Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT ban hành Quy chế bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Phần V. QUY CHẾ CÔNG TÁC MỘT SỐ KHOA
...
17. QUY CHẾ CÔNG TÁC KHOA XÉT NGHIỆM
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Khoa xét nghiệm là cơ sở thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị.
2. Phải bảo đảm an toàn cho các thành viên trong khoa và môi trường xung quanh.
3. Việc quản lý trang thiết bị theo đúng quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Tổ chức cơ sở:
a. Khoa xét nghiệm phải được bố trí ở nơi thuận tiện cho người bệnh nội trú và ngoại trú, bảo đảm các yêu cầu:
- Có nơi chờ lấy bệnh phẩm, nơi nhận bệnh phẩm, nơi rửa chai lọ khử khuẩn.
- Labô huyết học, labô hóa sinh, labô vi sinh.
- Nơi làm việc của trưởng khoa, nơi thường trực.
- Buồng vệ sinh, buồng tắm có đủ nước sạch, nước nóng cho các thành viên trong khoa vệ sinh, tẩy uế trước khi ra về.
b. Việc thiết kế, xây dựng các labô phải bảo đảm các yêu cầu:
- Tường các labô phải ốp gạch men kính chịu acid tới trần nhà.
- Nền nhà cao ráo, thoát nước, lát gạch men màu, nhẵn, không thấm nước.
- Đủ ánh sáng theo quy định, đường điện lắp ngầm trong tường.
- Có cửa thông gió. đối với labô hóa sinh phải có hệ thống “hotte” chụp hút khí thải.
- Mặt bàn xét nghiệm phải lát gạch men kính, chịu acid, có hệ thống chậu rửa, vòi nước sạch lắp ngay tại bàn.
- Hệ thống cống phải kín, thoát nước nhanh.
2. Hoạt động của khoa:
a. Lấy bệnh phẩm và nhận bệnh phẩm:
- Y tá (điều dưỡng) khoa điều trị có trách nhiệm:
+ Lấy bệnh phẩm thường quy của người bệnh nội trú, mang theo phiếu yêu cầu xét nghiệm có ghi đủ các mục quy định và có chữ ký của bác sĩ điều trị giao cho khoa xét nghiệm.
+ Bệnh phẩm có khả năng lây nhiễm phải dán nhãn màu đỏ.
+ Trường hợp xét nghiệm có yêu cầu phân tích chính xác, phải đưa người bệnh tới khoa xét nghiệm trực tiếp lấy bệnh phẩm.
- Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
+ Cung cấp đầy đủ dụng cụ, phương tiện để y tá (điều dưỡng) khoa điều trị lấy bệnh phẩm đúng quy cách.
+ Bố trí viên chức có trình độ chuyên môn kỹ thuật để nhận bệnh phẩm thường quy, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về số lượng, chất lượng, thời gian lấy bệnh phẩm.
- Kỹ thuật viên xét nghiệm thực hiện:
+ Nhận bệnh phẩm thường quy đến 10 giờ sáng hàng ngày đối với người bệnh nội trú.
+ Bệnh phẩm cấp cứu phải nhận ngay, ghi rõ giờ nhận vào phiếu yêu cầu xét nghiệm.
+ Trường hợp cấp cứu, chăm sóc cấp 1, lấy bệnh phẩm tại giường bệnh.
+ Lấy bệnh phẩm tại khoa xét nghiệm cho người bệnh ngoại trú, người bệnh đến khám bệnh.
b. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm:
- Bác sĩ và kỹ thuật viên tiến hành làm các xét nghiệm theo đúng quy định kỹ thuật, ưu tiên các xét nghiệm cấp cứu và tính đặc thù của xét nghiệm cần được làm kịp thời.
+ Thực hiện kỹ thuật phải bảo đảm chính xác, trung thực.
+ Kết quả xét nghiệm phải được ghi rõ ràng, đầy đủ vào phiếu xét nghiệm và sổ lưu theo quy định.
- Trước khi trả kết quả xét nghiệm trưởng labô hoặc viên chức có trình độ kỹ thuật cao nhất có trách nhiệm kiểm tra lại kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp kết quả có nghi vấn phải báo cáo trưởng khoa để đối chiếu với lâm sàng, khi cần phải xét nghiệm lại.
- Trưởng khoa xét nghiệm phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm và ký trước khi trả kết quả cho khoa điều trị. bệnh phẩm còn lại chỉ được hủy sau khi trưởng khoa đã ký duyệt.
- Kỹ thuật viên khoa xét nghiệm trả kết quả xét nghiệm đầy đủ, đúng thời gian quy định vào buổi chiều trong ngày và sáng hôm sau tại khoa điều trị.
- Kết quả xét nghiệm cấp cứu do y tá (điều dưỡng) khoa điều trị trực tiếp đến lấy tại khoa xét nghiệm, chậm nhất không quá hai giờ kể từ khi nhận bệnh phẩm.
- Thực hiện việc thường trực theo quy chế thường trực.
3. Quản lý và sử dụng hóa chất, thuốc thử và thiết bị y tế:
a. Hóa chất và thuốc thử:
- Bác sĩ và kỹ thuật viên khoa xét nghiệm có nhiệm vụ thực hiện việc quản lý và sử dụng hóa chất và thuốc thử theo đúng quy chế sử dụng thuốc.
Đặc biệt chú ý:
- Hóa chất nguy hiểm, độc, ăn mòn, cháy nổ.
- Các sinh phẩm làm thuốc thử phải bảo đảm chống ẩm, chống ánh sáng, chống nhiệt độ thấp.
- Việc bảo quản hóa chất, thuốc thử phải bảo đảm chất lượng, để tránh sai số cho kết quả xét nghiệm.
b. Thiết bị y tế, dụng cụ chính xác:
- Trưởng khoa xét nghiệm bác sĩ và các kỹ thuật viên phải thực hiện quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
- Bác sĩ, kỹ thuật viên khi sử dụng thiết bị, dụng cụ phải đúng mục đích, thao tác nhẹ nhàng, tỉ mỉ, chính xác.
4. An toàn lao động:
a. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tạo điều kiện:
- Trang bị cho khoa các phương tiện bảo hộ lao động.
- Các thành viên trong khoa được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định.
b. Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
- Xây dựng nội quy bảo hộ lao động.
- Tổ chức học tập, hướng dẫn cho bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa và học viên đến thực tập tại khoa. chỉ sau khi được hướng dẫn, học tập và được trưởng khoa đồng ý mới được sử dụng máy.
- Quy định việc quản lý và sử dụng các hóa chất độc, các chủng vi sinh độc, mạnh. các dụng cụ điện, các bình khí nén.
- Trang bị cơ số thuốc và phương tiện dụng cụ cấp cứu.
- Kiểm tra các thành viên thực hiện nội quy, quy chế bệnh viện.
c. Các thành viên làm việc trong khoa phải được:
- Đào tạo sử dụng thành thạo các thiết bị chuyên khoa.
- Trước khi ra về phải tắt nguồn điện bảo đảm an toàn.
- Khi tiếp xúc với các sinh phẩm có khả năng lây bệnh (nhãn đỏ) phải thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Học tập có kiến thức để phòng tránh và cứu người khi gặp trường hợp không may bị bỏng kiềm, bỏng acid, bỏng nhiệt, ngộ độc, giật điện, cháy nổ…
5. Trật tự, vệ sinh và vô khuẩn:
a. Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
- Xây dựng các quy định về việc hủy bệnh phẩm còn lại, xác súc vật thí nghiệm và khử khuẩn các dụng cụ bẩn.
- Đôn đốc, kiểm tra các thành viên trong khoa thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân, quy chế trang phục y tế trong giờ làm việc. hàng ngày phải thay quần áo công tác.
b. Các thành viên trong khoa có nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trật tự nơi làm việc, mọi dụng cụ phải xếp đặt đúng nơi quy định, không dán giấy đóng đinh lên tường nhà. thùng rác phải có nắp đậy.
c. Hộ lý thực hiện hằng ngày lau nền nhà bằng các dung dịch sát khuẩn đối với các phòng xét nghiệm huyết học, vi sinh.
d. Nghiêm cấm:
- Đổ bệnh phẩm còn lại, tiêu bản đã xét nghiệm trực tiếp xuống cống hoặc qua chậu rửa ở bàn xét nghiệm, chưa được xử lý.
- Tiếp khách, ăn uống trong phòng xét nghiệm.