quan.
6. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.
1. Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên, thành viên có nguyện vọng đề nghị Sở GDCK Việt Nam làm trung gian hòa giải, gửi Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quy định này và các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp cho Sở GDCK Việt Nam.
2. Trường hợp tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết của Sở GDCK Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở GDCK Việt Nam nhận được Đơn, Sở GDCK Việt Nam gửi thông báo cho thành viên được yêu cầu hòa giải kèm theo bản sao Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp, các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp.
3. Trường hợp tranh chấp không thuộc phạm vi giải quyết của Sở GDCK Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở GDCK Việt Nam nhận được Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp của thành viên, Sở GDCK Việt Nam có văn bản từ chối hòa giải tranh chấp cho thành viên và nêu rõ lý do.
Điều 9. Xác nhận thực hiện hòa giải
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Sở GDCK Việt Nam gửi thông báo cho thành viên được yêu cầu hòa giải, thành viên có trách nhiệm xác nhận chấp thuận hay từ chối hòa giải bằng văn bản cho Sở GDCK Việt Nam.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản từ chối hòa giải của thành viên hoặc quá thời hạn theo quy định khoản 1 Điều này mà Sở GDCK Việt Nam không nhận được văn bản trả lời của thành viên được yêu cầu hòa giải thì việc hòa giải không được thực hiện.
Trường hợp các thành viên chấp thuận hòa giải, việc chuẩn bị hòa giải được thực hiện như sau:
1. Hội đồng hòa giải tìm hiểu sự việc, gặp gỡ, trao đổi với các thành viên tham gia hòa giải nhằm hỗ trợ cho các thành viên đạt được giải pháp cho vấn đề tranh chấp. Trường hợp không thể tiếp xúc cùng lúc với các thành viên tham gia hòa giải, Hội đồng hòa giải có thể gặp gỡ và trao đổi riêng biệt với từng thành viên. Hội đồng hòa giải sẽ thông báo cho thành viên tham gia hòa giải khác về các cuộc gặp gỡ, trao đổi riêng biệt này.
2. Yêu cầu các thành viên có trách nhiệm hợp tác, cung cấp tài liệu, bằng chứng cho Hội đồng hòa giải để đảm bảo Hội đồng hòa giải thực hiện một cách hiệu quả nhất trong vai trò trung gian hòa giải.
3. Sau khi hoàn thành việc trao đổi, gặp gỡ với các thành viên, Hội đồng hòa giải sẽ thông báo cho các thành viên về thời gian và địa điểm tổ chức phiên hòa giải.
Điều 11. Tổ chức phiên hòa giải
1. Phiên hòa giải chỉ diễn ra khi có sự tham dự đầy đủ, hợp lệ của tất cả các thành viên tham gia hòa giải. Thành viên tham gia hòa giải phải cử người đại diện tham gia phiên hòa giải theo nguyên tắc sau:
a) Người đại diện phải là người theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thành viên;
b) Ngoài người đại diện theo quy định tại điểm a khoản này, các đối tượng khác có thể tham gia phiên hòa giải khi được sự chấp thuận của tất cả các thành viên tham gia hòa giải.
2. Nội dung của phiên hòa giải
a) Hội đồng hòa giải tóm tắt lại các vấn đề tranh chấp cần hòa giải trước các thành viên tham gia hòa giải
b) Đại diện các thành viên trao đổi, bổ sung làm rõ nội dung vụ việc tranh chấp cần hòa giải (nếu cần);
c) Hội đồng hòa giải đề xuất phương án hòa giải để các thành viên tham gia hòa giải xem xét, thương lượng và chấp thuận. Các thành viên tham gia hòa giải có thể đề xuất phương án giải quyết tranh chấp khác để cùng Hội đồng hòa giải xem xét, thương lượng và chấp thuận.
3. Trường hợp hòa giải thành công, các thành viên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đạt được ghi trong biên bản hòa giải thành công. Trường hợp hòa giải không thành công, các thành viên có thể lựa chọn phương thức khác để giải quyết tranh chấp và được ghi rõ vào biên bản hòa giải.
1. Phiên hòa giải được hoãn khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Một trong các thành viên được thông báo vắng mặt. Trường hợp vắng mặt lần thứ hai mà không vì sự kiện bất khả kháng thì chấm dứt hòa giải;
b) Khi một hoặc các thành viên không thể tham dự phiên hòa giải vì lý do bất khả kháng hoặc tại phiên hòa giải người được đại diện cho thành viên không đúng theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Quy định này;
c) Theo yêu cầu của các thành viên tham gia phiên hòa giải.
2. Khi hoãn phiên hòa giải, Sở GDCK Việt Nam thông báo cho các thành viên tham gia phiên hòa giải.
3. Thời gian hoãn phiên hòa giải do Sở GDCK Việt Nam quyết định và không quá 07 làm việc kể từ ngày ra thông báo hoãn phiên hòa giải.
Việc hòa giải chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Một hoặc các thành viên không đồng ý tiếp tục hòa giải hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo về việc hòa giải.
2. Các thành viên tự hòa giải hoặc thống nhất với các phương án do Hội đồng hòa giải đề xuất.
3. Các thành viên không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch.
4. Khi một trong các thành viên nộp hồ sơ khởi kiện vụ việc ra tòa án hoặc đang trong quá trình giải quyết của tòa án hoặc yêu cầu một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận và xử lý.
Điều 14. Chế độ bảo mật thông tin
Sở GDCK Việt Nam và các thành viên tham gia hòa giải cam kết không công bố, giới thiệu hoặc sử dụng những ý kiến, kiến nghị, đề xuất hoặc kết quả thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải để thực hiện vào những mục đích bất lợi cho các bên hoặc dùng cho mục đích khởi kiện tại tòa án, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
1. Hội đồng hòa giải và các thành viên tham gia hòa giải có trách nhiệm thực hiện theo quy định này
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các thành viên phản ánh cho Sở GDCK Việt Nam để phối hợp giải quyết.
3. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này do Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam quyết định sau khi được Hội đồng Thành viên thông qua./.
QUY TRÌNH HÒA GIẢI TRANH CHẤP ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG HÒA GIẢI, CÁC ĐƠN VỊ THUỘC SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
(kèm theo Quy định Hòa giải tranh chấp của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành theo Quyết định số 618/QĐ-SGDVN ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam)
2.1. Tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp
Ban Quản lý thành viên tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp từ thành viên theo mẫu tại Phụ lục 02 Quy định này.
Trường hợp tranh chấp không thuộc phạm vi xử lý của Sở GDCK Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hòa giải, Ban Quản lý thành viên trình Tổng Giám đốc gửi văn bản từ chối làm trung gian hòa giải và nêu rõ lý do. Ban Quản lý thành viên lưu hồ sơ.
2.2. Thông báo cho bên được yêu cầu hòa giải
Trường hợp tranh chấp thuộc phạm vi xử lý của Sở GDCK Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở GDCK Việt Nam nhận được Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp của thành viên, Ban Quản lý thành viên trình Tổng Giám đốc dự thảo văn bản gửi cho thành viên được yêu cầu hòa giải thông báo về đề nghị hòa giải tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở GDCK Việt Nam kèm theo 01 bản sao đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp, các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc (nếu có).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Sở GDCK Việt Nam gửi thông báo cho thành viên được yêu cầu hòa giải, thành viên có trách nhiệm xác nhận chấp thuận hay từ chối hòa giải bằng văn bản cho Sở GDCK Việt Nam. Trường hợp từ chối tham gia hòa giải hoặc quá 15 ngày làm việc mà không nhận được văn bản trả lời của thành viên được yêu cầu hòa giải thì vụ việc được kết thúc, Ban Quản lý thành viên trình Tổng Giám đốc dự thảo văn bản thông báo tới thành viên yêu cầu hòa giải và lưu hồ sơ. Trường hợp nhận được xác nhận chấp thuận tham gia hòa giải, Ban Quản lý thành viên thực hiện các bước tiếp theo.
2.3. Thành lập Hội đồng hòa giải
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Ban Quản lý thành viên nhận được văn bản chấp thuận tham gia hòa giải từ thành viên được yêu cầu hòa giải, Ban Quản lý thành viên trình Tổng Giám đốc thành lập Hội đồng hòa giải.
2.4. Chuẩn bị hòa giải:
2.4.1. Chủ tịch Hội đồng hòa giải phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng hòa giải:
a) Phó Chủ tịch Hội đồng hòa giải: chỉ đạo và giám sát tiến trình xử lý vụ việc, làm việc với các thành viên, cùng với các thành viên tham gia góp ý phương án hòa giải và báo cáo Chủ tịch Hội đồng hòa giải;
b) Thành viên Hội đồng hòa giải: nghiên cứu hồ sơ, tham gia góp ý phương án hòa giải;
c) Thư ký Hội đồng hòa giải thực hiện những công việc sau:
- Tìm hiểu sự việc, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với các thành viên hoặc đại diện các thành viên nhằm hỗ trợ các thành viên trong việc đạt được giải pháp cho vấn đề tranh chấp của mỗi thành viên. Trường hợp không thể tiếp xúc cùng lúc với các thành viên, có thể gặp gỡ và trao đổi riêng biệt với mỗi bên hoặc đại diện mỗi thành viên;
- Yêu cầu thành viên cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ;
- Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu tài liệu với các ban nghiệp vụ hoặc cơ quan liên quan trong trường hợp cần thiết;
- Nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết với Hội đồng hòa giải;
- Tổng hợp, tiếp thu ý kiến từ các thành viên của Hội đồng hòa giải.
2.4.2. Hội đồng hòa giải họp thống nhất phương án hòa giải, xác định ngày hòa giải, gửi thông báo triệu tập tới các thành viên và người làm chứng (nếu cần).
2.5. Tổ chức hòa giải tranh chấp
2.5.1. Kiểm tra tư cách người tham dự:
a) Tại buổi hòa giải, Thư ký Hội đồng hòa giải kiểm tra tư cách pháp lý người tham dự;
b) Nếu một trong các thành viên vắng mặt hoặc cử người đại diện mà không đúng quy định, Hội đồng hòa giải xem xét hoãn phiên hòa giải hoặc chấm dứt hòa giải;
c) Trường hợp hoãn phiên hòa giải, Thư ký Hội đồng hòa giải liên hệ với các thành viên, thống nhất ngày tổ chức hòa giải và gửi thông báo triệu tập phiên hòa giải lần 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên hòa giải lần 1 phải tổ chức phiên hòa giải lần 2. Nếu các thành viên không tham dự phiên hòa giải lần 2 thì việc hòa giải chấm dứt.
2.5.2. Tổ chức phiên hòa giải:
a) Phiên hòa giải gồm các bước sau:
- Hội đồng hòa giải tóm tắt lại các vấn đề tranh chấp cần hòa giải trước các thành viên;
- Đại diện các thành viên giải thích, bổ sung nội dung vụ việc (nếu cần);
- Hội đồng hòa giải đề xuất phương án hòa giải để các thành viên xem xét, thương lượng và chấp thuận. Các thành viên tham gia hòa giải có thể đề xuất phương án giải quyết tranh chấp khác để cùng Hội đồng hòa giải xem xét, thương lượng và chấp thuận.
b) Trường hợp các thành viên đạt được thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp hoặc chấp thuận phương án hòa giải được đề xuất, Hội đồng hòa giải lập biên bản hòa giải. Các thành viên tranh chấp thực hiện hòa giải ghi trong biên bản hòa giải.
c) Biên bản hòa giải được lập theo mẫu tại Phụ lục 03 Quy định này và lập thành 03 bản có chữ ký của đại diện Sở GDCK Việt Nam và các thành viên liên quan, mỗi thành viên giữ 01 bản.
2.6. Chấm dứt hòa giải
- Việc chấm dứt hòa giải được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quy định này;
- Thư ký Hội đồng hòa giải lập tờ trình báo cáo Tổng Giám đốc chấm dứt hòa giải;
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các thỏa thuận trong biên bản hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải thông báo bằng văn bản cho Sở GDCK Việt Nam.
2.7. Lưu trữ hồ sơ
Ban Quản lý thành viên tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình hòa giải để lưu trữ theo quy định.
MẪU ĐƠN YÊU CẦU HÒA GIẢI TRANH CHẤP
(kèm theo Quy định Hòa giải tranh chấp của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành theo Quyết định số 618/QĐ-SGDVN ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam)
THÀNH VIÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……/CV | ….., ngày … tháng … năm …. |
ĐƠN YÊU CẦU HÒA GIẢI TRANH CHẤP GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN
Kính gửi: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Chúng tôi, (tên thành viên, mã thành viên, địa chỉ trụ sở chính) có phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam với thành viên.... cụ thể như sau:
1. Tóm tắt nội dung: tóm tắt vụ việc, ngày xảy ra sự kiện tranh chấp, quá trình thương lượng của các thành viên (nếu có); các tài liệu, bằng chứng liên quan đến tranh chấp;
2. Yêu cầu:
Chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cam kết:
- Những tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán trên chỉ đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải, không yêu cầu một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận, xử lý và không trong quá trình hòa giải bằng tố tụng tại tòa án hay trọng tài;
- Tuân thủ quy định về hòa giải tranh chấp cũng như nộp đầy đủ chi phí liên quan đến hòa giải tranh chấp theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
| Đại diện theo pháp luật |
MẪU BIÊN BẢN HÒA GIẢI
(kèm theo Quy định Hòa giải tranh chấp của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành theo Quyết định số 618/QĐ-SGDVN ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam)
SỞ GIAO DỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./BBHG-SGDVN | ……, ngày …. tháng ….. năm ….. |
BIÊN BẢN HÒA GIẢI
I. Thành phần:
1. Thành viên yêu cầu hòa giải:
2. Thành viên được yêu cầu hòa giải:
3. Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng hòa giải) tham gia hòa giải gồm:
II. Nội dung diễn biến hòa giải:
Hôm nay, vào lúc …… ngày/tháng/năm, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các thành viên liên quan ....
Ý kiến của các thành viên như sau:
III. Kết luận: (Hòa giải thành/không thành)
Buổi làm việc kết thúc vào hồi …… ngày/tháng/năm.
Biên bản được lập thành 03 bản: 01 bản gửi Thành viên yêu cầu hòa giải, 01 Bản gửi Thành viên được yêu cầu hòa giải và 01 bản lưu hồ sơ hòa giải tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Thành viên yêu cầu hòa giải | Thành viên được yêu cầu hòa giải |
Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán | Thư ký |
File gốc của Quyết định 618/QĐ-SGDVN năm 2022 quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đang được cập nhật.
Quyết định 618/QĐ-SGDVN năm 2022 quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam |
Số hiệu | 618/QĐ-SGDVN |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Phạm Văn Hoàng |
Ngày ban hành | 2022-08-29 |
Ngày hiệu lực | 2022-08-29 |
Lĩnh vực | Chứng khoán |
Tình trạng | Còn hiệu lực |